Pháp ấn
phap an
Pháp ấn, tiếng Phạn dharma-mudrā,
trong đó dharma là pháp, là những lời dạy của Đức Phật, và mudrā là dấu ấn, là
khuôn dấu, là đặc chất, là tiêu chuẩn. Ấn còn có nghĩa là chân thật, bất động,
bất biến, như ấn tín của quốc vương. Pháp ấn là dấu ấn của Chánh pháp, là dấu
hiệu đặc trưng để nhận biết Phật pháp, nhưng cũng có thể là chỉ cho giáo pháp
cô đọng, tinh yếu, cốt tủy, tức là pháp yếu. Sau này, nhiều trăm năm sau Phật Niết-bàn,
thuật ngữ Pháp ấn được dùng để chỉ cho kinh điển do Phật thuyết, ngược lại,
kinh điển nào có nội dung tư tưởng trái ngược với pháp ấn thì được coi là kinh
điển không do Phật thuyết.
Những bản kinh sau đây sẽ cho chúng ta
thấy khái niệm pháp ấn được Đức Thế tôn dùng để giảng dạy những giáo lý nhiệm
mầu, thâm sâu; những pháp hành căn bản để thành tựu giải thoát.
1.
Thánh pháp ấn (Ārya-dharma-mudra)
Thánh pháp ấn là khuôn dấu về Chánh
pháp của bậc Thánh, pháp ấn của bậc Thánh, hay pháp này chính là pháp hành,
pháp yếu căn bản đi đến thành tựu Thánh quả. Kinh ghi: “Này các Tỳ-kheo, thế nào là Thánh pháp ấn? Thánh pháp ấn này nếu được
tu tập sẽ đưa đến tri kiến thanh tịnh. Giả sử vị Tỳ-kheo ở chỗ nhàn cư, hoặc
ngồi dưới gốc cây, chốn không nhàn, quán sát nhận biết rõ sắc là vô thường,
thấy sắc vốn không có. Đã nhận biết rõ vô thường, hiểu rõ đến chỗ Không, Vô đều
là hình dung biến hóa nhanh chóng, vô ngã, vô dục, cho nên tâm liền ngưng nghỉ,
tự nhiên thanh tịnh mà được giải thoát.”
Thánh pháp ấn ở đây được nhận diện là
vô thường, không, vô ngã và Niết-bàn.
2. Tự
tánh không
Pháp ấn là pháp của Phật, siêu việt,
không thể nghĩ bàn, tri kiến không thể đạt tới. Kinh ghi: “Tự Tánh Không, không có sở hữu, không vọng tưởng, không sanh, không
diệt, thoát ly mọi tri kiến. Tại sao? Vì Tánh Không, không có xứ sở, không có
sắc tướng, không có tưởng, nó vốn không sanh, không phải chỗ mà tri kiến có thể
đạt tới, thoát ly mọi vướng mắc; vì do thoát ly mọi vướng mắc, nên hết thảy
pháp nó đều dung nhiếp, an trú tri kiến bình đẳng, tức là tri kiến chân thực.
Tỳ-kheo nên biết, Tánh Không là như vậy, các pháp cũng là như vậy, đó gọi là
Pháp ấn.”
Ở đây, Tánh Không là pháp ấn.
3. Tam
giải thoát môn
Có khi Đức Phật nói ba cánh cửa giải
thoát là pháp ấn. Kinh ghi: “Pháp ấn này
chính là ba giải thoát môn, là pháp căn bản của chư Phật, là đôi mắt của chư Phật,
đó là chỗ quy thú của chư Phật.”
Rồi Đức Phật giải thích, nếu ai tu
tập, quán sát đúng như thật rằng: “Sắc là
khổ, là không, là vô thường, nên sinh khởi sự nhàm chán và thoát ly chúng, an
trú tri kiến bình đẳng. Cũng giống như thế, quán sát: thọ, tưởng, hành và thức, là khổ, là không, nên sinh khởi sự
nhàm chán và thoát ly chúng, an trú tri kiến bình đẳng.
“Này
các Tỳ-kheo! Các uẩn vốn là không tự tánh, do tâm mà có sinh, khi tâm pháp diệt
tận rồi, thì các uẩn không còn tác khởi.
“Thấu
suốt rõ ràng như thế, tức là trực tiếp giải thoát, đã trực tiếp giải thoát rồi,
thì thoát ly mọi tri kiến. Đây gọi là Không giải thoát môn.
“Lại nữa,
an trụ ở trong tam-muội, quán chiếu các sắc cảnh, hết thảy chúng đều diệt tận,
thoát ly mọi ấn tượng. Cũng vậy, với thanh, hương, vị, xúc và pháp, cũng đều
diệt tận, thoát ly mọi ấn tượng; quán sát như vậy, gọi là Vô tưởng giải thoát
môn. Vào cửa giải thoát này rồi, liền thành tựu được tri kiến thanh tịnh. Do vì
có sự thanh tịnh đó, nên tham, sân và si hết thảy chúng đều diệt tận. Những thứ
ấy, đã diệt tận rồi, thì liền an trú tri kiến bình đẳng.
“Đã
an trú vào tri kiến này rồi, tức là thoát ly kiến về ngã cùng với kiến về ngã
sở, tức liền thấu suốt rõ ràng mọi kiến, không sở sinh, không có chỗ y chỉ.
“Lại
nữa, đã thoát ly kiến về ngã rồi, tức không còn kiến, văn, giác và tri.
Tại
sao vậy? Vì do nhân duyên, mà các thức sinh khởi, thì tức nhân duyên đó, cùng
với thức được sinh ra, hết thảy chúng đều vô thường. Do vì nó vô thường, cho
nên thức bất khả đắc. Thức uẩn đã không, thì không có chỗ tạo tác. Gọi là Vô
tác giải thoát môn.”
3. Bốn pháp thù thắng
Một thời, Đức Thế tôn du hoá ở cung
Hải Long vương cùng với 1250 vị Tỳ-kheo, và số đông các hàng Đại Bồ-tát. Bấy
giờ, Long vương Sāgara bạch với Thế tôn: “Kính
bạch Thế tôn! Có pháp gì mà người thọ trì chút ít lại được phước nhiều không?”
Khi ấy, Phật bảo Hải long vương: “Có bốn pháp thù thắng, nếu ai thọ trì, đọc
tụng, hiểu nghĩa, thì dụng công tuy ít mà được phước rất nhiều, so với công đức
của người đọc tụng tám vạn bốn ngàn pháp tạng không khác. Bốn pháp đó là gì? Là
thường tư duy: các hành vô thường, tất
cả đều khổ, các pháp vô ngã và chỉ có Niết-bàn là an lạc. Long vương nên biết, đây là bốn pháp thù thắng, hàng Đại Bồ-tát
Vô tận pháp trí, sớm chứng vô sanh, mau đến viên tịch, là vì họ thường tư duy,
nghiền ngẫm bốn pháp này!”
Vô thường, khổ, vô ngã, Niết-bàn được
cho là bốn pháp ấn!
4. Ba
pháp ấn
Một thời, sau khi Thế Tôn vào Niết-bàn
không bao lâu, Trưởng lão Channo đi khắp nơi để thỉnh cầu các Tỳ-kheo chỉ dạy,
rằng “xin chỉ dạy tôi, nói pháp cho tôi,
để cho tôi biết pháp, thấy pháp và tôi có thể như vậy mà quán sát pháp.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nói với Channo: “Sắc là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức là
vô thường. Tất cả các hành đều vô thường. Tất cả các pháp đều vô ngã. Niết-bàn
là tịch diệt.”
4.1. Chư hành vô thường (sabbe saṅkhārā aniccā
hay ani-tyā sarvasaṃskārāḥ).
Chữ ‘hành’ ở đây chỉ cho tất cả mọi
hiện tượng sinh diệt, biến hóa; nó đồng nghĩa với từ ‘hữu vi’. Tất cả mọi hiện
tượng chưa từng dừng nghỉ quá trình chuyển động dù chỉ trong nháy mắt, chúng
luôn luôn thay đổi, sinh diệt và biến hóa, cho nên nói ‘chư hành vô thường’:
tất cả mọi hiện tượng đều luôn thay đổi, không thường hằng bất biến. Hiện tượng
ở đây bao hàm cả vật chất lẫn tinh thần, chúng biến đổi liên tục không gián
đoạn.
Vô thường, anitya hoặc anityatā, có
nghĩa là tất cả các pháp hữu vi ở thế gian không có gì tồn tại mãi mãi, cái gì
cũng thay đổi, biến hóa, sanh diệt không dừng. Tất cả các pháp hữu vi đều do
nhân duyên mà sanh và đều có bốn tướng trạng: sanh, trụ, dị, diệt, gọi là tứ
tướng vô thường. Bốn tướng này sanh diệt trong từng sát-na, sanh đó liền diệt
đó.
Luận Đại trí độ, quyển 43, nói vô thường có hai loại, là niệm niệm vô
thường và tương tục vô thường.
- Niệm niệm vô thường: Trong mỗi niệm,
trong mỗi sát-na, các pháp hữu vi trải qua bốn tướng trạng sanh, trụ, dị, diệt;
niệm này vừa sanh liền diệt, vừa diệt liền sanh, liên tục không gián đoạn.
- Tương tục vô thường: Vô thường tiếp
nối vô thường tạo thành một dòng chảy vô thường tương tục: sanh, trụ, dị, diệt,
rồi lại sanh, trụ, dị, diệt…
Luận Biện trung biên, quyển trung, phân tích vô thường thành ba loại:
vô tính vô thường, sanh diệt vô thường và cấu tịnh vô thường.
- Vô tính vô thường: Còn gọi là vô vật
vô thường. Tính biến kế sở chấp (các pháp vốn không có tự tính, do chúng sanh
suy diễn, vọng tưởng [biến kế] rồi chấp vào đó mà cho là có tự tính), vì tính
của nó là thường Không. Thành duy thức
luận thuật ký giải thích: Vì thể tính thường không, tức là cái tính ban
đầu, mà luận Biện trung biên gọi là
Vô hữu vật (không có vật gì cả), thật sự thì không có gì vô thường cả (vì không
có vật thì làm gì có vật vô thường?), cho nên nói các hành vô thường chỉ là một
cách nói tạm thời.
- Sanh diệt vô thường: Còn gọi là khởi
tận vô thường. Các pháp nương vào nhau mà sanh khởi, nương vào cái khác mà sinh
khởi (y tha khởi), tức là đều do duyên mà sanh, cho nên nó cũng sẽ do duyên mà
diệt tận, vì vậy mà gọi là sanh diệt vô thường.
- Cấu tịnh vô thường: Còn gọi là hữu
cấu vô cấu vô thường. Các pháp viên thành thật cũng chuyển biến vô thường, bản
chất của nó không có dơ hay sạch. Nếu ở trong dòng sanh tử mà nói thì gọi là
dơ, nếu cắt đứt dòng sanh tử rồi thì gọi là tịnh, cho nên cấu hay tịnh đều vô
thường.
Ngoài ra, luận Thuận trung, quyển hạ, cũng nói vô thường có ba loại là niệm niệm
hoại diệt vô thường, hòa hợp ly tán vô thường và tất cánh như thị vô thường. Đại thừa nghĩa chương, ở quyển 2 và
quyển 18 cũng đề xuất ba loại vô thường là phân đoạn vô thường, niệm vô thường
và tự tánh bất thành vô thường. Về mặt tên gọi vô thường trong hai bộ luận vừa
nêu khác nhau nhưng ý nghĩa thì tương đồng.
Luận Hiển dương thánh giáo, quyển 14 thì đề xuất sáu loại và tám loại vô
thường. Sáu loại vô thường là:
1. Vô tính vô thường: Nghĩa là tất cả
các pháp tính vốn không, là tính biến kế, chứ không phải thật có, như hoa đốm
giữa hư không, tính của nó là thường không (thường không có thật).
2. Thất hoại vô thường: Các pháp đều
hoại diệt và biến mất vô thường.
3. Chuyển dị vô thường: Chuyển dị là
thay đổi thành cái khác, biến thành cái khác. Các pháp thường đổi khác như thế,
giống như đứa bé trong bào thai luôn chuyển đổi trong suốt mười tháng hoài thai
thì mới lớn lên thành người được.
4. Biệt ly vô thường: Có hợp có tan.
5. Đắc vô thường: Hiện tại thọ cái quả
vô thường là do cái nhân vô thường đã tạo.
6. Đương hữu vô thường: Các pháp đang
hiện hữu nhưng thực chất đang chuyển hóa liên tục qua bốn tướng trạng thành,
trụ, hoại, không.
Tám loại vô thường là: 1. Sát-na vô
thường, 2. Tương tục vô thường, 3. Bệnh vô thường, 4. Lão vô thường, 5. Tử vô
thường, 6. Tâm vô thường, 7. Khí vô thường, 8. Thọ dụng vô thường. Trong đó,
sát-na và tương tục là hai loại vô thường có mặt khắp mọi nơi; bệnh, lão, tử là
ba loại vô thường ở nơi sắc thân; tâm vô thường là chỉ cho tâm thức luôn thay
đổi; khí và thọ dụng là hai loại vô thường ở nơi sắc bên ngoài thân.
Liên quan đến tướng trạng vô thường,
các kinh luận phần nhiều dùng những hình ảnh để diễn tả, như kinh Kim cương bát-nhã, dùng hình ảnh giấc
mộng, ảo thuật, bọt nước, cái bóng, hạt sương, tia lửa điện để thuyết minh tất
cả các pháp hữu vi đều vô thường, không thật.
Đại
tạng pháp số, quyển 46, thì căn cứ vào Tông
cảnh lục liệt kê tám thí dụ là nước
xuôi về đông, mặt trời xế bóng, chớp lòe đá lửa, bóng câu qua khe cửa, đèn
chong trước gió, sương đầu ngọn cỏ, cây khô vách núi, chớp lòe trước mắt để
chỉ tính chất vô thường của các pháp.
A-tỳ-đạt-ma
tạp luận, quyển 6, cũng nêu các tướng trạng vô thường, tóm lược có 12 loại, đó là
tướng không có thật, tướng hoại diệt, tướng biến dị, tướng biệt ly, tướng hiện
tại, tướng tự nhiên, tướng sát-na, tướng tương tục, tướng bệnh yếu, tướng tâm
hành mỗi mỗi thay đổi, tướng hưng suy, tướng thế gian thành rồi hoại.
Ngày nay, khoa học tự nhiên dường như
đã làm sáng tỏ thêm khái niệm vô thường của Phật giáo. Hồi trước, người ta cho
rằng, nguyên tử, đơn vị vật chất nhỏ nhất, là bất biến, không thay đổi; nhưng
ngày nay người ta đã chứng minh được nguyên tử cũng thay đổi, không phải là bất
biến, và cũng không phải là vật chất nhỏ nhất. Bên trong hạt nguyên tử còn có
điện tử, trung tử… chúng có thể tính luôn luôn vận động kết hợp mà thành. Vật
chất nhỏ bé nhất có thể nói là lạp tử, nhưng lạp tử cũng không phải là một vật
chất cố định, bất biến; nó cũng thường xuyên biến hóa. Những khám phá mới của
khoa học này ngày nay ai cũng biết. Vật chất hình thành từ những nguyên tử phức
hợp, từ vật chất nhỏ nhất cho đến vật chất cực lớn như thiên thể vũ trụ, đều
hình thành từ những hạt cơ bản có tính chất vật lý, hóa học biến hóa không
dừng. Sự khám phá khoa học này đã thêm một lần nữa chứng minh giáo lý ‘chư hành
vô thường’ của Phật giáo luôn là chân lý.
Tuy nhiên, Phật giáo không dựa vào
khoa học để tồn tại! Phật giáo nhận thức các pháp vô thường không phải bằng
phương pháp phân tích của khoa học mà bằng thực nghiệm hiện lượng hay trực giác
chứng ngộ.
4.2. Chư pháp vô ngã (sabbe dhammā anattā, anāt-manaḥ sarvadharmāḥ)
Chữ ‘pháp’ trong ‘chư pháp’ cùng một ý
nghĩa với ‘chư hành’, đều chỉ cho tất cả mọi hiện tượng.
Vô ngã là không có cái ngã. Khái niệm
về ngã, trong tư tưởng triết học và tôn giáo của Ấn Độ cổ đại thường chỉ cho bản
thể hoặc thật thể vĩnh hằng, không bị sanh diệt, biến hóa. Phật giáo cho rằng,
cái thật thể hay bản thể nằm ngoài kinh nghiệm nhận thức của con người, nó có
tồn tại hay không chúng ta không có phương pháp nào để xác định nhận biết, cho
nên gọi nó là vô ký, và do đó Đức Phật khuyên các Tỳ-kheo không nên tìm hiểu về
vấn đề này.
Dưới một ý nghĩa nào đó, Phật giáo
không nói ‘ngã’ không có thật thể, nhưng Phật giáo nói, ở trong thế giới của
chúng ta, tất cả mọi pháp đều vô ngã. Do đó, khi nói ‘chư pháp vô ngã’ có nghĩa
là tất cả mọi sự vật đều không có ngã.
Đại đa số quần chúng đều dễ dàng tiếp
nhận ý nghĩa ‘chư hành vô thường’, nhưng đối với ý nghĩa ‘chư pháp vô ngã’ thì
ngoại đạo không thể chấp nhận được, cho nên, giáo lý ‘chư pháp vô ngã’ trở
thành giáo lý duy nhất của Phật giáo.
Thuở Phật còn tại thế, các tôn giáo
bấy giờ đều cho rằng tất cả mọi sự vật đều có bản thể tồn tại vĩnh viễn bất
sanh bất diệt. Bản thể đó gọi là Ngã (atman). Tôn giáo bấy giờ khi đề cập đến
Phạm, đề cập đến Ngã, tức là đều chỉ cho cái bản thể. Bản thể hay thật thể của
vũ trụ gọi là Phạm (brahaman), còn bản thể hay thật thể của cá nhân thì gọi là
Ngã (atman).
Phật giáo cho rằng, cái bản thể đó con
người không thể nhận thức được, cũng không có phương pháp gì để chứng minh nó
có tồn tại hay không, cho nên Phật giáo gọi là vô ký, tức không xác định. Hơn
nữa, cái bản thể hay thật thể này nó không có quan hệ gì đến hiện tượng giới và
thế giới của chúng ta, nó cũng không có lợi ích gì đến sự nghiệp tu hành giải
thoát, do đó không cần phải đem nó ra đặt vấn đề để nghiên cứu. Cái thấy của
Phật giáo là tất cả mọi hiện tượng giới đều không có Ngã.
Khi Phật giáo Đại thừa hưng khởi,
thuật ngữ Không (śūnya) và Không tính (śūnyatā) được sử dụng rộng rãi để nói
đến Vô ngã. Vô ngã và Không là đồng nghĩa.
Thiền tông Trung Hoa cũng sử dụng từ
‘Vô’ để chỉ cho ý nghĩa Vô ngã. Cả hai thuật ngữ ‘Không’ và ‘Vô’ đều không mang
ý nghĩa hay liên quan gì đến khái niệm hư vô.
Phật giáo không đề cập đến vấn đề bản
thể luận. Phật giáo nói đến Không và Vô, nhưng nó không mang ý nghĩa hay liên
quan gì đến bản thể luận, mà nó phản ảnh sự thật trạng thái của hiện tượng giới
là Không và Vô. Vô ngã là từ ngữ biểu thị trạng thái không tồn tại một cái ngã
của tất cả mọi hiện tượng.
Tất cả mọi hiện tượng đều Vô ngã và
Không tức là chúng không có tự tính (niḥs-vabhāva), không có tính cố định, luôn
vô thường; không tự sanh ra, không tự có mặt.
Tất cả các pháp đều không tự sanh ra
và cũng không tự nó mất đi. Nghĩa là, các pháp không phải là bất sanh, bất
diệt, các pháp không có thực thể cố định. Khái niệm ‘cố định’ là chỉ cho sự tồn
tại độc lập. Nếu con người có tính cố định thì người này không liên quan đến
người khác. Nhưng trên thực tế, xã hội nhân sinh đều có mối quan hệ mật thiết
với nhau, không có cái gì tồn tại tuyệt đối, đơn độc, riêng lẻ. Tất cả mọi sự
vật hiện tượng đều tồn tại trong một mối tương quan, liên hệ với thời gian,
không gian và tương tác lẫn nhau.
Xã hội, nhân sinh cũng không có hoạt
động cố định, tất cả đều tùy thuộc vào những điều kiện nhân duyên mà biến hóa,
thay đổi.
Trên thực tế, Vô ngã và Không có thể
phân ra làm hai phương diện để nói, đó là Vô sở đắc và Vô quái ngại.
- Vô sở đắc (aprāpti), tức là không
thể nắm bắt được (không chấp trước). Con người có một ý niệm cho rằng có cái ta
và cái của ta, và còn có người nghĩ rằng những cái đó là cố định, trường tồn,
và luôn mong nó cố định bất biến. Nhưng sự thật, không có cái gì để gọi là ta
và của ta, bởi vì tất cả đều Vô ngã, đều là Không.
- Vô quái ngại (anāvaraṇa), tức là
không còn chướng ngại, đạt được sự tự do tự tại. Đây là trạng thái đạt được khi
tu tập thành công Vô sở đắc, không còn chấp trước. Không chấp trước thì có được
khả năng hoạt động tự do tự tại mà vẫn đúng như pháp. Khổng Tử cũng có nói là “Tùy
theo chỗ ước muốn của tâm mà vẫn không ra ngoài khuôn phép”. Câu nói này cũng
có ý nghĩa như trong đạo Phật, một khi đã Vô ngã, đã Không rồi thì tự do tự
tại, không có gì có thể gây chướng ngại. Lý tưởng của Phật giáo là hoàn thành
nhân cách, đạt đến một cuộc sống thường nhật thong dong tự tại. Đức Phật dạo
chơi trong Tam giới chính là đạt được cảnh giới Vô chướng ngại này.
Vô ngã và Không là đặt bản thân mình
vào trong trạng thái Không. Do đó, ở trong cái trạng thái Không ấy không có một
cái Ta làm trung tâm cho mọi tham dục, không có cái Ta nhiễu hại, dọa nạt người
khác, ganh ghét, nịnh hót, khinh miệt, oán hận hay luyến mộ người khác… Để thân
tâm mình vào trạng thái Không là luôn luôn đứng ở lập trường của người khác,
đứng ở lập trường của toàn thể, để rồi từ đó suy nghĩ chính chắn rồi sau đó mới
hành động, và hành động mà không làm nhiễu loạn người khác. Đồng thời, đối với
người và vật luôn luôn ôm ấp tấm lòng từ bi thương xót, không có sự đối lập
giữa ta và người mà luôn luôn rộng rãi bao dung người khác. Vô ngã, như vậy,
cuối cùng trở thành Đại ngã chăng?!
Vô ngã là cái nhìn chính xác và như
thật về xã hội và nhân sinh. Có thể nói, Vô ngã đồng nghĩa với Duyên khởi và
Chư pháp thật tướng (tướng chân thật của các pháp).
4.3. Niết-bàn tịch tịnh (santaṃ nibbānaṃ,
śāntamnirvāṇam)
Niết-bàn, nirvāṇa, trong ngôn ngữ Ấn Độ
bao gồm những ý nghĩa: lửa tắt, hết, chết, hoàn toàn yên lặng, yên ổn, vắng
lặng hoàn toàn, chết và đi qua chỗ khác. Ngài Huyền Tráng dịch là viên tịch.
Người Ấn Độ dùng từ này để chỉ cho
ngọn lửa bị tắt ngấm, hoặc bị gió thổi cho tắt; chẳng hạn, khi ngọn đèn bị tắt
thì gọi là ‘đăng diệm Niết-bàn.’
Các tôn giáo tại Ấn Độ đã sớm sử dụng
từ ngữ này để chỉ cho cảnh giới lý tưởng tối cao. Luận Đại Tỳ-bà-sa liệt kê dị giáo có tới năm loại ‘hiện pháp Niết-bàn’,
tức họ cho rằng sự hưởng thụ khoái lạc năm dục ở thế gian và đạt được bốn thiền
định là Niết-bàn.
Bà-la-môn giáo lấy sự tu trì đạt đến
cảnh giới Phạm - Ngã hợp nhất, hoặc sau khi chết sanh lên Phạm thiên là chứng
‘Phạm Niết-bàn’.
Từ đó, chúng ta biết rằng, nguyên thuỷ
từ ‘Niết-bàn’ không phải là danh từ riêng biệt của Phật giáo. Tuy nhiên, khi
danh từ ‘Niết-bàn’ xuất hiện trong kinh điển Phật giáo thì nó đã mang nội dung
ý nghĩa mới; và cho đến ngày nay thì từ ‘Niết-bàn’ đã trở thành một thuật ngữ
đặc hữu và trang nghiêm của Phật giáo.
Trong kinh Đại bát-niết-bàn liệt kê Niết-bàn có 25 loại;
luận Tứ đế nêu Niết-bàn có 66 tên gọi
khác nhau.
Điều này cho thấy trạng thái an lạc, hạnh phúc có rất nhiều cấp độ khác nhau
trong lộ trình đoạn hoặc, tu chứng.
Trong kinh luận Hán tạng, người ta
phải dùng các từ vô vi, chân đế, bỉ ngạn, vô hoại, vô động, vô ưu, vô cấu, bất
sinh, giải thoát, vô uý, an ổn, vô thượng, cát tường, vô hý luận, vô tránh… cho
đến các từ chân như, thật tướng, Như Lai tạng, pháp thân v.v… để chỉ trạng thái
hoặc tính chất của Niết-bàn.
Có quan niệm cho rằng, chết là Niết-bàn,
như khi nói ‘nhập Niết-bàn’, nghĩa là một vị Thánh giả trở lên từ bỏ xác thân
này. Đó là một quan niệm sai lầm! Nếu nói rằng chết là Niết-bàn thì khi Đức
Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới cội cây bồ-đề, ngay sau khi thành đạo, chứng Niết-bàn
Ngài đã chết rồi! Cho nên, dưới cây bồ-đề Đức Phật chứng Niết-bàn và cái chết
không liên quan gì nhau hết. Nên hiểu, như kinh Thắng Man đã nói, “Người
chứng đắc a-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề tức là chứng đắc Niết-bàn.”
Các nhà phiên dịch khi diễn tả cái
chết của một Thánh giả thì dịch là ‘bát-niết-bàn’ (parinirvāna). Chữ ‘bát’
(pari) có nghĩa là ‘hoàn toàn không còn sót lại’, vì vậy, bát-niết-bàn có nghĩa
là thân và tâm cuối cùng của một vị A-la-hán đã hoàn toàn diệt hết, tức vô dư
niết-bàn (niết-bàn hoàn toàn, không còn sót lại gì hết). Hiển nhiên, trạng thái
Niết-bàn này so với Đức Phật khi ngồi dưới cội cây bồ-đề hoặc một vị Thanh văn
đang còn sống chứng đắc ‘hiện pháp Niết-bàn’ có sự khác biệt.
Niết-bàn có nghĩa là ‘diệt’. Chữ
‘diệt’ này có nghĩa là diệt hết mọi phiền não, tai hoạ. Kinh Tạp A-hàm nói : “Tham dục đã được đoạn trừ vĩnh viễn, sân
khuể đã được đoạn trừ vĩnh viễn, ngu si đã được đoạn trừ vĩnh viễn, tất cả mọi
phiền não đã được đoạn trừ vĩnh viễn, đó là niết-bàn.”
Kinh Đại bát-niết-bàn cũng nói : “Hết khổ đau nghĩa là Niết-bàn.”
Đó là thuyết minh chữ ‘diệt’ có nghĩa là tiêu diệt phiền não và khổ đau; phiền
não và khổ đau tiêu diệt thì xuất hiện cảnh giới tịch tịnh, an ổn, khoái lạc,
gọi là Niết-bàn tịch tịnh.
Nam truyền và Bắc truyền đều có kinh Niết-bàn, và cả hai truyền thống đều rất
coi trọng bài kệ trong kinh Niết-bàn
là ‘chư hành vô thường, thị sinh diệt
pháp, sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc’. Tịch diệt là đời sống tràn đầy
pháp hỷ, không chỉ Thanh văn mà ngay cả tinh thần của Bồ-tát cũng được nuôi
dưỡng đời sống bằng pháp hỷ tịch diệt.
Câu-xá
luận dùng hình ảnh ngọn lửa tắt ngấm để dụ cho trạng thái Niết-bàn mà Đức Phật
chứng được với tâm giải thoát cũng như vậy. Luận nói : “Giống như ngọn lửa tắt ngấm (ngọn lửa Niết-bàn), sự giải thoát tâm
cũng như vậy. Có nghĩa là, giống như sự lụn tàn của ngọn lửa chỉ là sự đi qua
của ngọn lửa mà không phải sự đi qua
của một thực thể nào khác, sự giải thoát của tâm Thế Tôn cũng vậy, chỉ là sự
diệt tận các uẩn chứ không có gì khác.”
Kinh Niết-bàn của truyền thống Bắc truyền hình như đã phủ định ý nghĩa
trên của Câu-xá và cho rằng: “Nếu nói Như Lai nhập Niết-bàn giống như củi
hết lửa tắt thì nói như vậy là bất liễu nghĩa; còn nói Như Lai nhập vào pháp
tính thì là liễu nghĩa.” Kinh này còn nói: “Nếu dầu đã cạn hết thì ánh đèn cũng tắt theo, ánh đèn đã tắt là dụ cho
phiền não đã diệt hết, ánh đèn tuy đã tắt nhưng cây đèn thì vẫn còn; Như Lai
cũng như vậy, phiền não tuy đã diệt hết nhưng pháp thân thì vẫn thường tại.”
Kinh Niết-bàn của truyền thống Bắc truyền là một tập hợp vô cùng phong
phú về ý nghĩa của Niết-bàn, như cho rằng Niết-bàn có đầy đủ ba đức tính là
pháp thân, bát-nhã, giải thoát; hoặc có đầy đủ bốn đức tính thường, lạc, ngã,
tịnh; hoặc có đầy đủ tám công đức thường, hằng, an, thanh lương, bất lão, bất
tử, vô cấu, khoái lạc, giống như tám hương vị của đề hồ. Ý nghĩa của Niết-bàn
như vậy cho thấy bản thể của Niết-bàn không hề rơi vào trạng thái hư vô, tịch
diệt, ngược lại, Niết-bàn lấy thật tướng hoặc pháp thân làm bản thể và có tác
dụng làm cho sinh mạng vô cùng tận.
Trên phương diện lịch sử, chúng ta
nhận thấy rằng, thời kỳ Phật giáo bộ phái, Niết-bàn được phân thành hai loại, Hữu
dư Niết-bàn và Vô dư Niết-bàn. Hữu dư Niết-bàn nói rằng, tuy đã đoạn tuyệt tất
cả mọi phiền não để siêu thoát sanh tử, nhưng vẫn còn chịu quả báo của nghiệp
quá khứ (tức chỉ cho nhục thể), nên chưa thể nói là Niết-bàn hoàn toàn. Ở một
phương diện khác, Vô dư Niết-bàn là đã đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não và cũng
đã đoạn tuyệt nhục thể, không còn dư y, tức là Niết-bàn hoàn toàn, như Phật
nhập diệt. Bát-niết-bàn là chỉ cho Niết-bàn hoàn toàn.
Đến thời kỳ Phật giáo phát triển, Niết-bàn
được nhận thức thêm là Tự tính thanh tịnh Niết-bàn và Vô trụ xứ Niết-bàn, thành
ra có bốn loại Niết-bàn.
Tâm tính tức là Phật tính, xưa nay vốn
thanh tịnh, có đủ các đức tính của Niết-bàn là thường, lạc, ngã, tịnh. Phật tính
này chính là Tự tính thanh tịnh Niết-bàn. Vô trú xứ Niết-bàn là chỉ cho ‘nhờ
vào đại trí mà không trụ ở trong sanh tử, nhờ đại bi mà không trụ nơi Niết-bàn’;
Vô trú xứ Niết-bàn cũng có nghĩa là Niết-bàn chân thật, không trú nơi sanh tử,
không trụ nơi Niết-bàn, không chấp trước, không trú trước. Trạng thái Niết-bàn
của Đức Phật nhất định cũng giống như vậy.
5. Kết luận
Trong rất nhiều kinh, Đức Phật thường
hỏi các Tỳ-kheo:
- Này
các Tỳ-kheo! Năm uẩn là thường hay vô thường?
Các
Tỳ-kheo bạch Phật:
-
Bạch Đức Thế Tôn, là vô thường.
- Nếu
là vô thường, là pháp thay đổi thì có ngã và ngã sở không?
-
Không có ngã và ngã sở.
Đức
Phật liền dạy:
- Này
các Tỳ-kheo! Hãy quán sát như vậy! Quán sát các pháp vô thường, vô ngã liền đạt
được giải thoát.
Căn cứ đoạn kinh văn này chúng ta có
thể thấy ba pháp ấn liên quan và nhất quán với nhau. Trong ba pháp ấn, Niết-bàn
tịch tịnh tức chính là giải thoát, cũng chính là không. Đức Phật từng dạy rằng:
“Các hành đều là Không. Không thường,
luôn thay đổi, không có ngã và ngã sở. Tính của các pháp là như vậy”.
Bản tính của tất cả các pháp hữu vi là
không tịch. Không tịch cho nên vô thường, vô ngã; và vì vậy mà có thể thực hiện
Niết-bàn. Ý nghĩa này được khai triển từ ý nghĩa không trong duyên khởi. Cho
nên, trong kinh thường nói “Không tương ưng với duyên khởi”. Duyên khởi vốn
được khai triển từ ý nghĩa không, quán sát duyên khởi thì ngộ được lý tính của
tất cả các pháp đều quy về không tịch. Đây là phương pháp và cũng là mục đích
mà Đức Phật tuyên thuyết giáo lý Duyên khởi.
Phật nói Tam pháp ấn là từ tư cách hay
tự thân của một chúng sanh hữu tình mà nói. Hữu tình là vô thường, vô ngã và không
tịch. Trong các tôn giáo truyền thống của Ấn Độ, đặc biệt là các tôn giáo mới
hình thành, mỗi tôn giáo đều cho rằng, trong cái thân năm uẩn sanh tử này, hoặc
ngoài cái thân năm uẩn này, có tồn tại một cái ngã chân thật và thường trụ. Đức
Phật cho rằng, hữu tình là hữu tình của duyên khởi, y theo duyên khởi mà nói
thì không có một cái gì là thường trụ, cái gì cũng vô thường, vô ngã.
Một số người cho rằng, hoàn cảnh thích
ý là hạnh phúc, hoặc cho rằng duy trì được trạng thái tâm cảnh hòa bình, không
khổ không lạc là an ổn. Nhưng theo tuệ giác của Đức Phật, như vậy cũng còn khổ!
Cái khổ này, không phải là cái khổ ưu sầu, mà là cái khổ do vô thường. Tất cả
mọi niềm vui hạnh phúc, an ổn đều thay đổi, biến hóa không dừng. Cho dù có xứng
tâm vừa ý cách mấy, bình an cách mấy, rồi thì cũng chỉ được một thời gian, cuối
cùng đều hoại diệt. Có sanh ắt có tử, có trẻ ắt có già, có mạnh ắt có yếu, do
đó mà nói ‘Vô thường là khổ’.
Bà-la-môn giáo có thuyết Thường ngã,
đó là cái hạnh phúc vi diệu thù thắng. Đức Phật phản đối chủ thuyết này. Tất cả
mọi sự mọi vật đều vô thường, biến đổi thì làm gì có cái hạnh phúc vi diệu thù
thắng cứu cánh viên mãn? Cho nên, Phật nói vô thường là khổ. Khổ nên vô ngã. Vì
sao? Vì ngã có nghĩa là chủ tể, là làm chủ mọi sự, là tự do tự tại. Nhưng, tất
cả mọi loài hữu tình đều do các pháp uẩn, giới, xứ mà thành và biến hóa vô
thường, mà vô thường thì khổ, khổ thì không có tự tại, như vậy làm sao gọi là
có ngã được? Đức Phật dạy, do vì chúng sanh hữu tình chấp có ngã cho nên mới
tạo nghiệp để rồi lưu chuyển sanh tử không dừng. Chấp ngã là căn nguyên của
sanh tử luân hồi. Nếu như giác ngộ vô ngã thì không còn cái nhân sanh tử; hoặc,
nghiệp đều không khởi, ngay đó thấy được thật tướng các pháp, đạt được chánh giác,
tất cả đều là tịch tịnh Niết-bàn.
Đức Phật dựa trên đời sống của chúng
sanh hữu tình mà nói ý nghĩa Tam pháp ấn. Chúng sanh hữu tình tồn tại trên thế
gian này dựa vào năm uẩn và hoàn cảnh để năm uẩn tồn tại, tất cả những pháp này
đều là vô thường. Thế gian quả thật là vô thường, nhưng không thể nói vì vô
thường nên thế gian gian khổ và vô ngã. Chẳng hạn, nói cây viết này là vô
thường, điều này đúng, nhưng không thể nói vì vô thường nên cây viết khổ và vô
ngã. Cây viết là vô tình, căn bản là nó không có cảm giác, tức là nó không biết
khổ hay không khổ. Nó không biết khổ hay không khổ, cũng không biết tự do hay
không tự do, và cũng không biết chấp trước là ngã. Nó không có ngã, và cũng
không có nhu yếu để đòi hỏi vô ngã. Cho nên, thuyết vô thường là khổ, khổ nên
vô ngã là y cứ trên đời sống của chúng sanh hữu tình mà nói.
Đức Phật thuyết giảng ba pháp ấn với
một phương pháp vô cùng thiện xảo, bởi đồng một mệnh đề mà vừa làm hai phương
diện giải thoát: vừa là chân tướng của sự thật, là lý tính phổ biến, vừa là quá
trình thực tiễn.
Ba pháp ấn có nghĩa vô cùng sâu xa,
nhưng trong mỗi pháp ấn đã bao hàm hai pháp ấn kia. Mỗi một pháp ấn đã có thể
khai hiển nội dung chánh giác. Tức là, mỗi một pháp ấn đã có năng lực xa lìa
chấp trước, chứng quả chân thật. Y theo cánh cửa vô thường mà ngộ nhập, tức là
vào cánh cửa Vô nguyện giải thoát môn; y theo vô ngã mà ngộ nhập, tức là vào
cửa Không giải thoát môn; y theo Niết-bàn tịch diệt mà ngộ nhập, tức là vào cửa
Vô tướng giải thoát môn. Bởi vì căn tính của chúng sanh hữu tình vốn bất đồng,
cho nên hoặc nói như vậy, hoặc nói như kia, hoặc nói hai pháp ấn, hoặc nói ba pháp
ấn, bốn pháp ấn...
Thứ tự quá trình tu tập luôn in đậm
tam pháp ấn: trước hết là quán vô thường, do vô thường mà quán thấy vô ngã, và
thấy vô ngã là đạt được Niết-bàn. Trong kinh thường nói: yểm ly, ly dục, giải
thoát. Đây cũng là thứ tự tu tập theo Tam pháp ấn. Quán chiếu các hành vô
thường cho nên yểm ly những tai họa của thế gian mà tìm cầu sự xuất ly; thông
đạt các pháp vô ngã, không có gì là ta, của ta cho nên xa lìa được tất cả mọi
ái dục; ly dục rồi thì tất cả mọi phiền não đều rơi rụng, do đó mà đạt được Niết-bàn
giải thoát.
Trong bộ luận Đại trí độ, Bồ-tát Long Thọ nói: Vô thường là cửa không, không là
cửa Vô sanh. Đây cũng là cách nói khác về thứ tự của ba pháp ấn, vì không tức
là vô ngã, vô sanh tức là Niết-bàn.
Có thể nói giáo lý ba pháp ấn vừa diễn
tả chân tướng của các pháp, vừa là lịch trình, là bản đồ tu học. Đây là giáo
pháp đặc biệt hy hữu và chỉ duy nhất có trong Phật giáo!