Chân Hiền Tâm
Bỏ
mọi việc, từng bước thật sự cho con đường phát Bồ-đề tâm của mình thì
tôi tu thiền, thực hành pháp
Biết vọng không theo của HT. Trúc Lâm. Vì HT. Trúc Lâm là người
đã khai sáng tâm thức tôi, nên tôi thực hiện những gì ngài dạy để khai
mở cái nhân mà tôi vừa nhận được. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi
không biết gì về môn niệm Phật. Danh hiệu Phật vẫn được trì niệm khi tôi
cần một sự gia trì trong việc cầu nguyện và hồi hướng cho tha nhân. Chưa
kể trước đó, việc trì niệm Quán Thế Âm là một loại bảo bối giúp tôi
thoát nạn rất nhiều.
Quán Thế Âm cứu khổ
Tôi
không biết mình bắt đầu niệm Phật từ khi nào. Chỉ nhớ là Quán Thế Âm rất
linh mỗi khi kêu tới ngài. Mẹ dặn khi cần thì hãy niệm Nam mô Quán Thế
Âm Bồ-tát nhớ chưa. Niệm cho liên tục, cho nhiều vào thì mới cứu được.
Cứu được, là Phật mới cứu mình được. Tôi đã áp dụng nó suốt thời đi học
của tôi. Cho những môn mà tôi không thích. Thay vì học bài và lên trả
bài. Tôi không học, để thời gian làm việc khác và ngồi niệm Phật suốt
thời gian thầy cô gọi trả bài. Đương nhiên không bao giờ tôi bị gọi lên
trả lời bài khi đang niệm Phật nhất tâm như thế.
Khi
đang chú tâm cầu nguyện, tâm mình trở nên chuyên nhất. Đó là nhân duyên
giúp Phật cứu mình dễ dàng. Kinh
Pháp hoa, phẩm Phổ môn nói “Nếu
có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu khổ não, nghe Quán Thế Âm
Bồ-tát này một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ-tát tức thời xem xét tiếng
tăm kia, đều đặng giải thoát”. Đứng ở cái thế đối đãi nhị biên mà
nói, đương nhiên tôi phải được giải thoát khỏi việc trả bài, thoát được
một con số không thật to, niềm đau khổ lớn lao của tuổi học trò, thoát
khỏi cái nhân của nhiều khổ nạn sau đó: bị mắng, mất quà cáp, xấu hổ với
ban bè v.v... Đứng ở mặt “Cảm ứng đạo giao nan tư nghì” mà nói, lúc tôi
đang nhất tâm niệm Phật đó, tâm tôi chỉ còn một danh hiệu Phật thì cảnh
giới của tôi lúc đó là cảnh giới Phật. Tôi đang ở trong nước của Quán
Thế Âm, không phải là cảnh giới của một đứa học trò đang chờ gọi trả bài,
thầy cô làm sao thấy tên mà gọi? Thoát nạn là đương nhiên. Tâm không tạo
lực hấp dẫn để chiêu cảm thì chẳng có cảnh giới nào nhận sự chiêu cảm mà
tới được.
Quán Thế Âm cứu nạn
Những ngày vượt biên trên sông nước, câu niệm Phật càng miên mật hơn.
Chưa vượt biên, niệm Phật. Đang vượt biên, niệm Phật. Vượt biên xong, vô
tù, niệm Phật.
Con
người thật buồn cười. Đang yên không, tự dưng tìm việc để nhọc thân nhọc
tâm, rồi niệm Phật cầu cứu. Nhân khổ không gây thì cần gì niệm Phật cứu
khổ? Nhưng không, thích gây nhân khổ, đủ duyên quả khổ tới… rồi niệm
Phật xin cứu khổ. Cũng may là biết Niệm Phật. Không thì bỏ đời nơi sa
mạc Sa-bà.
Cũng
nhờ giai đoạn vô minh bổ xứ này mà khi đọc được những dòng trong phẩm
Phổ môn, niềm tin đối với chư Phật và kinh luận càng tăng thạnh, vì đã
có sự thực nghiệm hẳn hoi.
Một
mình trên boong tàu, trong cái giá rét của biển đêm, tôi chứng kiến cảnh
nửa con tàu bị dìm sâu trong nước khi một đợt sóng ào tới. Nước len tới
người tôi và dừng đó rồi đi. Cứ thế mà hết đợt này đến đợt khác. Tôi
trốn cái biển người nóng rực ở hầm tàu để đối diện với khoảng mênh mông
tối đen và lạnh ngắt. Chưa khi nào thế nhị biên đối đãi ở đời hiện rõ
như thế với tôi. Người ta tìm cách tránh cái khổ này và rơi vào một cái
khổ khác mà không biết. Nếu lúc đó không có câu niệm Phật, không biết
tôi thế nào khi thân không biết bơi và tay phải bấu chặt vào thành để
không bị nước lùa đi. Một câu niệm Phật trong tâm, tôi không có thời
gian nghĩ đến cái chết cũng không còn sợ hãi khi phải đối diện với đêm
tối mênh mông của biển trời. Mọi thứ trở thành hãi hùng là khi hồi tưởng
lại. “Nếu
có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát này, khi bị nước lớn làm trôi,
xưng danh hiệu Bồ-tát này liền được chỗ cạn”1.
Đúng là mênh mông giữa biển to sóng lớn mà nước chẳng thể đến thân.
Khổ
thế mà nó trôi tới Thái Lan hay Philippins thì không nói. Trở về Rạch
Giá. Tàu bị đuổi bắt, chạy ngược sóng, bể bình nhớt và quay về thăm Rạch
Giá. Bà con không còn thời gian để suy nghĩ, chỉ biết bươn chạy sau
những ngày nóng bức ngạt thở trong hầm tàu, muốn mau trở về cái nơi đã
muốn từ bỏ ra đi. Hốc hác, lem luốc, không phải dân bản xứ mà chạy theo
lối từng đàn thì một đứa con nít còn biết xuất xứ từ đâu, huống là công
an. Tém gọn.
Chồng tôi không theo lối đó. Kế hoạch là anh ở lại tàu chờ đêm xuống.
Một mình men theo lạch nước về thành phố. Tôi thỏa thuận ở lại một mình
chờ công an tới tiếp thu, để anh về một mình cho khỏi vướng chân.
Người ta về trụ sở công an bằng đường bộ. Tôi thì được chở về bằng
honda. Người chuyên niệm Phật đương nhiên phải khác thường dân. Thiệt ra
là vì… cái quần rách tuốt từ lưng xuống, phất phới như áo đầm không chỉ.
Nhảy từ mũi tàu xuống. Hai thước. Vướng vào cái gì đó và rách toạc ra.
Tôi không chịu đi, ngồi ì đó. Thế là họ đem xe lên rước, để còn kịp khám
xét và tống vào trại giam.
Sợi
dây chuyền mang hình Quán Âm Bồ-tát được cho giữ lại. Sợi dây chuyền
bằng vàng khối lận trong lưng quần thì họ lại không tìm thấy dù rờ tới
rờ lui mấy bận. Ngày đó nghĩ nhờ niệm Quán Thế Âm Bồ-tát mà không mất
của. Ngày nay thì nghĩ niệm Quán Thế Âm chỉ là phần hỗ trợ. Cái chính là
mình không lấy của ai nên không ai lấy được của mình. Đó là nhân chính.
Còn nếu đã lấy của ai thì nghiệp này phải là bất định nghiệp, mới có thể
tạm chuyển nhờ câu niệm Phật.
Ngồi
sau song sắt chưa tới mươi phút thì huyết ra nhễ nhãi. Tôi báo tôi có
thai, cho tôi đi bệnh viện không tôi chết. Họ đưa tôi vào trạm xá Rạch
Sỏi.
Bà
trưởng trạm, cán bộ tiếp quản trạm ấy là người hiền từ. Bà nhìn tôi
thương cảm khi nghe vượt biên có đôi mà khi gặp nạn chỉ còn một mình.
Ngày đó tôi đang cần một sự thương cảm để sống sót nên vờ luôn. Không
giải thích đây là thỏa thuận của chúng tôi. Anh phải về để kịp ngăn cản
chủ tàu tới lấy tiền. Bởi vượt biên xong, mấy ngày sau mới giao tiền.
Nếu không về kịp, tiền sẽ mất. Bà không biết anh đang rất cực khi phải
len về thanh phố với cái bụng trống đã ba ngày, người lại không một đồng
lận lưng.
Bà
hỏi tôi huyết ra nhiều vậy chắc đau lắm, cái thai chắc ra luôn rồi. Tôi
không đau nhưng cũng theo ý bà cho đau luôn. Và nghiệm ra trong đầu một
điều mà mình chưa từng biết. Ra huyết mà đau thì cái thai ra luôn. Còn
ra huyết mà không đau thì cái thai còn đó. Nếu mình thoát về kịp thì
mình có thể giữ cái thai khi nó chưa ra. Tôi bắt đầu nuôi ý định đó
trong đầu. Và hy vọng nhờ tình thương, bà sẽ thả tôi về. Nhưng làm gì
làm phải cầm máu trước đã.
Ở
thế giới đối đãi này, đã gặp người mình cho là tốt, thì cũng xuất hiện
hạng mình thấy là xấu. Nhị biên là thế. Thế giới này không phải hình
thành từ thế nhị nguyên sao? Thiện và ác, âm và dương v.v… Không có cặp
đối đãi đó, không có thế giới này. Và dù ở trong thế đối đãi ấy, nếu
mình không thấy cái này là tốt, thì cũng không nương đâu để nói cái kia
là xấu. Nhưng một khi tốt đã hình thành trong đầu thì xấu cũng sẽ xuất
hiện khi đủ duyên.
Thế đối đãi mà tôi gặp đó là con bé cán bộ nằm vùng. Nó rất ghét người
vượt biên, nhất là mấy đứa như tôi. Bà trưởng trạm bảo nó chích thuốc
cầm máu, nó gật đầu nhưng không chích. Tôi thấy chết tới nơi, chuyển câu
niệm Phật thành Bạch Y thần chú cho hiệu nghiệm hơn. Thương mẹ. Thủ sẵn
mọi thứ cho con gái hết.
Tôi
tin Quán Thế Âm Bồ-tát vô cùng.
Hôm
đó, một người phụ nữ được chuyển vào trạm vì bí tiểu. Bà lấy ghe làm
nhà. Sinh 8 đứa con đều trên ghe, chưa từng đến trạm xá. Lần này cũng
như mọi lần, trước khi sinh, bà uống nước lá gì đó cho dễ sinh, không
ngờ nó khiến bà bí tiểu, chích thuốc rồi vẫn không thông, phải chuyển
lên viện lớn. Trước khi đi, con bé chích cho tôi một mũi cầm máu.
Tôi
đã nhờ bán sợi dây chuyền Quán Thế Âm. Cho người phụ nữ ở ghe một ít.
Một ít cảm tạ người phụ nữ đã cho tôi ăn cơm trắng thịt kho mấy ngày
liền. Một ít để làm lộ phí về nhà.
Quanh tôi là những con người rất tốt bụng. Nghèo nhưng sẵn sàng chia sẻ.
Không nghĩ đến chuyện đền đáp. Bà không cho tôi bán sợi dây chuyền nhưng
không bán thì tôi không có tiền về xe.
Nhân
duyên vượt trạm của tôi cũng đến.
Bà
trưởng trạm không thể có mặt thường xuyên ở trạm xá. Mọi việc đều do con
bé kia trông coi. Nhưng giờ con bé có việc nên bà phải đưa thằng cháu
xuống trông hộ. Nhìn thằng bé, tôi nhớ lại lời dặn của ông cậu chồng:
“Con có cái mạng hễ bị nạn mà gặp con trai thì nó sẽ cứu con”. Lời nói
đó chưa sai bao giờ. Tôi tin là Quán Thế Âm đã cứu tôi.
Thằng nhóc chỉ khoảng bằng tuổi tôi. Trắng trẻo dễ thương. Nó hỏi tôi bị
gì mà xanh mét như vậy. Tôi nói hư thai mà chắc sống không được nữa rồi,
vì ở đây không có điều kiện chăm sóc như ở thành phố. Nó thương cảm “Sao
mày không về thành phố. Không có tiền sao?”. “Không, tao vượt biên, bị
giam ở đây”. Nó đề nghị “Mày trốn đi. Coi như tao không thấy”. Tôi chỉ
đợi câu đấy là chuồn. Nhưng… sức không có, chân không dám đi nhanh, tôi
chỉ biết liều mạng từng bước thật chậm, mặc tới đâu hay tới đó. Tôi hỏi
đường ra bến xe Rạch Sỏi và từng bước nặng nhọc lên xe lam. Mọi người im
lặng nhìn tôi. Họ biết tôi từ đâu ra.
Tới
nơi thì trời đã trưa. Vé xe đã hết và cũng chỉ còn xe về Cần Thơ. Về Cần
Thơ cũng được. Có dì tôi ở đó. Nhưng nhìn cảnh đu xe và nhớ đến con
đường dằn xốc khi tới đây… Tôi không thể chạy và đu theo xe trong tình
trạng này. Đu được rồi cũng không thể chịu nổi khi phải đứng một đoạn
đường quá dài. Tôi không biết phải làm gì với hoàn cảnh như vậy. Chỉ
biết dựa vào câu niệm Phật và kêu Bố ơi!
Một
người đàn bà ngoắc tôi lại. Bà nói bà có vé về Cần Thơ. Hai vé. Nếu tôi
về Cần Thơ, bà sẽ nhường lại một vé với giá gốc. Tôi bất ngờ... Một
người phụ nữ rách rưới, với hai đứa con nhỏ đứng chờ tôi, chỉ để bán cho
tôi cái vé với giá gốc, trong khi giá chợ đen vẫn đang được săn lùng ráo
riết, lại về đúng tuyến Cần Thơ. Tôi chỉ biết cảm ơn và tin vào Quán Thế
Ấm cùng Bố.
Lên
xe, tôi ngủ thiếp đi không còn biết gì nữa.
Tới
bến, lơ xe gọi dậy, tôi không còn thấy bà nữa. Bà xuống xe ở đâu tôi
không biết. Cũng như bà ở đâu để chờ giao vé cho tôi, tôi cũng không
biết. Những gì còn đọng lại trong tôi là một người đàn bà rách rưới với
hai đứa con nhỏ. Tôi chỉ biết Quán Thế Âm đã cứu tôi, nhưng chưa bao giờ
hình dung Quán Âm hiện thân cứu tôi, cho tới khi tôi nhìn thấy tấm hình
Quán Thế Âm ngồi ở biển Nam Hải với hai đứa bé đùa hai bên, treo trong
chùa Đại Giác.
Cầu gái sinh gái, cầu trai sinh trai
Tôi
về tới Cần Thơ, dì ôm tôi khóc và dẫn tôi xuống bệnh viện. Bác sĩ đòi bỏ
cái thai. Tôi không chịu. Nó đã không ra khi huyết ra khá nhiều, cớ gì
tôi lại bỏ nó khi tôi đã lết về được tới đây. Bác sĩ cho thuốc giữ thai.
Uống thuốc vào, nôn thốc nôn tóe. Uống chút nước vào nôn. Ăn chút gì
cũng nôn. Nôn liên tục. Nôn cả mật xanh mật vàng. Tôi nói với dì “Quanh
đây có chùa nào không dì. Có thầy nào bắt thuốc không dì. Cho con đi…”.
Dì vừa khóc vừa nói: “Có có, để dì mang con xuống chùa ni uống thuốc”.
Thầy
trẻ lắm, mảnh mai như con gái, da trắng, môi hồng. Thầy bắt mạch và nói:
“Cô có thai nhưng thai yếu lắm. Tôi cho cô uống 10 thang giữ thai”. Tôi
gật đầu. Uống thang đầu, tôi ngưng ói. Và sinh con gái đầu lòng.
Những hình ảnh nói trong kinh điển có khi chỉ để biểu trưng cho những gì
sâu xa cần nói, không hẳn chính là hình ảnh ấy. Nhưng với tôi thì mọi
hình ảnh đều có giá trị từ thô đến tế. Thô là những gì chúng ta nhận
được hiện thực trong đời bằng chính hình ảnh ấy. Tế là những gì mà kinh
điển muốn hiển thị. Tùy tâm thức của chúng sinh mà kinh điển có vô lượng
nghĩa.
Khi
tôi có thai, thầy thuốc nói sinh con trai. Tôi tin thầy hết mực vì tuy
là thầy thuốc nhưng thầy bắt mạch và báo chuyện đời cho gia đình tôi rất
chính xác. Ngày đó tôi vẫn còn coi tử vi. Cung tử tức, đất đó sinh con
trai đầu lòng sẽ thất. Đến khi ra huyết, tôi liên hệ chúng với nhau và
niệm Phật cầu xin chuyển thai. Mọi việc với tôi là linh ứng. Bù lại,
người bạn cầu trai nhưng khi sinh lại ra gái. Thắc mắc. Một vị thầy đã
giải thích “Vì chúng ta đã hiểu kinh Nhất thừa theo kiểu tầm thường, nên
thấy linh hay không linh”. Tôi không phản bác điều đó, nhưng có cái nhìn
khác đi một chút. Gọi là Nhất thừa thì một địa tức là tất cả địa, thô
hay tế đều có thể ứng. Nếu căn lành chúng ta đầy đủ, mọi thứ đều có thể
hiện. Chỉ là tùy mức độ hình trạng miêu tả trong kinh mà đòi hỏi căn
lành của chúng ta tương ưng đến đâu. Trì danh, nếu chưa đủ lực cảm ứng
thì nghiệp chưa thể chuyển theo mong muốn của mình. Đó là việc tất
nhiên. Không hẳn kinh chỉ có nghĩa bóng.
Lực hấp dẫn
Đây
là khái nhiệm mà hiện nay một số vị bên phương Tây đã nhắc đến nó, diễn
tả tình trạng tâm chiêu cảm vật. Không phải bây giờ họ mới tìm thấy.
Luật này đã được khám phá từ lâu bởi một số ít người, nhưng giờ mới được
hiển thị rộng. “Khi
bạn nhìn vào những điều bạn muốn. Bạn nói vâng tôi muốn. Với điều đó bạn
đang tạo một suy nghĩ tích cực vào luật hấp dẫn. Và luật hấp dẫn sẽ đáp
ứng lại các suy nghĩ này”2.
Với cái nhìn của luật hấp dẫn, chỉ cần bạn giữ được tinh thần lạc quan,
biết ơn và mong muốn hoài về điều gì đó một cách nghiêm túc hết mình,
bạn sẽ được toại nguyện mọi thứ. “Tất
cả mọi thứ đều là sự hấp dẫn. Luật hấp dẫn luôn luôn hoạt động bất chấp
bạn có tin và hiểu luật hay không?... Bạn sẽ đạt được điều giống với
điều bạn suy nghĩ nhất. Và cũng tự hấp dẫn điều bạn nghĩ đến với bạn.
Nguyên tắc này có thể rút thành trong ba từ rất đơn giản “Suy nghĩ - trở
thành - thành quả” … Cho nên, khi bạn nhìn vào những điều bạn muốn. Bạn
nói vâng tôi muốn. Với điều đó bạn đang tạo một suy nghĩ tích cực vào
luật hấp dẫn. Và luật hấp dẫn sẽ đáp ứng lại các suy nghĩ này”
v.v...
Tôi
đã có khả năng đó ở một số việc và tôi cũng đã gặp khả năng đó ở một số
người trong đời sống thường nhật của mình. Khi tôi nghĩ đến một món ăn,
tôi liền đươc toại nguyện. Khi tôi không muốn tiếp duyên hay làm Phật
sự, tôi chỉ cần nghĩ “tôi muốn một mình”, mọi thứ sẽ được y nguyện,
không một bóng người lai vãng hay hỏi thăm. Khi tôi muốn làm Phật sự,
tôi nói “giờ nên làm Phật sự”, và duyên tới để làm cho đến khi tôi không
muốn làm nữa.
Một
buổi chiều, đang trên đoạn từ Thường Chiếu về thất mình, tôi chợt thấy
một phụ nữ và tạt vào đó. Không có lý do và cũng là việc lạ với thói
quen thường ngày của tôi. Tôi ít để tâm đến ai trên đoạn đường mình đang
đi và cũng không có tính cởi mở thăm hỏi ai ngay cả với người thân của
mình. Nhưng hôm nay tôi ghé ngang đó. Có nguyên do nhưng ngoài tầm kiểm
soát của tôi. Người phụ nữ ấy muốn về thành phố nhưng không biết đường.
Bà niệm Quán Thế Âm cầu gia bị và tôi xuất hiện, đáp ứng nhu cầu của bà.
Đương nhiên, tôi không phải là Quán Thế Ấm. Tôi không hề ý thức gì về
việc ấy. Tôi bị dẫn đi bởi một lực. Tôi muốn nói đến một lực vô hình đã
dẫn tôi lại đó. Cũng như loại lực đã giúp tôi chiêu cảm hay đẩy lùi
những Phật sự mà tôi mong muốn.
Lực
hấp dẫn nói đó khiến tôi liên tưởng đến cảnh giới của chư thiên, chỉ cần
chư vị nghĩ đến là cảnh vật liền xuất hiện. Khác chút là chư thiên nghĩ
xong mọi thứ liền hiện, người đời dù được toại nguyện cũng phải mất ít
nhiều thời gian và công sức. Lực hấp dẫn cũng làm tôi liên tưởng đến
năng lực của lời nguyện. Nó đã giúp chư Bồ-tát vào thế gian độ sinh khi
nghiệp đã hết dẫn lực. Nguyện là một dạng của mong muốn.
Chỉ khác là hấp lực mà Phật giáo nói có tác dụng không chỉ dựa trên sự
mong muốn, thứ quyết định vẫn là thiện nghiệp ở mỗi người. Người
đời muốn mà được là nhờ phước báu đã sẵn tạo trong quá khứ. Chư thiên
nghĩ mà liền được vì có thiện nghiệp của chư thiên. Bồ-tát muốn theo
nguyện lực độ sinh, phải có tịnh nghiệp ở một mức nào đó kèm với công
đức phát Bồ-đề tâm.
Song
dựa vào cái nhìn của Tứ ý thú thì lực hấp dẫn nói đó vẫn có mặt tích cực
của nó. Tứ ý thú là một loại công cụ mà thiếu nó, chúng ta khó hiểu được
hết những gì kinh luận đã nói. Xảy ra luận điệu “nhân một quả nhiều là
không tương ưng, là sai trái” như một vị đã biện hiện nay, là do không ý
thức được loại “công cụ” này.
Nhiếp chánh luận, bản dịch của ngài Huyền Trang ghi: “Ngoài ra còn có Tứ
ý thú và Tứ bí mật. Mọi lời Phật nói nên căn cứ vào đó mà lý giải và
quyết định”3.
Khi đọc kinh Phật, nếu dùng 4 thứ ý thú và 4 thứ bí mật đó làm nền tảng
để hiểu thì sẽ thông tỏ những ý thú mà Phật muốn nói trong kinh.
Hoa nghiêm thám huyền ký ghi: “Biệt thời ý thú là, như nói ‘Nếu tụng
danh hiệu Đa Bảo Như Lai thì đối với Bồ-đề vô thượng chánh đẳng đã được
quyết định’. Hoặc nói ‘Do chỉ phát nguyện, liền được vãng sinh thế giới
Cực Lạc’”.
Chỉ
nói đơn giản giữa nhân và quả như thế. Không nói đến duyên chi phối bên
trong và thời gian đạt được thành quả là khi nào. Với lực hấp dẫn, mong
muốn là nhân và thành công là quả. Chỉ nói mong muốn là nhân và quả là
sự toại nguyện. Bỏ qua giai đoạn nhờ mong muốn mà có sự tạo tác. Tạo tác
mới là duyên trực tiếp đưa đến cái quả toại nguyện. Trong cái duyên trực
tiếp đó, các thiện nghiệp như bố thí, trì giới mới là duyên trực tiếp
đưa đến sự toại nguyện. Không phải chỉ dựa trên sự mong muốn thôi mà
được toại nguyện. Đây là chỗ mà lực hấp dẫn chưa nhìn thấy được. Bởi lực
hấp dẫn được khai triển dựa trên kinh nghiệm của một số người mà thiện
căn quá khứ đã có. Nó được tìm thấy do quy nạp các kinh nghiệm, không
phải do nhìn thấu bản chất các sự vật như Đức Phật và chư vị Bồ-tát. Chư
vị nói nhân nói quả mà không nói duyên, không phải vì không thấy được
các duyên này như chư vị hấp dẫn lực, mà vì “Để
khuyến
khích kẻ giải đãi, đối với pháp không chịu tinh cần mà nói như vậy. Ý
cũng muốn trưởng dưỡng kẻ có thiện căn đời trước. Như thế gian nói chỉ
nhờ một đồng mà được đến hàng ngàn”4.
Đây là lời giải thích của ngài Vô Trước. Chư Bồ-tát chỉ nói nhân và quả
mà không nói đến duyên vì hai lý do. Một là để sách tấn kẻ giải đãi. Hai
là để nói lên thực trạng của các vị đã có nhân lành từ trước. Nhờ nhân
lành đó mà hiện tại sự mong muốn đưa đến cái quả thành tựu mà các nhà
hấp dẫn lực đã nói.
Thực
tế cũng cho thấy không phải khi nào muốn cũng được và tất cả mọi người
đều được khi muốn. Những gì thuộc về tiền tài danh vọng, tôi đã phải tự
tập cho mình cái tính không nghĩ đến nó, trước khi biết đến pháp
Biết vọng không theo. Bởi không nghĩ thì thôi, nghĩ là liền ra
ngược. Và những người nghèo, có lẽ là những người mong giàu có hơn ai
hết, nhưng họ vẫn đứng chờ ở hàng vé số mỗi chiều, hy vọng trúng một tờ
để cuộc sống đổi khác hơn, nhưng có người vẫn nghèo cho đến khi chết.
Nói
chung những gì các nhà hấp dẫn lực đã khám phá không phải không có giá
trị ít nhiều, nhưng đa phần chỉ mới dừng ở mặt hiện tượng, chưa thấy
được chiều sâu của vấn đề. Như nền vật lý hiện đại thấy được mọi hiện
tượng ở thế gian có hay mất đều không ra ngoài nhân quả (Lũ lụt là do
phá rừng. Bệnh là do trời lạnh v.v…), nhưng chưa thể thấu nhân quả ở mặt
sâu xa hơn (Nạn tai bệnh tật là do sát sinh. Đói khổ là do trộm cắp keo
kiết v.v…).
Thành tựu mong muốn có điều kiện
Với
cái nhìn của chư vị, lực hấp dẫn là một loại năng lực lớn chi phối hết
thảy mọi thứ ở thế giới này. Thực ra dù có năng lực lớn thế nào, cũng
không thể không bị chi phối bởi lý Nhân quả. Chính vì thế, không phải cứ
muốn là đã thành tựu điều mong muốn ấy, có khi được, có khi không. Cũng
không phải ai muốn cũng đều thành tựu điều mình muốn, người được, người
không. Do chịu sự chi phối của luật Nhân quả nên nó hoạt động có điều
kiện. Đó là việc tất yếu ở thế gian này. Phật độ sinh hay ra đời còn
phải lệ thuộc vào nhân duyên, huống là vạn pháp. Xuất hiện rồi, người độ
được, người không độ được, đều do nhân duyên. Lực hấp dẫn ấy muốn xuất
hiện cũng không thể ra ngoài lý ấy. Tùy điều kiện của nhân sự mà luật có
tác dụng mạnh hay yếu.
Điều
kiện đó là gì?
Tạo
cái nhân phù hợp với cái quả mà bạn mong muốn.
Bạn
muốn giàu có sung túc, bạn phải biết bố thí. Nếu nhân bố thí của bạn
không có, bạn muốn bao nhiêu cũng vậy thôi, cái quả không thể xảy ra khi
nhân ấy chưa được thực hiện. Khi bạn muốn giàu có mà bạn có thể hưng
phấn tinh thần, có thể lạc quan yêu đời và bạn thấy cái quả xuất hiện,
là vì nhân bố thí bạn gieo trong tiền kiếp đã khá dày, chỉ cần đủ duyên
là hiện khởi. Khi bạn mong muốn và quyết tâm thực hiện nó v.v… là lúc
duyên đủ đầy để bạn được cái quả ấy.
Người phụ nữ muốn về Sài Gòn, bà mong muốn và niệm Phật cầu gia bị. Ý
niệm của bà thành công vì bà đã sẵn có căn lành mà niệm Phật cầu gia bị
là một điển hình. Đó là điều kiện giúp bà tạo ra được lực hấp dẫn với
tôi, để mong muốn của bà được toại nguyện. Cũng như tôi phải có nhân
duyên với bà, lực ấy mới chiêu cảm được. Có thể là duyên lành bà đã tạo
ra trong quá khứ với tôi, có thể bắt nguồn từ lời nguyện của tôi khi bắt
đầu phát Bồ-đề tâm. Và nhờ nguyện lực của Quán Thế Âm mà nhân duyên được
nối kết, mọi việc được y nguyện.
Bạn
muốn có học vị bằng cấp, bạn phải tạo cái nhân học hành chăm chỉ và
phước báu cho bản thân, thứ mà người ta nhìn nó như một loại may mắn hay
thi tài đỗ phận, việc mong muốn của bạn mới thực hiện được. Hiện thực
thì, có những người không học vẫn có bằng cấp nhờ đút lót, cũng có người
học rất chăm mà vẫn không đậu. Đó là do căn lành gieo từ quá khứ mạnh
hay yếu. Trên mặt hiện tượng, chúng ta thấy bất công, nhưng thật ra mọi
thứ đều bị Nhân quả chi phối. Người không học mà đậu do đút lót là người
có căn lành ở quá khứ, nhưng lại dùng căn lành ấy tạo nghiệp bất thiện
trong hiện tại. Một khi phước báu quá khứ hết, đủ duyên quả báo xấu hiện
ra. Tất cả pháp ở thế gian đều như thế. Phật chia chúng sinh làm bốn
hạng người, từ tối vào tối, từ tối vào sáng, từ sáng vào sáng, từ sáng
vào tối là như vậy.
Nói
chung, trên lý thì chư Phật có thể phương tiện bằng cách nói nhân quả ở
mặt gián tiếp để sách tấn chúng sinh, nhưng trên sự thì nhân nào sinh ra
quả nào đều phải theo trình tự của nó thì quả mới thành tựu.
Từ bi tức là Quán Thế Âm
Đó
là lời dạy của Lục Tổ trong kinh
Pháp bảo đàn, một bộ kinh trọng yếu của Thiền Tổ sư. Mọi thứ đều
quy tâm. Chúng sinh và Phật với cái nhìn hiện nay thấy phân hai rõ ràng.
Ta, người, chúng sinh, Phật. Tâm trong ta còn Phật và chúng sinh thì
ngoài ta. Với cái nhìn của Nhất thừa, tất cả không có gì ngoài tâm. “Tam
giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.
Chúng sinh, Tổ Mã Minh nói “là do tâm, ý, ý thức cùng sinh”. Chúng sinh
ngoài tâm chỉ là bóng dáng của chúng sinh trong tâm. “Tâm sinh thì tất
cả pháp sinh. Tâm diệt thì tất cả pháp diệt”5.
Nếu tâm, ý và ý thức chẳng sinh thì ngay đó là Phật. Phật hay chúng sinh
đều từ tâm này mà ra. “Niệm trước mê là chúng sinh. Niệm sau giác là
Phật”6.
Kinh
Pháp bảo đàn nói: “Phật
nhằm ở trong tánh mà tạo, chớ hướng ra ngoài mà cầu. Tự tánh mê tức là
chúng sinh. Tự tánh giác tức là Phật. Từ bi tức là Quán Thế Âm. Hỷ xả
gọi là Đại Thế Chí. Năng tịnh tức là Đức Thích Ca. Bình trực tức là Phật
Di-đà. Nhân ngã ấy là núi Tu-di. Tà tâm là biển độc. Phiền não là sóng
mòi. Độc hại là rồng dữ. Hư vọng là qủy thần. Trần lao là rùa trạnh.
Tham sân là địa ngục. Ngu si là súc sinh...”. Tức, là ngay đó mà
không phải đó. Tâm chúng sinh, một niệm từ bi thì những niệm còn lại
chưa hẳn đã từ bi, dù từ bi chưa hề thiếu vắng. Chưa hẳn thì niệm nào từ
bi niệm ấy đang trong ranh giới của Quán Thế Âm, niệm nào chưa từ bi thì
niệm ấy chưa phải là Quán Thế Âm. Trong khi Quán Thế Âm thì niệm niệm từ
bi. Nói phải mà chưa phải là vậy.
Vua
nước Câu-viêm-di tên là Ưu-đà-diên.
Đệ nhất phu nhân của vua tên là Xá-ma, là một tín nữ trung thành của
Phật. Bà thường hay thân cận dúng dường Như Lai và ca ngợi công đức của
Ngài hết mực. Ngược lại, đệ nhị phu nhân, vì thiếu trí tuệ và hay có
lòng ganh ghét nên thường tâu với vua rằng: “Đức Như Lai và hàng đệ tử
có chỗ không chánh đối với đại phu nhân”.
Vua nghe xong giận lắm, lấy cung tên bắn phu nhân Xá-ma. Vì thương xót
vua, phu nhân Xá-ma nhập từ tam muội. Tên vừa bắn ra, liền quay trở lại
dừng ngay trước trán vua. Tên ấy cháy đỏ như một khối lửa trông rất đáng
sợ. Vua bắn ra ba phát, chúng đều như vậy.
Vua Ưu-đà-diên thấy sự việc ấy, toàn thân lông tóc dựng đứng, kinh sợ
hối hận nói với phu nhân:
- Khanh là tiên nữ hay long nữ, là Dạ-xoa, Càn-thát-bà nữ, Tỳ-xá-giá nữ,
hay La-sát nữ?
Phu
nhân Xá-ma trả lời:
-
Thiếp không phải thiên nữ, cũng không phải La-sát nữ. Đại vương nên
biết, thiếp nghe Đức Phật thuyết pháp, thọ trì 5 giới làm cư sĩ. Vì
thương đại vương, thiếp nhập từ tam muội. Dầu Đại vương sanh lòng bất
thiện với thiếp, nhưng do bi nguyện nên thiếp không bị tổn hại7.
Tam
muội là chánh định. Có chánh định tức tâm không bị các niệm chúng sinh
chi phối để rơi vào tán loạn. Không sợ hãi, không oán hờn, không ghét bỏ
v.v… mà chỉ một tâm từ trải khắp, nên nói “nhập từ tam muội”. Muốn chúng
sinh được an vui, ban an vui cho chúng sinh là bi nguyện của Bồ-tát.
Trong kinh
Lăng nghiêm, Quán Thế Âm bạch Phật “Bạch
Thế Tôn! Con nhớ vô số hằng sa kiếp về trước, có Phật ra đời là Quán Thế
Âm, từ Đức Phật đó mà con phát tâm Bồ-đề…”. Quán Thế Âm được
truyền thừa từ Quán Thế Âm và hiện khởi ba mươi hai ứng hóa thân vào
trong thế gian. Thiền sư Hàm Thị bàn: “Bản
giác diệu tâm đó, nguyên chúng sinh cùng với Phật đồng một thể. Nay cùng
với Phật đồng một thể nên hay đồng một từ lực. Cùng chúng sinh đồng một
thể nên hay đồng một bi ngưỡng. Bi ngưỡng, là chúng sinh bi ngưỡng, cũng
do giác tâm huân tập mà sinh bi ngưỡng, cũng do sức từ chiêu cảm khiến
sinh bi ngưỡng. Chỉ đồng một bi ngưỡng cũng sinh sức từ vậy ”8.
Như thế thì Quán Thế Âm là Quán Thế Âm hay chẳng phải là Quán Thế Âm?
Bạn là Quán Thế Âm hay chẳng phải là Quán Thế Âm? Phải hay chẳng phải là
nhị biên phân biệt. Nhận đó thì ba mươi hai ứng hóa thân liền mất.
Cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn
Phu
nhân Xá-ma nói: “Dầu
Đại vương sanh lòng bất thiện với thiếp, nhưng do bi nguyện nên thiếp
không bị tổn hại”. Kinh
Lăng nghiêm thì nói “Một
là, do con không tự quán các tướng mà quán cái tâm năng quán, khiến cho
chúng sinh khổ não trong mười phương quán âm thanh con, liền được giải
thoát. Hai là, do con xoay tri kiến trở lại, khiến cho các chúng sinh
vào trong lửa lớn, lửa không thể đốt cháy. Ba là, do con quán cái nghe
xoay trở lại, khiến cho các chúng sinh bị nước lớn cuốn đi mà không chết
chìm. Bốn là, do con diệt hết các vọng tưởng, tâm không sát hại, khiến
cho các chúng sinh vào các nước qủy, quỷ không thể hại được…”. Do
năng lực tu hành như thế mà tự lực tha lực cảm ứng bày hiện lẫn nhau.
Nếu bản thân có bi ngưỡng, nghĩa là phần tự lực đã thông được với bi từ
của Quán Thế Âm thì không nạn tai nào có thể xâm hại, nếu có chỉ do bi
nguyện, không thể nghĩ bàn. Nếu năng lực tu hành chưa đủ thì như Thiền
sư Hàm Thị nói “hoàn toàn phải nhờ vào việc xưng danh hiệu”. Do việc trì
niệm ấy mà cảm được lực gia trì của Quán Thế Âm. Thành tuy nói tha lực
mà thực vẫn cần vào tự lực trì danh, mọi thứ mới ứng hiện.
Nhờ
niệm Phật mà với chư Phật thì nhận được từ lực, với chúng sinh hữu duyên
đương nhiên cũng trao được từ lực.
Giới
nếu giữ kỹ thì có thể dùng đó hồi hướng cho kẻ hữu duyên đồng giữ giới.
Giới giữ được thì các nạn tai như bệnh tật, chết yểu, nạn tai, thiên
tai, cướp giật, quan tham v.v… đều không động được đến thân.
Cho
nên, niệm Quán Thế Âm mà niệm lại tự tánh của chính mình, tức vào chánh
định là từ văn, tư, tu, rồi năng văn và sở văn đều dứt, tiến lên năng
giác sở giác đều không, và rốt sau là năng không sở không đều diệt, bản
tánh tịch diệt hiện tiền, thì bi từ hiển hiện, ba mươi hai ứng hóa thân
do chỗ cảm của chúng sinh tự nhiên ứng hiện, chẳng phải thật có thân nào9.
Nếu
có thể nhất tâm trì danh Quán Thế Âm thì chẳng phải đợi vãng sinh mới
có Cực Lạc. Ngay thế gian này đã có thể thoát khỏi nạn tai, là hiện thực
an vui của chúng sinh. Quan trọng là, y đó chúng ta luôn thấy vững tin
với cuộc sống đầy tai ương hoạn nạn này, là lý do thứ hai khiến chúng ta
nên niệm Phật nếu không tu thiền.
1 Kinh
Pháp hoa - phẩm Phổ môn – HT Trí Tịnh dịch.
2 Bí
mật của luật hấp dẫn.
https://www.youtube.com/watch?v=nTDoBRhMZX8&feature=player_embedded
3
Hoa nghiêm thám huyền ký - Tổ Pháp Tạng.
Tự điển Phật học Huệ Quang thì ghi: “Nhiếp
Đại thừa luận thích quyển 5 do ngài Huyền Trang dịch (Đại 31, 408
Trung) ghi: “Lại có bốn thứ ý thú, bốn thứ bí mật có công năng quyết
đoán tất cả lời Phật”.
4
Hoa nghiêm thám huyền ký – Tổ Pháp Tạng.
5
Luận Đại thừa khởi tín
- Tổ Mã Minh.
6
Pháp bào đàn kinh – HT. Thanh Từ dịch và giải.
7 Kinh
Đại Bửu Tích quyển 6 - phẩm
Pháp hội Ưu-đà-diên. HT. Trí Tịnh dịch.
8 Kinh
Thủ lăng nghiêm trực chỉ quyển 6 – chương
Do nhĩ căn chứng viên thông - Thiền sư Hàm Thị trực giải, TT.
Thích Phước Hảo dịch.
9 Kinh
Thủ lăng nghiêm trực chỉ quyển 6 – chương
Do nhĩ căn chứng viên thông - tiết 2:
Vâng lời dạy mà thành tựu chứng ngộ - Thiền sư Hàm Thị trực giải.
TT. Thích Phước Hảo dịch.