Pháp Thoại VU LAN 2018
vu lan
Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.
Thưa đại chúng !
Hôm nay là ngày lễ Vu Lan. Vu Lan tiếng Phạn gọi là Ulumpana, nó có rất nhiều
nghĩa, nhưng nghĩa căn bản của Vu Lan là “Giải đảo huyền”. “Huyền” nghĩa là sợi
dây. Mở sợi dây cho người đang bị cái khổ treo ngược, gọi là “giải đảo huyền”.
Hãy mở sợi dây
Thưa đại chúng !
Có cái khổ nào khổ hơn người đang bị treo ngược, người bị treo ngược đó có thể
là cha mẹ ta, có thể là người ta thương yêu, có thể là tổ tiên ông bà nội ngoại
của ta, cũng có thể đồng loại của ta và rộng ra nữa có thể là pháp giới chúng
sanh.
Sở dĩ bị treo ngược, là bởi vì do miệng của họ nói ác, thân của họ chuyên làm
ác, tâm của họ chuyên nghĩ ác. Nói ác là nói những lời bất hiếu với cha, với mẹ,
bất hiếu với tổ tiên ông bà. Nói ác tức là nói những lời không đưa đến sự hòa
hợp đoàn kết hữu ích, nói không chân thật. Do nói những lời nói như vậy, đưa đến
quả báo bị treo ngược.
Thân làm ác là làm như thế nào? Là làm những điều gây đau khổ cho mọi người, như
giết hại, trộm cắp, tà dâm..., đó gọi là thân làm ác. Tâm nghĩ ác, là tâm luôn
luôn nghĩ đến những điều ích kỷ hẹp hòi, tham lam, bần tiện, hận thù, trách móc,
tâm nghĩ như thế gọi là tâm nghĩ ác.
Khi tâm đã nghĩ ác, miệng đã nói ác, thân đã làm ác, nhất định sẽ đưa đến quả
báo làm ta bị treo ngược. Treo ngược ở trong đời sống của ngạ quỷ, của súc sinh,
của địa ngục. Tuy nhiên, sợi dây treo ngược chúng ta, treo ngược cha mẹ chúng
ta, treo ngược tổ tiên chúng ta, chúng ta rất dễ thấy, nhưng mà sợi dây treo
xuôi chúng ta, treo xuôi cha mẹ chúng ta, treo xuôi ông bà chúng ta và khi bị
treo xuôi như vậy, thì rất khó thấy, bởi vì sợi dây treo xuôi có khi nó lại êm
ái, dễ chịu, nhưng mà lại cột chúng ta rất chặt.
Sợi dây treo xuôi đó là gì ? Đó là phước báo của cõi trời, cõi người. Phước báo
của cõi trời, cõi người, đôi khi chúng ta bị cái phước báo đó cột chúng ta rất
chặt. Phước báo của cõi trời là chúng ta có thể làm đến Phạm Thiên, Đế Thích
hoặc là phước báo cõi người, chúng ta có thể làm đến vị Chuyển Luân Thánh Vương
ở trong thiên hạ, hoặc là chúng ta có thể rất giàu có. Tất cả những phước báo
đó, còn nằm ở trong sinh tử luân hồi, đang còn nằm ở trong cái bị già, cái bị
bệnh, cái bị chết và còn bị tái sinh. Nó còn nằm trong cái mơ ước mà không
thành, đang còn nằm trong tình trạng chấp ngã, và chính những cái đó là sợi dây
treo xuôi chúng ta và chúng ta khó thoát ra khỏi bởi sợi dây đó, vì nó rất là
mịn và sợi dây đó nó treo xuôi mình, một đôi khi mình thấy dễ chịu, và thấy
thích thú với nó nữa. Do đó, mà chúng ta bị sợi dây treo xuôi ở trong thế gian
cột rất chặt.
Bây giờ đây, ngày Vu Lan trở về, hàng Phật tử chúng ta tha thiết mở sợi dây treo
ngược cho bản thân chúng ta, cho cha mẹ chúng ta, cho tổ tiên, ông bà nội ngoại
chúng ta, cho những người chúng ta yêu thương, nhưng đồng thời chúng ta cũng
nhìn bằng con mắt thật sâu, để tìm cách mở sợi dây treo xuôi nơi tự thân của mỗi
chúng ta, treo xuôi cho cha mẹ chúng ta, treo xuôi cho ông bà nội ngoại chúng ta
nữa. Bởi vì, bị treo ngược hay treo xuôi, cột ngược hay cột xuôi cũng đều là bị
cột cả. Và mục đích tu học của chúng ta là để vượt ra khỏi tình trạng của những
kẻ bị treo ngược và bị treo xuôi ở trong tam giới. Chúng ta tu tập là để cầu
nguyện cho cha mẹ chúng ta, cho ông bà tổ tiên nội ngoại chúng ta không bị treo
ngược, hay treo xuôi ở trong tam giới, như vậy mới là người con đích thực có
hiếu, là người con đích thực có nghĩa, là người con đích thực có tình đối với
cha mẹ của chúng ta, đó là người cháu hết lòng đối với ông bà, tổ tiên nội ngoại
của chúng ta.
Con mắt Thánh và sự cầu nguyện
Đại chúng thường tụng kinh hay cầu nguyện cho bảy đời cha mẹ của chúng ta. Tại
sao mình không cầu nguyện cho tám đời, chín đời, mười đời, ba mươi đời mà cầu
nguyện cho bảy đời. Trong Phật giáo, lấy con số 7 mà làm mục tiêu cho sự cầu
nguyện đối với cha mẹ của chúng ta, nó có một ý nghĩa hết sức sâu sắc và quan
trọng. Sỡ dĩ gọi là 7 đời, vì con số 7 trong Phật giáo nó có liên hệ đến sự
chuyển hóa sinh tử.
Quý vị biết rằng, khi một vị xuất gia tu học mà chứng được Thánh quả Dự Lưu, tức
là hội nhập vào dòng dõi của bậc Thánh, thì vị đó tự biết rằng, mình còn bảy đời
sinh tử, tức là mình phải còn liên hệ đến bảy đời cha mẹ của thế gian nữa. Hoặc
khi một hàng cư sĩ tại gia mà có niềm tin sâu sắc đối với Tam Bảo và tu tập
chứng được Thánh quả Dự Lưu, thì quý vị ấy cũng thấy được rằng, mình còn bảy đời
sinh tử, nghĩa là mình còn phải liên hệ đến bảy đời cha mẹ nữa. Còn mình không
chịu tu hành, không có niềm tin gì nơi Tam Bảo, chỉ tu chơi chơi vậy thôi, thì
mình cứ mênh mang hoài trong sinh tử. Còn vị cư sĩ mà có niềm tin thuần tịnh đối
với Tam Bảo, vị đó có thể chứng được Thánh quả Dự Lưu và vị đó thấy rằng, biên
cương sinh tử của đời mình chỉ còn bảy lần nữa thôi và những vị xuất gia tu học,
giới luật tinh chuyên giảm bớt tham, giảm bớt sân, loại trừ thân kiến thủ, loại
trừ giới cấm thủ, loại trừ nghi ngờ ra khỏi tâm thức của mình, họ chứng được
Thánh quả Dự Lưu, vị đó biết rằng, mình chỉ còn bảy đời sinh tử ở trong Dục giới
nữa mà thôi. Cho nên, vị ấy trở lại Dục giới, chết đi sống lại bảy lần, bảy lần
có cha và mẹ. Nên, nói bảy đời cha mẹ là nói theo cách nhìn nhận sự liên hệ đối
với cha mẹ của một bậc Thánh Dự Lưu.
Nếu mình không tu tập gì hết, thì có đôi khi cha mẹ ở một bên mình, mà mình cũng
không nhận biết, hoặc mình sống không có đạo lý của con người, một đôi khi cha
mẹ của mình sống một bên mình nhưng mình coi rẽ, xem thường, và dễ gây khổ đau
cho cha mẹ của mình nữa. Hoặc là khi không có quyền lợi gì, thì ta thương cha,
thương mẹ ta, nhưng khi có một chút quyền lợi liên hệ giữa cha mẹ và con cái,
thì ta lại đấu tranh kịch liệt đối với cha mẹ ta và ta xem cha mẹ ta như những
kẻ thù, và cha mẹ có thể bị đấu tố bởi con cái.
Trái lại, khi một hàng cư sĩ hay một hàng xuất gia chứng được Thánh quả Dự Lưu,
vị đó biết rất rõ đời sống của họ liên hệ đến bảy đời cha mẹ. Biết rất rõ sự tái
sinh trong bảy đời, ai là cha mình, ai là mẹ mình. Cho nên, trong Phật giáo nói
rằng, mình phải luôn luôn nghĩ đến công ơn của bảy đời cha mẹ.
Do đó, ngày Vu Lan về, hàng Phật tử chúng ta học theo hạnh Thánh, quy y Phật,
quy y Pháp, qui y Tăng, giữ gìn năm giới là chúng ta bắt đầu đi trên con đường
Thánh, chúng ta bắt đầu thực tập hạnh Thánh, bắt đầu tập nhìn cuộc đời bằng con
mắt Thánh, nên chúng ta làm điều gì, nói lời gì, nghĩ việc gì đều nghĩ đến sự
liên hệ của chúng ta với cha mẹ chúng ta trong bảy đời.
Cha mẹ trong đôi mắt Bồ tát
Càng thực tập như vậy, chúng ta lại càng có cách nhìn sâu sắc hơn, không những
chỉ là cách nhìn của một bậc Thánh mà còn là cách nhìn của một vị Bồ tát nữa.
Cách nhìn của một vị Bồ tát, không những chỉ nhìn sự liên hệ giữa mình với cha
mẹ bảy đời mà còn vô số đời. Bồ tát thấy rằng mình đã có bao nhiêu thân là có
bấy nhiêu đời cha mẹ. Nên, Bồ tát không phải chỉ tu tập cho mình mà còn phải tu
tập cho tất cả mọi người, tu tập là để đền ân và báo ân cho tất cả mọi người và
mọi loài, tu tập không phải chỉ để đền ân cho cha mẹ một đời hay bảy đời mà vô
số đời. Và Bồ tát không phải chỉ cầu nguyện cho bảy đời cha mẹ mà còn cầu nguyện
cho cả pháp giới đa sanh phụ mẫu. Nên, Bồ tát làm gì cũng nghĩ đến ân nghĩa của
pháp giới đa sanh phụ mẫu.
Bởi vì, Bồ tát thấy rõ thân thể của mình là thân thể được sinh ra từ pháp giới
đa sanh phụ mẫu. Nên, thân thể nầy là thân thể của toàn thể vũ trụ, nó có mặt
khắp mọi không gian và mọi không gian đang có mặt trong thân thể nầy, nó có mặt
khắp mọi thời gian và mọi thời gian đang có mặt khắp thân thể nầy. Cho nên, Bồ
tát làm gì là liền nghĩ đến pháp giới đa sanh phụ mẫu, vì Bồ tát thấy rõ, thân
của Bồ tát không phải sinh ra đây một lần mà cả hằng tỉ tỉ lần, vô số lần và
cũng không phải bỏ thân này một lần, mà Bồ tát bỏ thân không phải là hết, bỏ
thân này là để tiếp tục sống với thân khác, sống với hằng hà sa số kiếp thân,
sống với vô cùng thân, với vô tận thân, với vô biên thân. Và khi mà một sự sống
đã đi tới với cái vô cùng, vô tận, vô biên như vậy, thì chính cái vô cùng, vô
tận, vô biên đó là cha, là mẹ của mọi sự sống.
Cho nên, mặt trời cũng có thể là cha, là mẹ của ta, trái đất cũng là cha, là mẹ
của ta, đại dương, dòng sông cũng có thể là cha, là mẹ của ta, không gian cũng
có thể là cha, là mẹ của ta, tâm thức cũng có thể là cha, là mẹ của ta. Bởi vì,
sự hiện hữu của chúng ta đặt trên nền tảng của tâm thức và cái sắc thân này cũng
đặt trên nền tảng của tâm thức, nên tâm thức là cha, là mẹ của ta mà tâm thức là
vô cùng, vô tận, vô biên, siêu thời gian, siêu không gian, do đó khi ta làm cái
gì, ta luôn luôn nghĩ đến pháp giới đa sanh. Ta tu là tu cho pháp giới đa sanh
phụ mẫu, ta học là học cho pháp giới đa sanh phụ mẫu, ta thở là thở cho pháp
giới đa sanh phụ mẫu, ta cười là cười cho pháp giới đa sanh phụ mẫu, ta ăn là ăn
cho pháp giới đa sanh phụ mẫu, ta đi là đi cho pháp giới đa sanh phụ mẫu, ta mặc
áo là mặc cho pháp giới đa sanh phụ mẫu và có như thế, ta mới thấy rằng, ta là
vô cùng, vô tận, vô biên và ta chỉ nghĩ như vậy thôi là ta đã có hạnh phúc rất
lớn. Trong đời sống, ta không có hạnh phúc, là vì tâm ta cạn cợt, trí ta thiển
cận, tầm nhìn của ta không ra ngoài gang tấc, nên sống giữa trời đất mênh mông
mà ta vẫn nghèo cùng, đi giữa ánh sáng mà ta chẳng thấy được con đường, ngồi ở
trong mâm cơm cam lồ mà lại bị chết đói, thật là xót xa.
Phật tính là cha mẹ
Khi cha ta chết, cái đẹp nhất, cái cao quí và tinh anh nhất nơi cha ta được gọi
là thần hồn; khi mẹ ta chết, cái đẹp nhất, cái cao quí và tinh anh nhất nơi mẹ
ta được gọi là linh hồn. Thần hồn, nghĩa là cha ta khi xả bỏ cái thân này,
là người trở về hòa nhập với cái hồn của trời và hồn ấy, vận chuyển khắp cùng
trong vũ trụ, và nó chuyển vận rất nhanh, cho nên gọi là thần hồn. Và vì nó cũng
có tính cách nhanh chóng, linh hoạt, phi phàm, nên gọi là thần hồn. Linh hồn,
nghĩa là khi mẹ ta bỏ ta đi xa, không sống với ta nữa, thì mẹ ta trở về hội nhập
với cái linh khí của đất, trở về với lòng đất và hòa nhập với cái linh khí của
đất, nên gọi là linh hồn. Bởi vậy, người xưa nói rằng “cha là trời, mẹ là đất”.
Tinh anh của trời là thần khí, tinh anh của đất là linh khí. Thần khí và linh
khí gặp nhau tạo ra sinh khí và khiến cho muôn vật khởi sinh, và khiến cho chúng
ta biết đi, đứng, nói, cười,... Nên, khi mẹ ta bỏ ta ra đi là mẹ ta trở về
với linh khí của đất, khi cha ta bỏ ta ra đi, là cha ta trở về lại với cái thần
khí của trời. Thần khí hay linh khí của trời đất đều là duyên khởi không có tự
tính, và từ nơi pháp tính không có tự tính ấy mà thần khí và linh khí sinh khởi,
nên pháp tính là cha mẹ của muôn loài, của vạn hữu. Và thần khí, linh khí ấy ở
nơi con người, ở nơi chúng sanh, thì gọi là linh giác hay Phật tính, nên linh
giác hay Phật tính là cha mẹ của hết thảy chúng sanh. Vì thế mà trong các kinh
điển Phật Giáo Đại Thừa, đức Phật dạy, hết thảy chúng sanh đều có Phật tính là
vậy. Nên, trong tất cả chúng ta đều có chất liệu cao cả, quý báu và linh thiêng
đó. Phật tính là chất liệu quý báu có sẵn ở trong mỗi chúng ta, nếu chúng ta
sống với tâm ý ích kỷ, hẹp hòi, tầm thường, thì thần khí và linh khí hay Phật
tính ở nơi chúng ta sẽ bị khô kiệt và không thể lưu lộ. Vì vậy, đức Phật dạy:
khi một người phát tâm nguyện rộng lớn, thì người đó sẽ có được phước đức vô
biên.
Hãy quên mình trong sự cầu nguyện
Nếu có một người cúng dường Phật một bồng cam và thắp hương lên bàn thờ của
Ngài, cầu nguyện như thế này: “Dạ xin Ngài gia hộ cho con học giỏi, lớn lên gặp
được ông chồng dễ thương, gặp được bà vợ dễ thương, cho con lớn lên làm ông giám
đốc này, ông giám đốc khác”, cầu nguyện như thế cũng được, nhưng mà phước ít.
Lại cũng có một người cúng dường một bồng cam lên Phật và thắp hương lên bàn thờ
của Ngài, bằng cách chắp tay lại, theo dõi hơi thở thật sâu, tâm từ từ yên lắng,
vị ấy khấn nguyện như sau: “Kính lạy chư Phật mười phương, kính lạy đức Phật
Thích Ca Mâu Ni, con dâng tặng phẩm thanh tịnh này lên Ngài, để con cầu nguyện
cho cha mẹ con, anh chị em con hiện tại và nhiều đời cũng như hết thảy pháp giới
chúng sanh có nhiều may mắn, có nhiều hạnh phúc và an lạc”. Chỉ như thế thôi, là
ta thành tựu phước đức rất nhiều. Vì sao? Vì ta ý thức rất rõ là trong cuộc
sống, ta không thể tách rời ta ra khỏi cha mẹ ta và muôn loài, nên ta làm gì thì
hãy vì sự hạnh phúc của tất cả mà làm, thì việc làm của ta có một ý nghĩa rất
lớn và tự nó sẽ thành tựu những phước đức rất lớn. Nhưng, nếu ta làm bất cứ cái
gì cũng chỉ vì mình thôi, thì phước đức của ta càng ngày càng teo lại và ta sẽ
gặp phải nhiều chuyện bất như ý xẩy ra đối với ta, ta sẽ sống trong cô đơn và sẽ
chết ở trong sự sầu muộn. Nên, ta có thể quên mình đi và cầu nguyện cho cha mẹ,
cho tổ tiên, thì phước đức của ta tự lớn ra, bởi vì ta cầu cho cha ta, mẹ ta, tổ
tiên ta là trong đó có ta rồi, nên ta không cần phải cầu nguyện cho ta nữa. Vì
vậy, khi ta thắp hương lên bàn Phật, ta khấn nguyện: “Con dâng hương, hoa, đèn,
cam để cúng dường Ngài, là con cầu nguyện cho cha mẹ con, tổ tiên ông bà nội
ngoại của con hiện tại, biết tu tập, biết bỏ ác làm lành, biết thương người, cứu
vật, sớm phát bồ đề tâm đêm ngày thường sống ở trong đạo giác ngộ”. Ta dâng
hương, đèn, hoa, trái cây, bát nước trong lên bàn thờ Phật với tâm thành khẩn và
thanh tịnh mà khấn nguyện như vậy thì phước đức của tự thân rất là lớn. Và phước
đức của tự thân ta lớn hơn nữa, nếu ta đem tâm thanh tịnh, tâm rộng lớn, tâm có
nội dung của tuệ giác để cúng dường chư Phật và cầu nguyện cho cha mẹ của ta
nhiều đời, cho thân bằng nhiều kiếp và cho cả pháp giới đa sanh phụ mẫu của ta,
thì phước đức của ta lớn gấp trăm ngàn lần so với phước đức mà ta chỉ cầu nguyện
cho cha mẹ của ta trong đời hiện tại.
Và nếu ta thông minh hơn nữa, thì khi ta dâng những tặng phẩm lên cúng dường
chư Phật, ta khấn nguyện như sau:
“Kính lạy chư Phật, Bồ tát và các bậc Thánh hiền khắp mười phương. Con xin dâng
tặng phẩm này để cầu nguyện cho toàn thể loài người biết thương yêu nhau và cùng
nhau sống trong hạnh phúc, an lạc”. Ta biết dâng tặng phẩm cúng dường và biết
dâng lời cầu nguyện như thế, thì phước báo của ta sẽ lớn hơn nữa. Phước báo của
ta là phước báo loài người, cho nên ta đi đâu cũng được loài người trân quý. Ta
đâu có phải sống cho riêng ta? Ta sống cho tất cả loài người, cho nên ta đi đâu,
ta cũng được loài người trân quý. Người sống với tâm hồn như vậy là người thông
minh.
Nhưng, người đại thông minh, thì khi dâng các tặng phẩm cúng dường lên chư Phật,
Bồ tát, các bậc Thánh hiền, vị ấy sẽ thở sâu, giữ tâm thanh tịnh, thích ứng với
tâm có tuệ giác lớn và khấn nguyện như sau:
“Kính lạy chư Phật, Bồ tát, cùng Thánh hiền khắp cả mười phương, con dâng hương
hoa, nước, đèn này lên cúng dường các Ngài và xin cầu nguyện cho pháp giới chúng
sanh, tất cả đều được an lạc, đều được hạnh phúc, đều sớm thành tựu Tuệ giác Vô
thượng”. Ta cúng dường và cầu nguyện với tâm như vậy, phước đức của ta, nó dàn
trải ra cả toàn thể vũ trụ, cho nên ta sống ở đâu và đi đến đâu ta cũng có an
lạc và hạnh phúc, bởi vì trong ta không còn có cái riêng tư nữa. Toàn thể vũ trụ
đều có mặt trong ta và ta đã hòa nhập trong toàn thể vũ trụ, trong pháp giới
chúng sanh.
Đóa hoa tuyệt vời và thơm mãi
Ta biết tu học là ta rất dễ thương, ta là đóa hoa tuyệt vời. Bởi vì, đóa hoa ấy,
là đóa hoa kết tinh thần khí của cha và linh khí của mẹ và là hồn sống của trời,
hồn sống của đất đang có mặt trong ta, nên sự có mặt của ta trong trời đất là
một sự có mặt hết sức mầu nhiệm. Nếu ta không biết tu học, thì cuộc sống của ta
hết sức oan uổng và vô nghĩa.
Thưa Đại chúng,
Sáng nay, quý vị cài hoa hồng tôi thấy cũng vui và quý vị cài hoa trắng tôi thấy
cũng vui. Và sáng hôm nay có mấy em Phật tử đem hoa đến cài cho tôi và hỏi tôi
rằng, thầy cài hoa hồng hay hoa trắng. Tôi nói: “Hoa hồng cũng được, hoa trắng
cũng được, mẹ cũng còn, mà mẹ cũng mất, cha cũng mất mà cha cũng còn, quý vị
muốn cài loại hoa nào lên áo tôi cũng được”.
Nhìn vào một đóa hoa hồng hay vào một đóa hoa trắng, ta thấy rằng, trong đóa hoa
hồng hay trong đóa hoa trắng đó, có cha của mình, có mẹ của mình, không phải một
đời mà bảy đời, không phải bảy đời mà vô số đời.
Về phương diện thời gian, ta nhìn sâu vào đóa hoa hồng đó là ta có thể thấy cha
và mẹ của ta nhiều đời ở trong đóa hoa ấy.Và trên phương diện không gian, ta
nhìn sâu vào một đóa hoa hồng, ta sẽ thấy cha mẹ ta đang có mặt ở nơi đóa hoa
hồng ấy, vì là mọi tinh hoa của đất trời nó đang quyện vào nơi đóa hoa hồng hay
nơi đóa hoa trắng mà ta đang được cài ấy. Và ta nhìn vào bản thân của ta, ta
nhìn thấy cái thần khí trong con người của ta là cha, cái linh khí trong con
người của ta là mẹ. Cho nên, ta tu tập chánh niệm, tỉnh giác là ta rất dễ nhận
ra cha mẹ của ta và ta có thể tiếp xúc với cha mẹ ta không phải một đời mà rất
nhiều đời.
Ta hãy nhìn và tiếp nhận cho được thần khí trong con người của ta, là ta nhận ra
cha mẹ của ta. Ta hãy nhìn sâu để tiếp nhận được thần khí trong ta qua từng tế
bào, qua từng mạch máu, qua từng buồng tim, qua từng thớ thịt, qua từng lỗ chân
lông, là ta sẽ tiếp xúc được với cha mẹ của ta trong từng giây phút của sự sống.
Cho nên, khi ta cài một đóa hoa hồng hay một đóa hoa trắng, là ta phải thở sâu
và nhìn sâu để tiếp xúc cho được cái thần khí và cái linh khí ở nơi một đóa hoa,
và ngay nơi đóa hoa đó, ta cũng có thể tiếp xúc được với thần khí và linh khí
của cha mẹ ta ở trong ta và ở trong đất trời, không phải một đời mà nhiều đời,
không phải một kiếp mà rất nhiều kiếp. Nên, dù xác thân mẹ tôi đã mất, nhưng
trong bài thơ “Tình hoa trắng”, tôi thấy mẹ tôi vẫn còn, còn một cách tươi vui,
nguyên vẹn, cùng khắp, tuyệt vời và thiêng liêng.
Áo tôi vàng, em cài lên hoa trắng
Màu trinh nguyên màu mẹ đã qua đời
Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng
Vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười.
Áo tôi vàng em cài tình hoa trắng
Tình trinh nguyên, tình của mẹ ngày xưa.
Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng
Vì là hoa ngày trước mẹ tôi yêu.
Áo tôi vàng em cài lên hoa trắng
Giữa mùa trăng hiếu hạnh nhớ về nguồn
Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng
Vì mùa trăng, mùa mẹ bước lên ngôi.
Áo tôi vàng em cài lên hoa trắng
Màu trắng thơm màu mẹ đẹp tuyệt vời.
Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng
Vì trong hoa tôi thấy mẹ ngàn nơi.
Áo tôi vàng em cài lên hoa trắng
Đóa hoa xưa ngày mẹ xới đất trồng;
Giữa những ngày mưa chang và nắng quái
Giữa biển cồn đời mẹ hóa thành bông.
Đời của mẹ đã hóa thành hoa trắng
Hoa thơm tươi hoa thanh bạch mẹ ơi!
Tình của mẹ là tình bông hoa trắng
Tình thiêng liêng lồng lộng giữa đất trời.
Mỉm cười với mẹ và cha
Nếu mình có chánh niệm, tỉnh giác, và tuệ giác, thì mình đang mỉm cười với mẹ
mình và mình thấy mẹ đang mỉm cười với mình. Mình mỉm cười với mẹ mình là vì
mình đang thấy ở mẹ có cái gì thiêng liêng nhất, đẹp nhất mà mình đang tiếp xúc
được. Và mẹ mình đang mỉm cười với mình, vì mẹ mình biết mình đang tiếp tục cái
thiêng liêng của mẹ, mình đang tiếp tục cái linh khí của mẹ và mẹ đã sinh ra
mình là để mình tiếp tục cái linh khí, cái thiêng liêng ấy của mẹ. Cho nên, mẹ
vui sướng và cười với mình và mình cũng biết rằng, mình đang tiếp tục cái linh
khí thiêng liêng của mẹ và mình cười với mẹ. Lại nữa, mình thấy mẹ luôn luôn có
mặt trong mình, và mình luôn luôn có mặt trong mẹ, mình luôn luôn thấy được như
vậy là mình hạnh phúc biết bao !
Mẹ chưa một phút giây nào rời khỏi mình và mình chưa một phút giây nào rời khỏi
mẹ. Tại sao mình nói là mình mất mẹ? Thực ra, mình không bao giờ là người thật
sự mất mẹ, nếu có chăng chỉ là mẹ thay đổi thân xác... còn cái tinh hoa của mẹ
vẫn còn mãi trong ta và còn mãi giữa đất trời.
Áo tôi vàng em cài lên hoa trắng
Màu trắng thơm màu mẹ đẹp tuyệt vời
Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng
Vì trong hoa tôi thấy mẹ ngàn nơi.
...
Tình của mẹ là tình bông hoa trắng,
Tình thiêng liêng lồng lộng giữa đất trời.
Mẹ có mặt khắp mọi nơi, mẹ là linh khí của mọi loài, mọi vật. Cha là thần khí
của mọi loài, mọi vật. Cho nên, ta nhìn vào mọi loài, mọi vật, ta đều nhìn thấy
mẹ ta trong đó, cha ta trong đó và ta cũng hiện hữu ở trong đó.
Vì mình thấy mẹ có mặt khắp cả ngàn nơi, do đó mình làm cái gì, mình nói cái gì,
mình nghĩ cái gì cũng nghĩ đến mẹ, vì mẹ của mình đang có mặt khắp cả ngàn nơi.
Và Phật tử là mình phải thông minh, thông minh một cách đặc biệt, nên khi mình
tụng kinh, mình lạy Phật, mình ngồi thiền, mình ăn chay, mình bố thí, mình cúng
dường, mình cắm bông hoa lên cúng Phật, cúng ông bà, tổ tiên của mình là tất cả
mình đều hồi hướng về Phật đạo, để mình có cách nhìn và cách sống của Phật đạo
và mình cũng mong cho bất cứ ai cũng đều có cách nhìn và cách sống ấy . Cho nên,
mình làm cái gì mình đều nói :
“Nguyện đem công đức này,
hướng về khắp tất cả,
đệ tử và chúng sanh,
đều trọn thành Phật đạo” .
Phải thông minh lắm mình mới nguyện như vậy và mới làm như vậy, nếu không thông
minh, thì mình làm cái gì cũng nghĩ về cho mình. Một việc làm có nội dung của sự
thông minh là ta đều hồi hướng về cho tất cả mọi người, cho pháp giới chúng
sanh, bởi vì tất cả chúng sanh trong pháp giới đều có mẹ mình ở trong đó, đều có
cha mình ở trong đó, đều có mình ở trong đó và đều có ông bà tổ tiên của mình ở
trong đó, nên ta có làm được điều gì tốt đẹp là ta đều xin hồi hướng về cho tất
cả mọi người và cho tất cả chúng sanh, làm với tâm hồn như vậy là ta đang mỉm
cười với mẹ và cha của chúng ta.
Tôi vẫn còn
Tôi còn tu được cho đến ngày nay là nhờ mẹ tôi, nếu mẹ tôi mà vì một chút tình
cảm tầm thường như một người nữ nhi khác, thì bây giờ tôi không còn làm thầy tu
nữa rồi. Tôi đi tu lúc mười hai tuổi ở chùa Phước Duyên, thầy của tôi đã tìm đủ
mọi cách để huấn luyện tôi trở thành một người xuất gia giỏi, nên đã nhiều lần
Thầy tôi đã dùng những biện pháp mạnh đối với tôi để buộc tôi phải chăm học. Ở
chùa không bao lâu tôi đã thuộc lòng hai thời công phu và bốn cuốn luật bằng chữ
Hán. Vào trời mùa đông ở Huế lạnh lắm, mới hai giờ sáng, Thầy tôi đã thức tôi
dậy học kinh luật. Là một chú tiểu rất nhỏ ở chùa, tôi cũng vừa thích tu mà cũng
vừa thích ngủ. Lại nữa, tu cũng ưa mà chơi cũng ưa, đàng hoàng cũng ưa mà nghịch
ngợm cũng ưa, cho nên cái kỳ cục của tuổi trẻ là ở chỗ đó. Ưa thì ưa cho mình
đàng hoàng, mà cái hoang nghịch thì mình cũng thích chơi, ưa cho mình thông minh
mà cũng nhác học, cho nên Thầy tôi rất khổ công huấn luyện tôi. Có khi Thầy phải
dùng những biện pháp mạnh.
Tôi tu được một năm, sau đó là tôi xin Thầy tôi cho tôi đi học phổ thông, vì lúc
đó tôi mới học xong tiểu học thôi, tôi nghĩ rằng, nếu mình không tiếp tục học
thêm phổ thông, thì đối với văn hóa mình yếu, sau nầy không có cơ hội để phát
triển về mặt trí thức. Tôi đã nhiều lần xin Thầy, nhưng Thầy tôi không cho phép,
lại còn dạy tôi rằng: “Đi tu thì học việc tu thôi”. Không được Thầy cho phép,
tôi buồn Thầy, nên đã tìm cách bỏ chùa, bỏ Thầy để về nhà. Khi tôi về nhà, mẹ
tôi thấy tôi, mẹ tôi rất mừng, hỏi han ân cần đủ thứ, dọn cơm cho tôi ăn, pha
nước cho tôi uống, hỏi chuyện nầy, chuyện nọ cả đêm, rồi bỏ mùng cho tôi ngủ,
sáng ngày mẹ tôi thức tôi dậy, dọn cơm nước cho tôi ăn xong và bảo tôi lên chùa
cả Thầy trông, tôi thưa với mẹ tôi rằng, “con không lên chùa nữa!”. Mẹ tôi hỏi
“tại sao chú không lên?”, tôi thưa, “vì con xin Thầy đi học ngoại điển mà Thầy
không cho, nên con không có lên nữa. Con nghĩ, tu mà ít văn hóa ngoài, tu không
có giỏi, nên con về nhà, con học cho xong tú tài toàn phần đã, rồi con đi tu
cũng được”. Cha tôi bảo: “thôi, rứa cũng được”. Cha tôi không có ý kiến gì thêm
nữa! Khi ấy tôi thấy cha tôi đứng về phía mình, nên tôi rất thương cha. Còn mẹ
tôi khi nghe tôi thưa như vậy, liền bặm mặt lại và nói: “Không được, chú phải
lên!”. Tôi không chịu lên, bấy giờ mẹ tôi phải cho tôi ăn roi. Mẹ tôi bắt tôi
nằm xuống đánh từng roi và nói rằng: “Cái cắc cớ là tại chú, vì răng chú xin ôn
mụ tôi đi tu, lên trên chùa là Thầy dạy cho chú tu, chú không chịu tu, lại ưa đi
học chuyện bên ngoài, cắc cớ là tại chú chứ đâu phải tại Thầy”, nói với tôi như
vậy xong, là mẹ tôi đánh vào tôi một roi, và tiếp tục dạy tôi, cứ bảy phút là
nhịp một roi, cứ như vậy gần hai tiếng đồng hồ, và lời sau cùng mẹ tôi nói: “Bây
giờ mẹ muốn con đi tu và con là con của Thầy, của Phật, chứ không còn là con của
ôn mụ tui nữa”. Mẹ tôi nói như vậy với tôi xong, lại liền nói với cha tôi rằng:
“Ôn phải đem điệu lên lạy Thầy trên chùa, để xin sám hối cho điệu được tiếp tục
tu lại, và thưa với Thầy rằng từ nay về sau điệu là con của Thầy, của Phật chứ
không phải là con của mình nữa”. Nghe mẹ tôi nói dứt khoát, tôi nghĩ như thế là
đã bị tuyệt lộ rồi, rào đường rồi, cho nên tôi phải theo cha tôi để trở lại
chùa. Tôi lạy mẹ tôi hai lạy và theo cha tôi lên chùa. Trên đường cùng với cha
trở về lại chùa, trong lòng tôi nghĩ mẹ mình quá nghiêm khắc không có hiền và dễ
thương như cha mình. Lên lại chùa cha tôi và tôi đều lạy Thầy và xin sám hối
những suy nghĩ vụng dại của tôi, Thầy hoan hỷ, xem như không có chuyện gì xẩy
ra. Tôi tiếp tục tu học ngày càng khá lên, không hề nghĩ gì đến việc phải đi học
ngoại điển nữa. Sau một thời gian, Thầy tôi cho tôi thọ Sa-di và cũng cho tôi đi
học thêm ngoại điển nữa.
Khi tôi thọ Sa-di rồi, Thầy cho về thăm nhà, nghe tôi về, mẹ tôi mặc áo dài ra
đón tôi từ cổng và khi tôi làm Thầy mỗi khi về nhà, mẹ tôi lại mặc áo tràng ra
cổng đón tôi vào và lạy tôi, mỗi khi mẹ tôi nói gì với tôi cũng : “Bạch thầy -
con” chứ không xưng là mẹ.
Có lần mẹ tôi đau, nằm trên giường bệnh, tôi về thăm, tường trong nhà lâu ngày
nước nó loang lỗ ra, rêu mọc lên. Mẹ tôi nói:“Thầy ơi! con đau, con niệm Phật,
nhưng con niệm Phật cho thầy, con cầu nguyện cho thầy tu tập thành đạt được cái
cao quý của Phật, của Tổ mà thầy đã tự nguyện đi theo, cho nên thầy có thấy
không, trong những bức vách mà nó mọc rêu, trong bức tường rêu ấy thấy toàn cả
tượng Quan Âm thôi à”. Tức là mẹ tôi cứ ngồi như thế mà niệm Phật và mẹ tôi cứ
nghĩ là cầu nguyện cho tôi tu tập thành tựu, nên rêu mọc lên, mà mẹ tôi nghĩ là
tượng Quan Âm, cho nên tôi biết mẹ tôi rất thương tôi, quí tôi lắm, lúc nào cũng
muốn cho tôi tu tập thành đạt, bởi vậy mà việc mẹ tôi cho tôi ăn roi ngày xưa là
một sự hy sinh tình cảm nhỏ nhặt để đạt tới một tình cảm rộng lớn, bấy giờ mẹ
tôi đã can đảm đánh tôi từng roi, mỗi roi chạm vào thân thể tôi là như mỗi roi
chạm vào thân thể mẹ và mẹ tôi đứt từng khúc ruột vậy.
Cho nên, một lần tụng kinh, ngồi thiền hay làm bất cứ cái gì, tôi cũng nghĩ đến
mẹ và tôi biết chắc chắn rằng, mẹ tôi bây giờ ở thế giới nào, thì cũng nhìn tôi
mỉm cười và tôi thấy mẹ tôi đang có mặt một cách đích thực trong tôi. Tôi nhớ
rất rõ, ngày tôi học ở Sài Gòn, mẹ tôi đã rang từng hủ ngũ cốc bảo chị cả của
tôi đi Sài Gòn đem vào cho tôi, tôi rất là hạnh phúc khi nhận được quà từ mẹ.
Tôi muốn mẹ tôi có nhiều phước đức, nên tôi không sử dụng một mình, tôi đem chia
sẻ cho những anh em tăng sinh chung quanh của tôi để hồi hướng phước đức cho mẹ
tôi. Nên, nghĩ về mẹ là nghĩ về một bông hoa đẹp nhất trên đời, nghĩ về mẹ là
nghĩ về một dòng nước mát trong và ngọt ngào nhất. Không có tình thương của mẹ
ta không bao giờ lớn khôn, không có sự hy sinh của mẹ là ta không bao giờ trưởng
thành. Ngày nay, tôi vẫn còn làm thầy tu, nhân duyên hỗ trợ lớn nhất là mẹ.
Nhẹ như cánh hạc
Rồi tối hai mươi mốt, tháng tám, năm Giáp Tý (năm 1984), tôi được chú tôi báo
tin là mẹ tôi đã qua đời tối nay, tôi rất ngạc nhiên, bởi vì chiều ngày hai
mươi, tháng tám, năm Giáp Tý (1984), cô Như Huy em gái của tôi vào Sài Gòn thăm
tôi, tôi hỏi “Mẹ khỏe không mà em đi đó ?”. Cô trả lời: “Em có về thăm mẹ, mẹ
khỏe lắm”. Được tin mẹ mất, tôi vội nhảy xe buýt đi Huế để về nhà lo tang mẹ.
Khi về đến nhà, cả nhà thấy tôi ai cũng oà lên khóc, tôi đứng lặng yên bám sát
hơi thở chốc lát, sự xúc động qua đi, cha tôi nói: “Thầy về rồi, tôi khỏe, mọi
chuyện giao cho thầy hết”. Tôi hỏi vì sao mẹ mất nhanh như vậy? Cha tôi kể:
Chiều 21 mẹ tôi đi kỵ ngoài bà Cô của tôi, 4 giờ chiều đang còn sắp dọn, xong 6
giờ về nhà. Về đến nhà, hai ông bà lấy ghế tựa ra nằm trước sân, chị cả gởi cam
về hai ông bà ăn xong, khoảng 8 giờ thì sương xuống, bà mới kêu “Ôn ơi! dậy đi
vào nhà cả sương, kẻo sáng mai đau chừ”. Ông lên nhà trên, bà xuống nhà dưới,
khoảng 9 giờ bà bưng đèn lên nhà, kêu ôn, “Ôn ra vườn hái cho tôi chín ngọn lá
trường sanh”, cha tôi ra hái xong, rửa sạch, đem vào đưa cho bà và bà đang ngồi
với tư thế kiết già, để nhai, bà đang nhai, cha tôi ra đóng cửa ngõ, khi đang
đóng cửa ngõ, cha tôi nghe trong nhà bà niệm Phật ba tiếng thật to, như tiếng
niệm Phật trong lúc hô canh ở chùa vậy, cha tôi đóng cửa xong đi vào, thấy bà
nằm xuống và đã đi xa, thấy vậy cha tôi khóc, rồi kêu con cháu ở nhà xung quanh
đến, các con cháu nói mới nghe bác, thím niệm Phật đó mà! Mẹ tôi mất đi một cách
giản dị như thế, không có chi đau đớn, rất nhẹ nhàng.
Tôi biết, mẹ tôi rất nhẹ nghiệp, mẹ tôi khi hướng tâm về Phật Pháp rồi, thì một
con gà mẹ tôi cũng không nuôi, một cái lợi nhuận nhỏ, mẹ tôi cũng không nghĩ và
trong nhà khi nào cũng trữ lương thực khô hết, là vì để khi chư Tăng đi
hoằng Pháp, bất kỳ vị thầy nào về vùng nầy cũng ghé thăm gia đình tôi, dù là 1,
2 giờ khuya, là mẹ tôi cũng có thức ăn để hầu hạ chúng Tăng và mẹ tôi hết sức
kính trọng chúng Tăng. Cho nên, niềm tin của bà đối với Tam Bảo là hết sức sâu
sắc. Mẹ tôi mồ côi mẹ rất sớm, được ông ngoại tôi chăm sóc hết sức kỹ lưỡng. Ông
ngoại tôi không những là một Phật tử thuần thành mà còn là một nhà Nho, một thầy
thuốc nổi tiếng. Ông ngoại tôi sống thỉ chung với bà ngoại tôi, dù bà ngoại tôi
mất sớm, Ông ngoại tôi sinh ra hai cậu và mẹ tôi là con gái út. Cho nên, nghĩ
đến mẹ, nghĩ đến cha, nghĩ đến tổ tiên, nội ngoại thì chúng tôi biết ơn rất sâu,
vì chúng tôi hôm nay là của cha, của me, của ông bà nội, ông bà ngoại, của trời
đất, của tất cả, vì vậy khi tôi thắp hương, tôi không thắp hương cho cá nhân tôi
mà tôi thắp hương với một tấm lòng cho tất cả và hôm nay tôi tu không phải là
tôi tu cho mình tôi mà tu với một tấm lòng là cho tất cả.
Thưa đại chúng! Hôm nay mùa Vu Lan về, chúng ta làm cái gì, chúng ta cũng nghĩ
đến ân nghĩa của tất cả, và chúng ta nỗ lực tu tập, thân không làm các điều ác,
miệng không nói những lời ác, ý không nghĩ đến những điều ác, để báo đáp ân cha
mẹ hiện tiền, cha mẹ quá khứ, và cha mẹ của chúng ta đang có mặt cùng khắp cả
pháp giới, ta thực tập được như vậy, thì ta sẽ thành tựu phước đức một cách toàn
vẹn.
Bây giờ, trong mùa Vu Lan, chúng ta có bao nhiêu phước đức do công phu tu tập và
hiếu hạnh, thì chúng ta cùng nhau chắp tay xin hồi hướng cho tất cả.
Thích Thái Hòa