Chùa Đông Đại: Di tích Phật giáo quan trọng của Nhật Bản
chua dong dai
Chùa Đông Đại: Di tích Phật
giáo quan trọng của Nhật Bản
Nguyễn Đăng
Chùa Đông Đại (Tōdai-ji, 東大寺) tọa lạc tại thành phố Nara, Nhật Bản.
Quần thể ngôi chùa này, đặc biệt ngôi Đại Phật điện (Daibutsuden, 大佛殿) bằng gỗ, là một di tích Phật giáo
quan trọng ở thành phố Nara (Nại Lương, 奈良) nói riêng và của Nhật Bản
nói chung.
Quần thể chùa Đông Đại đại
ngày nay vốn tọa lạc tại vị trí của ngôi chùa Kim Chung Sơn (Kinshōsen-ji, 金鐘山寺) được xây dựng vào năm 728, với mục đích ban đầu làm nơi an
dưỡng tinh thần cho thái tử Motoi, con trai của hoàng đế Shōmu (724-749).
Vào thời Tenpyō (Thiên
Bình, 天平), Nhật Bản chịu nhiều thảm họa và dịch
bệnh. Với cuộc đảo chính vào năm 729 và dịch đậu mùa vào những năm 735–737, tiếp
theo là những năm mất mùa đói kém và sau đó là cuộc nổi dậy vào năm 740 do
Fujiwara no Hirotsugu lãnh đạo, Nhật Bản rơi vào một thời kỳ bất ổn nghiêm trọng.
Trong hoàn cảnh này, vào năm 740, hoàng đế Shōmu ban luật rằng dân chúng phải
trực tiếp tham gia vào việc xây dựng chùa chiền trên khắp Nhật Bản. Ông tin rằng
với việc làm này, đất nước sẽ thoát khỏi những tai ương và hiểm họa. Bấy giờ thầy
Gyōki, cùng với những đệ tử của mình, thực hiện theo sắc lệnh đó, đã du hành khắp
các tỉnh trong nước để quyên góp cho việc xây dựng lại chùa Đông Đại (bấy giờ vẫn
còn được gọi là Kim Chung Sơn tự). Theo những ghi chép còn lưu lại ở chùa Đông
Đại, có hơn 2.600.000 người đã ủng hộ tài chính để kiến tạo bức đại tượng Phật
(Daibutsu) và ngôi chánh điện.
Từ sau khi được thành lập,
chùa Đông Đại trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng ở Nhật Bản. Vào thời
kỳ này, Phật giáo Nhật Bản lấy Luật tạng làm quy chuẩn và những người xuất gia
chỉ trở thành Tăng sĩ chính thức sau khi thọ giới tại chùa Đông Đại. Những Tăng
sĩ nổi tiếng về sau như Không Hải (Kūkai) và Tối Trừng (Saichō) cũng thọ giới ở
đây. Vào thời Không Hải, những lễ truyền giới bổ sung đã được tổ chức tại chùa
Đông Đại, chẳng hạn như lễ truyền Bồ-tát giới. Sau này khi Không Hải thành lập
Chân ngôn tông (Shingon), ông lại bổ sung thêm lễ truyền giới Mật tông
(Samaya). Về sau, Thật Trung (Jitchū) cũng đã tổ chức lễ hội Shuni-e (Tu nhị hội,
修二会) tại ngôi chùa này, và lễ
hội này tiếp tục cho đến ngày nay.
Cũng vào thời kỳ Nara,
khi nhà nước đặt ra hệ thống cai tri Ritsuryō (luật lệnh, 律令), Phật giáo được đặt dưới sự quản lý bằng
bằng chế độ Tăng cang (Sōgō; 僧綱). Vào thời kỳ này, chùa
Đông Đại trở thành trung tâm của sáu tông phái Phật giáo Nhật Bản: Hossō (Pháp
tướng tông), Kegon (Hoa nghiêm tông), Jōjitsu (Thành thật tông), Sanron (Tam luận
tông), Ritsu (Luật tông) và Kusha (Câu-xá tông). Những văn bản vào thời kỳ này
cho biết rằng tất cả sáu tông phái Phật giáo đều có văn phòng tại chùa Đông Đại,
với đầy đủ thư viện, nơi thờ phụng cũng như người điều hành.
Bởi vì chùa Đông Đại là
ngôi chùa đầu não của hệ thống Quốc phần tự thị (Kokubunji, 国分寺市), những nghi lễ cầu quốc thái dân an thường tổ chức tại đây
và nó trở thành một trung tâm chính thực hiện chức năng này; tuy nhiên nó cũng
là một trung tâm đào tạo Tăng tài và giảng dạy giáo pháp.
Về sau, khi trung tâm quyền
lực của Phật giáo Nhật Bản chuyển từ Nara đến núi Hiei, và sau khi kinh đô của
Nhật Bản chuyển đến Kamakura, vai trò của chùa Đông Đại bắt đầu suy thoái.
Trong những thế hệ sau, giới luật không được coi trọng tại đây và không còn lễ
truyền giới nào được tổ chức tại ngôi chùa này.
Bắt đầu vào thời Minh trị
1868, các sắc lệnh quy định việc tách những cơ sở của Thần Đạo và Phật giáo và
việc tịch thu đất đai chùa chiền đã đe dọa sự tồn vong của chùa Đông Đại. Tuy
nhiên, vào đầu thế kỷ XX, ngôi Đại Phật đường đã được tiến hành trùng tu quy mô;
và vào những năm thập niên 70 thế kỷ XX, tất cả những hạng mục của ngôi chùa đều
được sửa chữa và bảo tồn.
Mặc dù có một lịch sử
phát triển khá huy hoàng, nhưng chùa Đông Đại cũng nhiều lần bị phá hủy do động
đất và hỏa hoạn gây ra. Vào năm 855, ngôi chùa này bị thiệt hại nặng nề trong một
trận động đất lớn. Trong những năm tiếp theo, hỏa hoạn đã thiêu hủy Tàng kinh
các, Tăng xá và ngôi chùa phía Đông (Đông tự). Vào năm 1180, hơn một nửa khu quần
thể này, bao gồm cả Đại Phật điện, đã bị hỏa hoạn thiêu hủy trong những cuộc tấn
công của Taira no Shigehira. Vào năm 1567, ngôi chùa bị thiêu cháy lại trong một
cuộc giao tranh giữa dòng tộc Miyoshi và Matsunaga, và chỉ Đại nam môn, Tháp
chuông, Nhị nguyệt đường (Nigatsu-dō), Pháp hoa đường (Hokke-dō), Chánh thương
viện ((正倉院) là không bị thiêu cháy. Vào thời kỳ
này, do Nhật Bản đang chiến tranh nên việc tái thiết vô cùng khó khăn. Cuối
cùng, vào giữa thời kỳ Edo, thầy Kōkei (1648-1705) kiến nghị nhà nước cho phép ông
đứng ra vận động dân chúng đóng góp kinh phí cho việc xây dựng, và nhờ đó việc
tái thiết được bắt đầu. Qua những nỗ lực của lần tái thiết này, bức Đại tượng
Phật đã được sửa chữa vào năm 1659 và ngôi Đại Phật đường được khánh thành vào
năm 1709. Ngôi đại điện hiện nay là kiến trúc được hoàn thành vào năm 1709; và
mặc dù hiện có chiều dài 57 mét và rộng 50 mét, nó được nói chỉ bằng 30% ngôi
chùa trước đó.
Ngày nay chùa Đông Đại là
nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý giá của Nhật Bản; nó cũng là nơi bảo tồn
những nghi lễ truyền thống của Phật giáo Nhật Bản, chẳng hạn như lễ hội Shuni-e.
Ngôi chùa này cũng là trụ sở của tông phái Kegon ((華厳宗: Hoa nghiêm tông). Công trình tôn giáo cổ đặc sắc này thật
sự đã thu hút rất nhiều người đến thăm viếng, cả người Nhật cũng như những du
khách nước ngoài khi đến Nara. Chùa Đông Đại, cùng với một số di tích khác ở Nara, được
UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1994.