Cuộc sống bao giờ cũng biến đổi và có nhiều những bất ngờ, chúng ta hãy tiếp xử bằng một thái độ rộng mở. Hãy giữ cho lòng mình được rộng mở và mềm dịu. Sự mềm dịu là thái độ của một tâm từ, biết chấp nhận và thứ tha. Đừng bao giờ khó khăn với mình quá. Một cái thấy rộng mở với sự kham nhẫn, giúp ta tiếp tục vững chãi và khéo léo bước tới. Thái độ ấy giúp ta biết sẵn sàng tiếp nhận, không sợ hãi, và có thể xử lý được những khó khăn và bất ngờ của cuộc sống.
Sự rộng mở là năng lượng của tuệ giác, giúp ta thấy được sự chuyển hóa tự nhiên của cuộc sống, theo luật nhân quả. Thấy được những gì có thể làm và cần nên làm. Đôi khi, không làm gì hết lại là hành động chân chánh nhất. Và tình thương, khả năng biết cảm thông với những khổ đau có mặt, chính là tấm lòng mềm dịu giúp ta bước đi giữa cuộc đời như một dòng suối mát, tiếp nhận những gì xảy ra mà không đóng kín trái tim mình lại, vẫn giữ được nụ cười, biết tha thứ cho mọi khổ đau.
Trong lúc ngồi thiền đôi lúc người ta thường chọn một hình ảnh đẹp nào đó, để giúp mang lại cho mình một cảm giác thư giản, an tĩnh. Ví dụ như ta quán tưởng mình đang ngồi bên bờ biển nghe tiếng sóng vỗ rì rào, một đóa hoa nở dưới nắng sớm, hoặc chọn một hình tượng cao đẹp nào đó... Sự quán tưởng ấy chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta một cảm giác nhẹ nhàng, an tĩnh, hướng thượng trong lúc ngồi.
Nhưng trong khi ngồi, chúng ta cũng có thể chỉ cần mở rộng cái biết của mình ra, và trọn vẹn có mặt với thân tâm mình, cảm nhận bất cứ những cảm giác hay xúc cảm nào đang có trong ta. Trong khi ngồi ta cũng không cần phải suy nghĩ, theo dõi, nắm bắt hơi thở hay tìm một sự an lạc nào, mà ta chỉ cần biết cảm nhận và kinh nghiệm những gì đang có mặt. Hơi thở không phải là một ý niệm mà là một kinh nghiệm cụ thể. Hơi thở ta có thể biểu hiện ở toàn thân mình, chứ không hẳn ở một nơi nào đó nhất định trong cơ thể. Và đó cũng có thể là những cảm giác an vui, dễ chịu, hoặc là những cái đau hay sự khó chịu. Ta cảm nhận bất cứ những gì đang có mặt một cách trọn vẹn. Có mặt trọn vẹn có nghĩa là ta tiếp xúc được với cái đang là, chứ không muốn nó phải khác đi, thay đổi, hay được theo ý muốn của mình.
Hãy ngồi với một tâm rộng mở và buông thư. Không phải nhờ ở sự tập trung vào một đối tượng nào, mà là một thái độ rộng mở, giúp ta có thể thấy được những gì đang xảy ra trong thân tâm mình một cách trọn vẹn.
Bạn hãy làm công việc của mình, hãy giải quyết những gì có thể được trong những điều kiện sẳn có. Với một thái độ rộng mở thì nếu như có gì sai trật, ta sẽ có cơ hội để thấy ra và sửa lại, không cố chấp. Và rồi phần còn lại, những gì xảy ra, kết quả như thế nào, ta hãy để cho sự biểu hiện tự nhiên của pháp.
Một thiền sinh kể lại nhiều năm trước ông có sang Thái Lan và vào xin xuất gia tại một tu viện trong rừng. Ông được giao cho phận sự quét lá trên con đường dài nhỏ dẫn vào thiền đường. Vì tu viện nằm ở giữa rừng nên lá đổ quanh năm. Ông kể, vừa quét được nửa đường, khi nhìn lại quảng đường vừa quét xong, lá đã rơi xuống phủ đầy. Nhưng mỗi ngày, ông vẫn cứ tiếp tục làm công việc của mình, vì ông ý thức được rằng, ta trọn vẹn với việc mình đang làm tự nó là đầy đủ rồi.
Hãy làm những gì mình cần phải làm cho trọn vẹn, và tiếp nhận những gì xảy ra với một tâm rộng mở. Thiền sư Lâm Tế nói: “Chúng ta không thể giải quyết những vấn đề của quá khứ, trừ khi qua sự liên hệ với hoàn cảnh hiện tại. Khi nào đến lúc cần thay đồ thì ta cứ mặc áo vào; đến lúc cần lên đường thì ta hãy bước chân đi. Có vậy thôi. Chứ còn mải mê đi loanh quanh tìm một Phật tánh xa xôi nào chi nữa!”
Trích trong “Trên núi chớ tìm non”