Dường như bóng mây
DƯỜNG NHƯ BÓNG MÂY
Lam Khê
1- Cái thuở lên năm lên sáu, con bé đã từng có những giấc mơ kỳ lạ. Nó thường nằm mơ thấy mình được chắp cánh bay xa. Bay khắp mọi nơi bằng đôi cánh bé xíu nhẹ tợ tơ hồng với nhiều màu sắc tuyệt đẹp như cánh bướm lượn lờ qua lại trong vườn hoa... Và rồi năm lên tám tuổi con bé cũng thực hiện được giấc mơ bay bổng của mình.
Năm ấy bác sĩ phát hiện nó bị bệnh viêm não. Một căn bịnh nan y mà mọi đứa trẻ vướng vào chỉ còn nước nằm chờ chết. Ba mẹ Hải Nghi — tên con bé, đưa con chữa trị khắp các danh y trong và ngoài nước. Thế nhưng lưỡi hái tử thần vẫn không chịu buông tha, cho dù đó là một đứa bé thơ còn măng sữa. Từ bệnh viện người ta đưa nó về nhà trên chiếc xe cấp cứu. Con bé chưa chết. Nó mở mắt khi nghe tiếng khóc rấm rứt bên tai. Môi con bé mấp máy phều phào. Chẳng ai hiểu nó nói gì, ngoài người mẹ đang ôm chặt đứa con trong lòng.
- Mẹ đừng khóc. Con không còn thấy đau đớn. Sẽ không bao giờ còn đau đớn nữa đâu.
Và nó từ giã cuộc đời trong ngày hôm đó thật nhẹ nhàng như chiếc lá vàng rơi rụng buổi chiều thu. Ngay lúc này nó vẫn không hề hay biết là mình đã chết. Tự nhiên nó thấy thân thể nhẹ hẫng thoát đi. Cảnh vật chung quanh cũng bàng bạc một màu sương khói lãng đãng như mây trời. Tiếng kèn đám ma ai oán, sự âm u tẻ lạnh trong căn nhà thường ngày không ngớt tiếng cười đùa của trẻ con cũng không gợi lên chút buồn bã trong tâm hồn non nớt. Nó chỉ cảm nhận niềm thích thú khi được tự do đi lại trên không, bay ngược cả trên trần nhà, y như phim Mai Ca mà nó được xem nhiều lần. Khi định nương theo ngọn gió bay lên cao thì nó khựng lại khi nghe tiếng khóc trong phòng khách nhà mình. Nghoảnh cổ nhìn vào, Hải Nghi ngạc nhiên thấy mẹ ngồi khóc rất thảm thiết. Vây quanh có nhiều bạn bè thân quen của mẹ. Trông mọi người lặng lẽ và u ẩn thế nào ấy. Hai anh trai của bé ngồi cạnh đó với mặt mày bí xị như sắp bị ba đánh đòn vậy.
Hải Nghi bay ngang qua phòng làm việc của ba. Ông đang ngồi trầm lặng trên ghế sa-lông. Có nhiều người trong phòng. Họ là nhân viên cùng bạn bè làm ăn trong ngành. Ba là nhà đầu tư chứng khoán có tiếng nên lúc nào cũng có người lui tới bàn bạc trao đổi. Duy có hôm nay cảnh tượng có vẻ lạ lùng. Không ai nói gì, ngay cả khi con bé bước vào cũng không bị ba la rầy như trước kia. Buồn tình con bé đi ra nhà sau. Nơi đây có vẻ khẩn trương hơn. Tiếng dao thớt, tiếng nói chuyện xì xào khe khẽ. Hình như những người giúp việc đang lo nấu nướng đám tiệc gì đây mà. Chuyện này thì nhà của bé vẫn xảy ra luôn. Nhưng hôm nay sao lại đông người thế. Có cả mấy cô mấy dì của bé từ quê lên nữa. Chẳng ai cười nói hay quay nhìn đến bé.
Đám trẻ con chẳng biết từ đâu chạy ùa vào nhà. Chúng rủ Hải Nghi đi chơi và con bé vui vẻ bay theo ngay. Thế là nó chẳng có dịp chứng kiến mọi diễn biến trong nhà vào lúc ấy nữa. Hải Nghi chỉ hơi lấy làm lạ khi đi qua một cổ quan tài bé xíu. Nhưng nó vẫn vô tư theo đám bạn vui chơi. Bọn chúng đưa Hải Nghi đi xa lắm. Có lúc lên tận các dãy núi cao ngất, tha hồ đùa mây lướt gió. Phong cảnh mọi nơi đi qua đều tuyệt đẹp mà Hải Nghi chưa từng gặp bao giờ. Vô tư chơi giỡn suốt mấy ngày, Hải Nghi chợt thấy nhớ nhà nhớ mẹ. Và rồi bé nhất định quay trở về. Nó bay là là trên cao, hòa theo mấy đám mây trắng bồng bềnh. Nhà cửa núi đồi vụt qua trước mắt. Thoáng chốc ngôi nhà quen thuộc hiện ra trong căn phố sang giàu yên tịnh. Cánh cổng sắt cùng cửa ngoài đóng kín mít nhưng nó đi xuyên qua một cách dễ dàng. Mà sao nhà cửa yên lặng thế kia. Mọi người đi đâu hết rồi. Hải Nghi nhìn vào phòng khách bỗng há hốc miệng chưng hửng. Bức ảnh của nó được phóng to đặt trên tủ búp-phê giữa nhà. Trái cây hoa tươi và đồ chơi của bé cũng để hết trên đó. Lại có cả bát nhang lớn, khói hương tỏa ra nghi ngút. Hải Nghi nhớ có lần mẹ dẫn về quê khi bà ngoại mới mất. Mấy cậu cũng đặt di ảnh thờ cùng khói hương cây trái như thế. Con bé nhíu mày băn khoăn… lo lắng.
Vừa quay lưng trở ra, Hải Nghi bắt gặp một bóng người đứng án ngay trước mặt. Một ông già to lớn và đen thui như cột nhà cháy chẳng biết từ đâu lại xuất hiện trong nhà. Hải Nghi hơi hoảng nhưng bình tĩnh ngay vì vẻ mặt ông già hiền từ đang nhìn nó. Ông không nói gì mà đi ra sân. Hải Nghi lạ lùng bước theo. Khi ông dừng lại dưới gốc cây tùng, nó mới cất tiếng dè dặt hỏi:
— Ông là ai mà lại vào nhà cháu tự nhiên như vậy. Cửa khóa kín thế kia mà ông vẫn đi qua được. Còn ba mẹ thì đi đâu cả…
Ông già mỉm nụ cười thân thiện. Ông ngồi xuống gốc cây rồi đưa tay ngoắc con bé tới:
— Ta cũng như con vậy. Không phải là người bằng xương thịt ở trần gian này, nên mới đi lại một cách tự tại như không.
Con bé trố mắt lên:
— Là sao? Con chưa hiểu. Vậy ông là ma hả?
– Không.
Ông già vẫn chậm rãi nói:
— Ta là thần đất ở đây. Còn con mới chính là hồn ma. Ngôi nhà của con có thờ Phật, Bồ-tát, ta canh giữ cuộc đất này không cho các hồn ma lai vãng đến gần. Vì đây là nhà của con trước kia, nên ta cho phép con vào nhìn bàn thờ của mình. Chỉ có người chết mới để di ảnh và thắp nhang đèn như thế. Bây giờ con đã hiểu ra chưa?
Hải Nghi ngẩn người khi nghe ông già nói. Mùi hương ngọc lan thoang thoảng gợi nó nhớ lại những ngày cùng các anh và mấy người chị họ chơi đùa. Chị Ly thường ngắt hoa lan cài lên tóc con bé. Tiếng cười nắc nẻ của bọn trẻ như còn âm vang nơi này. Chẳng biết bây giờ mấy anh chị nó đang ở đâu. Và vì sao nó lại chết?
Vẫn chưa hết băn khoăn con bé lại cất tiếng hỏi:
— Ông nói con đã chết. Đã thành ma rồi à. Nhưng vì sao lại chết chứ? Con chưa tới tám tuổi cơ mà.
– Ai rồi cũng phải chết. Đó là quy luật của cuộc đời. Từ trẻ con đến người già, tùy mạng số và duyên nghiệp mà thọ mạng có ngắn dài. Con có phước sanh trong nhà giàu sang. Nhưng mạng số ngắn ngủi, vướng vào căn bệnh nan y thì làm sao sống thọ được. Nhân duyên con đến với gia đình này chỉ được bấy nhiêu. Qua bốn mươi chín ngày con phải đi đầu thai nơi khác.
Thấy con bé còn ngơ ngác chưa hiểu gì, vị thần đất cố giải thích thêm:
— Hôm nay là tuần thất thứ nhất của con đấy. Cả nhà đang ở chùa để tụng niệm cầu siêu cho con. Trong vòng bảy tuần thất, thần thức người mới chết chưa quyết định được phương hướng. Do đó con được tự do qua lại các nơi. Sau đó tùy theo nghiệp lực mà thọ sanh vào cảnh giới khác. Lý ra con không thể vào nhà. Nhưng vì con còn quá nhỏ, chưa nhận thức được cái chết và con đường đi tới nên ta mới không ngăn cản. Hơn nữa, cha mẹ con dù đau khổ vẫn hết lòng làm thiện cúng dường để hồi hướng công đức cho con. Bây giờ con đi tới chùa nghe kinh đi. Nhờ phước của người thân và tâm hướng thượng của con, qua bốn chín ngày thần hồn con sẽ siêu độ về cõi an lành lại được thọ mạng dài lâu.
Khi chợt hiểu ra thì con bé bật khóc nức nở. Nó hỏi dồn dập trong tiếng nấc nghẹn ngào:
— Như vậy là con không bao giờ được trở về nhà nữa à? Con không còn gặp lại ba mẹ và các anh nữa sao? Rồi thì con biết đi đâu đây? Mà tại sao con lại phải chết chứ?
– Ta không thể nói trước được. Hãy đến chùa gặp ba mẹ và để được nghe kinh. Chùa là nơi con phải ở vào lúc này, chớ đừng có ham vui rong chơi đây đó. Qua bảy tuần thất rồi con sẽ rõ con đường mình đi.
2- Ngôi chùa nhỏ nằm giữa khu vườn cây yên tịnh, gần như suốt ngày không có khách vãng lai, ngoại trừ đám trẻ con trong xóm thường lui tới chơi đùa cùng mấy chú tiểu. Như thường lệ, sáng nay cô điệu An Tường đang quét sân thì ngạc nhiên khi thấy mấy chiếc xe du lịch dừng lại trước cổng chùa. Và rồi điệu cũng kịp hiểu ra vấn đề. Gia đình bé Hải Nghi đem vật thực tới cúng dường chùa cùng chuẩn bị cho ngày lễ chung thất của nó. Nghe nói có cả trai đàn chẩn tế và phát chẩn cho dân nghèo trong vùng. Ba mẹ con bé làm tất cả để cầu nguyện hồi hướng công đức cho con. Lớn lên trong chùa, An Tường chứng kiến nhiều buổi lễ cầu siêu trai đàn. Nhưng khi nghe tin Hải Nghi mất, lòng cô điệu cứ ngỡ ngàng đau xót, thương cảm cho người bạn nhỏ vắn số ở đời. Hai cô bé tình cờ quen biết nhau trong chùa chưa bao lâu, vậy mà chỉ sau một cơn bạo bệnh Hải Nghi đã lìa bỏ cuộc đời dễ dàng như người ta vứt bỏ món đồ chơi hư cũ.
… Từ nhỏ Hải Nghi thích theo ba mẹ đi chùa. Ba anh em của bé cũng được quy y với vị thầy trụ trì. Nghe nói hồi anh Hai còn nhỏ vì khó nuôi, mẹ phải đem gởi cho thầy một thời gian. Vì ân nghĩa đó mà ba mẹ thường lui tới chùa thăm viếng cúng dường. Chùa có nuôi đến hơn mười chú tiểu. Duy có An Tường là cô điệu. Lần đầu tiên đến chùa Hải Nghi cứ nhìn chăm chăm cô tiểu bé xíu người có chỏm tóc dài vắt ngang vành tai trông thật ngộ nghĩnh dễ thương. An Tường cũng cười với Hải Nghi, mở lời:
– Bạn lên chùa lễ Phật với ba mẹ đi.
Hải Nghi trố mắt khi nghe điệu gọi mình là bạn. Ừ, thì cả hai cũng ngang tuổi với nhau mà. Hơi mỉm cười, con bé lắc nhẹ đầu:
— Nghi muốn ở đây nhìn bạn… ý chú tiểu làm việc hơn. Mà sao bạn không giống như mấy chú tiểu kia. Bạn là gái mà lại ở chùa của thầy?
Mắt cô điệu chớp chớp nhìn cô bạn nhỏ mới quen:
— À! Nghe thầy nói mình bị đem bỏ ở chùa lúc còn đỏ hỏn, rồi được thầy đem vào nuôi dưỡng. Thầy bảo là chừng lớn chút nữa sẽ gởi về chùa ni tu học.
Hải Nghi lại hỏi tiếp:
— Thế ba má của cô tiểu ở đâu?
– Tôi không biết. Thầy còn chưa biết nữa là.
– Vậy thì… chắc là buồn lắm hả?
– Buồn à! Tôi cũng không biết nữa. Tôi đã quen ở chùa từ nhỏ, xem thầy như cha mẹ, xem mấy chú như anh em của mình. Nhiều lúc thấy chúng bạn có ba mẹ được cưng chiều vòi vĩnh, nên thỉnh thoảng tôi cũng nũng nịu gọi bà Sáu là mẹ - Bà là người công quả ở chùa, thầy giao tôi cho bà chăm sóc từ tấm bé. Chỉ dám gọi lén, vì thầy nghe được sẽ rầy?
– Sao vậy?
– Thầy bảo mình ở chùa là đã cát ái từ thân. Ngoài cha mẹ ruột thì không nên nhận ai làm cha mẹ. Cha mẹ tôi không còn thì là con của chùa thôi.
… Đến tối về nhà Hải Nghi đem những lời cô điệu nói kể lại cho mẹ nghe:
— Sao cô tiểu lại bị đem bỏ ở chùa vậy mẹ? Bộ cô không có cha mẹ à?
– Mọi đứa trẻ sanh ra đều có cha mẹ. Có thể cha mẹ cô đã chết hay vì lý do nào đó mà phải đem con bỏ cửa chùa?
– Mấy chú tiểu ở chùa đều là con mồ côi hết hả mẹ?
– Ờ… không hẳn vậy. Mấy chú vẫn còn cha mẹ chứ. Có chú phát tâm đi tu. Có chú vì hoàn cảnh gia đình mà ở chùa. Tuy vậy hầu hết khi lớn lên mấy chú đều ý thức được tâm nguyện xuất gia của mình. Dù thế nào thì những chú bé ở chùa đều có phước duyên cả con ạ!
Ba mẹ thường đi cứu trợ các vùng xa. Những lần bão lụt không ít đứa trẻ lâm vào cảnh mồ côi, gia đình tan tác. Mấy ngôi chùa quanh vùng đem chúng về nuôi. Nhưng không bao lâu chúng lại bỏ về quê, chịu sống đói nghèo chứ không kham nổi cảnh buồn tẻ ở chùa.
Dù mới tí tuổi, Hải Nghi đã tỏ ra là một cô bé nhạy cảm, vui thích được san sẻ và biết bày tỏ niềm cảm thông với người khác. Từ lúc làm quen với An Tường, bé theo mẹ đi chùa nhiều hơn và không quên mang theo nhiều thứ tặng phẩm cho cô điệu. Những gói bánh kẹo, tập vở bút viết và cả những món đồ chơi đắt tiền của nó. Khi Hải Nghi gọi đó là những vật cúng dường thì cô điệu nhất định không nhận. Là trẻ con, An Tường cũng ham thích đồ chơi, cũng biết yêu quý trân trọng tình bạn bè. Nhưng cô chỉ vui chơi trong chừng mực. Chơi xong An Tường lại rủ Hải Nghi học bài. Những bài học ở trường cùng các bài kinh kệ ngắn mà thầy và mấy sư huynh viết cho điệu học. An Tường cũng dạy cho bé học ít câu kệ, song con bé luôn lắc đầu. Tuy vậy nó cũng nhẩm thuộc được vài câu khi nghe cô đọc mãi…
Hải Nghi nói đến mùa hè sẽ rủ cô điệu về quê ngoại chơi. Nó cũng giao kèo đến chùa ở vài tuần để cùng học kinh với mấy chú tiểu. Bao dự tính tốt đẹp chưa kịp thực hiện thì Hải Nghi đã sớm lìa bỏ cuộc đời. Nghe tin cô bạn nhỏ mất, An Tường đã khóc. Lần đầu tiên cô điệu biết khóc vì một người thân mất. Cô khóc mà luôn thắc mắc tự hỏi “Vì sao một đứa trẻ có đầy đủ cha mẹ và một cuộc sống sung túc như thế lại chết. Còn con bé mỏng manh như trứng nước, bị đem bỏ trước cổng chùa giữa trời đông giá lạnh, được quý thầy ra tay cứu độ thì được sống mạnh khỏe.”
Mang tâm trạng đau khổ đó, cô điệu đến thưa với thầy:
— Thầy ơi! Hải Nghi còn quá nhỏ nào đã gây ra tội lỗi gì, cô bé lại hiền lành dễ thương như thế thì sao lại vướng vào cơn bịnh hiểm nghèo đến phải chết đi?
Thầy xoa đầu cô khẻ nói:
— Cuộc sống đời người luôn ẩn chứa những điều bất trắc không lường như vậy. Khi lớn lên rồi con sẽ hiểu. Vì duyên nghiệp trả vay mà Hải Nghi chỉ hiện diện với cuộc đời bấy nhiêu. Kinh Phật có nói: “Mồ hoang chẳng thiếu trẻ đầu xanh” Con quỷ vô thường một khi đến thì không kể gì đến già trẻ. Lòng con thấy thương tiếc như vậy, thì cha mẹ của Hải Nghi còn đau đớn biết dường nào.
3- Cơn mưa lớn đổ xuống lúc xế trưa rồi tạnh ngay làm cho bầu trời trở nên quang đãng mát dịu. Buổi lễ chung thất diễn ra trong sự yên tịnh trang nghiêm pha lẫn chút thầm lặng u hoài của những người đến dự. Tuy rất bận rộn nhưng mấy chú tiểu ở chùa lại cảm thấy vui vì hiếm có đám lễ nào vừa lớn vừa trang trọng như thế. Công việc của các tiểu là hầu quý thầy tụng niệm. Nhưng mấy chú cũng năng nỗ tham gia phát quà cho lũ trẻ trong xóm. Có chú cũng góp phần giựt bánh kẹo cô hồn làm cho không gian náo nhiệt lên một hồi. Sau lễ cúng thí thực, cảnh chùa cũng lắng dịu dần. Lúc này mấy chú tiểu lại bắt tay vào việc dọn dẹp…
An Tường đang quét tước trước sân chùa. Thỉnh thoảng cô Điệu dừng tay ngước nhìn lên trời. Sau buổi cúng thí này, mọi việc sẽ trở lại bình thường. Người chết đã yên phần. Người sống còn phải lo cho cuộc sống ngày mai. Điệu nghe mấy sư huynh nói vậy. Duy cô thì không bao giờ quên được nụ cười thơ ngây trong sáng rất thánh thiện của Hải Nghi. Mấy đêm trước điệu nằm mơ thấy nó. Gương mặt bé vẫn tươi tắn như xưa. Bé bi bô kể lại nhiều chuyện:
— Nghi đã bay cao. Cao lắm. Lướt qua mấy tầng mây trắng trên trời ấy… Nhìn thấy cả núi cả sông. Cây cối và những ngôi nhà trên mặt đất bé tí như ngón tay út của bé vậy nè. Nhưng từ đây về sau, Nghi không còn bay cao như thế nữa đâu. Nghi phải ở chùa nghe kinh. Qua lễ chung thất có thể Nghi sẽ không còn trở lại…
Cô điệu rất vui khi thấy bạn nên cứ liếng thoắng hỏi:
— Bạn vừa về sao lại phải đi? Mà Hải Nghi đi đâu vậy? Cứ ở lại chùa không được à?
Hải Nghi lắc đầu rồi bóng con bé mờ dần khi một đám mây từ xa kéo đến. Hải Nghi lại bay lên cao. Mỗi lúc mỗi cao. An Tường chỉ kịp nhìn thấy cánh tay bé nhỏ đưa ra vẫy chào. Cô điệu vói gọi theo:
— Hải Nghi… Hải Nghi…
– Điệu Tường nhìn gì mà chăm chú vậy?
Mẹ Hải Nghi vừa bước đến, cất tiếng nhỏ nhẹ hỏi điệu. An Tường quay qua chỉ đám mây:
— Con nhìn đám mây bay đằng kia để xem Hải Nghi có trong đó không?... Là vì hôm trước con nằm mơ thấy bóng Hải Nghi bay lẫn trong đám mây đấy mà. Nghi bảo đến từ biệt con để đi tới một nơi khác. Như vậy là Hải Nghi đi xa rồi cô ạ! Chúng ta sẽ không còn gặp lại bé nữa.
Người mẹ lặng lẽ dõi nhìn theo bóng mây, ánh mắt bà đượm buồn u ẩn:
— Sự thật thì Hải Nghi cũng mãi mãi rời xa chúng ta rồi còn gì. Có điều… từ đây nó sẽ bay cao hơn những gì đã có trong cuộc sống ngắn ngủi đời này. Nó không còn cảm thấy sự đau đớn giày vò thân thể. Cô chỉ cầu mong nó được an lành với nơi sẽ đến.
An Tường đứng yên, bất động. Tự cảm thấy mình đang khơi dậy nỗi đau mất con của người mẹ. Điệu chưa biết nói gì thì bà chợt quay lại bảo:
— Điệu này! Tuần tới cô về thăm quê và phát quà cho các cháu học sinh nghèo. Điệu đi với cô ít ngày nhé? Lúc trước Hải Nghi có tâm nguyện thích về quê cứu giúp các em nhỏ. Bé cũng mong muốn có điệu cùng đi.
Điệu Tường ngập ngừng trước gợi ý bất ngờ này:
— Con… con cũng thích về quê lắm. Hải Nghi cũng hứa đến hè… Nhưng mà… con sợ thầy không cho…
Giọng người phụ nữ dịu dàng như cảnh sắc trời thu man mác:
— Không sao. Để cô thưa với thầy xin phép cho điệu đi… Còn tới hai tuần nữa điệu mới đi học lại mà.
Bầu trời bỗng chốc trong xanh diệu vợi. Trong khói lam chiều bàng bạc, dường như có áng mây trắng vừa bay qua. Mây trắng bay xa… mang theo cuộc hành trình đời người đến đi vào nơi xa khuất.