Khảo về chi tiết nổi Phật nên cảnh chùa trong các chuyện kể về chùa chiền ở Tiền Giang
khao sat
KHẢO VỀ
CHI TIẾT NỔI PHẬT NÊN CẢNH CHÙA TRONG CÁC CHUYỆN KỂ VỀ CHÙA CHIỀN Ở TIỀN GIANG
VÕ PHƯỚC LỘC
Tìm hiểu lịch sử và chuyện kể dân gian gần 50 ngôi
chùa (từ 80-250 tuổi) ở Tiền Giang, thấy các chi tiết: trẻ chăn trâu nắn Phật đất thả nổi trên nước, tượng hóa hào quang, đào
đất gặp tượng Phật lặp lại khá phổ biến. Đối chiếu với các dị bản mà chúng
tôi sưu tầm được, tạm xếp làm 4
loại mẫu gốc như sau:
Chùa
|
Năm dựng
|
Chi tiết kể
|
Ý nghĩa
|
Phù
Châu (Cái Bè)
Thiên
Trường (Gò Công Tây)
Phật
Đá (Châu Thành)
Thiền
Lâm (Cai Lậy)
|
1757
1766
1772
Đầu TK.XX
|
Chùa như ngọc nổi trên sông
Phật đất nổi
Phật đá nổi
Đào được Phật đồng
|
Danh xưng
Tắm Phật
Phật nổi
Tượng Phật
|
Nếu tính từ Gò Tháp (Gò Công Đông) đến Mỹ Lợi (Cái
Bè) thì địa chỉ tọa lạc các chùa, địa bàn phân bố chuyện kể đều; trải dài trên
100km từ đông sang tây tỉnh Tiền Giang.
1.
Sơ lược các chuyện kể và chứng tích
Cổ nhất là chùa Phù Châu ở làng An Bình Đông (nay là
xã Đông Hòa Hiệp, Cái Bè). Chuyện kể, khoảng năm 1757 Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) vào đóng
quân tại dinh Cái Bè để chờ kinh lý Chân Lạp. Dạo ấy chợ Cái Bè đã nhóm đông, mùa nước
nổi thuyền bè tấp nập trên sông. Thấy Trời-Phật độ, dân làng xin dựng cảnh chùa
cho dân 4 phương khẩn cầu bình yên, làm ăn sung túc. Nguyễn Cư Trinh liền chuẩn
cho, lại tặng tên chùa là Phù Châu, ý ví như cảnh chùa hài hòa bến sông, giống
tựa viên ngọc nổi. Nay còn lưu giữ lại đôi liễn đối ngoài cổng và trong đại điện
ý nghĩa rất mực trùng khớp. Cổng đề: Phù
giáo kế truyền, Phật pháp lưu hành tam thiên quốc thái/Châu hưng tương tục,
tăng đồ xướng tụng bá tánh dân khang. Dịch là: Giáo lí kế truyền, Phật pháp lưu hành cầu ba ngàn nước mạnh/Ngọc kia kế
nối, tăng đồ ca ngợi nguyện trăm họ an khang. Đại Hùng bảo điện đề: Bát-nhã hoa khai, vạn pháp tức tâm tức Phật/Bồ-đề
quả thục, nhất chân phi sắc phi không. Diễn ra quốc ngữ: Hoa Bát-nhã khai, muôn pháp tức tâm tức Phật/Quả
Bồ-đề chín, một lòng chẳng sắc chẳng không.
Chùa Thiên Trường tại làng Đồng Sơn, ấp Bình Trinh
huyện Gò Công Tây. Dân gian kể: trước tại chùa là vùng đầm ao hoang sơ (đầm Bà
Dơn). Trẻ chăn trâu thường tụ lại tại gò đất nắn tượng Phật chơi, học quý thầy
đem xuống ao thả để tắm Phật. Nào ngờ Phật lại nổi lâu chìm. Dân chúng cùng Thiền sư Gia
Lương Bửu Huệ thấy vậy dựng cảnh chùa thờ phụng (khoảng 1766). Sau, chùa gắn bó
với phong trào Thiên Địa Hội và đấu tranh đòi độc lập dân tộc của sư Thiện Chiếu(1898-1974).
Linh Phước cổ tự còn gọi là chùa Phật Đá, tọa lạc tại
thôn Bà Bèo huyện Kiến Hưng; nay là thị trấn Mỹ Phước huyện Tân Phước. Dân gian
truyền rằng: vào đời vua Cảnh Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1772) có ông Lương là
một “mục đồng lớn tuổi” luôn thả trâu
lội qua bưng (vùng sình lầy ngập nước) Bàu Sọ (Bàu Bèo, Bàu Sấu), tình cờ chạm phải
một vật như đá; hốt hoảng chưa kịp hoàn hồn ông lại thấy một tương Phật vụt nổi
lên hai tay với vào hào quang chiếu sáng (bản kể của
Huỳnh Minh). Nhân đó dân làng Phước Yên (Mỹ Phước) dựng chùa Phật Đá. Năm
1789 chùa được ông quan bảo hộ từ Nam Vang về ghé qua cúng dường, đặt tên là
Linh Phước. Năm 1886, Phật Đá của chùa bị trẻ chăn trâu lén đem về chùa Mục Đồng
chợ Bưng, mãi đến 1897 mới tìm ra và rước trở về chùa cũ (bản
Thượng tọa Nhuận Sanh). Thời Gia Long, chùa được ông quan bảo hộ Phân
Trương tặng lư hương đá khắc năm Kỷ Dậu (1812); nhân có nàng hầu bị bệnh, đến đây khấn được
độ hết bệnh (bản Vương Hồng Sển).
Cổng chùa có đề câu đối: Phước minh Bát-nhã tánh trang nghiêm cổ tự hiển tam môn/Linh chứng Bồ-đề
tâm chấn chỉnh tổ đình khai tứ hóa. Dịch là: Linh chứng làng Bồ-đề sửa sang tổ đình hóa độ bốn phương/Phước sáng tính
Bát-nhã chùa cổ trang nghiêm vẻ vang ba cửa (không môn, vô
tướng môn, vô tác môn). Tiền sảnh đề: Linh
địa cổ kỳ quang minh vạn pháp tức tâm tức Phật/Phước điền tự đa bảo đạt nhất
chân phi sắc phi không. Diễn nghĩa: Đất
linh sáng lạ kỳ, vạn pháp tức lòng, lòng tức Phật/Chùa Phước điền tích báu, mỗi thật đâu sắc,
sắc đâu không.
Chùa Thiền Lâm ở làng Nhị Mỹ huyện Cai Lậy. Ban sơ,
khoảng đầu TK.XX, trẻ chăn trâu đào đất bắt dế mà gặp các tượng Phật bằng đồng;
liền lấy lên bờ ruộng xếp hàng chơi trò cúng bái. Quan làng Nhị Mỹ có dịp đi
ngang, thấy vậy họp hai làng Thanh Hòa, Nhị Mỹ bàn lập chùa lá mà thờ tại đồng
Hòa Thuận (Thanh Hòa). Sau dời về ấp Mỹ Kiệm, xã Nhị Mỹ (nay là phường 5, thị
xã Cai Lậy; bản Trương Ngọc Tường). Cổng
chùa đề: Thiền thất tịnh tâm đăng Thứu
lĩnh liên hoa
khai bạch hạc/Lâm tùng nhàn xứ hảo bồng lai kính trúc ứng thanh long. Diễn
Nôm: Thiền nhà thanh tịnh, lên Linh Thứu,
sen nở hoa đến chầu hạc trắng/Lâm tùng nhàn xứ, tới Bồng Lai, qua đường trúc ứng
hiện rồng xanh. Hậu tổ đề: Tổ đức viễn
thâm tề hải nhạc/Tông môn trường cửu phối càn khôn. Dịch là: Tổ đức sâu xa bằng non biển/Dài lâu dòng giống
hợp đất trời. Diễn tích được Phật đồng từ lòng đất, chính điện đề: Long đức tự vân lạc bích tụ thảo thụ hàm
triêm; cổ Phạn
tăng truyền kim bố địa/An tâm như nguyệt thượng hoa trì quang minh biến chiếu; duyên thân chân
kính cảnh phi đài. Dịch nghĩa:
Long đức thịnh tựu ráng mây lành, cỏ cây xanh biếc, nên cảnh dát vàng
tăng truyền cổ Phạn/Lòng thanh tịnh trăng soi bóng nước, lung linh chiếu hiện,
bày rõ chân thân lặng bóng chẳng gương.
Nhìn chung
các chuyện kể đơn giản, thiên về sự thật tình nghe thấy, truyền miệng; ít hư cấu
hoang đường. Chuyện có sự (cơ duyên xảy ra), có tích (vật, cảnh làm chứng).Yếu
tố xác tín đức tin dân nguyện, dân lập khá rõ.
2. Khảo chứng và lý giải vấn đề từ thực
tế
Tôn
trọng tính nguyên hợp của loại hình văn học dân gian vốn có nhiều dị bản về
chuyện kể; bài viết chỉ khảo sát lý giải chi tiết như nhan đề đã nêu.
Trước
tiên, xem xét địa bàn phân bố chuyện kể, ta thấy yếu tố trẻ chăn trâu xuất hiện
trong câu chuyện, dường như phủ khắp vùng Tiền Giang.Từ đó cho thấy việc định
danh chùa Mục Đồng khá rõ. Trên thực
địa, tại huyện Cai Lậy có chùa thôn Hòa Thuận (xã Thanh Hòa), chùa Long An (Rạch
Tràm, Bình Phú), cách chùa Thiền Lâm (TX.Cai Lậy) khoảng 3km về hướng Tây nam,
6km về phía Tây bắc, dân chúng đều gọi là chùa
Mục Đồng. Huyện Châu Thành có chùa Mục Đồng chợ Bưng (Tam Hiệp) cách chùa
Phật Đá khoảng 5km, theo đường chim bay. Chùa Linh Sơn (Giồng Tháp, huyện Gò
Công Đông); chùa Linh Bửu (Tân Quý, Tân Thới, Tân Phú Đông); dân địa phương
cũng gọi chùa như trên. Nếu Tiền Giang có chùa Ngọc Nổi (Phù Châu) bên sông Tiền
thì Long An, ven Đồng Tháp Mười, rạch Cái Cỏ có chùa Hưng Hòa. Chùa được dựng
trên “nổng” cao nên gọi là Chùa Nổi. Đặc biệt, nơi đây còn giữ một tượng đá cao
là tượng thần giữ của Dvarapala (theo Vương Hồng Sển). Có điều trùng hợp khá
thú vị là cũng khoảng thời gian chùa Phù Châu xây dựng; ở Hà Tiên Mạc Thiên
Tích cho dựng chùa Phù Cừ, sau đổi Phù Dung. Nhà thơ Đông Hồ chú: Phù Cừ là sen trắng, Phù Dung là sen hồng;tích
chữ trong câu: “Chước tự Phù Cừ xuất lục ba-Rực rỡ trắng sen nhô sóng biếc”,
trong Lạc Thần phú của Tào Thực(142-232).
Về
chi tiết đào được Phật Đá, Phật Đồng, học giả họ Vương trong công trình Tự vị tiếng nói miền Nam có liệt kê trên
địa bàn Tiền Giang có được như sau:
Chùa xứ
|
Địa phương
|
Hiện vật
|
Ký hiệu bảo tàng Sài Gòn cũ
|
Chùa Tháp
Chùa chợ Ông Văn
Phước Long
Chùa Mỹ Quý
Linh Phước
Long Phước
Rạch Bang Dầy
|
Tân Tây, Gò Công
Gò Thành, Chợ Gạo
Thân Cửu Nghĩa, Châu
Thành
Cai Lậy
Mỹ Phước, Tân Phước
Chợ Củ Chi, Châu Thành
Thạnh Phú, Cai Lậy
|
Linga cao 0m45
Nhiều đá cổ
Thần Visnu nguyên cao 1m05
Thân Phật Đá cao 0m37
Đầu Phật Đá
Ba khúc thân Phật nữ cao 0m55
Tiền Đế Thiên Visnu
Mảnh đá cổ
Chày đá 0m295x0m25
Linga dài 0m25
Luân xa đá cổ
|
MBB 3037-3040
MBB 3043
MBB 3042
MBB 3041
MBB 3074-3075
MBB 3052
MBB 3050
|
Nguồn: Tài liệu đã dẫn, các trang: 327, 329, 357, 358
Có thể
nói ở giai đoạn đầu khẩn hoang, dân ấp
dân lân sớm có ý nguyện lập chùa thờ Phật, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng
tâm linh, xuất phát từ môi trường rừng
thiêng nước độc có Trời Phật hộ trì.Mặt
khác, do khổ công khai thác, cải tạo thiên nhiên mà được bù đắp nên trù phú sản
vật, nếp sống yên lành (vật phụ dân phong; Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí). Từ đó mới có các phương ngữ: Đất nổi như cồn, Phật nổi gò trâu, đất lành
chim đậu… Bước kế tiếp như Bùi Đức Tịnh trong công trình Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ nêu:
Năm 1753, Nguyễn Cư Trinh xin chúa Nguyễn đặt ba đạo trong vùng gồm Đông Khẩu đạo,
Tân Châu đạo, các tài liệu chữ Hán gọi chung là Tiền Giang cù lao xứ; Châu Đốc đạo cũng được gọi là Hậu Giang Châu Đốc xứ. Giống như Vương Hồng
Sển, tác giả giải thích: Cù lao chính là
cồn nổi lên giữa dòng sông hoặc từ bờ sông hay bờ biển nhô ra phía trước
(doi đất); chỗ khác là cồn diện tích
lớn có người đến sinh sống mới được gọi cù
lao. Theo ông Vương, tiếng Khmer Kòh
dịch là cù lao; Bùi Đức Tịnh lại cho
do Việt hóa tiếng dân tộc miền biển là poulo.
Như vậy, xuất phát từ hình thái sinh cảnh, đất nổi trên sông, mà có định danh Chùa Nổi (ngọc nổi).
Mặt
khác, Tiền Giang sở hữu nhiều giồng gò. Nổi tiếng có Ba Giồng (Tam Phụ) chạy
dài từ Tân Lý Tây (Châu Thành) đến Giồng Bà Trà (Nhị Mỹ, Cai Lậy) như xương sống
của tỉnh. Trên dãy giồng này có di tích Gò chùa Bửu Tháp (ấp Tân Phong, xã Tân
Hội, Cai Lậy). Phía đông tỉnh có Gò Thành (Chợ Gạo), Gò Công (Khổng Tước), còn
lưu hai di tích Gò chùa Bà Kết (xã Bình Phan) và Gò chùa Giồng Tháp (Tân Niên
Tây, Gò Công Đông). Giồng, gò là sở đất cát, nổi lên do hải thoái để lại dấu bờ
biển. Mùa nước nổi các giồng, gò nổi lên như
cù lao giữa đồng bằng biển nước.
Nếu
như phần kể về duyên cớ lập chùa, đặt tục danh gắn với sinh thái địa văn hóa
thì phần nói về tôn tạo di tích, thường được kể lại các lần trùng tu, huy động
sức người sức của làm nổi mỹ danh cảnh
chùa.Các bản kể đều ghi chép rõ các câu đối vinh danhở cổng tam quan và chính điện. Khảo sát các chùa có lịch sử
trên 200 năm ở Tiền Giang; thấy các lần trùng tu lớn thuộc giai đoạn khoảng
1802 đến 1858. Đấy là thời gian văn hóa, học thuật Định Tường phát triển cực thịnh,
dưới triều Nguyễn. Sách Nghiên cứu địa bạ
triều Nguyễn-Định Tường nói: Mỹ danh
để gợi ý tốt đẹp còn tục danh nói lên đặc tính cụ thể của địa phương. Một số chữ
“ý hay hình đẹp” dùng đặt tên cho các thôn ở Định Tường (Tiền Giang) là: Vĩnh,
Phước, Hòa, Long, An, Tân, Bình, Mỹ…(tr.119). Chính từ nếp đặt tên này, mà
có lệ gọi tên mới các chùa, sau lần đại trùng tu đầu tiên như: Chùa Thiền Lâm
Nhị Mỹ, Linh Phước Phước Yên, Tháp Tự Tân Niên Tây…
Nghiên
cứu các văn bản lịch sử cổ tự thường thấy có kết cấu: mở đầu bằng chi tiết duyên khởi đậm sắc thái dân
gian; phần pháp thống truyền thừa ghi
chép khá rõ về mặt lịch sử phát triển, thông qua tiểu truyện các cao tăng. Truyện
kể phản ánh chân thật quá trình lịch sử thực tại, với tư cách là diễn ngôn
chính thức của cộng đồng Phật tử. Từ chuyện
kể đến truyện kể hình thành phương thức
kể có tính loại hình:
Yếu tố
dân gian và bác học quyện nhau; song không mất đi văn chất mộc mạc, thật thà. Sự
đơn giản có chiều sâu tích hợp đa văn hóa.
3. Nhìn từ phía cổ tầng trầm tích văn hóa
Từ thực
tế đã nêu, có cơ sở để chúng ta hiểu và kiểm chứng yếu tố cổ tầng trầm tích văn
hóa của vấn đề, như Sueki Fumihiko đề xuất trong công trình Lịch sử tôn giáo Nhật Bản: Đó chính là thứ ẩn
sâu trong tư tưởng và sau đó được ngôn ngữ hóa, mà chúng ta gọi đó là cổ tầng.
(tr.15)… Đó chính là thứ dần được hình thành và lắng đọng lại trong truyền thống
lịch sử dài lâu.Việc sống trong một truyền thống nào đó, cũng chính là việc phải
hứng cả sự tích tụ của truyền thống đó và tiếp nhận một cách vô ý thức sự chi
phối của cổ tầng, chìm dưới đáy sâu của truyền thống. (tr.22)
Như vậy
chi tiết nước nổi đất nổi-Phật nổi-nổi
danh cảnh chùa, hình thành theo dòng thời gian lịch sử khai phá đất Tiền
Giang. Xuất hiện trong câu chuyện lịch sử chùa chiền, từ phương thức kể đến văn
bản ghi chép thành truyện như là sự ngưng kết ba phạm trù Hình thành-Tiếp nối-Phát triển. Nó có căn rễ ẩn sâu trong tư tưởng
thần thoại tôn giáo và sau đó được ngôn ngữ hóa. Các lớp cư dân khẩn hoang lập ấp,
lập vườn khai mương gặp được tượng Thần-Phật chìm dưới lòng sông, vùi trong gò
đất, ngay lập tức việc ấy làm sống dậy tâm thức cội nguồn văn hóa Phật giáo Việt
Nam. Họ hồi tưởng và xâu chuỗi các quan niệm có từ ngàn xưa: Người ta là hoa đất; Mẹ ta hoa Phật; Man
nương sinh tứ Phật (Pháp Vân, Vũ, Lôi, Điện) nổi trôi trên một dòng sông ký
ức…; kết tục trước phút giây phát hiện của thực tại. Ý niệm tái tạo lại không
gian Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt vốn
chìm lắng trong tâm thức như nhân tố cổ mẫu-siêu
mẫu (archétype), thôi thúc tiếng nói tình cảm, tự giác hiện thực hóa của cộng
đồng. Do đó, cổ tầng hình thành và bồi đắp theo thời gian lịch sử và không phải
nhất thành bất biến. Trong điều kiện đời sống văn hóa thực tiễn của vùng đất mới,
ở Tiền Giang và mở rộng ra cả Nam Bộ, nó có ý nghĩa biểu tượng tích hợp đa văn
hóa và có tính phổ quát.
Khảo
sát trên thực địa, ta thấy nơi được gọi là Gò Chùa có: Đồng Tháp 2; Long An 4;
Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh đều có 1. Gò Phật Nổi, Đồng Đá Nổi, Ấp Đá Nổi
có ở An Giang: xã Phú Hòa, xã Định Mỹ (huyện Thoại Sơn); Kiên Giang: xã Tân Hội,
xã Thạnh Đông (huyện Tân Hiệp). Bến Tre có Cù Lao Phật Nổi (Mắc Cần Dưng). Có
thể xem đấy là những dấu hiệu sinh thái tự nhiên, gợi nên sự kết tập ký hiệu học
văn hóa-xã hội trong nhận thức và trong ngôn ngữ của người miền Nam. Đào sâu cơ
tầng văn hóa, nó cũng cho thấy có sự giao thoa tiếp biến văn hóa Chăm và Khmer;
đặc biệt là lớp văn hóa Bà-la-môn và Phật giáo nguyên thủy Ấn Độ. Tại Cù Lao Bảo
(Bến Tre) người dân đã tìm được các tượng Thần-Phật: Shiva, Uma, Laksmi, Lokesvara;
tại Bang Dầy (Cai Lậy, Tiền Giang) đầu thế kỷ XX, còn tìm thấy tượng tạc bằng
cây mù u vùi dưới đáy kênh. Các đấng siêu nhiên vốn xuất hiện trong hệ thống thần
thoại Rig-Veda, có dấu ấn hoặc giữ
vai trò hộ pháp trong Phật thoại và Phật điển. Nó làm các cư dân Việt khẩn
hoang nhớ về câu chuyện Khâu Đà La-Man Nương; giấc mơ Khuông Việt với hình bóng
Tỳ-sa-môn Thiên Vương Hộ Pháp Vaisravana… Từ hiện tượng Đất Nổi-Phật Nổi về sau
được ngôn ngữ hóa bằng sự định danh: Cù Lao Mắc Cần Dưng, âm Hán Việt là Hiến
Cân Châu; Vương Hồng Sển trong công trình đã nêu, dẫn theo di cảo của Trương
Vĩnh Ký (1837-1898) có nói: Cơ Me: Kòh
Práh (préah) stừng: Cù Lao Phật Di Đà (tìm thấy hoặc vớt được dưới ngòi lạch,
câu vừa ngớ ngẩn, đâu chẳng tới đâu. Việt không ra Việt, Cơ Me không ra Cơ Me;
vì thế cổ nhân không dịch nghĩa và thà nhái giọng Cơ Me…) (tr.246). Các tác
giả Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, trong quyển Văn
hóa Óc Eo những khám phá mới cho rằng Đá
Nổi do dịch từ tiếng Khmer là Brai angrùn (Bãi Đá Lầy, tr.34), dấu tích của
biển lui để lại bãi lầy trơ đá nhô ra biển cũ.
Tính
phổ quát của vấn đề không chỉ ở mặt căn rễ văn hóa truyền thống và tiếp biến
văn hóa Đông Nam Á. Nó còn thể hiện trong xu thế nhạt hóa yếu tố huyễn hoặc.
Cũng như các địa phương khác ở Nam Bộ, truyện dân gian Tiền Giang nhấn mạnh yếu
tố chân thực của cốt truyện. Do tính cách người Nam Bộ trọng thực tình, thực
lý, thực việc. Khuynh hướng chính là thực hóa các mô tuýp, biểu tượng thần kỳ,
chi tiết huyễn hoặc trong xây dựng hình tượng nhân vật. Song, vẫn tiếp nối về mặt
ý tưởng vốn có trong các thần thoại dân gian ở Châu Á. Tương truyền, trẻ chăn
trâu có tính hồn nhiên linh dị (tánh linh). Do vậy, xuất hiện trong truyện kể
thay thế cho các đấng quyền năng siêu nhiên (Thần, Tiên, Phật…). Nó minh định
cho quan niệm: Trong phạm vi những điều
được biết trong lịch sử, thần thường giáng xuống những vật kỳ lạ trong thiên
nhiên (núi, tảng đá, đại thụ…), hay chính bản thân những động vật đặc thù như rắn,
cáo,hoặc có cả những sứ giả của các vị thần, nghĩa là không phải vạn vật trong
tự nhiên đều ở nguyên hình dáng của mình mà có thể trở thành thần ngay. Sự tuyệt
đối hóa tự nhiên chỉ được hình thành dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo và lan rộng
bởi phái Tu nghiệm đạo (tông phái Phật giáo thờ thiên nhiên, thờ thần núi; Lịch
sử tôn giáo Nhật Bản, tr.48).Bởi vậy chi tiết xuất hiện trẻ mục đồng phát
hiện Phật đất, đá nổi là nhân tố căn cốt; không thể lược bỏ đi để nhạt hóa hơn
nữa. Nó cũng minh định cổ tầng xuất hiện trong chuyện kể về lịch sử chùa chiền ở
miền Nam là thứ cổ tầng trầm tích văn
hóa; khác với loại cổ tầng hư cấu như
Motoori Norinaga (1730-1801) đề xuất.
Một
phát hiện khác, đã cho thấy việc nghiên cứu vấn đề như đã trình bày, cũng xuất
phát từ nền tảng Nhân học tự nhiên, tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ (physical, religion, cultural, linguistic
Anthropology).
Thông
tin từ các tác giả Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải (sách đã dẫn) xác định:
Các tượng Phật bằng đá hiện có, tuy phát
hiện được trong các di tích văn hóa Óc Eo nhưng không nằm trong địa tầng khảo cổ
học (tr.282). Điều trùng khớp với Vương Hồng Sển nói về Đồng Tháp Mười và sự
phát hiện các tượng đá ven vòng cung bắc, nam bể nước này, vào mùa nước nổi
(sđd, tr.326-327). Trước đó có thể các tượng ở trạng thái lộ thiên, do nước lũ
cuốn, sóng bể vùi lấp. Thêm chứng cứ để chúng ta khẳng định đã xảy ra biển tiến
và lui nhiều lần ở đồng bằng sông Cửu Long cách đây hàng nghìn, triệu năm. Do vậy,
kéo theo hiện tượng luôn tái hoang hóa, rồi tái khai khẩn, tái định cư bởi nhiều
tộc người. Cổ tầng trong truyện kể ở đây, có tích hợp đa văn hóa là điều tự
nhiên và tất yếu. Nó cũng có ý nghĩa kiến
lập văn hóa trên thực tế ở vùng đất mới của người Việt Nam.
Mỹ
Tho, 11.12.2016
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ
Minh Chi, Nhân học văn hóa-con người với
thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên, NXB.Chính trị Quốc gia, Hà Nội
2009.
2. Lê
Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải, Văn
hóa Óc Eo những khám phá mới, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội 1995.
3.
Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều
Nguyễn-Định Tường, NXB.Tp.Hồ Chí Minh 1994.
4.
Sueki Fumihiko, Lịch sử tôn giáo Nhật Bản,
Phạm Thu Giang dịch, Phạm Hồng Thái hiệu đính, NXB.Thế Giới, Hà Nội 2011.
5.
Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng nói miền Nam,
NXB.Trẻ Tp.Hồ Chí Minh 1999.
6. Bùi Đức Tịnh, Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam bộ, NXB.Văn
Nghệ Tp.Hồ Chí Minh 1999.