Tara từ tín niệm Hindu đến các độ mẫu Phật giáo

tara

TARA TỪ TÍN NIỆM HINDU ĐẾN CÁC ĐỘ MẪU PHẬT GIÁO

 

Trong Hindu và Phật giáo, nữ thần Tara (Devi) đứng thứ hai trong Dasa (mười) Mahavidya hay “Nữ thần Đại Trí”, và là một dạng thức của Shakti (năng lực tính nữ nguyên thủy), các biểu thị mật tích/tantric của nữ thần. Từ “tara” có nguồn gốc từ tiếng Phạn “tṛ”, có nghĩa là vượt qua(1). Trong nhiều ngôn ngữ Ấn Độ đương đại khác, từ “tara” cũng có nghĩa là vì sao, liên quan đến sự chuyển động của các ngôi sao khi chúng băng ngang bầu trời.

I. Tara trong tín niệm Hindu(2)

Nguồn gốc về nữ thần Tara được ghi lại trong tài liệu thư tịch Tantrik Tara Rahasya. Truyền thuyết bắt đầu với thần thoại Khuấy biển sữa của chư thiên (deva) và A-tu-la (asura). Phản ứng lại sự khuấy động này, thần đại dương đã nhả ra chất độc hại để chống lại. Để giúp chư thiên, thần Shiva đã uống hết lượng thuốc độc (halahala) (nó khiến cổ họng của thần chuyển sang màu xanh dương và do đó thần có được tính ngữ Nilakantha). Mặc dù thần đã cứu thế giới khỏi sự hủy diệt, nhưng thuốc độc cũng khiến thần bất tỉnh dưới tác động mạnh mẽ của nó. Mahadevi Durga xuất hiện như Maa Tara và đỡ thần Shiva lên đùi mình. Nữ thần cho thần Shiva bú sữa từ ngực mình để chống lại chất độc, và thần Shiva dần hồi tỉnh.

Theo kinh văn Adhbhuta Ramayana, khi Sita dưới hình thức Kali đã giết chết Sahasraskandha Ravana, Brahma cùng các vị thần khác đã xoa dịu nữ thần bằng những bài tụng ca. Nhượng bộ, Devi biến thành hình thức trầm tĩnh hơn của Tara. Giữ thanh gươm trong tay phải, Devi chấp nhận bộ đồ da hổ từ thần Brahma, tháo bỏ chiếc vương miện vàng kim của mình, xếp lọn tóc vào Jatamukuta và buộc nó bằng con rắn Akshobhya. Do thần bão táp Rudra nằm trên mặt đất và thỉnh cầu nữ thần ban cho mình ân huệ của Brahmavidya nên Devi đặt chân trái của nữ thần lên ngực và giác ngộ Rudra. Do đó, Rudra đã dâng cúng nữ thần bông hoa sen màu xanh dương và một chiếc cốc đầu lâu.

Dị bản nói về hình thức giết quỷ của Tara kể rằng: Một con quỷ tên là Hayagriva đã tàn phá mọi nơi và trục xuất các chư thiên (deva) khỏi Amaravati sau khi đánh bại họ và lấy đi tài sản của họ. Do đó, các chư thiên đã thỉnh cầu thần Brahma, thần đã dẫn họ đến gặp nữ thần Kali. Nữ thần tối cao đã sáng tạo nên một Devi từ con mắt thứ ba của mình là Tara, và gửi Tara đến để đánh bại Hayagriva. Trong trận đánh, Tara đã thắng thế và giết chết con quỷ Hayagriva.

Một dị bản không phổ biến gốc từ Kalika Purana kết hợp Tara với Matangi (cả hai được xem như là hình thức của nữ thần Saraswati). Theo đó, khi các chư thiên bị lũ quỷ Sumbha và Nisumbha đánh bại nên chư thiên đã tìm kiếm nơi ẩn náu ở dãy Himalaya và bắt đầu cầu xin các Devi. Khi đó, vợ nhà hiền triết Matanga là Matangi đã hóa thân thành nữ thần/devi Mahasaraswati để xoa dịu các chư thiên. Kể từ khi Mahasaraswati hóa hiện từ thân thể của Matangi, nữ thần có nước da đẹp với tám tay, được gọi là Kaushiki. Mặt khác, màu da của Matangi trở nên tối màu và cũng được gọi là Kali và Ugratara.

Theo Swatantra Tantra, Tara bảo vệ những tín đồ của mình khỏi những khó khăn (ugra) hiểm nguy và vì vậy Tara còn được biết đến như “Ugratara”. Nữ thần thâm nhập khắp nơi và cũng biểu thị về đất. Một tín đồ trở nên ý thức về Mantra của thần đạt được moksha (giải thoát), có khả năng tạo ra những bài thơ và hiểu đầy đủ về tất cả các Shastra (sách tri ​​thức)(3).

1.      Biểu tượng

Nữ thần Kali và Tara tương tự nhau về diện mạo. Cả hai đều được miêu tả như đang đứng trên thần Shiva nằm ngửa trong một hình thức bất động hoặc xác chết. Tuy nhiên, trong khi Kali được thể hiện với màu đen, Tara được mô tả với màu xanh lam. Cả hai đều mặc rất ít quần áo: Tara mặc một chiếc váy da cọp, trong khi Kali chỉ mang một thắt lưng dạng cánh tay người đứt lìa. Cả hai đều đeo một  vòng chuỗi đầu người. Cả hai đều có chiếc lưỡi thè lè, và máu rỉ từ miệng. Diện mạo của họ ấn tượng đến nỗi dễ dàng nhầm lẫn người này với người kia. Thật vậy, đó là những biểu thị của mỗi một người và Sadhaka không có tính đối ngẫu giữa Kali và Tara trong tâm trí dân gian vì cả hai đều giống nhau. Tara có tám hình thức gọi là Ashta Tara và tên gọi là Tara, Ugra Tara, Maha Ugra Tara, Kam Tara, Ekjata, Nil Saraswati, Vajra Bhadra-kali. Tara được cho là một vị thần dễ tiếp cận hơn đối với các tín đồ sùng kính (Bhakta) hoặc Tantrika vì bản năng của người mẹ; một số lượng lớn tín đồ Hindu ở Bengal sùng kính cả Kali và Tara, tôn kính gọi thần là “Ma”, tức “Mẹ”.

Giống như Kali, Tara trong ngữ cảnh Hindu thích thú máu. Trong bài tụng ca, một trăm danh xưng của Tara từ Mundamala-tantra, Tara được gọi “Nữ nhân thích máu”, “Người bị bôi máu” và “Người thích hiến tế máu”.

Tara có thể được phân biệt trực quan chủ yếu từ Kali thông qua các trì vật. Bốn tay, nữ thần mang một thanh gươm hiến sinh, cầm một cái đầu cắt rời hoặc chiếc cốc sọ/đầu lâu, một hoa sen và kéo. Cái kéo biểu trưng cho khả năng cắt đứt những thói quen không mong muốn, giải phóng cá thể cho sự siêu việt tinh thần của Tara. Nữ thần Kali không bao giờ cầm hoa sen hay một cái kéo.

Tara sống trong năm khoảng không. Trong khoảng không đầu tiên, Tara là người sáng tạo; trong khoảng không thứ hai, Tara là Vishvarupini; trong khoảng không thứ ba, Tara là Nirguna Brahman; trong khoảng không thứ tư, Tara là người duy trì/nâng đỡ và cuối cùng trong khoảng không thứ năm, Tara là người tiêu diệt/tiêu hủy. Tự thân khoảng không là Brahman, nơi cư ngụ của tất cả các hóa thân của Kali. Mối quan hệ giữa Tara và Kali là của Shiva và Shakti (năng lực tính nữ); Tara là Shakti và Kali là Shiva.

2.      Đền Tarapith 

Hóa thân/murti tại đền/mandir Tara Ma làng Tarapith, một địa điểm Mật truyền/Tantric rất quan trọng cho những Shakta Bengali, chủ yếu được bao phủ bởi những vòng hoa. Có hai đối tượng Tara trong chính điện. Tượng đá Tara được miêu tả như một bà mẹ đang cho Shiva bú sữa – “hình ảnh nguyên thủy” (nhận ra sự lồng ghép trong hình thức phẫn nộ của Tara), được che phủ bởi tranh/tượng kim loại dài ba feet, mà các tín đồ thường thấy. Nó biểu thị Tara trong hình thức phẫn nộ với bốn tay, mang một chiếc vòng chuỗi đầu lâu và chiếc lưỡi thè ra. Đội vương miện bằng bạc với mái tóc xõa, hình tượng bên ngoài được vận một chiếc sari và được trang hoàng bằng những vòng chuỗi hoa cúc vạn thọ và một chiếc ô bạc bên trên nó. Trên trán của tượng kim loại này được điểm trang bằng màu đỏ sindur (thần sa/màu đỏ son). Hầu hết những tín đồ sẽ không có cơ hội nhìn thấy bức tượng thực tế bằng đá này, vì chỉ có 15 phút hay một vài phút có thể nhìn thoáng qua tượng đá vào lúc 4 giờ 30 sáng, khi ngôi đền mở ra và chỉ có vài người may mắn đầu tiên được vào hậu cung (các Garbhagriha) để xem tượng.

Không giống hầu hết các ngôi làng và thị trấn Ấn Độ, đất smashan hay đất hỏa táng không nằm ở ngoại biên ngôi làng. Vì nơi hỏa táng được xem là gây ô nhiễm, nên phần lớn những người Smashan Ấn Độ ở xa trung tâm thị trấn. Cả Tarapith mandir và smashan đều ở rất gần nhau (trong phạm vi 91,44 mét) đến trung tâm thị trấn và gần sông Dwarka. Người ta cho rằng dấu chân của Tara Ma được giữ gìn trong smashan; đây là một đề tài phổ biến trong Hindu giáo, nơi mà các vị thần hay đặc biệt những tín đồ sùng đạo được cho là để lại dấu chân của họ trên các tảng đá. Nhiều người Sadhu và Tantrika sống ở smashan, một số trú ngụ trong những túp lều nơi đó thường xuyên như ở nhà. Smashan ở với nhiều con chó. Theo truyền thống, các con vật ô uế được cho là chia sẻ thức ăn với thánh thần Vamamarga Bamakhepa, người có samādhi hoặc ngôi mộ nằm bên cạnh điện thờ Tarapith chính.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng Paranasabari là cái tên khác của Nữ thần Hindu Tara(4) (5).

II. Tara trong tín niệm Phật giáo 

Tara (tiếng Phạn : ताराtārā, Tara Đala; Tây Tạng: སྒྲོལ་ , Dölma; Mông Cổ: Dara eke) hoặc Arya Tara, hay còn được biết đến là Jetsun Dolma (Tạng: rje btsun sgrol ma) trong Phật giáo Tây Tạng, là một vị nữ Bồ-tát trong Phật giáo Đại thừa, và xuất hiện như một vị Phật Mẫu trong Phật giáo Kim Cương thừa. Thần được biết đến như là “người mẹ của sự giải thoát”, và biểu thị cho tính chất thành tựu trong công việc và thành tích. Thần được biết đến như Tara Bosatsu (Bồ-tát Tara) ở Nhật Bản, và đôi khi là Duōluó Púsà (Đa-la Bồ-tát) trong Phật giáo Trung Quốc. Còn gọi: Đa-lợi Bồ-tát, Đa-rị Bồ-tát, Đa-lệ Bồ-tát, Thánh Đa-la Bồ-tát, Đa-la tôn, Đa-lợi tôn, Đa-la-tôn Quán Âm, Đa-la Quán Thế Âm, Đa La Tôn Quan Âm, Cứu Độ Mẫu, Thánh Cứu Độ Phật Mẫu. Hán dịch: Nhãn, Diệu mục tinh, Cực độ, Cứu độ, Đồng tử(6).

Tara là một vị thần của pháp tu thiền định mà các tín đồ Phật giáo Kim Cương thừa Tây Tạng tu tập nhằm làm tăng trưởng một số phẩm chất bên trong, sự hiểu biết các giáo lý bên ngoài, bên trong và mật truyền về lòng trắc ẩn và hư không. Tara có thể được hiểu đúng hơn là các khía cạnh khác nhau của cùng một phẩm chất, như Bồ-tát thường được coi là ẩn dụ cho các đức hạnh Phật giáo.

Cũng có sự thừa nhận ở một số tông phái Phật giáo về 21 vị Tara. Một kinh văn tu tập có tựa đề Tôn kính 21 Tārā, là kinh văn quan trọng nhất về Tārā trong Phật giáo Tây Tạng. Một văn bản quan trọng khác là Tantra là nguồn cội cho mọi chức năng của Tara, Mẹ của tất cả các Talhagata (7) .

Thần chú Tārā chính trong Phật giáo và Hindu đều là mộtoṃ tāre tuttāre ture svāhā. Nó được phát âm bởi người Tây Tạng và tín đồ Phật giáo theo truyền thống Tây Tạng như oṃ tāre tu tāre ture soa.

1.      Những nơi thờ phượng chính

Tara chủ yếu được thờ phượng ở Tây Tạng và Nepal trong khuôn khổ của Phật giáo Bắc tông. Trong Phật giáo Nam tông, rất hiếm hình ảnh của Đala có mặt ở Sri Lanka và Java. Ở Tây Tạng, Tara được tin là đầu thai vào trong những phụ nữ tín mộ. Hai vị vương phi của vua Tùng tán Cương bố (Srong-btsan Sgam-po), một vị người Hoa và một vị người Nepal, tức công chúa Văn Thành và Ba-lợi-khố-cơ (Phạn: Bhrkuti), vào thế kỷ thứ bảy được tin là hóa thân của Tara. Vì thế người Tây Tạng đã tạo ra hai Tara – Bạch Tara, biểu thị vị vương phi người Hoa, và Thanh Tara, biểu thị vị vương phi người Nepal. Tara cũng được tin là đã linh ứng cho vị sư người Bengali là Atisha du hành đến Tây Tạng vào thế kỷ XI và canh tân Phật giáo ở đó(8) .

Do Bồ-tát Đa-la là một trong 33 thị hiện của Bồ-tát Quan Âm nên Bồ-tát này được tôn trí ở phía Tây Bồ-tát Quán Tự Tại thuộc hàng thứ nhất phía bên phải của viện Quán Âm trong hiện đồ Mạn-đồ-la Thai Tạng giới, cũng tức là Phật Mẫu của Quán Âm Bộ.

2.      Truyền thuyết

Theo phẩm Quán Tự Tại Bồ-tát thọ ký trong kinh Đại phương quảng Mạn-thù-thất-lợi, Bồ-tát Quán Tự Tại nhập Phổ Quang Minh Đa-la tam-muội, nhờ sức tam-muội, nên mắt phóng ánh sáng rực rỡ. Bồ-tát Đa-la sanh ra từ ánh sáng này, mang hình tượng một phụ nữ xinh đẹp và dùng ánh sáng trong lành, mát dịu phổ chiếu chúng sinh, thương xót chúng sinh giống như từ mẫu, thề cứu độ họ thoát khỏi sinh tử bể khổ. Hào quang của Bồ-tát Đa-la soi sáng tất cả chúng sanh, như tình thương của người mẹ hiền cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển khổ sanh tử. Mật hiệu của ngài là Bi Sanh Kim Cang, Hạnh Nguyện Kim Cang; hình Tam-ma-da là hoa sen xanh. Chủng tử là (ta) hoặc (tam), nghĩa là “như như bất khả đắc”.

Tara là một trong những khuôn mặt nữ nổi bật trong Phật giáo và kể từ thế kỷ VI TL, thường được thờ phượng như một đối tác nữ của vị Bồ-tát từ bi Quan Thế Âm. Bên cạnh đó, cũng có truyền thuyết cho rằng khi Quan Thế Âm từ cõi trời Tịnh độ của ngài nhìn xuống thế giới khổ đau và than khóc vì thấy mình bất lực, không thể cứu độ tất cả chúng sinh khỏi đau khổ, thì nữ thần Tara được sinh ra từ nước mắt của ngài, hay từ một đóa sen đang trôi bềnh bồng trong dòng nước mắt đó. Trong một vài phiên bản của truyền thuyết này, hai Tara được sinh ra từ những giọt nước mắt: Tara trắng hiền hòa từ con mắt phải của Quan Thế Âm và Tara xanh lục dữ dội từ con mắt trái. Cũng giống như Quan Thế Âm biểu thị lòng từ bi của chư Phật và Văn Thù Sư Lợi biểu thị huệ trí của các ngài, Đala Bồ-tát biểu thị mọi phép mầu của chư Phật từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong tư cách đó, hai vị Đa-la này truyền hùng tâm dũng lực cho Quan Thế Âm tiếp tục thực thi công đức từ bi cứu độ(9) .

Trong Phật giáo Tây Tạng, Tara được đề cập như là vị Bồ-tát của lòng từ bi và cứu độ. Tara là mặt nữ tính của Avalokiteśvara/Quán Thế Âm Bồ-tát và trong một số câu chuyện, nguồn gốc của thần đến từ những giọt nước mắt như sau:

Cuối cùng khi Avalokiteshvara đến đỉnh ngọn Đồi Đỏ Marpori ở Lhasa, ngài dõi mắt nhìn kỹ và nhận ra rằng cái hồ ở cánh đồng sữa Otang, tương tự địa ngục của sự đau khổ, dày vò không dứt. Vô số chúng sinh đang trải qua những đau đớn cực độ về thể xác và tinh thần của sôi, cháy, đói, khát, không chịu đựng được, những tiếng kêu la đau đớn không khi nào dứt. Khi Avalokiteshvara thấy điều đó, những giọt nước mắt rơi xuống. Một giọt nước mắt từ mắt phải của ngài rơi xuống cánh đồng và trở thành bậc tôn kính Bhrikuti, người đã tuyên bố: “Người con của chủng tộc! Khi các người phấn đấu vì lợi ích của chúng sinh trên vùng đất Tuyết, hãy cầu xin vơi sự đau khổ của họ, và ta sẽ đồng hành trong cùng nỗ lực này!”. Bhrikuti sau đó được hấp thu lại vào trong mắt phải của Avalokiteshvara, và được tái sinh ở kiếp sau như là công chúa Nepal Tritsun. Một giọt nước mắt từ mắt trái của ngài rơi xuống cánh đồng và trở thành bậc tôn kính Tara. Người cũng tuyên bố: “Người con của chủng tộc! Khi các người đấu tranh/phấn đấu vì chúng sinh trên vùng đất Tuyết, hãy cầu xin cho dứt sự đau khổ của họ, và ta sẽ đồng hành trong cùng sự nỗ lực này!”. Tara cũng được hấp thu lại vào trong mắt trái của Avalokiteshvara, và được tái sinh vào kiếp sau là công chúa Trung Quốc Kongjo (Công chúa Văn Thành)(10).

Tārā còn được biết đến như đấng cứu rỗi, như một vị thần cõi trời, người nghe thấy tiếng kêu than của những chúng sinh đang trải qua đau đớn/khổ cực trong luân hồi.

3.      Hình tướng

Theo phẩm Cụ duyên trong kinh Đại Nhật 1, tôn vị này là người nữ trung niên, hình tượng màu trắng phớt xanh, thân mặc áo trắng, hai tay chắp cành hoa sen xanh. Nhưng theo Mạn-đồ-la Thai Tạng giới thì hình tượng ngài màu xanh nhạt ngồi bán già trên tòa sen, đầu đội mão kết bằng tóc, trên có hóa Phật, hai tay chắp cành hoa sen xanh, ở bên phải của Đức Bồ-tát Quán Tự Tại, bên trái có một sứ giả.

Trong tranh tượng, Tara thường được biểu thị như một vị Bồ-tát xinh đẹp, đứng trong tư thế nghiêng nghiêng, đong đưa. Điển hình là, tay trái bắt ấn thí nguyện, trong khi tay phải cầm một đóa sen. Phật giáo Tây Tạng có ít nhất năm Tara màu sắc khác nhau – xanh lục, trắng, đỏ, vàng và xanh lam – biểu thị những phương diện khác nhau và tương ứng với Ngũ Thiền Phật. Hai hình tướng phổ biến nhất là Bạch Đa-la và Thanh Đa-la. Bạch Đa-la biểu thị trí tuệ siêu việt và sự tinh khiết, là một trong những hình tướng thanh thoát hơn của vị Bồ-tát này, và thường được trình bày ngồi trong thế liên hoa tọa toàn phần với tay phải bắt ấn thí nguyện, tay trái bắt ấn giáo hóa và cầm một đóa sen. Thanh Đa-la là hình tướng Đa-la sôi động nhất và thường được trình bày ngồi trên một tòa sen trong tư thế liên hoa tọa bán phần, chân phải vươn tới trước tượng trưng tính sẵn sàng hành động cứu khổ phò nguy. Màu xanh lục nơi nàng kết hợp Tara với Phật Bất Không Thành Tựu, vị này được tin là biến đổi chất độc màu xanh lục của lòng ganh tị thành năng lượng tích cực của trí tuệ. Ngài cầm một đóa sen xanh. Trong một số tranh ảnh Tây Tạng, một hình lớn, ở giữa của Thanh Đa-la được vây quanh bởi hàng trăm hình ảnh nhỏ hơn, tượng trưng tính vô sở bất tại hay tính toàn hiện của ngài cùng quyền năng vô hạn cứu độ chúng sinh của vị Bồ-tát này.

Theo phẩm Mật ấn trong kinh Đại Nhật 4, ấn tướng của Bồ-tát này gồm: tay trái (định) và phải (huệ) kiết ấn Nội phược quyền (2 ngón trỏ chập lại dựng đứng như đầu kim, 2 ngón cái duỗi ra đặt lên trên); chân ngôn là “Nam ma tam mạn đa bột đà nẫm, đa rị đa lâu ni, yết rô noa ôn bà phệ, sá ha”.

Qua các bài tán tiếng Phạn như: Tán dương Đa-la Bồ-tát nhất bách bát danh tán (Arya-tara-namastottarasataka-stotra), Cứu độ Phật Mẫu nhị thập nhất lễ tán (Ekavimsati-stotra), Thánh Đa-la trì quan tán (Arya-tara-sragdhara-stotra) v.v… cho thấy Bồ-tát Đa-la là một tín ngưỡng được sùng bái nhất ở Ấn Độ thời đó.

Cho dù Tārā là một nữ thần không xác định rõ nguồn gốc Phật giáo hay Hindu và điều này vẫn là vấn đề còn đang tranh cãi, Mallar Ghosh tin rằng nữ thần có nguồn gốc như một hình thức của nữ thần Durga trong các cổ sự Hindu(11). Ngày nay, nữ thần được thờ cúng trong cả điện thờ Phật giáo và trong Shaktism/giáo phái thờ nữ thần như là một trong mười Mahavidyas (mười khía cạnh của Shakti). Có thể đúng là các nữ thần đã hội nhập vào Phật giáo từ Shaktism (tức sự thờ cúng các nữ thần địa phương hoặc dân gian trước khi được Hindu giáo thể chế hoá đã phát triển vào buổi đầu thời trung cổ xa xưa, chẳng hạn như tại các vương quốc trung cổ Ấn Độ). Có thể bản kinh cổ xưa nhất đề cập đến một vị nữ thần Phật giáo là kinh Bát-nhã (Prajnaparamita Sutra; dịch từ tiếng Sanskrit sang Hán ngữ khoảng thế kỷ II TL), khoảng thời gian mà Đại thừa đã trở thành trường phái tư tưởng chủ đạo trong Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc. Do đó, nó dường như là nguyên lý tính nữ đã tạo nên sự xuất hiện đầu tiên trong Phật giáo một vị nữ thần hiện thân của Bát-nhã ba-la-mật-đa(12) .

Tara được nhìn nhận như một sự biểu lộ lòng từ bi của bậc toàn trí diễn ra sau này, được đề cập trong kinh tạng sớm nhất là Mañjuśrī-mula-kalpa (thế kỷ V-VIII)(13). Hình ảnh sớm nhất và chắc chắn nhất về Tārā hiện nay vẫn còn có thể tìm thấy tại hang thứ 6 trong khu phức hợp tu viện Phật giáo thuộc cụm hang động Ellora ở Maharashtra (khoảng thế kỷ VII TL), và sự thờ phượng ngài được hình thành bởi sự ra đời của đế chế Pala, Đông Ấn Độ (thế kỷ thứ VIII TL)(14)

Tārā trở thành một vị thần Kim Cương thừa rất nổi tiếng với sự khởi lên của Mật tông/Tantra vào thế kỷ VIII dưới thời Pala, và với sự phổ truyền của Phật giáo Ấn Độ đến Tây Tạng thông qua Padmasambhava/Liên Hoa Sinh, theo đó là sự thờ phụng và thực hành Tārā cũng như hợp nhất với Phật giáo Tây Tạng(15). Ngài cuối được coi là “Phật Mẫu”, mà thường đề cập đến trí tuệ giác ngộ của chư Phật, đồng thời lặp lại khái niệm cổ xưa về vị Nữ thần Mẹ ở Ấn Độ.

Đứng độc lập, ngài được xếp loại là một vị thần, một vị Phật, hay Bồ-tát. Tārā vẫn còn rất phổ biến ở Tây Tạng (và các cộng đồng Tây Tạng lưu vong ở miền Bắc Ấn Độ), Mông Cổ, Nepal, Bhutan, và được thờ cúng trong phần lớn các cộng đồng Phật giáo khắp thế giới (xem là Quan Âm, mặt nữ tính của Quán Thế Âm Bồ-tát/Avalokitesvara trong Phật giáo Trung Quốc).

III. Xuất xứ như một vị Bồ-tát Phật giáo 

Có nhiều câu chuyện kể giải thích nguồn gốc Tārā như một vị Bồ-tát.

Trong câu chuyện này, đó là một nàng công chúa trẻ sống trong một thế giới khác, hàng triệu năm về trước, tên là Yeshe Dawa, có nghĩa là “mặt trăng của nhận thức nguyên thủy”. Vì đã cúng dường cho Đức Phật của thế giới đó, tên là Tonyo Drupa, cô nhận được sự truyền dạy đặc biệt từ ngài về Bồ-đề tâm - tâm của một Bồ-tát. Sau đó, một số chư Tăng đã đến và ám chỉ về mức độ thụ đắc của cô. Cô nên tiếp tục cầu nguyện tinh tấn hơn nữa để được tái sinh thành một nam giới. Vào thời điểm đó, cô cho chư Tăng biết rằng không có điều gì chắc chắn trong quan điểm về sự giác ngộ, nó chỉ là “những suy nghĩ trần tục yếu ớt”, họ xem giới tính là rào cản để đạt được sự giác ngộ. Cô buồn bã nhận thấy rằng có rất ít người muốn làm việc lợi lạc cho chúng sinh khi người ấy thuộc hình thức nữ giới. Do đó, cô luôn quyết tâm được tái sinh như một nữ Bồ-tát, mãi cho đến khi luân hồi không còn nữa. Sau đó cô ngự ở cung điện ở trạng thái thiền định trong khoảng mười triệu năm, và quyền năng của sự thực hành thiền định này đã giải thoát cho hàng chục triệu chúng sinh khỏi khổ đau. Kết quả, Tonyo Drupa đã nói từ nay trở đi cô sẽ biểu thị cho Bồ-đề tối thượng và là nữ thần Tārā trong nhiều kiếp đời sắp tới.

Với câu chuyện này, điều thú vị là khi để bên cạnh với trích dẫn từ Đức Dalai Lama về Tārā, phát biểu tại hội thảo về Hành động bi mẫn ở Newport Beach, CA vào năm 1989: “Thật sự đó là sự chuyển biến về thuyết nam nữ bình quyền trong Phật giáo liên quan đến nữ thần Tara. Tara tu dưỡng tâm giác ngộ/Bồ-đề tâm, tu tập tinh tấn để trở thành Bồ-tát. Thần nhìn vào vị trí đó để phấn đấu đạt đến sự nhận thức hoàn toàn và Tara cảm thấy rằng có quá ít người nữ đạt được Phật quả. Vì thế, ngài đã thề nguyện: Tôi đã tu tập tinh tấn Bồ-đề tâm như một người phụ nữ. Trong suốt quãng đời còn lại, tôi nguyện được tái sinh ra như một người phụ nữ, và trong kiếp đời cuối cùng khi tôi đạt đến Phật quả, thì tôi cũng sẽ là một người phụ nữ”.

Tara, sau đó, quan niệm về những hóa thân của bà chắc chắn hấp dẫn đối với tín đồ nữ, và sự xuất hiện như một Bồ-tát của Tara có thể được xem như là một phần của Phật giáo Đại thừa đã vươn tới người nữ và trở nên toàn diện hơn, thậm chí ngay cả trong thế kỷ VI ở Ấn Độ.

1. Các biểu tượng và những liên kết

Tên gọi Tara có nghĩa là “ngôi sao” hay “hành tinh” và vì thế Tara có liên kết với hàng hải và du hành cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như linh hồn vượt qua “bên kia” của đại dương của sự tồn tại (sự giác ngộ). Do đó Tara được biết đến theo nghĩa đen là “người cứu vớt” ở Tây Tạng. Trong 108 danh xưng của Tara linh thiêng, Tara là “Người dẫn dắt các đoàn lữ hành/thương buôn/hành hương…, những người dẫn đường cho những người đã lạc “nó” và bà được đặt tên là Dhruva, tên tiếng Phạn cho ngôi sao phương Bắc.

Theo Miranda Shaw, “Chức năng làm mẹ là trọng tâm trong quan niệm về Tara”(19). Danh hiệu của Tara bao gồm “người mẹ yêu thương”, “người mẹ tối cao”, “mẹ thế giới”, “người mẹ vũ trụ/vạn vật” và “mẹ của tất cả các vị Phật”.

Bà phần lớn thường được thể hiện với hoa sen màu xanh dương hoặc hoa sen đêm (utpala). Nó tỏa hương thơm ngát khi mặt trăng xuất hiện và do đó Tara cũng gắn liền với mặt trăng và đêm.

Tara cũng là một nữ thần rừng rậm, đặc biệt là dưới hình thức Khadiravani (người sinh sống trong khu rừng Khadira) và thường được nối kết với đời sống thực vật, hoa, cây keo (khadira) và gió. Bởi vì sự liên kết với thiên nhiên và thực vật, Tara còn được biết đến như vị nữ thần chữa bệnh/chữa lành vết thương (đặc biệt là Tara Trắng) và vị nữ thần nuôi dưỡng phẩm chất/tài năng và sự màu mỡ/phì nhiêu(22). Vùng đất thanh khiết của bà ở núi Potala được miêu tả là “Bao bọc bởi nhiều loại cây cối và dây leo, vang rền với âm thanh của nhiều loài chim, với tiếng róc rách của những thác nước, đám đông những con thú hoang dã thuộc nhiều chủng loại; nhiều giống hoa phát triển khắp nơi”(16). Bà nối kết với nguyên tố gió (vaayu) cũng có nghĩa rằng bà nhanh chóng đáp lại những lời khẩn cầu sự giúp đỡ.

Ngày nay, Tara Xanh và Tara Trắng có lẽ là những đại diện phổ biến nhất cho Tara. Tara xanh lá cây (Khadiravani) thường gắn liền với việc bảo vệ khỏi những sợ hãi và tám điều theo đó bị che khuất: sư tử (= sự kiêu hãnh), voi hoang dã (= ảo giác/ngu dốt), lửa (= căm ghét/hận thù và giận giữ), rắn (= ghen tuông), kẻ cướp và kẻ trộm (= quan điểm sai lầm, bao gồm cả quan điểm cuồng tín), cảnh tù tội/nô lệ (= tham lam và keo kiệt), lũ lụt (= ham muốn và quyến luyến), yêu ma và ma quỷ (= nghi ngờ, dối gạt). Là một trong ba vị thần trường thọ, Tara trắng (Saraswati) có liên quan đến sự trường thọ. Tara trắng chống lại bệnh tật và do đó giúp mang lại một tuổi thọ lâu dài. Thần hiện thân như là động lực thúc đẩy sự từ bi và được cho là trắng và sáng rực như mặt trăng.

2. Tārā là một đấng cứu độ

Tārā cũng thể hiện nhiều phẩm chất của yếu tố tính nữ. Bà được biết đến như là Người Mẹ nhân từ và trắc ẩn. Bà là nguồn cội, khía cạnh nữ giới của vũ trụ/vạn vật, cho sự chào đời/sinh ra sự ấm áp, từ bi và giải thoát khỏi nghiệp chướng như trải nghiệm của những chúng sinh thông thường trong chu kỳ cuộc sống. Bà sinh ra, nuôi dưỡng, mỉm cười với sức sống của sự sáng tạo, và thông cảm cho tất cả chúng sinh như một bà mẹ làm vì con cái của mình. Là Tara Xanh lục, bà xuất hiện để cứu giúp và bảo vệ khỏi tất cả những trường hợp rủi ro có thể gặp trong thế giới luân hồi. Trong khi Tara Trắng, ngài thể hiện lòng từ bi của người mẹ và xuất hiện để chữa bệnh cho chúng sinh, những người bị tổn thương hoặc thương tật, cả tinh thần lẫn tâm linh. Là Tara Đỏ, ngài dạy để nhận thức đúng đắn/sáng suốt về các hiện tượng được tạo ra, làm thế nào để biến ham muốn sống thành lòng từ bi/trắc ẩn và tình yêu thương. Là Tārā Xanh dương (ekajati), ngài trở thành một người bảo vệ trong dòng truyền thừa Nyingma, người biểu lộ một năng lượng nữ dữ tợn và giận dữ, cầu khấn hủy hoại tất cả mọi chướng ngại của pháp và sinh ra sự may mắn và nhanh chóng thức tỉnh linh hồn(17).

Trong Phật giáo Tây Tạng, bà có 21 hình thức chính, tất cả đều gắn liền với một màu sắc và năng lực nhất định. Và mỗi hình thức có một số thuộc tính nữ, mang lại lợi ích tối hậu cho khát vọng tinh thần của người thỉnh cầu sự giúp đỡ của Tara.

Một đặc tính nữ khác được Tara chia sẻ với những dakini là sự vui tươi. Như John Blofeld phát triển trong Bodhisattva of Compassion (Bồ-tát của lòng từ bi)(18), Tārā thường được miêu tả như một cô gái trẻ mười sáu tuổi. Tara thường thể hiện trong cuộc sống của các tín đồ Phật giáo khi họ đánh mất bản thân, hay tâm hồn bị lạc hướng nghiêm trọng. Trong những chuyện kể Tây Tạng, khi Tara cười nhạo sự tự cho là đúng đắn, hoặc tinh nghịch/chơi khăm những kẻ thiếu sự kính trọng nữ giới. Trong Magic Dance: The Display of the Self-Nature of the Five Wisdom Dakinis (Vũ điệu ma thuật: Sự biểu thị về bản chất tự nhiên của Năm Dakini trí tuệ)(19), Thinley Norbu khám phá đó là “trò đùa trí tuệ”. Ứng dụng cho Tārā có thể nói rằng trí tuệ vui tươi của Tara có thể làm khuây khỏa tâm trí thường ngày khi trở nên xơ cứng nghiêm trọng hoặc bị câu thúc bởi trí phân biệt. Tara lấy sự thích thú/khoái cảm trong tâm trí rộng mở và sau đó một trái tim tiếp nhận/lĩnh hội. Vì trong sự cởi mở và tiếp thu những phước lành từ Tara, có thể tự nhiên mở ra và các năng lượng ấy để thúc đẩy sự phát triển tinh thần.

Những phẩm chất của nguyên lý nữ tính này sau đó đã biểu hiện trong Phật giáo Đại thừa Ấn Độ và Kim Cương thừa  của Tây Tạng, ở nhiều hình thức Tārā, như dakini, Prajnaparamita, các nữ thần địa phương và những nữ thần chuyên biệt khác. Khi việc thờ phượng Tārā phát triển, nhiều kinh cầu nguyện, tụng ca và thần chú được nối kết với Tara. Những điều này xuất phát từ nhu cầu sùng kính, và nguồn cảm hứng khiến các bậc thầy tâm linh sáng tác và ghi chép lại các sadhana/thành tựu pháp, hoặc những cách tu tập thiền định Mật tông. Hai cách tiếp cận Tara bắt đầu xuất hiện. Trong một cộng đồng dân gian và các tín đồ thế tục, đơn giản là trực tiếp cầu khẩn nữ thần xoa dịu bớt những nhọc nhằn của cuộc sống thế gian. Hai là, Tara trở thành một vị thần Mật tông mà tín đồ thực hành sẽ được các tu sĩ hoặc người theo thuyết Du-già Mật tông hướng dẫn để phát triển những phẩm chất của Tara trong chính bản thân họ, cuối cùng dẫn dắt thông qua Tara để đến các nguồn cội phẩm chất của thần, đó là giác ngộ, giác ngộ lòng từ bi và giác ngộ tâm trí.

3. Tārā như một vị thần Mật tông

Tārā như là một vị thần trọng tâm của thuyết Du-già Mật Tông. Điều này có thể được truy nguyên từ thời kỳ của Padmasambhava. Việc thực hành Tara Đỏ do Padmasambhava trao cho Yeshe Tsogyal. Ông đã thỉnh cầu thần cất giấu nó như một kho báu. Cho đến thế kỷ XX, vị Nyingma Lama vĩ đại, Apong Terton mới tái khám phá ra nó. Người ta cho rằng vị Lạt Ma này đã được tái sinh như Đức Thánh vương Sakya Trizin, người đứng đầu phái Sakyapa. Một vị Tăng biết được Apong Terton đã thành công trong việc truyền lại nó cho HH Sakya Trizin, và một vị Tăng tương tự cũng đã trao nó cho Chagdud Tulku Rinpoche, người đã mở nó ra cho các môn đồ phương Tây của mình.

Martin Willson trong In Praise of Tārā  (Về tán tụng Tārā)(20) đã truy nguyên nhiều dòng truyền thừa khác nhau về Tara thành tựu pháp, đó là những kinh tạng về Tārā được sử dụng như sadhana/thành tựu pháp Mật tông. Ví dụ, một Tārā sadhana đã được tiết lộ cho Tilopa (988-1069), cha của người con Karma Kagyu. Atisa, nhà biên dịch và sáng lập vĩ đại trường phái Kadampa của Phật giáo Tây Tạng, là một người sùng kính Tārā. Ngài đã sáng tác một bài tán tụng Tara và ba Tārā sadhana/thành tựu pháp. Tác phẩm của Martin Willson cũng chứa đựng các biểu đồ cho thấy nguồn gốc của các tantra về Tara trong các dòng truyền thừa khác nhau, nhưng đủ để nói rằng việc Tārā thực hành tantric nhanh chóng lan rộng từ khoảng thế kỷ VII TL trở đi, và vẫn là một phần quan trọng của Phật giáo Kim Cương thừa cho đến ngày nay.

Bản thân các thực hành này thường biểu thị Tārā như một vị thần cai quản/giám hộ (thug dam, yidam) mà các tín đồ nhìn nhận như là một khía cạnh tiềm ẩn trong tâm trí của một con người, hoặc là một biểu hiện dưới hình thức hữu hình về phẩm chất xuất phát từ Đức Phật Jnana. Như John Blofeld đã nói trong The Tantric Mysticism of Tibet (Mật điển thành tựu pháp của Tây Tạng):

Công năng của Yidam là một trong những bí ẩn sâu xa của Kim Cương thừa... Đặc biệt là trong những năm đầu tiên thực hành, Yidam có tầm quan trọng to lớn. Yidam dịch sang Tây Tạng từ chữ Phạn “Iṣṭadeva” - vị gia thần; nhưng, khi mà người Hindu chiếm lấy Iṣṭadeva để thành một vị thần thực sự đã được mời đến để trú ngụ trong trái tim của người sùng kính, thì những Yidam của Phật giáo Mật tông thực ra là những sự bắt nguồn về sự lão luyện/tinh thông trong tâm trí người sở đắc. Ở một mức độ nào đó, chúng dường như thuộc về trật tự đó của các hiện tượng mà theo thuật ngữ của Jung được gọi là những nguyên mẫu và như vậy đó là tài sản chung của toàn thể nhân loại(21)

 4. Các hình thức

Trong Phật giáo Tây Tạng, có 21 vị Độ Mẫu lưu xuất từ Tara*. Lục Độ Mẫu là vị chủ tôn của 21 Độ Mẫu, tổng trì tất cả công đức của hóa thân 20 vị còn lại. Các vị còn lại đều có danh hiệu, hình tượng, pháp khí khác nhau.

Có tín niệm cho rằng Độ Mẫu là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm, là Phật Mẫu của bộ Quán Âm, Mật tông, còn gọi là Bồ-tát Thánh Đa La, Lục Độ Mẫu, Cứu Độ Mẫu và Thánh Cứu Độ Mẫu. Cho nên 21 Độ Mẫu đều là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm.

21 Độ Mẫu, là một hội thần nữ giải thoát và cứu độ chúng sinh khỏi khổ nạn, đồng thời cũng là các bản tôn nữ được các tông phái Phật giáo Tạng truyền sùng bái, thờ phụng. 21 vị Độ Mẫu trong khu vực dân tộc Tạng được số lượng lớn tín đồ và bách tính khắp nơi sùng bái, có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn.

Độ Mẫu có 6 loại màu sắc khác nhau là trắng, đỏ, xanh lam, vàng, xanh lục, đen. Màu trắng biểu thị thân, màu đỏ biểu thị ngữ, màu xanh lam biểu thị ý, màu vàng biểu thị công đức, màu xanh lục biểu thị sự nghiệp của Độ Mẫu.

Dân tộc Tạng cho rằng, 21 Độ Mẫu có thể cứu độ con người thoát khỏi 8 loại tai nạn và sợ hãi là sư tử, voi, rắn độc, kẻ địch, trộm cướp, gông cùm, hỏa hoạn, lũ lụt; 16 loại tai nạn sợ hãi là địch hoạ, sư tử, voi, hỏa hoạn, rắn độc, trộm cướp, lao ngục, sóng biển hoặc nước lũ, loài ăn thịt hoặc phi nhân, bệnh phong, tử thần, nghèo khổ, xa cách người thân, bị quốc vương trị tội, sét đánh, công việc thất bại; ngoài ra còn có thể gia tăng duyên phận, phúc thọ, có lợi ích rất to lớn đối với chúng sinh hữu tình, được tôn là đấng chuyên trách cứu độ tất cả chúng sinh.

Có rất nhiều hình thức của Tārā, đó là những danh sách phổ biến khác biệt với 21 xuất thân khác nhau của Tārā. Tārā Xanh (śyāmatārā), gắn kết với sự an lạc và hoạt động khai ngộ, là miêu tả quan trọng nhất và là khía cạnh trọng tâm của Tārā, từ đó lưu xuất nên những hình thức khác như 21 xuất thân Tārā. Trong hình dạng Xanh lục, Tara thường được gọi là Khadiravaṇi-Tārā (Tārā của rừng cây keo), người đã xuất hiện hộ trì Nagarjuna trong khu rừng Khadiravani Nam Ấn và bảo vệ khỏi tám nỗi sợ hãi lớn. Thần thường đi kèm với hai người hầu là Mārīcī và Ekajaṭā. Dharmachari Purna viết về các hình thức khác nhau của Tara như sau:

Tārā là danh xưng trên thực tế của toàn thể các vị thần. Tara xuất hiện trong cả năm màu của Jina/người chiến thắng tinh thần (người đã đạt được sự toàn tri và sau đó dạy cho người khác con đường giải thoát). Có ít nhất 10 hình thức màu xanh lục, bảy hình thức màu trắng, năm dạng thức màu vàng, hai hình thức màu xanh dương và một dạng thức màu đỏ. Theo Sarvajñitra, về dạng thức của Tara: “Nó là một dạng thức phổ quát, đa dạng như tinh thể, vì nó thay đổi theo hoàn cảnh”. Tara có cả hai hình tướng an tĩnh và phẫn nộ. Hình tượng của thần được thể hiện trong hầu hết các tư thế từ đứng đến ngồi, trên cả tòa hoa sen, nửa tòa sen, một chân duỗi, và cả hai chân duỗi. Nhìn từ bên ngoài đó cũng là Tara ngồi dựa. Thân có hình thức hai tay, bốn tay, tám tay, mười hai tay, và Getty thậm chí đề cập đến một bức tranh Tây Tạng thể hiện Tārā đứng với “nghìn đầu và nghìn tay”. Ghosh liệt kê 76 hình thức Tara khác nhau, và truyền thống cho chúng ta biết rằng có 108 danh xưng dành cho thần(22).

Theo Sarvajnamitra, Tara có một “hình thức phổ quát/chung” (visva-rupa), bao gồm tất cả chúng sinh và vị thần, thay đổi theo nhu cầu của mỗi chúng sinh.

Các hình thức khác của Tārā bao gồm:

- Tara trắng, (Sitatārā) với hai tay ngồi trên hoa sen trắng và cùng những con mắt trên bàn tay và bàn chân thần, cũng như một con mắt thứ ba trên trán thần (vì vậy thần còn được gọi là “Bảy mắt”). Vị Tara này được biết đến vì lòng từ bi, trường thọ, chữa lành bệnh tật và sự thanh thản. Cũng như được biết đến là Bánh xe hoàn nguyện, hoặc Cintachakra.

- Pravīratārā, “Tārā mau chóng và anh hùng”, một dạng thức màu đỏ với tám tay nắm giữ những chiếc linh và kim cương chử, cung và mũi tên, bánh xe, ốc xà cừ, kiếm và thòng lọng.

- Kurukullā (Rikchema) có màu đỏ và phẫn nộ tướng kết nối với việc thu hút mọi điều tốt đẹp.

- Tara đen (Ugra Tārā), nối kết với quyền lực.

- Nhiều loại dạng thức Tara vàng hoặc Tara vàng kim, đôi khi được kết nối với sự thịnh vượng và giàu có bao gồm “Tara Cintamani vàng” (“Tara ngọc như ý”) nắm giữ một viên ngọc quý, tám tay, “Tārā kim cương chử” và “Rajasri Tārā” vàng kim nắm giữ hoa sen xanh. 

- Tārā xanh dương (Ekajati), phẫn nộ với nhiều đầu và tay, nối kết với sự chuyển hóa của giận dữ.

- Cintāmaṇi Tārā, một hình thức Tārā được thực hành rộng rãi ở cấp độ du già mật tông cao nhất trong tông phái Gelug của Phật giáo Tây Tạng, được miêu tả màu xanh lá cây và thường kết hợp với Tārā xanh lục.

- Sarasvati (Yangchenma), được biết đến là đấng chủ quản nghệ thuật, kiến ​​thức và trí tuệ.

- Bhṛkuṭītārā (Tronyer Chendze), “Tārā khắc nghiệt”, được biết đến vì sự bảo vệ khỏi những quỷ thần.

- Uṣṇīṣavijaya Tārā, Tārā trắng có tên gọi “Uṣṇīṣa chiến thắng/khải hoàn” với ba mặt và mười hai tay, nối kết với trường thọ.

- Prasanna Tara vàng kim – phẫn nộ tướng, với chiếc chuỗi đầu người đầy máu và mười sáu tay cầm một loạt các vũ khí và những thuộc tính mật tích.

- Eshe Tsogyal (Vị nữ hoàng ao hồ khôn ngoan), người phối ngẫu của Padmasambhava, người đưa Phật giáo đến Tây Tạng, được biết đến như là một xuất thân của Tārā.

- Rigjay Lhamo, “Vị nữ thần người mang đến khả năng tiền tỉnh thức đó”, ngồi trong tư thế vương nhàn được bao quanh bởi tia sáng cầu vồng.

- Sitatapatra Tārā, người bảo vệ chống lại những thảm họa siêu nhiên.

Sự mô tả bằng tranh tượng về Tara như hoa sen cũng tương đồng với Laksmi, và ít nhất có một nghi thức tế lễ Tây Tạng khẩn cầu Laksmi như Tara. Theo Miranda Shaw, có một xu hướng về thần học Tara đã bắt đầu: coi tất cả các vị thần nữ khác như là các mặt/khía cạnh của Tara hay ít nhất liên quan đến thần. Ngoài các xuất thân của thần có tên là Tara với màu sắc khác nhau, các nữ thần Đại Thừa khác đã trở thành một phần của thần học Tara bao gồm Janguli, Parnasavari,Cunda, Kurukulla, Mahamayuri, Usnisavijaya, và Marici. Dựa vào nguyên lý coi Tara là thần tính nữ trung tâm, Dakini/Không hành nữ cũng được xem như là xuất thân của thần(23)

Tuy tổng số là 21 (hay nhiều hơn) hóa thân, song trong Phật giáo Mật tông, phổ biến là các Tara tiêu biểu: Lục Độ Mẫu, Bạch Độ Mẫu, Tăng Phúc Huệ Độ Mẫu, Bảo Nguyên Độ Mẫu, Như Ý Độ Mẫu(24).

Lục Độ Mẫu là một vị nữ thần xinh đẹp, tương truyền do nước mắt của Quan Thế Âm Bồ-tát hóa ra, những người tu hành là nữ trong Phật giáo Tây Tạng thường coi bà là Bản tôn tu hành. Bà có thể phù hộ những người tu hành trừ mọi khổ nạn, một đời bình yên, may mắn, phú quý trường thọ.

Lục Độ Mẫu Bồ-tát là chủ tôn trong số 21 Độ Mẫu, có thể thu hút tất cả công đức của hóa thân 20 vị còn lại, tâm chú của Bản tôn có đủ tất cả công đức tức, tăng, hoài, tru, tiêu trừ tất cả phiền não và thống khổ của chúng sinh, thỏa mãn tất cả sự cầu nguyện của chúng sinh, hiện thế phú quý trường thọ, bình an, may mắn, trừ bỏ mọi nỗi khổ bệnh tật, ma nghiệp, chướng ngại, giúp chúng sinh thoát khỏi biển khổ, cuối đời được vãng sinh về thế giới Cực Lạc, giành được sự yên vui cuối cùng, do cứu độ nhanh chóng, phá bỏ ma nghiệp một cách dũng cảm, nên còn được gọi là “Cứu Độ Tốc Dũng mẫu”.

Bạch Độ Mẫu (Sita-tarva), còn gọi là Tăng Thọ Cứu Độ Phật Mẫu, là hiển hiện của lòng từ bi Quán Âm, là 1 trong 21 hóa thân của Thánh Cứu Độ Mẫu (Lục Độ Mẫu – Tara xanh lục). Ở Tây Tạng, Lục Độ Mẫu và Bạch Độ Mẫu được lưu truyền rộng rãi nhất trong 21 Độ Mẫu.

Tu trì phép Bạch Độ Mẫu có thể gia tăng tuổi thọ và phúc tuệ, đoạn trừ cội rễ sinh tử luân hồi, miễn trừ tất cả ma chướng, dịch bệnh, khổ cực tất cả những điều cầu nguyện không gì là không như ý.

Tăng Phúc Huệ Độ Mẫu là một trong 21 vị Độ Mẫu, với thân hình màu vàng, tướng mạo uy nghiêm, tay phải cầm ngọc như ý, tay trái cầm móc câu cán ngọc, mình đeo nhiều chuỗi châu báu, khoác dải áo trời tung bay mềm mại.

Nếu thành tâm tu luyện theo giáo pháp của Tăng Phúc Huệ Độ Mẫu, tụng niệm tâm chú của Độ Mẫu, sẽ nhận được sự gia trì thù thắng của Bản tôn, tăng gia nguồn của cải, uy quyền, phúc đức, trí tuệ, năng lực thần thông của bản thân, trở nên giàu có cát tường, sống sung túc tự tại, muôn sự như ý. Độ Mẫu sẽ mãn nguyện có các ước vọng về giàu sang và quyền lực.

Bảo Nguyên Độ Mẫu (Vasudhara Tara) là một trong số hai mươi mốt Độ Mẫu, cũng là một hóa thân của Quan Thế Âm Bồ-tát. Độ Mẫu từng phát đại nguyện cứu trợ chúng sinh thoát khỏi nghèo khổ, có được cuộc sống giàu sang an lạc với của cải dồi dào, để an tâm tu trì Phật pháp, nên có tên gọi là Bảo Nguyên Độ Mẫu. Bảo Nguyên (nguồn của của cải châu báu) tức chỉ phúc báo, giàu sang, sung túc. Nếu thành tâm tụng niệm tâm chú của Bảo Nguyên Độ Mẫu sẽ nhận được sự cảm ứng thù thắng,

Như ý Độ Mẫu là một trong hai mươi mốt vị Độ Mẫu, với thân mình màu vàng úa/vàng xanh, tay phải bắt ấn vô úy, tay trái cầm hoa/trên hoa có kết như ý. Trên đóa hoa có nút thắt như ý, mình khoác áo trời, đầu đội mũ năm Phật, an tọa trên tòa sen. Trong Mật tông Tây Tạng, Như Ý Độ Mẫu được suy tôn làm vị Bản tôn tài bảo: bảo hộ tiền tài, bố thí nguồn tiền của vô tận cho chúng sinh. Tín đồ nếu thành tâm tu trì tụng niệm thần chú Như Ý Độ Mẫu, cũng như đã có được viên ngọc như ý, sẽ cầu được ước thấy, muôn việc như ý.

IV. Những thành tựu pháp của Tara

Nền tảng cốt lõi của các tín niệm Tara là Sadhana/những thành tựu pháp, trong đó Tārā là Yidam (vị thần thiền định) có phạm vi rộng hoặc vắn tắt. Hầu hết tất cả chúng đều bao gồm một vài tán tụng dạo đầu hay sự tôn vinh để cầu khẩn sự hiện diện của thần và nơi nương tựa của những người khẩn cầu. Sau đó, câu thần chú cầu thần được tụng niệm, đi cùng sự mường tượng về thần, có lẽ hơn cả thần chú, sau đó sự mường tượng tan biến, cùng với sự cống hiến công đức từ thực hành. Thêm vào đó có thể có thêm nhiều nguyện vọng được cầu nguyện, và việc cầu nguyện trường thọ cho Lama, người đã khởi đầu việc thực hành. Nhiều thành tựu pháp của Tārā được xem là những thực hành bắt đầu trong thế giới Phật giáo Kim Cương thừa, tuy nhiên những gì diễn ra trong quá trình hình dung hóa về thần thực sự viện dẫn một số Phật pháp cao siêu.

Trong trường hợp này, suốt giai đoạn tạo thành Tārā như là một Yidam, thần được coi là có nhiều thực tại như bất kỳ hiện tượng khác được giữ trong tâm trí. Bằng cách niệm thần chú và hình dung hình dạng của thần phía trước mặt, hoặc trên đầu của các bậc thầy, để mở rộng năng lượng từ bi và thông thái của thần. Sau một khoảng thời gian, tín đồ chia sẻ những phẩm chất đó, trở nên thấm đẫm bản thân và tất cả những gì nó biểu trưng. Đồng thời, tất cả những điều này được xem như xuất phát từ tánh Không và có đặc tính trong mờ như cầu vồng. Sau đó, nhiều lần hình dung hình ảnh của chính mình như Tārā, một người đồng thời trở nên không thể tách rời từ tất cả những phẩm chất tốt đẹp của thần khi đồng thời nhận ra sự trống rỗng của việc hình dung về bản thân mình như Yidam và cũng là sự trống rỗng của bản thân những cái bình thường của con người.

Điều này xảy ra trong giai đoạn hoàn thành việc tu tập. Khi làm cho biến mất hình thức một vị thần đã tạo nên và đồng thời cũng nhận ra cái mà chúng ta gọi là “bản ngã” là sự sáng tạo của tâm và không tồn tại cố hữu lâu dài. Phần này của thực hành sau đó được chuẩn bị cho các tín đồ có thể đương đầu với sự tan biến của chính mình khi chết và cuối cùng có thể tiếp cận xuyên qua các giai đoạn thiền định khác nhau về tánh Không, hiểu rõ chân lý Tối thượng như là một sự hiển thị bao quát của tánh Không và sự tỏ ngộ. Đồng thời việc tụng niệm thần chú đã được viện dẫn năng lượng của Tārā thông qua các âm tiết hạt tiếng Phạn và việc làm thanh khiết và kích hoạt các trung tâm tâm linh nhất định của cơ thể (chakra/luân xa). Điều này cũng gỡ rối các nút thắt năng lượng tâm linh đã gây trở ngại cho người thực hành từ phát triển một thể xác Kim Cang thừa, là điều cần thiết để có thể tiến tới các thực hành tiến bộ hơn và các giai đoạn sâu xa hơn của việc tu tập.

Do đó, ngay cả trong một thành tựu pháp/sadhana Tārā đơn giản, có những sự kiện thừa thãi của bên ngoài, bên trong. Những sự kiện bí mật đang diễn ra và hiện nay có nhiều tác phẩm như Deity Yoga(25), do Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại biên soạn, khám phá tất cả sự phân nhánh của sự việc đối với một Yidam trong thực hành Mật tông/Tantric.

Kết quả cuối cùng của việc thực hành Tara này rất nhiều. Có một điều là nó làm giảm sức mạnh của vọng tưởng bằng các hình thức phủ định nghiệp, bệnh tật, phiền não/klesha của năm độc, những chướng ngại và vô minh.

Thần chú giúp sinh ra Bồ-đề tâm trong tim người thực hành và thanh lọc các kênh tâm linh (nadi/năng lượng vũ trụ) trong cơ thể để cho phép một biểu hiện tự nhiên hơn của sự hào phóng và lòng từ bi chảy đi từ trung tâm con tim. Qua trải nghiệm hình tướng hoàn hảo của Tara, người ta thừa nhận hình tướng hoàn hảo của chính mình, đó là bản chất nội tại của Phật tính tự nhiên, thường được bao phủ bởi những chướng ngại và thủ chấp những hiện tượng nhị nguyên là thực tại vốn có và trường tồn.

Thực hành sau đó đã tách rời một sự hiểu biết thô thiển về Thực tại, cho phép chúng sinh chạm vào những phẩm chất bên trong tương tự như một vị Bồ-tát, và chuẩn bị nội tâm của chúng sinh để nắm lấy những năng lượng tinh thần tốt hơn, có thể dẫn đến những nhận thức sâu sắc và tinh tế về tánh Không của hiện tượng và bản ngã.

Như Chagdud Tulku Rinpoche, trong Introduction to the Red Tārā Sadhana (Giới thiệu về thành tựu pháp Tara đỏ)(26), ghi chú về dòng dõi của ông: “Tārā là biểu hiện hoàn hảo của sự không thể tách rời của tánh Không, tánh giác và từ bi. Ví dụ như bạn dùng gương để nhìn thấy khuôn mặt của mình, Tārā thiền định là một phương tiện nhìn thấy khuôn mặt chân thật của tâm trí bạn, không có bất kỳ dấu vết ảo tưởng nào”.

Một số chuẩn bị được thực hiện trước khi thực hành thành tựu pháp/Sadhana đúng đắn. Tín đồ phải có sự chuẩn bị và sắp xếp đúng. Sự chuẩn bị có thể được nhóm lại như “bên trong” và “bên ngoài”. Cả hai đều là cần thiết để đạt sự tập trung được yêu cầu.

Sự chuẩn bị có hai loại: bên ngoài và bên trong. Sự chuẩn bị bên ngoài bao gồm lau dọn phòng thiền, dựng lên một ngôi đền với những hình ảnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tara Xanh lục, và sắp xếp các cúng phẩm đẹp đẽ. Chúng ta có thể sử dụng nước để biểu trưng cho rượu tiên/mật hoa để uống, nước để rửa chân, và nước thơm. Đối với các vật phẩm dâng cúng còn lại - hoa, nhang, đèn, và thực phẩm chay tịnh - nếu có thể, chúng ta nên sắp đặt các vật phẩm trang nhiêm. Cũng như những sự chuẩn bị bên trong, chúng ta nên cố gắng nâng cao lòng bi mẫn, Bồ-đề tâm, và quan điểm đúng đắn về tánh Không thông qua việc thực hành theo các giai đoạn của con đường, và để nhận được sự trao quyền bí truyền của Tara Xanh lục. Có thể tham gia vào nhóm puja/cầu nguyện nếu chúng ta chưa nhận được sự trao quyền, nhưng để đạt được kinh nghiệm sâu sắc về pháp thực hành này, chúng ta cần nhận được sự trao quyền. Sự chuẩn bị bên trong chính là để phát ra và tăng cường niềm tin vào Arya Tara, sự tôn kính đến thần cũng như tổ hợp các Guru, Yidam và Đức Phật(27).

HUỲNH THANH BÌNH

Chú thích:

(1)       David Gordon White (1613-1615). The Alchemical Body: Siddha Traditions in Medieval India, Đại học Chicago xb, lưu ý rằng:

Địa điểm ven biển này nhắc nhở chúng ta về những gì có thể là vai trò ban đầu của Tārā: Vị nữ thần của hàng hải, của vượt biển - Tārā được tạo ra từ động từ tṛ, để vượt qua biển”.

(2)       Xem thêm:

-        Banerjee, Sumanta (2002). Logic in a Popular Form: Essays on Popular Religion in Bengal, Seagull Books. 

-        Kinsley, David R. (1988). Hindu Goddesses:Visions of the Divine Feminine in the Hindu Religious Tradition, Đại học California xb.

-        Kinsley, David R. (1997). Tantric Visions of the Divine Feminine: The Ten Mahāvidyās, Motilal Banarsidass. 

-        MacDaniel, June (2004).  Offering Flowers, Feeding Skulls: Popular Goddess Worship in West Bengal, Đại học Oxford xb. 

-        MacDaniel, June (1989). The Madness of the Saints: Ecstatic Religion in Bengal, Đại học Chicago xb.

-        Shankaranarayanan, Sri (1972). The Ten Great Cosmic Powers, Dipti xb.

-        Svoboda, Robert E. Aghora: at the Left Hand of God.

-        Svoboda, Robert E. Aghora II: Kundalini. 

-        Svoboda, Robert E. Aghora III: The Law of Karma. 

(3)       Pravrajika Vedantaprana, Saptahik Bartaman, tập 28, số 23, Bartaman Private Ltd (10/10/2015), tr.18.

(4)       S̄udhakar Chattopadhyaya (1990). Reflections on the Tantras, Motilal Banarsidass, tr. 76.

(5)       Radhakamal Mukerjee (1954).The social function of art, Philosophical Library, tr. 151.

(6)       Xem:

-        Buddhist Deities: Bodhisattvas of Compassion (http://www.buddhanet.net/e-learning/history/b_fbodi.htm)

-        Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tr.2005-2006.

-        Thích Minh Tông. Chân ngôn thần chú Mật tông, Nxb. Hồng Đức, tr.164-166.

-        Meher McArthur. Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, tr.60-62.

(7)         Stephen Beyer (1978). The Cult of Tārā: Magic and Ritual in Tibet (Hermeneutics: Studies in the History of Religions), Đại học California xb, tr. 13.

(8)       (9) Meher McArthur. sđd. tr. 60-62.

(10)    Sakyapa Sonam Gyaltsen (1996). The Clear Mirror: A Traditional Account of Tibet's Golden Age, Snow Lion xb, tr. 64–65. 

(11)     Mallar Ghosh (1980). Development of Buddhist Iconography in Eastern India, Munshiram Manoharlal, tr. 17. 

(12)    Stephen Beyer (1978). The Cult of Tārā: Magic and Ritual in Tibet (Hermeneutics: Studies in the History of Religions), Đại học California xb.

(13)    Martin Willson (1992). In Praise of Tārā: Songs to the Saviouress, Wisdom xb, tr. 40. 

(14)     Mallar Ghosh (1980). sđd, tr. 6. 

(15)     Xem:

-        Stephen Beyer (1978). The Cult of Tārā: Magic and Ritual in Tibet, Đại học California xb.

-        Khenchen Palden Sharab; Khenpo Tsewang Dongyal (2007). Tara's Enlightened Activity: Commentary on the Praises to the Twenty-one Taras, Snow Lion xb, tr. 13. 

(16)     Xem:

-        Shaw, Miranda (2016). Buddhist goddesses of India, Đại học Princeton xb, tr. 310, 316-317.

-        Purna, Dharmachari; Tara: Her Origins and Developmenthttp://www.westernbuddhistreview.com/vol2/tara_origins_a_development.html

-        Beer, Robert (2003). The Handbook of Tibetan Buddhist Symbols, Shambhala, tr. 170.

-        Edward Conze (2014). Buddhist Texts Through the Ages, Oneworld Book, tr.196.

(17)    Stephen Beyer (1978). The Cult of Tārā: Magic and Ritual in Tibet, Đại học California xb.

(18)    John Blofeld (2009). Bodhisattva of Compassion: The Mystical Tradition of Kuan Yin, Shambhala xb. 

(19)    Thinley Norbu (1999). Magic Dance: The Display of the Self-Nature of the Five Wisdom Dakinis, Shambhala xb. 

(20)    Martin Willson (1992). In Praise of Tārā: Songs to the Saviouress, Wisdom xb. 

(21)    John Blofeld (1992). The Tantric Mysticism of Tibet: A Practical Guide to the Theory, Purpose, and Techniques of Tantric Meditation, Penguin, tr. 176. 

(22)    Purna, Dharmachari; Tara: Her Origins and Developmenthttp://www.westernbuddhistreview.com/vol2/tara_origins_a_development.html

(23)    Shaw, Miranda (2016). sđd; tr. 332, 333, 339, 341.

(24)    Xem:

-        Thích Minh Tuệ. Thần bản tôn, Nxb. Hồng Đức, tr. 256-263.

-        Vũ Thỏa, Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu (dịch). 1.000 vấn đề Mật Tông, Nxb. Thời Đại, tr. 402.

-        Đại đức Thích Minh Tông. Phương pháp thờ thần tài Mật tông, Nxb. Tôn giáo, 2010, tr. 196-197, tr. 198-199, tr. 200-201.

(25)     Dalai Lama (1987). Deity Yoga: In Action and Performance Tantra, Snow Lion Publications. 

(26)    Chagdud Tulku Rinpoche (1998). Red Tara Commentary: Instructions for the Concise Practice Known as Red Tara—An Open Door to Bliss,Padma xb.

(27)    http://gadenforthewest.org/sadhanas/Concise%20GreenTara06.pdf

Chú thích hình:

T1: Tara trong hình thức của Ugra-Tara (Tara phẫn nộ), thế kỷ 18, Nepal.

T2: Tranh vẽ Tara (Devi), thế kỷ 18.

T3: Tara, hình thức thứ hai của Mahavidyas.

T4: Tara ngồi. Chi tiết từ một tượng Bồ-tát. Phía tây bên trong lối vào tu viện 1, Ratnagiri, Ấn Độ.

T5: Tara ngồi, đồng thau, đồng đỏ và khảm bạc, thế kỷ XII, phong cách Pala, Ấn Độ.

T6: Tara đứng, mạ hợp kim đồng đỏ alloy khảm đá quý và bán đá quý, Nepal, thế kỷ XI-XII century, sưu tập tư nhân.

T7: Tara ngồi, màu nước mờ trên lá cọ, từ một trang của kinh Ashtasahasrika Prajnaparamita/Thiên bách tụng bát-nhã ba-l-mật-đa, thế kỷ XII, Bengal, Ấn Độ.

T8: Shyama Tara (Tara Xanh) với Sita Tara (Tara Trắng) hầu cận và Bhrikuti/Xích Tôn công chúa.

T9: Tara Xanh

T10: Tara như Prajnaparamita, thế kỷ XIII, Java, Indonesia.

T11: Tara Xanh

T12: Tara Trắng

T13: Tara Trắng, mỹ thuật đương đại

T14: Bồ Tát Tara, mạ đồng, thế kỷ VIII, Sri Lanka. Bảo tàng British, Anh

T15: Tara Đỏ, Tây Tạng.

T16: Tara, gốm Biên Hòa, sưu tập: Đỗ Quyên (An Giang).

T17: 21 Tara

T18: Đa La Quan Âm (Độ Mẫu). Nguồn: Thích Minh Tông. Chân ngôn thần chú Mật tông, Nxb. Hồng Đức, tr. 165.

T19: Bồ-tát Đa La (Mạn-đồ-la Thai Tạng giới). Nguồn: Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tr. 2005.

 

 


 

* 21 hóa thân của vị Bồ-tát này có tên gọi không thống nhất, dưới dây xin trích dẫn một trong các danh sách:

1.       Cứu Độ Tốc Dũng Mẫu (Tạng: Sgrol-ma-myur-madpah-mo)

2.       Bách Thu Lãng Nguyệt Mẫu (Tạng: Ston-kahi Zla-ba Kun-tu gsal-brgya)

3.       Tử Ma Kim Sắc Mẫu (Ser-sde-chu)

4.       Như Lai Đảnh Kế Mẫu (De-bshin-gsegs-pahi stsug-tor)

5.       Đát La Hồng Tự Mẫu (Tara hum yi-ge)

6.       Thích Phạn Hỏa Thiên Mẫu (Brgya-byin me-lha tshans-pa)

7.       Đặc Ra Chi Phát Mẫu (Trad-cis-bya-dan-phat)

8.       Đô Lý Đại Khẩn Mẫu (Tu-res hjigs-pa chen-mo)

9.       Tam Bảo Nghiêm Ấn Mẫu (Dkon-mchog- gsum mtshon-phyag-rgya)

10.     Uy Đức Hoan Duyệt Mẫu ( Rab-tu dgah-ba brdsid-ba)

11.     Thủ Hộ Chúng Địa Mẫu (Sa-gahi skyon-pa)

12.     Đảnh Quan Nguyệt Tướng Mẫu (Zla-bahi bum-bus dpral-rgyan)

13.     Như Tận Kiếp Hỏa Mẫu (Bskal-bahi-tha-mahi me-ltar)

14.     Thủ Ấn Đại Địa Mẫu (Sa-ba)

15.     An Ổn Nhu Thiện Mẫu (Bde-ma dge-ma shi-ma)

16.     Phổ Biến Cực Hỷ Mẫu (Kun-nas bskor-rab-dgah-ba)

17.     Đô Lý Ba Đế Mẫu (Tu-ri sha-pa)

18.     Tát Ra Thiên Hải Mẫu (Lha-yi-mtsho)

19.     Chư Thiên Tập Hội Mẫu (Lha-yi-tshogs rnams-rgyal-mo)

20.     Nhật Nguyệt Quảng Viên Mẫu (Ni-ma-Zla ba rgyas-ma)

21.     Cụ Tam Chân Thật Mẫu (De-nid gsum-rnam bkod-pa).

(Theo Thích Minh Tông. Chân ngôn thần chú Mật tông, Nxb. Hồng Đức, tr. 164-166).

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle