Từ bài thơ “ Vận nước “ nghĩ về những cành mai bất diệt

tu bai tho

Từ  bài thơ “ Vận nước “ nghĩ về những  cành mai bất diệt

Nguyên Cẩn

Phẩm chất lãnh đạo để dân tộc trường tồn

Cựu Tổng thống George Bush trong bài điếu văn đọc trước linh cữu cha mình ngày 5 tháng 12, 2018 đã nhấn mạnh rằng bài học đặc biệt nhất mà Tổng thống Bush “cha” dạy cho ông về ý nghĩa của việc làm tổng thống là phải phục vụ quốc gia với sự liêm chính, lãnh đạo với lòng can đảm, và hành động với trái tim chứa đầy tình yêu dành cho đồng bào.

Cũng trong bài điếu văn, ông Bush "con" kể lại rằng trong ngày nhậm chức cha mình đã phát biểu: "Chúng ta không thể hy vọng để lại cho con chiếc xe to hơn, một tài khoản lớn hơn trong ngân hàng. Chúng ta phải cho chúng biết ý nghĩa của một người bạn trung thành, một người làm cha làm mẹ biết yêu thương, một công dân biết xây dựng căn nhà của mình, cộng đồng của mình, khu phố của mình tốt hơn".

 Bài học ấy có gì mới không khi chúng ta biết rằng hơn 10 thế kỷ trước, trước tình hình rối rắm cả trong lẫn ngoài của đất nước, vua Lê Đại Hành đã tham khảo ý kiến của Thiền sư Pháp Thuận về vận nước. Vua Lê đặt câu hỏi vào một thời điểm mà triều đại nhà Lê đang đứng trước những khó khăn thách thức, có nguy cơ sụp đổ. Thời điểm đầy nguy cơ ấy là giai đoạn lúc Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết vào tháng 10 năm Kỷ Mão (979) và khi Hầu Nhân Bảo tiến quân vào nước ta vào mùa Xuân tháng 3 năm Tân Tỵ (981). Đây là giai đoạn có cả thù trong giặc ngoài, khi Đinh Điền, Nguyễn Bặc do quyền lợi cá nhân và dòng họ, bất chấp nguy cơ xâm lược của kẻ thù đã kiên quyết chống lại Lê Hoàn. Còn bên ngoài, triều đình nhà Tống đang chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đại Cồ Việt. Chính trong tình thế có nhiều thách thức như vậy, Thiền sư Pháp Thuận đã trả lời:

Quốc tộ như đằng lạc,

Nam thiên lý thái bình.

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh.

Tạm dịch:

Vận nước như mây cuốn

Trời Nam mở thái bình

Vô vi trên điện các

Xứ xứ hết đao binh.

Bài thơ tổng kết những yếu tố làm quốc gia phát triển và trường tồn. Đó là sự đoàn kết của toàn dân và phẩm chất tài đức của người lãnh đạo: hình ảnh cuộn mây (đằng lạc). Từng con người có thể yếu ớt như từng chiếc đũa, từng sợi mây, nhưng biết kết hợp lại thì sẽ trở thành một sức mạnh vô địch, không gì có thể phá vỡ được.

Nói như Giáo sư Lê Mạnh Thát: “Nếu kết hợp bài thơ này với bài Thần nước Nam sông núi, sẽ có một vị thế hết sức quan trọng không chỉ trong lịch sử văn học mà cả trong lịch sử tư tưởng chính trị và Phật giáo Việt Nam. Nó đã thành công khi đề xuất được hệ thống tư tưởng chính trị hoàn chỉnh để định hướng cho sự phát triển của một hệ thống chính quyền làm chủ đất nước vừa thỏa mãn yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia vừa đáp ứng nguyện vọng của người dân. Từ đó, nó giúp ta hiểu tổ tiên ta đã xây dựng chính quyền trên căn bản hệ thống tư tưởng chính trị nào, nhất là khi ta quan niệm lịch sử như một vận động có ý thức của con người…[i] Thiền sư Pháp Thuận đã ý thức rất rõ mọi quyền lực phải từ dân mà ra và vận nước cũng thế. Vận nước ngắn dài nằm ở trong tay người dân. Người lãnh đạo biết nắm lấy dân, biết đoàn kết với dân thì vận mệnh của triều đại mình sẽ lâu dài. Ngược lại, thì sẽ nhào đổ một cách nhanh chóng.”

Muốn đất nước mở ra một vận hội không những lâu dài mà còn thái bình thì phải chấm dứt chiến tranh. Cho nên, hơn ai hết, những người lãnh đạo ngày ấy mong ước chiến tranh mau chấm dứt. Và thật sự họ đã nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tranh do kẻ thù áp đặt chỉ trong vòng ba tuần lễ.

Thiền sư Pháp Thuận đã nói thẳng với vua Lê Đại Hành rằng để đất nước được thái bình, “nơi nơi hết chiến tranh”, thì đòi hỏi người cầm quyền, cụ thể là nhà vua phải “vô vi”: Vô vi cư điện các. Nhưng chữ  vô vi đây không nằm trong phạm trù triết học Lão Trang. Theo Phật giáo, vô vi là một phạm trù lớn và thường được coi là dịch từ chữ asamskrta trong tiếng Phạn với các nghĩa sau: “Cẩn thận, không kiêu ngạo, là hạnh của học sĩ, bỏ lòng dơ ân ái, không lấm bụi bặm của sáu tình, không để các ái nhỏ như tóc tơ che dấu trong lòng mình thì các niệm lắng diệt, đó là vô vi”. (LMT- sđd)

Vậy rõ ràng, Thiền sư Pháp Thuận đã muốn đề xuất một mẫu người lý tưởng cho vua Lê trong việc trị vì đất nước, một mẫu người phải có trí và đức. Một nhà lãnh đạo cấp cao Việt nam gần đây nhấn mạnh về việc không để cho những kẻ thiếu tài thiếu đức, cơ hội “chen vào hàng ngũ lãnh đạo”… Và ví “những kẻ cơ hội chính trị như ‘con lươn, con chạch’ là rất đúng. Khi chui luồn vào đội ngũ lãnh đạo, họ luôn giả dạng bằng lời nói, biểu hiện, đôi khi còn thể hiện bản thân rất vững vàng về lập trường, thông hiểu lý luận... nhưng động cơ sâu thẳm của họ thì không vì những lý tưởng đó mà họ chỉ giành lấy quyền lực mà thôi. Sau khi có vị trí, có quyền lực thì họ thực thi mục tiêu rất cá nhân của họ.” (vov.vn - Vũ Minh Giang).

Như vậy bài thơ “Quốc tộ” nêu rõ hai yếu tố: sự đoàn kết của toàn dân và phẩm chất tài đức của người lãnh đạo. Không có hai yếu tố này thì vận nước không bao giờ có thể bền vững được. Đúng thế, không có đất nước nào có thể tồn tại khi lòng dân ly tán và những người lãnh đạo lại thiếu tài, thiếu đức. Hai tính chất này đối với sự tồn tại của một đất nước, một triều đại, không bao giờ mất tính thời sự của nó.

 Tóm tắt, GS. Thát viết: “Lời cảnh báo của Thiền sư Pháp Thuận về độ dài ngắn của vận nước, do thế, đã trở thành một lời huyền khải, một tuyên ngôn về tư tưởng dựng nước và giữ nước. Nó đã trở thành nền móng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền dân tộc.”

Sức mạnh tiềm tàng của cành mai Mãn Giác

Tiếc thay những người con của vua Lê đã làm ngược lại tinh thần ấy nên triều đại Tiền Lê nhanh chóng sụp đổ. Tinh thần ấy lại được nhà Lý kế thừa, làm nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp giữ nước. Theo Việt sử lược, năm 1069, vua Lý Thánh Tông hạ chiếu thân chinh Chiêm Thành. Lý Thường Kiệt được chọn làm đại tướng quân. Quốc vương Champa bị bắt đưa về Thăng Long, đã xin dâng đất để chuộc tội, gồm ba châu Bố Chánh, Địa Lý, Ma Linh (nay là địa phận Quảng Bình và bắc Quảng Trị). Năm 1072, Lý Thánh Tông từ trần. Lý Nhân Tông nối ngôi khi mới có 7 tuổi. Trong khi ấy, chính quyền phương Bắc xem đây là một cơ hội tốt để tiến hành chuẩn bị xâm lược nước ta. Tại ba châu Ung, Khâm, Liêm (thuộc Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay), chúng xây dựng những căn cứ quân sự và hậu cần to lớn để làm nơi xuất phát trực tiếp cho các đạo quân. Lý Thường Kiệt được giữ chức Đôn quốc thái úy, cương vị như tể tướng, phải chịu trách nhiệm to lớn đối với giang sơn xã tắc. Ông trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, là người đầu tiên và cũng gần như là người duy nhất đưa đại quân đánh sang đất phương Bắc để phá vỡ âm mưu của giặc. Sách Việt điện uy linh chép rằng Lý Thường Kiệt tâu vua: "Ngồi im đợi giặc, không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc". Kế sách “Tiên phát chế nhân” này được triều đình ủng hộ. Đến tháng 3 năm 1076, quân nhà Lý triệt hạ ba căn cứ lớn của quân Tống là Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu, thực hiện kế hoạch phá hủy quân lương, buộc nhà Tống phải hoãn kế hoạch tiến đánh nước ta. Sau thắng lợi ban đầu, ông ra lệnh rút quân về nước, xây dựng các lớp phòng ngự, sẵn sàng nghênh địch. Trong đó, phòng thủ sông Như Nguyệt là tuyến chủ lực. Các trận đánh ở đây cũng mang lại thắng lợi toàn cục cho quân dân Đại Việt. Sau chiến thắng trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt biết quân Tống đã lâm vào thế bí, mà người Nam bị chiến tranh liên miên cũng nhiều tổn thất nên sai sứ sang "nghị hòa" để quân Tống rút về. Quách Quỳ vội chấp nhận giảng hòa và rút quân.

Lý Thường Kiệt thể hiện sức mạnh tinh thần và bản lĩnh dân tộc bằng việc viết Phạt Tống lộ bố văn, nêu rõ lý do cuộc hành quân của mình là kiên quyết bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, vừa nêu cao tư tưởng nhân nghĩa ngay cả đối với dân Tống khi ông tuyên bố rằng, cuộc chiến đấu của ông là nhằm chống lại triều đình nhà Tống chứ không phải nhằm vào dân Tống và nhằm chiếm giữ đất đai nhà Tống. Tư tưởng nhân nghĩa đó vượt khỏi phạm vi dân tộc. Dù có thể đây chỉ là một lý do để ông cất quân chiến đấu, nhưng ít nhiều, nó thể hiện được quan điểm “thân dân” và chiến thuật “tâm công” của ông. Kế thừa tư tưởng Pháp Thuận trong việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân, gây nhiễu nhân tâm địch, tư tưởng quân sự kỳ tài này được kế thừa và phát huy mãi về sau, trong suốt các Triều đại Lý - Trần. Đặc biệt, các vua đời Lý rất tôn sùng đạo Phật. Vua Lý Nhân Tông và Thái hậu Ỷ Lan rất mộ đạo Phật, thường mời các nhà sư nổi tiếng như Thông Biện, Mãn Giác, Chân Không, Giác Hải, Không Lộ vào nội cung để giảng kinh và đàm đạo.

Một bài kệ của Thiền sư Mãn Giác mà hầu như ai cũng biết là bài Cáo tật thị chúng.[ii]

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Ngô Tất Tố dịch:

Xuân ruổi trăm hoa rụng

Xuân tới, trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước một nhành mai.[iii]

Chúng ta hiểu theo luật vô thường thì mọi chuyện đều có sinh có diệt. Cõi Niết-bàn theo đúng nghĩa thiền là hiện hữu ngay khi chúng ta ngừng nghỉ mọi dục vọng, tham sân si. Hoa nở để rồi tàn nhưng cái suy tàn lại khởi đầu cho một tương lai mới. Cành mai còn đó là hình tượng vô ngôn của niềm lạc quan vô biên mà tĩnh tại. Bài kệ này được Thiền sư Mãn Giác đọc lúc sắp mất khi người gọi chúng tăng vào. Vậy thì ở bài kệ của Mãn Giác: việc hoa tàn, hoa nở… việc chuyện đời trôi, tuổi già đến…, tất cả đều không có gì đáng bận tâm mà ngược lại là phương tiện đi đến giác ngộ. Nhưng còn đó một cành mai tượng trưng cho sự sống vẫn trường tồn . Như Bùi Giáng từng viết “Ta về rũ áo mù sa/ Trút quần phong nhã cho tà huy bay”, vì ông tin rằng sau tà huy là đêm tối, và sau đêm tối là bình minh. Như cành mai vẫn bất diệt như thời gian vì những đóa mai vẫn sinh diệt trên thân nó… Như sức sống dân tộc luôn trường tồn dù bao triều đại đi qua; bao thể chế, chính quyền cũng phải thay đổi theo thời gian; hết nhà Lê sang nhà  Lý và cứ thế lịch sử luôn luôn tiếp diễn trong giòng thời gian vô tận… Nhưng theo giòng thời gian thì cứ mùa xuân lại thấy những đóa mai.

Chu Mạnh Trinh cũng đã viết:

Triều đại huy hoàng muôn sắc mai

Đóa mai hôm nay vẫn nở…

Hay Bùi Giáng:

Mùa xuân hiện giữa ngàn mai

Nguyên hình Nữ chúa trên ngày phù du?

Tất cả sự việc xảy ra trong cuộc sống là hiện tượng. Thiền học dùng hiện tượng làm phương tiện đốn ngộ.

Chúng ta vững tin lời dạy của Thiền sư Pháp Thuận ngày xưa vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay như  một cành mai vì triều đại nào cũng cần có sự đoàn kết toàn dân và những người lãnh đạo có tâm và tài.

Hãy chắp tay nguyện cầu cho mùa xuân mới trên quê hương với những nguyện vọng thiết tha: 

Giờ phút linh thiêng

Đóa bất diệt nở ngay giữa vườn hoa sinh diệt

Nụ giác ngộ hé thành muôn thi thiết.

…Đêm nao

Từ trời Đâu Suất nhìn về

Chư thiên thấy địa cầu quê hương tôi sáng hơn vì sao sáng

Và tinh tú muôn phương chầu về

Cho đến khi vừng đông tỏa rạng.

Giờ mầu nhiệm để Vô Biên hé mở

Cho bóng tối tan đi với niềm lo sợ

Cho hội Long Hoa về

Nam Mô Bụt Di Lặc Hạ Sinh Trong Tương Lai. (Thích Nhất Hạnh)

 


 

[i] Giáo Sư Lê Mạnh Thát, Bài thơ Vận nước và tư tưởng chính trị của Thiền sư Pháp Thuận.

[ii] Mãi đến 7 thế  kỷ sau, Lê Quý Đôn mới đặt tựa cho bài thơ là “Cáo Tật thị chúng”, và điều này gây tranh cãi trong giới nghiên cứu vì cho rằng tựa đề làm mất ý nghĩa bài kệ. Thiền sư không quan tâm hay lo lắng về bệnh tật mà xem là nó vô thường. Bài kệ của Mãn Giác nhằm giúp ngộ đạo bằng con đường trực giác sao lại có thể truyền đạt cảm nhận bi quan “có bệnh” được? Cảm nhận này là không phù hợp với tinh thần lạc quan, yên nhiên của Thiền tông.

[iii] Theo GS. Hoàng Xuân Hãn, cây mai ở đây là cây mơ.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác