Tha thứ: Một phương thuốc giúp an bình
tha thu mot
Tha thứ: Một phương thuốc giúp an bình
Chân Hiền Tâm
Tha thứ,
là bỏ qua lỗi lầm cho một ai đó.
Nên khi nói đến tha thứ là nói đến lỗi lầm và tổn thương. Tha thứ
có liên quan mật thiết đến lỗi lầm và việc làm tổn thương một ai đó. Tha nhân đã
gây tổn thương cho bạn hoặc bạn đã làm gì lỗi với tha nhân, và tha thứ
được nói đến, như một liều thuốc an thần cho cuộc sống của mình và người.
Theo Wikipedia.org, trong một bối cảnh nhất định nào đó, tha thứ không
chỉ là một khái niệm thuộc tâm lý hay đức hạnh như đã nói trong y học, khoa học
xã hội hay trong các tôn giáo mà là một thuật ngữ pháp lý để xác nhận hay từ bỏ
mọi khiếu nại về khoản nợ, khoản vay, nghĩa vụ hoặc những yêu cầu khác. Đây
không bàn tha thứ ở khía cạnh này, chỉ nói ở khía cạnh tâm lý và đức
hạnh.
Vì sao xảy ra lỗi lầm và tổn thương?
1/ Vì tư tưởng và quan niệm không đồng:
“Tôi thật thất vọng khi thấy các vị trong BHD mà vô tổ chức như vậy”. Một số em
đã thấy rất khó chịu về lời nói ấy. Với tôi, nhóm từ “vô tổ chức” không có gì
nặng nề. Nó diễn tả đúng thực trạng mà các em đang vấp phải. Kế hoạch được chính
các em lập ra, thảo luận qua nhiều lần, nhất trí thống nhất, được trình lên
người trên và quan trọng là đã được người trên phê duyệt và chỉ dạy. Tiêu chí
của BHD từ trước đến giờ vẫn là “Những gì đã nhất trí trình lên, người trên đã
đồng thuận và cho lời chỉ dạy thì phải theo đó mà làm, không được thay đổi nữa”.
Việc này đã được tuân thủ nghiêm ngặt ngay từ khi BHD được thành lập. Tuy vậy,
vào phút cuối kế hoạch này bị phá vỡ, không vì lý do đột xuất mà vì một kế hoạch
khác đã được âm thầm lập ra song song với kế hoạch đó, một kế hoạch đã được đưa
ra bàn thảo cùng lúc với kế hoạch chung của BHD, nếu các em không tự hủy nó, kế
hoạch đó vẫn được chấp nhận song song với kế hoạch chung và trình lên người
trên. Tuy vậy, trước mặt BHD, kế hoạch đã bị hủy bỏ. Mà thật ra vẫn được âm thầm
lưu giữ cho tới phút chót. Có một sự dối nhẹ trong quá trình làm việc mà không
ai nhận ra.
Đứng trong một tập thể nhưng lại không tuân thủ những gì tập thể đã đề ra, tự
thị quyết định mọi việc theo ý mình, nên nói “vô tổ chức”. Đứng trong một tổ
chức mà không tuân thủ những gì tổ chức đã đề ra, gọi là vô tổ chức. Đơn giản
chỉ là vậy. Nhưng với các em, đó là một nhóm từ rất nặng, như kiểu nhục mạ các
em. Các em không thể chấp nhận dù tôi đã giải thích ý nghĩa của mấy từ “vô tổ
chức”. Sự tổn thương xảy ra ở đây là do tư tưởng của tôi và các em không đồng.
Nói theo Phật giáo, vì căn cơ chúng ta không như nhau, nên chúng ta không thể
hiểu nhau. Có thứ với người này thấy bình thường nhưng với người kia lại thấy
bức não. Tổn thương xảy ra.
Trong cuộc sống này khó mà tránh được các việc tương tự, khi có quá nhiều tư
tưởng khác nhau nhưng lại phải đối diện với nhau trong một gia đình, một tập thể
hay một xã hội. Nếu không có sự hiểu biết hay tha thứ hiện diện
thì khó mà tạo thành một tổ hợp an bình.
2/ Vì cái thấy không như nhau:
Cũng từ việc không đồng tư tưởng hay quan niệm đó mà nảy sinh những cái thấy
không như nhau. Trên cùng một cảnh mà người thấy thế này, kẻ thấy thế khác.
Những cái thấy ấy có thể đúng cũng có thể sai, nhưng đa phần là trật đường rầy.
Vì muốn thấu hiểu một sự việc với nhiều tình tiết ly kỳ khi mình không phải là
kẻ trong cuộc, là việc rất khó, khó tránh được nhầm lẫn. Do cái vọng thấy ấy mà
xảy ra tình trạng lỗi lầm và gây tổn thương cho nhau.
Việc chấn chỉnh tính vô tổ chức ấy, người ở vị trí như tôi hay người có đồng
quan niệm với tôi thì cho cách hành xử của tôi là nên. Bởi tuân thủ kỷ luật là
thứ luôn cần thiết để một tập thể tồn tại vững mạnh. Càng quý hơn nếu nó được
xây dựng trên tinh thần thông cảm và hiểu biết. Đứng ở mặt đạo giáo mà nói, việc
ghép mình vào kỷ luật của tập thể cũng là việc cần thiết giúp bào mòn cái tôi,
làm giảm bớt ý phân biệt trong mỗi người. Đó là bước đầu giúp các em ý thức về
việc đặt lợi ích của tập thể trên lợi ích của mình, đặt ý muốn của tập thể trên
ý muốn của chính mình, tập các em thuận lòng trong vui vẻ. Lại, việc tuy không
lớn, nhưng nếu không dứt khoát ngăn ngừa ngay, sẽ là cái nhân đưa đến những cái
quả không hay về sau. Có thứ gì to lớn mà không bắt nguồn từ những cái nhỏ nhặt?
Chính vì coi thường và cho nó nhỏ, mới có cái quả to lớn về sau, không còn cơ
hội để sửa chữa. Đó là lý do vì sao thứ gì bỏ qua được thì nên bỏ qua để không
xảy ra tình trạng căng thẳng trong một tập thể, nhưng những gì thuộc về tính kỷ
luật và vô tổ chức thì không thể không chấn chỉnh. Phải chấn chỉnh ngay.
Người không cùng quan điểm với tôi thì họ cho là tôi cố chấp, cứng ngắt, chuyện
nhỏ xíu mà cũng bày ra cho ồn náo. Có người còn lầm lẫn giữa việc tôi nói ra và
tôi phiền não: Vì tôi phiền não, mọi việc không theo ý tôi mà tôi nói ra, không
phải vì lợi ích chung mà tôi làm việc đó. Khi tôi phân tích lỗi của một ai đó
cũng có nghĩa là tôi đang rất ghét người đó, tôi quên hết những điểm tốt mà
người đó đã có v.v… và v.v… Rất nhiều ý kiến hiện ra dù việc đó không liên quan
gì đến họ. Đó không phải là nhân cách của kẻ học đạo nhưng lại là chuyện bình
thường ở thế giới này. Đa phần tâm thức người đời đều như thế. Thấy lõm bỏm trên
hình thức và kết luận rất chắc chắn về bản chất của một sự việc. Đa phần vẫn
nghĩ “sở tri đi liền với phiền não” mà không hề biết “sở tri có thể xuất hiện mà
không đi kèm phiền não”. Ta có thể chỉ ra lỗi của một ai đó để giúp hoàn thiện
một tổ chức mà không dính gì đến thương ghét.
Khi bạn không phải là A, không phải là B mà thiên hạ kết luận bạn là A, là B rồi
đi thông báo với toàn thế giới về kết luận đó, thì có hai việc xảy ra: sai lầm
và tổn thương. Sai lầm thuộc về người nhận định và tuyên bố. Tổn thương thuộc về
đối tượng bị nhận định (nếu đối tượng đó không đủ định tĩnh và hiểu biết để bình
thường hóa mọi việc). Nhiều người đã tự vẫn vì không chịu nổi những ồn náo về
mình.
3/ Vì thói quen từng huân tập:
Một thứ hay tạo lỗi lầm và gây nên tổn thương nữa là thói quen. Thói quen về
tham dục, về bê trễ, buông lung, vô kỷ luật v.v… Một người chồng chung thủy,
rất có trách nhiệm với gia đình, nhưng lại luôn làm người vợ bị tổn thương, chỉ
vì anh ta có thói quen làm đâu quăng đó. Một thói quen không được chấn chỉnh từ
những ngày con bé, cứ thế mà tiếp diễn và được huân tập thành thói quen mấy mươi
năm. Nên dù được nhắc bao lần, anh ta cũng ăn đâu để đó, uống xong không dẹp.
Người vợ cảm thấy bị tổn thương, vì nghĩ chồng không hề quan tâm đến sức khỏe và
nỗi mệt nhọc của cô. Cô không biết rằng, thói quen có lực làm người ta mất tỉnh
giác, không còn ý thức được những gì đang xảy ra trong hiện tại, chỉ có thói
quen làm chủ, không phải do không quan tâm hay không yêu thương cô mà xảy ra
việc đó.
Con nhóc bạn tôi, khá phiền não về việc chồng cứ nhậu và chơi bida suốt dù đã
hứa với vợ không đi nữa. Nhưng ở nhà dăm bữa thì lại thấy biến mất. Không phải
không biết thương vợ, không phải không biết uống rượu bây giờ là sai, nhưng bỏ
thì không bỏ được, vì chưa đủ khả năng để làm chủ thói quen của mình. Một thói
quen đã huân tập hai mươi mấy năm. Khi thói quen bị ngăn chặn thì căng thẳng,
mệt mỏi, khó chịu hiện ra. Để thoát khỏi tình trạng đó, người chồng lại tiếp tục
với thói quen của mình và người vợ không tránh được tổn thương.
Thời Đức Phật, Thần sông Hằng đến khiếu nại với Ngài rằng: Đệ tử Phật, Trưởng
lão Tất-lăng Già-bà-ta, mỗi khi qua sông thường mắng ông “Tiểu tỳ! Dừng lại đừng
cho nước chảy”. Giữa đại chúng, Phật bảo Trưởng lão sám hối. Tất-lăng Già-bà-ta
chắp tay nói với Thần sông: “Tiểu tỳ! Chớ giận, ta nay tạ lỗi với ngươi”. Đại
chúng nghe xong cười, nói: “Tại sao tạ lỗi mà lại mắng nữa”. Phật giải thích:
“Tất-lăng Già-bà-ta đã chắp tay tạ lỗi thành tâm, không có lòng kiêu mạn. Tuy
vậy, do 500 đời gần đây ông sinh trong nhà Bà-la-môn, quen tật cho mình là cao
quý, tập khí ăn nói xưa nay như vậy, nên tuy miệng nói vậy mà tâm không như vậy”.
Trên là nêu bày các nguyên nhân chính khiến xuất hiện những lỗi lầm và tổn
thương mà người trong cuộc không cố ý gây ra. Kẻ tạo tác không hề muốn như vậy.
Chỉ do bị ràng buộc trong một số điều kiện nhất định mà tạo thành xúc phạm và
tổn thương.
Cũng có những lỗi lầm và xúc phạm do cố ý gây ra. Tức đương sự có tâm cố ý xúc
phạm và gây tổn thương người khác vì không làm chủ được cảm xúc của mình.
Tuy cố ý và không cố ý là khác nhau, nhưng xét cho cùng tất cả đều bị ràng buộc
bởi tham, sân, si, là những thứ đã được huân tập trong nhiều đời. Huân tập nhiều
đời nên nó có lực làm mình mê mờ, đủ duyên rồi thì theo đó mà đi, không thể tự
chủ. Tham hiện khởi mà không làm chủ được thì gây xúc phạm và làm tổn thương
người khác. Sân cũng vậy. Hết thảy đều là kết quả của si. Việc đáng tiếc xảy ra
hằng ngày đều bắt nguồn từ ba loại phiền não này. Thành dù là cố ý hay không cố
ý, thảy đều nên tha thứ.
Cần tha thứ vì…
1/ Đời sống con người chỉ là sự nối tiếp của những đoạn nhân duyên
Nhìn cuộc đời bằng vọng tâm, một cái tâm chất đầy chấp thủ và phân biệt, nên
chúng ta không thể nhận ra đời sống của một người chỉ là sự kết nối hoàn hảo của
những đoạn nhân duyên trong quá khứ, giờ đủ duyên thì hiện khởi. Nhân duyên này
mất đi, nhân duyên khác xuất hiện… Đã nói đến nhân duyên thì không hề có chủ tể
để nói đến tự tác. Tạo tác của người này đa phần đều bị ảnh hưởng bởi nghiệp của
người khác tác động. Tức những khổ não mình phải nhận trong đời, không phải do
người mang đến cho mình mà mình có một phần trách nhiệm trong đó. Bởi những gì
có liên quan đến mình trong hiện tại, đều là kết quả của những nhân duyên đã có
từ trước, giữa mình và người. Thấy có xúc phạm và tổn thương, cũng có nghĩa là
mình đã gây tạo cho người những thứ tương tự như thế trong quá khứ. Nếu là
nguyện lực thì mọi thứ chỉ như cỏ xước chân voi khi bạn phải vào ra trong thế
giới cỏ gai. Không có gì để thấy xúc phạm và tổn thương mà cần đến tha thứ.
2/ An vui của chính mình
Theo Wikipedia.org, tha thứ là “quá trình có chủ ý và tự nguyện mà nạn
nhân trải qua sự thay đổi trong cảm giác và thái độ khi phải đối mặt với sự xúc
phạm hay phạm tội, từ bỏ các cảm xúc tiêu cực như báo thù, thề nguyền trả đũa
hoặc trừng trị kẻ đã làm nhục v.v…, dù có thể đó là việc làm hợp pháp hay hợp lý
về mặt đạo đức, với một sự mong muốn tăng khả năng người đã phạm lỗi sẽ tốt
hơn...”. Tha thứ sẽ không được nói đến khi không có sự tổn thương hay xúc
phạm. Chỉ khi có sự tổn thương hay cảm thấy bị xúc phạm xuất hiện, ta mới nói
đến tha thứ.
Thấy tổn thương và bị xúc phạm không phải là những trạng thái an vui nếu không
nói là khổ não. Duy trì tâm thức ấy, bạn sẽ phải đối diện thêm với những thứ như
nguyền rũa, trả đũa, báo thù v.v… Khổ này chưa xong, các khổ khác kéo đến. Tương
lai lại tiếp tục đối mặt với những mối quan hệ tương tự. Vì thế cần nói đến
tha thứ, một phương cách có thể giúp mình an vui trong thế giới này. Một thế
giới mà trong đó ta không ngừng phải đối diện với các mối quan hệ không đồng căn
tánh với mình, cũng không tránh được các mối nghịch duyên thời quá khứ còn đọng
lại. Muốn an vui hạnh phúc, không gì ngoài việc phải tự mình an định lấy mình,
phải tự mình có sự hiểu biết về những gì đang xảy ra quanh mình, mà tha thứ
là việc không thể thiếu trong đời sống của mình.
Một giáo sư đã cho sinh viên của mình thực nghiệm giá trị của việc tha thứ
như sau:
Ông mang vào lớp rất nhiều túi ni-lông và khoai tây, rồi yêu cầu mỗi sinh viên,
nếu không tha lỗi cho ai đó thì hãy chọn một củ, viết tên người đó và ngày tháng
lên, bỏ vào túi ni-lông và được nhận bao đó làm vật riêng của mình.
Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên vô cùng nặng.
Không những thế, thầy còn yêu cầu các sinh viên phải luôn mang túi bên mình dù
đi bất cứ đâu. Tối ngủ cũng phải để túi bên cạnh, làm việc thì đặt trên bàn...
Không chỉ cảm nhận được sự phiền phức từ túi khoai tây, mà bất chợt toàn tâm trí
của các sinh viên đều đổ dồn về những củ khoai ấy.
Chỉ một thời gian ngắn, những củ khoai bắt đầu hỏng và phát ra mùi khó chịu.
Không ai muốn mang nó theo mình nữa, đều muốn trút đi những gánh nặng phiền phức
mình mang theo bấy lâu.
Một ví dụ rất thực tiễn, diễn tả chính xác những gì xảy ra khi bạn không biết
tha thứ hay không thể tha thứ. Tâm trí bạn bị hút hết vào đó, và mọi phiền phức
xảy ra khi bạn ôm chặt các thứ ấy vào lòng.
Bạn đã lỡ dại để giặc cướp vào nhà, giờ muốn an ổn cần phải quăng hết ra. Trong
trường hợp này, tha thứ mang nghĩa “buông”. Buông được thì có an lành.
Đó là lý do chúng ta cần phải biết tha thứ và học cách tha thứ. Tha thứ cho
người, chính là giải phóng cho mình khỏi những ách nạn không đáng có.
3/ Tha thứ cho chính mình
Sự tha thứ không phải chỉ là thứ chúng ta cho đi mà còn là thứ chúng ta tìm kiếm.
Bởi không tha thứ là đầu mối của cản trở, oán thù, không hòa hợp v.v… Dù bạn là
người thế nào, việc đó cũng gây ít nhiều ngăn ngại cho bạn. Vì thế sự tha thứ
của người cũng là thứ khá cần thiết với mình. Muốn vậy, bạn phải tập tha thứ cho
người. Đó là thế cân bằng của luật nhân quả. Thật khó mà được tha thứ khi bạn
không hề biết tha thứ cho ai.
Tôi là người nhận được ân huệ tha thứ từ những người chung quanh rất nhiều. Khi
được tha thứ, cảm giác nhẹ nhàng và biết ơn xuất hiện. Những cảm giác có thể
giúp bản thân thấy cần phải thay đổi, cố gắng thay đổi để không phải rơi vào
tình trạng đáng tiếc. Cho nên, hãy tha thứ để được tha thứ khi mình chưa phải là
người hoàn thiện. Hoàn thiện rồi tha thứ vẫn cần thiết để có thể giúp người khác
chuyển hóa, như câu chuyện sau.
4/ Giúp người khác chuyển hóa
Simon mời Đức Giê-su đến nhà dùng bữa, nhưng lại không thực hiện các nghi lễ
dùng thể hiện lòng nhân từ và hiếu khách của mình. Ông không rữa chân, hôn chào
và đổ dầu thơm lên đầu Đức Giê-su.
Bữa ăn bắt đầu, khách khứa ngồi vào bàn. Trong lúc mọi người đang dùng bữa, một
phụ nữ xuất hiện. Cô có tiếng là người tội lỗi, vì cô là một kỹ nữ. Nhưng cô đã
nghe được lời dạy của Đức Giê-su: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai nhọc nhằn và
nặng gánh, tôi sẽ cho anh em được lại sức”. Vì lòng cảm động, cô đã đến tìm
Ngài.
Cô tiến đến phía Chúa Giê-su, quỳ dưới chân Ngài và khóc. Nước mắt ướt hết chân
Ngài. Cô dịu dàng lấy tóc lau đi, hôn lên đó và lấy dầu thơm mình mang theo đổ
lên, để tỏ lòng biết ơn.
Simon thầm nghĩ: “Nếu Giê-su đúng là nhà tiên tri, ông phải biết người phụ nữ
này là ai, thuộc hạng người nào. Và phải biết cô ta là một người tội lỗi. Sao
lại đối xử với cô ta như thế”.
Biết được tâm ý của Simon, Chúa Giê-su hỏi:
- Một chủ nợ có hai con nợ, một người nợ 500 đơ-na-ri-on và một người nợ 50
đơ-na-ri-on, họ không có gì để trả nên chủ nợ rộng lòng tha thứ cho cả hai. Vậy
trong hai người đó, ai thương chủ nợ nhiều hơn?
Simon trả lời:
- Tôi nghĩ người nợ nhiều.
Giê-su gật đầu, nói:
- Đúng vậy. Ta vào nhà anh, anh không cho ta nước rữa chân, nhưng chị ấy đã dùng
nước mắt rữa chân cho ta. Anh không hôn ta nhưng chị ấy đã không ngừng hôn chân
ta. Anh không đổ dầu thơm lên đầu ta, nhưng chị ấy đã đổ dầu thơm lên chân ta.
Chị ấy đang chứng tỏ chị ấy thật lòng ăn năn về lối sống vô luân của mình. Ta
nói với anh, chị ấy có nhiều tội lỗi nhưng đã được tha, vì thế chị ấy yêu thương
nhiều. Còn người được tha ít thì yêu thương ít.
Một câu chuyện khá thú vị, nói lên tâm hạn hẹp của chúng sinh. Một cái tâm
thường có khuynh hướng khó chịu khi thấy người có quá nhiều tội lỗi được yêu
thương và tha thứ, dù tội lỗi ấy không liên can gì đến họ. Thay vì phải tự tập
cho bản thân sự tha thứ, chúng ta lại khó chịu luôn cho hành vi tha thứ của
người khác. Không hiểu rằng vấn đề không nằm ở việc thiên hạ tội lỗi nhiều hay
ít mà ở chỗ người ta trở nên thế nào sau khi được tha thứ. Đó là việc mà Thánh
nhân quan tâm. Đức Phật cũng nói: “Đời có hai hạng người đáng quý. Một là người
không phạm lỗi. Hai là người phạm lỗi mà biết hối cãi”. Tha thứ nếu có thể giúp
nhân sinh quay đầu thì hãy nên tha thứ.
Trên thực tế có những tha thứ dường như vô ích. Bởi đương sự hối hận xong lại
tái phạm, hết lần này đến lần khác.
Và có khi chúng ta vẫn phải tha thứ, hết lần này sang lần khác.
Đó là vì những lỗi lầm đương sự gây nên thuộc thói quen (tập nghiệp). Thói quen
không phải là thứ muốn thay đổi là thay đổi liền được, cần phải có thời gian.
Quan trọng là đương sự đã có tâm muốn thay đổi. Có tâm muốn thay đổi thì cần có
tâm tha thứ. Dù phải tha thứ đến cả trăm lần cũng phải tha thứ. Có vậy mới có
thể giúp đương sự vượt qua những ngăn ngại của bản thân mà thay đổi. Việc này
đòi hỏi chúng ta phải hiểu rõ về bản chất của thói quen, về thực lực của người
phạm lỗi v.v... Không nắm được tiến trình ấy, khó mà giúp người chuyển hóa.
Tha thứ không có nghĩa là…
Khi nào việc tha thứ cũng cần thiết để đôi bên được an vui. Tuy vậy…
- Tha thứ không có nghĩa là chấp nhận lỗi lầm
Khi bản thân được tha thứ, hãy biết ơn và nên có tâm hổ thẹn. Không nên đồng hóa
“tha thứ” với “chấp nhận”. Khi ai đó tha thứ cho bạn, không có nghĩa là người ta
đã chấp nhận lỗi lầm mà bạn đã gây ra cho họ. Không phải vì họ chấp nhận lỗi ấy
mà tha thứ cho bạn. Không phải. Họ tha thứ vì tâm họ bao dung. Cho nên cần nhận
rõ vấn đề, tránh buông tuồng tiếp tục phạm lỗi. Phải cố gắng vượt qua, không để
tái phạm.
- Tha thứ không có nghĩa là dung túng tội lỗi
Một bé gái 10 tuổi người Việt Nam, bị một vị đại diện phụ huynh người Nhật dâm
ô, rồi bỏ xác ở một con rạch nhỏ. Ai có tâm hướng thiện đều dấy lên sự thương
cảm và phẫn nộ. Gia đình muốn người phạm tội nhận một bản án tương đương với
những gì ông đã làm, đó là tử hình. Nhưng theo luật pháp Nhật Bản, có thể ông
chỉ bị hình phạt cao nhất là chung thân. Gia đình đứa bé không chấp nhận. Để
muốn có hình phạt tử hình, gia đình đã đi khắp nơi xin chữ ký, hy vọng có thể
yêu cầu chính phủ Nhật một bản án tử hình. Người thì đồng tình với việc đó.
Người lại chửi rủa. Kẻ học Phật như mình thì giữ thế trung đạo, không tán thành
cũng không chỉ trích. Vì mình không phải là nạn nhân, không thể có nỗi đau như
họ, thành không thể có ý kiến gì về sự việc. Nhưng vì học Phật, Phật dạy mọi thứ
đều có nhân duyên, oán nên cởi, chớ nên buộc, cần tha thứ để lòng được nhẹ, nếu
không sẽ như vua Lưu Ly, báo thù thành công thì cũng là lúc bản thân rơi vào địa
ngục, thành oán nên cởi chớ nên buộc. Tha thứ cho người chính là để giải thoát
cho mình và người sau này.
Vậy tha bổng cho người phạm tội?
Tùy! Nên tránh thái độ rơi từ cực này sang cực kia mà quên mất con đường trung
đạo, đánh mất tính tùy duyên của pháp. Tha thứ không có nghĩa là dung túng tội
ác. Tha thứ thuộc về tâm. Tội ác, cần được đánh giá bằng cái nhìn của pháp luật.
Vì những hình phạt hiện tại, không chỉ có giá trị giúp chuyển hóa kẻ phạm tội mà
còn mang tính răn đe đối với người chưa phạm tội. Nếu bản án nặng mới có thể
chuyển tải được tính chuyển hóa và răn đe thì dùng bản án nặng. Nếu bản án nhẹ
đủ để chuyển hóa và răn đe thì dùng bản án nhẹ. Pháp nào thấy lợi ích cho xã hội
thì dùng pháp ấy.
Bhaddāli, một Tỳ-kheo của Phật, chỉ phạm lỗi thuộc về bản thân, không mang đau
khổ cho ai, Phật vẫn khuyến cáo: “Nếu ông nhận ra lỗi lầm và như pháp phát lộ,
ta sẽ chấp nhận cho ông. Vì rằng đó là sự lớn mạnh trong giới luật của bậc
Thánh. Như vậy, bất cứ ai sau khi nhận ra đó là lỗi lầm, cần như pháp phát lộ và
phòng hộ trong tương lai”.
Cuối cùng của việc nhận lỗi và tha lỗi, cũng là “phòng hộ trong tương lai”.
Phòng hộ, là không để việc như vậy xảy ra nữa. Đó chính là việc quan yếu trong
vấn đề tha lỗi và sám hối. Không thể tự phòng hộ thì phải nhờ đến pháp luật
phòng hộ giùm. Có vậy, xã hội mới an bình. Không dụng pháp đúng duyên, lòng bao
dung và sự tha thứ sẽ mang lại gánh nặng cho xã hội, đánh mất giá trị đích thực
của tha thứ và bao dung.
- Tha thứ không có nghĩa là phải như ban đầu
Cũng do mặt tùy duyên của pháp mà tha thứ có khi là nối lại một mối quan hệ,
cũng có khi là chia tay vĩnh viễn. Không nhất thiết tha thứ là phải trở về chỗ
ban đầu. Tùy nhân duyên của sự việc mà lấy hay bỏ để sự việc được an bài tốt
nhất. Dù lấy hay bỏ thì tha thứ vẫn là tha thứ. Tha thứ, không nhất quyết phải
là thế này hay thế kia, mà tất cả đều… tùy duyên.
Một cô gái không cảm thấy hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình, vì người mẹ chồng
định đoạt cuộc sống gia đình của cô quá nhiều, còn chồng chỉ là một đứa trẻ chưa
lớn. Cô thấy oán tức vì cách sống hai mặt của mẹ chồng và thấy nghẹt thở vì tính
cách trẻ thơ của chồng. Thành dù con còn rất nhỏ, không muốn con xa cha, cô vẫn
quyết định ly dị bằng mọi cách.
Thoát khỏi ách nạn rồi, nội tâm bình thản trở lại, cô tha thứ tất cả. Biểu hiện
của sự tha thứ là cô không bao giờ nói với con vì sao cô phải giải thể gia đình
nhỏ của mình. Cô sẵn sàng để con được gần gũi bà nội và ba nó như chưa từng có
việc gì xảy ra. Cô cũng dạy con những gì cần thiết cho việc hiếu hạnh. Tuy vậy,
một lời đề nghị tác hợp không bao giờ được chấp nhận. Vì cô hiểu chuyện gì xảy
ra khi cô quay trở lại gia đình đó. Tha thứ, với cô không có nghĩa là
chấp nhận quay lại một con đường đầy chông gai. Gai của ghen tuông và dối trá.
Để tha thứ được trọn vẹn
Một hiện thực là, có những tổn thương dễ dàng bỏ qua, nhưng cũng có những tổn
thương mà dù muốn, tha thứ cũng không xuất hiện. Nó cứ hiện diện đó dù mình
không muốn như vậy.
Một số người, có khi là đa phần, rất muốn thoát gánh nặng của những củ khoai tây
thối, nhưng không thoát được. Cứ phải gánh nó từ năm này sang năm nọ, cho đến
khi hết sức để gánh thì tạm yên đó, nhưng đủ duyên, những tổn thương cũ lại trồi
đầu. Bực bội, uất hận, khổ sở xuất hiện. Đó là kết quả khi ta sống bằng vọng
tâm. Vọng tâm có đặc tính là hay an trụ và chấp thủ. Thương cũng nắm giữ mà ghét
cũng nắm giữ, lấy đó làm nền tảng cho những hiện khởi về sau. May mắn là nó lại
không lìa cái gọi là chân tâm. Chân tâm thì không có tính nắm giữ. Không thương
cũng không ghét. Bình an. Nhưng đa phần chỉ thích nương vọng tâm mà sống, cho
thêm nhiều cảm xúc với đời. Hết thương rồi đến ghét. Hết ghét lại qua thương.
Con đường trung đạo chê không đi. Cho đến khi … gặp việc mới hỡi ôi, buông không
được, rũ không xong.
Nghiện một điếu thuốc trong đời này, bỏ còn khó, huống là cái tật chấp thủ đã
lưu giữ ngàn đời, sao có thể rũ là đi liền được?
Tuy vậy, không phải không có phương cách, không phải không thể buông được.
Vì vọng tâm chỉ là vọng. Huân tập thì nó mạnh. Không huân tập nữa thì nó không.
Vấn đề là ta đã ý thức để buông chưa? Có muốn tha thứ không? Đã đủ khổ để thấy
cần thực hiện tha thứ?
Ý thức rồi thì trước sau gì cũng tha thứ được.
Khi một tư tưởng nào liên quan đến vấn đề đó xuất hiện, bạn phải dẹp nó tức
khắc, không nên để nó tiếp diễn trong đầu. Có người khuyên “không dẹp bỏ mà hãy
quan sát”. Nếu bạn đủ lực quan sát thì cứ quan sát. Chỉ sợ bạn không đủ lực để
làm việc đó như một ghi nhận, mà chỉ khiến tăng thêm cảm xúc khó chịu khi phải
đối diện với những điều mình không ưa. Lại tiếp diễn và huân tập những thứ đáng
nhẽ phải bỏ ra. Vì thế, chủ trương quăng ra khỏi đầu vẫn được cho là phương pháp
tối ưu trong trường hợp này. Song vì huân tập đã lâu nên quăng đi nó lại hiện.
Thì lại quăng tiếp. Cứ thế mà thực hành cho đến khi những tư tưởng ấy không còn
quấy rầy bạn nữa. Đây là một quá trình lâu dài, không phải chỉ vài lần là xong,
thành thấy buông rồi mà chưa hết cũng không cần phải chán nản. Người đời thường
nói cần thời gian để quên là vậy. Thứ gì rồi cũng qua, cũng buông được, nếu bạn
quyết tâm và có tâm trường viễn với nó. Nhà thiền gọi quá trình đó là Chỉ.
Chỉ là dừng lại. Nó là nhân giúp chúng ta đạt Định.
Một thứ không thể thiếu trong quá trình giúp tha thứ là sự hiểu biết. Hiểu biết
về nhân quả, về tiến trình chuyển biến của tâm, về tập khí của một con người
v.v… (như đã trình bày trong phần nguyên nhân tạo ra sai lầm tổn thương nói
trên). Và nhất là đừng coi trọng cái tôi quá. Đừng đặt mình vào vị trí tôn quý
để thấy có sự xúc phạm. Chiếc thùng rác, có thể nhận tất cả mọi dơ bẩn mà không
hề cảm thấy có gì xúc phạm để phải tha thứ. Cho nên, nếu đủ hiểu biết và có thể
vô hiệu hóa cái tôi thì mọi xúc phạm dễ dàng được tha thứ. Bạn sẽ thấy mọi thứ
là bình thường, không còn thấy bị xúc phạm để phải tổn thương mà cần nói đến tha
thứ.
Vua A-xà-thế có người con gái tên Vô Úy Đức, đoan chính và thành tựu công đức
thù diệu tối thắng.
Năm 12 tuổi, cô mang guốc kim bảo, ngồi trên cung lầu, thấy chư Tăng tới mà
không đứng dậy nghinh tiếp, cũng chẳng lễ lạy hỏi han, cứ vậy mà ngồi. Thấy vậy
vua A-xà-thế mới quở. Cô đã dùng hàng loạt ví dụ để trả lời, cuối cùng kết luận:
- Bồ-tát phát tâm thú hướng Bồ-đề vô thượng, ở địa vị sơ phát tâm đã có đại từ
bi, sao lại phải kính lễ hàng Tiểu thừa Thanh văn?
Nghe rõ mọi đối đáp phỉ báng như thế, nhưng Tôn giả Xá-lợi-phất không thấy bị
xúc phạm, cũng không lên tiếng phản bác, chỉ khởi nghĩ đơn giản: “Vô Úy Đức này
được biện tài, có thể diễn nói một cách vô tận, ta nên đến hỏi cô ít lời, xem cô
đã đắc nhẫn chưa?”. Nghĩ rồi cùng Tôn giả Mục-kiền-liên đến hỏi chuyện.
Không coi trọng cái tôi thì không có vấn đề gì xảy ra. Không thấy có xúc chạm và
tổn thương. Không cần nói đến tha thứ.
Sự hiểu biết phù hợp với thực lý như thế, gọi là tuệ. Nhờ trí tuệ này mà tha thứ
không phải là “đè nén thương đau”, cũng không phải là “bỏ qua vì không muốn nhắc
tới”. Trí tuệ này giúp bạn tha thứ một cách trọn vẹn, không để lại dấu vết cho
những đáng tiếc về sau. Nếu sử dụng được trí tuệ này thì chẳng thấy có xúc phạm
hay tổn thương để phải nói đến tha thứ.
Có lẽ đây là việc mà mỗi người chúng ta cần thực tập thường xuyên trong đời sống
của mình. Khi đang được “trân trọng”, chớ tham đắm và dính mắc, chớ để cái tôi
có điều kiện hưng phấn dành hết mọi thị phần của tâm, rồi lan luôn đến cảnh. Cần
chấn chỉnh và bình thường hóa mọi việc. Bởi vạn pháp vô thường, lòng người hay
thay đổi. Khi đủ duyên, tất cả đều có thể dịch chuyển. Nếu ứng dụng được vậy thì
khi bị “phản phé”, bạn mới không thấy bị xúc phạm, mọi thứ chỉ theo quy luật
nhân duyên mà đi.
Pháp hành chủ yếu của thiền môn là phá tâm phân biệt. Chính là để bình thường
hóa mọi ngôn từ và hành vi khác nhau của người đời, không phải ở mặt hình tướng
mà ở mặt bản chất. Một khi nhận ra được bản chất thật của những gì bạn đang đối
diện, mọi thứ trở nên bình thường. Không tồn tại xúc phạm hay tổn thương. Không
cần phải nói đến tha thứ.
Biết ơn cũng là pháp giúp ta dễ dàng tha thứ.
Hãy nhớ đến những gì người khác đã làm cho mình, hơn là “tốt mười việc thì quên,
xấu một việc nhớ đời”.
Nếu có thể thực hành ghi nhớ lòng tốt của người đối với mình thường xuyên,
tha thứ sẽ dễ xuất hiện khi có việc.
Nếu không có việc để biết ơn, hãy quán nhân quả đang chi phối thế giới này trong
từng vật thể nhỏ nhất. Chẳng có một xúc phạm hay tổn thương nào đến với bạn mà
không có nhân duyên. Không kiếp này thì từ những kiếp trước. Tin được thì buông
xả được. An bình nhất định có.