Bài học về lòng biết ơn
bai hoc
BÀI HỌC VỀ LÒNG BIẾT ƠN
Tỳ-kheo Thanissaro – Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Tỳ-kheo Thanissaro (Geoffrey DeGraff) là một tu sĩ người Mỹ theo truyền
thống tu trong rừng của Thái Lan. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oberlin
năm 1971 với chuyên ngành về Lịch sử Tri thức Âu châu, ông theo học thiền
với Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko ở Thái Lan và xuất gia năm 1976. Năm 1991
ông giúp xây dựng Lâm Tự Viện ở San Diego, California, nơi ông là trụ
trì. Ông là một dịch giả, người viết năng nổ. Nhiều tác phẩm của ông
có thể được tìm thấy trên mạng:
www.accesstoinsight.org
***
“Có hai hạng người khó gặp trong đời? Thế nào là hai? Đầu tiên là người có lòng
tử tế, và thứ là người biết ơn hành động tử tế của người đã làm cho mình”.
Khi dạy rằng người tử tế và người biết ơn rất hiếm, Đức Phật không chỉ muốn nói
đến một sự thật phũ phàng về con người, mà Ngài còn muốn khuyên ta nên trân quý
những người như thế khi có nhân duyên gặp họ, và – quan trọng hơn nữa – Ngài
cũng dạy ta cách để có thể trở thành một người hiếm có như thế.
Sự tử tế và lòng biết ơn là những đức tính ta có thể huân tập, nhưng chúng phải
được huân tập cùng nhau. Đức tính này cần đức tính kia để có thể trọn vẹn – một
nhận xét mà ta sẽ thấy hiển nhiên khi ta nghĩ về ba điều khiến sự biết ơn của ta
chân thật.
- Ta thực sự được lợi ích từ hành động của tha nhân.
- Ta tin tưởng các động lực ở sau các hành động ấy.
- Ta tin là người kia thực sự đã phải bỏ nhiều công sức để đem lại
lợi ích cho ta.
Điều một và hai là bài học rằng do lòng biết ơn nảy sinh sự tử tế: Nếu bạn thực
sự tử tế, bạn phải thực sự đem lại lợi ích cho người – không ai muốn là người
nhận “sự giúp đỡ” không thực sự hữu ích – và bạn phải mang sự lợi ích đến trong
cung cách biểu lộ sự tôn trọng và hiểu biết đối với các nhu cầu của tha nhân.
Không ai thích nhận món quà được trao với sự tính toán, hay bằng thái độ khinh
khi, ném vụt.
Điều hai và ba là bài học rằng sự tử tế khiến sinh lòng biết ơn. Chỉ khi bạn đã
từng có lòng tử tế đối với người khác thì bạn mới tin rằng người khác cũng có
thể tử tế đối với bạn. Ngoài ra, nếu bạn đã từng tử tế với người, bạn cũng biết
hành động đó đòi hỏi nhiều nỗ lực. Sự tử tế bản năng thường gặp phải sự đối
kháng của bản năng không tử tế trong tâm ta, nên không phải lúc nào cũng dễ tử
tế, dễ muốn đem lại lợi ích cho người khác. Đôi khi điều đó đòi hỏi một sự hy
sinh to lớn – sự hy sinh chỉ có thể xảy ra khi bạn tin chắc rằng người nhận sẽ
biết trân quý sự giúp đỡ của bạn. Do đó khi bạn là người nhận một sự hy sinh như
thế, bạn ý thức rằng mình đã mang một món nợ, một ràng buộc rằng bạn phải đền
đáp lại lòng tin của tha nhân.
Đó là lý do tại sao Đức Phật luôn giảng rằng lòng biết ơn là một cách để đáp lại
sự tử tế, không giống như sự đón nhận vô thưởng vô phạt. Đó là một loại đón nhận
đặc biệt, khiến ta muốn đáp trả quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Sự khác biệt có thể
được diễn tả tốt nhất trong hai đoạn kinh mà Đức Phật dùng hình ảnh của việc
khiêng vác.
Đoạn kinh thứ nhất nói về sự đón nhận chung chung:
- “…Nay ta hãy thâu góp cỏ, cây, nhánh, lá, cột lại thành chiếc bè, và dựa trên
chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân, có thể vượt qua bờ bên kia một cách an
toàn". Chư Tỷ-kheo, rồi người đó thâu góp cỏ, cây, nhánh, lá cột lại thành chiếc
bè, và nhờ chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân vượt qua bờ bên kia một cách an
toàn. Khi qua bờ bên kia rồi, Người đó suy nghĩ: "Chiếc bè này lợi ích nhiều cho
ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân để vượt qua bờ bên kia một cách
an toàn. Nay ta hãy đội chiếc bè này trên đầu hay vác nó trên vai, và đi đến chỗ
nào ta muốn". Chư Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Chư Tỷ-kheo, nếu người đó làm
như vậy, thì có làm đúng với sở dụng của chiếc bè chăng?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Chư Tỷ-kheo, người đó phải làm thế nào cho đúng sở dụng của chiếc bè? Ở
đây, chư Tỷ-kheo, người đó sau khi vượt qua bờ bên kia, có thể suy nghĩ: "Chiếc
bè này lợi ích nhiều cho ta. Nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân đã vượt
qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy kéo chiếc bè này lên trên bờ đất
khô, hay nhận chìm xuống nước, và đi đến chỗ nào ta muốn". Chư Tỷ-kheo, làm như
vậy, người đó làm đúng sở dụng chiếc bè ấy. Cũng vậy, này chư Tỷ-kheo, Ta thuyết
pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy.
Đoạn kinh thứ hai nói về một thứ lòng biết ơn đặc biệt:
“Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người ta không dễ trả ơn. Thế nào là hai? Đó là
cha và mẹ chúng ta. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai
cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi. . . Hơn nữa, này các
Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất
lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ
và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái,
họ nuôi dưỡng chúng, cho chúng cơm áo, sinh chúng ra đời.
Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích,
hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến
khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham,
khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí
tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này
các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.
Nói cách khác, theo đoạn kinh thứ nhất diễn tả, không có gì sai nếu ta đón nhận
sự tiện ích từ chiếc bè hay các thứ tiện nghi khác mà không cảm thấy phải đáp
trả ơn cho chúng. Ta có coi sóc, gìn giữ chúng thì cũng chỉ vì làm thế ta sẽ
được thêm lợi ích từ chúng. Điều này cũng đúng trong trường hợp ta gặp hoàn cảnh
hay con người khó chịu, khiến ta phải phát triển các cá tính mạnh mẽ. Bạn có thể
nhận thức rằng nhờ đám cỏ dại ngoài vườn mà bạn tập được tánh kiên trì, chịu
khó. Hay nhờ lão hàng xóm khó tính mà bạn tập được tính buông xả. Tuy nhiên bạn
sẽ không thấy nợ gì đám cỏ dại hay người hàng xóm đó. Nói cho cùng, đó là do họ
không thực sự tử tế, bỏ công sức ra để giúp bạn. Và nếu bạn coi họ như mẫu mực
của sự tử tế, thì bạn đã hiểu sai về lòng tử tế: rằng chỉ cần tuân theo các bản
năng tự nhiên –hay, tệ hơn nữa, hành xử một cách vô lý – là cách biểu lộ sự tử
tế.
Món nợ của lòng biết ơn chỉ áp dụng cho cha mẹ, các bậc thầy cô, hay những người
đã hành động với tâm nguyện đem lại lợi ích cho bạn. Họ đã bỏ công sức ra để
giúp bạn, và trong quá trình đó đã dạy bạn những bài học vô cùng quý giá về sự
tử tế và đồng cảm. Nói về chiếc bè, tốt nhất là bạn nên hết lòng biết ơn người
đã dạy bạn cách kết bè. Còn với đám cỏ dại và hàng xóm khó tính, hãy biết ơn
người đã dạy bạn cách không để chướng ngại cản trở bạn. Nếu có những lợi ích mà
bạn đã nhận từ sự vật hay hoàn cảnh mà bạn không thể truy tìm ra ân nhân trong
kiếp này, thì hãy biết ơn bản thân vì đã tạo ra nghiệp thiện trong quá khứ để
giờ bạn có thể được hưởng quả lành.
Theo Đức Phật dạy trong đoạn kinh thứ hai, ta không cần phải trả ơn một cách
sòng phẳng cho ân nhân, và không cần phải trả trực tiếp cho họ. Như món nợ bạn
mang đối với cha mẹ vì họ đã sinh và nuôi dưỡng bạn nên người thật bao la. Trong
một số kinh, Đức Phật dạy ta bày tỏ lòng biết ơn vì lòng từ bi của cha mẹ bằng
cách phụng sự họ.
Cha và mẹ
từ bi với con cái
được gọi là
Brahma,
Là vị thầy đầu tiên,
Xứng đáng nhận quà tặng
Của con cái.
Nên người trí phải tôn kính
Mẹ Cha,
Phụng dưỡng đồ ăn, thức uống
Y phục và giường chiếu
Lau chùi và tắm táp
Rửa sạch chân người.
Phụng dưỡng cha mẹ như thế
Người trí
Được khen tụng ngay hiện tiền
Và khi vãng sanh
Sẽ hưởng an lạc nơi cõi trời.
Tuy nhiên, trong Tăng chi bộ kinh 2:32, Đức Phật dạy rằng cách thực sự
đền ơn duy nhất đến với cha mẹ là hướng họ đến với bốn đức tính: tín, hạnh, xả
và tuệ. Dĩ nhiên để làm được thế, bạn cũng phải phát triển các đức tình này nơi
bản thân, cũng như học cách làm gương mẫu cho cha mẹ một cách tế nhị. Bốn đức
hạnh này cũng là thuộc tính của một thiện hứu tri thức (AN 8:54 – Tăng chi bộ
kinh 8:54), có nghĩa là khi trả ơn cha mẹ bằng cách ấy, bạn cũng trở thành
một thiện hữu tri thức của nhiều người khác. Bạn trở thành một người hoàn
thiện, người mà – như Đức Phật diễn tả – đã nhờ học từ sự biết ơn cách đối xử
không gây hại với người, và giúp đỡ người với tâm đồng cảm: một cách tôn trọng,
đúng thời, và với nhận thức rằng điều mình làm sẽ đem lại lợi ích cho người (Trung
bộ kinh 110; Tương ưng bộ kinh 5:148). Qua đó, bạn đã trả được ơn cha mẹ
nhiều lần bằng cách để cho sức ảnh hưởng của bạn vượt ra khỏi mối liên hệ nhỏ
hẹp trong gia đình ra ngoài thế giới rộng lớn. Làm được thế, bạn cũng đã trải
rộng được hành động thiện lành của cha mẹ.
Nguyên tắc này cũng áp dụng cho các bậc thầy, như Đức Phật đã thuyết với các đệ
tử của ngài:
- Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các ông
nghĩ như sau: "Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp".
Do vậy, này các Tỷ-kheo, những pháp Ta giảng cho
các ông với thượng trí, như là Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm
căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành. Ở đây, các ông phải học tập
tất cả, trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không tranh cãi với nhau…
Nói cách khác, người đệ tử muốn trả ơn từ tâm, vị tha của vị thầy thì phải cố
gắng học tập các lời giảng của thầy. Chỉ có như thế, ta mới có thể truyền bá ảnh
hưởng tốt đẹp của các bài học đến cho nhiều người.
Riêng về cái ơn của bản thân do nghiệp lành trong tiền kiếp, cách trả ơn tốt
nhất là sử dụng các lợi ích của ta như một phương tiện để tạo thêm nhiều nghiệp
thiện, chứ không chỉ đơn giản là hưởng thụ các quả lành mà ta được. Lần nữa xin
nhắc lại điều quan trọng cần nhớ là để có thể hành xử thiện xảo, đòi hỏi sự huân
tập, khổ luyện, do đó ta cần xem trọng các nghiệp thiện trong quá khứ bằng cách
không để chúng bị mai một trong hiện tại. Thí dụ, như thầy Ajaan Lee có lần đã
nói, không phải dễ để có được miệng người, nên mỗi ngày ta phải cúi lạy chiếc
miệng người của ta. Nói cách khác, hãy tôn trọng khả năng giao tiếp của mình, và
chỉ dùng nó để nói đúng thời, nói điều có ích và đúng sự thật.
Đây chỉ là một số bài học về sự tử tế và đồng cảm mà lòng biết ơn với chủ tâm có
thể đem đến – những bài học dạy ta cách cho và nhận một cách có trách nhiệm và
đúng đắn trong cuộc sống. Không ngạc nhiên chi khi Đức Phật đã xem lòng biết ơn
như phẩm cách của một chân nhân (Tăng chi bộ kinh 2:31).
Lòng biết ơn với chủ tâm còn dạy các bài học mà ta có thể sử dụng để luyện tâm.
Đầu tiên là các bài học về bản chất hành động của con người. Ý thức rằng bạn có
thể được lợi ích từ việc làm của người khác ngầm ý nghĩa rằng hành động mang lại
kết quả; rằng động lực nằm sau hành động là yếu tố khiến hành động có ý nghĩa;
và ý thức rằng tha nhân đã phải tốn công sức để giúp bạn, ngầm ý nghĩa rằng hành
động không phải tự nhiên mà có: Bạn cảm thấy hàm ân với người đã giúp bạn vì bạn
biết rằng họ cũng có thể dễ dàng từ chối không giúp đỡ bạn và bạn sẽ khó khăn
như thế nào nếu họ làm thế. Thí dụ, cha mẹ có thể không nuôi dưỡng hay không nhờ
người nuôi dưỡng bạn. Họ có thể bỏ rơi hay để mặc bạn đến chết.
Do đó, nếu như bạn có thể đọc những dòng này có nghĩa là đã có người chọn, lúc
này hay lúc khác, giúp đỡ bạn khi bạn vô vọng. Ý thức được yếu tố lựa chọn của
người khiến ta cảm thấy mang ơn người hơn.
Tất cả ba điều này – hiệu quả của hành động, sự quan trọng của động lực và quyền
lựa chọn – là những điểm nhấn trong giáo lý của Đức Phật dạy về hành động. Ảnh
hưởng tâm lý của lòng biết ơn và sự đồng cảm trên ba điều này có thể là lý do
tại sao khi Đức Phật giới thiệu khái quát về giáo lý của Ngài, Đức Phật đã chọn
chủ đề liên quan với các cảm xúc đó là: giá trị của việc bố thí và cái ân ta nợ
cha mẹ mình (Trung bộ kinh 117)…
Lòng biết ơn cũng giúp ta thực hành phát triển các đức tính cần thiết cho thiền
định. Như Đức Phật đã nhắn nhủ, việc hành thiền định dựa chủ yếu vào năng lực
của tâm tưởng. Huân tập lòng biết ơn cho ta thấy tưởng có thể mạnh đến ngần nào,
vì nó đòi hỏi ta phát triển một số tưởng đặc biệt về cuộc sống và thế giới. Nếu
bạn coi việc giúp đỡ là thấp kém, thì bạn cũng coi sự biết ơn là thấp kém; nhưng
nếu bạn xem việc giúp đỡ như một cách bày tỏ sự tin cậy – tha nhân sẽ không muốn
giúp bạn trừ khi họ nghĩ rằng bạn sẽ khéo sử dụng sự giúp đỡ đó – như thế lòng
biết ơn sẽ là một hành động cao đẹp, làm tăng lòng tự trọng. Tương tự, nếu bạn
nhìn cuộc đời như là một nơi để tranh chấp, thì bạn khó lòng tin vào động lực
của người giúp đỡ bạn, và bạn sẽ thấy việc phải đền đáp ơn họ là một gánh nặng.
Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng những điều tốt lành trong cuộc đời là kết quả của
sự hợp tác, liên kết giữa con người, thì việc cho-nhận sự tử tế, và lòng biết ơn
trở nên một sự trao đổi dễ chịu hơn.
Tương tự, lòng biết ơn đòi hỏi chánh niệm mà theo ý nghĩa ban đầu của Đức Phật,
chánh niệm là giữ điều gì đó trong tâm. Đúng hơn, sự liên kết giữa hai đặc tính
này cũng nối dài đến cả trong thuật ngữ. Trong Pali, từ ngữ chỉ cho lòng biết
ơn – kataññu – nghĩa đen là có cảm giác về
điều gì đó đã được thực hiện. Trong Tương ưng bộ kinh (48:10), Đức Phật
đã định nghĩa chánh niệm là “nhớ và có thể gợi lên trong tâm những việc đã làm
hay nói trước đây rất lâu”. Những lời dạy của cha mẹ khi ta còn nhỏ – rằng phải
nhớ đến sự tử tế của người khác – là một trong những bài học đầu tiên trong
chánh niệm. Khi ta phát triển lòng biết ơn, là ta huân tập cho chánh niệm thêm
mạnh mẽ trong tâm.
Tuy nhiên, không phải tất cả các bài học mà lòng biết ơn và đồng cảm đem lại đều
làm ấm lòng ta. Thay vào đó, chúng có thể làm phát khởi một cảm giác của
samvega –
có thể được dịch là bàng hoàng hay hoảng sợ – với việc những cái tốt trên đời
sao có thể đầy tai họa và hiểm nguy đến thế. Đầu tiên là bạn không thể biết
trước ai sẽ là người ân của mình. Không thể nói trước cha mẹ bạn sẽ là người như
thế nào. Như Đức Phật đã nhận xét hoàn toàn chính xác là có những cha mẹ keo
kiệt, vô lương tâm và si mê. Không những họ lạm dụng con cái, mà còn có thể
không hài lòng với sự đền ơn mà Đức Phật cho là xứng đáng nhất. Họ có thể đòi
hỏi một mức độ đền ơn vô lý, liên quan đến những hành động rõ ràng là nguy hại
cho con cái, cho bản thân họ và cho nhiều người khác. Vậy mà điều đó cũng chưa
đủ đền ơn họ chỉ vì một lý do đơn giản là họ đã ban cho ta sự sống.
Có lẽ bạn đã nghe qua những điều mà Đức Phật nói sau đây:
“Thật khó tìm một người trong quá khứ chưa từng là mẹ của ta… Chưa từng là cha…
anh… chị… con… trong quá khứ thật khó tìm. Tại vì sao thế? Vì vô thỉ là luân
hồi”.
Khi bạn nghĩ đến các mỗi liên hệ nghịch chướng, bạn sẽ không ngạc nhiên, bạn sẽ
hiểu Đức Phật nói điều này không phải để bạn cảm thấy ấm lòng, hoan hỷ với tất
cả mọi chúng sanh mà bạn gặp trên đường đời. Ngài nói để hướng ta đến samvega:
“Cho đến như
vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để các ông
nhàm chán, là vừa đủ
để các ông từ bỏ, là
vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất
cả các hành”. (Tương ưng bộ kinh
15:14-19).
Ngay cả các ân nghĩa mà bạn nợ với bản thân do các
thiện nghiệp trong tiền kiếp, cũng đủ khiến bạn khó an bình. Bạn ý thức rằng
không phải tất cả các hành của mình đều thiện, tuy nhiên chính chúng tạo ra
những hoàn cảnh sống của bạn trong hiện tại và ở tương lai. Bạn ở trong một vị
thế đầy đe dọa – đủ để bạn muốn tìm đường ra, ngay cả thoát ra khỏi lãnh địa của
sự tử tế và lòng biết ơn, những thứ duy trì điều thiện trên đời.
Ước muốn này càng mãnh liệt khi bạn hướng tâm đến
những người phải miễn cưỡng hy sinh để giúp bạn được sống. Đức Phật đã nhắn nhủ
rằng, mỗi ngày ta cần phải quán sát về việc cuộc sống được duy trì nhờ vào thực
phẩm, áo quần, nơi nương trú và thuốc men. Biết bao chúng sanh phải chịu khó
nhọc hoặc đổi cả mạng sống vì các nhu cầu này của chúng ta. Trái với khúc nhạc
kết thúc trong bảng giao hưởng số 4 của Mahler, các chú cừu không vui vẻ nhảy
vào nồi súp để bạn xơi.
Ngay cả nếu – khi bạn may mắn có đủ phương tiện để lựa chọn loại thực phẩm bạn
ưa thích – bạn chọn chế độ trường chay, bạn cũng thọ ơn người nông dân và những
người lao động khác. Họ phải chịu đựng khi làm việc trong những điều kiện khắc
nghiệt để chu cấp những thứ bạn cần.
Cảm giác thọ ơn mà các quán chiếu này mang đến vượt
xa sự hàm ân bình thường và chắc chắn là không dễ chịu khi nghĩ đến. Đó có thể
là lý do tại sao nhiều người cố gắng chứng tỏ rằng họ không mang ơn ai cả. Hay
tại sao những người khuyến khích ta quán chiếu về lòng biết ơn như một phương
cách để tìm được bình an, hạnh phúc, lại có khuynh hướng giảm thiểu nó xuống
thành một cảm giác toại nguyện, tự tại bình thường – như một nhà văn đã viết,
“hãy muốn cái bạn có”, “biết rằng mình có của, và thế là đủ”
– tránh né bất cứ cảm giác thọ ơn nào. Loại lòng
biết ơn này có vẻ chỉ chú trọng đến sự vật, vì thọ ân chúng dễ hơn thọ ơn con
người nhiều. Sự vật không biết đòi hỏi. Chúng không khổ và chúng không pha trộn
lòng tử tế với sự lạm dụng.
Tuy nhiên, không có cách gì chối bỏ sự thật rằng
chính cuộc sống của ta dựa vào lòng tử tế và sự khó nhọc của người khác, và rằng
ta không thể bỏ qua các món nợ đó bằng cách phũ phàng chối bỏ hay lạnh lùng phớt
lờ chúng. Nếu ta không trả ơn họ ngay bây giờ, ta sẽ phải trả chúng sau này –
đôi khi với cả lãi suất cao, vì cái chết cũng không thể xóa bỏ các nợ nần của ta
hay giải thoát ta khỏi sự tái sinh để tạo thêm nợ nần.
Nên để tránh những phức tạp này, ta cần một lối
thoát – một con đường mà Đức Phật đã tìm thấy qua việc huấn luyện tâm để đạt
được thứ hạnh phúc không còn cần phải dựa vào sự tử tế và hy sinh của bao người.
Mặc dù loại hạnh phúc đó cho ta một lối thoát, đó không phải là sự trốn tránh.
Mà nó giải quyết các món nợ của ta một cách phóng khoáng và đầy trách nhiệm.
Đó là vì hạnh phúc vô điều kiện cho phép ta từ bỏ
tham ái và bám víu. Mà tham ái và bám víu là những thứ khiến ta cho là có một
cái ngã. Tự nhận mình là một chúng sanh, nghĩa là ta phải tìm kiếm thực phẩm –
cho cả thân và tâm – để giúp chúng sanh đó sinh tồn. Đó là lý do tại sao, khi ta
là một chúng sanh, ta phải dựa vào mạng lưới của sự tử tế, lòng biết ơn và sự hy
sinh. Nhưng khi ta có thể buông bỏ nhu cầu làm một chúng sanh, tâm không còn cần
được nuôi dưỡng. Nó không còn phiền hà đến ai. Nó không còn là gánh nặng cho ai.
Về thân, thí khi nào bạn còn sống, thì những ai cung cấp cho nhu cầu của nó sẽ
được công đức gấp bội phần những phẩm vật mà họ cung cấp. Điều này, thực ra, là
một trong những động lực để đạt được giác ngộ:
“Chúng ta sẽ thọ trì và thực hành những pháp tác
thành Sa-môn, những pháp tác thành Bà-la-môn… Và những đồ cúng dường mà chúng ta
thọ hưởng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh mới có được
kết quả lớn, lợi ích lớn cho chúng ta”.
Ngược lại, các hành và tâm giải thoát của ta là tặng
phẩm cho người khác, qua đó nó cho họ thấy bằng cách nào, họ cũng có thể được
giải thoát khỏi các món nợ của mình. Đó là lý do tại sao Đức Phật nói rằng chỉ
những ai đã đạt hoàn toàn giác ngộ mới có thể thọ nhận thực phẩm cúng dường mà
không phải thọ ơn. Những người này còn có thể trả ơn cho Đức Phật, người đã dạy
họ phương cách giải thoát. Như Đức Phật đã dạy, cách tôn kính duy nhất mà Ngài
đòi hỏi là họ phải thực hành quán Pháp trong Pháp –có nghĩa là phát triển tâm
nhàm chán, xả ly đưa đến giải thoát (Trường bộ kinh 16; Trung bộ kinh
22:39-42)- để thế gian này không thiếu vắng người giác ngộ. Bằng cách đó,
đạt được hoàn toàn giác ngộ không phải là một hành động ích kỷ, mà nó là cách
biểu hiện cao cả nhất của sự tử tế và lòng biết ơn.
Dĩ nhiên, có rất ít người đi theo con đường này để
tìm giải thoát, nhưng điều đó không làm giảm giá trị hay tầm quan trọng của nó.
Cũng như với lòng biết ơn và sự ban ơn, đó là những cơ hội hiếm hoi và quan
trọng mở ra cho bất cứ ai có trí tuệ, để họ cảm nhận chúng và quyết tâm trở
thành thực sự tử tế và không nợ nần.
(Chuyển ngữ từ The Lessions of Gratitude. Nguồn:
www.dharmatalks.org)
Itivuttaka,
106 (kinh Như Phật thuyết 106).
Majjhima Nikaya
(MN 103) – kinh Trung bộ-103,
HT. Thích Minh Châu dịch Việt.
HT. Thích Minh Châu dịch Việt, Tương ưng bộ kinh, Thiên nhân
duyên.