Thần Bốn mặt Brahma trong văn hóa Khmer Nam Bộ

than bon mat

 

Người Khmer ăn Tết Vào năm mới Chôl chhnăm thmây vào giữa tháng tư dương lịch nhằm vào thời điểm chuyển mùa, từ mùa nắng khô sang mùa mưa: chuẩn bị cho một vụ mùa mới hàng năm. Người Khmer ăn Tết ba ngày (năm nhuận: 4 ngày) và lễ Tết chủ yếu diễn ra ở chùa, bao gồm lễ Rước lịch năm mới, dâng cơm cho sư sãi, đắp núi cát, cầu siêu cho ông bà… và nhiều sinh hoạt ca, múa, trò chơi lý thú. Bài viết này, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến câu chuyện thần kỳ giải thích nguyên ủy của lễ rước lịch năm mới – gọi là Maha Sangkran, vào sáng sớm ngày đầu năm.

1. Cứ đến ngày mồng một, cứ đến giờ tốt: 7 giờ sáng hay 5 giờ chiều, tất cả dân trong phum sóc ăn mặc đẹp đẽ, mang lễ vật, nhang đèn đến chùa làm lễ rước Maha Sangkran. Ở đây, dưới sự hướng dẫn của ông chủ tế Àcha, mọi người xếp thành hàng tư, hàng năm đi quanh ngôi chánh điện/Preah Vihia ba lần. Rõ ràng đây là một nghi thức giống như đi kinh hành để đón Maha Sangkran. Maha Sangkran có nghĩa là Đại lịch, song nghi thức trang nghiêm này không được coi là lễ đón Đại lịch, biểu thị cho năm mới, mà được cắt nghĩa là để đón vị nữ thần chủ quản năm mới theo một sự tích kể về việc thần Bốn Mặt Maha Brum (tức đại thần Sáng Tạo Maha Brahma – một trong bộ ba tam vị nhất thể của đạo Bà-la-môn) thua trí chàng trai trẻ Thomabal.

Sự tích truy nguyên về ngày Tết này có các dị bản ở Thái Lan, Lào chứ không chỉ phổ biến trong cộng đồng Khmer. Truyện kể rằng:

Thuở nọ, dưới trần gian có một cậu bé tên là Thomabal, mới lên bảy tuổi mà tư chất thông minh khác thường: thấu hiểu đầy đủ Chính pháp (Thoma: Dharma; bal: nắm giữ, sở đắc). Thomabal hay đem những điều hiểu biết thuyết giảng cho mọi người, thu hút chẳng những loài người mà cả chư thiên thượng giới. Do vậy, những buổi thuyết giảng của thần Bốn Mặt Maha Brum trên thiên giới mỗi ngày một vắng vẻ.

Vốn là chúa tể ba cõi từ thuở khai thiên tịch địa đến giờ nên thần Bốn Mặt cảm thấy sự việc này là một xúc phạm không thể tha thứ được. Thế là thần Bốn Mặt xuống trần, đến gặp Thomabal và đưa ra ba câu đố: Buổi sáng cái duyên (hiểu là cái thiêng) của con người ở đâu? Buổi trưa ở đâu? Và buổi tối ở đâu? Thần hạn trong 7 ngày, Thomabal phải giải đáp ba câu đố ấy. Nếu Thomabal giải đáp được, thần sẽ tự cắt đầu mình trước mặt Thomabal; ngược lại, nếu không giải đáp được, Thomabal phải dâng mạng sống của mình cho thần!

Thomabal không sao nghĩ ra được lời giải cho ba câu đố nên coi như đã cầm chắc cái chết… Chàng lang thang trong rừng và may lắm thay, chàng đã nghe được lời giải đáp qua cuộc trò chuyện của vợ chồng cặp chim đại bàng. Do đó, đến ngày hẹn, Thomabal đã dõng dạc đáp: “Thưa đại thần tôn kính, cái duyên của con người vào buổi sáng ở mặt nên khi thức dậy người ta phải rửa mặt; buổi trưa, cái duyên của con người ở ngực nên người ta thường xối nước vào ngực để tắm mát; và buổi tối, cái duyên ở dưới chân nên người ta rửa chân trước khi đi ngủ.

Thần Maha Brum thua cuộc, bèn ngước mặt lên trời gọi nàng con gái của mình xuống để dặn dò: Phải cất giữ đầu mình trên đỉnh núi Preah Sồme – ngọn núi trung tâm của vũ trụ, không để đầu của thần rơi xuống biển làm khô cạn đại dương, không để đầu của mình lơ lửng trên không trung vì như vậy thì không bao giờ có mưa và nếu để đầu mình rơi xuống đất thì đất sẽ khô cằn… Dặn dò xong, thần tự cầm gươm cắt phăng đầu của mình và giao ngay cho người con gái cả là Tung sắc Tê-vi.

Các cô gái làm đúng theo lời thần Maha Brum dặn, và hàng năm, đúng vào cái ngày đó, bảy cô gái đến núi Preah Sôme, luân phiên nhau làm lễ rước đầu Maha Brum đi quanh núi theo hướng mặt trời ba vòng(1).

2. Căn cứ theo câu chuyện thần kỳ này, hàng năm, vào mồng một Tết, người Khmer tiến hành lễ rước Maha Sangkran ba vòng. Ở đây, cũng cần lưu ý rằng, ngôi chánh điện trong quần thể kiến trúc chùa Khmer được ước lệ là ngọn núi trung tâm vũ trụ Preah Sôme; theo đó, đường thẳng đứng từ dưới lên đỉnh đầu unisha của Đức Phật là trục vũ trụ. Điều đó, giải thích việc trên đỉnh nóc chùa tháp Khmer thường có tượng đầu thần Bốn Mặt Maha Brum, ngó về 4 phương Đông-Tây-Nam-Bắc.

Trong lịch sử, tượng Bốn Mặt trên tháp xuất hiện từ cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII ở ngôi đền Bayon nổi tiếng ở Angkor Thom (Siêm Riệp). Mặc dù đây là công trình kiến trúc Phật giáo, song nó hướng đến sự hòa đồng tín ngưỡng nên có những gian thờ và những tác phẩm điêu khắc dâng cúng cho chư thần Bà-la-môn lẫn Đức Phật, Bồ-tát Quán Thế Âm và các đối tượng Phật giáo khác. Chính vì vậy, cho đến nay, việc định dạng bốn khuôn mặt trên tháp Bayon vẫn là vấn đề tồn nghi: một số nhà nghiên cứu cho đó là thần Brahma/Khmer: Maha Brum, một số khác lại khẳng định đó là các thần bảo vệ bốn hướng chính; một số khác chỉ ra đó là khuôn mặt của chính đức vua Jayavarman (người xây dựng nên Angkor); hoặc khuôn mặt của đức vua được tạo hình dưới dạng Bồ-tát, theo tín niệm thần-vua/Phật-vua (Deva-raja) thời thượng của các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn(2).

3. Nói chung, các nỗ lực truy nguyên về dạng tượng Bốn Mặt trên đây là giúp cho chúng ta những hiểu biết theo các hướng tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ trên Sự tích Tết Chôl chhnăm thmây trên đây chúng ta nhận thấy đây là một trong các nỗ lực Phật giáo hóa hệ thống thần linh Bà-la-môn; theo đó, biểu thị sự thù thắng của Phật pháp, khẳng định sự thắng lợi của Phật giáo đối với tôn giáo đã từng thống trị cộng đồng trước đó. Do vậy, việc truy nguyên bằng cách dò tìm từ thần tích và cổ sự (puranas) liên quan đến thần Bốn Mặt Brahma là thao tác cần thiết.

Trước hết, trong văn liệu Bà-la-môn vốn đã có nhiều ghi chép về việc thần Brahma bị chặt đầu. Điều đó đã cho thấy mô-típ này đã được đời sau, trong ngữ cảnh tôn giáo-văn hóa mới, mô-típ được vay mượn để cải biên nhằm tái tạo nên những sáng tác mới.

Một là, Brahma với tư cách là thần sáng tạo, ông đã sáng tạo ra chư thần (thần lửa Agni, thần gió Vayu, thần mặt trời Surya) và là Tổ phụ của loài người. Brahma đã thực hiện việc sản sinh ra con người thông qua việc loạn luân với chính con gái của mình (có nhiều tên gọi khác nhau: Vach hoặc Sarasvati (nữ thần của lời nói), Sandkya (chạng vạng), Sata-rupa (biến hình đổi dạng thành trăm thứ khác nhau)(3). Chính từ nguyên lý này đã sản sinh ra sự tích Thần Siva chặt cái đầu thứ năm của Brahma: Khi sinh ra con gái mình là Sata-rupa/Shatarupa, thần Brahma si mê chính con gái mình. Cô con gái chạy trốn ở phía nào, Brahma đều mọc ra cái mặt ngó về phía ấy. Cuối cùng, Sata-rupa bay lên trời và Brahma liền mọc “cái đầu” thứ năm ngước nhìn lên không. Thần hủy diệt Siva tức giận vì việc loạn luân của Brahma nên đã chặt phăng cái đầu thứ năm này. Từ đó, Brahma được gọi là Chatur-anana/Chatur-mukhu, có nghĩa là Bốn Mặt.

Câu chuyện thứ hai được chép trong cổ sự Kurma purana. Ở đây, Brahma có 5 đầu nhưng sau cuộc tranh cãi giữa Brahma và Siva đã dẫn đến Brahma bị chặt mất cái đầu thứ năm. Truyện kể rằng: Thuở nọ, các bậc thông thái đã kéo đến hỏi Brahma về việc ai là người đã sáng tạo vũ trụ. Thần Brahma tuyên bố chính mình đã sáng tạo vũ trụ. Bất ngờ, Siva xuất hiện và khẳng định chính mình đã sáng tạo ra vũ trụ chứ không phải Brahma và chính kinh Vệ-đà cũng đã phần nào xác nhận điều này. Thần Brahma một mực khăng khăng phủ nhận và bác bỏ chứng cứ được ghi trong kinh Vệ-đà. Siva giận dữ hóa thân thành Bhaivara, một dạng hình tướng phẫn nộ, cắt phăng cái đầu đã lặp đi lặp lại lời phủ định đó.

Câu chuyện thứ ba kể rằng Siva đã cắt đứt cái đầu thứ năm của Brahma vì Brahma đã dám gọi Siva là Kapali (kẻ xách/đeo đầu lâu). Siva cảm thấy bị xúc phạm nên đã giận dữ ra tay làm việc này và do đó, Siva đã phạm trọng tội Brahmanhatya, tức tội giết người Bà-la-môn. Thần Brahma với quyền năng của mình đã khiến cái đầu mình dính chặt vào bàn tay của Siva, không làm sao bứt bỏ ra được. Cuối cùng, Siva thỉnh cầu Brahma làm cách nào để rửa sạch tội lỗi và gạt bỏ cái đầu ra khỏi bàn tay. Brahma phán: Hãy bê cái đầu ấy đi khất thực 12 năm. Đúng 12 năm sau, khi Siva đến Kasi, chiếc đầu của Brahma mới tự động rớt ra khỏi tay của Siva – thần Siva xuống tắm ở sông Hằng rồi trở về trú xứ của mình là núi Kailassa.

4. Tuy Brahma, Vishnu, Siva là bộ ba “tam vị nhất thể” song trong lịch sử phát triển của đạo Bà-la-môn, cả hai phái thờ Siva hay thờ Vishnu đều cố hạ thấp tầm quan trọng của Brahma: năng lực sáng tạo được gán cho Vishnu hay Siva và phủ nhận năng lực này của thần Brahma. Những câu chuyện kể trên là những minh chứng cho điều này. Do đó, sự việc Brahma bị thua cuộc và phải tự cắt đầu mình trong Sự tích Tết Chôl chhnăm thmây của người Khmer rõ ràng đã bắt nguồn từ những tình tiết đã trở thành mô-típ trong các thần tích và cổ sự puranas Ấn Độ(4). Một cách tổng quát, trong ngữ cảnh văn hóa Phật giáo, các vị đại thần Brahma, Vishnu, Siva đều được Phật giáo hòa bằng cách kể lại hành trạng của các thần theo quan điểm của mình. Kinh Phật thuyết Đại Tự Tại Thiên Tử nhân địa kinh là một ví dụ: Thiên Tử Đại Tự Tại cùng Thiên Hậu Ôma (Uma/Parvati) ngự tại cung điện trên đỉnh núi tuyết Côn Lôn rực rỡ (tức trú xứ núi Kailash). Song thần tích được truy nguyên khá tường tận về tiền kiếp của thần rằng: Vào thời quá khứ xa xưa, lúc đó Đức Phật Công Đức Hải xuất hiện ở đời. Bấy giờ, có 4 vị Bà-la-môn vào nơi hang núi dựng am tranh để tu hành nhằm cầu quả báo khác nhau: 1/Người cầu được làm Phạm Thiên; 2/Người cầu được làm chủ 3 cõi; 3/Đại tiên Thượng Ca cầu sống ngàn năm ở cõi trời, lại được người thế gian yêu kính; và 4/Lỗ Chi cầu cho mọi hạng chúng sanh được giải thoát.

Về sau, nhân cuộc pháp hội của Đức Phật Công Đức Hải, 4 vị tu sĩ liền đến trước chư Phật dâng lễ vật và tuyên lời phát nguyện. Nhờ đó, cả 4 đều đạt thành sở nguyện: Một thành Phạm Vương/Brahma; một thành Na-la diên/Vishnu; Thương Ca “nhờ việc cúng ba cây đèn cầy nên mặt có 3 mắt, do cúng 3 cây kim nên tay cầm chĩa ba và do nhờ đi quanh Đức Phật Công Đức Hải nên được thế gian tôn kính, đạt 8 tự tại, làm chủ thế gian, có thể hiểu rõ sự sinh diệt ở đời”; và vị thứ tư là Lỗ Chi thành tựu Nhất Thiết Trí, hiệu là Thiên Trung Thiên.

Nói về việc Thương Ca, khi đã trở thành Thiên Tử Đại Tự Tại với hình tướng hy hữu như trên, từ cõi Phạm Thiên hạ sinh xuống cõi người. Lúc đó, trong nghĩa địa có một nữ quỷ đói tên là Huyễn Hóa đang giao phối với quỷ liền có thai: vị trời Đại Tự Tại liền thác sinh vào bụng quỷ. Sau đó, sinh ra mặt có 3 mắt, thân có ánh sáng. Quỷ mẹ thấy thế rất sợ hãi bỏ chạy. Do phước báo, vị trời Đại Tự Tại phát sáng tỏa khắp nghĩa địa. Lũ quỷ khi biết rõ tung tích xô đến lễ bái; lại có Thiên Nữ và Phạm Thiên đến chiêm ngưỡng. Thấy vị Phạm Thiên có đủ 5 đầu, trong đó có một đầu rất xấu xí, khiến mọi người kinh sợ nên họ cầu xin Đại Tự Tại Thiên cắt bỏ chiếc đầu ấy! Đại Tự Tại Thiên hóa thành con chim ưng, dùng móng sắc ngắt bỏ cái đầu dữ tợn ấy của Phạm Thiên. Do đó, nơi tay của Đại Tự Tại Thiên cầm lấy đầu của Phạm Thiên. Tất cả hàng trời, người, Bà-la-môn đều thấy rõ sự việc này.

Như vậy, thần tích của Đại Tự Tại được kể lại theo khuôn mẫu Phật giáo với các tình tiết có phần khác với thần tích Siva. Mặt khác, kinh cũng đề cập rõ việc Đại Tự Tại Thiên đã tán thán công đức của Đức Phật lẫn Tôn giả Mục Kiền Liên, cùng với việc Đại Tự Tại Thiên tử và vợ là Uma đã “dùng bát vàng đựng đầy trăm thức ăn, cơm thơm ngon” dâng cúng Tôn giả Mục Kiền Liên. Tuy đã khuôn Đại Tự Tại Thiên tử vào mẫu một Phật tử, song vẫn bảo lưu vị trí “đứng đầu” hàng trời người của thần. Do đó, thần còn được tôn xưng là “Tam thiên Đại Thiên Thế giới chi chủ” và tôn làm vị trí tối cao của Thập bát thiên trong Sắc giới.

Một cách tổng quát, trong ngữ cảnh Phật giáo, thần Brahma/Phạm Thiên hay Maha Brahma/ Đại Phạm Thiên có hai nghĩa: cảnh trời Brahma (tầng thứ 3 thuộc Sơ thiền thiên trong cõi sắc giới) và Brahma (vua của cảnh trời đó và thiên thần thuộc cảnh trời này)(5). Có rất nhiều kinh văn liên quan đến Brahma với nhiều thông tin đặc biệt phong phú. Riêng trong truyền thuyết Phật giáo Khmer, Brahma xuất hiện trong các kỳ tích của Đức Phật lịch sử, từ lúc Phật đản sanh cho đến lúc thành đạo, các cuộc pháp hội và cả lúc Phật nhập Niết-bàn. Tất thảy mọi trường hợp, thần Bốn Mặt Maha Brum/Brahma là Phật tử thâm tín đạo pháp, ủng hộ việc hoằng hóa Phật pháp và là đấng Hộ pháp nhiệt tâm. Điều này chỉ ra rằng, mặc dù được khắc họa là vị thần đối địch với Thomabal – người giữ gìn Phật pháp, trong Sự tích Tết Chôl chhnăm thmây, song thần Bốn Mặt lại có vị trí tôn kính trong tín niệm của cộng đồng Phật tử Khmer.

HUỲNH NGỌC TRẢNG

Chú thích:

(1) Huỳnh Ngọc Trảng: Truyện dân gian Khơ-me, Hội Văn học-nghệ thuật Cửu Long xb, 1987, tập I, tr.44-47.

(2) Xem Helen Ibbitson Jessup: Art & architecture of Cambodia, Thame & Hudson World of Art xb, London, 2004, tr.174.

(3) Xem: - John Dowson M.R.A.S: Classical dictionary of Hindu mythology and religion, geography, history, and literature; Rupa.Co, New Delhi, 2004, tr.56-59.

             - Devdutt Pattanaik: 7 secrets from Hindu calendar art, Westland ltd, Mumbai, 2009, tr.159-160.

(4) Xem Brahma, Brahma (Buddhism), Phra Phrom. Wikipedia, the free encyclopedia.

(5) Xem Huỳnh Thanh Bình: Phạm Thiên, Nguyệt san Giác Ngộ số 225, 12-2014; tr. 67-80.

 

Chú thích hình:

B1: Đền Bayon với tượng thần Bốn Mặt

B2: Các cô con gái của Maha Brum bưng đầu thần Bốn Mặt. Bích họa chùa Cù La cũ, Châu Thành, Rạch Giá

B3: Tượng đầu thần Bốn Mặt trên cổng chùa Tà Pạ, Tri Tôn, An Giang

B4: Bàn thiên thờ thần Bốn Mặt, chùa Hòa Bình mới, Hòa Bình, Bạc Liêu

B5: Tượng đầu thần Bốn Mặt. Tháp chùa Lu Đồng, Sóc Trăng

B6: Quần thể tượng thần Bốn Mặt tự cắt đầu. Chùa Tà Pạ, Tri Tôn, An Giang

B7: Thần Brahma, Ấn Độ

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle