Năm cái thấy

nam cai thay

 

Năm cái thấy

C.T. Shen – Phan Huy An dịch

 

Phật giáo chia cái thấy con người ra thành năm loại. Đó là cái thấy bằng Nhục nhãn, cái thấy bằng Thiên nhãn, cái thấy bằng Tuệ nhãn, cái thấy bằng Pháp nhãn, và cái thấy bằng Phật nhãn. Trước tiên cần phải nói rằng, cái thấy của con người bằng Nhục nhãn là một cái thấy giới hạn. Sự thật là cái thấy của con người không phải là cái thấy tối ưu nhất về phương diện này. Một con chim ưng, mắt nó có thể nhìn thấy xa hơn mắt của con người. Một con cú, mắt nó nhạy với ánh sáng hơn nhiều so với mắt của chúng ta, và nó có thể nhìn thấy mọi vật trong bóng tối mà ta không thể nhìn thấy.

Để hình dung ra những hạn chế của mắt con người, tôi sẽ sử dụng một bảng đồ biểu do các nhà khoa học tiến hành, được gọi là dòng điện từ. Đồ biểu này chỉ cho chúng ta thấy rằng, mắt trần của con người chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một vùng rất hẹp của vũ trụ, gọi là vùng ánh sáng có thể nhìn thấy. Chúng ta không nhìn thấy được những đoạn sóng quang phổ hay những đoạn sóng tia tử ngoại. Điều này cho thấy là trước khi con người phát minh ra những thiết bị máy móc để giúp con mắt trần của mình trong việc khám phá vũ trụ vượt qua giới hạn của tầm mắt, thế giới mà con người nhìn thấy tưởng như đầy đủ, đúng đắn và chân thật thì thật sự bất toàn và là một phần rất nhỏ của tổng thể vũ trụ. Thật sự kinh ngạc khi ta biết rằng hơn 2.500 năm trước đây, Đức Phật đã đưa ra một kết luận giống như vậy dù không có sự trợ giúp của bất kỳ thiết bị máy móc nào mà ngày nay chúng ta có.

Ví dụ sau đây có thể minh họa rõ ràng hơn về cái thấy bị hạn chế của con người chúng ta, và hãy so sánh nó với cái thấy bằng Thiên nhãn.

Hãy tưởng tượng có một ngôi nhà bị bao phủ hoàn toàn bởi bóng tối giữa một thành phố lớn. Với một cửa sổ rất nhỏ, từ đó người ta chỉ có thể nhìn thấy những tòa nhà cao san sát, một khoảng trời xanh phía trên kia và một vài hoạt động giới hạn của con người. Giả dụ có một đứa bé sinh ra và lớn lên trong căn nhà này, nhận thức của cậu ta về thế giới bên ngoài là gì? Không nghi ngờ gì cả, thế giới của cậu ta sẽ được dựa trên những gì mà cậu ta nhìn thấy xuyên qua khung cửa nhỏ hẹp đó. Không có cách nào khác để một người có thể miêu tả một cách thuyết phục cho cậu ta về cảnh trời biển mênh mông và sự kỳ diệu của quang cảnh lúc bình minh lên hay hoàng hôn xuống. Cậu ta khó có thể cảm nhận được điều này.

Điều này cho thấy rõ là cái thấy đã làm con người chúng ta bị giới hạn. Thật sự chúng ta đang ở trong căn nhà tối, quan sát vũ trụ thông qua một ô cửa rất nhỏ là con mắt của chúng ta. Vậy mà chúng ta lại khẳng định cho rằng những gì chúng ta nhìn thấy là một thế giới hoàn hảo, đúng đắn và chân thật.

Bây giờ, hãy tưởng tượng có một căn nhà khác trên đỉnh một ngọn đồi. Căn nhà có một cửa kính lớn, từ đó người ta có thể nhìn thấy một khung trời bao la đến tận chân trời xa thẳm. Lại một đứa bé sinh ra và lớn lên trong căn nhà này. Có phải thế giới mà cậu ta nhận thức thì rộng lớn và đẹp đẽ hơn nhiều so với cậu bé đã nhìn thành phố đông đúc thông qua ô cửa nhỏ hẹp kia không? Về phương diện này, đứa bé thứ hai đã có được Thiên nhãn, trái lại đứa bé thứ nhất chỉ có Nhục nhãn.

Người ta thường cho rằng chỉ có chư Thiên trên các cõi trời mới có Thiên nhãn. Tuy nhiên theo Phật giáo, quan điểm đó không đúng hoàn toàn. Bởi vì con người chúng ta cũng có thể đạt được Thiên nhãn. Có hai cách để chứng đạt được điều đó. Cách thứ nhất là thông qua thiền định (dhyana). Cách thứ hai là bổ sung cho con mắt trần của chúng ta một thiết bị máy móc. Mặc dù cách thứ nhất, thiền định, là phương pháp thù thắng hơn, nhưng cách thứ hai thì dễ dàng lĩnh hội đối với con người ngày hôm nay. Con người ngày nay có thể nhìn thấy không gian rộng lớn hơn nhờ sử dụng kính viễn vọng đầy hiệu năng. Con người ngày nay cũng có thể nhìn thấy được các hoạt động của vi khuẩn bằng cách sử dụng kính hiển vi. Ngoài ra, con người còn có thể nhận biết những sự kiện xảy ra cách họ hàng triệu dặm bằng những phương tiện vệ tinh và vô tuyến truyền hình, và có thể nhìn thấy nhiều điều kỳ diệu khác mà vào thời Đức Phật chỉ những người có Thiên nhãn mới có thể nhìn thấy được. Vào thời kỳ đó, thiền định là phương tiện duy nhất có thể giúp con người vượt qua rào cản chắn ngang trước con mắt trần. Thật rõ ràng khi Đức Phật nhận ra khả năng nhìn của con người là vô biên nhưng khả năng đó bị giới hạn bởi con mắt trần này. Bởi vậy, trải qua nhiều năm thiền định, Đức Phật đã khám phá ra sự chướng ngại của con mắt trần có thể bị phá vỡ và khả năng nhìn tiềm tàng của con người có thể phát triển đầy đủ. Khi điều đó xảy ra, sẽ không có điều gì khó khăn trong việc phát huy tầm nhìn của con người đến tận các cảnh giới chỉ được nhận biết bằng Thiên nhãn.

Đến đây, tôi tin các bạn sẽ không có gì khó khăn để hiểu về Nhục nhãn và Thiên nhãn. Vào thời Đức Phật, con người gặp quá nhiều khó khăn để hiểu thiên nhãn là gì? Ngày nay, nói một cách thực tế, mọi người đều có Thiên nhãn tùy theo cấp độ. Do đó, điều này rất dễ lĩnh hội.

Bây giờ, chúng ta đi đến phần Tuệ nhãn.

Để trình bày thế nào là Tuệ nhãn, chúng tôi cần giới thiệu một khái niệm rất nền tảng và quan trọng trong Phật giáo là “shunyana” và có thể chuyển dịch là “không”. Đây là khái niệm duy nhất không thể tìm thấy trong bất kỳ tôn giáo nào.

Trong Phật giáo, có nhiều bộ kinh bàn về tính Không. Những gì tôi có thể trình bày ở đây thật sự chỉ là một giọt nước từ đại dương mênh mông. Tôi sẽ giới thiệu đến các bạn ba dạng phân tích nhận thức mà Đức Phật đã trình bày trong nhiều dịp, điều này đưa đến sự hiểu biết sâu sắc về tính Không.

1. Phương pháp phân tích về sự phân tán

Cho phép tôi dùng một cái radio làm ví dụ. Hãy tưởng tượng tôi có một cái radio ở đây. Nếu tôi tháo cái loa ra, bạn có thể gọi cái loa là radio không? Câu trả lời là không. Bạn chỉ có thể gọi nó là cái loa. Bây giờ, tôi tháo linh kiện bán dẫn ra, bạn có thể gọi linh kiện bán dẫn là radio không? Lại là không, nó là linh kiện bán dẫn. Cái tụ điện, điện trở, hộp nhựa, dây điện v.v… thì thế nào? Không có gì trong những thứ này là radio cả. Khi tất cả các bộ phận đó được tháo ra, bạn có thể nói cho tôi cái radio ở đâu? Không có cái radio. Do đó, từ “radio” chỉ đơn giản là một cái tên cho một nhóm được các thành phần kết hợp lại với nhau một cách tạm bợ. Khi người ta tháo nó ra, cái radio đánh mất sự tồn tại của nó. Một cái radio không phải là một thực thể vĩnh cữu, bản chất thực sự của cái radio là “không.”

Không chỉ cái radio; cái loa cũng là “không.” Nếu tôi tháo cục nam châm ra khỏi cái loa, bạn có thể gọi nó là cái loa không? Không, bạn chỉ gọi nó là cục nam châm, nếu tôi tháo cái khung ra, bạn có thể gọi nó là cái loa không? Lại không, bạn gọi nó là cái khung. Khi tất cả các thành phần bị tháo tung ra từng cái một thì ở đây cái gì là cái loa? Vì vậy, nếu chúng ta tháo rời cái loa ra, nó đánh mất sự hiện hữu của chính nó. Một cái loa thì không có thực thể vĩnh hằng. Do vậy, cái loa là “không”.

Phương pháp phân tích bằng sự phân tán này có thể áp dụng đối với mọi thứ trong thế gian này, và cũng sẽ đưa đến sự kết luận như vậy. Do đó, không có một thực thể trường tồn vĩnh cữu. Vì vậy, bất cứ cái gì mà chúng ta đặt cho nó một cái tên chỉ là một cái tên giả tạm chứ thật sự không có cái tên thật.

2. Phương pháp phân tích bằng sự tập hợp

Mặc dù chúng ta nhìn thấy hàng trăm hàng ngàn sự vật khác nhau trong cõi đời, nhưng con người có thể tập hợp chúng lại thành một vài thành phần cơ bản. Ví dụ như dựa trên những đặc tính hóa học, người ta đã phân loại vàng như một chất cơ bản. Chúng ta có thể đặt tên cho hàng ngàn loại vàng, từ một bức tượng vàng phức tạp cho đến một thanh vàng đơn giản, nhưng tất cả các loại vàng đó đều có thể bị nấu chảy và chuyển thành nhiều dạng cấu trúc khác nhau. Chúng dễ thay đổi và vô thường. Thứ mà không thay đổi là những đặc tính hóa học chung, và nhờ đặc tính chung đó mà chúng ta gọi tất cả các loại đó là “vàng”. Nói cách khác, tất cả các loại vàng này được tập hợp dưới dạng thành phần mà chúng ta gọi là “vàng”.

Vào thời Đức Phật, các triết gia Ấn Độ đã gom hết thảy mọi vật thành bốn thành phần cơ bản, đó là chất rắn (địa), chất lỏng (thủy), hơi nóng (hỏa), và chất khí (phong). Đức Phật đã tiến xa hơn và cho rằng bốn thành phần đó cũng có thể quy lại thành “không”. Tiếp tục ví dụ về vàng của chúng ta. Lời dạy của Đức Phật có nghĩa rằng, chúng ta cũng có thể thắc mắc về sự tồn tại của vàng có phải là một thực thể vĩnh cửu hay không, cho dù chúng ta nhận biết vàng như là một đặc tính chung nhất của tất cả các loại vàng khác nhau. Những gì chúng ta có thể trình bày chỉ là một dạng đặc trưng của vàng. Chẳng hạn như, một thỏi vàng về cơ bản thì dễ thay đổi và vô thường. Do đó, đơn giản vàng là một cái tên được đặt cho một vài đặc tính, vàng chính nó là “không.”

Bằng lập luận như thế, Đức Phật đã kết luận tất cả các chất rắn là không. Không chỉ tất cả các chất rắn là không mà các chất lỏng cũng là không. Bởi vì, tính chất của chất lỏng là không có hình sắc, không thể nắm bắt, và không tồn tại độc lập. Như vậy, hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã đưa ra kết luận rằng vạn pháp trong vũ trụ có thể quy lại thành không.

Trước khi Albert Einstein khám phá ra thuyết tương đối, các nhà khoa học đã quy vạn vật trong vũ trụ thành hai thành phần cơ bản, đó là vật chất và năng lượng. Einstein đã liên kết hai thành phần này lại và chứng minh một cách xác thật: vật chất là một dạng khác của năng lượng. Nhưng bản chất đầu tiên của năng lượng là gì? Mặc dù tôi không dám khẳng định rằng năng lượng cũng giống như “không”, nhưng ít nhất tôi muốn nói ở đây là năng lượng cũng không hình sắc, không thể nắm bắt, và cũng tương tự như “không”.

3. Phương pháp phân tích bằng sự quán triệt

Phương pháp này đã được Đức Phật thực hiện bằng phương tiện thiền định. Thiền định có lẽ khó khăn đối với hầu hết chúng ta, nhưng may mắn hơn trong thời đại ngày nay, ngành khoa học công nghệ đã cung cấp cho chúng ta một vài điều tương tự mà có thể đưa cho chúng ta ít nhiều sự hiểu biết về pháp môn này. Chúng ta hãy đề cập trở lại dòng điện từ. Chúng ta biết rằng con mắt trần của chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được một phần nhỏ của vũ trụ, nhưng nếu nhờ sự giúp đỡ của một vài thiết bị máy móc, chẳng hạn như thiết bị tia hồng ngoại, tia X quang, kính hiển vi v.v... con người ngày nay có thể nhìn thấy nhiều phạm vi khác nhau của vũ trụ. Để giúp các bạn hiểu vấn đề này thông suốt hơn, tôi xin giới thiệu một bảng biểu đồ. Ở đây, chúng ta hãy nhìn vào một con người bình thường được khám phá bằng nhiều thiết bị máy móc khác nhau tại những tia sóng khác nhau. Biểu đồ này được chia làm năm phần. Dưới số một, bạn nhìn thấy một hình ảnh chủ yếu gồm các màu đỏ, vàng và xanh mà một con người khi được khám phá ra bằng thiết bị tia hồng ngoại. Dưới số hai là một người được nhìn thấy bằng con mắt trần của chúng ta. Dưới số ba là một người được nhìn thấy thông qua một máy X quang, bằng cách đó thì da thịt đều biến mất nhưng cấu trúc bộ xương thì vẫn còn. Kế tiếp được đánh dấu bằng số bốn, là một bức ảnh về cấu trúc phân tử của thân thể con người được nhìn thấy một cách tỉ mỉ. Tận cùng bên phải là một khoảng trống được đánh dấu bằng số năm.

Xin đừng nhầm lẫn bảng biểu đồ này rồi nghĩ rằng những hình ảnh khác nhau và khoảng trống còn lại là những thực thể khác nhau. Tất cả chúng là một con người chứ không gì khác. Cũng đừng nhầm lẫn ý tưởng về các hình ảnh nằm trên những vị trí khác nhau, từ trái sang phải. Thật ra, tất cả chúng đều ở nơi một vị trí như nhau. Để chứng minh rõ ràng hơn, giả thiết tôi là người được vẽ trên bảng biểu đồ đó. Lúc này, các bạn hãy tưởng tượng, mắt của các bạn có thể phát ra tia hồng ngoại, những gì bạn nhìn thấy hiện diện trước mặt bạn là một hình ảnh màu sắc đỏ, vàng và xanh. Bây giờ di chuyển trở lại thiết bị bạn sử dụng hàng ngày, bạn sẽ thấy hình dáng bên ngoài của tôi. Kế tiếp hãy tưởng tượng con mắt của bạn là một tia X quang; ngay lúc ấy da, thịt và máu của tôi đều biến mất và những gì bạn nhìn thấy chỉ là cấu trúc của bộ xương thân thể tôi. Thay đổi một thiết bị khác, con mắt hiển vi, con người đang đứng trước mặt bạn là một cấu trúc mắc xích phân tử phức tạp. Quan sát sâu hơn một chút nữa, chúng ta thấy khoa học hiện đại trình bày phân tử bao gồm các nguyên tử, và nguyên tử thì chứa đựng những hạt cực nhỏ, và cuối cùng toàn thể khối lượng đó có thể chuyển thành năng lượng, bản chất đầu tiên của nó là những thứ mà chúng ta không thể nhìn thấy hay nắm bắt. Con số năm trên bảng biểu đồ được biểu thị bằng một khoảng trống, chúng ta hãy gọi đó là vật thể vô hình.

Bằng nhận thức thông thường, chắc các bạn rất quan tâm khi tôi là con người như vậy, nhưng tôi có thể xuất hiện trước bạn dưới những hình thức khác; hình ảnh đầy màu sắc, thân thể xác thịt, cấu trúc bộ xương, hợp thể các phân tử, nhiều hình thức khác nhau tương ứng với các lĩnh vực hay các thiết bị máy móc khác nhau, và cuối cùng là một vật thể vô hình.

Phương pháp thứ ba, phân tích bằng sự quán triệt này lại đưa đến kết luận tương tự: “Vạn pháp trong vũ trụ có thể được quán triệt đến tận gốc rễ của chúng”. Các nhà khoa học gọi nó là “năng lượng” và Đức Phật gọi nó là “không”.

Ở đây, xin các bạn ghi nhận thêm một điểm quan trọng. Bài viết của tôi được trình bày từ đầu đến giờ chỉ là vận dụng trí thức một cách thuần túy. Tuy nhiên, Không tính là một trạng thái phải được thực nghiệm. Khi một người đạt đến trạng thái này thì có một sự trải nghiệm hạnh phúc lớn lao, nó lớn gấp trăm ngàn lần so với bất kỳ thứ hạnh phúc nào từ trước đến nay một người bình thường nếm trải. Hơn thế nữa, Không tính là một trạng thái, trong đó, người ta vượt qua cảm giác đổi thay vô thường.

Bây giờ cho phép tôi đi xa thêm bước nữa. Như các bạn có lẽ đã biết, nhận thức được về khổ đau của kiếp người là nguyên nhân trực tiếp đưa đến thành tựu Phật quả. Thái tử Siddhartha từ bỏ hoàng cung và trở thành một ẩn sĩ trong việc tìm kiếm con đường đưa đến giải thoát cho con người bởi Ngài nhận thức được khổ đau của kiếp sống nhân sinh. Ngài đã liệt kê ra tám thứ khổ đau của kiếp người. Tiếng Sanskrit gọi là “duhkha”, nó có nghĩa rộng hơn từ “khổ”. Tám thứ khổ là: sinh, lão, bệnh, tử, xa rời những gì mình yêu thích, gần gũi những gì mình không thích, không đạt được những gì mình mong muốn, và khổ do sự nhóm họp của năm thủ uẩn. Tôi không có thời gian để giảng giải tám thứ khổ này một cách chi tiết ở đây, nhưng nếu các bạn nhận thức chúng một cách chín chắn, các bạn có thể kết luận rằng, tất cả tám thứ khổ đều liên hệ với nhau và nguồn gốc phát sinh đau khổ chính là chấp thân danh sắc này là tự ngã của ta. Thân ngũ uẩn và ý niệm về tự ngã là nền tảng mà tất cả khổ đau của kiếp nhân sinh được xây dựng trên đó.

Nếu ý niệm về tự ngã và thân thể tứ đại không còn tồn tại nữa, Không tính được liễu ngộ, thì khổ đau tồn tại bằng cách nào? Khi một người đạt đến giai đoạn này, vạn pháp trong vũ trụ, bao gồm cả người ấy, được xem là “không”. Tất cả khổ đau của người ấy đều biến mất và người ấy được gọi là người có Tuệ nhãn.

Điều đó cũng giống như gánh nặng hệ lụy được đặt xuống một cách bất ngờ. Nó giống như cuộc hội ngộ không ngờ giữa người mẹ và đứa con thân yêu của mình sau nhiều năm xa cách; nó giống như khi một người đang chèo chống con thuyền một cách tuyệt vọng giữa đại dương bão tố thấy được đất liền. Đây là sự diễn tả về niềm hoan hỷ lớn lao được nếm trải khi chứng được Tuệ nhãn.

Nhiều đệ tử của Đức Phật đã đạt đến giai đoạn này là các vị A-la-hán. Mặc dù chư vị là các bậc Thánh nhưng Đức Phật đã đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc rằng không nên dừng lại ở Tuệ nhãn. Đức Phật giải thích rằng với Nhục nhãn và Thiên nhãn, chúng ta nhìn thế giới bất toàn, biến đổi và không thật này là hoàn mãn, vĩnh cữu và chân thật rồi chúng ta trở nên chấp thủ vào thế giới. Đó là lý do tại sao chúng ta khổ đau. Đây là một cực đoan. Với Tuệ nhãn, chúng ta nhìn vạn pháp trong vũ trụ là vô thường, không thật có và trống rỗng rồi ta lại muốn an trú trong trạng thái này, trở nên chấp thủ đối với cái không, điều này lại rơi vào một cực đoan khác. Mỗi khi có chấp thủ, cho dù đối với một thực thể hay đối với cái không, hay ý niệm về tự ngã, tất cả đều là nguồn gốc của vô minh và khổ đau. Do đó, đạt được Pháp nhãn là lời dạy tối hậu của Đức Phật.

Vậy Pháp nhãn là gì? Một người được xem có Pháp nhãn là lúc người ấy không an trú trong trạng thái không sau khi đạt được Tuệ nhãn. Ít nhất, vị ấy nhận ra rằng, cho dù bất cứ những gì vị ấy nhìn thấy trong những phạm vi khác nhau chỉ là sự giả hiện, tuy thế nó lại thật có trong phạm vi của nó.

Chúng ta hãy đề cập đến bảng biểu đồ vừa nói ở trên một lần nữa. Một người có Nhục nhãn sẽ khẳng định rằng, chính thân thể ngũ uẩn này là có thật có. Từ đó, người ấy thiếu đi hiểu biết về tất cả các lĩnh vực khác. Một người có Tuệ nhãn nhận thấy rằng, những sắc tướng này là những ảo ảnh, chúng vô thường, không vững chắc, không thật có, và tính Không là một trạng thái chân thật và vĩnh cữu. Thế rồi người ấy trở nên chấp thủ đối với tính Không. Bây giờ, một người có Pháp nhãn sẽ nói rằng, mặc dù sự thật tất cả các tướng trạng là những sự giả hiện, chúng không có thực thể ngoài Không tính, nhưng chúng thực có với phạm vi chúng đang hiện hữu. Nhận thức này làm phát sinh lòng từ bi rộng lớn, vô phân biệt, không điều kiện một cách tự nhiên. Như thế, người ấy được xem là có Pháp nhãn. Trong Phật giáo, vị đó được gọi là một vị Bồ-tát.

Một khi người ta vượt qua được sự chấp thủ đối với cái không thì lòng từ bi vô phân biệt và không điều kiện sinh khởi một cách tự nhiên từ trực nghiệm về Không tính. Thật là một điều kỳ diệu của con người. Lời dạy này tạo cho Phật giáo trở thành một tôn giáo thực nghiệm và sâu sắc nhất.

Cho phép tôi kể một câu chuyện để minh họa sự khác nhau giữa một vị A-la-hán, người chứng đạt được Tuệ nhãn và một vị Bồ-tát, người có được Pháp nhãn.

Có một tòa nhà lớn đang bốc cháy. Ở đó, chỉ có một cánh cửa để thoát ra an toàn. Có nhiều người đang vui chơi trong đó nhưng chỉ ít người biết được sự nguy hiểm của hỏa hoạn. Những người biết được sự nguy hiểm đang cố gắng một cách tuyệt vọng để tìm một lối thoát. Con đường thì dài và rối rắm, nhưng cuối cùng họ đã ra khỏi căn nhà xuyên qua lớp khói dày đặc. Được hít thở không khí thoáng đảng trong lành trở lại, họ quá sung sướng đến nỗi chỉ muốn nằm nghỉ chứ không muốn làm bất cứ điều gì khác. Tuy thế, một người trong họ đã nghĩ khác. Người ấy nhớ rằng, có nhiều người vẫn còn ở bên trong và không biết được sự nguy hiểm của ngọn lửa. Vị ấy biết rằng, cho dù họ có biết thì họ không thể biết được đường để thoát ra khỏi đó một cách an toàn. Vì vậy, không cần suy nghĩ đến sự mỏi mệt và rủi ro cho bản thân, vị ấy trở lại nhà để đưa những người khác ra khỏi nơi nguy hiểm đó. Người này là một vị Bồ-tát.

Bây giờ tôi xin kể một câu chuyện khác. Đó là câu chuyện nói về những người đang hành trình qua sa mạc để tìm kiếm kho báu ở một vùng đất xa xôi. Đi lâu dưới ánh mặt trời oi bức, họ đã mỏi mệt, đói khát và tuyệt vọng trong việc tìm kiếm một nơi im mát để nghỉ ngơi, một ít nước hay trái cây để dập tắt cơn khát đang thiêu đốt họ. Bất chợt, ba người trong số họ tìm đến một khu đất được bao quanh bằng những bờ tường. Một người leo lên bức tường, la lên một cách thích thú, và nhảy vào bên trong khu đất. Người lữ hành thứ hai theo người đi trước cũng nhảy vào bên trong. Sau đó người lữ hành thứ ba leo lên bức tường. Ở đó, vị ấy nhìn thấy một vườn hoa xinh đẹp, có những cây sala tỏa bóng mát và một hồ nước lớn. Thật tuyệt diệu làm sao! Tuy thế, trong khi dự định nhảy vào bên trong khu đất, vị ấy nhớ rằng, có nhiều người lữ hành khác vẫn đang còn lang thang trong sa mạc mênh mông, đang bị thiêu đốt mà không biết được ốc đảo này. Từ bỏ sự cám dỗ nhảy vào bên trong khu đất, vị ấy tụt xuống bờ tường và đi trở lại sa mạc mênh mông để dắt dẫn những người khác đến nơi nghỉ ngơi này.

Tôi nghĩ rằng, mọi người ở đây sẽ không có gì khó khăn để hiểu rằng, người thứ ba này là một vị Bồ-tát.

Cần chỉ ra nơi đây rằng lòng từ bi như vậy không phải là hình thức hời hợt bên ngoài mà nó sâu sắc và không thể đo lường được. Nó không cần viện đến điều kiện, chẳng hạn như, “Bởi vì tôi thích bạn” hay “Bởi vì bạn vâng lời tôi”. Đó là lòng từ bi vô phân biệt và vô điều kiện. Lòng từ bi như vậy phát sinh từ trực nghiệm về Không tính, một trạng thái hỷ xả hòa hợp viên mãn và không có mặt bất kỳ sự chấp thủ nào. Với điều này, tôi hy vọng bạn sẽ có một vài kiến thức về bốn cái thấy. Dưới đây là một câu chuyện về hai bài kệ nổi tiếng trong Thiền tông Phật giáo.

Ngũ Tổ đời nhà Đường ở Trung Quốc, một lần đã yêu cầu các đệ tử của mình mỗi người viết trình một bài kệ để bày tỏ sự liễu ngộ của họ về Phật pháp. Thầy Thần Tú, người đứng đầu trong Tăng chúng đã trình bày bài kệ như sau:

Thân thị bồ-đề thọ

Tâm như minh cảnh đài

Thời thời cần phất thức

Vật xứ nhạ trần ai.

(Thân là cây bồ-đề

Tâm như đài gương sáng

Thường hay siêng lau chùi

Chớ để dính bụi bặm).

Ngũ Tổ nhận xét rằng, Thần Tú chỉ mới đến cửa chứ chưa vào được trong nhà.

Một vị cư sĩ có tên là Huệ Năng cũng sống trong tu viện. Mặc dù Ngài chưa nhận được sự truyền dạy từ Ngũ Tổ. Tuy thế, ngài là một con người kiệt xuất. Khi Huệ Năng nghe bài kệ, ngài không đồng ý với thầy Thần Tú về bài kệ này và đệ trình bài kệ của mình:

Bồ-đề bổn vô thọ

Minh cảnh diệc phi đài

Bổn lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai.

(Bồ-đề vốn không cây

Gương sáng vốn không đài

Xưa nay không một vật

Lấy gì dính bụi bặm).

Sau đó, Hụê Năng trở thành đệ tử của Ngũ Tổ, được truyền y bát và là vị Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa.

Như vây, với cái thấy nào ngài Thần Tú đã trình bày bài kệ của mình? Với cái thấy nào ngài Huệ Năng đã không đồng ý với ngài Thần Tú, và sau đó đệ trình bài kệ của mình? Tôi sẽ không trả lời câu hỏi này, tôi muốn quý vị suy nghĩ để tìm câu trả lời cho mình.

Bây giờ chúng ta đi đến phần Phật nhãn.

Từ đầu đến giờ tôi đã cố gắng nói với các bạn một vài điều về bốn cái thấy, nhưng đến đây tôi thật sự không thể nói điều gì về cái thấy bằng Phật nhãn cả, bởi vì những gì tôi nói sẽ làm sai lạc quan điểm.

Nhưng tôi cũng biết rằng tôi không thể dừng lại ở đây, không nói gì mà chỉ đưa lên bông hoa sen như Đức Phật đã làm. Không những tôi không có một thứ hào quang nào để khai mở sự hiểu biết thông qua sự im lặng, mà các bạn cũng sẽ không hài lòng về sự im lặng này. Thật dễ hiểu bởi vì tất cả chúng ta đều còn có nhãn căn, nhĩ căn và tâm ý, do đó ít nhất chúng ta phải nói một vài điều.

Bạn sẽ nhận thấy rằng, trong thảo luận của chúng ta về bốn cái thấy đầu tiên, mỗi cái thấy luôn có chủ thể và đối tượng. Ví dụ như, với cái thấy bằng Nhục nhãn, chúng ta có con người là chủ thể và thế giới hiện tượng là đối tượng. Với cái thấy bằng Thiên nhãn, chúng ta có chư thiên là chủ thể và những cảnh giới bao la trong không gian là đối tượng. Với cái thấy bằng Tuệ nhãn, chúng ta có các vị A-la-hán là chủ thể và tính Không là đối tượng. Và chư vị Bồ-tát là chủ thể và các phương diện hiện hữu của thế giới là khách thể, khi ta đề cập đến Pháp nhãn. Tuy nhiên, khi chúng ta nói về Phật nhãn, nói rằng Đức Phật là chủ thể và thế giới là đối tượng thì điều đó hoàn toàn không đúng. Bởi vì sự phân biệt giữa Phật và thế giới không còn có mặt nữa. Phật là thế giới, thế giới là Phật. Nói rằng Đức Phật có Phật nhãn thì hoàn toàn không đúng. Bởi vì, không có sự phân biệt giữa Phật và Phật nhãn. Phật nhãn là Phật và Phật là Phật nhãn. Tóm lại, bất kỳ sự đối đãi nào bạn có thể dựng lên thì không thích hợp đối với cái thấy bằng Phật nhãn.

Điểm thứ hai tôi muốn trình bày là Phật nhãn gắn liền với bản thể vô lượng vô biên. Ý tôi là gì khi nói đến vô lượng vô biên? Mặc dù chúng ta nói khái niệm của con người về vũ trụ là hữu hạn, đến mức khái niệm đó chỉ như một cái bong bóng trong biển cả bao la khi ta so sánh với kinh nghiệm của Đức Phật về vũ trụ. Vậy điều đó không diễn tả được hay sao? Vâng, điều đó không thể diễn tả. Chúng ta hãy suy nghĩ về những gì chúng ta đã gặp trong toán học. Bạn biết rằng, cấp độ đầu tiên của năng lượng là một đường thẳng. Cấp độ thứ hai của năng lượng là một mặt phẳng. Cấp độ thứ ba của năng lượng là một không gian ba chiều. Bây giờ cấp độ thứ tư của năng lượng, cấp độ thứ năm của năng lượng cho đến cấp độ thứ N của năng lượng là thế nào? Nếu bạn có thể giải thích những gì mà cấp độ thứ N của năng lượng biểu hiện thì bạn có thể có được ít nhiều hiểu biết về thế giới quan của đức Phật: Vô lượng vô biên.

Điểm thứ ba, tôi muốn nói đến một vài điều về bản chất của thời gian. Đây là một khái niệm rất khó lĩnh hội đối với con người chúng ta. Đối với chúng ta, chu kỳ thời gian là một sự kiện có thật. Đi qua dòng chảy thời gian này, con người phát triển từ một đứa bé đến một thanh niên, đến trưởng thành, đến già v.v... Nói rằng, đối với cái thấy bằng Phật nhãn thời gian không hiện hữu thì điều đó vượt qua khỏi sự hiểu biết của chúng ta, nhưng đó là những gì cái thấy bằng Phật nhãn hàm chứa. Hàng tỉ năm cũng không khác gì một niệm. Một thế giới được đo cách quả đất hàng tỉ năm ánh sáng nhưng theo vũ trụ quan của chúng ta có thể đi đến chỉ trong một niệm. Điều này thật là hi hữu.

Bây giờ tôi xin được tóm tắt lại bốn điểm chính của cái thấy bằng Phật nhãn vừa đề cập đến:

1. Không có chủ thể và không có đối tượng; đó là không có tính nhị nguyên.

2. Vô lượng vô biên; đó là không có không gian.

3. Vô thủy vô chung; đó là không có thời gian.

4. Hàm chứa tất cả; không có cả cái không có.

Đây là bốn nội dung cốt tủy của cái thấy bằng Phật nhãn nếu chúng ta có thể mạo muội diễn tả nó bằng từ ngữ.

Kết thúc, tôi xin mạo muội thưa cùng các bạn thế này: đừng bao giờ dùng cái thấy bằng Nhục nhãn của bạn, hãy mở rộng tri kiến của bạn. Đừng để tâm của bạn bị say đắm bởi những gì bạn nhìn thấy trong một ‘tầm nhìn’ chật hẹp. Hãy phá vỡ nhận thức nhỏ hẹp này. Hãy mở rộng tri kiến của bạn. Phát triển và khai mở cái thấy bằng Thiên nhãn. Dần dần phát triển và khai mở cái thấy bằng Tuệ nhãn. Vào lúc đó xin hãy nhớ đến những người bạn đồng hành của chúng ta và vô số những chúng sanh khốn khổ khác đang vật lộn trong sa mạc sinh tử ngày đêm bị thiêu đốt. Hãy khai mở Pháp nhãn của bạn! Tôi thật sự hy vọng tất cả các bạn sẽ có Phật nhãn, và sẽ đạt đến trạng thái giác ngộ cao viễn, và các bạn có thể dẫn dắt vô lượng chúng sanh trong thế giới hữu hạn này đồng vào Phật đạo.

Nguồn: baus.org

Chia sẻ: facebooktwittergoogle