Thiền sư Minh Hành và chùa Trạch Lâm

thien su

THIỀN SƯ MINH HÀNH VÀ CHÙA TRẠCH LÂM

Nguyễn Đại Đồng

 

Ở nguyệt san Giác Ngộ số trước, chúng tôi đã trình bày một số chỗ chưa đúng của Nguyễn Lang khi viết về Chuyết Chuyết Hòa thượng - người truyền dòng thiền Lâm Tế vào Đàng Ngoài Đại Việt. Trong số này, chúng tôi bàn về Thiền sư Minh Hành, đệ tử lớn nhất của Chuyết Chuyết, với chùa Trạch Lâm và sự truyền tông Lâm Tế vào xứ Thanh của ngài.

Bia khắc trên tháp Tôn Đức thờ Thiền sư Minh Hành ở chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Năm Giáp Quý Dậu (1633) niên hiệu Đức Long thứ 4,  ngài theo thầy là Thiền sư Phổ Giác (tức Chuyết Chuyết Hòa thượng) đến kinh đô nước Đại Việt đi hành đạo truyền giáo.

Học giả Nguyễn Lang nói rõ hành trình này: Từ Đàng Trong, ông (Chuyết Chuyết) cùng các đệ tử khởi hành ra Đàng Ngoài, dừng chân hoằng hóa tại chùa Thiên Tượng, Nghệ An và Thanh Hóa, khai sáng chùa Trạch Lâm. Nhưng không thấy Nguyễn Lang nói thầy trò Chuyết Công hoằng pháp tại hai nơi này là bao lâu.

Đến năm 1633, thầy trò tới được kinh thành Thăng Long. Tại đây, ông và các đệ tử ở lại chùa Khán Sơn và bắt đầu giảng dạy Phật pháp. Không thấy tài liệu nào ghi Chuyết Công đến kinh thành tháng nào, nhưng Minh Hành cho biết, khi tới Thăng Long do Nguyễn Tề bị bắt, thầy trò ông “phải đi khất thực mấy tháng”. Sang năm 1634 họ mới gặp được phi tần Trịnh Thị Ngọc Am trong cung, giàu có lại mến mộ Phật pháp xin được học đạo. Như vậy có thể suy ra thời gian hoằng hóa tại Thiên Tượng, Nghệ An và Trạch Lâm, Thanh Hóa chẳng được bao lâu, khó mà thu nhận đệ tử.

Lần thứ hai Minh Hành đến chùa Trạch Lâm (Khánh Quang tự) vào lúc nào? Theo chúng tôi có hai thời điểm:

1. Trong khoảng từ 1638 đến 1643: lúc đó Chuyết Chuyết hành đạo truyền bá tông Lâm Tế tại kinh thành Thăng Long và được mời về trụ trì chùa Phật Tích với sự giúp đỡ của bà Trịnh Thị Ngọc Âm, Trịnh Thị Ngọc Trúc và Lê Thị Ngọc Duyên cũng như sự ủng hộ của vua Lê Thần Tông và chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Lúc đó Minh Hành có thời gian để về chùa Trạch Lâm hoằng pháp. Cũng trong thời gian này, Minh Hành trùng tu chùa Trạch Lâm và thu nhận đệ tử.

Trong cuốn sách của mình Nguyễn Lang nói Minh Hành là người khai sáng chùa Trạch Lâm, nhưng chúng tôi thấy chưa hợp lý[1]. Bởi chùa này do bà Nguyễn Thị Ngọc Tú con gái Đoan Quận công Nguyễn Hoàng và là Chính phi của Trịnh Tráng xây dựng[2]. Sách Chùa xứ Thanh viết: “Sau khi làm nội cung của Trịnh Tráng (1623), bà (Ngọc Tú) về thăm quê hương ở huyện Tống Sơn, nhân đó bỏ tiền công đức dựng chùa Khánh Quang. Trong đó có tượng Vương phi tức tượng thờ bà”[3].

            2. Có một chi tiết liên quan đến việc Minh Hành quay trở lại chùa Trạch Lâm được Thiền sư ghi lại trong Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục; trang 23 viết: “Đương thời, gặp phải lúc ‘cầu long biến hóa, cờ phướn lay động’. Thượng thủ (tức Minh Hành) bèn bí mật hộ tống chân thân của Tổ về giấu ở chùa Khánh Quang[4]. Sau ngày thái bình lại rước về chùa Ninh Phúc, tàng vào trong bảo tháp”.

Dịch giả Nguyễn Quang Khải và Thích Nguyên Đạt giải thích: Cầu long, nghĩa đen là con rồng có sừng. “cầu long biến hóa, cờ phướn lay động” là câu thành ngữ ý chỉ chiến tranh loạn lạc. Phải chăng tác giả nói đến những cuộc giao tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Nhưng nếu thế thì tại sao Minh Hành lại đưa nhục thân Chuyết Công từ Kinh Bắc vào xứ Thanh nơi gần với Đàng Trong hơn? Chúng tôi cho rằng sự việc sau đây mới là nguyên nhân:

Năm 1653, Trịnh Tạc là con thứ 2 được chúa Trịnh Tráng chọn làm Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương, tức là người sẽ nối ngôi chúa. Việc này làm con trai trưởng Trịnh Tráng là Trịnh Toàn không hài lòng, từ đó dẫn tới mâu thuẫn ngấm ngầm giữa Toàn và Tạc.   

Năm 1657,[5] chúa Trịnh Tráng qua đời, dự đoán kinh thành có thể xảy ra sự biến, Minh Hành đem nhục thân Chuyết Công từ Ninh Phúc tự vào chùa Trạch Lâm, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa cất giấu. Ông trụ trì và tiếp tục hành đạo ở đây cho tới hết năm 1658, khi tình hình Đông Đô trở lại yên bình mới quay về chùa Ninh Phúc.

Cũng trong thời gian này ông đã cho các đệ tử của mình ở chùa Trạch Lâm mua đá vận chuyển ra Bắc Ninh xây dựng các tháp tại chùa Ninh Phúc và Phật Tích.(?) Và tại đây, ông đã truyền pháp cho đệ tử là Thiền sư Chân Hỷ (Tuệ Minh) (?-?), đưa Thiền sư về trụ trì chùa Đại Khánh (chùa Vồm), thành phố Thanh Hóa, mở ra dòng thiền Lâm Tế Trạch Lâm. 

Thượng tọa Thích Tâm Đức trong sách Hành trạng chư Tăng Ni Thanh Hóa đã tóm tắt dòng truyền từ Thiền sư Tại Tại (Minh Hành) ở Thanh Hóa như sau:

Coi Thiền sư Viên Văn (Chuyết Chuyết) (1590-1644) đời pháp thứ 34 hệ phái Lâm Tế Trung Hoa. Tổ thứ nhất, hệ phái Lâm Tế Việt Nam.

Thiền sư Tại Tại (Minh Hành) (1595-1659), đời pháp thứ 35, hệ phái Lâm Tế Trung Hoa, đời thứ 2 hệ phái Lâm Tế Việt Nam. Tổ khai sáng dòng Lâm Tế chùa Trạch Lâm.

Thiền sư Chân Hỷ (Tuệ Minh) (?-?), đời pháp thứ 36, hệ phái Lâm Tế Trung Hoa. Đời thứ 3 hệ phái Lâm Tế Việt Nam. Trụ trì chùa Đại Khánh (chùa Vồm), thành phố Thanh Hóa.

Thiền sư Như Ngọ (Vô Niệm) (?-?), đời pháp thứ 37, hệ phái Lâm Tế Trung Hoa. Đời thứ 4 hệ phái Lâm Tế Việt Nam. Trụ trì chùa Thái Bình, tổ khai sáng chùa Mật Đa, thành phố Thanh Hóa.

Thiền sư Tính Không (Huyền Diệu) (?-?), đời pháp thứ 38 hệ phái Lâm Tế Trung Hoa. Đời thứ 5, hệ phái Lâm Tế Việt Nam. Trù trì chùa Đại Khánh (chùa Vồm), thành phố Thanh Hóa.

Thiền sư Tính Ân (1757-1815), đời thứ 38 hệ phái Lâm Tế Trung Hoa. Đời thứ 5 hệ phái Lâm Tế Việt Nam. Tổ khai sáng chùa Vạn Linh.

Thiền sư Hải Oánh (?-?). Đời pháp thứ 39 hệ phái Lâm Tế Trung Hoa. Đời thứ 6 hệ phái Lâm Tế Việt Nam. Trụ trì chùa Đại Khánh (chùa Vồm), thành phố Thanh Hóa.

Khuyết dòng KIM (đời thứ 40), TƯỜNG (đời thứ 41) hệ phái Lâm Tế Trung Hoa. Đời thứ 7 và thứ 8 hệ phái Lâm Tế Việt Nam.

Thiền sư Phổ Minh (Thông Tuệ) (?-?), Đời pháp thứ 42 hệ phái Lâm Tế Trung Hoa. Đời thứ 9 hệ phái Lâm Tế Việt Nam. Trụ trì chùa Đại Khánh (chùa Vồm), thành phố Thanh Hóa.

Nếu đối chiếu với bài kệ truyền pháp Lâm Tế Đàng Ngoài do Tổ Minh Hành để lại:

Minh Chân Như Tính Hải

Kim Tường Phổ Chiếu Thông

Chí Đạo Thành Chính Quả

Giác Ngộ Chứng Chân Không.

thì truyền thừa của dòng Lâm Tế Trạch Lâm Thiền sư Minh Hành đã tới chữ Phổ.

            Như vậy, trong đợt cùng Chuyết Công Hòa thượng ra Thăng Long năm 1633, Thiền sư Minh Hành có dừng lại chùa Trạch Lâm Thanh Hóa hoằng pháp một thời gian ngắn, chứ ông không phải là người khai sáng chùa này. Minh Hành quay vào Trạch Lâm lần thứ 2 để cất giấu nhục thân Chuyết Chuyết. Ông trụ trì và tu tại đây. Ngoài việc cho tu sửa tôn tạo cảnh chùa Trạch Lâm, Minh Hành đã đăng đàn thuyết giảng giáo lý tông Lâm Tế và thu nhận đệ tử, khai sáng dòng thiền Lâm Tế Trạch Lâm.

 

 

 

 


 

[1] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb. Văn Học, tr.118.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn-Viện Sử học Đại Nam Nhất thống chí tập 2, Nxb.Thuận Hóa, tr.340 viết: Chùa Trạch Lâm ở xã Trạch Lâm, huyện Tống Sơn, do công chùa Ngọc Tú bản triều dựng. Sau Tổng đốc Thanh Hóa Tôn Thất Tĩnh sửa lại; bia cũ bị rêu mờ không rõ năm tháng, chỉ còn tượng Ngọc Tú mà thôi”.

[3] GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh tập 1, Nxb. Thanh Hóa, 2017, tr.128.

[4] Minh Hành Tại Tại – Thiến sư Tuệ Tiến biên tập, Nguyễn Quang Khải – Thích Nguyên Đạt dịch, Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục, Nxb. Thanh Hóa, 2017, tr.23. Khánh Quang tự còn gọi là chùa Trạch Lâm, nay ở xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa (xưa thuộc huyện Tống Sơn).  .

[5]  Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo Dục, 2007, tr. 262, 267, 271.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác