Trà đạo của Châu Quang (Marata Juko)
tra dao
Trà đạo của Châu Quang (Marata Juko)
Chân
Hiền Tâm
Trà có nguồn gốc
từ Trung Quốc, du nhập vào văn hóa của nhiều quốc gia trong đó có
Nhật Bản.
Đầu tiên là vào thế
kỷ XII, Sư Vĩnh Tây (Eisai) sang Trung Hoa tham học với Thiền sư Hư Am
Hoài Sưởng, về nước ông mang theo một số hạt trà để trồng và phổ
biến tác dụng của trà và cách thức uống trà.
Khoảng thời gian sau
đó, trà được sử dụng rộng rãi trong giới quý tộc.
Đến thế kỷ XIV, sư
Châu Quang (Marata Juko), đệ tử của Thiền sư Nhất Hưu, thường hay ngủ
gật ngay cả những nơi công cộng. Sư đi trị bệnh, thầy thuốc khuyên Sư
uống trà. Những cơn ngủ gục chấm dứt.
Châu Quang thấy tác
dụng của trà có thể giúp ích cho kẻ tu đạo, cũng có thể làm phương
tiện dẫn đạo, nên đã đưa lễ tiết vào việc uống trà, gọi là Trà
đạo. Trà đạo có từ đó và sư Châu Quang là người sáng lập ra nó.
Thể của Trà đạo
Một lần, khi thấy việc
Trà đạo hoàn tất, Thiền sư Nhất Hưu hỏi Châu Quang:
- Ông dùng tâm nào
để uống trà?
Châu Quang trả lời:
- Vì khỏe mạnh mà
uống trà.
Nhân đó, Thiền sư
Nhất Hưu đưa Sư công án uống trà của Triệu Châu. Tích của công án đó
như vầy:
Thiền sư Triệu Châu hỏi một vị Tăng mới đến:
- Từng đến đây chưa?
Tăng thưa:
- Đã từng đến.
Triệu Châu bảo:
- Uống trà đi!
Triệu Châu hỏi một vị Tăng khác:
- Từng đến đây chưa?
Tăng thưa:
- Chưa từng đến.
Triệu Châu nói:
- Uống trà đi!
Viện chủ thấy Tăng từng đến hay Tăng chưa từng đến, đều
trả lời một câu “Uống trà đi!”, lấy làm lạ hỏi:
- Vì sao người từng đến cũng bảo “Uống trà đi!”, người
chưa từng đến cũng bảo “Uống trà đi!”?
Triệu Châu gọi:
- Viện chủ!
Viện chủ đáp:
- Dạ!
Triệu Châu nói:
- Uống trà đi!
Uống trà đi! Vẫn
là lời nói thừa, dùng tiếp độ kẻ hậu sinh. Nhưng cũng không thừa,
bởi không có nó lấy gì làm kế dẫn đạo? Cho nên, công án người xưa, bàn
rộng một chút liền thấy rất thừa. Không rộng một chút, hậu sinh
thời nay lại không có phần. Công án Triệu Châu nuôi sống huệ mạng bao đời,
đâu thể đống khối không thể trồng trọt, vì thế đành thừa.
Nhất Hưu đưa công
án uống trà cho Châu Quang và hỏi:
- Có học Tăng xin Thiền
sư Triệu Châu chỉ dạy “Đại ý Phật pháp”. Triệu Châu đáp: “Uống trà
đi!”. Với việc này ông hiểu thế nào?
Châu Quang không trả
lời.
Thiền sư Nhất Hưu
sai thị giả đem đến một chén trà. Ngay khi Châu Quang bưng chén trà,
ông liền hét lớn. Chén trà rơi xuống đất. Châu Quang vẫn không động
đậy.
Khi Châu Quang quay
đầu kiếu từ, Thiền sư Nhất Hưu gọi:
- Châu Quang!
Châu quay đầu lại:
- Đệ tử đây!
Nhất Hưu hỏi:
- Chén trà rơi
xuống đất, ông còn trà uống không?
Châu Quang trả lời:
- Đệ tử vẫn uống
trà.
Thiền sư Nhất Hưu
chưa thôi:
- Đã chuẩn bị dời
đi, sao còn nói đang uống trà?
Châu Quang thưa:
- Đến đó vẫn uống
trà.
Thiền sư Nhất Hưu
quở:
- Ta hỏi ông tâm đắc của việc uống trà,
ông chỉ nói bên này rồi bên kia, chẳng thấy chỗ tâm đắc. Vô tâm uống
trà là thế nào?
Châu Quang điềm
tĩnh thưa:
- Trà vô tâm. Liễu
xanh hoa thắm.
Thiền sư Nhất Hưu ấn
khả. Trà đạo hoàn thành.
Trà, tính của nó
vốn không xấu, không tốt, không lợi, không hại. Lợi, hại, tốt, xấu là
vì đặt nó trong duyên. Như báu mani, vốn trong suốt không có màu sắc, chỉ
tùy sắc quanh xanh thì hiện xanh, sắc quanh đỏ thì hiện đỏ. Là tùy
duyên mà hiện sắc. Không duyên thì không sắc có thể nói. Tất cả pháp
thế gian đều như thế.
Trà, chữa được
bệnh gật gù của Châu Quang mà thành tốt. Nhưng không tốt nếu dùng quá
nhiều cho các phụ nữ gầy yếu.
Từ việc xấu hay tốt ấy mà trà thành lợi hay hại. Lợi hại tùy duyên
mà thành. Đó không phải thực chất của trà. Vì trà không có chất thực,
tùy duyên mà hiển lợi hại. Nên đồng một câu ba chữ, tùy duyên mà có
sai khác.
Kẻ từng đến, cứ
tùy duyên mà tiêu nghiệp cũ. Tu mà không tu. Không tu mà tu. Uống trà
đi! Tùy duyên làm lợi ích chúng sinh. Tiêu trừ tập khí của mình.
Người chưa đến, cứ
bổn phận hiện thời mà làm. “Uống trà đi!”. Thời tiết nhân duyên hội
đủ, một chữ trà còn không thể lọt, nói là ba chữ. “Uống trà đi!”.
Căn cơ đồng thì cách
uống trà thành đồng. Căn cơ khác thì cách uống trà thành khác. Mà
uống trà không hai không khác. Cho nên, tùy căn khí mình, nhận trà uống
sao cho được lợi ích. Triệu Châu không thiếu phương tiện. Triệu Châu không
thiếu lòng từ. Chỉ là con cháu đời sau không dám thừa đương, mất
tính tùy duyên, sợ mất cái chỗ cố định Thầy Tổ truyền trao. Phật
pháp không tính cố định. Tùy duyên mà lập, sao cho chúng sinh được
lợi ích nhất.
Cái chỗ mình
tưởng cố định, thật ra cũng không cố định. Chỉ là “bất biến” mà lại
“tùy duyên”. “Tùy duyên” mà lại “bất biến”.
Bất biến nếu không
tùy duyên, rơi vào ngoan không đoạn diệt. Thế giới con người đâu thể hiện
khởi như nay. Thể không, đủ duyên bày đủ, theo vòng nhân quả mà đi,
chỉ khác ở chỗ mê ngộ. Bởi vậy, “Thực tế lý địa không nhận mảy
trần, trên cửa muôn hạnh chẳng bỏ một pháp”.
Không phải “không” là không ngơ, không có gì hết, vô sự theo kiểu làm
biếng. “Không”, là ngay thể đủ duyên bày hiện mọi thứ. Thể “không”
khác với không ngơ ngoại đạo là ở chỗ này.
Tùy duyên nếu không
bất biến, chúng sinh lưu chuyển vô cùng. Có đó mà không thể nhận. Tam
thân, Tứ trí, diệu dụng sâu mầu chẳng được mảy may. Chỉ vì lưu
chuyển theo duyên, nhận tướng tùy duyên, quên thể bất biến. Chẳng
trách Viện chủ đương thời, gần bậc Long Tượng, vẫn lấy làm lạ vì
sao chỉ dùng ba chữ mà tiếp muôn người. Chỉ một cái ấy, sống được,
ngàn muôn phương tiện tiếp người ứng ra từ đó, không phải nghĩ suy, không
phải tư lường. Thể đồng mà dụng thì tại muôn phương. Thể thì trùm
khắp. Dụng do ứng duyên mà thành. Duyên hết dụng ẩn. Thể thì không
ẩn không hiện. Uống trà đi!
Thiền sư Thiên Cơ
đêm Phổ trà dạy chúng: “Các ông nay uống trà, nếu không biết hương vị của
trà thì đồng cây đá, nếu biết hương vị của trà, ấy là phàm phu. Làm sao bỏ được
hai bên có không này?”.
Uống trà đi!
Dụng của Trà đạo
Châu Quang gầy dựng
Trà đạo, Nhất Hưu hỏi đến, trả lời: “Vì khỏe mạnh mà uống trà”.
Ở mặt lợi ích,
trà có tác dụng ngăn mỡ phát triển, nên có thể giúp giảm cân (trà
trắng). Có tác dụng chống oxy hóa, nên tốt cho tim mạch (trà xanh). Điều
trị rối loạn lo âu nên là loại thuốc an thần tốt (trà hoa cúc). Có
khả năng chống viêm nên giúp giảm những rắc rối có liên quan đến tiêu
hóa (hồng trà). Có khả năng mở rộng các mạch máu nên có thể làm giảm
huyết áp (trà dâm bụt).
Bản thân người viết cũng nhận thức được từ thực tế rằng: Trà làm
ta tỉnh táo, hưng phấn tinh thần, tăng thể lực, và đúng là có loại
trà làm giảm huyết áp. Nếu biết sử dụng đúng cách mà không lạm
dụng quá mức, trà có mặt tích cực của nó. Nếu không đúng cách, nó
sẽ hiển lộ mặt tiêu cực là trà có hại. Pháp duyên khởi là vậy.
Không thể tránh khỏi mặt hại khi đã nhận ra mặt lợi của nó.
Mặt hại của trà hiển
lộ khi chúng ta dùng trà không đúng duyên. Nói dễ hiểu là chúng ta
dùng trà không đúng cách, không hợp với trạng thái tinh thần cũng như
thể chất của mình. Để chỉnh cái không đúng cách này, phải cần đến
Đạo.
Đạo, là con đường,
phương cách, phương tiện. Như trăm ngàn con đường dẫn về cội nguồn.
Nguồn ấy cũng gọi là Đạo. Như “Pháp” dùng để chỉ cho muôn sự muôn
vật ở mặt hiện tướng, nhưng “Pháp” cũng dùng để chỉ cho tánh thể không
của mọi hiện tướng đó. Bởi tướng thì không ngoài thể, từ thể hiện
tướng. Từ Đạo hiển Đạo (con đường), nên Đạo không ngoài Đạo, sao cho
chúng sinh y đó, thể xác lẫn tinh thần đều được khỏe mạnh. Rốt sau
thể nhập Phật pháp giới tánh.
Nói đến cái Đạo giúp
người khỏe mạnh ở mặt thể chất, trà được khuyến cáo cần dùng đúng
duyên.
Đúng duyên, là
muốn nói đến các duyên như tính chất trà, thời gian uống trà, liều
lượng trà uống trong ngày... các thứ đó phải được dùng phù hợp với
cơ thể của người uống trà, sao cho trà thành lợi ích. Như người huyết
áp thấp thì không nên dùng các loại trà có tính làm giảm huyết áp.
Người thần kinh nhạy cảm thì không nên dùng trà trước khi ngủ. Trà,
không nên uống khi bụng đói, không nên uống khi đã pha qua ngày. Không nên
uống quá nhiều trà trong ngày. Không nên uống trà pha với các thứ khiến
trà mất đi tác dụng của nó, như trà pha đường hay uống với thuốc
v.v…
Trà có tính năng
giúp tăng thể lực, trừ sự mệt mỏi giải đãi, tạo sự hưng phấn. Tuy
vậy, nếu ta dùng nó như loại bảo bối đáp ứng nhu cầu công việc quá
tải thường xuyên, thì ngoài việc bản thân bị lệ thuộc vào trà, lâu dần
sức khỏe cũng sút sa trầm trọng. Vì đã dùng nó như loại doping tạo
sự hưng phấn nhất thời. Do dùng dài lâu, không thể tránh được những
kết quả xấu.
Đó là Đạo của
trà được dùng ở mặt lợi ích thể chất.
Những thứ như vậy,
không cần phải có phần Đạo mà kẻ lập bày là một Thiền sư.
Trong phần vấn đạo
của Thiền sư Nhất Hưu đối với Châu Quang, Đạo trong Trà đạo không dừng
ở mặt lợi ích thể chất mà chủ yếu là khai phát được phần tâm linh
sâu mầu của người uống trà. Thứ mà tất cả chư Phật và chúng sinh
đồng có. “Ta hỏi ông chỗ tâm đắc của việc uống trà...”. Châu Quang
trả lời: “Trà vô tâm. Liễu xanh hoa thắm”.
“Trà vô tâm” là
tinh thần của loại Trà đạo mà Châu Quang đã bày ra. “Năng lễ sở lễ
tánh không tịch. Cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn”. Người lạy và Phật
được lạy, tánh vốn không tịch. Lạy Phật bằng cái tâm không tịch ấy
thì năng sở đều mất, cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn. Trà và kẻ
uống trà tánh vốn không hai, chỉ vì bất giác lưu chuyển mà phân năng
sở, trên cái năng sở ấy lại khởi phân biệt ngon, dỡ, thơm, hôi… mà luân
hồi sinh tử triền miên.
Châu Quang bày Trà
đạo, vốn muốn chúng sinh nhận lại cái chỗ trước khi lưu chuyển ấy,
mà vô tâm chính là chỗ sinh nhai khi đối duyên tiếp cảnh. Song chúng
sinh, trôi lăn đã lâu, tâm không thể ngay đó rời khỏi sinh diệt. Không
nhớ nghĩ quá khứ thì tơ tưởng đến tương lai, không sống được với giây
phút hiện tại, nên đầy đủ đó mà không thể nhận. Lập bày lễ tiết
cho việc uống trà, chính là phương tiện giúp chúng sinh dừng sự lưu
chuyển, đặt tâm vào điểm hiện tại.
Người đời nay, tâm
như khỉ vượn chuyền cây, mọi thứ tức tốc hối hả như bộ máy công
nghệ thời đại. Phong cách chậm rãi thư thả rất cần để khách tìm
lại cho mình những khoảng bình yên.
Nói cách khác,
tinh thần của Trà đạo chính là uống trà trong chánh niệm.
Chánh niệm, là
không đây cũng không kia, mà phương tiện của nó là chuyên tâm vào việc
pha trà hay uống trà. Pha trà biết đang pha trà. Đưa tay cầm chén,
biết đang đưa tay cầm chén trà v.v… Như Phật dạy chư vị Tỳ-kheo trong
bài kinh Thân hành niệm:
“Thở vô dài, biết thở vô dài. Thở vô ngắn, biết thở vô
ngắn … khi đi biết tôi đi, khi đứng biết tôi đứng. Thân thể được sử dụng thế
nào, vị ấy biết thân thể như thế ấy. Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Khi bước tới bước
lui biết việc mình đang làm. Khi co tay duỗi tay biết việc mình đang làm. Khi
mang bát, mang y biết rõ việc mình đang làm … Vị ấy sống không phóng dật, nhiệt
tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ
các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh… ”. Đó là phương cách giúp lắng đi cái tâm vọng động mà
uống trà. Đặt mọi tư duy phiền não qua một bên, trong không gian yên
bình, vắng lặng.
Mọi nghi lễ bày ra
trong việc uống trà chỉ là làm sao để những kẻ trong buỗi lễ trà
đều có phần sống của mình trong giây phút hiện tại. “Đối với nghi thức Trà đạo Nhật Bản, hương vị của trà không đóng vai trò
chính như cái tên được gắn lên của nó. Chỉ có một loại trà duy nhất dùng cho
nghi thức này là bột trà xanh matcha… Khách thể chính của nghi thức Trà đạo
Nhật Bản, là thao tác pha trà của người pha, là thao tác uống trà của người
uống. Cả người pha và người uống đều không quan tâm đến hương vị của trà, không
quan tâm đến sản phẩm họ đang chế tác và tiếp nhận là gì, dù họ rất tôn trọng
sản phẩm này. Thứ mà họ tập trung vào là các thao tác. Họ hòa mình vào các
thao tác, hòa mình vào thiên nhiên mộc mạc đơn sơ do họ tạo ra, nhằm để tâm
trí họ được tĩnh lặng...”.
Điều đó cho thấy một căn trà thất với chất liệu đơn giản thô sơ, được
đặt trong bầu không khí cô tịch, không có màu sắc rực rỡ, dụng cụ
pha trà, bình trà hay chén trà, thậm chí là cả những động tác với
cách thức chậm rãi mang tính nghi lễ
chỉ là phương tiện giúp người trong cuộc lắng bớt cái tâm vọng động của
mình. Như tọa thiền là phương tiện giúp chúng ta an tâm. Nếu quên tâm
mà chỉ chú trọng đến tướng ngồi lâu hay mau thì mình đánh mất tinh
thần chính của việc tọa thiền, chỉ còn tướng tọa mà không có thiền.
Trà đạo Châu Quang không khác. Nếu quên tinh thần lắng tâm mà chỉ chú
trọng đến những hình tướng bên ngoài thì trà còn đó mà đạo đã bay,
không còn là Trà đạo của Châu Quang.
Cho nên, mọi hình
thức là cần thiết để trợ duyên tái tạo những giây phút bình yên, nhưng
đó không phải là tất cả. Nếu dính mắc vào đó, tinh hoa của Trà đạo
bị đánh cấp. Bởi theo tướng thì bỏ tâm. Rồi cũng lại so đo hối hả
không dừng. Sự mộc mạc của cảnh không làm vơi được mức độ “ồn náo”
của tâm. Nghi thức lễ tiết chậm rãi của mọi hành tác không giúp
dừng được cái tâm vội vàng hối hả trôi theo dòng đời.
Uống trà đi!