Thiền tông và các pháp ngắn gọn

thien tong

Thiền tông và các pháp ngắn gọn

Nguyên Giác

 

Bài viết này chỉ có tính sơ lược, vì vấn đề rất là mênh mông. Bản thân người viết tu học không thâm sâu, khả năng đọc cũng hạn chế, nên sẽ có thiếu sót, thậm chí, có thể sai sót. Bài này viết trong nỗ lực muốn giúp một số độc giả dễ dàng hơn khi đọc về Thiền sử Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn… qua đối chiếu với một số kinh trong Tạng Pali, đặc biệt các kinh được Đức Phật dạy cho một số vị muốn xin một lời dạy ngắn gọn (Dhamma in brief) để sẽ lui về một góc rừng ngồi cho tới khi giải thoát.

BA CÕI DUY TÂM, VẠN PHÁP DUY THỨC

Nhiều Phật tử thắc mắc về nghĩa thường nói trong kinh Bắc tông, đặc biệt là trong Thiền tông: Ba cõi duy tâm, vạn pháp duy thức. Ý này, nguyên thủy Đức Phật dạy từ kinh Pháp cú và rất nhiều kinh khác trong kinh Tương ưng bộ.

Trước tiên, để nêu một câu hỏi thường gặp: Tại sao Đức Phật và chư Thánh Tăng vẫn đi đứng nằm ngồi trong Niết-bàn, thọ dụng an lạc vô cùng tận trong Niết-bàn… như thế. Đã nói rằng chứng ngộ vô ngã thì ai vào Niết-bàn, và ai thọ dụng Niết-bàn?

Câu trả lời dĩ nhiên thường gặp là: Không một ai, không hề có ai… tuy rằng vẫn có Đức Phật và chư Thánh Tăng đang đi đứng nằm ngồi và thọ dụng Niết-bàn. Bởi vì, Đức Phật nói, cảnh giới đó nói gì cũng không trúng.

Nghĩa là, xa lìa ngôn thuyết. Nghĩa là, nói “ngã” và nói “vô ngã” cũng là trật. Nhưng lối đi duy nhất là phải thấy vô ngã nơi khối thân tâm này, nơi khối căn-trần-thức này, nơi toàn thể những gì trong và ngoài, nơi toàn thể những gì quá-hiện-vị lai.

Nghĩa là, cùng hít thở chung một bầu không khí, trong khi tất cả chúng sanh thời đó tự thấy đang sống trong biển khổ, lúc đó chỉ có Đức Phật và 2.500 vị Thánh Tăng đang thọ dụng Niết-bàn. Như thế, Niết-bàn không có nghĩa là nhà cửa, thành quách, sông hồ… Đó là tâm, khi đã xả ly hoàn toàn tham sân si. Lúc đó, trước mắt và bên tai đều là Niết-bàn.

Đức Phật nói rằng tất cả các pháp trước mắt, bên tai… đều là trọn thế giới của chúng ta.

Kinh Tất cả trong Tương ưng sáu xứ (SN 35.23) viết:

“-Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả. Hãy lắng nghe.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các hương; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, gọi là tất cả.

Này các Tỳ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi từ bỏ tất cả này, ta sẽ tuyên bố (một) tất cả khác”, thời lời nói người ấy chỉ là khoa ngôn. Và bị hỏi, người ấy không thể chứng minh gì. Và hơn nữa, người ấy có thể rơi vào ách nạn. Vì sao? Này các Tỳ-kheo, như vậy ra ngoài giới vức (avisaya) của người ấy!(1)

Trong các chú thích cho bản tiếng Anh của kinh trên là “The All" (Sabba Sutta, SN 35.23), nói rằng ngoài sáu căn và sáu trần sẽ không có gì nữa hết.

Trong kinh Tương ưng, bản tiếng Anh “The Connected Discourses of the Buddha: A Translation of the Samyutta Nikaya” dịch bởi Bhikkhu Bodhi, in năm 2000, nơi trang 1140 là kinh Sabba Sutta, có ghi chú n.7 ở trang 1399 rằng, theo luận thư Pali về kinh này nói rằng: “…Nếu có ai vượt ra ngoài 12 xứ này (căn-trần), người đó không có thể chỉ ra đâu là hiện tượng thực.” (p. 1399, n.7, the Pali commentary regarding the Sabba Sutta states: "...[I]f one passes over the twelve sense bases, one cannot point out any real phenomenon.")

Trong kinh "Abandonment" thuộc Tương ưng (SN 35.24), Bhikkhu Bodhi dịch rằng Đức Phật dạy pháp buông bỏ Tất Cả, nơi đây bao gồm căn-trần-thức. HT.Thích Minh Châu dịch là Đoạn tận tất cả, chấm dứt tất cả cho dù là vui, là khổ hay là không vui không khổ. Tất cả cõi này [mà chúng ta đang đi đứng nằm ngồi trong đó] định nghĩa là căn-trần-thức (2).

Nhà sư Nguyễn Thế Đăng trong bài Đi vào kinh Hoa nghiêm, nơi chương 4, có giải thích rằng: 

“…Bản tánh của tất cả các pháp vốn là Niết-bàn, vốn là tịch diệt; Như Lai cũng vốn là Niết-bàn, vốn là tịch diệt, không cẩn phải Niết-bàn thêm nữa, không cần phải nhập diệt nữa. Vì bản tánh ấy vốn là tịch diệt nên vô sanh vô khởi. Như thế, xuất thế gian và nhập Niết-bàn chỉ là “thần biến”, “thị hiện” đối với chúng sanh còn sống trong tưởng…”(3).

Diệu nghĩa của kinh Hoa nghiêm là pháp giới trùng trùng duyên khởi. Trong cái hiểu đơn giản, chúng ta nhìn pháp duyên khởi theo chiều dọc, tức là theo chiều thời gian, rằng cái này có, nên cái kia có. Nhưng bất kỳ ai nhìn thấy lý duyên khởi trong toàn cảnh sẽ thấy như người đứng trong ngôi nhà chung quanh đều là gương phản chiếu trùng trùng.

Chúng ta có thể lấy một thí dụ. Giả sử như chúng ta đang nghe một cô ca sĩ hát, trên sân khấu với trống, đàn, ánh sáng, và v.v... Giả sử, khi nghe cô hát câu “Tôi yêu tiếng nước tôi…”, chúng ta thấy riêng chữ “tiếng” là hợp âm mang giọng ca sĩ, cùng với tiếng đàn, tiếng trống. Tức là duyên khởi. Và trong tiếng đàn đệm đó cũng là từ nhiều duyên khởi: từ anh nhạc sĩ luyện đàn nhiều thập niên, là tiếng gỗ rừng thông, tiếng ván thông mang theo tiếng gió rừng cao nguyên, tiếng thợ một làm đàn. Rồi tiếng trống, tương tự… Tất cả cùng duyên khởi, theo một mô thức có thể mượn từ Khoa Khí tượng vật lý: một tiếng vỗ cánh của con bươm bướm có thể sẽ dấy lên trận bão bên kia bờ đại dương.

Tương tự, nếu nhìn về màu phấn trên má cô ca sĩ, cũng sẽ thấy trùng trùng duyên khởi. Màu phấn này mua từ Nhật Bản, được làm từ nhựa cây rừng sấy khô và trộn hóa chất. Rồi màu trắng che trên làn da rám nắng của cô ca sĩ. Da của cô có thể là xanh mau bệnh… Tương tự, chúng ta thấy cả thế giới trùng trùng duyên khởi trước mắt. Chúng ta hễ mở lời, là tất cả các pháp trở thành quá khứ, vì hiện tại liên tục chảy xiết, không ngừng. Khi ngồi nghe và thấy cả pháp giới trùng trùng như thế, không có suy nghĩ hay nói gì được. Vì hễ nghĩ ngợi, là mất “cái hiện tiền” tức khắc, là tất cả chỉ còn là chạy theo cái vừa trôi qua.

Thấy cái khoảnh khắc trùng trùng duyên khởi đó là thấy Niết-bàn tịch diệt, cho dù bên tai khoảnh khắc đó vẫn là tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng gió rừng cao nguyên, tiếng cưa gỗ rừng, tiếng thợ mộc mài gỗ, căng dây đàn… Tất cả nghĩ ngợi của ý thức trong khoảnh khắc đó sẽ im bặt.

Đó cũng là thấy pháp như huyễn. Chỉ trong một lời ca, trong một khoảnh khắc, và trong từng khoảnh khắc nhỏ hơn, cả một thế giới duyên khởi hiện lên như huyễn trước mắt, như huyễn bên tai.

Trong kinh Viên giác có nói rằng Đức Phật dạy về một pháp tu ngắn gọn, không qua bất kỳ phương tiện  nào khác:

Thiện nam tử, tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện, ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ. Nhất thiết Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh, y thử tu hành, như thị nãi năng vĩnh ly chư huyễn.”

Nghĩa là: Các thiện nam tử, thấy pháp là huyễn liền tức khắc xa lìa (không chấp thủ, không chấp thật), khỏi cần phương tiện gì, lìa huyễn tức liền giác, cũng không có thứ lớp gì. Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời sau hãy y như thế tu hành. Như thế mới hằng lìa các huyễn.

Hễ thấy cái khoảnh khắc trùng trùng như thế là thấy pháp như huyễn. Làm sao còn chỗ nào cho tham sân si hiện ra nữa.

Như thế, thấy cái hiện tiền là thấy duyên khởi trùng trùng. Khi dạy về lý duyên khởi, Đức Phật nói rằng ai thấy lý duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật.

Trong cái khoảng khắc đó, có thể gọi là, như kinh Nhật tụng Bắc tông thường nói, “Tình dữ vô tình, đều trọn thành Phật đạo”; nghĩa là, giới hữu tình chúng sinh và giới vô tình chúng sinh cùng hiển hiện trong Niết-bàn tịch diệt.

Một nhà sư Nam tông của Thái Lan cũng có thị kiến như thế. Ngài Ajahn Chah trong bài thuyết pháp “Opening the Dhamma Eye” có một giải thích:

Những gì có ý thức (hữu tình) và những gì không ý thức (vô tình) không khác gì nhau. Chúng y hệt nhau. Và nếu chúng ta hiểu cái y hệt nhau này, rồi khi chúng ta thấy bản tánh của một cây, thí dụ, chúng ta sẽ biết rằng không có gì khác với 5 uẩn của chúng ta…” (4)

ƯNG VÔ SỞ TRỤ, BUÔNG BỎ

Có một nhóm kinh, gọi là pháp ngắn gọn, do Đức Phật dạy trong Tạng Pali cho chư Tăng muốn xin lời ngắn gọn để lui vào góc rừng ngồi cho tới khi giải thoát. Nguyên khởi đó là nhóm kinh từ kinh Tương ưng bộ: SN 22.63,  SN 22.64, SN 22.65, SN 22.66, SN 22.67, SN 22.68, SN 22.69.

Trong đó có nhiều lời dạy khác nhau, nhưng đều được Đức Phật gọi đó là pháp ngắn gọn, nghĩa là không bận tâm nhiều với thiên kinh vạn quyển.

Maurice O'Connell Walshe dịch là: “…if the Blessed One would teach me briefly a doctrine so that having heard it I might dwell alone…” (… nếu Đức Thế Tôn sẽ dạy con giáo pháp ngắn gọn để khi nghe xong, con có thể về độc cư…).

Bhikkhu Bodhi dịch là: “…if the Blessed One would teach me the Dhamma in brief, so that, having heard the Dhamma from the Blessed One, I might dwell alone…” (tương tự như trên).

Như thế, chúng ta thấy có ít nhất 7 pháp tu ngắn gọn trong nhóm kinh SN 22.63-69.

Kinh SN 22.63 dạy: Không trụ (clinging) vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức…

Kinh SN 22.64 dạy: Không nghĩ ngợi mơ tưởng (conceiving) về sắc, thọ, tưởng, hành, thức…

Kinh SN 22.65 dạy: Không tìm vui (seeking delight) với sắc, thọ, tưởng, hành, thức…

Kinh SN 22.66 dạy: Hãy buông bỏ lòng tham ái về bất cứ những gì vô thường (abandon desire for whatever is impermanent), đó là buông sắc, thọ, tưởng, hành, thức…

Kinh SN 22.67 dạy: Hãy buông bỏ lòng tham ái về bất cứ những gì là khổ, đó là buông sắc, thọ, tưởng, hành, thức…

Kinh SN 22.68 dạy: Hãy buông bỏ lòng tham ái về bất cứ những gì là vô ngã, đó là buông sắc, thọ, tưởng, hành, thức…

Kinh SN 22.69 dạy: Hãy buông bỏ lòng tham ái về bất cứ những gì không thuộc về ngã (Bhikkhu, you should abandon desire for whatever does not belong to self), đó là buông sắc, thọ, tưởng, hành, thức… (5)

Kinh cuối vừa dẫn là một lời dạy rất mực dị thường. Kinh 22.68 nói là buông bỏ vô ngã, kinh kế đó (22.69) liền nói buông bỏ những gì không thuộc về ngã.

Có nghĩa là, có cái gì là ngã nằm ngoài ngũ uẩn?

Có phải là một tâm chói sáng như Đức Phật dạy trong kinh "Pabhassara Sutta: Luminous; AN 1.49-52"?

Chúng ta không dám đưa ra câu trả lời, vì căn bản phải là lời dạy: tất cả pháp đều vô ngã.

Hệ thống kinh Bát-nhã, trong đó phổ biến là kinh Kim cươngBát-nhã Tâm kinh, đã quảng diễn một phần từ nhóm kinh này.

Bản Việt dịch của HT.Thích Minh Châu cho kinh SN 22.69 là, trích:

“Nhân duyên ở Sāvatthi … Ngồi xuống một bên, Tỳ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

—Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con…

—Cái gì không đáng thuộc tự ngã, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.

—Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ.

—Lời Ta nói một cách vắn tắt, này Tỳ-kheo, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như thế nào?

—Sắc không đáng thuộc tự ngã, bạch Thế Tôn, ở đây, con cần phải đoạn trừ lòng dục. Thọ… Tưởng… Các hành… Thức không đáng thuộc tự ngã, ở đây, con cần phải đoạn trừ lòng dục. Bạch Thế Tôn, lời dạy vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.

—Lành thay, lành thay, này Tỳ-kheo! Lành thay, này Tỳ-kheo! Lời nói vắn tắt này của Ta, Ông đã hiểu một cách rộng rãi.” (6)

Câu hỏi: Cái gì đáng thuộc tự ngã?

Tương đương với kinh SN 22.69 trong Tạng A-hàm là bản Anh ngữ “Saṃyuktāgama: 18. Discourse on Not Belonging to Another”, bản dịch của Bhikkhu Analayo.

Trong kinh này, một nhà sư tới bạch Đức Phật rằng muốn xin Đức Phật dạy pháp cốt tủy của Pháp ngắn gọn (It would be well if the Blessed One would teach me the essentials of the Dharma in brief) để thầy sẽ lui về độc cư ở góc rừng vắng lặng, tu tới khi giải thoát hoàn toàn.

Cốt tủy của Pháp ngắn gọn? Hiểu là pháp tu nhanh nhất.

Đức Phật nói với vị sư: “Hãy nghe, hãy nghe và chú ý lời ta sẽ dạy. Bất cứ những gì không thuộc vào con, và không thuộc vào gì khác, những thứ này nên nhanh chóng xóa bỏ và buông bỏ…” Đó là hãy xóa bỏ và buông bỏ sắc, thọ, tưởng, hành, thức…

Rất mực bí ẩn. Câu hỏi: những gì thuộc vào con?

Bản Việt dịch tương đương là trong Tạp A-hàm, kinh 16, Phi bỉ. Bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ và Thích Đức Thắng, trích:

“Nếu có pháp nào chẳng phải là thích ứng của các ông và cũng chẳng phải là thích ứng của người khác, thì hãy nhanh chóng đoạn trừ pháp ấy.” (7)

THIỀN TƯ KHÔNG NƠI Y CHỈ

Trong Tạng Pali, có những lời dạy nghe y hệt như kinh Pháp bảo đàn của Lục Tổ Huệ Năng, xa lìa hẳn các pháp truyền thống (như Tứ thiền, Tứ niệm xứ).

Như trong kinh Sandha Sutta, bản Việt dịch của HT.Thích Minh Châu.

“...Vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió, Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, thiền tư không y chỉ vào cái ấy. Tuy vậy, vị ấy vẫn có Thiền tư. Lại nữa, này Sandha, với vị ấy Thiền tư như vậy, chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên, dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục..." (Bài kinh Tuấn mã và Thiền tông) (8)

Hay như lời dạy từ Đoạn kệ 874 trong kinh Nhật tụng sơ thời, trong phẩm Tám ở Kinh Tập:

"874. Tâm tưởng của người đó [về đối tượng sắc thanh hương vị xúc pháp] không phải là kiểu bình thường, mà cũng không phải là kiểu dị thường; người đó không phải không có tâm tưởng [về đối tượng sắc thanh hương vị xúc pháp], mà cũng không phải tâm tưởng [về đối tượng sắc thanh hương vị xúc pháp] đã bị biến mất. Đối với một người như thế, SẮC TƯỚNG ĐÃ BIẾN MẤT. Thực sự, tâm tưởng khái niệm hóa chính là cội nguồn của thế giới tâm phan duyên...." (Vài ghi chú rời về thiền) (8)

Tương tự, ngài Huệ Năng đưa ra pháp tu: Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc. Vô tướng là ở nơi tướng mà lìa tướng. Vô niệm là ở nơi niệm mà chẳng niệm…

Lời dạy đó của ngài Huệ Năng thực sự là y hệt 2 đoạn văn trên. Không có gì khác. Vô tâm, vô niệm cũng là kinh Bahiya, thấy chỉ là cái được thấy và nghe chỉ là cái được nghe.

Nếu muốn nói ngắn gọn hơn nữa, sẽ là lời dạy trong kinh Bahiya, và rồi kinh Malunkyaputta:

“…với những gì được ngươi thấy, nghe, cảm thọ, và thức tri: trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được cảm thọ sẽ chỉ là cái được cảm thọ; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri…”

Kinh Bahiya cũng từng được ngài Phước Hậu đưa vào thơ, làm thành chữ NHƯ:

Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,

Học hành không thiếu cũng không dư,

Năm nay nghĩ lại chừng quên hết,

Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như.

Trong khi các pháp khác, như Lục niệm (Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới, Niệm Thí, Niệm Thiên), hay tuyệt vời như Tứ niệm xứ (Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp) thực ra vẫn còn y chỉ vào thời gian và không gian. Hễ khởi tâm nghĩ ngợi (dù là niệm thở vào, niệm thở ra… dù là khi đi biết là đi, khi ngồi biết là ngồi…) cũng là trong thời gian, là cái khoảnh khắc hiện tiền đã liền trôi vào quá khứ.

Nhưng khi “thấy chỉ là cái được thấy”, là tức khắc lìa năng sở (năng là người niệm, người thấy, người nghe… và sở là cái đối tượng của niệm, của thấy, của nghe)… Tất cả hiện ra trong một gương tâm sáng ngời, rỗng rang, lặng lẽ. Ngay cả khi ngồi giữa chợ ồn ào, tu được pháp của Huệ Năng (hay Bahiya) là sẽ thấy gương tâm này.

DẪN KINH LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Để đối chiếu với phần “Thiền tư mà không y chỉ…” nêu trên, sau đây sẽ dẫn ra một số câu trong kinh Lăng nghiêm tông thông, bản dịch của Hòa Thượng Nhẫn Tế, do Thành hội Phật giáo TP.HCM in năm 1997, sẽ ghi kèm số trang theo bản giấy, và có bản điện tử ở đây: https://thuvienhoasen.org/p17a1221/quyen-i. Nói Tông thông có nghĩa là lấy chuyện Thiền tông để chú giải kinh Lăng nghiêm. Trích một số ý như sau.

Tổ Am, sau đó thượng đường mà rằng: “Khi thấy mà có tướng thấy, cái thấy ấy chẳng phải là cái Thấy Chân Thật (chánh kiến). Thấy do lìa tất cả tướng thấy, cái thấy ấy là siêu việt (giải thoát) (Lăng nghiêm tông thông, tr.120).

[Tổ Hoàng Bá nói]: Như nay chỉ học Vô tâm, dứt ngay các duyên, không sanh vọng tưởng phân biệt, không người không ta, không tham, sân, không yêu ghét, không hơn thua. Chỉ cần trừ bỏ hết bấy nhiêu thứ vọng tưởng, thì tự tánh vốn xưa nay vẫn là trong sạch, đó gọi là tu hành Bồ-đề, Pháp, Phật… (tr.123)

[Lục] Tổ đáp: “Đạo do tâm ngộ, đâu phải ở ngồi. Kinh nói: Nếu nói Như Lai có ngồi, có nằm, thì đó là hành tà đạo. Vì sao thế? Không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, không có sanh, không có diệt, là pháp thiền trong sạch của Như Lai. Chư pháp không tịch đó là sự ngồi trong sạch của Như Lai. Rốt ráo không chỗ chứng, huống là ngồi ư?” (tr.156).

Ngài Vân Cư Trí nói rằng: “Cái tánh trong sạch xưa nay trong lặng, chẳng có một chút động lay, không thuộc hữu, vô, lìa ngoài nắm, bỏ, tánh thể làu làu, vốn tự như nhiên. Thấy rõ ràng như vậy, mới gọi là thấy tánh (kiến tánh). Tánh tức Phật, Phật tức tánh nên nói là “kiến tánh thành Phật”... Suốt ngày thấy mà chưa hề thấy. Tìm cầu danh, xứ, thể, tướng bèn chẳng có được. Năng, sở đều dứt tuyệt, gọi là thấy tánh” (tr.194-195).

Ngài Vân Cư Trí: “Phàm phu ở ngay trong tánh trong sạch này vọng thấy có năng, có sở: bèn sa vào sanh tử. Chư Phật, Bồ-tát khéo biết trong tự tánh trong sạch nào có hữu, vô nên chẳng lập năng, sở”... Đây là chỗ tột rốt ráo: như cho rằng ta hiểu, kia chẳng hiểu, tức là đại bệnh. Thấy có phàm thánh, dơ sạch, cũng là đại bệnh. Khởi niệm không có phàm thánh, lại là bác không có nhân quả. Thấy có cái tánh trong sạch để có thể trụ dừng, cũng là đại bệnh. Khởi kiến giải chẳng có trụ dừng cũng là đại bệnh. Như vậy, trong tánh trong sạch, chẳng phá hoại phương tiện ứng dụng mà hưng vận từ bi. Như thế, chỗ đạo tràng hưng vận đó, tức toàn tánh trong sạch, nên nói là thấy tánh thành Phật.” (tr.196)

Đức Mã Tổ dạy chúng rằng: “Ba cõi duy chỉ là Tâm, muôn hình vạn tượng đều là một pháp ấn. Phàm thấy sắc là thấy tâm. Tâm chẳng tự là tâm, nhân sắc mà có. Các ông chỉ tùy thời mà nói năng, thì sự tức là lý, đều không chỗ ngại. Đạo quả Bồ-đề cũng lại như thế. Nơi tâm sanh ra thì gọi là sắc. Biết sắc là không thì sanh tức là chẳng sanh." (tr.300)

Như thế, qua các kinh trong Tạng Pali, như kinh Sandha, kệ 874 trong phẩm tám của Kinh Tập, kinh Bahiya…, chúng ta có thể hiểu được cách truyền pháp của các Thiền sư Trung Hoa. Đồng thời, cũng hiểu được nhiều kinh điển Bắc tông.

GHI CHÚ:

 (1) Kinh Tất cả: https://suttacentral.net/vn/sn35.23

(2) Kinh Đoạn tận: https://suttacentral.net/vn/sn35.24

(3) Đi vào kinh Hoa nghiêm:  https://thuvienhoasen.org/p17a25185/4-tanh-khoi

(4) Things which have consciousness and those without consciousness do not differ. They are the same. And if we understand this sameness, then when we see the nature of a tree, for example, we will know that it's no different from our own five 'khandhas'... Link: http://www.ajahnchah.org/book/Opening_Dhamma_Eye1.php

(5) Kinh SN 22.69: https://suttacentral.net/en/sn22.69

(6) Kinh Không đáng thuộc tự ngã: https://suttacentral.net/vn/sn22.69

(7) Bản Anh văn: Whatever does not belong to you and does not belong to others, these things should quickly be eradicated and relinquished. Link: https://suttacentral.net/en/sa18

Kinh Phi bỉ: https://suttacentral.net/vn/sa18

(8) Bài kinh Tuấn mã và Thiền tông: https://thuvienhoasen.org/a25964/bai-kinh-tuan-ma-va-thien-tong

Vài ghi chú rời về Thiền: https://thuvienhoasen.org/a27186/vai-ghi-chu-roi-ve-thien

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle