Chùa Haein: Tổ đình của phái Tào Khê

chua h

Nguyễn Đăng


 

Chùa Haein (해인사; 海印寺: Hải Ấn tự), một trong ba ngôi chùa được gọi là Sambosachal (Tam bảo), có lẽ là ngôi chùa nổi tiếng nhất của Phật giáo Hàn Quốc. Tọa lạc tại công viên Quốc gia Gayasan, thuộc tỉnh Gyeongsang, ngôi chùa này là tổ đình của tông phái Tào Khê Hàn Quốc (대한불교조계종; 大韓佛敎曹溪宗: Đại Hàn Phật giáo Tào khê tông).

Trong ba ngôi chùa được gọi là Sambosachal này, chùa Haein đại diện cho Pháp bảo (trong khi chùa Tongdo đại diện cho Phật bảo và chùa Songgwang đại diện cho Tăng bảo). Sở dĩ như vậy vì nơi đây hiện đang lưu giữ bộ Đại tạng kinh Hàn Quốc được khắc lên gỗ vào triều đại Goryeo (918-1392), và bộ Đại tạng này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Theo truyền thuyết, chùa Haein được thành lập vào thế kỷ VII, với ban đầu là một ngôi chùa nhỏ được làm bằng cây lá. Nhưng về phương diện lịch sử, ngôi chùa do hai vị Tăng tên là Suneung và Ijeong xây dựng vào năm 802 và là một tu việc thuộc Hoa nghiêm tông. Một ghi chép của Choe Chi-Won vào năm 900 nói rằng, Sueung và đệ tử của ông là Ijeong, sau khi tu học ở Trung Quốc trở về, đã được hoàng hậu hỗ trợ tài chính để kiến tạo nên ngôi chùa này. Về sau, vua Taejo thuộc triều đại Goryeo, vì để tạ ơn vị trụ trì của chùa là Huirang đã giúp chữa lành bệnh của hoàng hậu, ông cho mở rộng chùa thành một ngôi đại tự và là trung tâm học thuật quan trọng của Hoa nghiêm tông. Kể từ đó, hàng trăm Tăng sĩ đã về đây tu học và chùa Haein trở nên vô cùng hưng thịnh.

Chùa Haein đóng chức năng như một trung tâm chính của Phật giáo Seon Hàn Quốc từ khi được thành lập. Phật giáo Seon (Sŏn, : thiền) là một phiên bản Hàn Quốc của Thiền (Zen) Nhật Bản. Và một trong những đặc điểm của tông phái này là chùa chiền thường được xây dựng ở trong núi.

Chùa Haein nằm trên một triền đồi thoai thoải và được sắp xếp thành ba bậc. Giống như hầu hết những ngôi chùa ở Hàn Quốc, lối vào chùa bắt với một chiếc cổng nhỏ được gọi là Iljumun, mà nó tượng trưng cho việc khởi đầu việc tu học Phật của con người. Con đường tiếp tục đi qua cổng Tứ Đại Thiên Vương, cánh cổng tượng trưng cho việc bảo vệ ngôi chùa, và tiếp theo là cổng Bullimun hay “Bất nhị môn”, tượng trưng cho sự hợp nhất của vạn vật. Bên trong khu vực chính của ngôi chùa, mà nó nằm cao hơn những cổng vào, có vào khoảng mười hai ngôi điện. Ngôi điện chính, Daejeokgwangjeon (대적광전, 大寂光殿: Đại Tịch Quang điện), là nơi thờ Đức Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairocana). Trong truyền thống Phật giáo Hàn Quốc, Phật Tỳ Lô Giá Na là một biểu tượng của khái niệm Tính không Phật giáo. Trong chánh điện thờ một bức tượng Phật Tỳ Lô Giá Na bằng gỗ được tạc vào năm 1769, và đây là bức tượng bằng gỗ cỗ nhất ở xứ này. Ở Hàn Quốc, các ngôi chánh điện thường thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà hiếm khi thờ Phật Tỳ Lô Giá Na.

Bởi vì là nơi lưu giữ Tam tạng Hàn Quốc được khắc lên gỗ, chùa Haein trở nên nổi tiếng, và tạng kinh này đặc biệt gây chú ý cho những người đến đây. Tàng kinh các với tên gọi Janggyeonggak, nơi lưu giữ bộ kinh, bao gồm hai tòa nhà dài. Niên đại xây dựng tòa kinh các không được biết rõ, chỉ biết rằng nó được trùng tu vào những năm thập niên 80 của thế kỷ XV. Nền của kiến trúc này được đặt các lớp muối, than, vôi và cát bên dưới, mà chúng giúp giảm độ ẩm và ngăn chặn côn trùng nhằm bảo vệ những bản kinh gỗ khỏi bị hư hại. Tòa nhà quay về hướng Tây nam, cũng được cho là để tránh ánh nắng trực tiếp có thể ảnh hưởng độ bền của các phiến gỗ. Bên trong, những cửa ra vào, cửa sổ và các kệ chứa các bản kinh đều được đặt ở những gốc chính xác để được thông gió tốt. Nói chung, những người thiết kế tòa kinh các này đã tính đến những yếu tố khoa học nhằm bảo vệ tàng kinh này qua năm tháng. Đáng tiếc, hiện giờ du khách chỉ được chiêm ngưỡng tạng kinh bằng gỗ này từ bên ngoài, mà không được vào bên trong, mục đích là để bảo vệ tạng kinh.

Quần thể ngôi chùa được nâng cấp vào các thế kỷ X, XV (1488), và XVII (vào các năm 1622 và 1644). Lần trùng tu khác là vào năm 1964; và trong lần này người ta đã phát hiện một chiếc hoàng báo của vua Gwanghaegun thuộc triều đại Joseon, người đã hỗ trợ cho lần trùng tu vào năm 1622, và một bản chữ khắc. Giống như tất cả những ngôi chùa cổ khác của Hàn Quốc, chùa Haein bị thiêu cháy nhiều lần, bao gồm lần hỏa hoạn xảy ra vào năm 1817 (và sau đó được xây lại vào năm 1818).  Tuy nhiên, lần hỏa hoạn nặng nề nhất xảy ra vào tháng 9 năm 1951, trong cuộc chiến Triều Tiên. Tuy chùa chịu nhiều thiệt hại trong giai đoạn này nhưng bộ Đại tạng kinh quý giá bằng gỗ vẫn lưu giữ được, điều này nhờ vào công của Kim Young Hwan. Theo sử liệu Hàn Quốc, trong cuộc chiến Triều Tiên, những du kích Bắc Hàn đã sử dụng ngôi chùa Haen làm cơ sở trú ẩn của họ, tuy nhiên vị trụ trì chùa đã thuyết phục họ nên rời đi. Quân đội Nam Hàn nghĩ rằng những du kích vẫn đang còn ở đó nên ra lệnh dội bom ngôi chùa. Vị chỉ huy phi đội lái máy bay ném bom bấy giờ, Kim Young Hwan, lo sợ rằng tàng kinh các với tất cả Đại tạng kinh bằng gỗ sẽ bị hủy hoại nếu bom dội xuống đây, do đó từ chối thực thi mệnh lệnh, và rồi ông đã bị kỷ luật. Tuy nhiên sau chiến tranh, ông được xem là một anh hùng vì đã bảo vệ được di sản văn hóa. Chùa Haein đã tránh được mọi tai họa kể từ đó, và trở thành cơ sở của những vị Tăng nổi tiếng của Hàn Quốc trong những thập kỷ tiếp theo.

Ngày nay, chùa Haen là một địa danh được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, vì chùa nằm trên núi và cách trạm xe bus khoảng 3 km, nên có một ít khó khăn khi đến ngôi chùa này. Nhưng bất chấp điều đó, nhiều người vẫn tìm đến đây để chiêm bái cảnh chùa và thưởng lãm bộ Đại tạng kinh nỗi tiếng. Và đến đây, nếu muốn, ta cũng có thể ở lại đây tu tập trọn ngày cùng với các thầy và tìm hiểu thêm về nếp sống của chư Tăng Hàn Quốc trong một khung cảnh vô cùng yên tĩnh và thanh bình.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle