Cuộc đời Đức Phật trong bích họa chùa Khmer Nam Bộ

cuoc doi

CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT TRONG BÍCH HỌA

CHÙA KHMER NAM BỘ

 

Cuộc đời Đức Phật là đề tài chủ đạo trong mỹ thuật Phật giáo Nam truyền từ các phù điêu, tượng thờ, tượng tròn ngoại cảnh đến các loại tranh vẽ và bích họa. Do chủ tâm vào Đức Phật lịch sử (mà không lưu tâm đến các đối tượng khác như Phật giáo Bắc truyền: chư Bồ-tát, La-hán…) nên mỹ thuật Phật giáo Nam truyền Đông Nam Á tập trung khai thác toàn bộ các kỳ tích trong tiểu sử của Phật Thích Ca Mâu Ni. Bài viết này chỉ đề cập trong phạm vi các chùa Phật giáo Nam tông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm các chùa Khmer ở An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Rạch Giá...

I. Những văn liệu tham khảo

Cuộc đời của Đức Phật lịch sử, Siddhartha Gotama hay Sakyamuni (sinh 563-483 hay 566-486 tr. TL), được kể theo các dị bản phổ biến ở các nước Đông Nam Á, mặc dù sau khi Đức Phật nhập diệt nhiều thế kỷ vẫn không thấy được ghi chép dưới hình thức văn bản thành văn. Các bản văn liên quan đến Cuộc đời của Đức Phật chứa đựng nhiều sự kiện kỳ diệu và những câu chuyện mâu thuẫn, phần lớn có khả năng là được thêm vào sau này, do đó, việc tái tạo một cách hợp lý về tiểu sử của Đức Phật có những khó khăn.

Các văn bản phổ biến nhất liên quan đến Cuộc đời của Đức PhậtBuddhacarita (Phật sở hành tán kinh) và ngắn hơn là Lalitavistara (Phương quảng đại trang nghiêm kinh, Thần thông du hý kinh). Dị bản của Buddhacarita chỉ thuật lại các sự kiện từ khi Đức Phật ra đời cho đến khi Ngài giác ngộ, những sự kiện tiếp theo của cuộc đời Ngài được thêm vào sau đó, và Lalitavistara chỉ nói sự kiện Đức Phật chuyển pháp luân: bài thuyết phát đầu tiên, Bài thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển. Những văn bản đó, và các nguồn dữ liệu được thêm vào liệt kê bên dưới, chúng tóm tắt sơ lược các sự kiện chính yếu về Cuộc đời của Đức Phật:

Buddhacarita: “Những việc làm của Đức Phật”, “tiểu sử” của Đức Phật theo phong cách sử thi Phạn ngữ do Asvaghosa biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ II TL. 14 khổ đầu còn lại từ nguyên bản tiếng Phạn, trong khi 14 đoạn cuối bắt nguồn từ những bản dịch của Tây Tạng và Trung Hoa, có lẽ được thêm vào hồi thế kỷ XIX, chuyện kể mở rộng đến sự kiện trở về Lumbini của Đức Phật sau khi Ngài giác ngộ và kết thúc với Phật nhập Niết-bànSự phân chia các xá-lợi của Ngài. Lalitavistara: Một bản văn Phật giáo, khoảng thế kỷ thứ II TL, có giá trị cao trong Phật giáo Đại thừa. Lalitavistara cho chúng ta một ghi chép bằng văn vần về Cuộc đời Đức Phật buổi đầu chỉ đến việc bắt đầu thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển tại Varanasi. Văn bản này có lẽ dựa trên một văn bản Pali của phái Hữu bộ (Sarvastivadin) rồi sau đó mở rộng thành 27 chương trong hình thức thơ ca và văn xuôi Phạn ngữ ngày nay.

Kinh tạng (sutra-pitaka), tạng Luật (Vinaya Pitaka), Mangalayayana là các văn bản cổ điển về Cuộc đời của Đức Phật.

Sangityavamsa (Biên niên sử Tăng già): Soạn bởi Vimala-dhamma và viết bằng tiếng Pali tại Thái Lan năm 1789. Văn bản này sử dụng các sự kiện sau khi Đức Phật giác ngộ và những kết quả chuyển biến từ những bài thuyết pháp của Đức Phật.

Các sự kiện và những câu chuyện từ Cuộc đời của Đức Phật được chọn lựa kỹ để thể hiện trên các công trình kiến trúc. Các câu chuyện liên quan đến những năm đầu của Ngài, các chi tiết nòng cốt của Bốn luận giải, Bài thuyết pháp đầu tiên và những cảnh khác về lời dạy của Ngài, và kỳ tích giáng hạ từ cõi trời Tavatimsa. Những cảnh này trở nên phổ biến trong miêu tả trên các bích họa giai đoạn sau này.

II. Bích họa về Cuộc đời của Đức Phật

Ở đây, chỉ tóm tắt sơ lược các sự kiện chính trong cuộc đời của Đức Phật lịch sử, với những cảnh nổi bật đặc biệt xuất hiện trong hội họa của cộng đồng người Khmer Nam Bộ. Để có những hiểu biết tốt hơn về các bích họa miêu tả Cuộc đời của Đức Phật, có một vài sự kiện không tiêu biểu được thêm vào để cho việc hiểu biết mạch truyện dễ dàng hơn.

1. Các vị thần hội họp để quyết định việc Đức Phật giáng trần

Tất cả các Bồ-tát đều được tái sinh vào cõi trời Tusita vào kiếp cuối cùng của họ. Khi thời điểm Đức Phật xuất hiện trên cõi đất, chư thiên của cõi trời Tusita cùng nhau khẩn cầu một vị Bồ-tát tái sinh vào kiếp cuối cùng của mình trong loài người. Ngài tự mình chuẩn bị tái sinh lần cuối cùng, và trong suốt quãng thời gian tồn tại này, Ngài sẽ trải qua sự giác ngộ hay hoàn thiện nhận thức. Ngài định đoạt từ thời điểm thuận lợi nhất, nơi chốn ra đời, dòng dõi, và thậm chí cả người mẹ sẽ sinh ra Ngài. Vào kiếp cuối cùng của cuộc đời là Vessantara, Bồ-tát được tái sinh vào cõi trời Tusita, cho đến khi các vị thần của 10 nghìn thế giới tụ họp lại và cùng nhau cầu xin Ngài trở thành Đức Phật Gautama. Ngài chọn dòng dõi đức độ dẫn dắt bởi những người Sakya, một thị tộc chiến binh và cha mẹ Ngài, vua Suddhodana và người vợ cả của vua, hoàng hậu Maya. Xác lập các chọn lựa của mình, Bồ-tát trình bày những nguyên lý của Pháp cho các vị thiên ở cõi Tusita, và giới thiệu họ với Bồ-tát Di Lặc (Maitreya), vị Phật của tương lai. Sau khi tường minh mọi vấn đề, Ngài rời cõi trời Tusita tái sinh vào cõi người.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Cảnh này đôi khi được thể hiện chen lẫn với các ô tranh bích họa trên các bức vách và trên trần chánh điện. Bích họa thể hiện Bồ-tát trong trang phục hoàng gia, ngồi trên ngai với chư thiên quỳ gối, chấp tay thỉnh cầu ngồi xung quanh với nền là cảnh mây trời xanh ngắt hoặc ẩn hiện, lẩn khuất trong mây là những dãy tòa tháp, cung điện cõi trời. Trong thể hiện nội dung này, Bồ-tát sẽ được thể hiện chính diện ở trung tâm bức tranh thấy phổ biến hơn là dời về một phía với thể hiện nhìn nghiêng. Bồ-tát với thế ngồi để hai chân xuống, hoặc khoanh một chân lên hay ngồi xếp bằng trên đài bệ.  

2. Câu chuyện Sumedha

Chuyện kể rằng vô số kiếp về trước, Bồ-tát, người cuối cùng trở thành Phật, là một cậu bé Bà-la-môn tên Sumedha ở thành phố Amaravati. Khi còn trẻ, chàng đã ban tặng mọi của cải của mình và hiến dâng chính mình cho cuộc sống thánh thiện. Thời gian trôi qua, khi trở thành một người đàn ông, chàng đã vươn tới sự hoàn thiện trong mọi lĩnh vực của kiến thức. Một ngày, khi phi hành trên không, chàng thấy một con đường được dọn dẹp sạch sẽ để đón Đức Phật Dipankara (Nhiên Đăng Phật) đến Amaravati từ tu viện Sudassana. Sumedha tham gia vào công việc dọn dẹp con đường này. Đức Phật Dipankara đến  trước khi họ hoàn thành việc dọn dẹp, vì vậy mà Sumedha, lấy thân mình làm cái cầu và trải quần áo của mình là miếng da linh dương đen trên bùn, nằm rạp xuống và nói: “Thầy và các môn đồ xin đừng bước lên bùn mà hãy bước lên tôi”. Khi Đức Phật Dipankara nhìn thấy điều này, Ngài đã thọ ký rằng, sau một nghìn niên kỷ, người đàn ông này sẽ trở thành Phật. Sumedha cũng nhận lấy lời thọ ký tương tự từ 23 vị Phật khác.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Trên các bích họa, Sumedha thường được miêu tả như một ẩn sĩ, với búi tóc, mặc phục trang da cọp; nằm trên vũng sình hay một lạch nước đầu ngước lên, chấp tay tôn kính trước Đức Phật và các chư Tăng. Tuy nhiên, tại một số chùa khác lại thể hiện ông mặc áo quần màu trắng của một tu sĩ hoặc một thường dân. Đôi khi cũng thấy thể hiện ông nằm trên một tấm khăn. Có nghệ nhân cũng thể hiện Đức Phật đặt một chân lên người ông như sắp bước lên nhưng không phổ biến.

3. Giấc mơ của Maya

Cha và mẹ của Đức Phật là vua Suddhodana và hoàng hậu Maya. Suddhodana là người cai trị những chiến binh bộ tộc Sakya của thị tộc Gautama. Họ sống ở Kapilavastu, Nepal ngày nay, và cầu mong có một đứa con. Một đêm, hoàng hậu Maya mơ thấy một con voi trắng đi vào bên sườn của bà. Hôm sau, 64 người Bà-la-môn cam đoan với nhà vua và hoàng hậu rằng bà đã thụ thai một người con trai, người sẽ trở thành một Chuyển Luân vương (Cakravartin), hay một vị Phật.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Đây là một đề tài rất phổ biến được vẽ trong các chánh điện (vihara). Bích họa phổ biến thể hiện giấc mơ diễn ra trong một căn phòng rộng lớn với một chiếc giường theo phong cách phương Tây. Trong một ô tranh, hoàng hậu Maya đắm trong giấc mơ về con voi trắng đang đi tới hay con voi trắng nhỏ vần vũ trong mây bên trên ngoài khung cửa sổ sát cạnh bên chiếc giường hoàng hậu đang ngủ; với các người hầu, kẻ đứng người ngồi, kẻ cầm quạt/lọng, người cầm đuốc vây quanh hoàng hậu. Hiếm hoi thấy thể hiện con voi trắng quỳ gối bên dưới giường của hoàng hậu. Có nghệ nhân còn thể hiện chư thiên nâng bốn chiếc chân giường mà hoàng hậu đang ngủ. Đôi khi, đề tài này được thể hiện trong bối cảnh của một khu vườn hay bên hành lang cung điện nhưng thấy ít phổ biến.

4. Sự ra đời của hoàng tử Siddharta và bảy bước chân

Sự thụ thai kỳ diệu kéo dài mười tháng, hoàng hậu trên đường về đến khu vườn Lumbini và được nhà vua hộ tống. Khi chuyển dạ, hoàng hậu đã đứng níu lấy một nhánh cây khiến nó cong quằn xuống. Đứa trẻ đã xuất ra từ sườn phải của hoàng hậu mà không một chút đau đớn hay tổn thương. Ngài không bước vào thế giới theo lối thông thường mà như đi xuống từ cõi trời. Hơn nữa, từ khi Ngài thực hành thiền định trong một thời gian dài trong tiền kiếp, Ngài được sinh ra với đầy đủ năng lực của các giác quan. Ngài tỏa sáng rực rỡ như ánh mặt trời tỏa sáng xuống mặt đất, với những quầng sáng giống như vàng chiếu sáng tất thảy mọi không gian xung quanh Ngài. Ngay lập tức, Ngài bước bảy bước, một cách vững chắc và với những bước dài. Quan sát bốn hướng, và giơ tay phải, Ngài tuyên bố đây là lần tái sinh cuối cùng vì Ngài đã là bậc giác ngộ.

Đứa trẻ tên là Siddharta. Ngài được mang về Kapilavastu, và hoàng hậu ngập tràn niềm hân hoan khi cảm nhận những biểu hiện oai nghi nơi đứa con của mình. Hoàng hâu qua đời bảy ngày sau khi hạ sinh thái tử; sau đó bà sanh về cõi trời Tavatimsa và ngụ ở đây. Người em hoàng hậu, người sau này trở thành vị nữ tu sĩ đầu tiên, đã nuôi nấng đứa bé như con ruột của mình.

Trong một bối cảnh hình tượng, thật thú vị khi thấy rằng việc đản sinh dưới một cội cây; sự giác ngộ diễn ra dưới cội bồ-đề; bài thuyết phát đầu tiên cũng diễn ra dưới những cội cây; và cuối cùng mất đi, Mahaparinirvana, cũng diễn ra giữa hai cội cây.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Cảnh về đề tài này thấy phổ biến trong nhiều chánh điện (vihara). Trong các bích họa, một cách đặc trưng, việc mô tả “cổ điển” về sự ra đời được kết hợp với bảy bước đi của sen nở của thái tử Siddhartha trong tư thế đứng với một tay chỉ lên trời ở trung tâm bức họa. Ở bên phải là hoàng hậu Maya thường được thể hiện vươn tay lên nắm lấy một cành cây cùng các nữ tỳ đứng quây màn để tránh cho hoàng hậu khỏi cái nhìn vô ý khi bà sắp sửa sinh. Những tỳ nữ này đôi khi còn được thể hiện cầm lọng hay quỳ gối chắp tay hướng về phía thái tử. Bên trái là chư tiên đảnh lễ/tấu nhạc cùng thần Brahma đưa hai tay như đón lấy thái tử hoặc cầm khăn hay ấm nước rót tắm cho thái tử. Đề tài này thường thể hiện trong khung cảnh một khu vườn hay ven đường.

5. Lời tiên tri của Asita

Nhà tiên tri lỗi lạc Asita đến viếng thăm thái tử mới sinh. Trong sự kinh ngạc, ông nhận xét rằng đứa trẻ có những dấu hiệu siêu phàm trên thân thể. Ví dụ, bàn chân hằn in dấu hình bánh xe, ngón tay và chân có màng, giữa lông mày có một xoắn tròn mềm mại. Tràn đầy xúc động, nhà hiền triết tiên đoán rằng hoàng tử sẽ không quan tâm đến những vấn đề thế tục, chàng sẽ từ bỏ vương quốc và nỗ lực đạt đến sự giác ngộ. Do đó, chàng sẽ rời bỏ những vọng tưởng tối tăm của thế giới này, để tìm ra con đường chấm dứt luân hồi sinh tử và giải thoát.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Trong hầu hết các miêu tả, nhà tiên tri Asita, phổ biến thể hiện là một ông lão râu tóc bạc phơ mặc da hổ hay phục trang Bà-la-môn trắng hoặc ít thấy hơn là phục trang thường dân, được thể hiện ngồi trên ghế với một bên là những nhà tiên tri khác, một bên là các triều thần, vua cha và hoàng hậu, còn đứa bé thái tử Siddhartha thì đứng trên đầu ngài Asita.

Đôi khi, vị thái tử trẻ tuổi được thể hiện được hoàng hậu ẵm bồng còn vua cha thì đứng sát bên hoặc cùng ngồi trên ngai trước mặt các nhà tiên tri. Ngoài ra còn thấy thể hiện thái tử nằm trong nôi trước vua cha và các nhà tiên tri. Ở cách thể hiện bên dưới này thì nhà tiên tri Asita thường thấy là một chàng trai trẻ nhất trong số các nhà tiên tri.

Đôi khi ở các chùa Khmer hai cách thể hiện này được vẽ đồng thời trên hai ô tranh liên tiếp nhau.

6. Lễ tịch điền và Siddhartha thiền định dưới cây Jambu

Mỗi năm tại Kapilavastu có một lễ nghi nông nghiệp được gọi là lễ tịch điền hoàng gia được cử hành. Nhà vua cày ruộng bằng chiếc cày bằng vàng tuyệt đẹp, trong khi các cận thần cày theo sau với những chiếc cày được trang trí bằng bạc. Còn đằng sau họ là những người nông dân cùng nhau cày bừa. Qua việc này đất cứng được cày xới lên và chuẩn bị sẵn cho việc gieo hạt.

Trong suốt lễ tịch điền hoàng gia, Siddhartha trẻ tuổi không ở gần vua cha và các thành viên của triều đình mà để ở đằng sau, và khi đến ngồi dưới cây Jambu, tại đây chàng đã thiền định, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy đứa trẻ sẽ trở thành Phật. Có năm ẩn sĩ, khi dùng phép du hành trên không, đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy thái tử và họ bèn đến đảnh lễ chàng. Cha mẹ và triều thần vô cùng lo lắng khi không thấy Siddhartha, nhưng cuối cùng một quan thượng thư đã tìm thấy chàng bên dưới cây jambu, và để ý rằng khi mặt trời di chuyển, bóng cây vẫn không thay đổi để che mát cho thái tử trong lúc thiền định.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Cảnh thái tử Siddhartha thiền định dưới gốc cây jambu (một loại cây gioi) thường được thể hiện kết hợp với lễ tịch điền hoàng gia. Trong nhiều bích họa, Siddhartha trẻ tuổi thiền định ở trên những tán lá cây hay thái tử bay lên cao trong không trung bên dưới là đôi trâu cày đóng ách và vua cha, hoàng hậu cùng các triều thần vô cùng sửng sốt quỳ gối chấp tay hướng về thái tử. Cảnh này được thể hiện trong không gian của đám ruộng cày, hay nơi lối đi với cây cỏ. Nội dung này có khi thể hiện thái tử thiền định trong nhà rạp với hoạt cảnh tương tự như trên.

7. Cuộc thi bắn cung

Suddhodana mong muốn con trai ông học tập về nghệ thuật quân sự để trở thành một chiến binh và chỉ huy quân đội khi trở thành vị vua tương lai. Chàng trai xuất chúng trong bắn cung, thường đánh bại người anh em họ Devadatta trong các cuộc thi. Sau đó, thái tử cũng chứng minh các kỹ năng như cưỡi ngựa trước vua cha.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Thi tài bắn cung cũng thường được thể hiện trên các bích họa, ở đó vị thái tử trẻ tuổi Siddhartha đứng trên bục cao, một tay cầm cánh cung giơ lên cao, dáng diệu như múa. Ngoài ra còn có miêu tả thái tử đứng giương cánh cung bắn đi mũi tên hoặc khụy gối giương cây cung. Vây quanh là vua cha và hoàng hậu, cùng các triều thần ngước nhìn, chấp tay đầy thán phục.

8. Nhà vua Suddhodana quyết định xây dựng một cung điện cho thái tử

Nhà vua Suddhodana biết rằng con trai ông cuối cùng sẽ rời bỏ ông để tìm kiếm chân lý tối thượng, ông quyết định xây cho chàng một cung điện lộng lẫy với những khu vườn tuyệt diệu, vì vậy ông đã thỉnh cầu các kiến trúc sư lừng danh lên các kế hoạch và những bản vẽ.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Cảnh này hiếm khi được miêu tả trên các bích họa của chánh điện (vihara) hay ở sala. Tranh thường thể hiện vua cha đang xem xét một bản vẽ với các chọn lựa về việc xây dựng cung điện tương lai, tất cả đều lấy cảm hứng từ kiến trúc Angkor Wat.

9. Cuộc thi sắc đẹp; chọn vợ; kết hôn và cuộc sống của một thái tử

Từ đó nhà vua luôn lưu tâm về lời tiên tri của Asita. Ông hạ lệnh không để con trai phải nhìn thấy bất cứ điều gì gây sửng sốt hay lo lắng/buồn phiền. Vì vậy nhà vua sắp đặt để chàng sống trong một cung điện và không cho đi ra ngoài. Khi thái tử được 16 tuổi, vua cha thỉnh cầu các bộ tộc láng giềng gửi những người con gái xinh đẹp của đất nước họ đến để chàng chọn vợ. Các cô gái xinh đẹp nhất đến từ nhiều đất nước được yêu cầu đi qua trước thái tử. Vua cha cuối cùng chọn Yasodhara, người con gái của vị vua Suppabuddha. Thái tử cũng đồng tình chấp thuận với niềm vui thích. Siddhartha trải qua một thời gian sống trong cung điện mới lộng lẫy, nguy nga, giống như nơi ở của các vị thần và rực rỡ như ngọn núi Krailas. Triều đình đầy các nhạc công, vũ công và thái tử chìm đắm trong khoái lạc nhục dục. Điều đó được coi như là yếu tố cần thiết để thái tử, giống các vị Phật tiền kiếp, trước tiên cần nếm trải những cảm giác khoái lạc trước khi đạt đến sự giác ngộ. Trong thời gian này, Yasodhara sinh một người con trai cho Siddhartha đặt tên là Rahula.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Sự kiện này không phổ biến trên các bích họa, chỉ có một vài thể hiện, ở đó thái tử Siddhartha ngồi trên ngai hay giường quan sát những cô gái đẹp đi trước mặt. Cảnh đám cưới thấy phổ biến hơn, thông thường miêu tả một cặp vợ chồng đi xuống từ cầu thang. Đôi khi cũng thấy thể hiện cảnh vua cha ngồi trên ngai trao chiếc gương báu nhằm truyền ngôi cho vợ chồng thái tử cùng quỳ chấp tay dưới đất trước sự chứng kiến của các triều thần.

10. Bốn cuộc chạm trán bất ngờ

Vua cha Siddhartha xếp đặt một chuyến tham quan quanh thành phố cho người con trai. Ông có kế hoạch chỉ bố trí những người dân với niềm hân hoan và các phụ nữ vui vẻ, xinh đẹp sẽ xuất hiện dọc theo nơi chốn mà thái tử đi ngang qua và ngăn cấm sự hiện diện của bất cứ người dân nào mang tâm trạng ưu phiền, già cả hay  ngay cả một người ăn xin. Trên cỗ xe ngựa bằng vàng, thái tử đi ngang qua một đám đông vui vẻ, một người phụ nữ khêu gợi và dân chúng kính cẩn. Khắp thành phố đều tràn ngập niềm vui sướng bất tận. Nhưng các vị thần đã biến hóa ra một người đàn ông lớn tuổi mang những dấu hiệu của tuổi già lom khom làm thái tử bối rối và khẩn cầu người đánh xe ngựa quay trở về cung điện. Vào lần chuyến du ngoạn tiếp theo, các vị thần tạo ra một người đàn ông với một thể xác đau đớn vì bệnh tật, có cái bụng căng phình và thở hổn hển một cách nặng nhọc, tiều tụy, nhợt nhạt, phải chống đỡ dựa vào một người đàn ông khác. Quá lo lắng, thái tử một lần nữa yêu cầu người đánh xe ngựa quay trở về. Lần du ngoạn khác được sắp xếp bởi vua cha với dọc theo những con đường được trang trí hoa lá; tuy nhiên, các vị thần tạo nên một xác chết được bốn người đàn ông khiêng đi, mà chỉ mỗi thái tử và người đánh xe ngựa nhìn thấy. Đau khổ bởi nhận biết rằng mọi sinh vật cuối cùng sẽ chết, thái tử yêu cầu người đánh xe ngựa trở về, nhưng ông ta không phục tùng mà đưa thái tử đến một khu rừng nhỏ Padmasanda, nó được dựng lên với những sự hấp dẫn đặc biệt. Tại khu vườn, Siddhartha được chào đón bởi những phụ nữ, nhìn chàng đầy khiêu khích, chạm vào chàng, “với bầu ngực tròn đầy, quyến rũ”, trong khi các phụ nữ khác ôm siết lấy chàng và thầm thì những lời nói gợi tình, nhảy múa và ca hát với âm điệu lúc trầm lúc bổng. Siddhartha nhận ra rằng tất cả mọi cảm giác vui sướng đều phù phiếm và phù du, khước từ những người phụ nữ này. Chàng thấy rằng tuổi già, bệnh tật và cái chết hủy hoại những ký ức, sắc đẹp và sức mạnh của mỗi con người. Chàng ra lệnh cho người đánh xe ngựa trở lại cung điện ngay tức thì.

Trong các văn bản khác, nó được kể rằng trong suốt hơn bốn chuyến du hành, như là sự xúi giục từ các vị thần để từ bỏ thế tục trước khi lên ngôi, Siddhartha gặp một vị tu sĩ, và do đó hiểu rằng chỉ có thể giải thoát mọi khổ đau bằng niềm tin vào tôn giáo.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Trên các bích họa, Bốn cuộc chạm trán bất ngờ được vẽ chung trên một ô, như thể tất cả chúng đều xảy ra đồng thời trong một cuộc du hành, hơn là bốn sự kiện riêng rẽ. Cảnh thể hiện thái tử ngồi trên một cỗ xe ngựa cầu kỳ có cái nhìn tâm linh ảo diệu về bốn cuộc chạm trán chúng được thể hiện trong những đám mây, trong kiểu của một chuỗi khối truyện tranh là phổ biến. Đôi khi ở cận cảnh bên dưới cỗ xe ngựa của thái tử là thây người chết: lòng ruột lòi ra với con quạ đen đang rỉa bên trên. Ngoài ra cũng có thể hiện Bốn cuộc chạm trán bất ngờ như xảy ra liên tiếp trên một con đường. Đó là bốn sự kiện tượng trưng cho lão (một người già chống gậy), bệnh (người đàn ông ngồi ôm ngực mệt mỏi hay người nữ quấn khăn hoặc nằm trên gường bệnh), tử (thây người với chim quạ đang rỉa xác với lòng ruột lòi ra ngoài cùng những bộ xương và đầu lâu người hay thây người hỏa thiêu trên giàn lửa) và cuộc sống giải thoát (hình ảnh vị tu sĩ tĩnh tại thiền định hoặc bộ hành).

11. Cự tuyệt phụ nữ; từ biệt vợ con

Trước Cuộc ra đi vĩ đại, thái tử Siddhartha đến trước mặt vua cha cầu xin sự cho phép rời bỏ cuộc sống hoàng gia để trở thành một tu sĩ hành khất nhằm tìm kiếm sự giải thoát. Vua cha cự tuyệt không chấp thuận. Ông nói với các triều thần rằng “con trai ta sẽ không đi đâu hết”. Thái tử trở về phòng với nồng nặc mùi hương trầm và thân thể lõa lồ của những người phụ nữ nơi hậu cung nằm ngủ trong các tư thế khiếm nhã bởi cơn mê do chư thiên làm phép. Trong sự chán chường và ghê tởm, Siddhartha nhận ra rằng chàng nên ra đi vào chính đêm hôm nay. Chàng ghé qua nhìn vợ và con, nhưng không đánh thức họ, để nói lời tạm biệt, vì chàng sợ điều đó sẽ cản ngăn sự ra đi của mình.

Thú vị thay, Buddhacarita miêu tả, ở một vài chi tiết, tư thế hình thể của các thiếu nữ và ngực, nách, đùi của họ được thể hiện trong một vài bích họa. Trong BuddhacaritaLalitavistara, không đề cập thái tử Siddhartha nói lời từ biệt vợ con, không hề có sự xuất hiện của Ma vương Mara nỗ lực ngăn cản thái tử rời bỏ cung điện để ra đi tìm kiếm sự giác ngộ.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Bích họa về sự kiện này phổ biến thể hiện thái tử vén màn nhìn vào vợ con đang ngủ yên trên giường. Hay còn miêu tả phía sau giường nơi cánh cửa hay cửa sổ thấp thoáng hình ảnh Channa đang giữ ngựa đứng chờ nơi cổng tường thành. Đôi khi các nghệ nhân còn thêm thắt nơi thềm nhà, bên dưới giường vợ con thái tử ngủ là những người hầu nằm ngả nghiêng trong các tư thế lõa lồ, kiệm vải. Điều này mang đến cho các nghệ nhân cơ hội miêu tả sự gợi cảm của người phụ nữ, mặc dù đôi khi dường như có một chút quá đà.

12. Cuộc ra đi vĩ đại

Các vị thần, hiểu ý định của thái tử, đã tạo nên những cơn gió thổi khiến cánh cửa cung điện hé mở. Siddhartha gọi Channa, người giữ ngựa, đi lấy con ngựa Kanthaka, sẵn sàng để ra đi. Các vị thần nâng móng ngựa ở trên cao để không tạo ra bất kỳ tiếng động nào. Họ bay xuyên qua bầu trời đêm tối cho đến khi bình minh ló dạng.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Cảnh này, cùng với các chi tiết như cắt tóc là rất phổ biến. Cảnh này thể hiện thái tử cưỡi bạch mã phi nước đại trên không trung mây trời, với trăng sáng vằng vặc bên trên và bên dưới là mặt nước trong khung cảnh tĩnh mịch của đêm tối. Đôi khi thể hiện Channa ngồi sau cùng cưỡi ngựa với thái tử hoặc nắm đuôi ngựa đu theo. Một miêu tả khác cũng rất thông thường thể hiện hình ảnh Mara dữ tợn cố gắng ngăn chặn thái tử đi theo con đường trở thành Phật.

13. Cắt tóc và từ biệt Channa

Bước xuống từ con ngựa Kanthaka, thái tử Siddhartha nói với Channa: “Nhiệm vụ của ngươi đã hoàn thành rồi”. Rồi lấy thanh gươm từ tay Channa, rút nó ra khỏi bao và với lưỡi kiếm sắc bén cắt đứt mũ niệm đội đầu cùng tóc. Thật kỳ lạ, tóc thái tử không bao giờ mọc trở lại sau đó.

Những lọn tóc này được thần Indra bắt lấy và cất giữ trong chiếc tráp nhỏ khảm hoa bằng vàng tại tháp Culamani nơi cõi trời Tavatimsa. Cùng lúc, một người Bà-la-môn tên là Ghatikara xuất hiện cải trang như một người thợ săn hươu, mặc chiếc áo màu hoàng thổ để không khiến hươu nai hoảng sợ. Thái tử Siddhartha thỉnh cầu người thợ săn đổi quần áo của hắn để lấy quần áo hoàng tộc của mình và di chuyển đến nơi gần đó sống ẩn dật.

Rồi sau đó, thái tử nhắn Channa mang thông điệp trở về cho vua cha rằng chàng ra đi để tìm kiếm sự giải thoát mà không thôi thương nhớ đến vua cha. Channa đã cố gắng khuyên ngăn thái tử bằng đủ mọi cách, nhưng Siddhartha đã nhắc nhở Channa rằng họ dù có trải qua rất nhiều việc nhưng cuối cùng cũng phải chia lìa bởi cái chết. Kanthaka, con ngựa của thái tử vì quá đau buồn khi bị bắt đi về đã lăn ra chết vì nuối tiếc và Channa, một mình thổn thức quay trở lại cung điện.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Chi tiết này rất phổ biến với nhiều biến đổi. Thái tử Siddhartha cắt tóc bên dưới với chư thiên đảnh lễ bên trên hay thần Indra nâng chiếc tráp nhỏ bằng vàng trên không trung để cất hoặc quỳ dưới đất hứng những lọn tóc của thái tử được thể hiện bên trên và cuối cùng Siddhartha nói lời tạm biệt người hộ vệ Channa và con ngựa Kanthaka, tất cả được vẽ trên hậu cảnh một màu hoàng thổ và những cụm cây cối. Khi tự cắt tóc, tư thế của Siddhartha khác biệt từ ngồi vắt chéo chân hay một chân vắt một chân thả hay hiếm hoi thấy thể hiện đứng, và sử dụng một con dao/dao găm/thanh kiếm trong tay phải, nhưng thỉnh thoảng trong tay trái. Trong bích họa khác, cử chỉ của Siddhartha cắt tóc được thể hiện đầy quyết tâm, và có phần mạnh mẽ. Thái tử ngồi cắt tóc trên một tảng đá, còn người hộ vệ Channa quỳ gối trước Thái tử, tay nâng mũ niệm cùng con ngựa bên cạnh.

Sự miêu tả cảnh tạm biệt người hộ vệ và con ngựa nhìn chung thấm đẫm nỗi buồn; ở nhiều nơi khác, với con ngựa nằm hấp hối trên mặt đất và Channa một tay ôm mặt khóc. Trần của chùa tháp cũng thể hiện cảnh cắt tóc tương tự.

Trong BuddhacaritaLalitavistara có nhiều sự kiện không thường được minh họa trên các bích họa, có lẽ bởi chúng thiếu những hành động thị giác rõ ràng. Quan trọng nhất đó là: Sự tranh luận gay gắt giữa Channa và Siddhartha; cảnh buồn bã và than khóc của gia đình hoàng gia và triều thần, các phái đoàn được gửi đến để thuyết phục thái tử trở về cuộc sống thường dân; sự thăm viếng của nhà vua Bimbisara xứ Magadha, người tín mộ say mê những lời dạy của Siddhartha, người sẵn sàng cúng dường cho thái tử một nửa vương quốc của mình.

14. Tu khổ hạnh trong rừng

Bồ-tát tiếp tục tìm kiếm những phương pháp tu hành như khổ hạnh và yoga. Ngài viếng thăm nhà hiền triết Alara Kalama, nhưng ngay lập tức nhận ra rằng Ngài không học được điều gì từ người thầy này, hay từ những nhà hiền triết khác mà Ngài tìm đến như Udraka Ramaputra và Nagari.

Rồi Ngài đến sống bên bờ sông Nairanjana, và tại đây Ngài gặp năm người tu khổ hạnh. Họ trợ giúp cho Siddhartha, thậm chí chấp nhận Ngài như người thủ lĩnh của họ. Họ đến gặp nhà hiền triết Ruddraka, thảo thuận một vài học thuyết. Thấy Siddhartha dễ dàng hiểu các giáo lý của Ruddraka, năm môn đồ của Ruddraka quyết định đi theo Siddhartha. Siddhartha xem xét tất cả các phương pháp khổ hạnh. Rồi Ngài theo phương pháp của mình trong sáu năm, tuân thủ tuyệt thực một cách khắt khe và gần như chết đói và trở nên gầy còm, yếu đuối. Sau một thời gian, cơ thể Siddhartha chỉ còn da và xương, mòn mỏi đến kiệt quệ và đói khát, nhưng Ngài không thể đạt đến sự yên bình thỏa đáng về tâm trí và cân bằng trong suy nghĩ như yêu cầu của thiền định đích thực. Ngài đã đưa ra kết luận rằng phương pháp này là không hoàn thiện và quyết định phải ăn uống trở lại.

Trong các văn bản trích dẫn trên, không có liên quan gì đến truyền thuyết về thần Indra xuống từ cõi trời gảy nhạc cụ ba dây cho Siddhartha, mặc dù nó được miêu tả trong bích họa, thần Indra biểu thị rằng dây đàn chính giữa, không quá chùng cũng không quá căng là một điều đúng đắn, bằng cách ấy gợi ý cho thái tử đang tuyệt thực rằng con đường trung đạo, con đường giữa sự hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh ép xác, con đường ấy chính là con đường nên theo.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Sự kiện được miêu tả phổ biến thường thể hiện Siddhartha với gầy trơ xương, lộ lên bộ khung xương lồng ngực, mặt mũi hốc hác/gầy xọm, ở đây mô tả đa phần là rất khủng khiếp, với một hoặc hai vị thiên bên cạnh than khóc, trong khi thần Indra gảy nhạc cụ dây với một chiếc dây đàn đứt tung. Trong các bích họa khác, Siddhartha được thể hiện với một thân thể gầy còm/hốc hác ngồi trong tư thế thiền định trên một tảng đá hoặc nằm ngã xuống tảng đá.

15. Món quà của Sujita

Trước khi có bữa ăn đầu tiên, Siddhartha đến tắm ở sông Nairanjana. Rồi với sự đau đớn tuột độ về thể xác và Ngài ráng sức lê từng bước vào bờ sông, những nhánh cây oằn cong đã trợ giúp cho Ngài.

Trong kế hoạch của các vị thần, Sujita, người con gái của vị trưởng thôn, tình cờ đi ngang qua. Với sự sùng kính cao độ, nàng dâng bát cháo sữa cho Siddhartha và Ngài đón nhận lấy. Theo một vài truyền thuyết, Sujita đã chuẩn bị một món ăn đặc biệt bằng gạo nấu với sữa cô đặc, cùng mùi vị cõi trời được thần Indra, Brahma và các vị thần khác thêm vào, để dâng cúng cho vị thần linh bảo hộ cho cây cối để tạ ơn việc nàng cầu xin một đứa con trai đã được toại nguyện. Sujita mang lễ vật đựng trong một cái bát vàng quý giá đến nơi cái cây, nơi mà Siddhartha đến ngồi bên dưới. Ngài nhận lễ vật dâng cúng, chia thành 49 phần, một phần dùng cho mỗi một ngày vì Ngài biết rằng chúng cần thiết để đạt tới sự giác ngộ. Sau đó, Ngài ném chiếc bát vàng vào con sông vì một người hành khất không được phép giữ bất cứ món đồ vật quý giá nào. Theo thời gian, Siddhartha lấy lại sức lực nhưng đơn độc, từ khi năm đồng môn rời đi khi họ nghĩ rằng Ngài từ bỏ tu tập.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Tình tiết này được thấy thể hiện tao nhã với một sự sắp đặt tự nhiên giữa cây cối và con sông. Thái tử ngồi dưới gốc cây lớn đưa tay đón lấy, còn Sujita cùng người hầu thì quỳ gối dâng vật thực lên Ngài. Vật thực này là một tráp cơm/đĩa cơm hay đôi khi còn thể hiện những viên cơm được viên tròn bốc khói, còn người hầu thì nâng tráp trái quả hay đảnh lễ hoặc đôi khi thể hiện đang ôm giữ một đứa bé mới sinh – con của Sujita.

16. Siddhartha và các bát vàng

Theo một truyền thuyết sau này, sau khi chia phần thức ăn nhận được từ Sujita, Siddhartha thả trôi chiếc bát trên sông, và nghĩ rằng nếu Ngài thật sự trở thành một vị Phật, chiếc bát sẽ trôi ngược dòng nước. Một cách kỳ lạ, chiếc bát trôi ngược dòng mãi cho đến khi nó chìm xuống nơi ở của vua Naga Mahakala. Nó va vào những cái bát của ba vị Phật trước đó, đánh thức vua Naga. Ông tán thán Siddhartha một cách nhiệt thành. Sau đó, vào buổi chiều, Siddhartha đi đến một cây bồ-đề dọc theo con đường đã được các chư thiên chuẩn bị và trang hoàng.

Trong Lalitavistara viết rằng thần Indra với sự xuất hiện của một garuda, tìm lại chiếc bát vàng từ vua Naga và giữ nó ở cõi trời Tavatimsa. Tại đây, thần đã xây dựng một tòa tháp để bát và tổ chức kỷ niệm hàng năm, ngày của những chiếc bát lớn.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Cảnh này thường thấy khá phổ biến trên các bích họa, có lẽ bởi nó đem đến cho các nghệ nhân Khmer cơ hội tô vẽ một câu chuyện bao gồm việc thể hiện rắn thần Naga yêu quý của họ. Thật vậy, mặc dù Siddhartha thường được miêu tả thả trôi chiếc bát vàng trên sông nhưng Naga lại là nhân vật chính của bức họa, xuất hiện uy nghi từ con sông. Hiếm hoi thấy thể hiện chiếc bát lặn xuống sông (được thể hiện trong mờ bên dưới lòng sông) xếp kế bên chiếc bát của những vị Phật trước nơi cung điện của rắn thần Naga trong lòng sông. Hay một ngôi tháp hiện lên trên mặt sông, ở đó 4 chiếc đĩa của năm vị Phật trước xếp chồng lên nhau, cùng 5 Naga xuất hiện trên mặt trong nhìn Siddhartha đưa tay thả chiếc đĩa vàng vào con sông. Trong những sự mô tả khác, Siddhartha được thể hiện một mình trên bờ con sông rộng nhìn chiếc bát trôi nổi lềnh bềnh. Đôi khi cảnh này được kết hợp cùng bích họa Món quà của Sujita nói trên hay Món quà cỏ bên dưới như là một hậu cảnh phía xa.

17. Sự chuẩn bị để giác ngộ; món quà cỏ

Sau một ngày nghỉ trong rừng, Siddhartha đi một mình đến chỗ cây bồ-đề. Naga Mahakala nghe bước chân của Ngài và nói với Ngài rằng Ngài chắc chắn sẽ trở thành một vị Phật. Sau đó, Siddhartha gặp một người Bà-la-môn đang cắt cỏ. Người này đã dâng tặng Ngài một ít cỏ để lót ngồi dưới gốc bồ-đề. Mặt hướng về phía đông, Ngài thực hiện tư thế bắt chéo chân, quán tưởng cho đến khi thân thể bất động phát ra hào quang, và không lay động cho đến khi đạt đến sự giác ngộ.

Một vài ghi chép đề cập rằng Ngài ngồi trên chiếc ngai nổi lên một cách kỳ diệu từ đất, với thần Indra, Brahma và nhiều các vị thần khác tôn kính đảnh lễ, cùng với âm thanh của nhạc trời.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Sự kiện này thường thấy thể hiện: Một người nông dân quỳ gối trang trọng dâng một bó cỏ lên Siddhartha đang ngồi hoặc đứng bên dưới một gốc cây và Ngài đưa tay đón lấy. Khung cảnh được thể hiện thường thấy là bên vệ đường hoặc trong một khu rừng, có khi thể hiện ở hậu cảnh là những người nông dân đang gặt cỏ nhưng rất ít thấy.

18. Đánh bại Ma vương (Mara)

Mara khiếp sợ sự thiền định của Siddhartha và cho rằng Siddhartha sẽ chiếm lĩnh cảnh giới của mình khi phát lộ cho muôn loài con đường cuối cùng đi đến giải thoát. Do đó, khi nhận thấy rằng Siddhartha chưa đạt đến sự giác ngộ, Mara đã cố ra sức ngăn cản Ngài bằng bất cứ giá nào. Y xua đội quân chằn tấn công, nhưng không điều gì có thể tổn hại đến Siddhartha và đội quân của Mara bị đánh bại. Sau đó, Mara đòi hỏi sự làm chứng từ các vị thần về công đức mà Ngài đạt được. Khi đó, Siddhartha đã gọi Mẹ Đất, chạm vào đất/Mẹ Đất với bàn tay phải. Đất chuyển động ầm ầm và hiện lên là nữ thần Đất Preah Thorani, đảnh lễ tôn kính và minh chứng cho công đức tích lũy được của Ngài: Nữ thần Đất xoắn mái tóc tuôn ra một dòng nước lũ nhấn chìm đội quân của Mara.

Cử chỉ Đức Phật gọi Mẹ Đất làm chứng, biết đến là Xúc Địa ấn (bhumisparsa mudra), là một trong những hình tượng phổ biến nhất của Đức Phật trong tranh tượng, đặc biệt trong các hình tượng về Đức Phật ở Campuchia. Theo Dagens, Preah Thorani, một nhân vật ở Ấn Độ chỉ được đề cập trong văn chương.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Cùng với cảnh về sự giác ngộ, tình tiết này có lẽ là một trong những miêu tả được thể hiện thường xuyên nhất, hay trên toàn bộ một bức tường, đặc biệt ở đằng sau bệ thờ chính. Ở một vài bích họa, sự kiện này được biểu trưng đơn giản bởi thể hiện Preah Thorani vặn tóc nhấn chìm đội quân Mara. Ở các bích họa khác, cảnh này được thể hiện chi tiết hơn với Siddhartha ngồi bên trên đài bệ, tay thể hiện cử chỉ xúc địa ấn, nữ thần Preah Thorani xuất hiện bên dưới đưa tay vặn lọn tóc về một bên tuôn ra dòng nước lũ gây ngập lụt với bên dưới là một con cá sấu há rộng miệng, cùng một con cá lớn và người quỷ ngụp lặn trong nước. Và đặc biệt, một bên là tên chằn cùng đội quân quỷ nhe nanh dữ tợn chĩa vũ khí vào Siddhartha, một bên cũng là một tên chằn và đội quân quỷ chấp tay đảnh lẽ, sắc mặt hiền lành  nhằm thể hiện sự chuyển hóa tâm tính của Mara và đội quân quỷ. Đây là một ví dụ tiêu biểu cho kỹ pháp đồng hiện (một tranh 2, 3… cảnh phản ánh sự diễn tiến của sự kiện) trong bích họa Khmer.

19. Con gái Ma vương (Mara)

Mưu toan ngăn chặn Siddhartha đạt đến sự giác ngộ, Ma vương gửi những người con gái của mình đến để quyến rũ Ngài. Thậm chí không nhìn họ, Ngài biến những người cô gái xinh đẹp thành người phụ nữ già yếu. Họ quay trở về cầu xin cha mình trả lại diện mạo xinh đẹp, trẻ trung như trước nhưng khi Ma vương nói rằng chỉ duy nhất Đức Phật mới có thể mang trả lại cho họ hình dáng cũ, họ quay trở lại chỗ Đức Phật và người đã hóa giải, tha thứ cho họ.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Các biểu trưng của cảnh này phản ánh sự biến đổi trong nhận thức và quan điểm xã hội. Trong những bích họa cổ xưa hơn, ba người con gái của Mara được miêu tả như những quý bà ăn mặc lộng lẫy, mang mũ miện bằng vàng sắc sảo, nhảy múa một cách e lệ hoặc chơi các nhạc cụ dây trước mặt Siddhartha đang thiền định, người không màng đến sự xuất hiện của họ. Trong các bích họa hiện đại, sự thể hiện tập trung vào đặc điểm nhục cảm của ba nhân vật. Họ được miêu tả trẻ trung, gợi cảm và trần truồng, hay thậm chí được thể hiện trong tư thế khiêu gợi. Trong quan điểm của các nghệ nhân, những miêu tả nhục cảm đó phản ánh các khuynh hướng hiện đại, thay đổi quan niệm về nhục dục và coi nhẹ tính thiêng của các hình tượng tôn giáo.

20. Sự giác ngộ

Sau khi đánh bại Mara, Siddhartha ngồi tĩnh tại, thiền định sâu nỗ lực đạt đến nhận thức thực tại tối thượng và cứu cánh cuối cùng của sự tồn tại. Trong suốt đêm tháng Tư trăng tròn, Ngài thông qua quán tưởng thứ ba đạt tới hoàn thiện một vài bước sâu hơn của nội tại, và khi rạng đông, trong quán tưởng thứ tư, đạt tới giai đoạn của tri thức toàn diện và am hiểu về nguyên lý nhân quả; Ngài đạt được sự giác ngộ, và trở thành Phật.

Khi Ngài bước ra khỏi cảnh giới thiền định, thần Indra và Brahma xuất hiện, cầu xin Đức Phật chia sẻ sự hiểu biết/tri thức cho chúng sinh để giải thoát họ khỏi những đau khổ. Các đấng Tứ Thiên Vương, thần hộ thế bốn phương, cũng đến chầu bên Đức Phật và dâng lên những chiếc bát khất thực, xin làm tín đồ của Ngài và mong được nghe Pháp.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Bích họa thể hiện sự kiện này một cách đặc biệt khá hiện thực: Đức Phật thiền định trên tòa sen và đài bệ cầu kỳ dưới một gốc cây một cách tĩnh tại. Hay thêm vào đó có sự xuất hiện của thần Brahma, thần Indra và chư thiên chấp tay, quỳ gối thỉnh cầu xung quanh Đức Phật.

21. Naga Mucalinda

Sau khi giác ngộ, Đức Phật trải qua bảy tuần với các trạng thái thiền định khác nhau. Vào tuần thứ sáu, Ngài đi đến hồ Mucalinda, những đám mây bất thường xuất hiện trên bầu trời, như đe dọa rằng những cơn mưa nặng hạt và gió lạnh sẽ ập xuống. Vua Naga, Mucalinda, rời nơi ở của mình và bao bọc lấy thân thể của Đức Phật với bảy vòng cuộn quấn, phình rộng mang phủ bên trên đầu Ngài, để bảo vệ Ngài không chỉ khỏi sự tác động của thời tiết dữ dội mà cả muỗi mòng, ruồi nhuế và những loại sâu bọ khác. Theo truyền thuyết, khi bảy ngày kết thúc, các cuộn quấn của vua Naga lỏng dần ra khỏi thân thể Đức Phật, và biến thành một người Bà La Môn trẻ tuổi, đứng trước Đức Phật chắp tay đầy tôn kính.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Mặc dù hình ảnh về Đức Phật đang ngồi thiền định bên trên những cuộn quấn của rắn thần Naga hoặc hiếm hoi thấy thể hiện Đức Phật như được cất giấu, che chở bên trong những cuộn quấn thân rắn này chỉ còn một phần vai và đầu Đức Phật ló ra và bảy chiếc đầu của naga Mucalinda xòe rộng ra bên trên rất phổ biến trên bích họa. Trong số các ví dụ tiêu biểu nhất chú trọng vào chi tiết, thậm chí thể hiện cả những hạt mưa rơi dày đặc, trắng xóa mịt mù nhấn mạnh lý do tại sao Naga cần phải bảo vệ cho Đức Phật. Khung cảnh thường là một hồ sen rộng lớn ngả nghiêng vì mưa gió và hậu cảnh cây cối bạt đi vì gió bão. Các nghệ nhân miêu tả Đức Phật một cách chính diện hoặc thể hiện theo một góc nghiêng cho thấy chiếc đuôi Naga uốn cong phía sau. Đôi khi cảnh này được thể hiện trong khung cảnh rất yên bình, trời trong, nước lặng.

22. Tapussa và Bhalluka; những chiếc bình bát và lễ vật dâng cúng

Trong suốt tuần thứ bảy, Đức Phật, ngồi dưới một cội cây. Ngài được hai anh em thương gia là Tapussa và Bhalluka viếng thăm, và họ cung kính dâng lên vật thực. Bốn vị thần hộ thế Tứ Thiên Vương cũng cúng dường những chiếc bát vàng, và Đức Phật đã làm phép biến chúng ép lại thành một. Khi dùng xong các vật thực do Tapussa và Bhalluka dâng cúng, Ngài đã thuyết pháp cho họ. Hai người anh em thọ nhận giáo pháp của Đức Phật, trở thành những môn đệ đầu tiên, và nhận được các di vật bao gồm tám sợi tóc của Đức Phật.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Trong hầu hết các bích họa, hai người thương gia được thể hiện ăn mặc áo quần trau chuốt và đội khăn xếp không vành theo kiểu trang phục Ấn Độ trang trọng đảnh lễ Đức Phật, xa xa là con đường mòn với hai cỗ xe phủ bạt, chứa đầy hàng hóa.

23. Vượt sông Hằng; thuyết phát cho năm người; lần đầu tiên thuyết pháp hay thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển

Sau khi giác ngộ, Đức Phật bắt đầu suy nghĩ/cân nhắc việc nên hay không thuyết các giáo pháp của Ngài và nếu vậy, ai là người Ngài nên thuyết pháp đầu tiên. Trước hết, Ngài nghĩ đến thầy mình, Alara Kalama, nhưng ông đã qua đời. Sau đó, Ngài nghĩ đến năm ẩn sĩ, những người lúc đầu theo Ngài thực hành tu khổ hạnh. Tuy nhiên, để đến với họ ở Varanasi, Ngài cần phải vượt qua con sông Hằng nhưng không có gì để trả tiền đò. Sử dụng năng lực thần thông, Đức Phật vượt qua bờ bên kia chỉ trong chốc lát, nhanh hơn cả gió. Khi Ngài đến Varanasi, Ngài đi đến vườn Lộc Uyển, nơi năm môn đệ cũ đang ở đây. Khi nhìn thấy ánh hào quang của Đức Phật, họ kính cẩn cúi chào và mời Ngài ngồi xuống giảng Pháp cho họ.

Với bài thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển, đôi khi được gọi là bài thuyết pháp đầu tiên, Đức Phật giảng giải về bốn chân lý cao cả, khởi đầu việc Chuyển pháp luân. Ngài giải thích rằng như mặt trời soi sáng trái đất, bánh xe Pháp giác ngộ chúng sinh. Nó cũng là bánh xe (cakra) để dẫn dắt tinh thần Chuyển Luân Thánh Vương (Cakravartin). Lần thuyết pháp đầu tiên là sự kiện vĩ đại thứ ba của Đức Phật, từ khi đản sinh ra đời và giác ngộ.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Mặc dù sự kiện vượt qua sông Hằng một cách thần diệu hiếm khi được thể hiện trên các bích họa nhưng sự kiện thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển là một trong những cảnh được ưa thích thể hiện trên các bích họa, đặc biệt trong các chánh điện (vihara) ngày nay, ở đó, đôi khi nó có thể chiếm toàn bộ mảng tường phía sau án thờ và mở rộng về phía trên trần. Đề tài này thể hiện Đức Phật ngồi dưới một cội cây, tay bắt ấn chuyển pháp luân, ngồi xung quanh Ngài là 5 anh em Kiều Trần Như trong trang phục của chư Tăng quỳ gối chấp tay tôn kính đến Ngài trong bối cảnh của một khu rừng. Sự thể hiện 5 anh em Kiều Trần Như này luôn biến đổi như xếp đều năm người anh em này phía trước Đức Phật hay phân làm bên hai bên ba người hoặc chia hai bên là hai người và chính giữa là một người, hiếm hoi cũng thấy thể hiện đứng ở phía sau lưng Đức Phật.

Đôi khi cảnh Đức Phật thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như cũng có thêm thắt hai vị thiên đảnh lễ ở đằng sau Đức Phật.

24. Hành trình đi đến Uruvela; Kassapa

Khi Đức Phật có 60 môn đệ, Ngài tổ chức một cuộc gặp gỡ để truyền pháp. Ngài tự mình đi đến Uruvela. Khi đến nơi này, Ngài thỉnh cầu Kassapa cho phép được ở tại nhà ăn. Kassapa đã cảnh báo Ngài về sự nguy hiểm của một con rắn độc/naga đang canh giữ ngôi nhà. Khi con rắn naga xuất hiện vào ban đêm, phun ra lửa, Đức Phật đã hàng phục nó và đặt nó vào trong chiếc bát khất thực của mình để Ngài có thể cho Kassapa thấy con rắn vào sáng hôm sau. Khi Kassapa nhìn thấy điều đó, ông đã thừa nhận sự siêu việt của Đức Phật.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Chi tiết này rất hiếm hoi. Tranh được thể hiện Đức Phật một tay cầm bát khất thực với một naga ló đầu ra trước mặt số đông người đưa tay chỉ chỏ trên khung cảnh một ngôi nhà dựng đơn giản với mây và núi.

25. Cuộc viếng thăm vua Bimbisara; khu rừng tre

Đức Phật, với Tăng đoàn, đi đến Rajagrha để thực hiện lời hứa của Ngài với vua Bimbisara, đây cũng là vương quốc đầu tiên mà Đức Phật viếng thăm sau khi Ngài giác ngộ. Nghe Đức Phật đến với 1.000 môn đồ, nhà vua tập hợp các triều thần, quân lính và thần dân đến để nghe Ngài thuyết pháp tại vườn tre. Nhà vua mong muốn trở thành môn đồ của Đức Phật tại quê nhà và sau đó ông cúng dường khu vườn Veluvana, đó là một khu rừng tre, làm nơi cư trú cho các môn đồ của Đức Phật và nơi đây đã trở thành tu viện Phật giáo đầu tiên. Đức Phật đã trải qua mùa mưa thứ hai, ba và tư tu tập tại Veluvana, và nơi đây nhiều cuộc diễn thuyết buổi đầu đã được tổ chức.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Cảnh thuyết pháp tại khu rừng tre khá phổ biến trên các bích họa. Cảnh trí tiêu biểu là một rừng đầy những cái đầu trọc biểu thị số lượng lớn chư Tăng theo hầu và Đức Phật ngồi ở trung tâm bên dưới bụi tre lớn với những tán lá tre trong khung cảnh của một khu rừng thông thường hơn là một khu rừng tre.

26. Sariputra và Moggallana

Hai người bạn trẻ tuổi giàu có từ vương quốc Mahadha là Sariputra và Moggallana, quyết định đến viếng thăm Đức Phật tại Veluvana. Họ quyết định xuất gia làm tu sĩ, trở thành những môn đồ quan trọng của Đức Phật. Một truyền thuyết kể rằng một lần Moggallana được Đức Phật yêu cầu phải khuất phục một con rắn naga to lớn, đang làm xáo trộn đời sống của dân chúng.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Truyền thuyết về Moggallana và naga cũng được thể hiện phổ biến bằng một chàng trai thường dân điềm tĩnh cầm chiếc quạt hình lá bồ-đề đứng trước một naga hung dữ trườn đầu về trước mặt chàng còn thân cuộn quấn vào một núi đá. Hay đôi khi hiếm hoi cảnh này còn được thể hiện với hai naga chiến đấu với nhau và Đức Phật và các môn đệ đứng trên núi cao nhìn xuống hoặc ngồi chuyển pháp luân bên cạnh hai naga đấu nhau; hay Đức Phật lệnh cho Moggallana quỳ chấp tay nhận lãnh trước nhiều môn đệ với một bên là naga hung dữ quấn chặt núi đá. Thỉnh thoảng cũng thấy miêu tả chàng trai một tay cầm quạt, một tay cầm đuôi naga kéo mạnh khi nó cố bám chặt vào ngọn núi…

27. Sự chuyển biến của Yasa và Nanda

Một trong những nam nhân đầu tiên đến gần Đức Phật là Yasa, con trai của một người đàn ông rất giàu có của Varanasi. Sau khi thỉnh cầu người cha cho phép, chàng đã đến gặp Đức Phật và xuất gia theo Ngài. Truyền thuyết khác về Nanda, người được Đức Phật thuyết phục không kết hôn và từ bỏ việc trở thành một vị vua. Nanda gia nhập Tăng đoàn và được phong cấp một tuần sau đó. Cùng lúc ấy Rahula, người con trai của Đức Phật, đã đến và hỏi ý kiến mẹ chàng để đến thăm viếng cha mình và thỉnh cầu Ngài về quyền thừa kế.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Thông thường, các bích họa thể hiện Đức Phật đứng trên tòa sen đi phía trước với chàng trai trẻ Nanda cầm bát khất thực đi sau từ một dinh thự lớn, ở đó một thiếu nữ được miêu tả trong tình trạng bơ vơ, thường vẫy tay chạy theo chàng hoặc đứng bên khung cửa sổ trên cao nhìn theo. Bối cảnh thường được thể hiện cho đề tài này là bên ngoài bức tường thành của một dinh thự. Xét về mặt trực quan, sự khác biệt của Nanda và Yasa rất khó thể hiện dứt khoát ở các bích họa và về sau, sự khác biệt mới được xác lập.

28. Vợ và con trai đến thăm viếng Đức Phật

Yasodhara đau buồn vì không được nghe Đức Phật thuyết pháp, vì vậy nàng cùng con trai Rahula đến gặp Ngài. Đức Phật vô cùng xúc động và giảng pháp cho họ. Sau đó, Ngài làm lễ quy y cho con trai bảy tuổi, cùng với một vài hoàng tử trẻ tuổi của thị tộc Sakya.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Mặc dù được miêu tả khá trìu mến nhưng sự kiện này được thể hiện theo một cách trang trọng. Với hình ảnh Yasodhara quỳ xuống cúi người lấy tóc lau chân cho Đức Phật là ít thấy nhưng nhiều hơn là hình ảnh nàng cúi đầu xuống và hai tay vòng qua ôm lấy bàn chân của Ngài. Đức Phật lúc này được thể hiện ngồi trên ghế, con trai Ngài và vua cha ngồi kế bên Yasodhara cùng quỳ gối chấp tay đảnh lễ hay đôi khi được thể hiện Rahula ôm lấy thân Ngài đang ngồi. Ngoài ra, có nghệ nhân còn thể hiện một nam hoàng tộc có thể là vua cha hoặc anh em của Đức Phật ngồi trên ghế đối diện với Ngài.

29. Sự trở về Kapilavastu; cái chết của vua cha

Vua cha Suddhodana gửi sứ giả cho mời Đức Phật đến. Khi nhận được lời thỉnh cầu, Đức Phật đã quay trở về Kapilavastu cùng với 1.000 môn đệ. Vua cha trước hết mong muốn chào mừng Ngài một cách công khai nhưng lại bị ngăn cản bởi sự kiêu hãnh của mình khi ông nhìn thấy sự nghèo nàn của con trai và các môn đệ. Tuy nhiên, vua cha đã thay đổi ý định khi được nhắc nhở rằng con trai ông đã trở thành người cha, giáo chủ của muôn loài. Theo phong tục thông thường, chư Tăng ngụ bên ngoài tường thành trong một khu rừng Cây Đa nhỏ. Những Sakya kiêu ngạo khước từ cúi đầu chào Đức Phật, một vị du tăng sống giản dị, mặc dù Ngài từng là người họ hàng của họ. Để dung thứ, khiến cho họ không bối rối, Đức Phật xuất hiện đi trên không, cho phép những Sakya ngước nhìn lên thay cho sự cúi chào. Cùng lúc, Ngài biểu lộ phép thần thông “xuất hiện song hình của mình”, nó được lặp lại tại Sravasti. Sau đó, Ngài trở về thăm vua cha, người đang bị ốm nặng. Sau khi tỉnh lại và khi nhìn thấy con trai, ông đã qua đời.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Sự kiện này được vẽ thành tranh trong nhiều chánh điện (vihara). Bích họa tiêu biểu, ở đây vua cha được thể hiện chấp tay đảnh lễ Ngài, nằm trên giường nơi cung điện hoàng gia với Đức Phật đưa tay ân cần và chư Tăng đứng cạnh bên giường cùng các hầu cận vây quanh.

30. Cô gái điếm và con chuột

Trong tình tiết này, một cô gái điếm, bị lôi kéo bởi những kẻ ngoại đạo, ngụy tạo có mang một đứa con với Đức Phật. Khi buông ra những lời đe dọa và buộc tội Đức Phật, thần Indra đã biến thành một con chuột cắn đứt sợi dây buộc giữ chặt vật độn quanh bụng của cô gái, khiến mánh khóe bị lật tẩy.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Một cách chắc chắn, đây là một câu chuyện không nằm trong kinh điển, nhưng là câu chuyện thú vị trong kho tàng truyện dân gian. Nó xuất hiện trong các bích họa, với Đức Phật và chư Tăng tập hợp lại và một người phụ nữ với một cái bụng phồng to tướng chỉ tay về phía Đức Phật. Đôi khi, một con chuột được vẽ cắn đứt sợi dây buộc miếng độn nơi bụng của cô gái điếm khiến nó rơi ra trước mắt nhiều người.

31. Kỳ tích ở Sravasti, kỳ tích của cây xoài

Tại Sravasti, Đức Phật gặp sáu luận sư ngoại đạo và đó là cuộc tranh luận với sự hiện diện của nhà vua Prasenajit. Mặc dù Đức Phật không cho phép chư Tăng sử dụng các thần thông, nhưng chính Ngài đã thực hiện một biến hóa vi diệu, tái hiện thần lực mà Ngài đã thực hiện tại Kapilavastu.

Trong một vài dị bản, Đức Phật làm cho cây xoài lớn lên một cách khổng lồ, với mặt trời, mưa và gió va mạnh vào những kẻ đối địch của Ngài, trong khi Ngài phát ra những tia sáng và những tia nước. Trong các dị bản khác, sau khi thực hiện sự “thu nhỏ”, Đức Phật trực tiếp thực hiện hai lần trong dịp nhà vua Prasenajit cung thỉnh:

1. Kỳ tích đầu tiên ở Sravasti là Đức Phật đi trên thinh không trong các tư thế khác nhau, phát ra nước và lửa từ vai và chân Ngài.

2. Kỳ tích thứ hai, cũng được gọi là “Kỳ tích của cây xoài”, là Đức Phật thị hiện trong tán lá của một cây xoài với hình ảnh đối xứng trong ba tư thế: đứng hoặc đi, ngồi và nằm tựa; theo đó, những hình ảnh tăng lên gấp bội.

Kỳ tích thứ hai đó, cùng với một cơn bão, Đức Phật tạo ra sự hỗn loạn dữ dội trong những kẻ ngoại đạo và những người ngoại đạo đều đồng loạt nghe theo sự giảng dạy của Ngài.

Điều kỳ lạ đó được kể khác biệt bởi các nguồn khác nhau, có lẽ việc chỉ dẫn nó không thuộc về những chuyện kể kinh điển buổi đầu của Cuộc đời Đức Phật, mà là một thêm thắt sau này. Đối lập với dị bản Theravada ở trên, trong truyền thống Tây bắc Ấn Độ, Đức Phật ngồi trên một biển hoa sen mênh mông, hoặc di chuyển trên cầu vồng từ Đông sang Tây, trong khi theo truyền thống phía Bắc Ấn Độ Ngài đã biến ra vô số hình ảnh của mình trong không trung. 

Thêm vào đó, trong những kỳ tích, hai vị vua naga là Nanda và Upananda, tạo nên một hoa sen vàng to bằng bánh xe bò có 1.000 lá và kèm theo châu báu. Trên cành hoa sen đó, Đức Phật ngồi trong tư thế thiền định, tiếp tục thực hiện những sự việc thần kỳ. Trong một vài dị bản, Nanda và Upananda cũng được cho rằng đã hiện diện khi Đức Phật ra đời, đứng trong không trung phun hai dòng suối nước nóng và lạnh để tắm cho Ngài.

Hai kỳ tích ở Sravasti thuộc về chuỗi các sự kiện vĩ đại. Sự quan trọng phù hợp với kinh điển của kỳ tích ở Sravasti được cho rằng không thể chối cãi được, là một trong mười việc làm tuyệt vời mà Đức Phật thực hiện trước khi qua đời. Nó được thêm vào các sự kiện vĩ đại chủ yếu về sự tái sinh cuối cùng, đạt được sự giác ngộ, chuyển bánh xe Pháp và nhập Niết-bàn. Nó cũng là một ví dụ cổ xưa nhất về những kỳ tích mà Đức Phật đã chiến thắng những kẻ đối địch.

Sự miêu tả trên các bích họa:

 Kỳ tích tại Sravasti” là đề tài hiếm khi được thể hiện. Còn “Kỳ tích của cây xoài” được thể hiện phổ biến hơn với Đức Phật đứng trên đỉnh của một cây xoài và tương tự, Đức Phật trong tư thế ngồi thiền định và nằm được thể hiện trên những nhánh cây đối xứng.

32. Sự chuyển biến của những người ngoại đạo

Tạo nên sự lộn xộn bằng những hành động thần kỳ của Đức Phật đủ mạnh mẽ để thuyết phục phần lớn người ngoại đạo phụng hành theo giáo lý của Ngài. Tuy nhiên, những người đi theo các tôn giáo dị giáo khác, hốt hoảng phá hủy sảnh đường nơi tiến hành thực hiện các nghi lễ. Một số thủ lĩnh của họ lo thoát thân trốn chạy.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Trên các bích họa, kết quả các kỳ tích đề cập bên trên và sự chuyển biến của những người ngoại đạo được biểu trưng những người ngoại đạo mặc áo da thú quỳ gối đảnh lễ Đức Phật ngồi dưới cội cây. Hiếm khi thấy thể hiện sảnh đường dị giáo ngã đổ và tín đồ dị giáo tháo chạy.

33. Đi lên cõi trời Tavatimsa

Biết rằng kiếp trước các Bồ-tát đã từng lên cõi trời thuyết pháp cho mẹ, Đức Phật quyết định làm theo tiền lệ. Bước chân phải đặt lên đỉnh núi Yugandhara và để ngón chân trái ở trên núi Sumeru, rồi với sải chân khác, Ngài đến cõi trời Tavatimsa và ngồi trên một tảng đá lớn gọi là Pandukambala, ngai vàng của thần Indra, dưới cây prajipata cõi trời. Phụng sự bởi các vị thần của mười nghìn thế giới, Ngài thuyết cho mẹ mình, trình bày chi tiết về Abhidharma (A-tỳ-đạt-ma, A-tỳ-đàm, Vi diệu pháp) trong ba tháng. Rồi vào một ngày rằm, khi Đức Phật sẵn sàng trở về cõi đất, thần Indra đã chuẩn bị bộ ba chiếc cầu thang, một bằng vàng cho các vị thần, một bằng bạc cho thần Brahma và một bằng ngọc ở chính giữa cho Đức Phật đi xuống. Các vị thần cầm ô và quạt nghi lễ theo hầu, Đức Phật trở về cõi đất tại cửa ngõ thành phố của Sakassa. Khi Ngài chạm chân xuống đất, tất cả mọi người có mặt đạt được cái nhìn toàn diện về các cõi khác nhau, từ cõi trời cao nhất của thần Brahma, đến cõi thấp nhất ở địa ngục sâu thẳm. Đó là một trong các sự kiện vĩ đại.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Đây là một trong những đề tài được thể hiện tráng lệ nhất trong các bích họa và cũng khá phổ biến thấy trên các tranh cuộn bằng vải/lụa preah bot. Đôi khi, bích họa về chủ đề này lại khá lạm dụng khi thể hiện sự đông đúc người. Ở cách thể hiện đơn giản, các nghệ nhân chỉ miêu tả Đức Phật đứng trên tòa sen xuống trên chiếc cầu thang uốn éo với ba màu theo kinh điển vàng, bạc và xanh lục ngọc (ngày nay để bức tranh thêm nổi bật và nhiều màu sắc, chiếc cầu thang còn được thay bằng màu vàng, đỏ/hồng, xanh dương…), chạy dài theo thành lang can là hình tượng rắn thần naga bảy đầu; với thần Brahma cầm lọng và thần Indra cầm bát khất thực đi hầu hai bên Đức Phật; bên dưới cầu thang một bên là chư Tăng, một bên là các thành viên hoàng tộc và các tín đồ quỳ gối chấp tay đảnh lễ Ngài. Đôi khi, ở thể hiện này bên trên là mây trời với các chư tiên đàn hát, rải hoa và đảnh lễ… Ở cách thể hiện phức tạp và chi tiết hơn, bức tranh thể hiện chiều kích không gian từ cõi trời: Đức Phật ngồi dưới cội cây thuyết pháp cho mẹ, chư thiên cõi trời trên nền mây trời và cung điện cõi trời nhấp nhô ẩn hiện; sát bên dưới là cầu thang thể hiện như đã nói ở trên trên nền cung điện cõi trần cùng sông núi; đôi khi còn thể hiện Đức Phật ngồi trên đài bệ dưới chân cầu thang này.

34. Kỳ tích khu rừng Parilyyaka

Đức Phật đến ẩn dật ở rừng Parilyyaka, gần Kosambi, ở đó, Ngài được chăm sóc bởi một con voi và một con khỉ. Bởi sự mộ đạo, trợ giúp và tôn kính với Đức Phật, chúng lập tức gần như đạt được sự tái sinh từ điều kiện bất khả của loài thú: không phân biệt cái tốt và cái xấu.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Sự kiện này thường được thể hiện trong một khu rừng, nơi Đức Phật trầm lặng ngồi bỏ hai chân xuống hay bắt chéo chân trên một tảng đá trước một con khỉ đưa hai tay dâng mật ong và một con voi khụy chân, vòi quấn một ống tre rỗng chứa đường thốt nốt hoặc những cành hoa sen dâng lên Ngài. Cảnh này còn thấy thể hiện một vị Tăng cùng quỳ gối, đảnh lễ.

35. Angulimala

Angulimala được sinh ra từ người vợ của Gagga và quan thượng thư Pasenadi, người bảo hộ cho Đức Phật. Bởi quẻ bói tiên đoán về một cuộc đời đầy hung bạo nên ông được đặt cho cái tên Ahimsaka, “phi bạo lực”, nhằm ngăn ngừa vận mệnh. Ông sống với tên gọi này trong suốt thời trai trẻ, luôn vâng theo sự sắp đặt của cha và thầy của mình. Tuy nhiên, một ngày, người thầy bị dối lừa bởi các học trò khác, những kẻ ghen tỵ với thành công của Ahimsaka, và ông thầy đã yêu cầu một món quà khủng khiếp từ người học trò của mình là những ngón tay út cắt từ bàn tay phải của một ngàn người. Ahimsaka sùng tín bắt đầu lên đường thu thập chúng, từng cái từng cái một, xâu chuỗi những ngón tay mang quanh cổ mình và chẳng mấy chốc Ahimsaka được thế nhân gọi là Angulimala, “chuỗi những ngón tay”.

Đức Phật khi nghe về tên giết người hàng loạt đó, kẻ đã gây khiếp sợ cho dân chúng trong vùng, Ngài bắt đầu lên đường tìm kiếm hắn ta khi hắn đã thu thập được 999 ngón tay. Angulimala nhìn thấy Đức Phật đi một mình trong rừng, nhưng Ngài đã sử dụng quyền năng ngăn không cho Angulimala đến gần mình.

Angulimala ngạc nhiên khi không thể đến gần Đức Phật. Y dừng lại và hét to: “Dừng lại, dừng lại!”. Đức Phật đáp: “Ta đã dừng lại, ngươi cũng dừng lại”. Bởi điều này mang ý nghĩa rằng Ngài đã dừng lại mãi mãi hành vi bạo lực đối với mọi chúng sinh và bây giờ đây cũng là thời điểm để Angulimala dừng lại việc giết người. Angulimala hiểu những từ mà Đức Phật nói và thỉnh cầu Ngài giảng pháp. Từ đó Angulimala từ bỏ những điều xấu xa này mãi mãi. Khi nghe những điều thuyết giảng, y ném gươm, các thứ vũ khí và Đức Phật cho y quy y và gia nhập Tăng đoàn, cuối cùng Angulimala cũng trở thành một vị A-la-hán. Mặc dù vua Pasenadi chấp thuận với quyết định này nhưng đã chỉ trích việc Đức Phật cho phép một tên tội phạm trốn thoát vào hàng ngũ Tăng-già. Sự quy y Angulimala cuối cùng khiến Đức Phật đưa ra những giới luật cụ thể ngăn cấm các hành vi phạm tội để trở thành tu sĩ hay nữ tu sĩ. Tuy nhiên, Angulimala không thoát khỏi hậu quả do những hành vi của chính mình gây nên. Dân chúng khi nhìn thấy ông đi khất thực, họ nhớ đến hành vi tội ác của ông xưa kia nên đã ném đá và dùng gậy đánh ông, việc “trả thù” thậm chí vẫn còn cả sau khi Angulimala đã trở thành một A-la-hán.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Trên các bích họa, câu chuyện được miêu tả nhiều cách khác nhau, nhưng phần lớn thường xuất hiện hai cảnh: tình tiết thứ nhất, Đức Phật đi cách xa Angulimala, khỏi tầm với của chiếc gươm; tình tiết thứ hai minh họa Đức Phật giảng pháp và kẻ cải đạo Angulimala buông bỏ gươm và vòng chuỗi với 999 ngón tay của những người mà y đã giết chết. Xa xa là hình ảnh người mẹ của Angulimala chấp tay chạy theo hoặc đứng hay quỳ gối.

36. Những tội ác của Devadatta và sự khuất phục Nalagiri

Devadatta, người anh em họ luôn đối địch với Đức Phật, người cũng được đề cập trong Jataka 416, tin rằng thời điểm cuối cùng đã đến để loại trừ Đức Phật và ông ta vài lần nỗ lực tiến hành giết Ngài. Đầu tiên, ông ta thuê người ám sát Đức Phật, kẻ mà rốt cục lại được chính nạn nhân đã giảng giải để cải đạo cho hắn. Sau đó, Devadatta lăn một tảng đá từ trên núi nhằm đè nát Đức Phật, nhưng tảng đá bị vỡ ra làm hai, chệch ra khỏi Đức Phật. Sau đấy, Devadatta lại chuốc say con voi chiến Nalagiri bằng rượu và thả nó tự do chạy hoang dại trên những con đường của thị trấn, gây kinh hoàng trong dân chúng. Đức Phật vẫn điềm tĩnh, dừng con vật với lòng nhân từ và khiến nó nhẹ nhàng quỳ gối trước chân Ngài vì Ngài có thể cứu giúp nó khỏi sự thịnh nộ giết chóc. Mặc cho tất cả những điều đó, Devadatta, tuy phần nào đã thất vọng, nhưng không từ bỏ. Câu chuyện kể rằng ông ta chịu trách nhiệm tạo nên sự ly giáo với đạo Phật. Khi mất đi, sau một thời kỳ đau ốm khó nhọc, ông tái sinh vào địa ngục Avici, phần thấp nhất của địa ngục.

Trong các chuyện kể Jataka, khi Devadatta du hành đến gặp các môn đồ của Đức Phật với ý định kích động sự nổi loạn, ông đột ngột cảm thấy yếu đi và chết. Trong các Jataka số 404 và 422, đề cập Devadatta lún xuống dưới đất và bị nuốt vào địa ngục Avici, một cách chính xác như được thể hiện trong các bích họa.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Devadatta nỗ lực giết chết Đức Phật bằng việc đẩy những tảng đá lăn xuống núi là khá phổ biến: Devadatta đứng trên núi cao ra sức xô những tảng đá lăn xuống Đức Phật và chư Tăng cầm bát khất thực đi ngang, đôi khi có thể hiện những hòn đá nhỏ lăn trúng chân làm ngón chân Ngài tóe máu; ít phổ biến hơn là cái chết của Devadatta bị hút vào đất xuống địa ngục. Có khi cả hai cảnh này được vẽ bên cạnh nhau. Trong những chánh điện (vihara) ngày nay, các cảnh này thường được vẽ riêng biệt.

Sự khuất phục Nalagiri là một trong các sự kiện vĩ đại. Tranh thường thể hiện cảnh chư Tăng cầm bát khất thực, còn Đức Phật một tay cầm bát một tay vuốt đầu một con voi xám nằm bẹp xuống đất, đưa vòi vươn về chân Ngài. Khung cảnh ở đây thể hiện bên ngoài một bờ tường thành.

37. Gặp gỡ Ma vương (Mara)

Khi Đức Phật trở lại Vasali, Ngài đi đến bờ sông và ngồi trên rễ của một cội cây, và Ma vương xuất hiện. Hắn đã ngạo mạn nói với Đức Phật rằng, khi hoàn thành tất cả các sứ mệnh, hắn sẽ chết và đi vào cõi Niết-bàn. Đức Phật đáp “Trong ba tháng ta sẽ nhập Niết-bàn”, sau đó nhiều người sẽ kế tục giáo pháp của ta. Mara hả hê biến mất và Đức Phật đi sâu vào thiền định, tập trung tâm trí vào thời điểm khi Ngài nên rời bỏ cuộc sống thể xác và đi vào cõi Niết-bàn. Quyết định đó gây nên một trận động đất lớn.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Các bích họa về cảnh này rất hiếm khi thấy thể hiện.

38. Bữa ăn của Cunda và sự đau yếu của Đức Phật

Khi đã 80 tuổi, Đức Phật, cùng với một vài Tỳ-kheo, bắt đầu cuộc hành trình cuối cùng. Khi họ đến ngôi làng của Pava, họ nhận lời mời dùng bữa từ người thợ rèn Cunda. Món ăn chính là một loại nấm (có nơi nói là thịt lợn), mà nó được coi là nguyên nhân làm Đức Phật ngã bệnh.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Tình tiết này thường thấy trên các bích họa, với các thể hiện trong ô tranh đơn lẻ như Đức Phật nhận vật thực (với miêu tả là tráp thức ăn hay mâm cơm, đôi khi thể hiện mâm cơm với cái đầu heo) từ vợ chồng Cunda, thỉnh thoảng các nghệ nhân có vẽ hóa hiện bên trên là con heo và tên chằn. Và sự đau bệnh của Ngài trong các bức tranh thể hiện bằng việc nôn mửa ra máu, một vị Tăng/thần Indra đỡ ống nhổ cho Ngài và chư Tăng lo lắng vây quanh Đức Phật; ở hậu cảnh trên con sông một vị Tăng đang đưa bát múc nước.

39. Mahaparinirvana

Khi Đức Phật tiến đến khu rừng cây sala, Ngài lệnh cho Ananda chuẩn bị một sàng tọa giữa hai cội cây. Tại đó, Ngài nằm xuống, an định, quay về bên phải, duỗi dài với đầu quay về hướng Bắc, đối mặt với hướng Tây. Ngài trải qua một đêm truyền dạy và khuyên giải dân chúng. Sau đó, Ngài thuyết pháp cho người dân địa phương và các hoàng tử Malla, người đến để đảnh lễ Ngài. Đức Phật thể hiện một lần nữa một vài điểm quan trọng trong giáo thuyết của Ngài và thúc giục các Tỳ-kheo đặt câu hỏi, nhưng mọi người vẫn mãi im lặng. Cuối cùng, Đức Phật nói những lời cuối cùng: “Tất cả mọi thứ đều vô thường; hãy tinh tấn để đạt giải thoát”. Vào khoảng cuối đêm đó Ngài nhập Niết-bàn. Khi ấy quả đất rung lắc, các vị thần xuất hiện, cây cối đột ngột trổ hoa. Ngay sau khi Đức Phật nhập diệt, các hoàng tử Malla, trong phục trang sang trọng đến lễ bái tôn kính đối với Đức Phật.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Sự kiện này rất phổ biến trên các bích họa trong những chánh điện (vihara), thậm chí trong một vài ví dụ, ngự trên một ô lớn ở tường bên trong. Cảnh tượng thể hiện Đức Phật nằm nhắm mắt trên một tảng đá giữa hai cội cây trổ đầy hoa, trước hay một bên Ngài là chư Tăng đau buồn, khóc lóc và phía sau hay một bên Ngài là các thành viên hoàng tộc và các tín đồ tiếc thương, trên trời là chư thiên đảnh lễ Ngài là thường thấy nhất.

40. Lễ hỏa táng

Quan tài đặt trên một bệ/đài đơn giản, trong khi nghi lễ hỏa táng được chuẩn bị và sau đó đặt trên nhà rạp hỏa thiêu dựng bên trong một hàng rào vây quanh. Một truyền thuyết kể rằng Kasyapa ở xa nơi Đức Phật mất nên khi nghe tin Ngài nhập diệt đã không thể đến kịp trước khi nhục thân Ngài được hỏa thiêu. Nhưng kỳ diệu thay, giàn thiêu không bắt lửa mãi đến khi ông đến. Với tay đưa lên trước trán, Kasyapa đi xung quanh giàn thiêu ba lần, và nơi ông dừng lại, bàn chân thiêng của Đức Phật từ giàn thiêu xuất lộ ra. Kasyapa cúi đầu và đảnh lễ tôn kính. Chỉ sau đó giàn thiêu bắt lửa và thiêu cháy nhục thân Ngài.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Được cho rằng đám tang dành cho Đức Phật tương tự với tang lễ dành cho vị Chuyển Luân vương (Cakravartin). Bởi theo các nghi lễ hoàng gia, các nghệ nhân được cho phép thể hiện trang nghiêm trên các bích họa. Theo đó, quan tài được thể hiện bên trong một nhà rạp hoàng gia vây quanh bởi chư Tăng và các tín đồ đang cầu nguyện. Tại ngôi chùa khác, sự đến muộn của Kasyapa được thể hiện một cách rõ ràng khi ông đứng gần quan tài với bàn chân Đức Phật thò ra. Đôi khi cảnh này còn thể hiện tháp với chư Tăng và tín đồ đảnh lễ vây quanh.

41. Sự phân phát xá-lợi

Tất cả các hoàng tử Ấn Độ tham dự lễ hỏa táng đều mong muốn có di vật của Đức Phật và sẵn sàng gây chiến để có được chúng. Một người Bà-la-môn tên Dona, xung phong nhận lãnh việc phân chia này, nhưng tại thời điểm đó, ông giấu một chiếc răng của Đức Phật mà nó chưa bị thiêu hủy trong búi tóc của mình. Tuy nhiên, hành vi này bị thần Indra cảnh báo, và thần xuống từ cõi trời để giữ lấy những di vật.

Sự miêu tả trên các bích họa:

Trong tất cả các bích họa về sự phân phối xá-lợi dường thể hiện một người râu tóc mặc phục trang trắng ngồi trên ngai phân chia di vật của Đức Phật cho tín đồ với các kiểu loại trang phục khác nhau của các nước xếp hàng nhận lãnh và chờ đến lượt chia, đồng thời thể hiện thần Indra từ cõi trời bay xuống thò tay vào búi tóc người này.

Nói chung, bích họa về Cuộc đời Đức Phật thường được vẽ thành chuỗi liên hoàn trong những ô tranh liên tiếp nhau chen kín trên ba vách tường: trước và hai bên án thờ hoặc chỉ trên hai vách bên của án thờ. Tường đối diện án thờ và đằng sau bệ thờ, các nghệ nhân thường thể hiện một bức tranh lớn thuộc đề tài này là cảnh Đức Phật gọi Mẹ Đất lên làm chứng cho công đức của mình và Mẹ Đất Preah Thorani đã xoắn tóc của mình tuôn ra dòng nước lũ cuốn trôi yêu ma và cảnh Đức Phật đi xuống từ cõi trời sau khi thuyết pháp cho mẹ; ít thấy hơn là vẽ cảnh Đức Phật thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như hay Đức Phật thuyết pháp. Bích họa về cuộc đời Đức Phật là một tập thành quan trọng của mỹ thuật truyền thống Khmer. Trải qua lịch sử, ngày nay qua các bích họa còn tồn tại, chúng ta có thể thấy quy phạm tạo hình và phong cách nghệ thuật từ kỹ pháp đơn tuyến bình đồ của phong cách tạo hình dân gian đến kỹ pháp vờn màu tạo khối đến kỹ pháp của hội họa hiện đại đạt được chuẩn tắc, phối màu và xử lý ánh sáng khá hoàn hảo. Mặt khác, chúng ta cũng thấy được các bích họa được thực hiện bằng những chất liệu tạo màu khác nhau, từ phẩm màu cổ xưa đến bột màu nước, sơn dầu… Nói chung, bích họa ở chùa Khmer là một di sản mỹ thuật đáng được chú ý bảo quản. Rất tiếc, trên đà trùng tu/tái thiết hiện nay, người ta tuồng như không quan tâm đến việc bảo tồn di sản văn hóa-nghệ thuật bằng việc tân tạo triệt để, càng tân kỳ càng tốt, càng màu mè càng hay, càng vàng son rực rỡ càng… mỹ lệ!

HUỲNH THANH BÌNH

Tài liệu tham khảo:

1. Renou Louis, Jean Filliozat. L’Inde Classique, Tập II, tái bản bản in năm 1953, EFEO, Paris, 2000.

2. Johnston Edward H., Buddhacarita or Acts of Buddha, Motilal Bnarsidass xb, Delhi 2004 (tái bản bản in năm 1936).

3. Rachet Guy, Lalitavistara, Vie et Doctrine du Buddha Tibétain, Éditions Sand, Paris, 2000.

4. Bareau André. Quelques Ermitages et Centres de Méditation Bouddhique au Cambodge, BEFEO, Paris, 1969, 56: 11-28.

5. Lopez Donald S., Buddhist Scriptures, Penguin Books xb, London, 2004.

6. Giteau Madeleine. Les Peintures Khmèrs de l’Ecole de l’Okna Tep Nimit Nak, Udaya, Phnom Penh, 2003.

7. Vittorio Roveda, Sothon Yem. Buddhist painting in Cambodia. River book xb, 2009, tr.127-170.

Chú thích hình:

C1: Giấc mơ của hoàng hậu Maya, chùa Hòa Bình cũ, Hòa Bình, Bạc Liêu

C2: Sự ra đời của hoàng tử Siddharta và Bảy bước, chùa Âng, Trà Vinh

C3: Lễ tịch điền, chùa Hòa Bình cũ, Hòa Bình, Bạc Liêu

C4: Bốn cuộc chạm trán bất ngờ, chùa Hòa Bình cũ, Hòa Bình, Bạc Liêu

C5: Cuộc ra đi vĩ đại, chùa Âng, Trà Vinh

C6: Cắt tóc đi tu, chùa Seray Kandal, Vĩnh Châu, Sóc Trăng

C7: Siddhartha và cái bát vàng, chùa Điệp Thạch, Châu Thành, Trà Vinh

C8: Đánh bại Ma Vương (Mara), chùa Seray Kandal, Vĩnh Châu, Sóc Trăng

C9: Kỳ tích khu rừng Parilyyaka, chùa Hòa Bình cũ, Hòa Bình, Bạc Liêu

C10: Angulimala, chùa Hòa Bình cũ, Hòa Bình, Bạc Liêu

C11: Sự phân phát xá-lợi, chùa Sampiel, Tri Tôn, An Giang

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác