Đầu Xuân - Đức Tin và ý nghĩa Cầu Nguyện

dau xuanThích Thái Hòa

 

Trong truyền thống tín ngưỡng và văn hóa tâm linh Việt Nam, đầu năm phần nhiều mọi người đều đến chùa lễ Phật cầu an và hái lộc đầu xuân. Mùa xuân là mùa của bỗng lộc và là cơ hội để người người cầu bình an và chúc tụng nhau an bình, nhà nhà cầu phúc lộc và đón mừng phúc lộc đầu năm. Lộc là từ lòng đất sinh ra và phúc là từ trời cao giáng xuống. Mọi người cầu bình an và hái lộc đầu năm là tùy theo đức tin sâu cạn của mình mà thể hiện. Đức tin là từ nơi tâm người mà khởi phát và từ nơi Tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa truyền thống mà duy trì.

 

Nếu đức tin hay niềm tin là một trong những thuộc tính của Tôn giáo, thì cầu nguyện là làm cho Tôn giáo gắn liền với đức tin hay niềm tin ấy của chúng ta. Không có đức tin hay niềm tin chúng ta sẽ không có Tôn giáo và không có cầu nguyện, thì trong đời sống con người sẽ vắng đi những tố chất gắn liền giữa hiện thực và siêu thoát, giữa phàm tục và nhiệm huyền; giữa khoa học và phát minh; giữa quả đất với các tinh cầu; giữa con người với huyền thoại; giữa kẻ sống và người chết; giữa con người hữu thể và phi vật thể; giữa biểu tượng và thực tại chính nó.

Nhưng, đức tin hay niềm tin do đâu mà sinh khởi? Đức tin hay niềm tin sinh khởi từ bốn trường hợp.

1-      Do hiện kiến: Đức tin hay niềm tin sinh khởi là do con người thấy đời sống của chính mình bị áp lực bởi nghèo đói, bởi bệnh hoạn, bởi khổ đau, bởi thành công và thất bại, bởi sống và chết, và bởi mọi sự hiện hữu trong sự sinh diệt vô thường. Do thấy đời sống con người bị những áp lực ấy, nên cũng từ nơi đời sống ấy mà con người sinh ra cảm giác lo lắng, sợ hãi. Do những cảm giác lo lắng sợ hãi và bất an trong cuộc sống, khiến cho con người khao khát có một đức tin, một niềm tin và đi tìm kiếm một đức tin, một niềm tin từ người khác, từ thần linh, từ Tôn giáo để mong cầu được sự nương tựa, che chở và an ổn.

2-      Do chiêm nghiệm và loại suy: Nghĩa là đức tin và niềm tin từ nơi con người phát sinh là do người ấy, dựa vào một sự kiện, một kết quả xảy ra từ thực tế trong đời sống của chính họ hay từ người khác, để suy nghiệm nguyên nhân. Nghĩa là do họ dựa vào hệ quả của một sự thành công hay thất bại từ một ước muốn hay một công việc, để chiêm nghiệm và suy nghiệm nguyên nhân thành bại của một vấn đề hay nhiều vấn đề. Nhờ vào sự suy nghiệm này, khiến họ phát hiện ra những ý nghĩa và giá trị của cuộc sống cho chính họ, trong những chuỗi ngày tiếp theo, nên từ đó, đức tin hay niềm tin ở nơi cuộc sống của chính họ phát sinh.

3-      Do kinh nghiệm và thực hiện: Đức tin và niềm tin của con người phát sinh là do từ kinh nghiệm và thực nghiệm của cuộc sống. Chẳng hạn, do con người có quá nhiều khó khăn trong cuộc sống, khiến họ có những kinh nghiệm về đời sống này và họ vượt qua đời sống này bằng những trải nghiệm của chính họ. Họ tin tưởng vào những nghị lực với khả năng chịu đựng và họ thực hiện sự chịu đựng ấy để đạt đến những ước nguyện của họ, khiến đức tin và niềm tin ở nơi họ phát sinh.

4-      Do dựa vào lời nói của bậc Thánh trí: Có những trường hợp con người không có khả năng tự tín, tự tri và cũng không có kinh nghiệm về đời sống tâm linh cao, họ chỉ biết nghe và tin tưởng theo lời dạy của các bậc Thánh trí. Họ tin tưởng các bậc Thánh trí là toàn tri, là chánh biến tri, nên họ đặt mọi niềm tin và đức tin của họ vào những bậc Thánh này, khiến họ thực hành niềm tin và đức tin theo lời dạy dựa vào những bậc Thánh mà họ tin tưởng.

Ấy là bốn trường hợp đức tin và niềm tin phát sinh trong đời sống con người. Trong đời sống của con người, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh tri thức mà đức tin hay niềm tin của mỗi người sinh khởi khác nhau.

Trong đời sống tâm linh, đời sống tín ngưỡng, mọi thành phần trong xã hội đến với đạo Phật có nhiều hoàn cảnh và trình độ tri thức khác nhau, nên khi họ đến chùa lạy Phật và dâng lời cầu nguyện với đức Phật, cũng có những nội dung của niềm tin và ý nghĩa khác nhau.

Có những người đến với đạo Phật bằng những tín ngưỡng truyền thống mang tính chất quần chúng đơn thuần. Nghĩa là họ nhìn thấy đức Phật như là những vị Thần thánh, có quyền phép ban ân giáng họa và thế hệ đi trước làm như thế nào, thì thế hệ tiếp theo sau, cũng tiếp tục làm theo y như thế ấy. Nên họ đến chùa cầu nguyện đức Phật ban phát ân lộc và giải trừ tai họa cho họ.

 Có những người đến với đạo Phật bằng con đường học thuật và từ con đường này, họ nhận ra tính chất học thuật ở trong đạo Phật và họ tin tưởng rằng, với những phương pháp giáo dục của học thuật Phật giáo, có thể chuyển hóa và làm thay đổi những nhận thức sai lầm của con người từ xấu sang tốt, từ tiêu cực sang tích cực và từ đời sống phàm tục nâng lên đời sống của Thánh nhân. Họ đến chùa theo Phật trong điều kiện này và từ con đường này mà họ đến với đạo Phật, họ tôn kính đức Phật và họ lạy Phật cầu nguyện mỗi ngày và họ biến những lời cầu nguyện trở thành những phương pháp giáo dục.

Có những người đến với đạo Phật bằng tính tổ chức và họ tin rằng, các tổ chức từ Tôn giáo đến xã hội, thì Phật giáo là một tổ chức mang tính tôn giáo và xã hội sớm nhất và tương đối hoàn hảo cho cả hai giới tính nam và nữ qua Luật tạng Phật giáo. Luật tạng Phật giáo là kho tàng giới luật mà đức Phật dạy cho tổ chức Phật giáo bao hàm cả hai giới tính nam và nữ, với cách nhìn từ thấp lên cao, từ hiện thực đến siêu thoát của một bậc Giác ngộ hoàn toàn. Do họ tin tưởng vào sự hoàn hảo của giới luật do đức Phật dạy như vậy, mà họ đến với đạo Phật, họ tôn kính đức Phật và họ cầu nguyện đức Phật gia hộ cho họ ở lãnh vực này.

Và có những người đến với đạo Phật qua con đường thực nghiệm và chứng nghiệm tâm linh bằng đời sống của giác ngộ. Với đời sống này, họ tin tưởng tâm là tác nhân của mọi hạnh phúc và khổ đau, nên họ nỗ lực thay đổi những tác nhân xấu nơi tâm họ bằng những tác nhân tốt; họ tìm đủ mọi cách, mọi phương pháp để giảm trừ những tác nhân xấu và hỗ trợ cho tác nhân tốt nơi tâm của họ tăng trưởng, để từ nơi những tác nhân, tác duyên tốt ấy, kết thành hoa trái an lạc và hạnh phúc cho họ.

Tâm biết quên mình cho mọi người, biết buông bỏ tính ích kỷ để nghĩ đến lợi ích cho nhiều người, tâm ấy gọi là tác nhân tốt và họ tìm cách thân cận những người có tâm hồn cao quý này để học hỏi và liên kết với nhau tạo thành một cộng đồng, một công ty hay một quê hương đồng nguyện để hỗ trợ cho nhau và giúp nhau hành hoạt, khiến cho những ước muốn của họ kết thành hoa trái tốt đẹp và họ biết biến mọi ước mơ của họ trở thành hiện thực, bằng những tâm nguyện và hành động bỏ ác làm lành, giữ gìn tâm ý trong sạch ở nơi mọi không gian và ở trong mọi thời gian mà họ có thể.

Vì vậy, mỗi khi tết đến hay vào những dịp lễ lớn ở trong đạo hay ngoài đời, họ đến chùa lễ Phật trong sự thanh tịnh của ba nghiệp, không phải để cầu nguyện bình an cho cá nhân họ mà cho cả gia đình của họ; họ không phải cầu nguyện cho cá nhân họ mà cho cả dòng họ của họ bao gồm cả người sống và cho cả những người đã qua đời đều được bình an. Nếu họ là người của một công ty hay công dân của một đất nước, thì họ khởi tâm rộng lớn, không phải chỉ biết cầu nguyện cho công ty của họ mà ngay cả công ty mà họ đang đối tác, khiến cho tất cả đều học theo hạnh chân thật của Phật, biết đặt quyền lợi chung lên trên mọi quyền lợi cá biệt trong quan hệ cộng tác và họ cầu nguyện cho quốc dân của họ cũng như cho cả thế giới con người, mọi người đều biết thương yêu nhau, biết trân quý và giữ gìn những phẩm giá cao quý của nhau, và trân quý, giữ gìn những phẩm giá cao quý mà tiền nhân của họ đã để lại cho đất nước họ.

Nhưng, với cách nhìn chánh kiến thì mọi lời cầu nguyện chỉ có giá trị và thành công, khi chính nó biết thiết lập trên niềm tin nhân quả ở nơi chính tâm mình và nỗ lực hoàn hảo tâm ý với những hành động của chính mình, ngay nơi những công việc mà mình đang làm mỗi ngày.

Không có một Thần thánh nào có khả năng ban phát bỗng lộc, tới cho những người nguyện cầu với tâm ý ích kỷ và cũng không có con người nào ích kỷ mà trở thành Thần thánh hay tương cảm với Thần thánh.

Đầu năm là cơ hội chúng ta đến Chùa, Thánh đường, Am đền, đến đâu quyền chúng ta, nhưng chúng ta đừng quên một điều là “niềm tin nhân quả”. Nhân xấu là tâm ích kỷ nơi ta không thay đổi thì kết quả khổ đau vẫn tiếp tục sinh ra trong đời sống của chúng ta. Không có một phép lạ Thần thánh nào có thể can dự vào được nơi dòng chảy nhân duyên nhân quả của chính chúng ta, ngoại trừ tâm ý của chúng ta. Ta nghĩ và làm điều tốt từ thân, miệng và ý, điều tốt ấy sẽ theo ta như bóng với hình từ đời này qua kiếp khác. Ta nghĩ và làm điều xấu, với thân miệng và ý thì điều xấu ấy cũng theo ta như bóng với hình từ đời này qua kiếp khác vậy. Ấy là lời phán quyết chân tình và tối hậu của các bậc Thánh trí ban tặng cho tất cả chúng ta từ thuở hồng hoang của cuộc sống.

Chúng ta hãy sống với tâm ý tốt đẹp, với những hành động và lời nói tốt đẹp đối với tất cả mọi người, trước mặt cũng như sau lưng, bên phải cũng như bên trái, phía trên cũng như phía dưới thì trước sau gì, mọi cái xấu tự nó cũng phải thay đổi trong đời sống của chúng ta và những điều tốt đẹp trong đời sống của chúng ta tự nó xuất hiện khi nhân duyên đã hội đủ. Mùa xuân chúng ta đi chùa lễ Phật cầu nguyện và hái lộc đầu năm ở trong những ý nghĩa này và chính những ý nghĩa này đã nâng cuộc sống của chúng ta lên một tầm nhân văn cao quý.

  Xuân Đinh Dậu - 2017

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác