(Thân tặng bạn Võ Văn Huệ
ở Cali)
Thuộc tính con người là ham muốn, thậm
chí còn vô hạn, thế nên kỷ niệm nào cũng là kỷ niệm buồn.
Thời gian đã cuốn trôi đi buồn vui, yêu giận, với chính mình,
với tình đời, loanh quanh trong một kiếp nhân sinh, một đời
lãng tử, lênh đênh qua mấy ngọn hải triều, để nghe trong ta
một thuở xa xưa, ghi dấu phế hưng của một thời lãng mạn bi
hùng.
Lối xưa xe ngựa hồn thu
thảo
Ngã cũ lâu đài bóng tịch
dương
(Bà Huyện Thanh Quan)
Vẫn âm vang câu hỏi ngàn năm, sống và
chết, ai còn ai mất. Bởi những kẻ ra đi không bao giờ trở
lại. Bức tranh vân cẩu của thời đại ấy, cõi nhân sinh là gì?
Thời đại phải chăng như bóng câu, đến rồi đi, cái còn đọng
lại như là tồn tại của bóng mờ quá khứ.
Gió lây lất bốn phương về
dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với
hai tay
Bùi Giáng
Năm mươi năm đã đi qua, từ khi tôi biết
yêu. Từ khi tôi nhìn thấy ngọn cỏ non gục đầu dưới lớp bụi
nặng trĩu ven đường mà bỗng thấy rạo rực với những ảo ảnh
chập chờn. Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao và nghe đâu
đó có tiếng hát thì thầm:
“Ta đưa em sang sông/
Chiều xưa mưa rơi âm thầm”
Đó là những âm hưởng rung động, chấn động
đầu đời. Tôi chẳng hiểu tại sao thế. Quả thật, còn nhiều
điều tôi vẫn chưa hiểu. Và lại đi tìm đâu đó hoài niệm về
một quá khứ mà mình chưa từng có mặt. Bóng ma của cái quá
khứ vô tri xa lạ ấy, đã một thời ám ảnh.
Tuổi học trò với hành trang chỉ là một
gói hoài niệm trong bóng đèn dầu hiu hắt vàng vọt hay dưới
bóng điện đường trong những chiều lất phất mưa bay.
Rồi khi lớn lên, ta bị ném vào đấu trường
để vật lộn với nhân sinh, dường như những ký ức đó đã bị vùi
lấp trong lớp bụi mù phố thị, xôn xao tiếng vọng từ hí
trường giả dối, tô điểm những giá trị phù hoa không thực
chất.
Rốt cuộc, đâu là giá trị nhân sinh. Thế
giới này thực hay hư ảo, mang đầy hoài niệm hay ước mơ, thế
giới ấy là gì? Tuổi thanh xuân ấy được ghi dấu bằng những
vết sẹo trong tâm hồn, bằng những vết cắt sâu vào da thịt
tuổi dậy thì đang chớm nở tình yêu rình rập, kín đáo e thẹn
và nhức nhối.
Trong nỗi ưu tư khắc khoải về lẽ sống
nhân sinh và chiêm nghiệm những biến động trong sự vận hành
của thế giới nội tâm, ta cảm nhận được âm vang một sự đồng
cảm khi ta nghe thấy được những ẩn khuất sâu xa trong ca từ
Nhật Ngân, người nhạc sĩ, cựu học sinh PCT đồng môn đồng
khóa 56 – 63, qua hơn 200 ca khúc của ông. Sáng tác đầu tay
của anh cùng viết với nhạc sĩ Y Vân năm 1959 là ca khúc “Tôi
đưa em sang sông”.
Trong một bài phỏng vấn trên RFA, anh cho
biết khung cảnh bản tình ca này là bến đò An Hải bên sông
Hàn Đà Nẵng. Một chàng trai, danh phận chưa có, ngậm ngùi
chia tay người yêu phải theo lời gia đình đi lấy chồng. Anh
buồn với chính mình, với tình đời và tình người, nhạc sĩ
dường như trong khoảnh khắc đã tan biến vào một thế giới
hoang liêu, như một lãng tử bị ném vào cuộc lữ hành bất định
vào xa xăm của quá khứ: “Tôi đưa em sang sông/ Chiều xưa
mưa rơi âm thầm ”.
Có thể mưa ở ngoài trời, cũng có thể mưa
cả trong lòng như những giọt lệ bi thương của định mệnh nhân
sinh, cho tình yêu ngây thơ còn ray rứt bởi hoài niệm, vẫn
không mờ nhạt bởi bóng thời gian.
Đà Nẵng lúc bấy giờ đất rộng người thưa
nên phố xá có phần hoang vắng. Thế hệ học trò tuổi dậy thì
của chúng tôi đã lớn lên trong không gian trơ trụi và thời
gian đang tàn lụi dần trong viễn tượng của thị giác, đưa đẩy
chúng tôi rong ruổi theo một thực tại không hề tồn tại nhưng
hiện thực trong tầm tay bởi sự thách thức của tình yêu. Với
sự thách thức đó, mỗi người trong chúng tôi sống và đi tìm
một cái gì đó, một ý nghĩa nào đó cho sự sống hay lẽ sống
cho chính mình. Có phải chăng, đó là tình yêu, là hạnh phúc,
là tài sản, danh vọng hay quyền lực. Nếu thế, ta phải trả
giả bằng sự đọa đày tâm trí, làm khổ nhọc hình hài để đuối
bắt những gì mà tự cho nó là tinh hoa của đời sống. Nhưng
một khi có những khoảnh khắc bình an nội tại, ta chợt nhận
rằng cái lẽ sống như thế thật phù du, được bao phủ bởi ảo
ảnh trùng trùng.
Thế nhưng, còn có những phương trời cao
rộng đan dệt bằng con đường chí thiện mà nơi đó ta nhìn thấy
những giá trị cao cả của đời sống, giá trị cao hơn các nấc
thang mà xã hội đã thiết chế nên một trật tự được tô điểm vẽ
vời. Và dường như có rất ít người chọn lựa phương trời như
thế.
* *
*
Bây giờ ngày qua ngày, giật mình ngẫm
lại, nhìn bóng thời gian đi qua, mấy ai không đầu bạc
ngồi đợi gió sang canh. Bởi vì con nước trôi xuôi nên
bến bờ cô độc. Phố thị với những khủng hoảng cơ giới trầm
trọng. Rồi những đêm theo dõi bóng trăng mờ, tìm về “cây
đa bến cũ, con đò năm xưa” để “đưa em sang sông/
chiều xưa mưa rơi âm thầm” nay còn đâu?. Âm hưởng của
bản tình ca Nhật Ngân chợt đẩy tâm tư người viết vào những
bước đường phiêu lưu của lịch sử. Lịch sử bồng bột như tấn
kịch trên sân khấu ồn ào, khi hạ màn chính là lúc tỉnh mộng
thấy mình như nghệ sĩ cô đơn lạc loài. Anh đã xót xa trong
tâm sự đó và gửi gắm trong bản tình ca “Sỏi đá buồn tênh”,
mà đã có lần được ca sĩ tên tuổi Khánh Ly đồng cảm chia sẻ
qua giọng hát trầm buồn của mình trên sóng nhạc hải ngoại.
Tôi ghi chép bài hát giới thiệu với các
bạn để thưởng thức và chia sẻ nỗi sầu trường mộng nhân sinh
của nhạc sĩ quá cố như một kỷ niệm buồn thời còn trên ghế
nhà trường và thầm cầu mong anh siêu thoát khỏi chốn trần
gian.
“ Đôi khi ta thấy ta như
viên đá cuội lăn trên đường
Nhìn dòng đời vô tình đi
qua, hạt bụi nào vô tình bôi xóa
Đôi khi ta nghĩ mình ôi
nhỏ bé như hạt sương treo đầu cành
Đôi khi ta thấy ta như
bong bóng nhẹ bay lên trời
Nhìn cuộc đời như trò trẻ
chơi, nhìn cuộc đời như tuồng sân khấu
Đôi khi ta nghĩ mình như
hạt cát trong biển khơi ôi phù du
Còn lại em, còn lại em,
ôi phương trời phiêu lãng
Mãi xa xăm áo em bay, ôi
khuất lấp mây trời
Vòng tay xanh, vòng tay
xanh, ôi vòng tay đã mỏi
Tiếng hát nào, tiếng hát
nào, bây giờ chỉ còn âm xưa
Đôi khi ta thấy ta như
con bướm lạ bay vô vườn
Rồi dật dờ trên ngàn muôn
hoa, rồi lặng lờ im lìm trong lá
Đôi khi ta nghĩ mình như
là đá, ôi lặng câm, ôi buồn tênh!”
Đà Nẵng, những ngày cuối
thu
Đặng Công Hanh