Huế màu lam ký ức
HUẾ MÀU LAM KÝ ỨC
Tặng anh Khoa Tuấn !
HOÀNG CÔNG DANH
Hồi chiều nghe anh Khoa Tuấn, một người Huế hiện sống ở Đan Mạch, nói về chuyện pháp danh quy y, tự dưng tôi nhớ lại những ngày rất cũ, cả một ký ức màu lam yêu thương chạy về. Và Huế. Và Thầy. Và những lời kinh như vang vang lên hoà vào hồi chuông trống bát nhã...
1. Cũng dễ đến mười lăm năm rồi, vào một buổi sáng năm tôi học lớp hai, khi đang trong giờ bỗng nhiên thấy ông nội lên nói gì đó với cô giáo. Rồi ông nội dắt tay tôi về nhà, múc nước giếng tắm thật sạch, đơm một bát cơm nhủ ăn chậm... Tất cả được thực hiện như một nghi lễ mà thường những ngày rằm ông vẫn chăm sóc cháu như thế!
Cơm xong thì cũng đã giờ ngọ. Ông khoác cho tôi cái áo lam hiền hoà, chiếc quần soọc xanh thắt dây lưng chữ X, xong đính lên trên ngực một huy hiệu hoa sen tám cánh tròn viên mãn chuẩn bị cho chuyến đi vào Huế đưa tiễn linh cữu thầy. Những năm học lớp mẫu giáo làng và lớp một lớp hai tôi đều được các cô giáo dạy. Thầy mà tôi gọi đây là thầy chùa – Hoà thượng Thích Chánh Trực, người đã chứng minh cho tôi quy y Tam Bảo và đặt tên pháp danh “Nguyên Quý”.
Hồi ấy sinh hoạt gia đình phật tử còn mạnh, tín ngưỡng tôn giáo ăn sâu vào gốc rễ căn nguyên của những người nông dân nghèo Triệu Phong. Khi nghe tin thầy viên tịch thì cả vùng thuê mười hai chiếc xe khách để cùng đi vào Huế viếng. Dù lúc đó còn rất nhỏ nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn trên những gương mặt mọi người, một nỗi buồn đạo hạnh. Ông nội dắt tôi lên chiếc xe đánh số 10. Ấy là lần đầu tiên tôi vào Cố Đô, cũng là lần đầu tiên đi ra khỏi mảnh đất Quảng Trị quê hương. Sau này đọc gia phả và nghe những câu chuyện kể lại mới ngớ ra một điều khá thú vị! Trong gia phả còn ghi cụ tổ nhà mình có công phò vua nam tiến, người làng khi đi làm ăn cũng đi vào sài gòn lập nghiệp mưu sinh. Chính vì thế mà vào Huế là đi theo gót chân tiền định, đi theo một con đường có ý nghĩa về nhiều mặt: lịch sử, tâm linh hài đồng...
Xe vào Huế thì trời đã nhạt nắng. Cả Cố đô được phủ lên một màu lam thanh bình, đượm chút vẻ u hoài trầm mặc. Đường lên chùa Kim Liên ngoằn ngoèo những khúc cua ôm vào chóng vánh, tôi ngả người sang tựa vào chuỗi tràng hạt trên tay ông nội, cảm thấy ấm áp. Hai bên đường cây không nhiều, lá không đậm nhưng đủ để tôi có sự so sánh: - Huế xanh xanh và có vẻ thanh bình hơn Quảng Trị nắng gió của mình!
Người Huế đi chậm và an nhiên như một đám mây vào mùa này, vương vương giữa thinh không. Tiếng chuông chùa vang lên từ tốn, đều đặn từng nhịp từng nhịp. Hoàng hôn buông bức màn che lại một đường chân trời tim tím. Tôi đứng đó trước bậc tam cấp và thấy Huế vừa như thân quen từ ngàn xưa, vừa như xa lạ chưa hề chạm tới. Huế cổ độ đến kiêu kì theo bức tường rêu xanh xỉ góc chùa, lại như trẻ trung tươi mới theo cái cười trong vắt của o con gái sông Hương.
Đêm đầu tiên ở Huế, chúng tôi nghỉ lại ở một ngôi chùa và nằm giữa nền nhà được lát nổi trên một hồ nước, cảm giác có sóng đang chao dưới lưng mình nằm. Phía ngoài hành lang có một hồ sen, đêm thở ra nhịp điệu cánh hé mùi lộc thơm thảo. Tôi nằm nghe Huế thở, những cái nhả hơi chậm chạp tĩnh tâm.
Độ bốn giờ sáng hôm sau thì chuông chùa vang lên. Khách xa được phép nằm ngủ tiếp vì mệt. Nhưng đứa bé tôi ngày ấy thì tò mò, lẻn dậy chạy đến ngoài cửa chánh điện ngó vào. Ở trong, một thầy đang ngồi xếp bằng gõ mõ. Hồi kinh cầu an buổi sớm vang lên khai thức. Thầy đọc Chú Đại Bi, tôi đứng phía ngoài này nhẩm theo những câu kinh Phạn ngữ, bài kinh này mình đã thuộc từ trước rồi. Khi thầy tán hồi chuông đảnh lễ hồi hướng thì trời tản sáng. Huế thức giấc. Ngày lên. Và tôi nhận rõ khuôn mặt Huế vào lúc này: tinh khôi, trong ngần không chút sầu não. Trên khuôn mặt ấy, răng và tai được “tâm thất tâm nhĩ” bằng hồi kinh Phật từ bi. Huế hiền lành từ khi khai sinh có lẽ do những câu Chú Đại Bi ấy, tôi nghĩ vậy và yêu xứ thần kinh.
Sáng tiễn linh cữu thầy, phật tử và người dân rất đông, con đường chen chúc những tà áo lam, mũ xà-cút chóp ú vành tròn. Đông người nhưng tịnh không ồn ào. Mùi khói nhang xông lên đã thay lời tất cả. Ông nội nựng tôi trên vai. Ở cái độ cao này tôi cũng chỉ nhìn thấy thấp thoáng từ rất xa cỗ quan tài trôi đi trên những cánh tay chúng sinh – các đệ tử của thầy đã chuyền nhau được nâng bộ độ rước linh.
Đi qua vườn chùa, hai bên con đường dẫn đến huyệt mộ là những thân cây được buộc dải tang vàng. Cả những tượng đá cũng được khoác lên khăn chia ly. Mọi người cúi đầu im lặng, ai cũng đang buồn – nhưng là một nỗi buồn màu lam, nhận chân được luật vô thường dĩ tại, tịnh không ai được khóc.
Mười lăm năm rồi, vẫn còn trong tôi những ký ức không nhạt đi chút nào. Tất cả vẫn còn đậm như màu chiếc áo lam dung hoà của đoàn sinh ngày ấy. Huế từ đó thành xứ sở tâm linh chèn giữa những lằn ranh sợi gân tim.
2. Mười năm sau đó tôi mới có dịp trở lại Huế. Đầu xuân 2005, nhân chuyến thiền sư Nhất Hạnh về nước. Tôi lại cùng ông mệ nội đi vào đất thần kinh nghe pháp.
Lần này xe chạy vào Huế thì trời vừa tửng sáng, sương còn buông chùng lên vẻ ngái ngủ của nàng Hương. Con sông điệu đà lần này tôi mới có dịp ngắm kĩ hơn khi đứng trước chùa Thiên Mụ.
Chục năm trôi qua mà Huế vẫn như rứa! Có chút thay đổi thì tôi đổ lỗi tại con mắt mình theo năm tháng mà khác đi cái nhìn thôi. Vẫn sương, vẫn cây, vẫn sông, vẫn màu lam ảo huyền mây nhẩn nha nhấm nháp bầu trời. Huế trôi qua mắt tôi và dừng lại ở chân núi Ngự Bình, ở đó sau này tôi nhận ra một viên ngọc đẹp! Nhưng lúc ấy thì Ngự Bình chỉ xanh thẫm và qua màn sương đục đục thì màu đã bị quyện vào màn nước.
Hôm đó tại vườn chùa Thiên Mụ, thiền sư Nhất Hạnh nói về “Tuệ giác đạo Bụt trong truyện Kiều”. Thầy nói dí dỏm, đại chúng ngồi lắng nghe và bật lên những chiếc máy thu thanh. Vẻ đẹp của Huế lúc ấy đã kéo tôi ra ngoài vườn, ra ngoài những lời giảng của thầy. Tôi đi về phía bờ sông Hương, ngắm một cành phượng trĩu xuống mặt thoáng nước trước bậc cấp. Cái đẹp có sức mê hoặc kỳ lạ! Đến khi tiếng chuông vang lên thì tôi tỉnh ra, bỗng tiếc nuối buổi dự thính cùng phái đoàn Làng Mai. Sau này tôi bù đắp lại sự mất mát đó bằng cuốn sách “Thả một bè lau”.
* * *
Chỉ với hai lần ấy, nhưng trong tôi đã có một hình ảnh Huế, rộng hơn là một ý niệm Huế và thú vị hơn là một lời hứa lặng thầm với Huế. Để rồi mình được sống ở Huế hai năm đầu đời sinh viên. Những sớm cà phê nhạc Trịnh, những trưa cơm bụi qua loa, những chiều thẩn thờ Vĩ Dạ, những tối đi lạc vào thành nội. Và chính cuộc lạc chân ấy cho tôi cơ hội hiểu thêm Huế hơn bằng một chữ “sâu”: sâu sắc, sâu kín, sâu thẳm...lọt vào ký ức hôm qua.
Minsk, đêm 16.09.08