Ghi nhận về hình tượng chó trong tác phẩm Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh
ghi nhan
Đào Nguyên
Có thể nói Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh (1640-1715) là tác phẩm văn
học đã dành số lượng trang nhiều nhất để viết về loài chó (chó thường và chó sói):
hoặc là chó đang sống trong hiện đời, hoặc là chó trong quá trình đầu thai hóa
kiếp. Đó là các truyện:
-
Truyện Chó săn nhỏ: truyện số 84 trong tổng số 431 truyện của Liêu
trai chí dị. Nguyên tác là Tiểu liệp khuyển (xem Liêu trai chí dị
trọn bộ, Nguyễn Đức Lân dịch, Nxb. Văn Học, 2006, tr.335-336).
-
Truyện Ngọn đèn hóa con chó, truyện số 99… Nguyên tác là Khuyển đăng
(Sđd, tr.407-409).
-
Truyện Mộng chó sói, truyện số 156… Nguyên tác: Mộng lang (Sđd,
tr.690-694).
-
Truyện Mối thù ba kiếp, truyện số 170… Nguyên tác: Tam sinh (Sđd,
tr.735-737).
-
Truyện Ba kiếp làm súc vật, truyện số 248… Nguyên tác: Tam sinh (Sđd,
tr.981-983).
-
Truyện Chó có nghĩa, truyện số 317… Nguyên tác: Nghĩa khuyển (Sđd,
tr.1087-1088).
-
Truyện Chó Sói, truyện số 371. Nguyên tác: Lang (Sđd,
tr.1156-1158).
-
Truyện Chó có nghĩa, truyện số 377… Nguyên tác: Nghĩa khuyển (Sđd,
tr.1163).
Điều rất nổi bật ở đây là, cũng như mảng truyện viết về giới Tăng sĩ của Phật
giáo(1), mảng truyện nói về sự việc tụng kinh, niệm Phật và giá trị
tâm linh của những sự việc ấy(2), hầu hết các truyện viết về chó đã
nêu dẫn ở trên đều có nội dung “kín đáo – truyền đạt những đạo lý về nhân quả,
nghiệp báo, tái sinh, luân hồi”(3). Nhân năm 2018 là năm Mậu Tuất,
chúng tôi xin giới thiệu về nội dung của 4 truyện trong số 8 truyện đã nêu (các
truyện số 156, 170, 248 và 377). Cũng là nhằm góp phần làm rõ dấu ấn của Phật
giáo đã in đậm nơi tác phẩm Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh.
1-
Truyện số 156: Mộng chó sói (Mộng lang)
Ông lão họ Bạch dân miền Trực Lệ, có người con trưởng là Giáp làm quan ở miền
Nam đã ba năm, vì đường sá xa xôi nên chẳng biết tin tức. Vừa hay có người bà
con xa họ Đinh tới chơi. Lâu ngày mới gặp, ông thiết đãi tử tế. Đinh vốn là tín
đồ đạo Phật, trong lúc chuyện trò, ông hỏi về việc nơi Âm ty. Đinh trả lời nhiều
câu huyền ảo, nên ông cũng không tin lắm, chỉ cười mỉm.
Đinh đi rồi, vài ngày sau, ông đang nằm ngủ, thấy Đinh trở lại rủ đi chơi, ông
liền đi theo. Vào một nơi chốn có thành quách, Đinh chỉ về một cánh cửa, bảo: -
Đây là nhà người cháu của cụ! Bấy giờ, đứa cháu con bà chị ruột của ông, đang
làm quan lệnh đất Tấn, ông lấy làm ngờ, hỏi: - Sao nó lại ở đây được? Định nói:
- Không tin, cụ cứ vào sẽ biết!
Ông vào, quả nhiên thấy cháu mình đội mũ cánh chuồn, giải trĩ (mũ áo quan Ngự
Sử) ngồi nghiêm chỉnh nơi công đường, cờ quạt, kiếm kích bày la liệt. Vì không
có người thông tin tức, Đinh lại kéo ông ra, bảo: - Dinh thự của công tử cũng ở
gần đây, cụ có muốn vào thăm không?
Ông nhận lời. Một lát, tới một dinh thự, Đinh nói: - Cụ vào đi. Nhìn ở chỗ cửa,
thấy một con chó sói rất lớn nằm chắn lối. Ông cả sợ, không dám tiến bước. Đinh
giục: - Cụ cứ vào đi! Qua một lần cửa nữa, thấy ngổn ngang khắp nhà trên nhà
dưới toàn là một lũ sói. Lại nhìn trên công đường, xương trắng chất cao như núi,
ông càng sợ. Đinh đưa mình chắn đỡ cho ông để cùng tiến vào. Công tử Giáp vừa từ
trong nhà bước ra, thấy cha đi cùng với Đinh, thì lộ vẻ mừng rỡ. Vừa ngồi, liền
gọi người nhà dọn rượu thịt. Bỗng thấy một con sói to lớn ngậm một người, đi
vào. Ông giật nẩy mình, đứng dậy hỏi: - Làm cái gì thế này?
Giáp nói: - Để đưa đầu bếp làm thức nhấm!
Ông vội ngăn lại, tim đập thùm thụp, cáo từ định về, nhưng bị đàn sói ngăn trở,
không biết nên đi hay ở. Bỗng thấy đàn sói kêu rống, tranh nhau chạy trốn, con
chui gầm bàn, con chui gầm giường. Ông kinh ngạc không hiểu có chuyện gì. Giây
lát, có hai mãnh sĩ mặc áo giáp vàng, mắt trợn trừng đi vào, lấy ra sợi dây đen
trói Giáp lại. Giáp ngã lăn ra đất biến thành con cọp, hàm răng tua tủa. Một
người rút gươm định chặt đầu cọp. Người kia bảo: - Ấy thôi! Đợi đến tháng tư
sang năm hãy hay. Nay cứ tạm ghè gãy hàm răng của nó đi cũng được! Bèn rút ra
một chiếc búa lớn bổ mạnh vào hàm răng cọp. Răng rụng lả tả, cọp kêu rống lên,
chuyển động cả núi non.
Ông sợ quá, giật mình tỉnh dậy, thì là một giấc mộng, trong lòng lấy làm lạ. Cho
người mời Đinh, Đinh từ chối không đến. Ông ghi nhớ giấc mộng, sai con thứ tới
thăm Giáp, đưa thư khuyên răn tha thiết. Người em tới nơi, thấy đám răng cửa của
anh rụng hết sạch, kinh hãi, hỏi tại sao. Thì ra Giáp say rượu ngã ngựa, bị gãy
răng. Xét ngày tháng thì đúng vào hôm cha nằm mộng, lại càng hãi, lấy thư của
cha đưa ra. Giáp đọc thư, mặt biến sắc. Một lát, nói: - Đó là ảo mộng, bỗng
nhiên mà phù hợp, chứ có lạ gì! Bấy giờ, Giáp đang hối lộ quan trên, được quan
yêu mến, tiến cử, nên không lấy chuyện mộng mị đáng để tâm. Người em ở chơi mấy
ngày, thấy đám sai dịch đầy nhà, người chạy chọt đút lót, nửa đêm chưa hết ra
vào. Em khóc lóc khuyên can. Giáp nói: - Em ở chốn quê mùa, không biết chỗ ngoắt
ngoéo của con đường làm quan. Quyền bãi truất là của quan trên, chứ chẳng phải ở
đám dân bách tính. Quan trên vui thì mình là ông quan tốt. Mình yêu dân thì làm
cách nào cho quan trên vui lòng?
Người em biết không thể khuyên can, bèn về, thưa hết cho cha hay. Ông nghe được,
khóc lớn, mà không biết làm sao, đành bỏ của trong nhà ra cứu giúp kẻ nghèo khó,
hàng ngày khấn vái thần linh, chỉ xin quả báo giáng vào thằng nghịch tử, mà tha
cho vợ con nó.
Năm sau, có tin Giáp được tiến cử làm chức Lại Đô, người ta kéo tới mừng chật
nhà, riêng Bạch ông thì rầu rĩ, nằm bẹp một chỗ không ra tiếp khách.
Không bao lâu, nghe tin con về thăm nhà, giữa đường gặp giặc cướp, tớ thầy đều
tán mạng, ông mới trở dậy bảo mọi người rằng: - Quỷ thần nổi giận chỉ trút lên
một thân nó, ơn trên phù hộ gia đình nhà ta không thể nói là không trọng hậu!
Bèn thắp hương lễ tạ. Người ta an ủi ông rằng đó chỉ là tin đồn đại giữa đường,
nhưng ông tin lắm, chẳng chút nghi ngờ, ngay hôm ấy cho lập bàn thờ con.
Nhưng thực ra Giáp chưa chết. Nguyên là tháng tư năm ấy, Giáp giải nhiệm, vừa
rời khỏi địa giới của nhiệm sở cũ thì gặp cướp. Giáp dốc túi dâng chúng, thì bọn
cướp bảo: - Việc chúng ta làm đây là làm vì dân cả một ấp, để giải nỗi oan phẫn,
chứ bọn ta có phải chuyên nghề bóc lột này đâu! Nói rồi, bèn chặt đầu Giáp. Lại
hỏi đám gia nhân xem Tư Đại Thành là ai. Tư vốn là kẻ tâm phúc của Giáp giúp
quan hung bạo làm ác. Gia nhân chỉ cho, bọn cướp lại chém luôn. Lần lượt bốn
chức dịch sâu mọt là tay chân của Giáp, được Giáp mang theo về kinh, đều bị giết
sạch, xong rồi, chúng mới chia nhau tiền bạc, dong ngựa trốn đi.
Hồn của Giáp còn đang quanh quẩn bên đường, chợt có một vị quan Tể đi qua, hỏi:
- Người bị giết là ai vậy? Quân hầu đi trước dẹp đường thưa: - Đó là viên Tri
huyện Mỗ họ Bạch.
Quan Tể nói: - Nó là con trai của Bạch ông. Không nên để ông lão phải thấy cảnh
kinh hãi đó. Ta nên ghép đầu nó lại.
Liền có người nhặt đầu của Giáp đặt trên cổ và nói: - Người gian tà không nên để
cho ngay ngắn. Cứ đặt cái đầu cho sát hai vai là được.
Xong việc thì ra đi. Hồi lâu, Giáp sống lại. Vợ con của Giáp đi lượm xác, thấy
còn hơi thở, bèn vực lên xe chở về. Nhẹ nhàng đổ nước cho uống, cũng uống được.
Nhưng từ đấy sống gửi nơi quê người, nghèo túng không về được quê. Nửa năm sau,
Bạch ông mới hay tin đích xác, sai đứa con thứ tới đưa về.
Giáp tuy được sống lại, nhưng mắt nhìn xuống bụng, chẳng còn ra vẻ con người
nữa!
Thằng cháu gọi Bạch ông bằng cậu, việc hành chính giỏi giang, cùng năm ấy được
thăng Ngự Sử, đúng như giấc mộng (Dẫn theo Liêu trai chí dị trọn bộ,
Nguyễn Đức Lân dịch, Nxb. Văn Học, 2006, tr.690-694).
·
Lời bàn của Dị Sử Thị(4):
Xin trộm phép than rằng: Cái giống quan hùm lại sói, trong thiên hạ thật nhan
nhản, không phải là hiếm. Nếu may mà quan không là hùm thì lại cũng đều là sói.
Huống hồ còn có những ông quan dữ hơn hùm. Ôi! Con người ta ở đời chỉ lo không
trông được suốt về đàng sau. Ấy thế mà viên Tri huyện họ Bạch được sống lại để
chịu cái tội lúc nào cũng phải trông thấy hai vai đàng sau mà nghe lời quỷ thần,
thật là mầu nhiệm lắm vậy! (Dẫn theo Liêu trai chí dị I, Nguyễn Hoạt
dịch, Cơ sở Xuất bản Tự do, S, 1960, tr.45).
2 – Truyện số 170: Mối thù ba kiếp(5)
Đất Hồ Nam có một người nhớ được những chuyện từ ba kiếp trước. Một kiếp Mỗ làm
Lệnh Doãn, được cử đi chấm kỳ thi Hương. Có danh sĩ Hưng Ô Đường bị đánh rớt,
phẫn chí tự tử chết. Xuống Âm ty, Hưng liền mang văn bài kiện với Diêm vương.
Đơn kiện vừa đưa, thì đám Ma cùng bệnh có cả ngàn vạn tên liền tôn Hưng làm đầu,
tụ họp thành đảng rất đông. Mỗ bị bắt xuống cùng Hưng đối chất. Diêm vương mới
hỏi: - Mày được quyền cân nhắc văn chương, cớ sao lại đánh hỏng học trò giỏi mà
tiến cử kẻ phàm phu?
Mỗ cãi rằng: - Trên còn có quan Tổng Tài, tôi chẳng qua chỉ là kẻ thừa hành
thôi.
Diêm vương liền vất thẻ bài, sai đi bắt quan Chánh chủ khảo. Hồi lâu, bắt về,
Diêm vương thuật lại lời của Mỗ. Quan Chủ khảo thưa: - Tôi chẳng qua chỉ duyệt
lại những bài đã chấm mà thôi. Tuy có bài hay nhưng các giám khảo không đưa lên,
làm sao tôi biết cho được!
Diêm vương phán: - Việc này không thể người nọ đổ cho người kia. Cả hai đều
thiếu bổn phận như nhau. Phải đánh đòn cả hai. Hình phạt sắp thi hành, Hưng
không vừa ý, lại kêu gào thảm thiết. Đám quỷ ở hai bên thềm đồng loạt gào theo.
Diêm vương hỏi tại sao? Hưng phản kháng rằng: - Hình phạt nhẹ quá! Phải khoét
hai con mắt để trị tội không biết văn chương, như thế mới vừa.
Diêm vương không chịu, đám quỷ càng gào to thêm.
Diêm vương nói: - Không phải là nó không muốn đọc văn hay, mà vì sức hiểu biết
của nó hẹp hòi đấy thôi!
Đám quỷ lại xin mổ bụng moi tim. Diêm vương bất đắc dĩ phải sai lột mũ áo của
hai người, lấy dao sắc mổ bụng. Máu chảy lênh láng, hai người rên la thảm não.
Đám quỷ khoái quá đều nói: - Bọn ta uất ức dưới suối vàng đã lâu, chưa được ai
giải uất cho. Nay gặp được Hưng tiên sinh, bao nhiêu oán khí đã tiêu hết. Đoạn
rồi ồn ào giải tán.
Mỗ bị mổ bụng rồi thì được Quỷ sứ áp giải đi Thiểm Tây làm con của một người dân
thường. Năm ngoài 20 tuổi, gặp lúc giặc cướp địa phương nổi loạn, bị chúng bắt
đi. Sau đấy thì Tuần binh kéo tới dẹp giặc, bắt được tù binh rất nhiều. Mỗ cũng
ở trong đám ấy, nhưng nghĩ mình không phải là giặc thật, hy vọng sẽ được tha.
Đến khi nhìn thấy viên quan ngồi trên, tuổi cũng chỉ mới ngoài đôi mươi, thì
chính là Hưng vậy, bèn kinh hãi than rằng: - Đời ta tàn rồi!
Thế rồi, bao nhiêu tù binh được tha hết, riêng Mỗ tới sau cùng. Quan chẳng để
cho cãi, đem ra chém liền.
Mỗ xuống Âm ty đưa đơn kiện Hưng. Diêm vương không cho bắt ngay mà đợi hết tuổi
thọ mới bắt. Đằng đẳng hơn 30 năm, Hưng mới đến, cùng Mỗ đối chất. Hưng vì tội
coi rẻ mạng người, phải phạt làm súc vật. Tính lại việc làm của Mỗ lúc còn sống,
thấy hắn từng đánh đập cha mẹ, nên phạt tội ngang với Hưng. Mỗ sợ kiếp sau (kiếp
thứ 3) Hưng lại báo thù, nên xin cho được làm giống vật to lớn. Diêm vương chuẩn
y, phán cho Mỗ làm giống chó to, còn Hưng thì làm giống chó nhỏ.
Mỗ sinh ra làm chó, trong một cửa tiệm giữa chợ, ở phía Bắc phủ Thuận Thiên. Một
hôm, nằm ở đầu ngõ, bỗng thấy có người khách từ Nam Trung tới, dắt theo một con
chó lông vàng, nhỏ bằng con chồn. Mỗ nhìn xem kỹ, thì chính là Hưng. Thấy hắn bé
nhỏ, xem thường nên Mỗ xông vào cắn ngay. Con chó nhỏ liền ngoạm lấy cổ con chó
lớn, day nát như cưa. Chó lớn vùng vẫy, kêu ăng ẳng muốn trốn. Người trong chợ
xúm vào can ra cũng không được. Giây lát, cả hai con chó cùng chết, và cùng
xuống Âm ty, cùng gân miệng cãi.
Diêm vương phán bảo: - Oan oan tương báo đến bao giờ mới thôi! Ta phải giải cái
thù này mới được! Bèn phán cho Hưng kiếp sau làm con rể của Mỗ.
Mỗ sinh ra, tên là Khánh Vân. Năm 28 tuổi đậu kỳ thi Hương, đẻ được một gái xinh
đẹp, mỹ miều, các nhà thế tộc tranh nhau tới hỏi, Mỗ đều không nhận. Một hôm, Mỗ
qua quận bên chơi gặp lúc quan Học sử đang trả bài thi cho học trò. Quyển đứng
đầu là của một người họ Lý, nhưng chính thực là Hưng. Mỗ bèn mời Lý ra chơi nhà
trọ, đối đãi tử tế. Hỏi thăm gia cảnh, thì hắn chưa vợ, bèn hứa gả con gái cho.
Ai cũng bảo Mỗ có bụng lân tài, chứ có biết đâu là nhân quả kiếp trước. Thế rồi,
Lý cưới vợ về, vợ chồng hợp nhau rất là vui vẻ. Nhưng chàng rể thường ỷ tài,
khinh rẻ ông nhạc, lắm khi suốt năm không tới chơi nhà, nhưng ông cũng nhịn.
Về sau, chàng rể đã nửa đời người còn lận đận, khổ về đường sinh kế. Ông nhiều
lần lo liệu cho, mới được đắc chí nơi chốn trường thi. Từ đó, chàng rể, cha vợ
thân thiết nhau như cha con một nhà.
(Dẫn theo Liêu trai chí dị trọn bộ, Nguyễn Đức Lân dịch, Sđd,
tr.735-737).
·
Lời bàn của Dị Sử Thị:
Một lần bị đánh hỏng trong kỳ thi Hương, mà ba kiếp không giải được mối oán thù,
cái oán độc hại đến thế ư! Về cách xử trí của Diêm vương kể cũng hay, nhưng dưới
bệ có ngàn vạn hồn ma ồn ào nhiễu loạn, khiến cho chúng ta thấy rằng, trong
thiên hạ, tấm lòng của bố vợ yêu thương con rể, chẳng qua chỉ là do những tiếng
kêu đau thương bi thảm ở dưới Âm ty đó mà thôi. Cái ý châm biếm, mỉa mai kể ra
có phần quá khắc nghiệt, nhưng những bậc quân tử tất cũng nên lấy đó làm gương.
(Dẫn theo Liêu trai chí dị I, Nguyễn Hoạt dịch, Sđd, tr.206).
·
Chúng tôi nơi bài viết: “Một số ghi nhận và đề xuất…” đăng trên Nguyệt san Giác
Ngộ số 244, tháng 7-2016, cũng đã nói qua về Phật lý được kín đáo truyền đạt
trong truyện này. Ở đây xin được nhắc lại: Đó chính là vấn đề đầu thai chuyển
kiếp, luân hồi của chúng sinh nơi sáu đường. Nếu cứ nối kết theo oán thù thì
thật là đáng sợ, hay nói như nhân vật Diêm vương trong truyện: “Oan oan tương
báo đến bao giờ mới thôi!”. Do đấy, chỉ sống với tình thân ái, tạo được mối
tương quan thân ái, thì con người mới có thể sống gần nhau, cùng giúp đỡ nhau
tiến tới, hướng thượng để có được hạnh phúc và đạt đến giác ngộ giải thoát. Tham
khảo kinh Pháp cú: “Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù,
chỉ có từ bi mới trừ được hận thù. Đó là định luật ngàn thu”. (Bđd, tr.93).
2-
Truyện số 248: Ba kiếp làm súc vật
Ông Hiếu Liêm họ Lưu nhớ được các chuyện về kiếp trước của mình. Ông với anh Văn
Bí nhà tôi là bạn cùng tuổi. Ông thường kể rõ rằng: Một kiếp được làm quan, làm
nhiều điều trái lẽ, nhưng đến năm 62 tuổi mới mất. Lúc mới gặp Diêm vương, ngài
tiếp đãi tử tế như các vị quan chức, mời ngồi và cho uống trà. Nhìn trà nơi chén
của Diêm vương thấy xanh và trong suốt, còn chén của mình thì đục lờ lờ như keo,
mới nghĩ thầm: Thuốc mê hồn thang hẳn là nước này đây! Thừa lúc Diêm vương quay
đi chỗ khác, mới cầm chén tựa vào góc bàn, đổ đi, giả vờ như đã uống hết. Giây
lát, kể tới tội ác đã làm khi còn sống, Diêm vương nổi giận sai quỷ sứ lôi
xuống, bắt tội làm ngựa. Liền có quỷ sứ coi chuồng ngựa tới trói lôi đi đến một
nhà kia, bực cửa rất cao, không thể nhảy qua, đang lung túng thì bị quỷ sứ ra
sức đánh đập, đau quá ngã lăn ra. Nhìn lại thì thân đã ở trong chuồng ngựa. Có
tiếng người nói: - Ngựa cái vừa đẻ. Con đực!
Trong lòng rất sáng suốt, chỉ không nói được mà thôi. Thấy bụng đói mèm, bất đắc
dĩ phải ghé bên mẹ tìm bú.
Qua bốn năm năm, thân thể to lớn mà rất sợ roi vọt. Thấy roi liền sợ hãi chạy
đi. Mỗi khi chủ nhân cưỡi, đều đóng yên cương tử tế, và buông lỏng dây cương, đi
từ từ, nên cũng không khổ lắm. Nhưng đám đầy tớ cưỡi thì chúng không cần đến yên
cương, cứ thúc gót giày vào hai bên sườn, đau thấu tim gan. Vì thế, rất uất hận,
bỏ ăn ba ngày, liền chết.
Tới Âm ty, Diêm vương tra sổ, thấy tội chưa mãn, trách sao trốn nợ, bèn sai lột
da, bắt làm chó. Uất ức, rầu rĩ, không muốn đi, đám quỷ liền vụt túi bụi, đau
quá, trốn ra ngoài đồng, nghĩ chẳng thà chết quách cho rồi! Giận dữ, đâm đầu vào
tường, liền ngã vật ra không dậy được. Nhìn lại thì thân mình đã nằm trong cũi
chó, và chó mẹ đang liếm những chỗ đau kia. Mới hay thân mình lại sinh ra ở đời.
Dần dà lớn lên, thấy cứt đái cũng biết là dơ, mà ngửi lại thấy thơm. Tuy nhiên,
đứng ngẫm nghĩ một hồi, rồi cũng không ăn. Làm chó được một năm, thường phẫn uất
muốn chết. Lại sợ tội trốn nợ, mà chủ nhân cứ nuôi mãi, không nở giết, bèn cắn
vào đùi của chủ, rơi hẳn một miếng thịt. Chủ nhân giận, vác gậy đập chết. Diêm
vương xét tội, giận là chó điên, đánh cho mấy trăm roi, bắt phải làm rắn.
Bị giam trong ngục tối, chẳng thấy ánh mặt trời, phiền muộn quá, mới trèo tường,
leo lên mái nhà, đục lỗ chui ra. Quay nhìn lại thì thân mình đang nằm trong đám
cỏ rậm, rõ ràng là rắn. Bèn lập lời thề rằng không giết hại sinh vật. Có đói thì
ăn cây ăn quả mà thôi. Được hơn một năm, thường nghĩ tự tận là không được, hại
người để người giết cũng không xong, mới nghĩ tìm cách gì chết cho lương thiện,
mà nghĩ chưa ra. Một hôm, đang ẩn trong đám cỏ, chợt nghe có tiếng xe chạy qua,
vội bò ra chắn lối. Xe đang ruổi mau, cán phải, đứt làm hai khúc. Diêm vương lấy
làm lạ sao tới sớm thế, mới bò ra tự kể chuyện mình. Diêm vương thương là vô tội
mà bị giết, bằng lòng cho được mãn hạn, trở lại làm người. Ấy là Lưu Công vậy.
Ông sinh ra đã biết nói. Văn chương thư sử xem qua đọc được liền. Năm Tân Dậu đỗ
Hiếu Liêm. Ông thường khuyên người ta có cưỡi ngựa thì nên đặt yên cho dầy, vì
chân mà thúc vào mình ngựa, thì ngựa cảm thấy còn đau hơn roi vọt nữa.
(Dẫn theo Liêu trai chí dị trọn bộ, Sđd, tr.981-983).
·
Ghi nhận: Lưu Công là một con người có trí tuệ. Do vì trong đời làm quan đã gây
tạo nhiều nghiệp ác nên phải bị đọa làm súc vật trong 3 kiếp: làm ngựa, làm chó
rồi làm rắn. Nhờ có trí tuệ, nên lần mới gặp Diêm vương, Lưu Công đã thấy được
chỗ khác nhau giữa chén trà của Diêm vương và chén trà của mình do Diêm vương
mời! Lại nhờ có trí tuệ, nên trong ba kiếp bị đọa làm súc vật, Lưu Công vẫn luôn
có ít nhiều tỉnh táo, suy xét, không hoàn toàn an phận với số kiếp hiện có. Nơi
số kiếp làm rắn thì đã lập thệ nguyện không giết hại sinh vật, đói thì ăn cây cỏ
hoa trái mà thôi. Và cũng tìm ra một cách chết tương đối ổn thỏa để hy vọng
thoát kiếp đọa đày, trở lại làm người, làm người lương thiện, có trí tuệ để
hướng thượng. Xin tham khảo kinh Pháp cú:
Đêm dài cho kẻ thức
Đường dài cho kẻ mệt
Luân hồi dài, kẻ ngu
Không biết pháp chân diệu.(6)
3-
Truyện số 377: Chó có nghĩa
Thôn Chu có Cổ Mỗ, đi buôn bán ở Vu Hồ, thu được nhiều lời, rồi thuê thuyền định
về quê. Lại thấy trên bờ đê có một người đồ tể trói một con chó. Cổ Mỗ bèn trả
giá cao mua lấy, đem về nuôi trên thuyền. Gả lái đò vốn là một tên giặc cướp xưa
nay, trông thấy khách ăn mặc ra vẻ giàu có, bèn chèo thuyền ra quãng vắng, có
nhiều cây cỏ um tùm, xách đao định giết. Cổ năn nỉ xin cho được chết toàn thây,
tên cướp bèn nhét vào bao tải, đẩy xuống sông. Con chó thấy vậy, kêu rít lên rồi
nhảy xuống nước, miệng ngậm vào bao tải, cùng nhau chìm nổi, trôi mãi chẳng biết
bao xa, tới chỗ cạn mới ngừng lại. Con chó liền nhảy khỏi mặt nước, tìm tới chỗ
có người ở, kêu oăng oẳng rất bi ai. Có người thấy lạ, đi theo nó ra chỗ kia,
thấy bao tải dưới nước, bèn lôi lên, cắt dây buộc. Khách chưa chết, kể hết sự
tình. Lại năn nỉ cùng bác thuyền chài, xin chở cho về Vu Hồ, định đợi thuyền của
tên cướp quay trở lại. Lên thuyền, thấy mất con chó, lòng rất thương tiếc.
Qua cửa quan, ba bốn ngày, thuyền buôn đông như rừng mà thuyền của tên giặc cướp
chẳng thấy đâu cả. Bỗng con chó ở đâu chạy lại, hướng vào chủ sủa vang. Gọi to,
nó liền chạy đi. Cổ xuống thuyền đi theo chó, thấy nó chồm lên một chiếc thuyền
nọ, cắn chặt vào bắp vế của một người. Đánh nó, nó cũng không buông. Cổ lại gần
quát mắng chó, thì cái người bị chó cắn chính là tên cướp. Quần áo cùng thuyền
của hắn đều thay đổi, vì thế mới không nhận ra. Trói lôi đi, thì may túi tiền
còn nguyên.
Than ôi! Chó mà báo ơn như vậy, thì những kẻ vô tâm can trên đời, chẳng thẹn với
nó ư!
(Dẫn theo Liêu trai chí dị trọn bộ, Sđd, tr.1163).
·
Ghi nhận: Ở đây tuy nói về chó có nghĩa nhưng thực chất vẫn là lý nhân quả báo
ứng. Như tục ngữ Việt Nam đã nói: Cứu vật vật trả ơn…
Trong Nam trung tạp ngâm, thi hào Nguyễn Du (1765-1820) có bài thơ
Điệu khuyển (Thương con chó) viết theo thể ngũ ngôn gồm 10 câu như sau:
Tuấn mã bất lão tử
Liệt nữ vô thiện chung
Phàm sinh phụ kỳ khí
Thiên địa phi sở dung.
Niệm nhĩ thuộc thổ súc
Dữ nhân mao cốt đồng
Tham tiến bất tri chỉ
Vẫn thân hàn sơn trung.
Vẫn thân vật thán uyển
Sổ thí vô toàn công.
(Tuấn mã chẳng chết già
Liệt nữ đời dang dở
Sinh ra khí phách đầy
Đất trời chứa, không chỗ.
Nghĩ mày giống súc sinh
Thịt xương như người đó
Ham tiến chẳng biết dừng
Núi thẳm thây đành bỏ.
Bỏ mình chẳng oán than
Uống sức hoài thi thố).
(Ngô Linh Ngọc dịch. Nguyễn Du toàn tập I. Nxb. Văn Học, 1996, tr.199-200).
Chú thích:
(1)
Xem Bài viết của Đào Nguyên: Giới thiệu mảng truyện viết về giới Tăng sĩ của
Phật giáo trong Liêu trai chí dị (bài sẽ đăng).
(2)
Xem Bài viết của Đào Nguyên: Giới thiệu tóm tắt mảng truyện nói về sự việc niệm
Phật tụng kinh trong Liêu trai chí dị (bài sẽ đăng).
(3)
Lời bạt của HT.Viên Minh, in trong Phật lý qua Liêu trai của Lý Việt Dũng.
Nxb. Hồng Đức, 2016, tr.14.
(4)
Phần đông các nhà nghiên cứu đều cho Dị Sử Thị là tác giả Bồ Tùng Linh. Có người
thì cho là Vương Ngư Dương (1634-1711).
(5)
Truyện này chúng tôi đã nêu thuật tóm lược (có lược bớt một số đoạn) trong bài
viết: Một số ghi nhận và đề xuất… Lần nêu thuật ấy là theo bản dịch của Lý Việt
Dũng.
(6)
Xem kinh Pháp cú. Lời Phật dạy. Pāli – Anh – Việt – Hán đối chiếu. Nxb.
Hồng Đức, 2014, tr.51.