Tha thứ – Hạnh lành trong đạo Phật
tha thu
THA THỨ - HẠNH
LÀNH TRONG ĐẠO PHẬT
Ngài Dalai Lama có dạy rằng: “Khi
có kẻ gây ra tổn thương cho mình thì không nên do dự một chút
nào cả, hãy tha thứ cho họ”. Tha thứ là một hạnh
lành đem lại lợi ích cho cả hai: người được tha thứ nhận được sự hoan hỷ từ
người bị tổn thương, như được tin tưởng trao cho cơ hội để làm mới mình theo
hướng tích cực. Bên cạnh đó, người tha thứ có cơ hội nuôi dưỡng tâm mình trong
pháp thiện. Do vậy, hạnh tha thứ cần phải được nuôi dưỡng với sự chú tâm xuyên
suốt hành trình cuộc sống để đem lại lợi ích cho mình, cho người.
Dễ nói khó làm
Tha thứ cho
một ai đó có nghĩa là bạn không phải đưa vào tâm những hiềm hận vốn không ở
trong tâm mình từ trước. Tha thứ, nghĩa là bạn độ lượng, khoan dung với lỗi lầm
của người khác. Bạn hãy nhớ lại cách Đức Phật dạy chúng ta xử lý vết thương về
thân. Khi bị một người dùng cung bắn bị thương, chảy máu và đau đớn. Việc cấp
bách là bạn cần cấp cứu ngay, nhanh chóng rút mũi tên ra khỏi vết thương, tìm
cách cầm máu, chăm sóc vết thương của chính mình. Thật là sai lầm nếu cứ phải
chịu đựng sự đau đớn không hề can thiệp đến vết thương, mà dõi theo tìm hiểu về
người đã từng làm mình tổn thương, xem họ làm gì, sống ra sao, lại tiếp tục làm
tổn thương người khác thế nào, cũng như các đặc điểm của mũi tên, dây cung...
Nếu cứ theo tìm hiểu những thông tin ngoài lề về người bắn cung, về mũi tên mà
không lo rút mũi tên ra và chữa trị vết thương thì đó là thái độ sống của người
không khôn ngoan (Tiểu kinh Malunkya, Trung bộ kinh số 63). Chữa lành vết
thương về tâm cũng tương tự như vậy. Giải pháp thứ nhất là cách hành xử khôn
ngoan của người biết tha thứ. Sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi và tổn hại nếu
bạn chọn cách hành xử thứ hai. Hãy dùng thuốc tha thứ để sát trùng vết thương,
để hỗ trợ cho tâm bạn tạo “kháng thể” từ bi làm lành vết thương, tăng khả năng
đề kháng đối với những “vi khuẩn” tâm bất thiện như hận thù, trách móc, buồn
đau… đang rập rình chờ xâm nhập.
Tha thứ là một việc làm tốt, ai cũng biết, thế nhưng
không dễ làm chút nào. Ta có thể khuyên người khác tha thứ, bao dung vì
biết rõ điều này đưa đến lợi ích cho nhiều người. Ta nghĩ rằng mình
có thể tha thứ dễ dàng khi chưa “đụng chuyện”, khi chưa bị ai làm tổn
thương ở mức độ phải chịu đựng. Thế nhưng khi xúc cảnh, bản ngã bị chạm
đến, ta cảm thấy nhói đau và sự tha thứ lúc này là cả một thử thách
lớn. Tha thứ là một hạnh lành đáng quý. Nó quý vì khi thực hành tha thứ, nhiều
người được lợi ích, bình an và thanh thản. Hơn nữa, nó quý vì đây là một việc
khó làm. Điều khó làm mà ai làm được thì quả là rất đáng trân trọng và tán thán.
Muốn thực hành hạnh tha thứ, ta cần nhận thức vấn đề theo hướng tích cực nhất có
thể.
Gây tổn thương? Thật ra họ
không cố ý mà!
Nếu chỉ chăm nhìn về một hướng là những nỗi đau
người khác gây cho ta và mình là nạn nhân, ta không thể nào tha thứ được.
Cần phải có một hướng nhìn mới hơn, tích cực hơn dựa trên hiểu biết
và yêu thương thì trí ta mới đủ sáng, tâm ta mới đủ rộng để có thể
tha thứ. Đây là hướng tích cực Đức Phật khuyên dạy ta, các bậc tiền
bối nhắc khuyên ta từ kinh nghiệm thực tiễn của quý vị và gần nhất
là lời khuyên chan chứa ân tình của ngài Dalai Lama. Ngài dạy rằng: “Nếu
nghĩ đến những gì đã thúc đẩy họ hành động như vậy thì quý vị tất sẽ thấy rằng
đấy chính là những thứ khổ đau mà họ đang phải gánh chịu, chứ không phải là do
họ quyết tâm và cố tình làm tổn thương và gây tai hại cho quý vị”.
Để có sự tha thứ thật sự, ta cần thấu hiểu những
nỗi khổ niềm đau của người kia, thấy được những gì họ làm đều có nguyên nhân sâu
xa từ những tập khí không thiện lành, có thể do môi trường sống của người đó tạo
nên mà họ không đủ sức cưỡng lại. Rất có thể đó là hệ quả từ những hạt giống
không mấy tốt đẹp từ ông bà, cha mẹ người đó trao truyền mà họ không có
quyền lựa chọn. Và thật sự họ không muốn làm những điều như vậy, họ không
muốn làm tổn hại đến người khác. Họ là người gây ra những lời nói đó, những việc
làm đó, nhưng họ cũng chính là nạn nhân của chính mình, không hơn không kém. Khi
hiểu và nhìn ra được họ không cố ý, thậm chí họ đã nỗ lực để tránh mà
không được hoặc chưa được, lòng ta vơi nhẹ hơn nhiều. Khi hiểu họ cũng
khổ đau, có thể còn nhiều hơn ta, vì những vụng về của họ, ta dễ dàng
tha thứ hơn.
Tha thứ là hành động có
ý thức
Ngài Dalai Lama dạy tiếp: “Tha thứ là một cách xử sự
tích cực dựa vào sự suy nghĩ, chứ không hề là một việc bỏ qua cho xong chuyện.
Tha thứ là một hành động ý thức, căn cứ trên sự hiểu biết và chấp nhận thực
trạng của những tình huống xảy ra với mình”. Cuộc sống lúc nào cũng
chấp nhận ta, nó chỉ chờ ta tự chấp nhận chính mình và chấp nhận những gì
xảy ra quanh mình mà thôi. Tha thứ không có nghĩa là ta bấm nút lướt qua cho
xong chuyện, hoặc gồng mình gánh chịu tất cả những hậu quả từ việc
làm của người khác trong đau khổ và bất an, hoặc tưởng tượng rằng một ngày
nào đó những nỗi đau trong ký ức đơn giản là biến mất một cách tự nhiên.
Tất cả sự hiềm hận, đau khổ còn nằm nguyên trong tâm thức nếu bạn không tác ý và
nỗ lực chuyển hóa một cách có chủ ý và kiên định.
Tha thứ thật sự có thể làm được và có ý nghĩa khi ta
ý thức được mạng lưới chằng chịt nối liền chập chùng của các nhân và duyên,
của những điều kiện đã đưa đẩy mình và người hành động như vậy. Trên cơ sở
của sự hiểu biết đó, ta sẽ biết thương mình và người khác nhiều hơn và chân
tình hơn. Khi bị người khác xúc phạm, ta cần hiểu chính mình phải có trách nhiệm
khi tạo duyên để họ hành động như vậy. Cần phải tự hỏi: “tại sao với mình mà
không với ai khác?” Thay vì trách móc, ta cần tác ý rằng: bởi lẽ người ấy có
những nỗi khổ niềm đau đang vượt ngưỡng chịu đựng của họ. Vì không an lạc, họ đổ
vấy những vụng về lên ta như một cách giải tỏa nỗi khổ niềm đau chứ rất có thể
họ không hề muốn làm tổn thương ta. Họ đang cần ta gánh bớt giùm một ít sự bất
an cho lòng vơi nhẹ thôi mà. Thấu hiểu trong niềm cảm thông như vậy là bước đầu
tiên để tha thứ và bắt đầu xây dựng lại những gì vừa đổ nát, nối lại truyền
thông. Học cách tha thứ cũng đồng nghĩa với việc nuôi dưỡng tâm lành của chính
mình và dành ân huệ cho người làm ta tổn thương cơ hội để hoàn thiện mình hơn.
Ta chỉ có thể
tha thứ khi tâm đủ bao dung để nhận ra rằng ai cũng có thể mắc phải lỗi lầm,
không lúc này thì khi khác, bản thân ta cũng vậy. Tha
thứ có nghĩa là chấp nhận được sự không hoàn thiện ở người và ở mình và kiên
nhẫn chờ đợi sự nỗ lực và hoàn thiện ở con người ấy. Đây là một hành động đòi
hỏi chúng ta phải có ý thức, sự quán chiếu sâu sắc và đặt mình vào vị trí người
đối diện mới có thể làm được.
Người ta thường nói “đồng bệnh tương lân”, cùng bệnh
biết thương yêu nhau và cảm thông sâu sắc. Xét cho cùng, tất cả chúng ta
đều chưa là người giác ngộ, thì tham, sân, si là “tài sản chung” của
tất cả, dù không ai muốn. Dưới sự tác động và kiềm tỏa của ba món độc
này mà ai đó vụng về làm tổn thương đến ta, thay vì giận hờn trách
móc, ta khởi tâm thương họ như thương chính mình. Khởi tâm thương họ mà
tha thứ; khởi tâm thương họ mà cảnh tỉnh mình; khởi tâm thương họ khi
thấy sự liên hệ mật thiết giữa mình và người, giữa người gây ra tổn
thương và người hứng chịu tổn thương ấy. Nói cách khác, không có tình
thương chân thành thì khó có thể tha thứ cho nhau trong cuộc đời còn nhiều bất
toàn này.
Lợi ích thật nhiều khi tha
thứ
Vì lợi ích của bản thân, vì sự công bằng cho chính
mình, đừng để bản thân bạn chịu thiệt thòi một cách vô lý, thì hãy tha thứ! Tha
thứ là món quà bạn tự trao cho bản thân mình và cho người vụng về đã làm tổn
thương bạn. Khi tha thứ, giận hờn, đau đớn… rơi lại sau lưng, bạn sống trong
hiện tại với tâm thảnh thơi, nhẹ nhàng.
Mỗi khi bị tổn thương, bạn hãy dùng cách quán chiếu
như trên để soi vào tâm mình, dùng lý trí và chánh niệm tác động vào nhận thức,
thái độ sống để có thể mở rộng lòng ra mà tha thứ. Tâm có khả năng mở rộng và
uyển chuyển để được an toàn và bảo vệ với những tác nhân không tốt bên ngoài,
Đức Phật gọi là tâm “nhu nhuyến, dễ sử dụng”. Ai có khả năng làm cho tâm mình
thuần thục như vậy, sẽ làm chủ được tâm và điều khiển theo ý muốn của mình để
chế tác hạnh phúc, an lạc nhiều hơn trong cuộc sống.
Vì sự thanh thản của tâm, hãy tha thứ!
Vì đó là chìa khóa để mở cửa cho đau khổ ra đi, hãy
tha thứ!
Vì đó là nguồn lợi ích và an lạc cho chính mình, hãy
tha thứ!
Vì đó là món quà tặng quý giá cho mình và cho người,
hãy tha thứ!
Vì đó là nơi bạn dừng lại không tạo thêm oán cừu với
người khác, hãy tha thứ!
Vì đó là nơi bạn biết dừng lại để quán chiếu và sám
hối những lỗi lầm xưa, hãy tha thứ!
Vì đó là dịp để bạn lùi lại một tí mà nhìn dòng nhân
quả đang vận hành, hãy tha thứ!
Vì đó là cơ hội để bạn mở rộng lòng yêu thương, hãy
tha thứ!
Vì đó là việc làm được người thiện lành đã làm và
thường tán thán, hãy tha thứ!
Cuộc sống rồi sẽ vui tươi
hơn
Cuộc sống luôn vận hành không ngừng, nhưng vì chưa
thấu hiểu quy luật vô thường này nên chúng ta thường có nhiều định
kiến, chính điều này nhấn chìm chúng ta trong khổ đau do chính mình
tạo ra. Như một cuộn phim sống động, cuộc sống sinh động đầy thú vị,
ta lại có cái nhìn “chụp hình” ở thế tĩnh. Lấy cái tĩnh áp đặt lên
cái động đã là phi khoa học rồi. Như người ngồi trên thuyền đang vận
hành mà đánh rơi thanh kiếm giữa dòng sông, kiếm rơi xuống dòng nước
chảy, thuyền vẫn cứ đi, mà ta lại đánh dấu ở mạn thuyền “kiếm rơi
tại đây” để rồi khi thuyền cập bờ ta cố công tìm thanh kiếm ngay vị
trí đánh dấu ở mạn thuyền thì làm sao có kiếm? Tha thứ là không
“khắc chu cầu kiếm” khi tạo cho người kia cơ hội làm mới tích cực hơn.
Tha thứ là ta biết trân trọng giá trị của giáo dục, nhất là vai trò
của môi trường giáo dục, trong quá trình hoàn thiện con người. Tha thứ
là ta trao cho người từng làm tổn thương mình một niềm tin, một sự tôn
trọng cần thiết để họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Khi chưa hoặc không thể tha thứ, tâm bạn trĩu nặng
như đeo đá! Bạn hận, bạn thù, bạn ghét người đã từng làm mình tổn thương, cũng
có nghĩa bạn cứ phải mang theo bóng hình của người đó trong tâm. Thương ai thì
bạn mang bóng hình người đó trong mọi lúc mọi nơi đã đành, ghét ai thì bạn cũng
luôn luôn lưu giữ hình bóng người đó trong tâm cả khi thức lẫn khi ngủ! Khi mang
vác hình ảnh người mình ghét thường xuyên như vậy, tâm rất nặng nề. Do đó, rất
có thể bạn khó có thể tha thứ người gây ra tổn thương cho mình, vì họ không xứng
đáng để được tha thứ, thì bạn vẫn cứ phải tha thứ cho tâm mình khỏe nhẹ, thanh
thản khi đặt gánh nặng hận thù, giận hờn, trách móc xuống, vì bạn xứng đáng được
bình yên!
Hãy luôn nhắc mình những lợi ích thiết
thực khi bạn tha thứ. Khi có thể tha thứ thật lòng, tình thương như một
chất liệu tự nhiên trong lòng của chúng ta có mặt thật sự. Và sự tha thứ,
tình thương này chính là dòng nước mát mẻ làm lành những vết thương mà người
kia đã làm cho ta đau khổ. Một khi trong lòng không
còn ôm hiềm hận mà tình thương yêu nhuần gội tâm mình và lan tỏa ra môi trường
sống quanh ta, cuộc sống sẽ vui tươi hơn, hạnh phúc sẽ ngập tràn, như Đức Phật
từng dạy:
Vui thay, chúng
ta sống,
Không hận, giữa hận thù!
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù! (Pháp
cú 197)