Ghi nhận về hình ảnh heo (lợn) trong Văn học dân gian Việt Nam

ghi nhan ve

Ghi nhận về hình ảnh heo (lợn) trong Văn học dân gian Việt Nam

Đào Nguyên

Cũng như gà và chó, heo là một trong số các con vật nuôi đã có những gắn bó thân thiết đối với con người trong sinh hoạt gia đình và nơi đời sống xã hội, nhất là số đông người Việt Nam sống ở nông thôn. Thế nên, gà, chó và heo đều hiện diện một cách sinh động trong Văn học Việt Nam, đáng chú ý nhất là nơi Văn học dân gian (Tục ngữ - Ca dao - Truyện cổ). Trong 12 con giáp, gà, chó, heo đã đi liền nhau tiêu biểu cho sự nối tiếp và nối kết với con người lưu chuyển mãi theo vòng thời gian vô cùng và khoảng không gian vô tận. Nhân Xuân 2019 là Xuân Kỷ Hợi, chúng tôi xin có một số ghi nhận sơ lược về hình ảnh heo (lợn) trong Văn học dân gian Việt Nam.

I-       Tục ngữ - Ca dao Việt Nam nói về heo:

(*) Ở đây, chúng ta nhận thấy hình ảnh của heo (lợn) đã góp mặt khá nhiều trong sinh hoạt gia đình của con người Việt Nam qua những chi tiết:

1- Nói về tuổi theo số phận: Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn.

2- Chọn dâu: Mua heo lựa nái, mua gái lựa dòng.

Chữ mua trong câu tục ngữ này khiến chúng ta nhớ đến chữ mua nơi câu ca dao:

Con gái là con người ta

Con dâu mới thật mẹ cha mua về.

Có thể có những đánh giá không giống nhau về ý nghĩa của chữ mua nơi 2 câu tục ngữ và ca dao vừa nêu.

3- Khuyên chăn nuôi:

Muốn giàu nuôi heo nái,

Muốn lụn bại nuôi bồ câu.

Vì nuôi heo (hoặc nuôi heo nái v.v…) hầu như là một công việc tất nhiên của người phụ nữ Việt Nam ở nông thôn ngày trước:

Tháng Năm gặt hái đã xong

Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy.

Năm nong đầy em xay em giã

Trấu ủ phân cám bã nuôi heo…

4- Dạy con cái:

Đẻ con chẳng dạy chẳng răn

Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lời.

5- Cưới vợ gả chồng:

Giúp em một tháng xôi vò

Một con lợn béo một vò rượu tăm…

Con lợn ở đây là lợn hơi hay lợn quay cũng được cả, điểm chính là lợn phải béo mập, vì:

Xem mặt mà bắt hình dong,

Con lợn có béo thì lòng mới ngon.

6- Trong công việc gả chồng cho con gái, nhiều bà mẹ đã quá tham tiền tham của, không chú ý gì đến tương quan của đôi nam nữ, khiến mọi hậu quả đều ùa về phía người con gái:

Mẹ em tham thúng xôi rền

Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng.

Em đã bảo mẹ rằng đừng

Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào.

Bây giờ chồng thấp vợ cao

Như đôi đủa lệch so sao cho bằng!

Hoặc:

Mẹ em tham thúng bánh chưng

Tham con lợn béo, khiến em phải còng lưng chịu đòn.

7- Đấy là nói về những bà mẹ tham tiền tham của. Còn đây là trường hợp gia trưởng cậy giàu của người chồng:

Còn duyên anh cưới ba heo

Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi.

Tuy vậy, chắc chắn cũng có phần khuyết điểm của người nữ. Hai chữ hết duyên tức có diễn tả về phần khuyết điểm ấy.

8- Cũng nhờ có đám cưới mà những cậu em cô em nơi các gia đình nghèo khó kia mới được ăn cỗ:

Bao giờ cho lúa trổ bông

Cho chị có chồng em gặm giò heo.

8- Nói tới giò heo tất phải nhắc đến lòng heo, cháo thịt heo. Lòng heo những món ăn dân gian mà nhiều người nam nữ - nhất là những người dân xứ Bình Định, rất thích. Đây là những lời chê trách của người chồng:

Vợ tôi nó giỏi vô song

Chưa đi tới chợ đã mong ăn hàng.

Sớm mai xách giỏ lên đàng

Làm vài tô cháo vững vàng mà đi.

Vừa ưa chị bán củ mì

Ba đồng một mớ vậy thì mua theo.

Vừa ưa chị bán lòng heo

Cuốn với bánh xèo ngon quá là ngon…

Chê trách toàn bộ hay cũng là ngầm khen, ngầm yêu? Vì với những chị đàn bàn phàm ăn như thế, thì họ có nhiều sức khỏe, đảm đang cả những công việc cày bừa, gánh mạ, vãi phân… nơi đồng ruộng đấy chứ chẳng phải chỉ biết ăn cho đầy bụng mà thôi.

9- Nói đến bánh xèo khiến chúng ta nhớ tới câu hát của đứa con gái nhớ về người mẹ thường đúc bánh xèo, món ăn mà mình rất thích:

Con quạ nó đứng nóc chuồng heo

Nó kêu ớ mẹ, đúc bánh xèo chính chưa!

Phải đứng nơi nóc chuồng heo vốn gần với gian nhà bếp thì người mẹ mới có thể nghe được, chứ đậu nơi ngọn tre hoặc bờ rào thì tiếng kêu của quạ không đến được tai của bà mẹ.

10- Lạ nhất là hình ảnh chuồng heo kia cũng lại có mặt trong câu tục ngữ nói về những hệ lụy của người rể dựa nhờ nơi phía vợ:

Thà ở xó chuồng heo,

Còn hơn là theo nhà vợ.

Dựa nhờ nơi phía vợ vẫn được xem là một thứ may mắn lớn của mấy chàng trai cưới được vợ là con nhà giàu, như tục ngữ đã ví von: Chuột sa hũ nếp. Nhưng vì ở đời, sự việc gì đều cũng có hai mặt.

(*) Ngày Tết là một hiện tượng vừa rất gia đình mà cũng vừa rất là xã hội. Qua đấy, hình ảnh heo, thịt heo v.v… đã xuất hiện khá sắc nét:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ.

Đó là thịt heo đi liền với câu đối. Còn đây là câu đố:

Trong trắng ngoài xanh

Trỉa đỗ trồng hành

Thả heo vô lội. (Là bánh tét)

Hoặc:

Lòng thương chị bán thịt heo

Hai vai gánh nặng lại đèo móc cân.

(Là Tứ móc. Câu thai của Bài chòi thường tổ chức chơi vào 3 ngày Tết).

Hoặc:

Số cô không giàu thì nghèo

Chiều Ba mươi tết có thịt treo trong nhà…

(*) Về đời sống xã hội của con người. Ở đây là những con người Việt Nam nơi nông thôn, hình ảnh heo xuất hiện tuy không nhiều nhưng cũng rất đáng quan tâm:

1- Hoặc là trong sự giao tiếp: Nói toạc móng heo.

2- Hoặc là một số đặc sản nơi những vùng quê: gà tò, lượn tó, dưa la, cà láng, nem báng, tương bần.

3- Hoặc nói về học trò:

Học trò ăn vụng cháo heo

Bà thầy bắt được bã treo lên giàn.

4- Hoặc tục ăn mừng thi đỗ:

Ai về nhắn với mẹ cha

Mua heo ai thì trả lại, vì trường ba con hỏng rồi.

5- Hoặc nói về những sự việc nực cười, trái ngược:

-          Rung rinh nước chảy qua đèo

Bà già lật đật mua heo cưới chồng!

-          Bao giờ cho đến tháng Ba

Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng.

Hùm nằm cho lợn liếm lông

Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi…

6- Hay nói về một số món ăn được nhiều người ưa thích:

Con gà tục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi…

II-    Truyện cổ dân gian Việt Nam nói về heo:

Nhìn chung, hình ảnh heo xuất hiện nơi mảng truyện cổ dân gian Việt Nam, tuy không nhiều lắm nhưng cũng có những trường hợp rất đáng chú ý. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu 2 truyện: Truyện thứ 1 không mang tên heo hay liên quan tới heo, nhưng nội dung lại có hình ảnh heo xuất hiện rất kỳ lạ dẫn đến sự hồi đầu quy Phật của người đồ tể. Truyện này mang đậm dấu ấn của Phật giáo. Truyện thứ 2 là của đồng bào Jarai (Djarai) có tên là Chàng Lợn, kể về hành tung của một chàng thanh niên tuấn tú nhưng phải mang hình tướng heo với những sự việc như sinh ra được nuôi lớn, liên hệ gắn bó với người thân và những người chung quanh cũng đều rất kỳ dị khác thường.

1-      Truyện Sự tích cây huyết dụ:

Truyện kể về một bác đồ tể chuyên nghề mua lợn (heo) về giết thịt để mang ra chợ bán. Nhà bác ta ở bên cạnh một ngôi chùa làng, nên bác ấy đã nhân theo tiếng chuông chùa luôn được gióng lên cùng với thời kinh tụng buổi sớm (khoảng 4 giờ rưỡi sáng), thì thức dậy, súc miệng rửa mặt rồi làm đủ mấy công việc của một đồ tể, để kịp đi chợ. Một đêm nọ, Hòa thượng trụ trì ngôi chùa làng kia nằm mộng thấy một người đàn bà dắt năm đứa con nhỏ đến trước mặt mình rồi vái lấy vái để, miệng nói: “Xin Hòa thượng cứu mạng! Xin Hòa thượng cứu mạng!”. Hòa thượng hỏi người đàn bà: “A Di Đà Phật! Cứu mạng là cứu thế nào? Bần Tăng phải làm gì đây? Người mẹ có bộ điệu hãi hùng ấy thưa: “Ngày mai xin Hòa thượng hãy cho mấy chú tiểu đánh chuông chậm lại. Phải chờ mặt trời mọc lên hồi lâu thì mới đánh chuông. Như vậy thì mẹ con chúng con rất đội ơn”. Hòa thượng tỉnh dậy, không hiểu ra thế nào cả. Nhưng đến mờ sáng hôm đó, nghe theo lời báo mộng, sư cụ chỉ lâm râm đọc kinh cầu nguyện, mà không gọi chú tiểu dậy thỉnh chuông.

Lại nói chuyện bác đồ tể tối hôm đó đã ngủ một giấc li bì, mãi đến lúc mặt trời lên chừng một cây sào, tiếng chuông chùa mới bắt đầu vang rền, khiến bác giật mình choàng dậy. Thấy trời đã quá trưa, bác không dám giết lợn như thường lệ, vì nếu làm thịt thì khi đưa ra đến chợ, bác ta lật bật sang chùa trách sư cụ. Hòa thượng bèn đem câu chuyện nằm mộng đêm qua để phân trần với ông hàng xóm.

Nhưng lúc bước chân về đến nhà, ngang qua chuồng lợn thì bác đồ tể ngạc nhiên thấy con lợn cái mua ngày hôm qua toan giết thịt vào sáng sớm nay, đã đẻ được 5 con lợn con. Vừa mừng vừa sợ, bác ta kể cho mọi người biết sự lạ lùng ấy: - Đúng là hồn linh của con lợn cái đã hóa thành người đàn bà dắt 5 đứa con nhỏ đến báo mộng cầu xin Hòa thượng cứu độ!

Tự nhiên bác đồ tể đâm ra suy nghĩ: Bác thấy bàn tay của mình đã từng vấy máu của biết bao nhiêu là sinh mạng. Trong một lúc quá hối hận, bác ta cầm cả con dao bầu chạy sang chùa bộc bạch nỗi lòng mình với Hòa thượng. Bác ta quả quyết cắm sâu con dao hành nghề của mình trước sân chùa, thề trước Phật đài từ nay xin giải nghệ.

Không rõ bác đồ tể rồi sau đó thế nào, nhưng con dao của bác tự nhiên hóa thành một loại cây có lá đỏ như máu và nhọn như lưỡi dao bầu, người ta vẫn gọi là cây huyết dụ. (Dẫn theo Nguyễn Đổng Chi: Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam, tập 1, NXB. Giáo Dục, tb.2000, tr.110-111).

Phần khảo dị: Học giả Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) viết: “Truyện trên chắc chịu ảnh hưởng của Phật thoại, đã được nhân dân lưu truyền khá rộng…”.

Lại cho biết: “Trong bản Quốc dị văn lục (sách chữ Hán, chép tay) có kể truyện trên và cho rằng sư cụ chính là bố của Nguyễn Xí (1396-1496 – danh quan của Triều hậu Lê, đã từng theo Lê Lợi khởi nghĩa…), người làng Lê Xá huyện Chân Phúc (tức Nghi Lộc) Nghệ An, tên là Trị. Cuối đời Trần thi không đỗ, ông bỏ đi tu, trụ trì ở chùa làng, lấy tên là Hòa Nam Thiền sư. Sau khi nghỉ đánh chuông để cứu mẹ con người đàn bà trong mộng, Sư bèn bỏ tiền mua lấy đàn lợn ấy của bác đồ tể rồi đem thả chúng vào rừng. Về sau, Sư bị hổ giết, mối đùn thành mộ. Nhưng con cháu của Sư thì từ đó có địa vị rất cao ở triều đình nhà hậu Lê. Người chép truyện có ý nói đó là nhờ mẹ con con lợn báo ân một cách huyền bí mới được như thế”. (Sđd, tr.111).

2-      Truyện chàng lợn:

Bà già Pom ở với cháu gái là Lúi (lúi: út). Một hôm, Lúi cùng với bà đi hái bông, nhân khát nên đi tìm nước. Thấy bên gốc một tai nấm có vũng nước đái của lợn rừng, Lúi không nghe lời bà, bèn uống hết phần nước ấy, về nhà tự nhiên có mang, đẻ ra được một con lợn. Vì xấu hổ thay cho cháu mình, bà Pom đem chú lợn con ấy chôn, nhưng mấy lần đắp đất kỹ càng, về nhà thì đã thấy lợn về trước rồi. Nghe tin cô gái Lúi đẻ ra lợn, Pơtao là tù trưởng giàu có, liền đến xem. Bà cháu nói dối nhưng lợn đã tự khai ra cho Pơtao biết. Khi Pơtao về, không mang lợn theo, nhưng thấy lợn nằm gọn trong gùi của mình. Mấy lần Pơtao đều bắt trả về cho Lúi, nhưng lúc về tới nhà mình, lợn đã có mặt ở đấy nên Pơtao đành phải nuôi lợn. Pơtao có cô con gái xinh tên là Hơ Bia thường được cha sai đi chăn trâu đàn. Một lần, bận đi tát cá, lợn xin đi chăn trâu thay. Không ngờ lợn chăn trâu rất chăm rất khéo. Hơ Bia đi rình thấy lợn lột xác hóa thành chàng trai tuấn tú, nhưng khi hỏi lợn thì lợn làm ra vẻ không biết. Hơ Bia xin cha chuẩn bị lễ cưới để lấy chồng – một người mà nàng chưa nói tên. Đến khi chuẩn bị xong, cha hỏi lấy ai, Hơ Bai thưa là lấy lợn. Lợn làm bộ từ chối để cho Hơ Bia năn nỉ mãi mới nhận lời. Hôm ăn cưới, không đi lấy nước kịp để đổ vào chum rượu cần, nhưng lợn chỉ múc một ống nước nhỏ đổ vào chum, thế mà rót mãi không hết. Rồi lợn trổ tài trong những lần đi săn để cho dân làng biết. Một lần, dân làng đi dụ dỗ voi, chỉ dỗ được một con voi què. Đến lượt lợn đi, lợn trèo lên đầu con voi chúa đàn. Voi chúa đàn chạy và làm đủ cách nhưng lợn vẫn không rơi. Sau voi bảo là sẽ lặn xuống suối sâu một tháng để đuổi lợn. Lợn bèn ngâm măng cho thối, đem bỏ lên đầu voi, nói với voi là nếu lặn lâu thì đầu sẽ thối mất. Voi sờ lên đầu thấy thối tưởng thật bèn chịu hàng lợn, dẫn cả đàn voi trở về làng. Dân làng từ đấy mới phục lợn. Một hôm cùng vợ đi tắm, lợn nhường mãi không được phải tắm trước. Hơ Bia bèn giấu phần lốt, lợn đành phải hiện thành thân người. Khi tù trưởng Pơtao già, thì giao hết quyền hành và của cải cho chàng lợn. Theo Truyện cổ dân gian các dân tộc Việt Nam, tập II, NXB. Văn Hóa (Viện Văn Học), H.1963-1967. (Dẫn theo: Nguyễn Đổng Chi, Sđd, tr. 920-921).

Theo chúng tôi thì 2 truyện cổ dân gian có hình ảnh heo xuất hiện như đã nêu dẫn, sẽ khiến chúng ta có cái nhìn thân thiện, tích cực hơn rất nhiều đối với heo, một loài vật nuôi vẫn bị cho là ăn ở dơ bẩn và ngu độn nhất.

Tài liệu tham khảo:

1-      Việt Nam thi Văn Hợp Tuyển của Dương Quảng Hàm. Bản in 1968.

2-      Văn học Việt Nam I của Phạm Văn Diêu. NXB. Tân Việt, S, 1960.

3-      Việt Nam VHS trích yếu của Nghiêm Toàn. NXB. Vĩnh Bảo, S, 1949.

4-      Việt Nam VHS Giản Ước Tân Biên I của Phạm Thế Ngũ. NXB. Đồng Tháp tái bản 1996.

5-      Ca dao - Tục ngữ - Phật giáo Việt Nam. Thích Trung Hậu sưu tập. NXB. Hồng Đức tái bản 2015.

6-      Văn học Dân gian Nghĩa Bình I. Đào Văn A – Cao Văn Chu biên soạn. Sở VH-TT Nghĩa Bình xuất bản 1986.

7-      Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam 1, 2 của Nguyễn Đổng Chi. NXB. Giáo Dục tái bản 2000.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác