Vai trò của giới Tăng lữ Phật giáo trong xã hội Miến Điện đương đại
vai tro cua
Vai trò của giới Tăng lữ Phật giáo trong xã hội Miến Điện đương đại
Sylwia Gil* - Nguyên Hiệp dịch
Giới thiệu
Những sự kiện gần đây ở Miến Điện, cụ thể là cuộc “Cách mạng Huỳnh y” vào năm
2007 và trận bão Nargis vào năm 2008, đã đặt những nhà sư Miến Điện vào tiêu
điểm của cộng đồng quốc tế. Nhưng đây không phải lần đầu trong lịch sử Tăng đoàn
Miến Điện đảm trách vai trò lãnh đạo vào những thời điểm cấp bách và có thể huy
động nhanh chóng lực lượng của họ để giúp đỡ người dân Miến Điện. Vào năm 1988,
họ đã xuống đường cùng với những công dân khác để kêu gọi cải cách dân chủ và
kinh tế ở đất nước họ. Tương tự, vào năm 2007, các Tăng sĩ đã tham gia vào những
cuộc biểu tình toàn quốc chống lại việc tăng giá nhiên liệu và hàng hóa. Sự ủng
hộ âm thầm lẫn công khai của các Tăng sĩ đã mang lại sự cổ vũ và hướng dẫn đạo
đức cho quốc gia phần lớn theo Phật giáo này. Đối mặt với sự tàn phá và sự thiếu
quả quyết của chính quyền sau cơn bão Nargis liên quan đến việc nhận viện trợ
nhân đạo quốc tế, những Tăng sĩ Miến Điện đã trở thành nhóm có tổ chức duy nhất
có thể đáp ứng kịp thời việc cứu giúp cho những nạn nhân bị tổn thương, cung cấp
cho họ nơi ở và phân phát những vật dụng cơ bản cho cộng đồng của họ.
Cuộc Cách mạng Huỳnh y đã không thành công. Tuy nhiên, đối với một số nhà phân
tích, nó không chấm dứt mà thay vào đó bắt đầu một chương mới trong lịch sử
đương đại Miến Điện, đánh dấu sự xuất hiện một lực lượng xã hội và chính trị
tiềm năng mới, làm tăng hy vọng cho những ai mong muốn có những thay đổi toàn
diện ở Miến Điện. Các Tăng sĩ, đặc biệt thế hệ trẻ, hiểu rõ hơn về sức mạnh và
trách nhiệm của họ đối với quốc gia. Ở Miến Điện, hầu hết những hoạt động độc
lập đều bị ngăn cấm hay bị nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt. Giới Tăng lữ, ngược
lại, được hưởng một mức độ miễn trừ và tự do cao, ví dụ, liên quan đến việc tự
do đi lại (trong và ngoài nước) hoặc những hoạt động xã hội khác, hầu như ở
những khu vực địa phương. Những sự kiện gần đây cho thấy rằng vai trò của họ
trong xã hội không giới hạn nơi việc đảm trách công việc tôn giáo và nghi lễ.
Mặc dù Tăng-già có một tổ chức hành chính hoàn thiện, sự phụ thuộc của một Tăng
sĩ bình thường vào hệ thống hành chính của Giáo hội là rất ít. Ủy ban Sangha
Mahanayaka Quốc gia, tổ chức hành chính cao nhất của Tăng-già Miến Điện, được
thế hệ Tăng sĩ mới xem như là một người trông coi những hoạt động tôn giáo của
chính phủ và duy trì nguyên trạng của nó, chứ không phải là một tổ chức có thẩm
quyền đạo đức dành cho những Tăng sĩ bình thường. Hầu hết những thành viên của
Ủy ban này là những Tăng sĩ cao niên và theo truyền thống, những người được
hưởng những đặc ân cao và những lợi ích vật chất. Họ không có quyền hành thực sự
đối với những vấn đề của Tăng đoàn, bởi vì điều này nằm nơi bàn tay của Ban Tôn
giáo Chính phủ.
Tăng đoàn Miến Điện không đồng nhất và phạm vi hành hoạt của các Tăng sĩ thì đa
dạng. Khi một Tăng sĩ được hiểu là một người từ bỏ cuộc đời, câu hỏi nảy sinh là
vị ấy được phép tham gia vào đời sống xã hội và chính trị của quốc gia ở mức độ
nào. Mục đích của bài viết này là để giới thiệu cho độc giả về xã hội Phật giáo
Miến Điện và đưa ra một vài quan điểm về vai trò của các Tăng sĩ ở Miến Điện
hiện nay.
1. Bối cảnh lịch sử của Phật giáo ở Miến Điện
Những cư dân đầu tiên của Miến Điện có lẽ thuộc nhóm người Đông Nam Á
(Austroasiatic), nhưng họ đã không để lại bất kỳ dấu vết nào có thể lần tìm
được. Họ được thay thế bằng những tộc dân Hán-Tạng, những người đến từ Đông Tạng
vào đầu Công nguyên. Nhóm cổ xưa nhất trong họ được biết đến với những tên gọi
Pyu, Kanran, Arakanese và Thet, những người có thể là tổ tiên của người Chin.
Những nhóm sắc tộc khác là người Talaing (Mon) ở Đông nam và người Karen ở phía
Đông. Những người Shan xuất hiện muộn hơn về sau, vào thế kỷ X.
Những người Pyu thành lập những vương quốc-thành phố (thành bang) ở thung lũng
Irrawaddy. Cũng tương tự như những quốc gia Đông Nam Á khác, những người Pyu
chịu ảnh hưởng sâu đậm tôn giáo và văn hóa Ấn Độ, du nhập vào Miến Điện thông
qua sự di trú và thương mại. Theo Harvey, sự ảnh hưởng văn hóa từ Ấn Độ không
trước năm 300 tr.TL. Tuy nhiên, Ấn Độ giáo có thể đã đến xứ này lâu trước đó.
Theo truyền thống Miến Điện, những người Pyu được xem là những Phật tử sùng tín,
nhưng những khai quật khảo cổ trình ra chứng cứ rằng cả Ấn Độ giáo và Phật giáo
cùng tồn tại. Những thành phố Pyu cổ xưa nhất mang những tên gọi liên quan đến
Ấn Độ giáo (ví dụ: Sri Ksetra, Baitkhano-Visnu). Ấn Độ giáo để lại những dấu vết
của nó nơi những lễ hội hoàng gia, nghệ thuật, luật lệ và chiêm tinh. Một số vị
thần và nữ thần của Ấn giáo cuối cùng trở thành những thành viên của tôn giáo
vật linh bản địa. Mặc dù người Pyu không còn tồn tại, nền văn minh của họ thường
được xem như một phần di sản Miến Điện, bởi Miến Điện đã hấp thụ văn hóa của họ.
Người Miến Điện tin rằng, Phật giáo du nhập vào quốc gia này ngay sau khi Thái
tử Siddhartha Gautama, người sáng lập Phật giáo, giác ngộ thành Phật. Có câu
chuyện kể về hai anh em thương nhân từ Miến Điện trên đường hành trình đã kính
lễ Đức Phật và nhận tám sợi tóc của Ngài đem về phụng thờ. Hai thương nhân này
là những đệ tử tại gia đầu tiên của Đức Phật và là những người đầu tiên quy y
Phật và Pháp, trước khi Tăng-già có mặt. Những sợi tóc này được tôn trí trong
chùa Shwedagon; và nơi này trở thành tài sản quý giá nhất đối với toàn thể nhân
dân Miến Điện, được xem như một biểu tượng tôn giáo và quốc gia. Theo truyền
thống, Phật giáo được cho có bốn lần du nhập quan trọng vào Miến Điện, trong đó
có hai lần du hóa của Đức Phật lúc Ngài còn tại thế. Một huyền thoại của người
Arakan đề cập đến việc viếng thăm của Đức Phật đến nước Arakan, và ở đó Ngài để
lại một bức tượng khắc, về sau được gọi là tượng Mahamini. Hai lần du nhập khác
của Phật giáo liên quan đến những sự kiện được ghi lại trong sử sách; trước hết
là việc vua Ashoka của Ấn Độ gửi phái đoàn truyền giáo với hai Đại sư Sona và
Uttara đến Suvarnabhumi vào thế kỷ III tr.TL, và lần khác liên quan đến công
việc của Buddhaghosa (Phật Âm), một trong những nhà luận giải Phật giáo vĩ đại
nhất (IV-V TL). Người Miến Điện tin rằng ông là một người Mon đến từ Thaton, đã
mang Tam tạng Pāli và những kinh sách khác bằng tiếng Pāli từ Sri Lanka đến Miến
Điện.
Tuy nhiên, trước khi Phật giáo Theravāda có mặt như một tôn giáo của triều đình
và mở rộng sự ảnh hưởng vào dân chúng, đã có những tông phái Phật giáo khác nhau
ở Miến Điện. Trong số đó có một số tín ngưỡng Phật giáo Đại thừa được thực hành,
tương tự những tín ngưỡng được biết đến ở Bengal và Malay Archipelago. Nhóm mạnh
nhất là cộng đồng những Tăng sĩ Ari, mà nó khác đáng kể với phái Theravāda.
Những Tăng sĩ Ari không sống độc thân. Họ rất thành thạo nghệ thuật quân sự,
thực hành tantra, ma thuật, ban phép thuật và giải trừ tội lỗi.
Từ thế kỷ XI, với sự bắt đầu của triều đại Bagan, Phật giáo Theravāda bắt đầu
thịnh hành, tín ngưỡng Ari bị xóa bỏ và Phật giáo Theravāda thâm nhập vào nhiều
khía cạnh của văn hóa Miến Điện. Vua Anawrahta (1044-1077) và đạo sư của ông là
Shin Arahan, một vị Tăng từ Thaton, thực hiện nhiều nỗ lực thanh lọc Phật giáo
và thiết lập Tăng đoàn Theravāda. Sau khi bị vương quốc Mon (với thủ đô ở
Thaton)
khước từ trao Tam tạng, Anawrahta đã tiến hành một cuộc viễn chinh quân sự vào
năm 1057 và theo đó mang về không chỉ kinh điển mà cả những vị Tăng uyên bác,
những nghệ sĩ và chính cả vua Mon là Manuha. Kết quả, vương quốc Bagan đã đồng
hóa văn hóa Mon và sớm trở thành một trung tâm học thuật tôn giáo. Pāli, ngôn
ngữ của kinh tạng Phật giáo, đã trở thành ngôn ngữ thiêng liêng của học thuật và
văn chương, và làm phong phú thêm những ngôn ngữ bản địa. Những người thừa kế
Anawrahta đã tiếp tục công việc của ông; và hầu hết họ là những Phật tử thuần
thành, chẳng hạn như Kyanzittha [1084-1112], người nổi tiếng vì những cải cách
tôn giáo và việc xiển dương Phật giáo ở xứ này.
Sức mạnh chính trị của Bagan suy yếu sau thế kỷ XII. Do sự suy yếu của chính
quyền trung ương, quốc gia bị phân mảnh thành những lãnh địa riêng. Nhưng những
triều đại phôi thai, bất chấp những thời kỳ bất ổn, đã cố gắng trở thành những
nhà bảo trợ và truyền bá Phật giáo, với rất ít ngoại trừ. Giáo thuyết nghiệp của
Phật giáo đã đặt một vị vua vào vị trí cao nhất, khi người ta chỉ có thể trở
thành một vị vua sau khi tích tập nhiều phước đức trong những tiền kiếp. Nhà vua
được tin là Chuyển luân thánh vương (cakkavatin), một vị vua anh minh,
người đặt sự cai trị của mình trên nguyên lý pháp (dhamma). Bổn phận của
ông là phải truyền bá và ủng hộ Phật giáo và bảo vệ dân chúng. Nhà vua cũng được
tin là một vị Bồ-tát.
Học giả Khin Maung Nyunt nhận xét:
Tất cả những vị vua Miến Điện, cho dù là anh minh hay bạo ngược, đều là người
bảo trợ tôn giáo nhiệt thành. Họ là người ủng hộ và bảo trợ Phật giáo, bảo trợ
việc xây dựng những cơ sở tôn giáo để tôn trí xá-lợi. Họ xây dựng những nơi ở
cho chư Tăng, nhà nghỉ cho du khách và người hành hương; họ cho đào giếng, hồ và
kênh để cung cấp nước cho việc sử dụng chung; ngoài ra cũng tu dưỡng và làm
nhiều việc phước thiện khác.
Vai trò của nhà vua là duy trì Phật pháp (sasana) trường tồn, bảo vệ giáo
pháp không bị suy tàn. Nhà vua đề cử người đứng đầu Tăng đoàn, được gọi là
Sasanabaing, và đảm bảo việc lãnh đạo Tăng đoàn thông qua Giáo hội. Đồng thời,
ông cai trị với sự ủng hộ của Tăng đoàn và uy thế của nó.
2. Giới Tăng lữ - từ những người xuất gia tu thiền đến những thành viên tích cực
của xã hội dân sự
Đức Phật dạy từ bỏ thế giới vật chất và thực hành tâm linh để đạt giải thoát
(Niết-bàn). Ngài khuyên đệ tử của mình sống một lối sống mà nó đem lại sự cân
bằng, đó là con đường trung đạo tránh hai cực đoan, chẳng hạn như một mặt tránh
sự tham đắm thiếu kiểm soát vào những thú vui giác quan, và mặt khác tránh sự
khổ hạnh không cần thiết đưa đến làm suy kiệt thân tâm. Việc tu tập giới, định
và tuệ sẽ đưa đến việc chấm dứt tham ái (tanha), điều Ngài xem là nguyên
nhân của khổ đau, của luân hồi bất tận và sự vướng mắc không cùng vào những vấn
đề thế tục. Đức Phật và những đệ tử đầu tiên của Ngài là những du sĩ, sống trong
rừng, ăn “những gì được cho”, mặc giẻ rách được tìm thấy trong nghĩa địa, không
có một nơi ở cố định và cũng không sở hữu thứ gì.
Việc phổ biến Phật pháp ngày càng rộng rãi đưa đến gia tăng số lượng tín đồ, và
việc cần thiết của một kỳ an cư vào mùa mưa là một trong những lý do chính cho
việc thành lập đời sống tu viện. Theo đó những giới luật căn bản dành cho Tăng
đoàn đã xuất hiện. Có 227 giới mà một vị Tăng (theo Nam tông) nên tuân theo...
Trong cuốn cẩm nang “Làm thế nào để làm một Phật tử tốt”, do Ban Hoằng pháp san
định, những bổn phận của Tăng đoàn được định nghĩa như sau:
“Cộng đồng Thánh tăng phục vụ loài người bằng việc thực hành giới luật và phát
triển sự thanh tịnh cao nhất. Họ phụng sự như những bậc Thánh xứng đáng để hàng
tín đồ tôn kính, yêu mến và noi theo. Những Tỳ-kheo Tăng, bằng việc học những
kinh điển nguyên thủy, phụng sự người khác bằng sự gương mẫu, giữ giới và giảng
dạy. Bởi vì họ gìn giữ giáo pháp nguyên thủy được truyền từ thầy đến trò, những
tín đồ sẽ tỏ lòng tôn kính và ủng hộ họ. Họ phụng sự Phật pháp và dân chúng bằng
việc giảng dạy kinh điển, bằng việc học, thực hành và chứng đắc Niết-bàn, là ba
phương diện nơi nhiệm vụ của Tỳ-kheo Tăng, trong quá khứ và hiện tại.”
Hiện nay, khoảng 90% dân số Miến Điện là Phật tử và ước chừng có khoảng 500.000
người đang sống đời xuất gia. Lần đầu tiếp xúc với đời sống Tăng lữ ở Miến điện
có thể khiến ta ngạc nhiên và làm nảy sinh câu hỏi về đời sống Tăng lữ hiện thời
và việc từ bỏ đời sống vật chất. Điều gây chú ý nhất chắc chắn là thái độ tùy
tiện của một số Tăng sĩ. Ở những thành phố lớn, cảnh tượng rất phổ biến là việc
một số Tăng sĩ ngồi trong những quán cà phê, hút thuốc, nhai trầu, xem ti-vi và
đi lang thang không có mục đích rõ ràng. Sự thật khác là họ có một đời sống vật
chất tốt hơn hầu hết những tín đồ tại gia. Tuy nhiên, ta sẽ có một cảm nhận khác
nếu việc tiếp xúc đầu tiên xảy ra ở một trung tâm tu thiền, nơi đời sống tu hành
được kiểm soát nghiêm ngặt và hầu hết Tăng sĩ đều hành thiền, hay ở nơi bất kỳ
trung tâm Phật học nào đó mà ở đó chư Tăng thành thạo tiếng Pāli và Tam tạng. Ở
các ngôi làng, một vị Tăng luôn nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng và
hầu như công việc của họ liên quan đến nghi lễ và việc phục vụ truyền thống. Tuy
nhiên, bất kể họ sống ở đâu và trình độ học vấn của họ thế nào, chư Tăng luôn
nhận được sự kính trọng cao nhất từ xã hội.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, sự kính trọng chung mà họ có được không trực tiếp đến
từ cá nhân vị tu sĩ mà đến từ chiếc y mà vị ấy mặc, thứ đại diện cho Đức Phật.
Các Tăng sĩ có thể không lý tưởng, nhưng họ nỗ lực vì một lý tưởng và điều đó là
quan trọng. Trong văn hóa Miến Điện, có ba hạng người xứng đáng được tôn kính:
trước hết là các nhà sư, sau đó là cha mẹ và thầy giáo. Theo niềm tin của Phật
giáo, được sinh làm người trong vòng luân hồi bất tận là điều cực kỳ khó, và có
gì quan trọng hơn việc trở thành một nhà sư, người gần nhất với sự giải thoát?
Các Tăng sĩ thì không giống nhau và họ đại diện cho mọi thành phần của xã hội.
Động cơ để gia nhập Tăng đoàn của họ có thể khác nhau. E. M. Spiro, trong nghiên
cứu của mình, đã chỉ ra năm thứ động cơ chính khiến một người xuất gia, chẳng
hạn như chán ghét cuộc đời với khổ đau của nó, tránh né lao động, để có một đời
sống dễ dàng, để chứng đắc Niết-bàn, để tích phước và thiện nghiệp hay để truyền
bá và giảng dạy Phật giáo. Mong muốn được học hành khiến người ta xuất xuất gia
cũng nên được thêm vào ở đây. Đa số các sư xuất thân từ các ngôi làng, và họ
không có cơ hội để học tập hay thăng tiến. Trong trường hợp các vị sư lớn lên
trong tu viện từ lúc còn nhỏ, họ không thể suy tính về động cơ của họ vào thời
thơ ấu và họ chỉ học cách thích ứng với đời sống trong chùa. Khi họ đến tuổi 20,
cách sống đó là cách duy nhất họ biết và không nhìn thấy bất kỳ cơ hội hay lý do
gì khác để rời bỏ nó.
Rời bỏ Tăng đoàn về mặt lý thuyết thì dễ dàng, khi chỉ cần tụng đọc một thể thức
cụ thể ở trước sự hiện diện của một người làm chứng. Tuy nhiên, thực hiện sự
quyết định này sau nhiều năm sống đời tu sĩ thường liên quan đến sự chống đối
mạnh mẽ và thất vọng từ gia đình vị sư, do vì uy tín mà gia đình có được nhờ vào
việc gia đình có một thành viên xuất gia. Cũng có thể là, những năm tháng hỗ trợ
vật chất cũng có một tác động tiêu cực và thường gây nên một sự phản ứng quá
mức.
Những Tăng sĩ truyền thống bắt đầu như những người xuất gia tập sự khi vẫn còn
thơ bé, độ tuổi giữa 7 và 14. Họ có thể ở lại chùa từ sau lễ nhập môn (shin-byu).
Tuy nhiên, thường tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của gia đình mà lễ này có được
tổ chức hay không, bởi vì việc thực hiện gây nhiều phí tổn. Gia đình phải trả
chi phí may y áo và những vật dụng cần thiết khác, cúng dường cho chùa cũng như
đồ ăn thức uống cho những khách mời. Buổi lễ này tượng trưng việc từ bỏ đời sống
vật chất của Đức Phật, khi Ngài từ bỏ đời sống tiện nghi của một thái tử để trở
thành một vị du sĩ không nhà. Theo cùng cách ấy, đứa trẻ xuất gia sẽ mặc y phục
của một thái tử, được cho cưỡi trên một con ngựa trắng hay ngồi trên một chiếc
kiệu để đến chùa. Ở đó, cậu bé được cạo tóc, đắp y và được một vị thầy thâm niên
hướng dẫn. Cậu ở trong chùa ít nhất một tuần, và trong thời gian ấy cậu được dạy
những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo. Việc làm này là giai đoạn quan trọng nhất
trong cuộc đời một cậu bé, bởi vì chỉ khi đó cậu mới chính thức trở thành một
phần của cộng đồng Phật giáo và xã hội. Cậu, như được nhấn mạnh, trở thành “một
con người”.
Những nhà sư sống trong chùa từ nhỏ nói chung được kính trọng hơn những người
xuất gia khi tuổi đã lớn, vì họ được xem là “thanh tịnh”: họ không có những trải
nghiệm tình dục, cũng không vướng mắc gánh nặng đời sống gia đình. Nhưng điều
này cũng còn tùy thuộc vào phẩm chất cá nhân, những kỹ năng và động cơ của người
gia nhập Tăng đoàn nữa.
Một số nhà sư, theo sở thích và khuynh hướng của mình, có thể đảm trách một số
công việc chuyên môn. Những người yêu thích nghiên cứu và truyền bá Phật pháp
thì có thể học đến các cấp học cao. Họ về sau trở thành những vị trụ trì hay
giáo thọ ở những ngôi trường đạo, được gọi là Phongyi kyaung; họ cũng có thể
thực hiện nhiệm vụ truyền giáo ở những khu vực xa xôi của đất nước. Những người
quan tâm đến một trường phái thiền cụ thể nào đó có thể được đào tạo làm giáo
thọ dạy thiền và phụng sự cộng đồng ở những trung tâm thiền.
Những vị sư không theo đuổi những cấp học cao thường sống ở một ngôi chùa và
phục vụ cộng đồng bằng những công việc tôn giáo và đời sống hằng ngày hoặc những
việc liên quan đến những lễ lược Phật giáo. Sự thực, bất kỳ sự kiện quan trọng
nào trong đời của một tín đồ tại gia đều đi liền với những nghi lễ tôn giáo,
chẳng hạn như tụng kinh cầu nguyện hay cúng dường cho chùa. Những vị sư sống ở
một ngôi làng cũng thực hiện chức năng là những người thầy và người cố vấn đối
với tín đồ của họ, không chỉ liên quan đến những vấn đề tôn giáo mà cũng tham
gia vào những hoạt động khác của làng.
Khá dễ dàng để trở thành một nhà sư ở Miến Điện và con đường giải thoát mở rộng
với tất cả mọi người. Ta có thể trở thành một vị sư vào bất kỳ ở độ tuổi nào,
bất kể hoàn cảnh sống ra sao. Đó là tại sao việc khái quát hóa Tăng-già là điều
nên tránh.
Một người có thể trở thành một “vị sư tạm thời”. Họ đến chùa sống trong một thời
gian có hạn để thanh tịnh thân tâm, điều được xã hội khuyến khích và đánh giá
cao, khi ngôi chùa là nơi nương tựa sau những bộn bề cuộc sống và thiền định là
liệu pháp cao nhất đối với người dân Miến Điện. Việc người đứng đầu gia đình
sống trong chùa một thời gian và những người còn lại của gia đình cung cấp thức
ăn đồ uống cho vị ấy là điều phổ biến. Người ta cũng tin rằng thiền và xuất gia
có thời hạn là tốt cho những công việc trong tương lai, bởi vì nó giúp người ta
có được phước đức cao nhất. Việc toàn ban của một đơn vị hành chính tham gia tu
tập tại một ngôi chùa trong một vài tuần nhằm để làm việc tốt hơn là điều phổ
biến.
Mặc dù giới luật nghiêm cấm những công việc liên quan đến bóc thuốc, ma thuật,
bói toàn, trừ tà, chọn số xổ số v.v…, những hoạt động này lại hoàn toàn thông
thường với một vị sư và chúng không thật sự bị đa số những tín đồ tại gia xem
thường. Ngược lại, nếu một vị sư thành công, vị ấy có thể trở nên nổi tiếng và
giàu có. Tuy nhiên, những việc làm này có thể không được những vị sư có học chấp
nhận hay bị gạt đi.
Việc gia nhập dễ dàng đời sống xuất gia đã khiến cho ngôi chùa trở thành một nơi
đón nhận nhiều tu sĩ bất hảo, những người trốn tránh trách nhiệm hay sự gian khổ
và thật sự muốn hưởng những đặc ân của đời sống tu sĩ. Trừ những người phạm
những tội nghiêm trọng, còn lại sẽ không bị tẩn xuất khỏi Tăng đoàn. Ta cũng có
thể thường nghe đến việc những công an mật vụ (công an tôn giáo) xâm nhập vào
chùa xuất gia làm sư.
Tóm lại, đời sống giản dị và thanh bần của Tăng đoàn là một lý tưởng phần nào
hiếm thấy hiện nay. Những nhà sư hiện thời khi được hỏi về những nỗ lực của họ
cho việc đạt giải thoát và trở thành một A-la-hán thường trả lời rằng điều đó
khá khó khăn, và họ không chắc là có thể hoàn thành được trong đời sống hiện tại
hay không. Họ thường cho rằng các ba-la-mật cũng quan trọng cho con đường đi đến
Niết-bàn, và vì vậy họ nên thực hiện chúng trước. Họ cố gắng giải thích rằng họ
thực sự là những con người và họ nên được hiểu như vậy. Những vị sư có học nhấn
mạnh bổn phận của họ như là những vị thầy tôn giáo... Họ nghĩ rằng họ nên thích
ứng với thời đại, và họ không phải là những tượng cốt. Là những vị thầy và người
hướng dẫn đạo đức, họ đại diện cho cộng đồng họ sống và làm việc thay mặt người
dân của họ.
3. Trao đổi hỗ tương giữa Tăng đoàn và xã hội thế tục
Tăng đoàn đông đảo không thể tồn tại mà không có sự ủng hộ vật chất từ người tại
gia trong những nhu cầu cơ bản như thực phẩm, chỗ ở và y áo. Những luật lệ đạo
đức dành cho cư sĩ thì đơn giản và tiêu biểu ở nơi năm giới (pancasila):
không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không sử dụng
những chất gây say nghiện. Cũng có một ít bản kinh Phật liên quan đến đời sống
của một vị cư sĩ và quan trọng nhất là kinh Mingala (kinh Phước đức).
Bản kinh bao gồm 38 điều được gọi là “phước đức” hay những hướng dẫn đạo đức đối
với những khía cạnh khác nhau của đời sống, ví dụ như quan hệ xã hội, sống tốt,
giáo dục và kỹ năng, tu tập thiền, tránh điều tội lỗi, sự cao quý, trưởng dưỡng
tâm, đạt Niết-bàn.
Nhưng việc thực hành tôn giáo chính yếu đối với người cư sĩ là cúng dường cho
các nhà sư và phụng thờ xá-lợi. Nhờ vào bố thí, người cư sĩ có thể tích tập
phước đức, nhờ đó mang lại phước báo cho họ ở một trong những kiếp sống tiếp
theo và cuối cùng đưa họ đến gần hơn với giải thoát. Họ cũng có thể đạt được
điều được gọi là “năm lợi ích lớn” trong đời sống hiện tại bằng việc cúng dường
thực phẩm cho chư Tăng, chẳng hạn như thọ mạng lâu dài, sắc đẹp, an lạc, khỏe
mạnh, trí tuệ lớn. Không thực hành bố thí, ta không thể có được sự tiến bộ tâm
linh. Đó là lý do tại sao những sự kiện quan trọng trong đời của một cư sĩ không
thể cử hành nếu thiếu bố thí. Những người bố thí nhiều nhất cũng nhận được sự
kính trọng và có uy tín cao trong xã hội. Giới Tăng lữ, do những lời phát
nguyện, cũng là thành phần quan trọng của xã hội. Bằng cách này, cả hai bên sống
cộng sinh và tùy thuộc vào nhau, vật chất và tâm linh.
4. Chùa là trung tâm của đời sống văn hóa-xã hội trong làng
Chùa trong một ngôi làng là trung tâm của đời sống xã hội. Ngôi chùa được hỗ trợ
nhờ vào nỗ lực chung của toàn thể cộng đồng ngôi làng. Những ngôi chùa ở Miến
Điên luôn là những trung tâm giáo dục dành cho mọi người. Vào thời tiền thuộc
địa, giống như một vài xã hội châu Á khác, xã hội Miến Điện là xã hội mù chữ.
Vào thời thuộc địa (1886-1948), vai trò của những ngôi chùa phần nào suy yếu do
những ngôi trường Thiên Chúa giáo và việc cải cách giáo dục. Nhưng từ sau độc
lập vào năm 1948 và xuyên suốt lịch sử hiện đại của một nhà nước độc lập
đầy bất ổn, các ngôi chùa lại đảm trách vai trò giáo dục. Ở Miến Điện hiện nay,
nhà nước không thể bảo đảm việc giáo dục miễn phí cho tất cả mọi người và do vậy
cố gắng tương thích những trung tâm giáo dục ở chùa đang hiện hữu. Nếu có thể
bảo đảm những tiêu chuẩn cơ bản, những trung tâm này được đăng ký như những ngôi
trường tư thục bên trong hệ thống giáo dục nhà nước và những học sinh của chúng
có thể tham dự những kỳ thi quốc gia. Những ngôi trường ở chùa không chỉ giáo
dục một thế hệ mới các người xuất gia tập sự, mà cũng mở rộng chương trình giảng
dạy cho những đứa trẻ khác. Chúng thường nhận tất cả những trẻ em trong làng
không đủ khả năng theo học ở một ngôi trường công lập hay những em ở xa những
ngôi trường công lập. Giáo dục tại một ngôi trường trong chùa là miễn phí, và
thường được kèm theo những bữa ăn cùng chỗ trọ cũng miễn phí.
Những ngôi chùa Miến Điện cũng là nơi lưu giữ và truyền trao di sản văn hóa Miến
Điện. Những trẻ em được dạy những chuẩn mực đạo đức và trách nhiệm công dân cơ
bản, những quyền và bổn phận xã hội đối với người khác.
Điều gây ngạc nhiên là những ngôi chùa của Miến Điện cũng là nơi nghỉ ngơi và
thư giản. Nó thực sự là một nơi nương tựa dành cho dân làng. Người ta đến chùa
để nghỉ ngơi sau giờ làm việc, cúng dường cho các sư, thiền định hay tìm những
lời khuyên về đạo và đời. Những khu nhà ở chùa thường có chất lượng tốt và cung
cấp thiết bị tốt hơn những ngôi nhà khác trong làng. Có thể rằng (ở một số vùng)
chùa là nơi duy nhất ở trong làng có điện, và thường là có radio hay ti-vi. Nó
là nơi đầu tiên mà ở đó tất cả những tin tức được nhận và phát đi.
5. Tổ chức Tăng đoàn Phật giáo ở Miến Điện và mối liên hệ của nó với nhà nước
Trong lịch sử Miến Điện, người cai trị luôn là người bảo trợ chính và là người
truyền bá Phật giáo, chịu trách nhiệm cho sự trường tồn và thanh tịnh của Phật
giáo. Nhà vua là người bảo trợ cho những kỳ thi Pāli của quốc gia và những nơi
thờ phụng của Phật giáo. Tăng đoàn được nhà vua bảo trợ sẽ trở lại phục vụ vua
bằng những hướng dẫn tôn giáo.
Theo Khin Maung Nyunt, Tăng đoàn có thể kiểm soát người cai trị. Một số nguyên
tắc truyền thống và những thực hành theo tập quán là những biện pháp phòng ngừa
chống lại chủ nghĩa độc tài và sự bạo ngược. Các nhà sư bị cấm tham gia vào
những vấn đề thế tục và chính trị, nhưng họ có thể làm việc như những người cố
vấn. Người đứng đầu Tăng đoàn, Thathannabaing, vị được nhà vua bổ nhiệm, hay
những vị thầy cao quý khác có thể khuyên bảo nhà vua, yêu cầu tha thứ cho một
người bị kết án và đảm đương những công việc vào những lúc thiên tai. Đôi khi
các vị vua giao phó sứ mệnh chính trị cho các sư, như ở trường hợp Mông Cổ xâm
chiếm Miến Điện vào thế kỷ XIV, mà ở đó các sư đã giải quyết sự xung đột một
cách hòa bình. Có một trường hợp nhà sư trở thành vua (Dhammazedi 1453-1472). Vị
này được hoàng hậu Shin Saw Pu (1453-1472) chọn làm người kế vị bà vì trí tuệ
của ông. Nói chung, nhà vua và Tăng đoàn tùy thuộc hỗ tương, hợp tác trong sự
tương kính.
Không có sự ủng hộ mạnh mẽ của nhà vua, Tăng đoàn dễ bị phân rẽ và suy thoái.
Vào thời kỳ thuộc địa, việc thế tục hóa Miến Điện đã khiến cho Tăng đoàn suy
yếu. Những vị Cao tăng đã yêu cầu người Anh chấp nhận những bổn phận tôn giáo mà
những vị cai trị trước đó đã làm như là những người bảo trợ. Nhưng do vì chính
sách không can thiệp vào những vấn đề tôn giáo, việc hồi đáp của Anh phần nào
hời hợt và không đem lại hiệu quả. Sự lơ đễnh này, sự thực, là một trong nhưng
lý do cho việc gia tăng chủ nghĩa dân tộc với một nền tảng Phật giáo mạnh mẽ và
bắt đầu cho phong trào kháng cự.
Vào năm 1906, Hội Thanh niên Phật giáo được thành lập với mục đích đẩy mạnh tinh
thần, ngôn ngữ và văn học dân tộc, Phật pháp và giáo dục nói chung. Vào năm
1920, Hội Thanh niên Phật tử phát triển thành Tổng các hiệp hội Miến Điện mà nó
chủ trương cải cách hiến pháp và tổ chức một cuộc đình công tại Đại học Rangoon
chống lại Đạo luật Đại học mà nó được xem là hạn chế đối với người Miến Điện.
Giới Tăng lữ Phật giáo đảm trách một vai trò tích cực trong phong trào phản
kháng quốc gia. Nổi bật nhất trong số họ là U Wisara và U Ottama, những người áp
dụng chính sách bất bạo động trong cuộc đấu tranh. Vào năm 1930-1932, sư Saya
San lần đầu tiên khởi xướng cuộc phản kháng vũ trang, mà nó trở thành cuộc khởi
nghĩa dân tộc.
Sau độc lập, những chính quyền mới nhận thức rõ vai trò của Phật giáo đối với
việc hợp nhất quốc gia nơi nhà nước mới. Thủ tướng U Nu tổ chức Hội nghị Phật
giáo lần thứ sáu và mới các nhà sư uyên bác nhất từ tất cả các nước Phật giáo
Theravāda đến tụng đọc và biên tập Tam tạng cùng những luận giải. Tuy nhiên,
việc ông tuyên bố Phật giáo là quốc giáo vào năm 1961 đã tạo nên nghi ngờ trong
số những sắc tộc thiểu số Karen và Kachin theo Thiên Chúa giáo và làm tăng thêm
sự thù địch nơi nhà nước liên bang vốn đã suy yếu.
Hiện tại, chính quyền Miến Điện đã học quá khứ trong việc ủng hộ và kiểm soát
Tăng đoàn; họ biết rõ sức mạnh tiềm tàng của Tăng đoàn và sự ảnh hưởng đạo đức
của nó đối với quốc gia. Tuy nhiên, sự cân bằng và kính trọng trước đây dường
như đã suy thoái.
Như được nói nơi cuốn sách hướng dẫn của Ban Tôn giáo, những Tỳ-kheo và những
người xuất gia tập sự ở Miến Điện sống bên trong hệ thống Giáo hội và theo giới
luật thì không phải chịu sự quản lý trực tiếp của chính phủ. Vào năm 1980, chín
bộ phái Phật giáo Miến Điện thống nhất thành một tổ chức. Sau khi bầu chọn một
ngàn người, ba trăm người được bổ nhiệm vào Ủy ban Tác vụ Tăng-già Trung ương và
sau đó 47 thành viên được chọn thành lập Ban Chấp hành của Ủy ban Mahanayaka
Quốc gia. Một trăm vị Trưởng lão (sayadaw) từ những khu vực khác nhau của
đất nước được cơ cấu vào Ủy ban Ovadacariya Quốc gia - ban cố vấn giám sát những
cấp khác nhau của những tổ chức Tăng đoàn…
Chính quyền Miến Điện bảo trợ những kỳ thi Pāli quốc gia và trao các danh hiệu.
Kỳ thi cơ bản - kỳ thi Pāli Pathambyan - có bốn cấp. Để tiếp tục việc học, các
học viên phải tham dự những kỳ thi Dhammacariya, kiểm tra kiến thức của họ về
Tam tạng và họ được trao danh hiệu Sasanadhaja Dhammacariya. Cũng có một kỳ thi
Dhammacariya danh dự, mà nó trao cho học viên danh hiệu Sasanadhaja Siripavara
Dhammacariya. Đối với những thí sinh đặc biệt tài năng, có những kỳ thi
Tipitakadhara (Người mang Tam tạng) dành cho họ. Một thí sinh phải nhớ ít nhất
một trong ba tạng trong thời gian năm năm. Nếu đỗ được ba kỳ thi, vị ấy có được
danh hiệu Tipitakadhara, Tipitakakovida hay Tipitakadhara Dhammabandagarika.
Những thí sinh thành công sẽ nhận được sự kính trọng cao nhất trong nước. Việc
trao danh hiệu đi cùng với việc cúng dường và các buổi lễ. Những vị
Tipitakadhara có được những tưởng thưởng như đi máy bay, tàu thuyền hay xe cộ
miễn phí và họ cũng được chính phủ cúng dường tịnh tài hàng tháng. Tất cả những
lễ này được nhà nước bảo trợ và được tổ chức hàng năm.
Ngoài những kỳ thi được đề cập ở trên dành cho các Tỳ-kheo và những người xuất
gia tập sự, cũng có những kỳ thi Pāli quốc gia với những cấp khác nhau cho những
thành viên của Tăng đoàn, được tổ chức với sự cúng dường từ những Phật tử tại
gia.
Những danh hiệu Abhidhajamahatattaguru và Aggamahapandita được chính phủ trao
tặng hàng năm cho những vị Trưởng lão (sayadaw) xuất chúng. Hai chức danh
mới này được thông báo hàng năm vào ngày Quốc khánh mùng 4 tháng Giêng, và một
buỗi lễ trao chức danh được tổ chức vào tháng Ba. Những vị Trưởng lão này cũng
có thể đi máy bay, tàu thuyền, xe cộ miễn phí và nhận tịnh tài cúng dường từ
chính phủ.
Có hai trường Đại học
Pariyatti Sasana Quốc gia (đại học Phật giáo) ở Yangon và Manlalay, với hệ thống
giảng dạy bao gồm cả truyền thống lẫn hiện đại. Bên cạnh cũng có Đại học Phật
giáo Theravāda Quốc tế.
Chính phủ ủng hộ nhiều ngôi trường Phật giáo, đặc biệt ở những thành phố, nơi có
đến cả ngàn Tỳ-kheo và người xuất gia tập sự chung sống, mà nếu không có sự ủng
hộ từ trung ương chúng không thể tồn tại. Vào năm 1991, một tổ chức mới được
thành lập, Ban Hoằng pháp, với mục đích truyền bá Phật pháp ở trong nước và hải
ngoại.
Sự thật là Tăng đoàn không thể tồn tại mà không có nhà nước, ít nhất không có
những con số như vừa đề cập. Nó dựa vào quyền lực trung ương về vật chất và về
mặt pháp lý trong trường hợp có những tranh cãi dân sự, chẳng hạn như về đất đai
hay tài sản của chùa chiền. Về số lượng tu sĩ và việc tham gia dễ dàng vào đời
sống Tăng lữ, ta chưa thấy được chức năng và vai trò kiểm soát của Tăng đoàn
Mahanayaka Quốc gia. Vấn đề là làm thế nào phục hồi lại thẩm quyền đạo đức của
Tăng đoàn, sự đại diện thực sự của Tăng đoàn và sức mạnh quản lý của nó, để nó
có thể được thừa nhận chứ không phải là một tổ chức con rối thực hiện các quy
định của Ban Tôn giáo Chính phủ.
6. Tăng sĩ Miến Điện và việc tham gia vào chính trị-xã hội gần đây
Theo các chỉ thị của nhà nước, các Tăng sĩ bị cấm tham gia vào những công việc
thế tục.
“Các Tăng sĩ nên tránh xa việc thành lập, tham gia hay ủng hộ bất kỳ tổ chức
Tăng đoàn phi pháp nào mà nó không chấp nhận sự giám sát và sự quản lý của những
tổ chức Tăng đoàn ở những cấp khác nhau.” [Chỉ thị số 83, ban hành ngày 13 tháng
Giêng, 1991]. “Công việc chính trị đảng phái chỉ liên quan đến người thế tục.
Bất kể đảng nào cầm quyền, thành viên của Tăng đoàn phải cố gắng duy trì sự
trường tồn của Phật pháp dưới tổ chức hành chính của đảng đó” [chỉ thị số 83.5).
“Tất cả mọi thành viên của Tăng đoàn sống ở Miến Điện được chỉ đạo tránh tham
gia vào công việc chính trị và lôi kéo đảng phái” [điều 83.6].
Vấn đề về giới luật nảy sinh khi Tăng sĩ tham gia vào những vấn đề xã hội-chính
trị. Theo U. Acara và U. Parami, hai vị thầy dạy luật (vinaya) tại Đại
học Phật giáo Theravāda Quốc tế ở Yangon, trong Vinaya, không có hạn chế trực
tiếp đối với những hoạt động của Tăng sĩ trong những công việc chính trị. Rõ
ràng, theo giới luật, điều tốt nhất đối với Tăng sĩ là tránh xa những vấn đề xã
hội và chính trị, ngay cả giáo dục hiện đại cũng nên tránh, vì nó được xem là
việc thế tục dành cho việc đạt lấy danh lợi thế gian. Có một vài giới liên quan
đến chủ đề này:
1. Một người đang phục vụ cho một vị vua thì không được phép xuất gia nếu không
được sự cho phép của nhà vua.
2. Các Tăng sĩ được phép theo vị vua cai trị nếu người cai trị đó anh minh.
Nhưng cũng có một số trường hợp ở đó Đức Phật tham gia vào những vấn đề xã hội,
hay thậm chí hành động như một người đàm phán. Có sự thỏa hiệp rằng nếu điều gì
vì lợi ích của nhiều người mà không vi phạm nghiêm trọng giới luật thì điều đó
nên làm.
Thường, nơi những vấn đề không có sự giới hạn trực tiếp của giới luật, và khi có
những trường hợp đặc biệt xuất hiện, thì việc giải thích vấn đề là điều cần
thiết. Tăng đoàn Phật giáo nên thảo luận thấu đáo những phạm vi và lĩnh vực mà
người tu sĩ có thể tham gia nơi đời sống chính trị-xã hội.
Việc các Tăng sĩ Miến Điện tham gia vào công việc chính trị đã có một truyền
thống lâu dài từ thời thuộc địa. Tương tự với một số quốc gia Phật giáo khác, có
một hiện tượng được gọi là “Phật giáo nhập thế” hay “phong trào giải phóng”, đề
cập đến những hoạt động tôn giáo ở nơi đời sống chính trị và xã hội. Đối với
quốc gia láng giềng Thái Lan, những nhà cải cách Phật tử sáng chói nhất là
Tỳ-kheo Buddhasa và cư sĩ Ajaan Sulak Sivaraksa - người sáng lập những tổ chức
phi chính phủ khác nhau mà chúng giải quyết những vấn đề về phát triển, giáo
dục, môi sinh v.v… Ajaan Sulak Sivaraksa cũng là người đồng sáng lập “Mạng lưới
Phật tử nhập thế quốc tế”...
Vào tháng Chín năm 2007, cuộc “Cách mạng Huỳnh y” ở Miến Điện là một hành động
tự phát, không có sự phối hợp và cho phép từ những cấp cao nhất của Tăng đoàn.
Hành động bất ngờ và can đảm này cũng bất ngờ đối với phe đối lập. Các nhà sư cố
gắng sử dụng quyền miễn trừ của họ để thúc dục chính quyền xem xét tình hình
kinh tế của người dân Miến Điện và để chống lại việc tăng giá nhiên liệu đột
ngột. Sau những sự kiện bạo lực ở thị trần Pakkoku kết thúc với cái chết của một
nhà sư, những cuộc phản kháng lan ra khắp cả nước. Các nhà sư đã khởi xướng
phong trào Pattaneikkuzana, một sự tẩy chay theo truyền thống được gọi là “Úp
bát”, không nhận cúng dường từ những người phỉ báng Phật giáo. Trong khi đó bốn
yêu cầu chính trị được trình lên chính phủ bởi nhóm Liên minh tất cả những Tăng
sĩ Miến Điện:
1. Hội đồng Hòa bình và Phát triển Liên bang (SPDC) phải xin lỗi các nhà sư cho
đến khi họ thấy thõa mãn và có thể tha thứ;
2. Giảm giá tất cả hàng hóa, giá nhiên liệu, giá gạo và dầu ăn ngay lập tức;
3. Phóng thích tất cả tù nhân chính trị, bao gồm Daw Aung San Suu Kyi và tất cả
những tù nhân bị bắt trong các cuộc biểu tình đang diễn ra về việc tăng giá
nhiên liệu;
4. Lập tức đối thoại với các lực lượng dân chủ cho việc hòa giải dân tộc, để
giải quyết những khủng hoảng và khó khăn mà dân chúng đang đối mặt và chịu đựng.
Cuộc biểu tình kết thúc với một cuộc đàn áp bạo lực của quân đội, với nhiều
người chết, các vụ bắt giữ và một chiến dịch dọn sạch các ngôi chùa, mà chỉ
trong một vài ngày chúng trở nên trống trơn, khi các nhà sư chạy trốn đến các
ngôi làng. Những sự kiện liên quan đến các Tăng sĩ bị chính quyền công khai xem
là một nỗ lực gây bất ổn cho đất nước bởi thành phần đối lập và tác nhân nước
ngoài, mà đây là cách giải thích tiện lợi hơn là thừa nhận rằng việc thể hiện
những quan tâm đó vốn xuất hiện từ bên trong. Phản ứng bạo lực đó mang lại một
sự im lặng những giận dữ lâu dài nơi nhiều người dân Miến Điện. Việc thiếu kính
trọng đối với bộ phận nồng cốt xã hội có một sự ảnh hưởng rất tiêu cực vào uy
tín của chính quyền.
Chính phủ, mà nó sử dụng những hình ảnh tôn giáo trong những phát biểu mỗi ngày,
phản ứng bạo lực chống lại Tăng đoàn, khiến mất đi sự tín nhiệm. Ngoài ra, về
mặt giáo pháp, “phi bạo lực” là nền tảng của Phật giáo. Sau cuộc trấn áp, chính
phủ đã cố gắng cải thiện hình ảnh của mình bằng việc cúng dường hậu hỉ cho Tăng
đoàn và tổ chức nhiều hội nghị và sự kiện Phật giáo, mà ở đó có những diễn viên
chính trị chủ chốt tham gia. Cũng có một tác dụng phụ đáng chú ý: phản ứng bạo
lực đã khiến Phật giáo hồi sinh khuynh hướng xã hội của nó, cũng như đưa đến
những hoạt động chính trị của các Tăng sĩ trong và ngoài nước.
Ở trường hợp khác, sau tàn phá của cơn bão Nargis ở Irrawady Delta vào tháng Năm
năm 2008, với trên một ngàn người chết và mất tích và khoảng hai triệu người
sống sót mất nhà cửa, các nhà sư trở thành một nhóm có khả năng huy động cao.
Trái ngược với sự chậm trễ và mập mờ của chính phủ, mà nó dường như quan tâm
nhiều đến hình ảnh của riêng nó hơn là những hành động có tính xây dựng, các
Tăng sĩ đã đảm trách vai trò lãnh đạo trong việc trợ giúp những người không được
giúp đỡ. Các ngôi chùa trở thành nơi trú ngụ và những trung tâm cứu giúp đối với
những người bị chính phủ hay những người làm công tác cứu trợ quốc tế bỏ rơi.
Giới Tăng lữ đã lấp đầy việc thiếu vắng những tổ chức có ảnh hưởng trong nước,
chẳng hạn như những tổ chức phi chính phủ. Họ tiếp cận những khu vực xa xôi và
bị bỏ rơi, phân phối viện trợ, thành lập những bệnh viện tạm thời và trại mồ
côi. Như nhiều người nhận thấy, vai trò lãnh đạo của các Tăng sĩ vào những thời
điểm cấp bất này rõ ràng nâng cao vị thế của họ và trao cho họ cách thể hiện
tiếng nói chính trị của mình. Ngoài ra, sự phê bình công khai chính phủ từ bên
trong đất nước xuất hiện, như trường hợp của Sitagu Sayadaw U Nanissara.
7. Về một vai trò tích cực hơn của chư Tăng trong xã hội
Việc dấn thân và tham gia tích cực của một Tăng sĩ vào đời sống xã hội hay chính
trị có thể gây nên tranh cãi do vì mục đích tôn giáo của họ là tìm kiếm sự giải
thoát tinh thần. Nhưng dường như rằng, đối với nhiều người thuộc thế hệ trẻ hơn,
việc dính dáng đến đời sống xã hội là không thể tránh khỏi bởi tầm quan trọng
của họ trong cộng đồng và nhiều bổn phận mà họ đảm trách. Thêm nữa, vào những
thời điểm cấp bách, dường như rằng không hề có nhóm nào khác ở xã hội Miến Điện
mà nó thích hợp, linh động và được người dân chấp nhận hơn các Tăng sĩ. Ngay cho
dù hoạt động chính trị có thể gây nên tranh cãi, thì những hoạt động đem lại sự
an bình được chấp nhận miễn là chúng không trái ngược với giới luật.
Có một ít Tăng sĩ trẻ, những người du học và thuyết giảng ở nước ngoài, có sự
tiếp xúc gần hơn với thế giới bên ngoài và có cơ hội mở rộng viễn kiến của họ.
Họ nhận thức rõ hơn về sự kém phát triển của đất nước họ mà nó bị gây ra bởi sự
cô lập, thiếu tiếp nhận những phương tiện thông tin, và họ nhận ra sự tác động
của đói nghèo đè nặng lên người dân của họ. Họ tận tâm hơn với việc làm lợi ích
người khác. Mặc dù giải thoát trong Phật giáo không đòi hỏi phải thông qua việc
làm từ thiện, người ta vẫn có được phước đức từ việc làm đó. Giáo pháp Phật dành
cho sự giải thích sinh động về những vấn đề xã hội. Các Tăng sĩ tiếp cận dân
chúng và chủ đề thuyết giảng được mở rộng. “Cuộc Cách mạng Huỳnh y” đưa nhiều
người hơn đến các ngôi chùa để nghe “điều gì là đúng”. Vai trò của chư Tăng vào
những thời điểm nguy nan rõ ràng chứng minh tầm quan trọng của họ như một nhóm
tích cực, có được sự kính trọng, dễ huy động và tiếp cận mọi người. Ở Miến Điện
người ta thường nhấn mạnh rằng “quyền uy nhất là các sư”. Đúng vậy! Họ thực sự
ảnh hưởng tích cực xã hội mà họ sống. Câu hỏi đặt ra là nếu sự hồi sinh hiện tại
có thể phát triển thành một phong trào có tổ chức và tiêu biểu hơn, nơi mà Tăng
đoàn nhập thế có thể hình thành những định chế và xác định lĩnh vực hành hoạt
của họ. Điều này tùy thuộc vào việc tham gia của những vị sư tài trí và được
kính trọng.
Ta có thể nói rằng chương trình giảng dạy truyền thống và việc thiếu giáo dục cơ
bản ở những lĩnh vực khác chẳng hạn như kinh tế hay chính trị đã không cho phép
chư Tăng đảm đương vị trí cố vấn. Tuy nhiên, họ vẫn rất gần gũi với quần chúng
và sự gian khổ của người dân, và như được chứng minh ở trên, họ sống hoàn toàn
phụ thuộc và cộng sinh với những người hỗ trợ họ. Sự thực, ở Miến Điện, khó để
tìm ra những nhà hòa giải tốt hơn và những quan chức được kính trọng hơn những
thành viên của Tăng đoàn, và tiếng nói của chư Tăng có thể có giá trị và lợi ích
cho cả chính quyền và dân chúng.
* Chuyên gia về Đông Nam Á và Phật giáo Theravāda, Warsaw, Poland.
Nguồn: burmese-buddhas.com