Mạch thơ thiền Xuân vô chủ tích thi vô liệu trong lòng văn học dân tộc
mach tho thien
Võ Phước Lộc
Thơ thiền Lý – Trần là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử văn học
Việt Nam. Từ chỗ chuyển tải nội dung tôn giáo, dần dẫn dắt người đọc
sống đồng nhịp sống chúng sinh; nhờ đó mà hình thành trường thẩm mỹ
riêng có sức sống lâu dài.
Với tiến trình sinh thành như vậy, nên nghiên cứu thơ thiền có nhiều
cách tiếp cận khác nhau; tựu trung vẫn còn có chỗ lấn cấn. Giải quyết
rốt ráo vấn đề cần phải có thời gian nghiên cứu công phu. Tuy nhiên,
xem xét sức sống của thơ thiền trong dòng chảy văn học Việt Nam, soi
chiếu với những thành quả nghiên cứu cơ bản về thiền cùng văn học Phật
– Thiền có được thì hướng đi của vấn đề ngày càng được minh chứng và
xác lập rõ hơn.
1. Cơ sở nhìn nhận và lý giải vấn đề
Ra đời rất lâu trong lịch sử nhân loại, đạo Phật sớm khẳng định vị trí
tôn giáo lớn và có nhiều thành tựu thâm sâu ở mặt văn hóa tâm linh. Tuy
nhiên mãi đến đầu thế kỷ XXI, năm 2003 tổ chức UNESCO mới xem ngày Phật
Đản là ngày lễ Quốc tế (Vesak); năm 2015 công bố ngày Quốc tế Yoga
(International Day of Yoga) bởi Phật giáo cống hiến to lớn cho thế giới
hòa bình an lạc; còn Yoga (Thiền sinh học) giúp con người chống bệnh
tật và nối kết cộng đồng. Từ hai căn cứ trên chúng ta có thể nói: trước
tiên văn học Phật giáo Thiền tông và thơ thiền bền sức sống bởi có căn
cơ từ tinh thần nhân văn phổ quát của đạo Phật. Đặc biệt với 2 sự kiện
đã nêu, người ta thấy rõ thiền đã phổ biến ở phương Tây làm xuất hiện
nhiều công trình nghiên cứu về nó dưới góc độ khoa học luận. Cũng phải
kể đến sự phát triển công nghệ thông tin (mạng Internet) là một trong
những nhân tố quyết định việc tổng kết nghiên cứu, dịch thuật đánh giá
kho tàng văn khố Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa. Hẳn là tổ chức Văn hóa –
Giáo dục của Liên hiệp quốc có xem xét từ những minh chứng khoa học ấy,
vốn đã làm sáng tỏ một trong những điều “kỳ bí” của tư duy phương Đông,
được lưu giữ không chỉ trong kho tàng văn khố Phật giáo thuộc loại đồ
sộ nhất thế giới mà còn ở giá trị thực tiễn, trong đời sống đương đại
của nhân loại. Nó sát hợp với bốn mục tiêu trụ cột của giáo dục thế kỷ
XXI mà tổ chức này đề xuất: học để biết cách học, học để làm, học để
làm người và để sống chung với nhau.
Nửa đầu thế kỷ XX, D.T.Suzuki xem thiền tôn giáo như là một thuật trừng
tâm, khai phóng nhân sinh và đã giới thiệu diện mạo văn hóa Thiền Đông
Á cho toàn thế giới qua công trình Thiền luận. Công trình đã để lại dấu
ấn đậm nét cho giới nghiên cứu về phương pháp tu tập và khảo cứu Thiền
học; mang đến một cảm hứng nghiên cứu lớn lao và phổ biến. Nửa sau thế
kỷ XX, Kenneth Kraft tiếp tục chủ biên công trình Thiền với cái nhìn
thiền giả thời nay trên cơ sở tập hợp những thành tựu nghiên cứu của
các học giả Nhật Bản và Hoa Kỳ, trong hai thập niên 60 – 80, với hai
chủ đề truyền thống và chuyển tiếp. Tập thể tác giả nhằm khẳng định:
Thiền đạo mang đậm dấu ấn của các giá trị truyền thống đồng thời lại
thích nghi, dung thông một cách tự tại trước dòng chảy của cuộc đời
[1,7]. Cùng thời gian với Suzuki, tại Mỹ, giáo sư Heinrich Zimmer
thuyết trình và cho ra mắt công trình Triết học Ấn Độ một cách tiếp cận
mới (xuân 1942 – 1943). Nếu Suzuki nhìn văn hóa Phật giáo Thiền tông từ
gốc Thiền học Trung Hoa, áp dụng lối phân kỳ giáo luật cùng giáo nghĩa
trong nghiên cứu Phật học, để trình bày vấn đề thì Zimmer dựa vào phân
tích nền tảng văn hóa tâm linh Ấn qua khảo sát văn khố Bà-la-môn giáo
và Phật giáo. Ông có cái nhìn theo trục lịch sử cụ thể, xác định thiền
và quan niệm giải thoát của Phật – Thiền trong sự kế thừa và phát triển
truyền thống tâm linh. Đúng như lời giới thiệu bản dịch công trình của
nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin; tác giả đã chứng minh được: mục đích
cũng như nỗ lực của triết học Ấn vẫn là tìm cách vén mở và hòa nhập vào
ý thức một quá trình luôn bị những sức mạnh của cuộc sống chống kháng
và che giấu, hạn chế việc tìm hiểu và mô tả thế giới hữu hình [6].
Trong những chương luận về Phật quả của Thiền học mang lại, giáo sư cho
người ta thấy được sự hội ngộ triết học Đông – Tây trên nền tảng hướng
về Đại Ngã (Brahman) là sự khám phá ra cái Ngã (Atman) như một thực thể
độc lập, bất tử làm nền tảng cho cá nhân ý thức và cấu trúc thân xác.
[6]
Cơ duyên gặp gỡ với những người đi trước, Ibuki Atsushi (Y Xuy Đôn)
xuất bản công trình Lịch sử Thiền học (sơ bản 2001, Hozokan ấn hành) đã
có cái nhìn khái quát toàn diện vấn đề. Ông chứng minh thuyết phục ở 3
điểm: Bản chất của Thiền là thuận theo đà chuyển biến của xã hội và
mang sắc thái độc đáo của mỗi quốc độ. Do đó nó có tính năng động vượt
qua khuôn khổ giáo đoàn. Đặc biệt, tác giả minh chứng một vấn đề hệ
trọng trong lịch sử thi học Thiền tông: Thời nhà Minh vấn đề giáo ngoại
biệt truyền, bất lập văn tự ít còn có ý nghĩa vậy mà ngày nay ta vẫn cứ
lặp đi lặp lại. Và, tư tưởng Tam giáo nhất trí cũng do các Thiền tăng
truyền xướng rộng rãi. [4,6,17-18]. Thật ra, trước đây rải rác đăng
trên Tạp chí Tư tưởng của Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn (1971), Tuệ Sỹ, Phạm
Công Thiện cũng đã có cái nhìn về Thiền tông như Zimmer và Atsushi.
Đi sâu vào lĩnh vực “nội tại” thuộc về Văn học Phật giáo Thiền tông,
thơ thiền và thi học thiền trong khu vực Đông Nam Á với cách tiếp cận
“hệ thống mở” từ những thành tựu lớn đã nêu; giới nghiên cứu cũng có
những gợi ý mới khá lý thú từ các công trình: Bì Triều Cương Đổng Vận
Đình với Mỹ học Thiền tông (Thiền tông đích mỹ học, Lộc văn Văn hóa ấn
hành 1995), Phật giáo với văn học Trung Quốc (2007) của Tôn Xương Vũ,
Tiêu Lệ Hoa với So sánh “tự giác văn học” của thi tăng Đinh, Lê , Lý
với thi tăng Đường Tống (2010). Tôn Xương Vũ đã cung cấp nhiều khái
niệm công cụ, thuộc thi học Thiền tông, để cắt nghĩa và lý giải trường
mỹ cảm không tịch của thơ thiền. Tiêu Lệ Hoa, tiếp tục khẳng định giá
trị thẩm mỹ bộ phận thơ thiền qua “mỹ cảm về sự không tịch” (cái không
tịch); chỉ ra vai trò cùng ý nghĩa của nó trong tiến trình tự giác văn
học thời Đinh, Lê, Lý ở Việt Nam. Đặc biệt, công trình Mỹ học Thiền
tông, đã làm rõ vấn đề Thiền ngộ và tư duy nghệ thuật trong thi học
thiền tông Trung Hoa; khảo sát vòng đời tồn tại của tác phẩm để minh
định đặc điểm tiếp nhận qua mỹ cảm không tịch.
Khu biệt vấn đề nghiên cứu thơ thiền Lý – Trần (1010 – 1414), ở Việt
Nam, từ thập niên 90 (TK. XX) đến 2015, xuất hiện các công trình cắm
dấu mốc theo nhịp sinh hoạt học thuật nước nhà và phần nào phản ánh sự
thay đổi cách tiếp cận vấn đề như trong khu vực Đông và Nam Á: Khảo sát
đặc trưng nghệ thuật của thơ thiền Việt Nam thế kỷ X – thế kỷ XIV
(1996) của Đoàn Thị Thu Vân; Bản sắc dân tộc trong Văn học Thiền tông
Lý – Trần (1997) của Nguyễn Công Lý; So sánh thơ thiền Lý – Trần (Việt
Nam) và thơ thiền Đường Tống (2007) của Lê Thị Thanh Tâm. Tuy nhiên,
nếu so sánh với mặt bằng phát hiện và làm mới vấn đề với khu vực và thế
giới như đã nêu, dường như chúng ta còn lấn cấn ở hai điểm mấu chốt.
Đại đa số đều dựa vào tông chỉ “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền,
trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật” mà diễn giải tâm giác ngộ
(điều mà Tuệ Sỹ đã chỉ ra khá rõ những hạn chế trong Tư tưởng là gì và
Tâm ý thức để làm rõ thế giới quan vô tận của Phật – Thiền). Từ đó,
ngại đề cập tới trường mỹ cảm đặc thù của thơ ca Thiền tông. Kết quả là
nỗ lực thông diễn vấn đề theo thiên hướng thế tục hoặc Phật học hóa. Sự
thật là Thiền tông quan niệm rất đơn giản như Lâm Tế nói: Tâm bình
thường là đạo. Mặt khác, nhấn mạnh tiếp biến thiền học và thi học Thiền
tông Trung Hoa, trong việc soi chiếu và vận dụng các khái niệm có trong
đó, cũng có chỗ không ổn. Nguyên do là Thiền tông là sản phẩm đặc thù
của Phật giáo Trung Quốc; song thơ thiền lại không đơn thuần như vậy,
rõ hơn nó là sản phẩm hợp hôn kỳ diệu của hai nền văn hóa thi ca Ấn –
Trung thông qua bước trung gian của Phong trào Nghĩa học Phật giáo
(dịch thuật Kinh tạng). Phong trào đã làm tăng vốn từ vựng mới cho ngôn
ngữ Trung Quốc khoảng 35.000 từ; giúp người Trung Hoa nghĩ ra Thiết vận
và lý thuyết Tứ thanh. Từ cơ sở này đưa đến thuyết “lấy Thiền dụ Thi”; “dẫn thiền nhập từ” là một câu chuyện dài phức hợp
về mặt thi học. Hơn nữa với sự xuất hiện của Thi học Thiền tông, Thi
học cổ điển Trung Quốc mới hoàn thiện có hệ thống, bổ sung mặt “ngoạn
vị thuyết”, “hân thưởng thi ca”. Nhìn vấn đề ở mặt này, quả là Tiêu Lệ
Hoa có lý khi xem xét thơ thiền từ phía tự giác văn học.
Thơ thiền và văn học Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần không phải là
sản phẩm tiếp biến theo kiểu bổ sung và làm mới cho nhau trong nỗ lực
triệt để bản địa hóa như ở Trung Quốc. Nó có căn rễ văn hóa Phật giáo
trước khi Thiền tông Trung Hoa truyền vào. Sự va chạm của hai nền văn
hóa lớn trong khu vực đã đẩy vấn đề tiếp biến theo lối vừa thâm nhập
vào nhau vừa tìm cách bài trừ nhau giữa các yếu tố tư tưởng thuộc cấu
trúc sinh thành (cơ tầng văn hóa). Trong nhiều trường hợp nghiệt ngã
của lịch sử, sự va chạm đó làm trỗi dậy các giá trị truyền thống dân
tộc, tác động đến mặt bằng tương tác văn hóa như một yếu tố điều tiết
dung thông. Theo thiển ý, so với thiền và thơ thiền Trung Hoa, Triều
Tiên, Nhật Bản, thiền và thơ thiền Lý – Trần “mang sắc thái độc đáo của
mỗi quốc độ” là bởi điều kiện tiếp biến khác biệt như vậy.
Văn học đậm sắc thái Phật giáo Thiền tông thời Lý – Trần giữ địa vị mở
đầu nền văn học viết nước ta. Tiếng nói thi ca tâm tình hạnh nghiệp
sáng trong của thời đại đã tạo một mạch thiền, ngầm luân lưu trong lòng
văn học dân tộc cho đến ngày nay. Sức sống của tấm lòng hiểu biết ấy
mãi đồng vọng tâm tình của Mãn Giác (1052 – 1096):
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
2. Thơ thiền và trường mỹ cảm của nó
Là thứ thơ chuyển tải tinh thần giác ngộ theo Phật giáo Thiền tông; về
sau được phổ biến rộng rãi trong giới văn nhân, thi sĩ ở Trung Hoa và
các nước xung quanh. Có thể nói thơ thiền là sự chuyển tiếp tư duy thể
loại thơ ca Ấn – Trung ở ba mặt: hình thức thể loại, tư duy thơ, đặc
điểm ngôn ngữ. Và, chính điều này làm phát triển Thiền học nghệ thuật
các nước Đông Á.
Thuật ngữ thơ thiền như chúng ta dùng để phân loại thơ ca Lý – Trần là
cách dùng mà người Trung Hoa phân loại, nghiêng về phía thể tài; phần
nào không đúng với tinh thần văn học Phật giáo Ấn Độ. Ngay từ thời đại
Rig-veda, người Ấn Độ đã có thể Gatha (thi kệ), vốn là những lời thơ
tụng niệm dùng để giao tiếp với thần linh trong nghi thức giao tiếp với
thần Lửa. Theo đó, truyền thống kết tập kinh kệ Phật giáo cũng bằng văn
vần, theo thơ cổ Ấn gọi là sloka, cũng được dịch là thi kệ. Thích Nhuận
Đàm dẫn giải: một sloka gồm 2 dòng, 4 pada (câu), mỗi câu có 8 âm tiết.
Một bản sloka hoàn chỉnh có 32 âm tiết [1,18]. Phan Thu Hiền trong công
trình Thi pháp học cổ điển Ấn Độ cũng khẳng định có như vậy, bởi hai bộ
sử thi Ramayana, Mahabharata cùng kinh văn Bát-nhã Đại thừa đều được
diễn đạt theo thể thơ này. Căn cơ của vấn đề chuyển tiếp tư duy thể
loại là ở 2 điểm: trước tiên, khi dịch Kinh tạng sang Hán ngữ, người
Trung Hoa đều chuyển thơ sloka sang tản văn. Do ngôn ngữ và thi học cổ
Ấn vốn sở trường về tu sức ngữ âm, chú trọng ngữ pháp và hệ thống âm vị
bởi tiếng Ấn cổ thuộc hệ thống ký hiệu âm thanh, đa âm tiết; tiếng
Trung là thứ ngôn ngữ tượng hình, đơn âm. Bởi thế, lĩnh hội tri thức
người Ấn giỏi đường nghe; người Trung Hoa thạo đường nhìn (Trịnh Tiều,
1104 – 1162). Điều quan trọng hơn là sự hợp hôn này tạo nên một nguyên
tắc thẩm mỹ quan trọng của thơ thiền: nghe thấy lời thinh lặng sáng tạo
của một tấm lòng hợp nhất với vũ trụ sinh thành.
Ở Trung Hoa, thời Tấn (265 – 420) Tạ Linh Vận phát triển thuyết tính
linh kết hợp nói về tâm linh Phật học mà đề xuất quan niệm Cảnh không
tâm thưởng. Ông đem nói về tâm soi chiếu với kể về sự thuyết minh cho
phía sáng tác miêu tả thể nghiệm nội tâm. Mặt khác, đem tâm tình yêu
thích tán thưởng thời tiết cảnh đẹp (lương thần mỹ cảnh). Như Lưu Hiệp
(465 – 532) giải thích nội tâm và ngoại cảnh tương giao với nhau; làm
cho tâm cảnh tương đắc (Văn tâm điêu long – Trát ký). Đến Trung Đường,
Thiền tông phát triển mạnh, hình thành quan niệm cảnh không tâm tĩnh
(cảnh trí song tịch) trong thơ. Thích Hiệu Nhiên trong Thi thức chỉ ra:
người làm thơ Đường lựa chọn khái quát bình giá chủ quan. Cùng với
thuyết Duy Thức: cho chỉ có thức không có cảnh vì cảnh do thức biến.
Thức là sự biết của tấm lòng. Thành thử thi nhân sáng tác chủ chỗ “thủ
cảnh”. Do đó Lưu Vũ Tích (772 – 842) cho lự tĩnh cảnh cũng theo (lự
tịnh cảnh diệc tùy, Họa Hà Nam Bùi Doãn Thị lang). Đến đây, Chu Do giải
thích: Cúi xuống có tứ, ngẩng lên có vịnh, đạt tới mức sâu xa được
người đương thời gọi là thi thiền (Đường tài tử truyện, quyển 8). Thời
Ngũ Đại Từ Dần lại nói: Xét ra thơ là Thiền trong Nho. Một lời hợp đạo
muôn thuở đều biết (Thi học chỉ nam, quyển 4).
Về sau Nghiêm Thương Lang viết Thương lãng thi thoại đề xuất lấy thiền
dụ thi, dẫn thi nhập Thích; hình thành nên Thi học Thiền tông. Thuyết
minh đại lược quá trình hình thành quan niệm thơ thiền như vậy để chúng
ta lưu ý cách gọi thơ thiền của người Trung Hoa thiên về mặt thể tài.
Dễ thấy điều này là đa số thi kệ của thi tăng, học sĩ quy thiền làm ra
đều theo thơ Đường Cận thể. Thơ Cận thể lại thoát thai từ thuyết Tứ
thanh, sản phẩm tiếp biến Âm vận học Phật giáo. Nghiêm Vũ (1175 – 1264)
cũng thấy dấu vết đó mà cho thơ ngũ ngôn lại càng giống với Thiền.
Tựu trung, trường thẩm mỹ riêng biệt của thơ thiền hình thành từ chỗ
thi nhân đắc ý với biểu hiện của cảnh mà xúc cảm hòa nhịp sống “lặng
hành không lời” (tịnh hành vô ngôn) của thực tại (cảnh không tâm tĩnh).
Thơ đạt đến hợp nhất tâm cảnh – ngữ ý là một (cảnh giới vô sai biệt),
làm cho con người thống nhất nhân cách với nó; cảm nhận vẻ đẹp của cuộc
sống một cách trong sáng, hồn nhiên. Gọn hơn, mỹ cảm về sự không tịch
trong thơ thiền là sự thụ cảm cái đẹp cảnh không tâm tĩnh cùng những
biểu hiện của nó; qua nội dung hình thức thơ và qua quá trình sáng tác,
tiếp nhận thơ thiền. Tuy nhiên, do việc dịch thuật và lý giải các thuật
ngữ Phật học thiếu nhất quán, sự phân chia nhiều tông phái và đặc biệt
là sự triệt để Trung Quốc hóa Phật giáo khiến cho tình hình bình xướng,
luận giải càng về sau càng phức tạp: người lấy thiền thú bàn thi thú;
thiền phẩm bình xướng thi phẩm; kẻ lấy thiền lý luận thi lý, thiền pháp
giải thi pháp... Từ Đường (618 – 907) đến Tống (960 – 1279) xuất hiện
rất nhiều Thi thoại bàn tán, tranh luận về những vấn đề trên; phần
nhiều là ý kiến cá nhân trình bày kinh nghiệm sáng tác cùng hân thưởng
thơ thiền. Khó có thể thâu tóm thành hệ thống, không nói cho hết được.
Song có một thực tế như Lý Chi Nghi nhận xét: Thuyết thiền và làm thơ
vốn chẳng khác chi nhau, nhưng người làm được tốt cực ít (Cô Khê cư sĩ
văn tập, quyển 24). Cũng bởi lý do này mà Lâm Tế (787 – 867) cùng các
thi tăng đề xuất cách bình giải ấn tâm là triệt ngộ, lý ngộ hay tiệm
ngộ.
Nói chung, thiền ngộ là đạt đến trạng thái tâm thức không còn ảnh hưởng
bởi hoàn cảnh sự việc; thấu cảm được bình đẳng cùng mọi vật đồng nhất
cùng muôn loài. Ấy là sự chứng đạt toàn trí, thấy được sự bình đẳng an
lạc của các sự vật (vô) và phân biệt được sự khác nhau giữa các sự vật
(hữu).
Đúng như luận Du-già sư địa nói: Cảnh giới sở hành vô phân biệt trí;
nhập vào thì thiền tịnh; đối với mọi pháp lìa tự tính ngôn ngữ, giả
thuyết tự tính, bình đẳng bình đẳng (quyển 36).Thiền chủ trương “ngôn
đạo ngữ đoạn” nên thơ thiền thuộc loại “hữu tự thiền”. Do mượn ngôn
ngữ; hình tượng, âm thanh tiết tấu để ám chỉ được ý quên lời, nhằm giải
quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu cắt đứt tình giải, thưởng thức chữ nghĩa
và nhu cầu dùng ngôn ngữ để tư duy, giao tiếp. Cũng là phương tiện giúp
người tu chứng trở về với sự thinh lặng hợp nhất tâm – ngữ – ý, luôn
tiềm sinh duyên khởi cảnh phát. Đó là dấu ấn tiếp thu thi học cổ điển
Ấn trong thi học Thiền tông Trung Hoa. Thơ thiền ở ta hay Trung Quốc,
Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên đều xem cảnh không tâm tĩnh là trường thẩm
mỹ riêng, với cái nhìn cụ thể là: cái đẹp diệu kỳ của thể hiện nhịp
sống thơ (thiền huyền và thi diệu); cái đẹp vắng lặng hòa hợp soi chiếu
của hiện thực tâm cảnh (thiền không thi tịch). Do vậy, nó không mang
đến cho người đọc cảm giác hân thưởng sự tĩnh lặng như Suzuki khẳng
định.
Thời Lý – Trần, không thấy ông cha dùng thi thiền. Tất nhiên, ảnh hưởng
quan niệm thơ thiền Trung Hoa thì đã hẳn. Song khảo sát 349 văn bản thơ
thời này có trong Thơ văn Lý – Trần (3 tập), nhận thấy Trần Thái Tông
phê phán quan niệm thơ của Vương Duy (Thi Phật, 701 – 761) trong Niêm
tung kệ và khuyến cáo tăng đồ: nhìn lên công án chẳng thiên lệch. Riêng
Tuệ Trung thượng sĩ (1230 – 1291) nêu rõ quan niệm thi kệ (Già đà;
Phúng tụng): Khúc thi kệ là lời trân trọng tùy hứng (trân trọng già đà
tùy hứng lễ) để dâng lên vị Phật trong những người bình thường (tu tri
thế hữu nhân trung Phật) trong Thướng Phúc Đường Tiêu Dao thiền sư. Làm
thi kệ là: dọc ngang lời kệ viết ra ngay (tung hoành phóng ngữ trát già
đà). Đến Huyền Quang (1254 – 1334) xem thơ thiền là: thơ không thi
liệu, xuân không chủ (xuân vô chủ tích, thi vô liệu, Đề thơ trên vách
chùa Bào Khánh). Có thể thấy Thiền phái Yên Tử đồng nhất nhịp điệu sinh
tồn ngôn ngữ thơ với nhịp sống thường hằng; người làm thơ do trực cảm
mà phóng bút. Tứ thơ khai ngộ cảnh giới từ lặng lẽ không nói, thảnh
thơi thấy biết, lòng không vướng bận chi. Bởi lời hoặc chữ viết khi đã
nói – viết xong thì lập tức trở về im lặng (hữu cú vô cú, hữu ngôn vô
ngôn). Chấp nhận hữu tự thiền là để dẫn dắt thẳng nhập vào dòng vận
hành đương diễn của toàn bộ sự sống chúng sinh. Thể nhập vào một nhịp
sống xuân ở một thì hiện tại vĩnh viễn; một nhịp sống xuân bình đạm
vĩnh cữu. Thơ Lý – Trần phát hiện cơ chế chuyển hóa cảm thức thẩm mỹ
thành thiền vị nếm trải đời sống thực tại, khởi phát chan hòa tình cảm
chúng sinh: Đạo lý đương nhiên lộ cộng hành (khuyết danh). Theo thiển ý
đấy là chỗ tiếp thu sáng tạo, đơn giản hóa truyền thống thi học cổ Ấn
Độ và thi học Thiền tông Trung Hoa.
3. Mạch thơ thiền trong lòng văn học dân tộc
Khởi từ Huyền Quang phát hiện thơ nhịp sống xuân bình đạm, chất thiền
thời Lý – Trần đã ngấm sâu vào đời sống nhân dân, cấu thành văn hóa tâm
linh dân tộc. Từ đó trên bước đường hành đạo, mỗi nhà Nho Việt Nam thời
Trung Đại đều mang theo hạt giống không tịch. Rằng tuổi trẻ ra sức ưu
quốc ái dân, về già gắng sức hộ quốc an dân; thống nhất lộ trình tịnh
hành tinh tấn, an lạc trong chúng sinh; liên diễn đời sống tinh thần
đạo học của dân tộc gắn bó máu thịt với Tổ quốc luận (Phan Ngọc). Ấy là
cái vốn quy định sự khác biệt về bản chất tư tưởng và tình cảm thẩm mỹ,
so với cách chọn lựa ứng xử của kẻ sĩ Trung Hoa: Cứ ư Nho, y ư Đạo, đào
ư Thiền.
Trong văn học Việt Nam hiện đại, mỹ cảm thơ thiền bàng bạc ẩn hiện
trong Thơ mới. Ngay cả trong tình yêu tuổi trẻ cũng có sự hòa nhịp
duyên đó: Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên/ Cây me ríu rít cặp chim
chuyền... Anh với em như một cặp vần (Xuân Diệu, Thơ duyên). Gái quê
của Hàn Mặc Tử phảng phất phong vị thời xuân vĩnh cửu: Tiếng ca vắt vẻo
lưng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây/ Thầm thì với ai ngồi dưới
trúc / Nghe ra ý vị và thơ ngây... (Mùa xuân chín).
Mạch thơ có vị thiền hiện đại như vậy cũng chưa hề thiếu vắng trong thơ ca đương đại.
Người ta cũng thấy sức sống lâu bền của thơ ca theo thiền. Nó là nhịp
thơ sáng trong của hiểu biết từ tấm lòng hòa cảm. Ít ra điều ấy cũng
mang đến sự giải tỏa tinh thần bị tập nhiễm bởi hối hả chạy theo lợi
ích vật chất; vô cảm trước cái tiêu cực và cái ác...
Thơ thiền vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, trước tầm đón đợi của đa số
cộng đồng tiếp nhận, bởi trường mỹ cảm đặc thù của nó. Ngày nay, nghiên
cứu thơ thiền với sự hỗ trợ của Triết học ngôn ngữ và Mỹ học tiếp nhận;
nhìn vấn đề từ ba cơ sở Thiền sinh học (yoga), Thiền tôn giáo, Thiền
học nghệ thuật, người ta dễ hiểu hơn, cảm nhận được những điều mà một
thời được cho là kỳ bí, quái lạ. Tìm hiểu cách đọc, đặc trưng thi pháp
của thơ thiền Lý – Trần trên cơ sở so sánh với thi học cổ điển Ấn Độ,
Trung Hoa cùng các nước Đông Á, chúng ta sáng tỏ hơn nền thiền học Viêt
Nam vốn nhập thế, hòa hợp với nhịp sống đời liên diễn; hiểu đúng đắn
hơn về cảnh không tâm tĩnh vốn khá xa lạ với phủ nhận triệt để, đồng
nhất với hư vô... Tuy nhiên, để giúp người đọc có phương tiện đọc hiểu,
dễ nắm bắt, trên phương diện nghiên cứu cần tiếp tục làm rõ các mặt
tiếp biến, xem xét vấn đề từ phía nội điển giáo tông; so sánh với thiền
học Đông và Nam Á để xác tín mối quan hệ biện chứng giữa tinh thần dân
tộc và nhân loại; truyền thống và hiện đại.
Mỹ Tho 15.12.2017
Tài liệu tham khảo
1. Thích Nhuận Đàm (2016), Thể loại văn học Phật giáo, Văn hóa Phật giáo, số 260, tr.16 – 19.
2. Phan Thu Hiền (2006), Thi pháp học cổ điển Ấn Độ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. Tiêu Lệ Hoa (2010), So sánh tự giác văn học của thi tăng Đinh, Lê,
Lý, với thi tăng Đường Tống, Triết học, số 2 (225), số 3 (226). tr, 24
– 34; tr. 25 – 35.
4. Ibuki Atsushi (2007), Lịch sử Thiền học, Tàn Mộng Tử dịch, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.
5. Kenneth Kraft (2006), Con đường của hành giả, Thanh Chân dịch, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Henrich Zimmer (2006), Triết học Ấn Độ một cách tiếp cận mới, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.