Vài suy nghĩ về nghi lễ trong Phật giáo

vai suy nghi

Thích Hạnh Chơn

 

Phật giáo từ khi mới thành lập đã là một tổ chức chặt chẽ trang nghiêm hoạt động dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Đức Phật. Phật giáo bao gồm hai chúng xuất gia và tại gia, trong đó hàng xuất gia sinh hoạt theo giới luật Tăng đoàn đóng vai trò quyết định sự tồn vong của Phật giáo. Giới luật là những quy tắc, quy định về lối sống, cách thức sinh hoạt cho chư Tăng Ni để đạt được đời sống đạo đức, thanh tịnh hướng đến an lạc, giải thoát. Phật giáo cũng có giới cho hàng tại gia nhưng giới hạn là những điều học đạo đức. Giới luật qua các quy định, quy tắc có thể được xem là những hướng dẫn để Tăng đoàn sinh hoạt theo các hình thức nhất định gọi là nghi lễ. Trải qua hơn 2.000 năm lịch sử thích nghi tồn tại, Phật giáo Việt Nam trở thành tôn giáo bảo tồn lễ nghi do Phật chế và thêm vào nhiều nghi lễ khác để tạo cho Phật giáo Việt Nam một sự đa dạng phong phú tạm gọi là văn hóa Phật giáo Việt Nam. Phật giáo nếu được xem là tôn giáo thì nghi lễ càng là một bộ phận tồn tại không thể tách rời trong các sinh hoạt của tín đồ. Cho đến nay, nghi lễ Phật giáo bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều hạn chế cần được bổ sung để các hình thức hoạt động mang tính văn hóa Phật giáo được trang nghiêm hơn. Bài viết sẽ nêu tổng quát về nghi lễ trong Phật giáo và nêu vài hạn chế cần bổ sung cho nghi lễ Phật giáo.

Nghi lễ theo giới luật Phật chế

Khái niệm nghi lễ được giải thích bằng nhiều từ ngữ khác nhau tùy theo lĩnh vực đề cập[1] nhưng tựu trung là nói về các quy tắc ứng xử, các nghi thức và hướng dẫn cách thực hành lễ hội trong xã hội nói chung và trong tôn giáo nói riêng.

Ngay khi mới thành lập Tăng đoàn và tiếp nhận đệ tử tại gia, nghi lễ Phật giáo dù là đơn giản nhất cũng đã được hình thành. Muốn trở thành đệ tử chính thức của Đức Phật, thiện nam nữ phải thực hành nghi thức quy y Tam bảo. Đó là lập lại công thức được ghi lại và thực hành xưa nay như sau: “Buddhaṃ śaraṇaṃ gacchāmi, Dharmaṃ śaraṇaṃ gacchāmi, Saṃghaṃ śaraṇam gacchāmi”, nghĩa tiếng Việt là “Con xin/nguyện quy y Phật, Con xin/nguyện quy y Pháp, Con xin/nguyện quy y Tăng.” Dù cho lễ quy y lớn hay nhỏ thì nghi thức vừa nêu đều phải được thực hành một cách nghiêm túc. Việc thực hành nghi thức quy y là để xác nhận sự phát nguyện nương tựa Tam bảo của thiện nam nữ để trọn đời là đệ tử Phật, học và hành theo giáo pháp của Đức Phật. Về sau, nghi thức quy y được biên soạn có thêm các phần khác mà quan trọng nhất là phần phát nguyện thực hành 5 điều đạo đức tức 5 điều học thường được gọi là 5 giới. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều chùa phương tiện đến mức thực hành nghi thức quy y chỉ xưng tên thiện nam nữ, pháp danh của các vị ấy và vài lời giảng giải về dòng kệ thiền …mà không cần hướng dẫn họ lập lại công thức phát nguyện như trên. Nếu đã tôn trọng nghi lễ thì bắt buộc phải thực hành theo nghi thức quy định chung. Huống chi, đây là điều Phật chế định và hướng dẫn các đệ tử thực hành. Theo thiển ý của người viết, Phật giáo Đại thừa đã chú trọng nhiều về nghi lễ thì không thể xem nhẹ nghi thức quy y mà phương tiện quá mức như vậy.

Một nghi thức quan trọng khác mà bất cứ Tăng Ni nào trong Tăng đoàn cũng phải thực hành là nghi thức bố-tát (uposatha). Theo Đại phẩm, việc bố-tát nếu không tuân thủ theo các quy định hướng dẫn thì tùy theo từng trường hợp sẽ phạm vào các lỗi. Trong bốn hành sự bố-tát, chỉ có hành sự bố-tát (uposatha) đúng pháp có sự hợp nhất được cho phép thực hiện. Ba trường hợp còn lại không được cho phép.[2]  Ví dụ tại trú xứ bố-tát có số lượng Tăng từ bốn vị trở lên. Các vị ấy chuẩn bị bố-tát và biết rằng có các Tỳ-kheo khác sẽ đến bố-tát nhưng cố tình muốn chia rẻ không chờ và tiến hành bố-tát, đọc tụng giới bổn Tỳ-kheo (pātimokkha). Khi giới bổn Tỳ-kheo được đọc tụng, các vị Tỳ-kheo khác đến thì các vị đọc tụng phạm tội thâu-lan-giá (thullaccaya).[3] Trước khi đọc tụng giới, các Tỳ-kheo phải tác pháp thuyết giới hay còn gọi là pháp yết-ma theo cách thức: kiểm số Tăng tham dự, hỏi về sự hòa hợp, sự thanh tịnh, thuyết dục, và lý do yết-ma.[4] Một buổi đọc tụng giới mà không tiến hành cách thức đã quy định thì những vị Tỳ-kheo đó chưa thực hành đúng nghi thức bố-tát, cũng có nghĩa là chưa thực hành đúng nghi lễ Phật đã chế.

Nghi lễ theo các quy tắc của chư Tổ sư

Nghi lễ Phật giáo đã được bổ sung rất nhiều để thích nghi tồn tại. Từ Ấn Độ, Phật giáo được truyền sang các quốc gia khác. Với đặc điểm văn hóa bản địa khác nhau nên để thích nghi tồn tại, Phật giáo tại các nơi được truyền đến đều có sự thay đổi, bổ sung vào nghi lễ Phật giáo. Chính văn hóa Phật giáo trong đó nghi lễ đóng góp phần lớn đã tạo nên nét đặc trưng của Phật giáo mỗi quốc gia hay vùng miền. Trong khi nghi lễ Phật giáo Nam truyền không có tán tụng thì nghi lễ Phật giáo Bắc truyền không thiếu hình thức tán tụng sử dụng nhiều loại pháp khí khác nhau. Trong nghi lễ Phật giáo Bắc truyền ở Việt Nam, cách thức thực hành nghi lễ, cách thức tán tụng cũng có sự khác nhau giữa ba miền và ngay cả giữa các tỉnh thành với nhau.

Tuy nhiên, các văn bản về cách thức thực hành nghi lễ, nhất là cách thức cúng kiến tán tụng, được chư Tổ sư và chư tôn túc biên soạn[5] và thực hành thì những người thực hiện nghi lễ đều tuân theo. Chẳng hạn khi thực hành nghi thức cúng linh, dù người thực hiện có vận dụng cách thức tán tụng khác nhau tùy theo vùng miền cũng phải theo trình tự mời thỉnh linh, biến thực biến thủy, dâng cơm trà nước và những lời cầu nguyện hương linh vãng sanh. Khi thực hành nghi thức chẩn tế cô hồn với bản văn Trung khoa Du-già thí thực khoa nghi thì người hành lễ đều phải theo trình tự được hướng dẫn trong khoa nghi dù có lượt bớt và thực hiện theo phong cách địa phương. Đó là cơ sở để việc thực hành nghi thức được đồng bộ. Tất nhiên, các nghi lễ có tán tụng theo âm nhạc Phật giáo thì khó có thể sử dụng thống nhất chung cho tất cả mà chỉ thống nhất nội bộ vùng miền, địa phương. Đó là lý do không thể thống nhất loại nghi lễ tán tụng trên toàn quốc. Thống nhất nếu có thể thực hiện là dựa trên văn bản khoa nghi tức các bước thực hành một buổi lễ.

Nghi lễ theo quy định hành chánh

Có lẽ nghi lễ hành chánh được thực hành trong sinh hoạt Phật giáo ra đời theo nhu cầu, điền kiện xã hội trong thời cận hiện đại? Nghi lễ hành chánh thường được tiến hành theo chương trình đã dự kiến sẵn và có thể đã được trình duyệt trước. Nó gần tương tự như nghi thức mà các đoàn thể xã hội thế sự thực hiện bao gồm chào cờ, quốc ca, giới thiệu thành phần tham dự… chỉ khác nhau nội dung của buổi lễ. Đối với loại nghi lễ này thì việc điều khiển chương trình tùy thuộc phần lớn vào người hướng dẫn (MC) và chương trình thường đã định trước. Chẳng hạn, nghi thức cử hành Đại lễ Phật đản PL. 2562 theo chương trình do GHPGVN hướng dẫn bằng Thông bạch số 049 gồm 6 mục. Trong đó, mục 5 có 7 mục nhỏ hướng dẫn trình tự thực hành nghi lễ cúng dường Đại lễ Phật đản.[6] Đây là chương trình ‘cứng’ thống nhất trên toàn quốc còn nội dụng cụ thể trong mục 5 vẫn còn bỏ ngỏ cho từng địa phương. Dẫu vậy, một số nơi cũng chưa tuân theo chương trình hướng dẫn ấy nên vẫn có thêm vào việc chào quốc kỳ, đạo kỳ.

Những hạn chế cần bổ sung trong nghi lễ Phật giáo

Khi nói đến nghi lễ Phật giáo, nghi lễ tán tụng cúng kiến thường được chú trọng nên những vấn đề mang tính nghi lễ cần thiết khác bị xem nhẹ hay bỏ quên. Hai mươi bốn oai nghi trong luật Sa-di hay trăm pháp chúng học của luật Tứ phần dành cho Tỳ-kheo đều là nghi lễ quy định oai nghi của người xuất gia không thể xem nhẹ. Ngày nay, trong Phật giáo có nhiều nghi lễ cần được bổ sung để cho sinh hoạt Phật giáo trang nghiêm hơn. Trong bài viết của Đại đức Thích Giác Đạo[7] đã đưa ra nhiều ý kiến rất thiết thực và có thể hoàn thiện trong thời gian ngắn nếu có nhân sự thực hiện. Ở đây bài viết không nêu lại mà chỉ bổ sung thêm.

Thời gian qua, nhiều vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước từ trần và lễ quốc tang đã được thực hiện. Nhìn cách thức thực hiện nghi lễ dù là thế tục nhưng ai cũng thấy sự trang nghiêm. Người dẫn chương trình (MC) không cần nói nhiều mà chỉ thông báo, thưa mời… với những lời ngắn gọn súc tích đầy đủ ý nghĩa của buổi lễ. Đội ngũ phục vụ nghi lễ trong đồng phục và thực hiện mỗi khâu theo cách thức đã huấn luyện. Điệu nhạc dùng trong lễ tang được chọn lọc sử dụng tạo không khí lễ tang thêm trang nghiêm.

Đối với Phật giáo, sự trang nghiêm trong tất cả các nghi lễ dù lớn hay nhỏ là điều mong ước và đúng với bản chất đạo giác ngộ tỉnh thức. Phật giáo Thái Lan đã đạt được điều đó và lễ tang của vị Tăng trưởng của tông Annam vừa qua là một minh chứng.[8] Ở Việt Nam, mặc dù có Ban nghi lễ nhưng những thể thức thực hiện nghi thức lễ tang của các bậc lãnh đạo cấp cao hay chư tôn túc nói chung chưa được chú trọng ngoại trừ nghi thức tán tụng cúng giác linh. Kết quả là tùy theo địa phương, tông phái, tự viện có cách tổ chức lễ tang khác nhau mà không theo một nghi thức chuẩn nào. Chương trình có khi lê thê kéo dài thời gian làm cho người tham dự mệt mỏi. Bên cạnh đó, những người dẫn chương trình nói khá nhiều nhưng đôi khi cũng bị nhắc nhở do giới thiệu thiếu hay quên điều họ cần. Thật là một khó khăn cho người dẫn chương trình vì chưa có những quy định cụ thể cho từng chương trình, nhất là việc giới thiệu chức danh, chức vụ. Lại nữa, đội ngũ phục vụ của Phật giáo thì càng thiếu và không chuyên nghiệp dù có ban cư sĩ, Gia đình Phật tử, trong khi sử dụng đội phục vụ chuyên nghiệp bên ngoài thì bị e ngại thế tục. Kết quả là ít có lễ tang của chư tôn túc Phật giáo được tổ chức bài bản.

Về nghi thức cúng chư tôn túc đã viên tịch (gọi là cúng giác linh), văn cúng được sử dụng lại từ nguyên bản văn của chư Tổ sư người Trung Quốc hay bản tiếng Việt được chuyển dịch. Thông thường bắt đầu vào nghi thức cúng giác linh (theo phong tục), chủ lễ thường đọc bài kệ có câu “Chích lý Tây quy…[9] nghĩa “quảy dép về Tây…”. Đây là sự tích mang tính huyền sử nói về Tổ Đạt Ma quảy một chiếc giày/dép đi về Ấn Độ sau khi viên tịch. Hình ảnh ấy nhắc lại như thể các vị tôn túc viên tịch đều quảy dép về đất Ấn. Có thể nào Tổ Đạt Ma là Tổ sư Thiền đời thứ 28 ở Ấn và Sơ Tổ ở Trung Hoa có nguyện vọng vãng sanh Tây phương theo Tịnh độ? Nghi lễ Phật giáo Việt Nam có cần thiết phải copy như vậy không? Lại nữa, trong khi cúng trà, cúng nước, chủ lễ xướng mời giác linh uống trà ‘triệu châu’, hay trà được pha từ nước lấy ở sông Dương Tử, rồi cơm hương tích… Thực tế thì đệ tử chỉ cúng cơm Việt, trà Olong, trà Thái Nguyên… Giác linh được mời dùng đồ thượng hạng nhưng khi thử thì toàn đồ giả?! Thế thì lời văn trong các nghi thức như vậy nên giữ nguyên hay cần thay đổi cho phù hợp và đúng ý nghĩa?

Nghi lễ Phật giáo đầu tiên là giới luật Phật chế và được chư Tổ bổ sung với những nội quy, thanh quy và các nghi thức cúng kiến khác theo văn hóa mỗi nơi. Có thể nói Đức Phật không giảng dạy các nghi thức cúng bái để tổ chức các lễ hội. Các nghi lễ cúng bái trong Phật giáo hầu như là vay mượn từ Nho giáo và Lão giáo rồi bổ sung, thay đổi cho phù hợp. Do đó, nghi lễ trong Phật giáo thường là sự pha trộn chứ không thuần của Phật giáo. Chẳng hạn khi cúng trong lễ tang, những người thân trong gia đình lạy 2 lạy khi người chết chưa chôn, 4 lạy khi người chết đã chôn hay thiêu rồi. Thế nhưng, khi lạy thầy tổ viên tịch (người chết) thì lạy ba lạy chứ không lạy hai hay bốn lạy. Phật giáo Đại thừa theo kinh Địa Tạng quy định 7 thất là kết thúc nhưng thực tế Phật giáo vẫn dùng nghi lễ của Nho giáo là cúng bách nhật (100 ngày), tiểu tường (giáp năm), đại tường (2 năm) là các ngày giỗ hay tưởng niệm. Tại sao phải đeo khăn tang và thực sự người có tang đem đến điềm xấu cho người khác? Những vấn đề vừa nêu thiết nghĩ Ban nghi lễ cần soạn thảo, giải thích và ấn hành sách để cho tín đồ Phật giáo hiểu rõ để thực hành cho đúng.

Có rất nhiều vấn đề về nghi lễ Phật giáo cần bổ sung cho hoàn chỉnh. Bài viết ngắn này chỉ nêu vài gợi ý tham khảo sau bài góp ý khá thiết thực của Đại đức Thích Giác Đạo. Tuy nhiên, đã 8 năm qua vẫn chưa thấy sự thay đổi nào về nghi lễ và cũng chưa có sách nào viết về nghi lễ Phật giáo. Khi viết bài này, người viết mong rằng trong tương lai gần, nghi lễ Phật giáo Việt Nam có sự bổ sung để phù hợp với thực tế. Có lẽ, chỉ khi nào Giáo hội có chỉ đạo cụ thể để Ban nghi lễ theo lộ trình thực hiện thì các cuộc lễ Phật giáo mới có sự thống nhất về cách thức, chương trình và có sự trang nghiêm vốn rất cần thiết.


 

[1] Xem Viên Hải, Sự cần thiết của nghi lễ Phật giáo, http://phatgiaoquangnam.com/su-can-thiet-cua-nghi-le-phat-giao/, truy cập ngày 5/10/2018.

[2] Xem Đại phẩm, https://www.budsas.org/uni/u-luat-daipham/dp-02.htm, truy cập ngày 5/10/2018.

[3] Xem Đại phẩm, https://www.budsas.org/uni/u-luat-daipham/dp-02.htm, truy cập ngày 5/10/2018. Thâu-lan-giá (cullaccaya) dịch là trọng tội hay đại chướng thiện đạo. Tội này xếp sau tội Ba-la-di và Tăng tàn.

[4] Thích Thiện Hòa dịch, Tỳ-kheo giới kinh, Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2010.

[5] Các nghi thức cúng được lưu truyền sử dụng tại các chùa có ghi tác giả biên soạn nhưng nội dung không phải do tác giả ấy sáng tác. Các điệu tán cho đến nay cũng chưa có nghiên cứu nào đưa ra tác giả của các kiểu tán ấy.

[6] Thông bạch hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2562, http://phatgiao.org.vn/thong-bao/201803/Thong-bach-huong-dan-to-chuc-dai-le-Phat-dan-PL-2562-30319, truy cập 6/10/2018.

[7] Thích Giác Đạo, Vài suy nghĩ về Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ II – 2010, https://giacngo.vn/vanhoa/2010/10/21/5AF653/, truy cập ngày 8/10/2018.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle