Tâm sự tuổi thất thập
tam su
Có thể nói, thế hệ chúng ta và các thế hệ kế cận đã sống trong thời
kỳ mà cuộc chiến diễn ra ở cường độ cao nhất cùng với sự hủy diệt, và
tàn phá trên qui mô tàn bạo. Một phần sự sống đã bị tước đoạt, bị loại
bỏ một cách chậm rãi, thay vào đó là khoảng trống phi lý trong
đôi vòng tay suốt tuổi học trò đang lớn dần trong tâm hồn. Đó là một
thứ quà tặng mà chất liệu là sự sụp đổ, tàn phá và mất mát không có đền
bù trong suốt lề tồn sinh.
Rõ ràng, chúng ta đã bước đi trên con đường trước mắt không phải
chính mình đã nhìn thấy khi ánh bình minh xuất hiện, mà do dấu tích hay
lối mòn nhiều thế hệ trước đó đã đi. Mỗi người trong chúng ta sống và
đi tìm một cái gì đó, một ý nghĩa nào đó cho sự sống hay lẽ sống của
mình như tình yêu, hạnh phúc, tài sản, danh vọng… hay nói cách khác, là
sự thúc đẩy bởi cái khát vọng chinh phục.
Sự chinh phục như thế dù thành công hay thất bại cũng chỉ dừng lại
là ước vọng. Vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn không chùn bước trước kẻ thù
nào, nhưng tâm tư của Đại Hãn lại bất an khi nhìn sâu vào cuối con
đường chinh phục thấy một bóng dáng đang thấp thoáng đợi chờ, đó là kẻ
thù cần phải chinh phục sau cùng: cái định mệnh đam mê trong chính mình
Tuổi trẻ thường được nhắc nhở, khuyên bảo dạy dỗ rằng: “Làm trai cho đáng nên trai, xuống đông đông tịnh lên đoài đoài yên“. Thế mà, khi đối mặt thực sự với cuộc đời, giấc mộng đó trở nên hư ảo phũ phàng.
Rồi tôi lớn lên đi vào đời chân bước
Cỏ mùa xuân bị giẫm nát không hay.
(Bùi Giáng)
Ta tự hỏi, phải chăng sự đọa đày tâm trí, khổ lụy hình hài như
thế để đuổi bắt những gì mà mình cho là tinh hoa đời sống. Cái tinh hoa
đó nếu có thật, cũng chỉ là tín hiệu của giá trị tồn tại, phải xếp đứng
sau những gì làm dưỡng chất cho tồn tại theo nghĩa phổ quát. Bởi vì,
nhu cầu về vật chất tiêu thụ cho những đòi hỏi duy trì đời sống sinh
học con người là cái làm nền tảng cho sự phát triển cao hơn. Tuy nhiên,
sự ham muốn thỏa mãn dục lạc con người là vô hạn, khó kìm hãm nổi. Tâm
lý chung, lại muốn giàu có, lại vừa rảnh rang hưởng lạc thú cuộc đời.
Phải chăng đó là sức cám dỗ của nền văn minh tiêu thụ được hình thành
trên mẫu hình kinh tế phương Tây.
Theo định lý “bàn tay vô hình” của nhà kinh tế nổi tiếng Adam Smith,
có nói ràng “một cá nhân hành xử trên cơ sở lợi ích riêng của mình thì
lợi ích xã hội sẽ được nâng cao”. Sự thật không thể chối cải là tính vị
kỷ này là động cơ thúc đẩy sự thèm muốn và kết nối bền chặt với lòng
thù ghét, đố kỵ, ảo tưởng và các căn nhân bất thiện khác đã đẩy xã hội
đến hố thẳm của sự cùng cực. Vì thế, khi chứng kiến sâu sắc những biến
động, phũ phàng của lịch sử dân tộc từ hậu bán thế kỷ 18 đến cuối thế
kỷ, cụ Nguyễn Du mới viết nổi truyện Kiều với hai câu thơ mở đầu thật
chua chát và cay đắng trong thân phận Thúy Kiều, như tâm tư chúng ta đã
trải nghiệm cuộc ly tán, lớn lao của dân tộc giữa thập niên 70.
“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…”
Cớ sao con người phải gặp kiếp nạn này hay nói như Thi sĩ Vũ Hoàng
Chương là sinh nhầm thế kỷ. Có một giải đáp vượt lên những quan điểm
cực đoan, tránh xa những tự biện dài dòng hàm chứa những giá trị phù
hoa không thực chất, cuốn theo những lớp phong ba quay cuồng của lịch
sử, thoát ly những đoạn đường khổ lụy, lưu đày trong cõi nhân sinh,
ngài Mahatima Gandhi, nói:
“Trái đất có đủ lương thực để nuôi dưỡng con người nhung không đủ để nuôi dưỡng lòng tham quá độ của con người”. Chính
vì thế, Radhakrisnan, một triết gia, đồng thời là Tổng thống của Ấn Độ,
cũng nhấn mạnh: “Hãy sống và hãy để cho người khác sống với” .
Trong thế giới thực, buồn vui với tình đời, tình người, trong khoảnh
khắc tan biến vào một thế giới nhiễu nhương sống sượng, để vật lộn với
nhân sinh, khắc khoải với tồn tại hay không tồn tại, với bom đạn tai
bay vạ gởi, nhà thơ Huy Cận đã viết tâm sự thật sâu lắng cái bế tắc
muôn đời.
“Tâm tình một nẻo quê chung
Người về cố quận muôn trùng ta đi…”
(Lời cố quận)
Thế còn tình yêu, tình yêu luôn luôn chọn vùng nào nhức nhối trong
thân thể mà tồn tại và trưởng thành. Quả thật tình yêu thì cô đơn và có
phải tình yêu cũng phi lý như chiến tranh. Chưa có ai phản đối rằng ham
muốn là điều tự nhiên và đóng vai trò là động cơ trong cuộc sống hàng
ngày của chúng ta. Ham muốn hay tham dục chỉ như một cơn thèm khát có
tác dụng dằn vặt tâm trí có bản chất khác hẳn với khát vọng sâu xa nảy
sinh từ cuộc sống. Dù mang tính tự nhiên, tham dục nhanh chóng biến
chất để chuyển thành “độc tố của tâm thức” ngay khi nó trở nên gay gắt,
ám ảnh và chấp thủ một cách không kiểm soát được.
– Tình yêu vị kỷ thông thường của chúng ta thời trai trẻ chính là
một dạng dục vọng ám ảnh mang tính chiếm hữu, và chia sẻ cuộc đời với
người khác. Say mê lãng mạn chính là một ví dụ kiểu mù quáng này, nó đã
được nuôi dưỡng bằng những tưởng tượng phóng đại và bằng ảo vọng làm
ảnh hường tới sự xét đoán. Ám ảnh gây ra một tình trạng đau khổ triền
miên và lo âu trong đó pha trộn cả ham muốn, chán chường và mệt mỏi.
Dưới tác động của yếu tố bên ngoài như hình dáng, âm thanh, xúc chạm,
mùi hương, hay một kỷ niệm nào đó dần dần biểu hiện cho hình ảnh trong
tâm thức hay trong suy nghĩ của chúng ta. Chấp thủ là nguồn gốc của khổ
đau vì tình yêu vị kỷ tự bản chất là không ngừng.
Vũ Hoàng Chương, một nhà thơ nổi tiếng ỏ dòng “Thơ tình học trò” ,
khi lúc tuổi học trò của chúng ta độ mới lớn, nhiều mơ mộng, chưa nhiễm
độc tố cuộc đời, nên nhanh chóng đồng cảm ý thơ của ông.
“Yêu mê thế để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại chút này đây
Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay”
Chúng ta không ngạc nhiên khi ngài Đalai Lama nói rằng tình yêu lãng
mạn là “không thực tế lắm. Đó đơn thuần là ảo tưởng, không xứng đáng
với những nỗ lực mà người ta dành cho nó”. Ta có thể hiểu ý của ngài ở
chỗ rằng chính say mê tình dục đã đánh thức mạnh mẽ sức lực từ 5 giác
quan (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân) về sự bám chấp, thắt chặt thêm những
gông cuồng gây ra đau khổ cho mình.
– Tình yêu vị tha là một niềm vui được chia sẻ một cuộc sống với bạn
bè, người thân gần xa khiến họ hạnh phúc. Ta thương mến họ vì họ là như
vậy, không thông qua lăng kính vị ngã. Tình yêu tha nhân đích
thực là mong muốn mọi người tránh được khổ đau và hạnh phúc. Tình yêu
thương này là cánh cửa đi vào nội tâm, không còn để chỗ cho vị kỷ và sợ
hãi, nó giúp chúng ta hoan hỷ cho và biết ơn khi nhận. Nó là cách thể
hiện bản chất cao nhất của con người chừng nào bản chất này chưa bị ô
nhiễm tối tăm, méo mó vì những thủ đoạn của bản ngã. Nó làm nảy sinh
trong mình một lòng nhân hậu cao thượng đến mức có thể xem tất cả mọi
người như cha mẹ, anh chị em hay như con cái của mình.
Trong cuộc sống hàng ngày, ta có thể nhận thức được sự khác nhau của
hai loại tình yêu này. Loại người thứ nhất luôn luôn tỏ ra khó chịu và
bất mãn, sự hẹp hòi tâm trí đã ngăn cản họ với những cá nhân khác mà họ
cảm thấy không lấy được cái gì cho mình. Loại người thứ hai có tâm trí
cởi mở và ít nghĩ đến bản thân. Đây là sức mạnh nội tâm khiến những
phiền muộn khó ai lụy đến họ. Người ta nói rằng, lòng thương vị tha và tính tự chủ là những dấu hiệu của tri thức và sự vượt thoát những xúc cảm tiêu cực là dấu hiệu của suy tưởng
của hoài niệm. Những phẩm tính này sẽ ăn sâu trong sự tồn tại và đồng
thời thể hiện trong hành xử của chúng ta trong thế giới chung quanh.
*
* *
Thưa các bạn!
Thời đại ta đã sống và lớn lên, một phương trời khói lửa, một dân
tộc quằn quại trong bi kịch chiến tranh. Vẫn âm vang câu hỏi nghìn đời,
sống và chết, ai còn, ai mất? Bức tranh vân cẩu của thế hệ ấy, của thời
đại ấy, cõi nhân sinh ấy, là gì?
Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong.
(Hoài Khanh)
Mò mẫm nhặt từng hạt sương trong bài viết của các bạn, mà chợt
nghe bùi ngùi âm thầm bởi đâu đó trong hoài niệm xa xưa, đôi mắt
u huyền của một thời, một đoạn đời đã thành thiên cổ. Những hạt sương
trong lòng tay chợt thoáng tan, dòng thời gian ngừng đọng để đông cứng
thành hạt bụi, ray rứt.
“Thôi nhắc làm chi màu hoa cúc
Áo em vàng, đau nỗi chia ly…”
(Hồ Cư Lâm Tuyền Linh)
Cả khung trời hoài niệm. Có quá nhiều điều được nói với những chất
liệu thâm trầm cung bậc, những trong tận cùng của những điều được nói
là một thế giới im lặng chứa đầy hoài niệm về những gì không hề xảy ra.
Trưởng thành và mất mát, chúng ta có thể thành công trong nhiều phương
diện, nhưng có một thứ thất bại lớn lao không thể đền bù tương xứng, đó
là sự mệt mỏi. Sự mệt mỏi như một vết thương nằm ẩn kín trong vùng nhức
nhối nhất của thân thể, trong tâm thái ngồi đợi gió sang canh. Lịch sử
vết thương chỉ khép lại cùng với chung cuộc của lịch sử đời người, dẫu
biết đó vốn là vết tích của cánh nhạn bay qua cuối trời vạn dặm.
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau”
(Bùi Giáng)
Đà Nẵng, 3/8/2017