Chùa Bồ đề - Trường Bồ đề: Điểm son trong phong trào chấn hưng Phật giáo xứ Bắc

chua bo de

CHÙA BỒ ĐỀ - TRƯỜNG BỒ ĐỀ: ĐIỂM SON TRONG
PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO XỨ BẮC

Nguyễn Đại Đồng*

Cuối thế kỷ XIX và những thập niên đầu thế kỷ XX, một thực trạng đau lòng khiến các vị chức sắc Phật giáo, các cao tăng, những người có tâm huyết với đạo phải chú ý: Đạo Phật ngày càng mất uy tín đối với quốc dân, quần chúng quay lưng lại với Phật giáo ngày càng đông.

Có nhiều nguyên nhân tác động dẫn đến hiện trạng này mà nguyên nhân chủ quan là đa số Tăng đồ ngày càng lơ là việc học, chỉ chuyên ứng phó, hành trì tín ngưỡng Phật giáo dân gian, chuyên làm những việc của thầy cúng, dẫn đến thực trạng “dốt và hư nát”, không chuyên tu hành, chỉ tham lợi dưỡng. Điều này đã bị các báo phê phán rất gay gắt[1].Tuy gay gắt nhưng những lời phê phán ấy đã thể hiện rất rõ những khía cạnh suy đồi, tiêu cực trong Phật giáo đương thời.

Cần phải chấn hưng Phật giáo để khắc phục tình trạng trên mà một trong những công việc cần kíp lúc này là tu sĩ đạo Phật phải được đào tạo bài bản, đặc biệt là phải được tu học theo lối mới.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã xác định công tác giáo dục Tăng Ni là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, phải làm ngay và lâu dài. Ngày 14 tháng 12 năm 1934, hơn một tháng sau ngày Hội ra đời, Ban Giáo sư là một trong 10 ban “chức việc” được thành lập. Nhiệm vụ của Ban được bộ Quy tắc của Ban Đạo sư xác định là dạy Tăng Ni học tại trường Phật học của Hội sau này[2].

Chùa Bồ Đề - trường dạy kinh

Ngày 17 tháng 2 năm 1935, Ban Quản trị Hội Phật giáo Bắc Kỳ (gọi tắt là Hội) họp dưới sự chủ tọa của Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc. Ngài Hội trưởng trình bày bốn việc Hội định làm, trong đó có việc: Mở trường học để dạy các sư và thiện nam tín nữ học cho biết cái chân lý của đạo Phật. Tuy nhiên mở trường ở đâu, nội dung học là gì thì chưa xác định[3].

Đến phiên họp Ban Quản trị ngày 30 tháng 3 năm 1935 Hội quyết định:

1).….

2) Xét tờ trình của Ban Cố vấn Đạo sư lập một Ban Học kinh tại chùa Bồ Đề. Hội đồng định chi tiêu 100$00 cho trường Hạ, sắm sửa đồ dùng trong lớp học; lương một vị giáo sư dạy học mỗi tháng là 6$00; lương một cư sĩ dạy học mỗi tháng là 10$00[4].

            Ngày 10 tháng 5 năm 1935, trong phiên họp Đại hội đồng thường niên, do Chánh Hội trưởng chủ tọa, sư tổ Vĩnh Nghiêm và Ban Đạo sư làm Chứng minh, các hội viên nam nữ cùng Tăng Ni có tới mấy trăm vị đến dự. Ngài Hội trưởng đọc tờ trình của Ban Quản trị, cho biết:

            Hội đã mở trường học ở chùa Bồ Đề bên kia sông Nhị Hà để dạy sư ông học, có một vị sư cụ làm giáo thọ dạy về kinh luật, một vị cư sĩ dạy Hán tự và quốc âm (tức tiếng Việt). Lại mở một lớp Sơ học ở chùa Quán Sứ do 2 hội viên Nguyễn Quang Oánh và Lê Dư trông coi và dạy học.

Như vậy, Bồ Đề trở thành trường hạ của Hội dành cho các Tỳ-kheo (sư ông), nhưng nội dung học phong phú hơn vì ngoài các môn nội điển như kinh Diệu pháp liên hoa, Lục tổ đàn kinh, Sa-di luận giải…, các sư được học môn quốc âm (tức quốc văn).

Người dạy học kinh là sư cụ trụ trì chùa Phù Lãng Trung tỉnh Bắc Ninh, người dạy chữ Hán và quốc âm là Tú tài Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến thành viên Ban Quản trị Hội.

Bồ Đề giữ vai trò là trường Hạ của Hội Phật giáo Bắc Kỳ (Hội Việt Nam Phật giáo) từ 1935 – 1954 và là trường hạ của Phật giáo Hà Nội từ 1982 đến nay.

Chùa Bồ Đề - trường đào tạo Tăng tài

Để đào tạo Tăng tài cần phải mở các trường Phật học các cấp và có chương trình học bài bản, chính quy. Đây là vấn đề rất mới đặt ra cho Hội. Công tác chuẩn bị cho việc này được tiến hành ngay sau khi nghe tin Nam triều làm lễ Nam Giao Đại Tự có mời Hội Phật giáo Bắc Kỳ vào dự. Ngày 10 tháng 3 năm 1936, Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc đã đưa các Hòa thượng Trung Hậu, Phúc Chỉnh, Bằng Sở, sư cụ chùa Bộc và sư ông Trí Hải vào Huế để khảo sát việc thiền học và thăm các trường học của Hội An Nam Phật học (Trung Kỳ) mới mở. Tiếp sau, tháng 9 năm 1936, Thượng tọa Tố Liên được cử vào tham cứu các chương trình dạy tại các trường Phật học do Sơn môn Huế mở và trường Tăng học do Hội An Nam Phật học mở. Ngày 20-9-1936, Thượng tọa đi Huế về, cùng với các vị trong Ban Đạo sư và Ban Quản trị xây dựng chương trình dạy tại các trường của Hội.[5]

Sau một thời gian chuẩn bị và chiêu sinh, ngày 14 tháng 12 năm 1936, lễ  khai giảng trường Phật học tổ chức tại chùa Quán Sứ - trụ sở Hội. Ngày hôm sau, Ban Bảo trợ Thiền học đưa học sinh xuống nhập học ở chùa Sở và làm lễ khai giảng như ở chùa Hội quán. Ban công bố danh sách học sinh hợp cách, tất cả 70 người, gồm 20 học sinh xin vào lớp Đại học; 30 học sinh vào lớp Trung học ở chùa Sở (tức chùa Phúc Khánh hay còn gọi là chùa Thịnh Quang ở Ngã Tư Sở, quận Đống Đa hiện nay); 20 học sinh xin vào lớp Tiểu học ở chùa Quán Sứ.[6]

Tuy nhiên, do chùa Quán Sứ chuẩn bị trùng tu, chùa Phúc Khánh chưa đủ chỗ học nên phải đưa trường Trung, Tiểu học sang chùa Bồ Đề. Nhờ có Hòa thượng Sở (tức Hòa thượng Phan Trung Thứ), Hòa thượng Tế Cát (Thích Doãn Hài) là hai vị chánh, phó đốc học, cùng với mấy vị Thượng tọa (Tố Liên, Trí Hải) cùng đôn đốc sự tu học cho các học sinh về phần nội điển, lại có các bậc cư sĩ chuyên nghiên cứu về Phật pháp đến giảng dạy (như các ông Bùi Kỷ, Thiều Chửu, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến, Lê Dư v.v...) về các môn học phổ thông và triết lý Đông Tây cho nên các học sinh tiến bộ nhiều[7].

            Như vậy, từ cuối năm 1936, đầu năm 1937, chùa Bồ Đề trở thành trường đào tạo Tăng tài của Hội với 2 cấp Trung học và Tiểu học.

      Đầu năm 1939, Hội Phật giáo Bắc Kỳ tổ chức sát hạch và phát phần thưởng cho Tăng sinh trường Bồ Đề niên khóa thứ 2. Mục đích sát hạch là kiểm tra trình độ lớp Tiểu học và định số cho lên lớp trên Ban Thiền học.

Giám khảo: Hòa thượng Sở - Đốc giáo Ban Thiền học làm chủ khảo; phó chủ khảo là ông Dương Bá Trạc biên tập viên báo Đuốc Tuệ; sơ khảo là ông Nguyễn Trọng Thuật biên tập viên báo Đuốc Tuệ và ông Văn Quang Thùy. Sư ông Uyên học sinh trường Đại học và sư ông Cung học sinh trường Trung học. Chương trình các kỳ thi gồm:

Kỳ Đệ nhất vào ngày 12 tháng Chạp năm Mậu Dần (31-1-1939)

Hán văn: Một bài ám tả và vấn đáp 1 giờ; một bài dịch Hán văn ra quốc ngữ 1 giờ; một bức thư thường dùng trong nhà chùa 1 giờ.

Việt văn: Một bài ám tả và vấn đáp 1 giờ, một bài luận 3 giờ, 4 bài tính 1 giờ.

Kỳ Đệ nhị vào ngày 13 tháng Chạp năm Mậu Dần (1-2-1939)

Vấn đáp bằng chữ Hán:

-          Quốc văn giáo khoa: 15 phút

-          Phật học giáo khoa: 15 phút

Vấn đáp bằng tiếng Việt:

-          Thuỷ sám: 15 phút

-          Trung Quốc Phật học sử: 15 phút

-          Phật học giáo khoa: 15 phút

-          Việt sử: 15 phút

-          Cách trí: 15 phút

-          Địa dư: 15 phút

-          Kinh 42 chương: 15 phút

-          Di giáo kinh: 15 phút

Kỳ Đệ tam:

Tối 13 và 14 tháng Chạp năm Mậu Dần (31-1 và 1-2-1939): Luân lưu lên giảng kinh diễn thuyết từ 19h00 đến 21h00.

Vấn đáp bằng chữ Hán: Quốc văn giáo khoa 15 phút, Phật học giáo khoa 15 phút.

Vấn đáp bằng tiếng Việt: Thủy sám 15 phút, Trung Quốc Phật học sử 15 phút, Phật học giáo khoa 15 phút, Việt sử 15 phút, Cách trí 15 phút, Địa dư 15 phút, Tứ thập nhị chương 15 phút, Di giáo kinh 15 phút.

Kỳ Đệ tam vào tối ngày 13 và 14 tháng Chạp năm Mậu Dần (31-1 và 1-2-1939)

Luân lưu lên giảng kinh diễn thuyết từ 7 giờ đến 9 giờ tối.

Kỳ Đệ tứ vào ngày 18 tháng Chạp năm Mậu Dần (5-2-1939)

      5 giờ chiều: Diễn tập lễ nghi. 6 giờ chiều phát thưởng.

Có 11 Tăng sinh đạt kết quả cao từ 85 - 169 điểm. Trong đó có: Thanh Đương (Hưng Yên) 169 điểm, Thanh Đăng (Hưng Yên) 160 điểm, Thanh Diễn (Ninh Bình) 157 điểm.

Từ năm 1941 đến năm 1945, trường Tăng học chuyển về chùa Quán Sứ và chùa Sở. Hội Phật giáo Bắc Kỳ mở lớp Ni học tại chùa Bồ Đề. Thầy giáo dạy tại trường Ni lúc bấy giờ là Hòa thượng Tuệ Tạng (tổ Cồn), Thượng tọa Trí Hải, các cư sĩ: Thiều Chửu, Nguyễn Quý Tán.

Chùa Bồ Đề - nơi tổ chức đại giới đàn lớn nhất xứ Bắc

Học để trau dồi trí tuệ mà không có giới pháp thì không hoàn toàn giới thân tuệ mệnh được. Vì thế hai ngài Chánh Đốc giáo và các giáo sư xét lại học sinh, học đã biết được đôi chút mà tuổi đã đến kỳ thụ giới được, trình lên Hội. Ban Quản trị Hội tiếp được tin ấy, rất mừng vì chấn hưng Phật giáo mới được có 3 năm trời mà đã đào tạo được một số khá đông học sinh có học hạnh, xứng đáng thụ giới Cụ túc. Hội quyết định tổ chức ngay giới đàn tại chùa Quán Sứ. 

Trình tự giới đàn gồm 1- Lễ sám; 2 - Rút thăm; 3 - Ban tứ y bát.

1)         Lễ Sám: Cứ theo đúng phép thì cả giới sư và giới tử đều phải lễ sám trong 49 ngày để cho ba nghiệp thân-khẩu-ý thanh tịnh mới lĩnh thụ pháp khí được. Nhưng vì Hội đang trùng tu chùa Quán Sứ, e làm nhiều ngày quá thì đọng cả mọi việc nên mới châm chước làm 21 ngày và cử Thượng tọa Tố Liên thay mặt các giới sư đốc xuất các giới tử làm lễ. Hai tuần thứ nhất và thứ hai, giới tử làm lễ ở chùa Bồ Đề đến ngày 27 tháng 1 ta (tức 6 tháng 1 năm 1940) mới tề tựu về chùa Quán Sứ.

Giới Tỳ-kheo có 9 vị: Tâm Tịch (Yên Bái), Tâm Thông, Tâm Minh, Tâm Giác ở Nam Định, Tâm Ấn, Tâm Từ ở Hưng Yên, Tâm Đăng, Tâm Nguyện ở Hà Nam, Tâm Chính ở Ninh Bình và Giải Ngạn ở Quảng Ngãi.

Giới Sa-di có 12 vị: Tâm Nhẫn, Tâm Cố, Tâm Định ở Nam Định, Tâm Từ, Tâm Ấn, Tâm Đạo ở Hưng Yên, Tâm Kiên, Tâm Lạc, Tâm Khả ở Hà Đông, Tâm Tu ở Kiến An, Tâm Khoan ở Thái Bình.    

      Giới Bồ-tát: Tâm Đăng, Tâm Tứ ở Hưng Yên, Tâm Chính ở Ninh Bình, Giải Ngạn ở Quảng Ngãi, Tâm Cần ở Hà Nam và các già hơn 10 vị.

      Ngũ giới: Tâm Hành và hơn 30 vị Ưu-bà-di.

      Đàn sám bày ở ngoài giảng đường, trên nhất là tượng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, hai bên bày hương hoa đèn nến rất trang nghiêm rực rỡ, thứ đến chỗ sám chủ, rồi cứ cách một cái án dài trên có bày hương hoa đèn nến chỉnh tề lại đến một hàng giới tử 5 người lễ, chia khoảng đứng gần kín cả giảng đường, các thiện tín đến lễ rất đông. Mỗi hương án có một tấm gương để giới tử vừa lễ vừa quán tưởng. Đáng chú ý nhất là trên án thờ có ba cái ống sơn son thếp vàng, trong đựng những thẻ bằng gỗ, cắt hình bầu dục cũng sơn son thếp vàng, mỗi cái ghi một danh mục. Tất cả có 37 cái, 34 cái biểu thị 34 cái tâm, để rút xem công tu của giới tử tiến về đường nào. Con 3 cái: một chiếc Hắc, một chiếc Trùng sám, một chiếc Bất hứa để xem hành nghiệp của các giới tử đã thanh tịnh hay chưa. Ống rút xem hành nghiệp chỉ có 5 cái thẻ, một cái Bạch nhất, một cái Bạch nhị, một cái Trùng sám, một cái Hắc, một cái Bất hứa. Ai rút được Bạch mới được thụ giới, rút được Hắc, được Trùng sám thì phải lễ sám rồi rút lại, rút phải ba kỳ Bất hứa thì thôi không được thụ giới. Trong 5 thẻ chỉ có 2 thẻ được, thực cũng khó thay!

Bắt đầu vào lễ, ngày thứ nhất tuần tam, theo lễ sám Huân tu, các danh hiệu Phật đều lễ cả, chứ không ngồi mà đọc lượt đi, vẻ rất thành kính. Đọc đến bái sám hối thì đọc rằn từng câu, mỗi đoạn đều đánh một tiếng kiểng, dừng lại một tý nghe rất thiết tha cảm động, có vị cảm quá sụt sùi khóc. Đọc phát nguyện thì theo hành nguyện khóa sáng, chú trọng về công tự tự tha, kỳ cho đạt hành nguyện của Bồ-tát, cũng đọc rằn từng tiếng và dứt mạch đánh một tiếng kiểng, vái một vái, như thể khấn nguyện trước Phật đài thề chừa tội lỗi, thề cứu chúng sinh, nghe rất phấn khởi lòng tu. Khi niệm Phật thì đi nhiễu, lúc tán khóa thì phòng nào về phòng ấy, đã lập riêng một nơi tinh xá có biển yết từng phòng, có riêng hai tịnh nhân phục vụ… Mỗi ngày lễ 3 khóa, mỗi đêm lễ 3 khóa, cứ cách 2 giờ đồng hồ lại lễ một khóa, mỗi khóa dài tới hai giờ, theo đúng trú dạ lục thời như trong kinh dạy. Buổi sáng mỗi vị được thụ một lưng cháo gạn lấy toàn nước, đúng ngọ thụ một bữa trai, quá ngọ cấm hết. Một ngày đêm có 24 giờ, lễ mất 12 giờ còn thì niệm Phật ngồi thiền, không ra ngoài, không tiếp chuyện ai, như thế mà làm sao không sạch ba nghiệp được!

Xem đến đó càng biết Phật pháp là tinh nghiêm chỉnh túc hơn cả quân luật[8].

2)      Rút thăm

Tại chùa Quán Sứ, sáng 27 bắt đầu rút thăm, giới Tỳ-kheo được 2 vị Bạch Tịnh, giới Sa-di được 2 vị Bạch Tịnh. Rút thăm rồi lại lễ sám, đến sáng 29 thì rút lần thứ hai…

3)     Ban tứ y bát

Tiến hành tại chùa Quán Sứ. Hòa thượng Trung Hậu trưởng ban sáng lập trường Thiền học là Đàn đầu; Yết-ma là Tổ Bằng Sở Chánh đốc giáo; Giáo thọ là Tổ Tế Cát Phó đốc giáo; Tôn chứng gồm các vị: Tổ Phúc Chỉnh, Tổ Hương Tích, Tổ Phù Lãng, Tổ Trừng Mai, Hòa thượng Quế Phương, Cao Đà, Bát Mẫu, cụ Quốc Sư, Hòa thượng Đào Viên Thanh Hóa, cụ Trữ Khê, cụ Háo Xá. Các vị chứng minh Đạo sư: Cụ Liên Phái, cụ Ngũ Xã, Tổ Thiên Phúc, Tổ Bạch Xá.   

      Đây là đại giới đàn lớn nhất xứ Bắc lúc bấy giờ và cũng là Phật sự quan trọng Hội Phật giáo Bắc Kỳ giao cho chùa Bồ Đề. Nhiều vị thọ giới Tỳ-kheo, giới Bồ-tát tại giới đàn này sau này trở thành rường cột của Phật giáo Việt Nam như quý ngài Tâm Tịch, Tâm Thông, Giải Ngạn, Tâm Giác, Tâm Ấn, Tâm Khoan…

Nhớ khi xưa, năm 1874, ngài Nguyên Biểu vừa 38 tuổi, nhân trong cuộc du hóa truyền giáo vùng Gia Lâm, ngài tới bến Bồ Đề trên bờ sông Hồng nhìn qua bên kia thành Thăng Long. Nhận thấy nơi đây cảnh trí thiên nhiên thanh nhã, địa danh Bồ Đề lại đồng danh với quả vị mà mọi người tu Phật đều mong đạt tới.Vả lại đây cũng là dinh cũ của Bình Định vương Lê Lợi trong những ngày kháng chiến chống quân Minh.Thật là một nơi địa linh, đáng có một ngôi Tam bảo để hoằng dương Chánh pháp, cứu độ chúng sinh. Do đó, ngài quyết định ở lại, tự mình khai sơn phá thạch, dựng lên ngôi chùa đặt tên là Thiên Sơn Cổ Tích Tự, dân quanh vùng thường gọi là chùa Bồ Đề.

Sau khi xây xong chánh điện và giảng đường, Hòa thượng Nguyên Biểu liền khai tràng thuyết pháp, thu nạp đệ tử tiếp chúng độ nhân. Tăng tục lui tới tham học nghe pháp rất đông. Chùa Bồ Đề trở thành một đạo tràng sầm uất nơi cố đô Thăng Long. Trong số đệ tử của ngài, nhiều vị đã trở thành các bậc lương đống trong các Tổ đình trên miền Bắc, cả về học thức lẫn đạo hạnh như Tổ Quang Gia, Tổ Quảng Yên ở chùa Bồ Đề, Hà Nội; Tổ Phổ Tụ ở chùa Tế Xuyên, Tổ Doãn Hài ở chùa Tế Cát, Tổ Thanh Khải ở chùa Đa Bảo ở tỉnh Hà Nam[9].

Tuy Hòa thượng Thích Nguyên Biểu không còn trụ thế khi phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ được phát động nhưng sư đệ của ngài như Hòa thượng Thanh Hanh; đệ tử của ngài như quý Hòa thượng Trung Hậu, Tế Xuyên, Tế Cát, Đa Bảo; sư điệt của ngài như Hòa thượng Trí Hải, Hòa thượng Tâm Tịch đều là những cây đại thụ của phong trào[10].

Chùa Bồ Đề đã nối tiếp truyền thống Tổ đình của Hòa thượng Thích Nguyên Biểu khi xưa, trở thành điểm son trong công tác giáo dục Tăng Ni trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo 1930 – 1945.

Tài liệu tham khảo

1.         Tập Kỷ yếu Hội Phật giáo tháng 5 năm 1935.

2.         Báo Đuốc Tuệ số 123 ra 1 tháng 1 năm 1940.

3.         Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1995.

4.         Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), Nxb. Tôn Giáo, 2008.

5.         Lê Tâm Đắc – Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX: Nhân vật và Sự kiện, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2013.

 


 

* Trung tâm nghiên cứu Phật giáo thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

[1] Các tạp chí Viên Âm, Đuốc Tuệ, Duy Tâm.

[2] Tập Kỷ yếu Hội Phật giáo tháng 5 năm 1935. Biên bản số VII.

[3] Tập Kỷ yếu Hội Phật giáo tháng 5 năm 1935. Biên bản số XII

[4] Tập Kỷ yếu Hội Phật giáo. Biên bản số XIV.

[5] Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), Nxb. Tôn giáo, 2008. Tr. 102.

[6] Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), Nxb. Tôn giáo, 2008.Tr. 108.

[7] Chùa Quán Sứ xây dựng mới kéo dài từ năm 1936 tới năm 1942 mới hoàn thành 80% hạng mục công trình, cho nên một số tài liệu nói Hội mở trường Tăng học tại chùa từ 1936-1942 là không đúng.

[8] Báo Đuốc Tuệ số 123 ra ngày 1 tháng 1 năm 1940.

[9] Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thành hội thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1995.

[10] Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1995.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle