Vọng tưởng

vong tuong

Vọng tưởng

Chân hiền tâm

I. Duyên khởi

1/ Cần thiết cho người tu thiền: Người tu Tịnh độ để vãng sinh Cực lạc, thì việc hiểu vọng tưởng là gì có lẽ không cần thiết lắm. Bởi chỉ cần tín, hạnh, nguyện đầy đủ thì được vãng sinh. Hạnh thì một câu lục tự Di-đà niệm cho đến khi được nhất tâm bất loạn. Chỉ cần cho được nhất tâm bất loạn, không cần biết vọng tưởng là gì. Người tham thoại đầu, chắc cũng không cần biết rõ về vọng tưởng, chỉ cần đề khởi một câu thoại đầu cho đến khi tâm như thùng sơn lũng đáy. Với người tu thiền, lại là thiền “Biết vọng không theo” hay “Biết có chân tâm” thì việc biết rõ cái gì là vọng để không theo, có lẽ là khá cần thiết. Nó giúp ích cho việc tu học của hành giả không nhỏ. Đó là lý do thứ nhất triển khai bài viết này.

2/ Thiền phái Trúc Lâm là phái thiền nhập thế: Là một thiền phái nhập thế thì việc tiếp duyên không thể tránh khỏi. Phật tử thuộc thiền phái Trúc Lâm thì gần như thời gian chính là dành cho công việc xã hội, giao tiếp nhiều. Cho nên, biết rõ về vọng tưởng là việc cần thiết. Để ngoài những lúc phải tiếp duyên, chúng ta hạn chế bớt các duyên. Biết vọng là gì cũng là phương cách để chúng ta nhận định rõ về những gì chúng ta đang hành xử, thông qua ba thứ thân, khẩu, ý của mình. Đó là lý do thứ hai khiến bài viết được triển khai.     

II. Vọng tưởng là gì?

Theo cái nhìn của người đời thì “vọng tưởng” được dùng để chỉ cho những lời nói hay suy nghĩ không đúng sự thật.

Với cái nhìn của Phật học, như Tự điển Phật học đã ghi, thì “Không có thật, gọi là vọng. Do phân biệt sai lầm mà có sự chấp giữ các tướng ở thế gian, gọi là tưởng”. Nghĩa này trùng với nghĩa của “Tưởng tâm sở” mà luận Thành duy thức đã nói: “Tưởng tâm sở, là tính chấp thủ tướng mạo của cảnh và có nghiệp dụng thiết đặt ra các danh ngôn”.

Như vậy nói tổng quát, vọng tưởng được chỉ cho những suy nghĩ, tư tưởng không có chất thật so với thực tế. Thực tế này, có thể được hiểu là hiện thực mà chúng ta đang sống đây. Vọng tưởng trong trường hợp này là những gì không có trong đời, như lông rùa, sừng thỏ. Cũng có thể hiểu thực tế là bờ mé chân thật tối cùng, chính là tâm chân như, cội gốc chân thật của tất cả pháp. Tâm này là sở y (tánh) của tất cả pháp. Không có pháp nào có cội gốc riêng. Như ngủ mê rồi mộng mà thấy tướng các cảnh giới, thực chất thì các cảnh giới ấy không có, chỉ là tâm, do vô minh bất giác mà khởi. Với nghĩa này, nói vọng là do đối với chân mà nói. Mọi hiện khởi hiện lên trong tâm, dù đúng dù sai đều gọi là “vọng”.

Do vô minh bất giác mà khởi, không phải chân nên nói “vọng”.

Do chấp thủ tướng cảnh giới mà nảy sinh suy nghĩ, tư tưởng, cảm xúc… nên nói “tưởng”.

Tưởng này do duyên mà thành, không có chất thật, nên nói “vọng tưởng”.         

III. Phân loại vọng tưởng 

Trong kinh Lăng-già, Phật phân vọng tưởng ra thành 12 loại.

1/ Ngôn thuyết vọng tưởng

Ngôn thuyết vọng tưởng, là chỉ cho “các thứ âm thanh ca vịnh vui đẹp chấp trước”. Cũng chỉ luôn cho loại ngôn thuyết nói năng của người đời. Nói “ngôn thuyết vọng tưởng” vì do vọng tưởng mà khởi ra ngôn thuyết. Vọng tưởng là những gì đã được huân tập và lưu giữ trong tâm. Vọng tưởng vốn không thật. Các thứ âm thanh ngôn thuyết cũng không thật. Vì nó chỉ là pháp duyên hợp. Như Phật nói với Bồ-tát Đại Huệ “Do đầu, ngực, cổ họng, mũi, môi, lưỡi, níu răng hòa hợp mà phát ra âm thanh”[1]. Các duyên nếu thiếu, ngôn thuyết không thể thành hình. Nên nói hư vọng.

Nhân của ngôn thuyết chính là dòng vọng tưởng tương tục khởi lên trong tâm. Cho nên, người không nói, chưa chắc vọng tưởng không có, nhưng người nói nhiều thì nhất định vọng tưởng phải nhiều, lực của dòng vọng tưởng phải mạnh. Giờ muốn không quả thì phải trừ nhân. Vì thế, muốn dừng được loại Ngôn thuyết vọng tượng này thì hoặc là dòng vọng niệm phải dứt, hoặc là phải làm chủ được dòng vọng niệm của mình. 

2/ Sở thuyết sự vọng tưởng

Sở thuyết sự, là chỉ cho những gì được phát sinh từ Thánh trí, như lời kinh, tiếng kệ, pháp ngữ v.v… Kinh nói: “Nói ra là chỗ Thánh trí biết, y đó mà sinh ngôn thuyết vọng tưởng, nên gọi là Sở thuyết sự vọng tưởng”.

Lời kinh, tiếng kệ v.v… mà gọi là vọng tưởng, vì chúng chỉ là pháp dẫn đạo. Ứng duyên thì hiện. Hết duyên thì không. Như lớp học ồn, cần tiếng hét của giáo viên. Tiếng hét tuy làm dịu được tiếng ồn, nhưng cũng vẫn là tiếng ồn đối với khoảng không thinh lặng, chưa phải là chỗ thinh lặng thật sự. Đó chỉ mới là ngón tay chỉ mặt trăng, chưa phải chính mặt trăng. Đại sư Hàm Thị bàn rằng: “Chỗ Thánh trí hiển bày phải ngộ nhập, nếu không thể nhân ngón tay mà thấy mặt trăng thì chỗ hiển bày biến thành cảnh giới giác tưởng[2]. Cho nên, dù từ Thánh trí lưu xuất, nhưng nếu cho cái “Sở thuyết sự” ấy là chỗ chân thật, thì cái chân thật ấy liền biến thành cảnh giới giác tưởng, chẳng thể tỏ tường mọi thứ. Vì thế, Hương Nghiêm Trí Nhàn, thông suốt kinh luận, hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm, được mệnh danh là Thích Ca thứ hai, vẫn không thể nào trả lời được câu hỏi của ngài Quy Sơn: “Thử nói một câu, trước khi cha mẹ chưa sinh là thế nào?”. Bởi ngón tay không phải là mặt trăng. Nương ngón tay để thấy mặt trăng. Nếu không biết, lấy ngón tay làm mặt trăng thì không thể nào thấy được mặt trăng. Làm thế nào để trả lời khi hỏi về mặt trăng?     

Đức Sơn, khi chưa gặp Sùng Tín, là một người rất tự hào về tài học của mình. Đã từng nói với kẻ đồng môn: “Một sợi lông nuốt cả bể cả, tánh bể không thiếu. Hạt cải nhỏ ném trên mũi nhọn, mũi nhọn chẳng động. Học cùng chẳng học chỉ có ta biết thôi”[3]. Thì biết không phải là hạng vừa trong Giáo tông.

Nghe phương Nam, Thiền tông thịnh hành. Sư bất bình nói: “Kẻ xuất gia, muôn kiếp học oai nghi của Phật, vạn kiếp học tế hạnh của Phật, còn chưa thể thành Phật. Huống trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Nói rồi liền quẩy bộ Thanh long sớ sao, hướng phương Nam mà tới, với tâm nguyện diệt trừ bọn ma phương Nam, đền ơn Phật Tổ.

Đi giữa đường gặp bà lão bán bánh, Đức Sơn dừng lại hỏi mua bánh.

Bà lão hỏi:  

- Gói ấy là sách vở gì?

Trả lời:

- Thanh long sớ sao.

Bà lão hỏi:

- Thầy thường giảng kinh gì?

Đức Sơn trả lời:

- Kinh Kim cang.

Bà nói:

- Tôi có một câu hỏi. Nếu thầy đáp được, tôi xin cúng dường bánh điểm tâm. Nếu không đáp được, mời thầy đi nơi khác.

Đức Sơn gật đầu ưng thuận.

- Kinh Kim cang nói “Quá khứ tâm bất khả đắc. Hiện tại tâm bất khả đắc. Vị lai tâm bất khả đắc”. Vậy xin hỏi, Thượng tọa dùng tâm nào để điểm?

Đức Sơn không trả lời được, bèn hỏi đường đi Long Đàm.

Đến pháp đường, gặp Sùng Tín, Sư hỏi:

- Lâu nay nghe danh Long Đàm, đi đến nơi chẳng thấy Đàm mà Long cũng chẳng hiện.

Sùng Tín trả lời:

- Người đã gần đến Long Đàm.

Đức Sơn không đáp được. Ở lại thờ Sùng Tín làm thầy.

Một đêm, Sư đứng hầu. Sùng Tín bảo:

- Đêm khuya sao chẳng xuống?

Sư chào, bước ra, nhưng lại bước trở vào nói:

- Bên ngoài tối đen.

Sùng Tín thắp đèn đưa Sư. Sư toan tiếp lấy, Sùng Tín liền thổi tắt. Ngay đó, Sư đại ngộ.

Sau khi đại ngộ, mới nhận ra ngàn kinh muôn luận chỉ là ngón tay giúp người nhận mặt trăng, không phải chính mặt trăng. Sư mang bộ Sớ sao chất trước pháp đường mà đốt. Nói: “Tột cùng các biện luận siêu huyền, chỉ như sợi lông trong hư không. Thông sạch các trọng yếu ở đời, chỉ như một giọt nước gieo trong biển cả”.

Cho nên, là kẻ tu thiền, nếu nhầm những kiến giải khởi lên trong tâm, cho là chỗ tâm chứng tột cùng, thì như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, không tránh khỏi lửa táp vào mình. Vì chúng chỉ là một loại Sở thuyết sự vọng tưởng, do ứng duyên mà hiện. Nếu chấp thủ chúng, tức cho chúng là thật thì chúng là nhân dẫn dến phiền não và trở thành một loại sở tri làm chướng ngại Bồ-đề.   

3/ Tướng vọng tưởng

Tướng vọng tưởng là đối với tướng các pháp mà khởi vọng tưởng. Như thấy đất liền khởi tưởng cứng. Thấy lửa liền khởi tưởng nóng. Nghe nói me liền khởi tưởng chua. Với con người, con vật hay một sự kiện nào đó, khi nhìn thấy chúng mà tâm khởi lên các thứ tưởng có liên quan, thì những liên tưởng đó gọi là Tướng vọng tưởng. Do chấp thủ tướng mà sinh khởi vọng tưởng, nên gọi là Tướng vọng tưởng.

Chấp thủ tướng là, do từng biết đất có tính cứng, nước có tính ướt, lửa có tính nóng v.v… rồi lưu giữ những thấy biết đó trong tạng thức. Khi đối duyên, y tướng đang thấy mà những chấp thủ được lưu giữ trong tạng thức theo đó sinh khởi. Kinh Lăng nghiêm nói “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn” là đây. Là cái thấy biết hiện tại không do đối duyên trực biết, mà do y vào những thấy biết quá khứ để biết. Thấy biết như vậy là gốc của vô minh, cũng là lấy vô minh làm gốc.

Do y tựa vào những gì đã được lưu giữ mà biết, nên nó là pháp duyên khởi. Duyên khởi thì không có chất thật, nên nói “vọng”. Do chấp thủ tướng mà tâm sinh khởi, nên nói “Tướng vọng tưởng”.   

Tướng các pháp đều do duyên tạo thành. Duyên thay đổi thì tướng pháp thay đổi. Cho nên các thứ tưởng liên quan đến tướng các pháp tại một thời điểm nào đó chưa hẳn còn chính xác vào thời điểm sau. Như thấy lửa liền liên tưởng đến tính nóng. Nhưng lửa không phải khi nào cũng nóng. Với một hỗn hợp hóa học gồm 60ml cacbondisulfua (CS2) và 40ml tetraclorua cac bon (ccl4), tướng lửa vẫn còn mà tính nóng đã mất. Các nhà Hóa học gọi nó là lửa lạnh. Như con người trước khi tu hành và sau khi tu hành có khi thay đổi một trời một vực. Ngài Angulimala, đệ tử của Đức Phật, trước khi đến với Phật là một kẻ sát nhân, sau khi làm đệ tử Phật thì tu quán từ bi, một con vật nhỏ cũng không khởi tâm giết hại. Từ bi quán có lực đến nỗi đủ để Tôn giả hồi hướng cho một phụ nữ sinh nở được bình an[4]. Cho nên, tướng pháp luôn biến dịch, không phải khi nào cũng cố định để những lưu giữ trong tâm khi nào cũng có giá trị.

Lại, cùng một tướng như nhau mà nhân duyên hình thành nên tướng đó khác nhau thì giá trị các tướng đó cũng không như nhau. Nếu thấy cùng tướng mà cho là giá trị như nhau thì khó tránh được sai lầm.

Khổng Tử, một lần dẫn học trò du thuyết sang Tề, có Nhan Hồi và Tử Lộ đi theo. Cả hai đều là học trò giỏi của Khổng Tử.

Trong thời Đông Chu, dân chúng lầm than đói khổ, thầy trò Khổng Tử cũng không thoát được cảnh đó. May thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử phân Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm. Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống, thấy Nhan Hồi mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay nắm lại từng nắm, rồi cho cơm vào miệng. Chứng kiến cảnh ấy, Khổng Tử thở dài, ngửa mặt lên trời than: “Chao ôi! Học trò giỏi của ta mà lại đi ăn vụng…”. Sự liên hệ khởi tưởng từ tướng như thế, gọi là Tướng vọng tưởng.

Thật ra, Nhan Hồi không ăn vụng. Chỉ là vì khi giở nắp xem cơm, một cơn gió thổi qua, bụi trần rơi xuống làm bẩn lớp cơm trên. Ông quyết định ăn phần cơm bẩn đó để thầy và các bạn không phải mất thêm phần cơm cho mình.

Khổng Tử, do huân tập cái thấy bình thường của người đời, thấy tướng như thế và cho là đang như thế, nên kết luận Nhan Hồi ăn vụng, mà quên mất mặt nhân duyên của pháp. Là nhân duyên gì khiến tướng đó xuất hiện? Nếu xét nhân duyên thì hiểu Nhan Hồi vẫn xứng đáng là học trò giỏi của mình. 

Cho nên, cái Tướng vọng tưởng này, tuy là vọng nhưng không phải dễ phá. Vì những sở tri đã huân tập sâu trong tiềm thức. Một bậc thánh như Khổng Tử, duyên là đệ tử giỏi nhất của mình, mà vẫn không thắng nổi phần sở tri đang mang, khiến khởi cái tưởng sai lầm, thì biết loại Tướng vọng tưởng này rất mạnh ở mỗi người.  

Hầu hết chúng sinh đều mắc phải Tướng vọng tưởng này, dù đang là hành giả tu thiền. Sáu căn đối sáu trần, khởi phân biệt, rồi trên phân biệt lại sinh khởi vọng tưởng. Dù không có duyên bên ngoài, thì dòng tương tục bên trong cũng hiện hành liên tục. Niệm này làm duyên cho niệm kia sinh khởi, nối tiếp không ngừng.

Thiền, chính là sáu căn đối sáu trần mà tâm ở trạng thái hiện lượng. Tổ Trúc Lâm nói: “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.                   

4/ Lợi vọng tưởng

Tâm ưa thích tham đắm các loại lợi dưỡng như châu báu, vàng bạc, tiền tài, đất đai… thì gọi là Lợi vọng tưởng. Vọng tưởng này do tài lợi mà xuất hiện, nên gọi là lợi vọng tưởng. Vì tâm ưa thích tham đắm thuộc tâm, không thuộc cảnh, nên nói “tưởng”. Vì tâm ưa thích tham đắm có thể thay đổi, tức tâm ấy không có chất thật, nên gọi là “vọng”. Như khi chưa tu hành thì ưa thích vòng vàng, hột xoàn. Tu hành rồi thì thích nâu sòng và cháo rau qua ngày.

5/ Tự tánh vọng tưởng

Tự tánh vọng tưởng là phân biệt tất cả pháp đều có thể tánh riêng, rồi chấp giữ không bỏ. Kinh nói: “Gìn giữ tự tánh này như thế chẳng đổi khác, gọi là Tự tánh vọng tưởng”. Loại vọng tưởng này xuất hiện do chấp các pháp có tự tánh không thay đổi, nên gọi là Tự tánh vọng tưởng. Các pháp duyên hợp, vốn không tánh cố định, giờ lại cho các pháp có tánh, nên nói “vọng”.

- Cho pháp có tính chất cố định, gọi là Tự tánh vọng tưởng. Như thấy lửa có tính nóng và lấy nóng làm tánh của lửa. Khi lấy nóng làm tánh của lửa cũng có nghĩa là nóng luôn đi kèm với lửa. Có lửa là có nóng. Thực tế thì không như vậy. Như loại lửa lạnh, tuy vẫn có lửa nhưng không còn tính nóng nữa. Cách chấp thủ lửa luôn nóng, được gọi là Tự tánh vọng tưởng.

- Thấy hành vi nhất thời ở một người, rồi lấy hành vi nhất thời đó cho tánh người đó là như vậy, cũng rơi vào loại Tự tánh vọng tưởng nói đây.     

Anh là một người đàn ông rộng lượng, tiền bạc đi làm về đều giao hết cho vợ. Nhưng một thời gian sau, thứ mà mọi người thấy được ở anh là anh không giao tiền cho vợ nữa, và bắt đầu tính toán các chi tiêu trong gia đình. Một người không hiểu chuyện đã kết luận anh là người keo bẩn. Thực tế, có chuyện đó là vì người vợ chơi số đề. Tất cả tiền bạc được lấy ra phục vụ cho việc chơi đề. Trong cái duyên như vậy, anh bắt buộc phải nắm tiền bạc và phân bố chi tiêu trong gia đình để tránh tình trạng thất thoát do việc tham đề của vợ sinh ra. Nếu lấy một hiện tượng thấy được trong nhất thời quy kết thành tánh cố định của một người bất chấp nhân duyên, gọi là Tự tánh vọng tưởng.

Nếu có cái nhìn nhân duyên, là biết mọi hình tướng xuất hiện đều có nhân duyên thì chúng ta không vướng vào loại Tự tánh vọng tưởng này.

- Chúng sinh không có tánh cố định, nhưng gắn tánh cố định cho pháp thì gọi là Tự tánh vọng tưởng.

Chúng sinh là một hợp thể có rất nhiều loại chủng tử trong tạng thức. Xấu có, tốt có, không xấu không tốt cũng có. Dù khi còn ở dạng chủng tử trong tạng thức thì nó mang tính vô ký. Nhưng đủ duyên hiện hình thì tốt xấu phân minh.

Chủng tử nào đủ duyên sẽ hiện hành. Đủ duyên, là khi gặp trúng hoàn cảnh, trúng con người v.v… giúp cái chủng đó hiện khởi. Đây là lý do vì sao một người lương thiện vẫn có thể có những hành vi bất thiện. Một kẻ bất thiện có khi vẫn có các hành vi thiện, là do chủng tử ẩn trong tàng thức đủ duyên hiện hành hay chưa. Đó là quy luật hiện hành của tâm. Vấn đề xảy ra là do cái tưởng của mình. Mình hay quy nạp các hiện tướng đang có, rồi lấy các hiện tướng đó làm tánh của các pháp, pháp trở thành luôn là vậy, sai lầm mới xuất hiện.

Cho nên, người tốt với người này không hẳn đã tốt với người kia, người xấu vào lúc này không hẳn đã xấu vào lúc khác, người mình cho là tốt không hẳn đã là người hoàn toàn tốt v.v… Mọi thứ đều tùy duyên. Tùy duyên thì không tánh. Với cái nhìn duyên khởi như thế, chúng ta ít bỡ ngỡ đối với các việc ở thế gian, cũng ít sai lầm khi đánh giá một hiện tượng.

- Chấp thế gian này có thật, rồi đi tìm hạt cơ bản sinh ra thế giới này, tức cho vật chất có cội gốc riêng của nó, cũng thuộc loại Tự tánh vọng tưởng nói đây.

6/ Nhân vọng tưởng

Nhân vọng tưởng, là những vọng tưởng có liên quan đến phần nhân duyên. Kinh nói: “Hoặc nhân hoặc duyên phân biệt có không, nên nhân tướng sinh, ấy gọi là nhân vọng tưởng”. Ngài Hàm Thị bàn rằng: “Đối với nhân duyên, khởi phân biệt có nhân tướng, không nhân tướng, nhân này thì duyên này, nhân kia thì duyên kia…”. Nghĩa là, do sự chấp thủ mà cảnh giới vọng tưởng trở thành như thật với chúng sinh. Trên cái như thật ấy lại khởi phân biệt tìm nhân, tìm duyên v.v… khiến vọng tưởng thêm tương tục, sự chấp thủ càng kiên cố.

Nhân duyên hay duyên khởi tuy là thực lý ở thế gian, tức không pháp nào không hình thành và hoại diệt theo duyên, nhưng nếu chấp vào đó cho là thật, thì không thể nào nhận lại được chân thể thanh tịnh. Như mu bàn tay với lòng bàn tay, nếu chỉ nhìn thấy mu bàn tay và cho đó là tất cả bàn tay, thì không còn cơ hội thấy được lòng bàn tay.

Hiện tượng chỉ là mặt biểu hiện của một chân thể thanh tịnh thông qua nhân duyên và nhân quả. Không chấp vào mặt hiện tượng thì mới có khả năng nhận ra mặt chân thể sẵn đủ trong mỗi người. Còn đã chấp vào mặt hiện tượng, tức cho những hiện tướng đó là thật, rồi y đó mà nẩy sinh nhân này quả này, nhân kia quả kia v.v… thì rơi vào Nhân vọng tưởng nói đây. 

Như hiện nay, nhân duyên nhân quả được ứng dụng khá tốt trong nhiều lãnh vực. Từ trồng trọt, chăn nuôi, pháp luật, giáo dục v.v… Do nắm được mặt nhân duyên này của pháp, nên nảy sinh việc nhân này sẽ cho ra quả này, nhân kia sẽ cho ra quả kia. Thế giới ngày càng phong phú về mặt vật chất thì cũng có nghĩa là vọng tưởng đang trên đà lừng lẫy. Kỷ thuật biến đổi gien trong công nghệ sinh học là một điển hình. Không chỉ dừng ở mặt biến đổi duyên mà phát triển luôn ở mặt biến đổi nhân. Đà phát triển đó chưa biết sẽ đưa nhân loại về đâu với những thứ như sinh sản vô tính v.v…[5]. Trung luận có phẩm Phá nhân duyên, là phá sự chấp thủ đối với nhân duyên để chúng ta ý thức chấm dứt loại Nhân vọng tưởng này, thể nhập chân thể rốt ráo.  

7/ Kiến vọng tưởng

Kiến vọng tưởng, chỉ cho những quan điểm rơi vào nhị biên phân biệt. Kinh luận thường đề cập đến Tứ cú “có, không, không có cũng không không, vừa có cũng vừa không” để nói về loại vọng tưởng này. Cho thế giới này là có, như nghiệp thức của chúng sinh. Cho thế giới này là không, như nghiệp thức của kẻ tu loại định vô tưởng ... đều là những dạng của Kiến vọng tưởng.

Thô hơn chút là quan điểm sống của chúng ta. Nó được rút ra từ việc quy nạp các kinh nghiệm trong đời sống của mình.

Một người đến đâu, thấy cũng phải có tiền mới được việc ngay cả khi vào chùa, liền hình thành quan niệm “Tiền là tất cả. Chỉ cần có tiền là có tất cả”. Đó là một loại Kiến vọng tưởng, thuộc ác kiến. Sao gọi là ác kiến? Vì nó được hình thành do quy nạp các hiện tượng từ lòng tham của con người, không phát xuất từ lý thật. Một quan niệm như thế sẽ là tiền đề cho các ác nghiệp về sau, nên gọi là ác kiến.  

Người có cái nhìn tương ưng với lý thật ở thế gian thì biết phước và trí mới là cái quyết định tất cả. Hình thành nên cái thấy như vậy cũng là một loại Kiến vọng tưởng, nhưng loại vọng tưởng này thuộc thiện kiến. Vì nó tương ưng với lý chân thật, và là tiền đề giúp người hành thiện trong hiện tại và tương lai.

Người nông dân, có cái nhìn của người nông dân. Người tri thức, có cái nhìn của người tri thức v.v... Tất cả đều bắt nguồn từ việc huân tập học hỏi và kinh nghiệm trong quá khứ.

Tất cả đều do huân tập chấp thủ mà có, không có chất thật, không huân tập nữa thì mất, nên nói vọng tưởng.

Hệ quả là…

1/ Sản sinh ra nhiều cái thấy khác nhau. Do loại Kiến vọng tưởng này mà trên cùng một hiện tượng, lại có nhiều cái nhìn khác nhau. Người thấy thế này, kẻ thấy thế kia.   

Các tự viện hay thiền thất ở Nhật Bản thường có lệ là thiền khách nào muốn qua đêm tại đó thì phải đủ trí thắng được thiền chủ. Trong một thiền thất kia có hai vị, sư huynh là người có trí tuệ, nhưng sư đệ thì căn tánh không được lanh lợi, lại bị chột một mắt. Vì vậy, ông ít khi ra ngoài tiếp khách, chỉ loanh quanh trong bếp trong vườn là chính.

Một lần, sư huynh vừa ra khỏi cửa thì có một thiền khách đến vấn thiền. Lão đệ dù muốn hay không cũng phải tiếp khách. Biết mình không có trí, nên chủ trương dùng tay nói chuyện là chính.

Thiền khách vừa ngồi xuống liền đưa một ngón tay lên.

Sư đệ thấy vậy, đưa lên hai ngón.

Thiền khách liền đưa lên ba ngón.

Sư đệ nắm tay lại đấm vào mặt thiền khách.

Thiền khách lập tức đứng dậy bỏ đi.

Ra đến cổng, thiền khách gặp vị sư huynh. Ông báo là mình đã thua cuộc và không ngớt lời khen vị sư đệ.

Sư huynh hỏi việc, thiền khách trả lời: “Tôi đưa một ngón tay lên, ý nói Đức Phật độc tôn. Sư đệ thầy thấy vậy liền đưa ra hai ngón tay, ý nói ngoài Phật còn có pháp. Tôi liền đưa ba ngón tay, muốn nói ngoài Phật và Pháp còn có hàng đệ tử Phật. Sư đệ thầy thấy vậy liền đấm vào mặt tôi, muốn nói rằng cả ba đều khởi từ nhất thể. Tôi thua nên đứng dậy đi”. Sư huynh nghe xong, bước vào thiền thất.

Vừa vào thiền thất đã thấy sư đệ chạy tới, bực bội: “Lúc nãy có một thầy dở hơi hết sức. Vừa ngồi xuống đã chế giễu việc chột mắt của đệ. Nhưng Đệ nhịn, vẫn đưa ra hai ngón tay, ý muốn nói thầy có phước nên đủ hai mắt. Không ngờ thầy ta vẫn không buông tha đệ, đưa ra ba ngón tay muốn nhấn mạnh dù có thầy đi nữa thì cộng lại cũng chỉ mới ba. Đệ tức quá tính đấm vào mặt thầy thì thầy đã đứng dậy bỏ đi”[6].

Đồng căn đồng khí thì thấy như nhau. Không đồng căn đồng khí thì thấy khác nhau. Thế gian này trở thành muôn màu muôn vẻ là vậy.

2/ Nhìn sự vật không còn đúng như chính nó. Người đời thường nói: “Kẻ mất búa nhìn đâu cũng thấy người trộm búa”. Chúng ta thường nhìn thế giới qua lăng kiến của chính mình, ít nhìn thế giới đúng như chính nó. Kiến vọng tưởng chính là thứ trợ duyên đắc lực cho Tướng vọng tưởng.

Tô Đông Pha là bạn của Thiền sư Phật Ấn. Một lần Tô Đông Pha hỏi Thiền sư Phật Ấn:

- Thầy thấy tôi ngồi thiền thế nào.

Phật Ấn trả lời:

- Như Phật.

Phật Ấn hỏi ngược lại.

- Ông thấy tôi ngồi thiền thế nào?

Tô Đông Pha trả lời:

- Như đống phân bò.

Trả lời xong, hý hững mang về khoe với em gái mình.

Tô tiểu muội là người am hiểu thiền pháp, lắc đầu trả lời:

- Tâm thầy như tâm Phật thành nhìn anh ngồi như Phật. Tâm anh như đống phân bò nên nhìn thầy ngồi như đống phân bò.

Câu chuyện cho thấy phần Kiến vọng tưởng trong mỗi người ảnh hưởng đến cảnh như thế nào.

3/ Quyết định nghiệp mệnh của con người. Kiến vọng tưởng tuy chỉ là một loại vọng tưởng, nhưng nó lại là thứ có thể quyết định hạnh phúc hay đau khổ của một con người khi chưa đạt quả vị thánh. Triết gia Schopenhauer có một ví dụ khá lý thú cho loại Kiến vọng tưởng này. “Một con khỉ nhìn vào gương, không mong gì có một thiên thần nhìn ra”[7]. Nó nói lên tầm quan trọng của loại Kiến vọng tưởng đối với nghiệp mệnh của một con người.

Vì ý nghiệp là chủ của thân hành và khẩu hành nên khi ta có những tư kiến phù hợp với chân lý, cuộc sống của ta hạnh phúc. Nếu có những tư kiến đi ngược với chân lý, rơi vào tham-sân-si, cuộc sống của ta sẽ đau khổ. Thành ra, muốn chuyển đau khổ thành hạnh phúc thì phải chuyển cho được loại Kiến vọng tưởng này. Tư kiến chưa chuyển thì khó mà nghiệp mệnh chuyển được. Vì thế, trong Bát chánh đạo, chánh kiến đứng đầu. Đó là việc đầu tiên cần trang bị cho hành trình học đạo của một hành giả tu Phật.

Song dù là cái thấy nào, tương hợp hay không tương hợp với chân lý, thì đối với tự tâm thanh tịnh cũng đều là hư vọng, chỉ do chấp cảnh mà hình thành. Vì thế, muốn thể nhập chân tâm thường trụ thì phải dứt sạch tất cả các loại kiến. Trung đạo là con đường duy nhất thể nhập Đại đạo mà ai cũng phải qua. Chỉ khi ấy, chúng ta mới có khả năng nhìn thế giới này đúng như bản chất của nó.    

8/ Thành vọng tưởng 

Kinh nói: “Tưởng ngã và sở tạo thành luận quyết định, ấy gọi là Thành vọng tưởng”. Là muốn nói đến những luận cứ hay học thuyết mang tính quyết định. Ngã là chỉ cho năng tạo. Sở tạo là chỉ cho các học thuyết mang tính quyết định ấy. Đã nói ngã thì luận thuyết ấy thường mang tính chủ quan. Từ cái chủ quan ấy mà tạo ra các học thuyết thì học thuyết ấy không tránh được sai lầm, nên nói “vọng tưởng”. Như Newton, từng cho rằng không gian là một thực thể độc lập, thời gian cũng là một thực thể độc lập. Nhưng hiện nay, với cái nhìn của Einstein, nó không như vậy nữa.

Kinh luận của Phật giáo không mang tính quyết định mà mang tính tùy duyên. Chỉ là ứng cơ mà hiện, như gặp bệnh cho thuốc. Bệnh hết thuốc cũng bỏ. Bệnh này thì thuốc này. Bệnh kia thì thuốc kia. Vì bệnh của chúng sinh vô biên nên kinh luận trở thành vô số. Đều do ứng cơ mà lập. Lập là tùy duyên, không mang tính quyết định. Cho nên trong kinh Lăng-già, Phật nói: “Tất cả pháp chẳng sinh. Bồ-tát chẳng nên lập tông ấy”. Tất cả pháp chẳng sinh là việc mà ba đời Như Lai đều nói đến, nhưng Phật không cho lập tông. Vì đó là lời nói ứng cho kẻ bất giác, không phải ứng cho kẻ giác. Chỉ vì muốn chúng sinh lìa các chấp trước nên nói tất cả pháp không sinh. Nếu lập tông chẳng sinh thì sẽ vọng thấy tướng sinh v.v…[8].

Một học thuyết, dù có giá trị phục vụ nhân sinh trong hiện tại, cũng chỉ là pháp tùy duyên. Vì bản chất các pháp ở thế giới này là vậy. Tùy duyên, nên nó có thể mang lại lợi ích cho nhân sinh vào lúc này mà chưa hẳn đã mang lại lợi ích cho nhân sinh vào lúc khác. Hiểu được tính duyên khởi này của pháp thì chúng ta sẽ không có tư tưởng cố định trong việc dùng pháp. Nhưng dù là quyết định hay không quyết định thì bản chất của các luận thuyết đều là hư vọng. Phật pháp nếu chấp trước còn được gọi là Sở thuyết sự vọng tưởng, huống là các học thuyết ở đời mà đôi khi chỉ mang tính giả thuyết.      

9/ Sinh vọng tưởng

Đây là chỗ chấp của ngoại đạo. Cho là tất cả pháp, có hay không đều là duyên sinh, nhưng duyên có thì hiện, duyên không thì không, không có nhân quả. Cái chấp này là một loại vọng tưởng, vì nó trái với lý thật chi phối thế giới này. Do chấp vào tướng sinh của các pháp mà hình thành, nên nói Sinh vọng tưởng. 

10/ Bất sinh vọng tưởng     

Hàng ngoại đạo này cho rằng “Tất cả tánh vốn không sinh, không có chủng tử nhân duyên, thể sinh là vô nhân”. Ngài Hàm Thị giải thích như vầy: “Tất cả pháp không có nhân sinh, không do duyên khởi, như cò nhất định trắng, quạ nhất định đen, bỗng nhiên mà hiện, không có tánh sinh”. Tức cho pháp nào có tánh nhất định của pháp đó, không có sự thay đổi, không do nhân duyên mà thành. Cái nhìn này, đối với thời đại bây giờ, không phải là cái nhìn chính xác. Bởi thời này, không giải quyết nào không đặt nền tảng trên nhân và duyên. Thứ gì cũng có khả năng thay đổi được. Ngành công nghệ sinh học hiện nay, không chỉ thay đổi duyên để quả được sai khác, mà còn có thể tác động trực tiếp vào nhân để thay đổi quả theo chiều hướng mong muốn của họ.

Luận sâu hơn, nếu không có chủng tử nhân duyên thì do đâu từ cái “vốn không sinh” đó lại có thể sinh ra vô vàn thế giới như hiện nay? Nếu không có nhân duyên thì dựa vào đâu để giải thích sự sai biệt ở loài người cho đến muôn vật trong thế giới này? Và nếu không có sự thay đổi thì phàm phu không thể thành thánh nhân, từ chỗ sinh khởi như hiện nay không thể một lần trở về chỗ “vốn không sinh” để rồi chấp trước vào đó, mà lập thành loại vọng tưởng bất sinh này. Cho nên, sinh hay không sinh là cái thấy tùy duyên, không thể lập tông. Thấy thì không lỗi mà lỗi ở chỗ lập tông. Lập tông thì tướng tùy duyên không thật liền thành chân thật. Nhưng chỗ chân thật thì không thuộc sinh cũng không thuộc bất sinh, lìa tứ cú, tuyệt bách phi.       

11/ Tương tục vọng tưởng    

Kinh nói: “Tương tục vọng tưởng là kia đồng tương tục, như kim với chỉ, ấy gọi là tương tục vọng tưởng”. Đại sư Hàm Thị bàn rằng: “Tất cả pháp do hòa hợp mà thành. Như không và sắc, như bình và đất với nước. Bởi lệ thuộc bởi nhau mà thành tất cả pháp”. Là nói đến tính duyên khởi của pháp. Do duyên khởi mà có tương tục. Đây là cái nhìn không trái với chân lý. Nhưng nếu chấp vào đó cho là chân lý thì Phật gọi là Tương tục vọng tưởng, là loại vọng tưởng được hình thành do chấp vào mặt tương tục của pháp mà ra. Cái tương tục ấy, chỉ là mặt hiện tượng của một tánh thể không. Chính vì thể ấy không, mới cho phép các pháp theo duyên mà hiển tướng tương tục.

12/ Buộc không buộc vọng tưởng     

Kinh nói: “Chấp trước nhân duyên buộc cùng không buộc như sĩ phu dùng phương tiện hoặc buộc hoặc mở, ấy gọi là buộc không buộc vọng tưởng”. Đại sư Hàm Thị bàn rằng: “Có năng buộc thì có sở buộc. Buộc hay mở là do ta. Sức chấp phương tiện mà sinh phân biệt”. Phương tiện lập nên là tùy căn cơ chúng sinh. Có buộc thì mới có giải. Không buộc thì cũng không giải. Tức phương tiện không có chất thật, chỉ tùy duyên mà hiển, hết duyên liền không.

Trong việc tu hành, có hành giả cần đến phương tiện mà có hành giả không cần đến phương tiện. Không cần mà dùng thì liền thành trói buộc. Như Trúc Lâm Đại Đầu Đà hỏi Tuệ Trung thượng sĩ về việc nhẫn nhục và giữ giới. Tuệ Trung thượng sĩ trả lời: “Giữ giới cùng nhẫn nhục, chiêu tội chẳng chiêu phước…”. Không phải ai tu hành cũng đều phải nhẫn nhục và giữ giới. Với người tham sân còn nhiều thì cần phương tiện nhẫn nhục và giữ giới. Nhưng với người mà nhẫn nhục và giữ giới đã thuần, tham sân không cần đối trị nữa, mà cứ duy trì hai pháp đó thì như đi thuyền, muốn lên bờ mà vác thuyền theo, không thể nào lên bờ. Tâm chân thật vô trụ, còn trụ pháp nào thì còn tự buộc mình vào pháp ấy, không thể nhập chỗ vô trụ được. Cho nên đối với phương tiện mà chấp thì Phật gọi là Buộc không buộc vọng tưởng.    

Kết luận

Trên đây là 12 loại vọng tưởng được nói trong kinh Lăng-già. Người vô trí không biết nên theo đó mà chấp trước. Kẻ có trí thì hiểu đó mà trừ đoạn. Kinh nói: “Người giác tự tâm hiện chẳng nên ở đó mà khởi tưởng có, không, khác, chẳng khác…”. Đại sư Hàm Thị bàn rằng: “Mê duyên khởi thì thành Biến kế. Đạt Duyên khởi tức là Viên thành”. Cùng là Y tha khởi, chỉ do mê và ngộ mà thành khác đường. Mê thì thành Biến kế. Ngộ thì hay Viên thành.



[1] Kinh Lăng-già tâm ấn. Đại sư Hàm Thị trực giải. H.T Thanh Từ dịch và chú. 

[2] Kinh Lăng-già tâm ân. Đại sư Hàm Thị trực giải. H.T Thanh Từ dịch và chú. 

[3] Hương Nghiêm Trí Nhàn. Thiền Sư Trung Hoa tập II. HT Thanh Từ soạn dịch. 

[4] Kinh Angulimala – kinh Trung bộ tập II.

[5] Francis Fukuyama. Tương lai hậu nhân loại. Hà Hải Châu biên dịch.

[6] Tranh biện để được tạm trú - 101 câu chuyện thiền (Góp nhặt cát đá – Thiền sư Vô Trú). Trần Trúc Lâm Việt dịch.

[7] Schopenhauer. Câu chuyện triết học. Bửu Đích và Trí Hải biên dịch.

[8] Lời trực giải của Đại sư Hàm Thị trong Lăng-già tâm ấn. HT Thanh Từ dịch và chú.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle