Đạo hiếu trong Phật giáo

dao hieu

Đạo hiếu trong Phật giáo

Tinh Vân - Nhã Tuệ dịch

 

Hoa cỏ cây cối, cắm rễ dưới lòng đất. Dòng suối sông ngòi, bắt nguồn từ trên núi. Các điển tích như quạ hiếu kính sau khi trưởng thành lại ngậm mớm thức ăn cho mẹ mình, dê con cảm ơn quỳ bú, cho thấy động vật còn biết báo đáp ân nghĩa ruột thịt. Con người là loại vật thông minh nhất trong muôn vật, từ trong quan hệ máu mủ “thượng đại nhi lai, tùng kỷ nhi xuất” (huyết thống của mình kế thừa đến từ đời trước, đời sau của mình lại kế thừa huyết thống của mình), tiếp diễn tình nghĩa luân lý truyền lại cho nhau qua các thế hệ, đã củng cố trật tự cương thường loài người. 

Trung Quốc là một dân tộc coi trọng đạo hiếu. Mối quan hệ cha-con được xếp vào hàng đầu của ngũ luân. Trong Thanh niên thủ tắc có “hiếu thuận vi tề gia chi bản” (hiếu thảo là gốc rễ của việc quản lý gia đình). Hiếu kinh nói: “Hiếu thị đức chi bản, y giáo nhi sinh.” Nghĩa là hiếu thuận là căn bản của đức hạnh, do giáo dục mà có. Điều này cho thấy người Trung Quốc xem “hiếu” như là nhân cách dưỡng thành, cũng là căn nguyên của thực hành luân lý đạo đức.   

Phật giáo lúc mới truyền vào Trung Quốc, từng vướng phải những chê trách, phê bình của các học giả nhà Nho. Họ thường lấy “thân thể phát phu thụ chi phụ mẫu, bất khả hủy thương” (râu tóc da dẻ trên thân thể đều do cha mẹ trao cho, không được hủy hoại tàn phá) để chỉ trích những Tăng sĩ Phật giáo, cho rằng cạo bỏ râu tóc xuất gia là việc làm bất hiếu. Thực ra Phật giáo là một tôn giáo coi trọng đạo hiếu, như trong kinh Phụ mẫu ân trọng nan báo nói: “Giả sử hữu nhân tả kiên đảm phụ, hữu kiên đảm mẫu, nghiên bì chí cốt, xuyên cốt chí tủy, nhiễu Tu-di sơn, kinh bách thiên kiếp, huyết lưu một khõa, do bất năng báo phụ mẫu thâm ân”. Nghĩa là ví như có người vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, thịt nát thấu xương, xương nát thấu tủy, đi vòng quanh khắp núi Tu-di (Sumeru), trải trăm ngàn kiếp, máu tuôn ngập gót chân, vẫn không thể đền đáp được thâm ân của cha mẹ. Đủ thấy Phật giáo coi trọng đạo hiếu.  

Tăng Tử (505-435 tr.TL) của Nho giáo, học trò của Khổng Tử (551-479 tr.TL) nói: Nếu không có duyên cớ đặc biệt mà tùy tiện sát hại con sâu cái kiến, thì là bất hiếu; không có nguyên do đặc biệt mà tùy ý ngắt lấy bông hoa ngọn cỏ, thì là bất hiếu. Tăng Tử nâng cấp độ của đạo hiếu lên đến việc bảo vệ (quý trọng) đời sống động vật và thực vật, cả đến lòng yêu thương đối với tất cả chúng sinh. Loại từ bi nhân ái vô tư rộng lớn này chính là hiếu thuận. Tăng Tử thuyết minh hiếu một cách toàn diện như thế, thảo nào sau này trở thành truyền nhân hoằng dương Hiếu kinh trong các học trò của Khổng Tử. Xã hội truyền thống Trung Quốc chủ trương tam cương ngũ thường, chủ yếu lấy hiếu làm trung tâm, mở rộng phạm vi bổ sung đầy đủ nội dung. Hiếu thuận với quốc gia chính là trung, hiếu thuận với anh em chính là đễ (kính nhường), hiếu thuận với bạn bè chính là nghĩa, và hiếu thuận với chúng sinh chính là nhân.

Phật giáo phát huy chân ái và thiện mỹ của con người đến mức độ cao nhất, suy xét mở rộng đến lòng bi mẫn đối với hết thảy chúng sinh, biểu lộ một loại tình cảm bắt nguồn từ sự chân thật thuần khiết, cho đi với trái tim tự nguyện. Kinh Đại vô lượng nói: “Dĩ bất thỉnh chi pháp thí chư lê thứ, như thuần hiếu chi tử ái kính phụ mẫu”. Nghĩa là dùng pháp bất thỉnh ban bố cho mọi người, như người con chí hiếu yêu kính cha mẹ. Từ bi của Bồ-tát là nguyện gánh vác những gian khổ của chúng sinh, không từ bỏ tất cả chúng sinh, cũng giống như biểu hiện yêu kính của người con hiếu thảo đối với cha mẹ.

Sự tích hiếu kính cha mẹ trong Phật môn nhiều không kể xiết, như Đức Phật khiêng quan tài cha, thuyết pháp cho mẹ, hoàn thiện đạo con cái; Tôn giả Mục-kiền-liên cứu mẹ trong biển khổ âm phủ, mà thắng hội Vu-lan-bồn (Ullambana)[1]cũng từ đây lưu truyền cả ngàn năm; Xá-lợi-phất trước khi nhập diệt đã trở về quê hương từ biệt mẹ hiền, để báo đáp thân ân[2]; Đại sư Ngẫu Ích đời nhà Minh bốn lần cắt cánh tay, cầu mẹ hiền mắc bệnh hiểm nghèo sống thọ[3]; Hòa thượng Hư Vân của Dân Quốc, ba năm chầu lễ núi Ngũ Đài để báo thâm ân cha mẹ. Nhìn chung, đạo hiếu trong cửa Phật, ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ kiểu như thế gian và làm rạng rỡ tổ tông ra, còn phải tiến xa hơn, bằng cách dẫn dắt cha mẹ hướng về chánh tín, xa lìa phiền não, đường xấu, vượt thoát vòng sinh tử, làm cho họ hàng thân thuộc mấy đời được độ, cắt đứt vĩnh viễn khổ đau trong ba đường luẩn quẩn. Đây chính là đại hiếu.

Phật giáo cho rằng cung kính tận hiếu đạo nên chú ý ba điểm sau đây:                                  

1.      Hiếu thuận nhất thiết phải lâu dài, không phải trong chốc lát

Hiếu thuận với cha mẹ nên được thực hiện một cách dài lâu và liên tục, mà không phải làm theo cảm xúc vui buồn chốc lát. Kinh Trường A-hàm nói, con cái phải kính thuận cha mẹ với năm điều: (1) phụng dưỡng cha mẹ, không để cha mẹ thiếu thốn; (2) hễ có việc gì, báo trước cho cha mẹ biết; (3) cha mẹ làm, kính cẩn nghe theo không được chống lại; (4) cha mẹ dạy dỗ, không nên làm trái; (5) không cản chánh nghiệp cha mẹ làm. Kinh Tâm địa quán cũng nói: “Hiếu dưỡng phụ mẫu chi phước dữ cung Phật đồng đẳng, ưng đương hiếu kính hằng tại tâm”. Nghĩa là phước đức của việc phụng dưỡng cha mẹ ngang bằng với việc cúng dường Phật, hiếu kính cần phải hằng hiện hữu trong trái tim. Phật giáo không chỉ đề cập đến việc báo ân trong đời hiện tại, mà thậm chí còn cả cha mẹ trong bảy đời, cha mẹ nhiều kiếp. Bởi vì nhờ sự sinh đẻ và nuôi nấng của cha mẹ, mà đời này và đời khác chúng ta được “mượn giả tu chân”, nghe được pháp Phật, viên mãn Bồ-đề. Kinh Phân biệt nói rằng sở dĩ Đức Phật thành Phật là bởi vì “phụ mẫu thế thế phóng xả, sử kỳ học đạo, lụy kiếp tinh tiến, kim đắc thành Phật, giai thị phụ mẫu chi ân. Nhân dục học đạo, bất khả bất tinh tiến hiếu đạo.” (Cha mẹ đời đời buông xả, giúp con học đạo, trải qua nhiều kiếp cần mẫn chăm chỉ (tinh tấn), nay được thành Phật, đều là công ơn của cha mẹ. Con người muốn học đạo, không thể không tinh tấn hiếu thuận). Cho nên hết lòng hiếu thảo thì giống như học Phật vậy.  

2.      Hiếu thuận nhất thiết phải thực chất, không được hình thức bên ngoài

Ngoài phụng dưỡng vật chất, người con phải dành sự an ủi cho cha mẹ về mặt tâm lý và an lạc về mặt tinh thần. Đây cũng là biểu hiện của hiếu thuận. Kinh Phụ mẫu trọng ân nan báo ghi: “Nhược phụ mẫu vô tín, giáo lệnh tín; vô giới, dữ giới giáo thọ; bất văn, sử văn giáo thọ; kiên tham, giáo lệnh hảo thí”. Nghĩa là, nếu cha mẹ không có niềm tin, hãy hướng dẫn khiến cha mẹ có niềm tin; không có giới pháp, hãy truyền thụ cách thọ giới cho cha mẹ; nếu không được nghe (Chánh pháp), hãy truyền thụ cho cha mẹ được nghe; nếu tham lam keo kiệt, hãy hướng dẫn cha mẹ bố thí. Kinh Bản sự và kinh Hiểu tử nói: “Năng khai hóa kỳ thân, tài thị chân thực báo phụ mẫu ân”. Tức là, có thể mở mang giáo hóa cha mẹ của mình, mới là cách báo ơn chân thực cho cha mẹ. Trong luật Ngũ phần, Đức Phật từng căn dặn các Tỳ-kheo nên “tận tâm tận thọ, cúng dường phụ mẫu; nhược bất cúng dường, đắc trọng tội”. Nghĩa là, đời này phải hết lòng cung cấp phụng dưỡng cha mẹ; nếu không như vậy thì sẽ bị tội nặng. Kinh Hiền ngu và kinh Thiểm tử nói: “Phật-đà thị nhân nhân hiếu cố, thành tam giới chi tôn”. (Đức Phật vì nhân ái hiếu thuận cho nên đã trở thành đấng tôn quý của ba cõi). Từ đây có thể thấy, bất kể là tại gia hay xuất gia, đều có thể phụng dưỡng cha mẹ, lại có thể dẫn dắt cha mẹ hướng về đường chánh. Đấy chính là điều quan trọng không gì sánh bằng.         

3.      Hiếu thuận nhất thiết phải được toàn diện, mà không phải một phần

“Lão ngô lão dĩ chí nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ chí nhân chi ấu” (Ta kính trọng cha mẹ ta cũng hệt như kính trọng cha mẹ của người; ta yêu thương con em ta cũng hệt như yêu thương con em của người). Hiếu thuận phải bắt đầu thực hành từ người thân của mình, rồi từng bước mở rộng đến mọi người trong xã hội, cho đến tất cả chúng sinh vô lượng vô biên. Đây chính là chí hiếu trong tư tưởng Phật giáo. Trong Phật giáo, ơn cha mẹ theo nghĩa rộng còn bao gồm “ân sư trưởng” (ơn thầy dạy dỗ), điều đó gọi là “nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (một ngày làm thầy, suốt đời làm cha). Trong Khuyến phát Bồ-đề tâm văn, Đại sư Tĩnh Am (1686-1734) cũng nói: “Phụ mẫu tuy năng sinh dục ngã thân, nhược vô thế gian sư trưởng, tắc bất tri lễ nghĩa; nhược vô xuất thể sư trưởng, tắc bất giải Phật pháp”. Nghĩa là, cha mẹ tuy sinh đẻ sắc thân ta, nhưng nếu không có thầy cô thế gian, thì không hiểu biết lễ nghĩa ở đời; nếu không có các sư xuất thế, thì không hiểu pháp Phật. Xa hơn thế, Phật giáo giảng: “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”. Một trong bốn ân nặng ở đây chính là “báo ân cha mẹ”. Người tu hành lấy phát Bồ-đề tâm - trên cầu Phật đạo dưới hóa độ chúng sinh - làm việc tu hành thù thắng. Kinh Phạm võng nói: “Nhược Phật tử, dĩ từ tâm cố, hành phóng sinh nghiệp, nhất thiết nam tử thị ngã phụ, nhất thiết nữ nhân thị ngã mẫu, ngã sinh sinh vô bất tùng chi ái sinh, cố lục đạo chúng sinh giai thị ngã phụ mẫu”. Nghĩa là, người Phật tử lấy tâm từ làm việc phóng sinh, xem tất cả người nam là cha, tất cả người nữ là mẹ, vì ta trải qua nhiều đời đều từ đó mà sinh ra. Cho nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ ta.

Nếu một người hiểu được đạo hiếu, kính yêu cha mẹ, thế nào cũng sẽ giữ giới. Vị ấy có thể dùng pháp lành ngăn chặn những hành vi xấu xa phát khởi từ thân tâm, không xâm phạm người khác, xa hơn còn biết tôn trọng muôn vật, lại có thể hiểu được cộng thể cộng sinh. Cho nên Đại sư Thái Hư mở rộng đạo hiếu thành “hiếu thuận phụ mẫu, hiếu thuận sư trưởng, hiếu thuận nghiệp nhân, hiếu thuận thánh giáo, hiếu thuận pháp tính, hiếu thuận Phật tâm”. Phật giáo không chỉ coi trọng đạo hiếu, mà còn phát huy, làm rạng rỡ truyền thống về mặt ý nghĩa và tinh thần tích cực của đạo hiếu.  

 

Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb. Từ thư Thượng Hải, tr.146-149.

 


 

[1] “Vu-lan” nghĩa là treo ngược, “bồn” thì là khí cụ cứu hộ, cho nên giải thích Vu-lan bồn thành nghĩa “cứu treo ngược, giải thoát khổ đau”. Người đời sau dựa vào kinh Vu-lan bồn, hằng năm cử hành nghi thức siêu độ họ hàng quyến thuộc nhiều đời vào ngày 15 tháng 7 nông lịch.

[2] Xem Thập đại đệ tử truyện.

[3] Xem Ngẫu Ích đại sư tập.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle