Chùa Pháp Long: Một Di sản thế giới
phap so
Nguyễn Đăng
Chùa Pháp Long (法隆寺,
Hōryūji) tọa lạc cách trung tâm thành phố Nara 10 km về phía Tây nam. Ngôi chùa
này được Thái tử Shotoku (Thánh Đức, 573-621), người được cho là có công lớn
trong buổi đầu truyền bá Phật giáo ở Nhật Bản, thành lập vào năm 607. Thái tử
Shotoku thành lập chùa Pháp Long thể theo nguyện vọng của người cha của mình là
Hoàng đế Yomei (Dụng Minh thiên hoàng), người trước đó muốn xây dựng một ngôi
chùa và tạc một bức tượng Phật để tỏ lòng tôn kính đối với Tam bảo, và cũng mong
qua việc làm này bệnh của ông có thể chữa lành.
Thái tử Shotoku cho kiến tạo nhiều ngôi chùa, trong số đó có chùa Tây Thiên
Vương (Shitennoji,
四天王寺,593
TL) và chùa Phương Quảng (Hokoji,
方廣寺,
596 TL), nhưng chỉ chùa Pháp Long còn tồn tại đến ngày nay ở trạng thái nguyên
thủy của nó. Tuy nhiên, quần thể này cũng không hoàn toàn giữ được kiến trúc
thời kỳ đầu của nó, bởi vì trong trận hỏa hoạn xảy ra vào năm 670, một số kiến
trúc ở đây bị thiêu rụi và được phục dựng lại vào năm 710. Kiến trúc gỗ cổ xưa
của quần thể này được cho là có niên đại vào lần trùng tu này.
Chùa Pháp Long có thể được xem là cái nôi của Phật giáo Nhật Bản và là nơi lưu
giữ một số bảo vật nghệ thuật đẹp nhất. Những tòa nhà ở đây thể hiện những ảnh
hưởng văn hóa và kiến trúc từ Trung Quốc và Hàn Quốc, những xứ sở đã truyền bá
Phật giáo đến Nhật Bản trong buổi đầu.
Quần thể này bao gồm 48 công trình kiến trúc khác nhau. Những công trình kiến
trúc này đã tồn tại qua những thăng trầm lịch sử, đối mặt với những cuộc chiến,
những trận hỏa hoạn và động đất khủng khiếp, tuy nhiên vẫn tồn tại được cho đến
ngày nay. Ngôi tháp năm tầng từng bị tháo dỡ trong Thế chiến thứ II và sau đó
được lắp ráp lại khi cuộc chiến kết thúc, hiện là một biểu tượng nổi bật của
quần thể này nói riêng và của thành phố Nara nói chung, và được xem là kiến trúc
bằng gỗ cổ xưa nhất hiện còn ở Nhật Bản.
Những công trình kiến trúc tại chùa Pháp Long
Chùa Pháp long bao gồm hai khu vực chính: Đông viện (Toin-garan,
東院),
tập trung quanh ngôi tháp năm tầng (Gojū-no-Tō) và ngôi chánh điện (Kondō); và
Tây viện (Saiin-garan,
西院),
bao gồm Yumedono (Mộng điện) và Denpōdō (thuyết pháp đường) cùng những kiến trúc
bao quanh khu nhà Yumedono. Du khách đi vào Tây viện qua hai cửa: Đại Nam môn
(Nandaimon), được xây dựng lại vào năm 1438, sau đó đến Trung môn (Chūmon). Ở
Trung môn có tôn trí hai bức tượng Kim Cang (Niō) trông rất ấn tượng, một tượng
sơn màu đỏ và một tượng sơn màu đen.
Ngôi chính điện (Kondō) được xem là một Bảo vật Quốc gia và là một trong những
kiến trúc gỗ cổ nhất trên thế giới. Ngôi chính điện này gồm hai tầng nằm và ở
khu vực phía Tây của quần thể. Các trang trí bằng gỗ ở công trình này bao gồm
các tượng rồng, các cấu trúc hình chữ vạn, tượng một vị thủy thần – được cho là
để bảo vệ ngôi điện thoát khỏi những trận hỏa hoạn… Trong ngôi điện này có thờ
những thánh tượng quý giá, bao gồm bức tượng Đức Phật Thích Ca bằng đồng cùng
hai vị Bồ-tát, được đúc vào năm 623. Bên phải là tượng Phật Dược Sư (Yakushi
Nyorai), vị Phật mà ngôi chùa này xây dựng nhằm thờ phụng Ngài. Bức tượng này
được đúc vào năm 670. Ở đây cũng có một bức tượng Phật A Di Đà có niên đại vào
thế kỷ XII, được đúc để tưởng niệm mẹ của Thái tử Shotoku. Những vách tường của
ngôi chánh điện được trang trí bằng các bích họa, được thực hiện sau một trận
hỏa họa vào năm 1949.
Ngôi tháp năm tầng (Gojū-no-Tō) cao 32,5 mét là ngôi tháp cổ nhất ở Nhật Bản.
Ngôi tháp này được kiến tạo vào năm 607. Bên trong tòa tháp có lưu giữ một bộ
sưu tập những bức tượng làm bằng đất sét từ thời kỳ Nara (710-794). Phía Bắc của
ngôi tháp là Daikōdō (thuyết pháp đường), ở đó có tôn trí một bức tượng Phật
Dược Sư bằng gỗ thiếp vàng. Thuyết pháp đường là một tòa nhà hình chữ nhật dài
được xây vào năm 990, sau khi kiến trúc nguyên thủy của nó bị thiêu hủy trong
một trận hỏa hoạn vào năm 925. Bên trong có tôn trí tượng hai vị Bồ-tát Nhật
Quang (Nikko) và Nguyệt Quang (Gekko), đứng ở hai bên Đức Phật Dược Sư. Giữa
thuyết pháp đường và chính điện là tháp chuông (Shoro). Ở tháp chuông này có
treo một quả chuông có từ thời kỳ Nara (710-794 CE). Gần đó là Kyozo (tàng kinh
các). Cả Kyozo và Shoro được xem là những bảo vật quốc gia.
Daihozoden (phòng trưng bày những bảo vật của ngôi chùa) bao gồm hai tòa nhà
được xây dựng lần đầu vào năm 1941 và sau đó được trùng tu vào năm 1998.
Daihozoden lưu giữ những tác phẩm Phật giáo quan trọng chẳng hạn như các bức
bích họa, những tác phẩm điêu khắc bằng đồng và gỗ…
Khu vực phía Đông (Toin Garan) được thêm vào vào năm 739. Khu vực này bao gồm
một ngôi điện hình bát giác có tên gọi là Yumedona (夢殿,
Mộng điện). Tòa nhà bằng gỗ này có tôn trí tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, được cho là
tác theo kích thước thật của Thái tử Shotoku; tượng cao 1,8 mét và được phủ bằng
vàng lá. Yumedono được xây dựng lần đầu vào năm 739 trên vị trí là hoàng cung
của thái tử Shotoku, sau đó được trùng tu vào thế kỷ XII. Ở đây cũng có lưu giữ
một bức tượng được gọi là Guze Kannon. Trong nhiều thế kỷ, người ta che phủ bức
tượng này bằng một tấm vải lụa vì nghĩ làm như vậy sẽ giữ lấy năng lực đặc biệt
của thánh tượng. Vào năm 1884, khi tháo gỡ đi mảnh vải bọc tượng, người ta thấy
rằng bức tượng này giống như thái tử Shotoku. Ở Yumedono cũng có một bức tranh
chân dung thái tử Shotoku, và bức tranh này chỉ cho công chúng xem một tháng vào
mùa xuân và một tháng vào mùa thu.
Những công trình quan trọng khác ở khu vực phía Đông bao gồm Dempodo (nơi thuyết
pháp), Shoro (tháp chuông), Raido (nơi cầu nguyện), Eden (nơi lưu giữ những
tranh vẻ), và Shariden (điện thờ xá-lợi Phật). Ngoài ra, phía sau khu vực Đông
viện có một ngôi chùa với tên gọi Trung Cung (中宮寺,
Chūgūji). Ở đây có tôn trí một bức tượng Phật ngồi được khắc tạc khá đẹp.
Chùa Pháp Long hiện là nơi lưu giữ nhiều bảo vật quý giá như tranh tượng và
những tác phẩm nghệ thuật trang trí. Đây là một điểm tham quan nổi tiếng được
nhiều người tìm đến khi đến thành phố Nara. Chùa Pháp Long được UNESCO công nhận
là Di sản thế giới vào năm 1993.