Voi trong tín niệm và truyện kể Phật giáo
voi
Bạch tượng/con voi trắng “lớn như một ngọn núi tuyết”
được sùng kính như một cỗ xe hoàng gia hay một ngôi đền ở khắp đất nước Ấn Độ,
Sri Lanka, Miến Điện và Thái Lan. Từ “bạch tượng” bắt nguồn từ thực tế rằng những
con voi trắng được cho là khó quản lý, cần phải chăm sóc chu đáo và tốn nhiều
phí tổn nuôi dưỡng. Tại nhiều khu vực, nhất là tại các khu vực có gió mùa, voi
trắng được xác tín là điềm lành, đem lại những cơn mưa thuận gió hòa và mùa
màng bội thu; đó là phúc lành Trời cho. Tín niệm này đặc biệt phổ biến ở Thái
Lan, Lào, Campuchia.
I.
Con voi trong tín niệm Hindu
Trong Phạn ngữ, con voi được gọi là hastin, có nghĩa “bàn tay chiếm hữu” (Phạn: gaja,
hastin, hasta). Thuật ngữ này ám chỉ chiếc vòi voi uyển chuyển khéo léo, có
thể tóm lấy mọi vật và truyền thuyết về sự sáng tạo ra loài voi là từ bàn tay của
thần Brahma.
Con voi là vật cưỡi của các bậc vua chúa và trước hết
là của Thiên đế Indra. Như vậy, voi tượng trưng cho uy quyền đế vương. Voi còn
là tên gọi của thần Shiva khi nói về những chức năng tối thượng của thần. Cùng
với những biểu tượng khác, voi được ở gần thần Vâsudeva – Vishnu, chúa tể của
ba thế giới, chứng tỏ con vật này có quyền tối thượng trên thế gian. Tác động của
vương quyền khi ổn định là mang lại hòa bình, thịnh vượng; uy quyền của voi (mâtangi) là ban cho những ai cầu khấn nó
có được tất cả những gì họ mong muốn. Vì Indra cũng là thần giông tố nên voi
mang trên đầu một viên ngọc sáng chói như tia sét.
Tuy nhiên, “ngọc/ngọc
châu” của voi được xác tín rằng được tạo thành ở trên trán của các con voi
trắng; và những hạt ngọc đó được sử dụng để làm thuốc quý, gọi là gorochana.
Voi còn là biểu tượng, không phải là sự nặng nề, mà là
của sự ổn định, của tính chất bất di bất dịch. Trong Yoga, voi thuộc luân xa 1
(chakra mulâdhâra); vì vậy, tương ứng
với nguyên tố đất và với màu đất son.
Cũng như con bò đực, con rùa, con cá sấu và một số con
vật khác ở Ấn Độ và ở Tây Tạng, voi còn là con vật cõng thế giới: vũ trụ nằm
trên lưng con voi và với tư cách con vật cõng vũ trụ, voi hiện hình thành loại
“tượng trụ” của rất nhiều đền đài. Voi được coi là một con vật vũ trụ vì chính
thân hình nó có cấu trúc của vũ trụ: bốn cây cột chống đỡ một khối cầu…(1).
Tám con voi đỡ chiếc ngai của Akshobya/A Súc Bệ Phật tương
đồng với lục địa Ấn Độ như là trung tâm của vũ trụ, từ khi lục địa này được
miêu tả trong thần thoại Veda được chống đỡ bởi tám con voi.
Ở Ấn Độ thời xa xưa, những con voi chiến huấn luyện,
đào tạo như là một trong bốn chi (Phạn: caturanga)
hoặc các sư đoàn quân đội và chúng được huấn luyện chịu đựng mọi thương tích/tổn
hại của chiến tranh, xung đột. Người quản tượng được thuê dùng một sợi dây
thòng lọng và gậy nhọn nhằm thúc voi để thuần hóa và kiểm soát những con voi của
họ.
Trong truyền thống Hindu, Ramayana đề cập mẹ voi là Iravati. Theo Matangalila, Airavata được sinh ra khi thần Brahma hát những bài tụng
ca thiêng liêng trên một nửa vỏ trứng của một Garuda đã nở; nó có đám tùy tùng
gồm bảy con voi đực và tám con voi cái. Prithu(2) (Trong kinh văn Veda,
Prithu được xem như là hóa thân của vị thần bảo tồn Vishnu. Ông là vị vua của
cõi đất) lập Airavata là vua của loài voi. Một trong các tên gọi của Airavata
mang nghĩa “kẻ kết nối hay trói buộc những
đám mây”, bắt nguồn từ thần thoại cho rằng các con voi đó có khả năng sản
sinh ra mây. Sự nối kết giữa những con voi với nước và mưa được nhấn mạnh trong
thần thoại về thần Indra, ngài cưỡi trên voi Airavata khi đánh bại Vritra. Con
voi hùng mạnh này vươn vòi đến nơi chứa nước bên dưới thế giới/âm ty, hút lấy
nước và rồi phun vào những đám mây, để thần Indra sau đó gây mưa mát lạnh về
phía trước. Đó là sự liên kết nước của trời với nước của thế giới bên dưới/địa
ngục/âm ty.
Airavata cũng đứng tại cửa ngõ/lối vào cõi thiên đường
Svarga, cung điện thần Indra. Bên cạnh đó, tám vị thần bảo hộ chủ trì mỗi hướng
ngồi trên một con voi. Mỗi vị thần đó có một con voi tham gia vào chức năng
phòng thủ và bảo vệ ứng với một phần tư cõi thiên đường. Thủ lĩnh của chúng là
Airavata của thần Indra.
Voi báu là một trong bảy báu của Chuyển Luân vương (bánh
xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, ngọc nữ báu, quan chủ kho báu, tướng quân
báu), và đôi khi được miêu tả như có sáu ngà. Những tương quan đó của voi báu với
Airavata, con voi đực trắng sáu ngà
vĩ đại, vật cưỡi của thần Indra. Từ nguyên tên gọi Airavata xuất phát từ từ ngữ tiếng Phạn “iravat”, có nghĩa “sản sinh từ
nước”, ám chỉ sự xuất hiện từ khuấy biển sữa. Ganesh, sở hữu chiếc đầu người
bị chặt bởi cái nhìn chằm chằm của Shani (Thần Nông), là người con trai cả của
thần Shiva. Trong sự tuyệt vọng, thần Shiva đã thay thế đầu cho con trai mình bằng
cái đầu của sinh vật sống đầu tiên mà thần tình cờ gặp phải và đó chính là chiếc
đầu của voi Airavata. Vị thần đầu voi Ganesh được biết đến như “người loại trừ
mọi chướng ngại” và danh xưng này bắt nguồn từ khả năng của voi: có thể thông
những con đường rừng bằng vòi và ngà của nó(3).
Airavata(4)
là con voi trắng thần thoại, vật cưỡi của vị thần Hindu Indra. Nó cũng được gọi
là “Ardha-Matanga” có nghĩa “con voi của những đám mây”; “Naga-malla” mang nghĩa “con voi chiến”; và “Arkasodara” có nghĩa “người anh em của mặt trời”. Airavata có
bốn ngà, bảy vòi, và thuần một màu trắng. Airavata cũng là người con trai thứ
ba của Kashyap và Kadru. Ngài được biết như một con rắn quyền năng. Mặt khác, tại
Darasuram gần Tanjore có một điện thờ, nơi đó được xác tín rằng Airavata được
thờ như Lingam; Lingam là tên gọi sau
khi nó được gọi là Airavateswara. Điện
thờ này được tạo tác sắc sảo về điêu khắc và kiến trúc; nó được Rajaraja Chola
II (1146-73) xây dựng.
Erawan (từ Pali: Eravana,
hay Phạn: Airavana) là tên gọi Thái
Lan của Airavata. Nó thể hiện một con voi lớn với ba hoặc đôi khi ba mươi ba
cái đầu và đa phần là có hai ngà. Một vài tượng thể hiện vị thần Hindu Indra cưỡi
trên Erawan. Nó đôi khi nối kết với vương quốc Lan Xang, cố đô của Lào. Người
ta sử dụng Erawan phổ biến hơn như “con voi ba đầu” trong cờ hoàng gia của
mình.
Ở Angkor, ở đông Mebon và nhất là ở Bakong, voi cũng
được đặt ở các vị trí đứng chầu ở các cổng đền hướng ra bốn phương, tương tự
như voi được thể hiện ở các mạn-đà-la của Phật giáo Mật tông. Điều đó biểu thị
quyền thống trị của trung tâm vương quyền đối với mọi phương của thế gian.
II.
Con voi trong tín niệm Phật giáo
Trong kinh điển thường nhắc đến voi, ví như dùng vua
voi/voi chúa/tượng vương để dụ cho Đức Phật hoặc coi Đức Phật như vua của muôn
voi (tượng vương/voi chúa). Dựa vào ghi chép trong quyển số 31 sách Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh, Phật có cử
chỉ như vua voi, bước đi tựa như vua khổng tước, dáng mạo tựa như vua sư tử.
Trong quyển hạ sách Vô lượng thọ kinh
có chép, Bồ-tát giống như vua voi, vì thế rất giỏi điều hòa chế phục.
Còn bạch tượng chỉ con voi toàn thân đều màu trắng. Vì
voi có uy lực lớn mà tính tình lại nhu thuận, cho nên Bồ-tát khi vào thai mẹ,
hoặc cỡi voi trắng 6 ngà, hoặc hiện hình voi trắng, biểu thị Bồ-tát có tính thiện
nhu hòa mà có thế lực lớn; 6 ngà của voi trắng biểu thị cho Lục độ, 4 chân biểu
thị Tứ như ý túc. Giấc mơ này có lẽ biểu thị rằng đứa trẻ đã được trù định từ
trước sẽ trở thành Phật. Điều cảm nhận đầu tiên này bắt nguồn từ thần Indra. Ví
như Bồ-tát Phổ Hiền cỡi voi trắng, để biểu thị lòng từ rộng lớn(5).
Kinh Quá khứ hiện
tại nhân quả 1 (Đại 3, 624 thượng) ghi: “Bấy giờ, Bồ-tát thấy đã đến lúc giáng thai, liền cỡi voi trắng 6 ngà ra
khỏi cung Đâu Suất, vô lượng chư thiên trỗi các kỹ nhạc, đốt danh hương, rải diệu
hoa theo sau Bồ-tát”.
Kinh Ma-ha chỉ quán
2, phần đầu (Đại 46, 14 thượng) ghi: “Voi
trắng 6 ngà chỉ 6 thần thông vô lậu của Bồ-tát. Ngà giúp cho voi di chuyển
nhanh chóng thông suốt. Voi có nhiều sức mạnh biểu thị khả năng gánh vác của
Pháp thân. Trắng là biểu thị tánh vô lậu vô nhiễm”.
Chư tôn có liên quan đến loài động vật này có: Bồ-tát Phổ Hiền, tôn hình tựa voi, thể
hiện lý trí, hành chứng tương ứng; Bồ-tát
Hương Tượng, hàm ý là hương tỏa khắp, không có chướng ngại. Hương tượng, đại diện cho chư hành quả
mãn; Đại Thánh Hoan Hỷ hình voi bụng
lớn, thiếu một ngà, có tay cưỡi chuột. Con voi trắng quý báu là vật cưỡi/cỗ xe
cho nhiều vị thần Vajrayana/Kim Cang thừa.
Đặc biệt, con voi là vật cưỡi/cỗ xe của Akshobya/A Súc Bệ Phật, Phật “bất động”
màu xanh dương ở trung tâm hay phía Đông và vị chủ tể của gia đình kim cương (Vajra).
Trong một số biểu tượng vũ trụ (mandala) của Mật tông, ta thấy voi chầu ở các cổng hướng ra bốn phương.
Con voi ở Tây Tạng gọi là glang-chen.
Đức Phật ví trí óc vô kỷ luật/không khuôn phép là một
con voi hoang và tư tưởng chủ đạo này sau này được áp dụng trong rèn luyện thiền
định shamatha (Tây Tạng: zhi-gnas) hay “điềm tĩnh không thay đổi”. Trong biểu đồ giúp trí nhờ minh họa
“chín giai đoạn” của sự điềm tĩnh không đổi thay, con voi đen hoang dã được sử
dụng làm biểu trưng cho trí óc vô kỷ luật/không khuôn phép. Khi sự thành thạo
trong các giai đoạn của shamatha, sự
thiền định phát triển từ con voi đen này dần dần chuyển sang trắng, và người tu
sĩ đầu tiên theo đuổi nó để cuối cùng trở thành bậc thầy. Sợi dây thừng và chiếc
gậy nhọn mà người tu sĩ sử dụng để đạt tới chính sự khuất phục đó biểu trưng sự
quán tưởng và quá trình tiệm ngộ.
Các vị thần phẫn nộ thường mặc những tấm da voi tươi
nhuốm máu ngang lưng, thuộc tính này đôi khi được ám chỉ như “da của thần Indra”. Tấm da voi tươi này
biểu trưng vị thần “đã xé nát ra từng mảnh
sự ngu dốt của con voi”, một chủ đề tương tự biểu thị con voi như là tâm
trí không thuần dưỡng. Da voi, da người và da hổ trang trí trên các vị thần phẫn
nộ biểu trưng hóa cho sự tiêu hủy, chế ngự gốc rễ của tam độc tham, sân, si(6).
Trong số các sinh vật cư ngụ trong thế giới hữu tình của
chúng ta, voi là con vật thường hay được thể hiện ở miền Bắc Thái Lan. Trong truyền
thống, những con voi không chỉ là vật cưỡi của các vị vua và hoàng tử mà cũng
là con vật thồ cho việc đốn gỗ cũng như một vũ khí cần thiết cho chiến tranh.
Các ghi chép thuật lại rằng phần lớn một con voi cái cùng hai con voi đực bị
thúc đẩy bởi những người quản tượng, khóa chiếc ngà và cố để đạp đổ con kia.
Voi cũng được nối kết nhiều với Phật giáo: Đức Phật được gán cho cả hai, gồm một
con voi trắng và một con voi thường ở tiền kiếp. Nghĩa đen và ẩn dụ con voi là đấng
hỗ trợ của Phật giáo.
Trong suốt thời kỳ Lan Na, những con voi, cả dạng tượng
toàn thân ở lối vào, hoặc chỉ là đầu voi chống đỡ nơi đế bệ của các tháp tưởng
niệm. Trong cùng kiểu, chúng được trang trí như các hình ảnh của các đôn bệ.
Các bức tượng miêu tả voi trắng đặc biệt được tôn kính
ở Thái Lan. Voi xuất hiện không chỉ như một người bảo hộ mà còn là sức tải trọng
cao nhất, đặc biệt hiệu quả trên các vật nặng nề.
Một vài bức tượng thể hiện súc vật thồ quý tộc đó mang
di vật thiêng hay hình ảnh Đức Phật. Ghi chép đề cập rằng các di vật hoặc một
hình ảnh thiêng liêng cụ thể có thể được mang trên lưng voi. Đôi khi, con voi
được để đi thơ thẩn cho đến khi nó dừng lại nghỉ ngơi, bằng cách đó để quyết định
nơi chốn để sinh sống(7).
III.
Con voi trong truyện kể Phật giáo
Trong các truyện kể Phật giáo, voi vốn gắn liền với Đức
Phật, từ các tiền kiếp, đến việc đầu thai sinh ra làm thái tử Tất Đạt Đa, đến
quãng đời tu tập trong rừng lẫn khi đã đắc đạo, giáo hóa chúng sinh.
1.
Trong các truyền thuyết Phật giáo, Truyền
thuyết về cặp ngà của con voi hay
Chuyện voi chúa đức hạnh (Tiền thân Silavanaga) đặc biệt phổ biến. Truyện
kể rằng: Thuở nọ, Bồ-tát được sinh ra là một con voi và sống yên bình
trong rừng. Một người thợ săn, lạc đường trong khu rừng này, cầu xin Bồ-tát chỉ
cho hắn lối ra, hứa không tiết lộ sự tồn tại của Bồ-tát. Khi người thợ săn trên
đường trở về nhà, hắn gặp một người buôn ngà, khiến hắn nảy sinh ý định có được
cặp ngà của con voi mà hắn vừa mới gặp. Người thợ săn quay trở lại tìm con voi
và cầu xin cặp ngà. Với lòng trắc ẩn, con voi Bồ-tát đồng ý để người thợ săn
cưa cặp ngà. Sau khi người thợ săn có được tiền từ bán chiếc ngà đầu tiên, hắn
quay trở lại xin lấy những chiếc ngà còn lại và con voi Bồ-tát cho phép tên thợ
săn cưa chiếc ngà còn lại một lần nữa. Cuối cùng, tên thợ săn tham lam quay trở
lại lần thứ ba xin các chân ngà của con voi Bồ-tát. Tuy nhiên, khi hắn thực hiện
hành động độc ác và rời đi, mặt đất chuyển động và nứt ra hút tên thợ săn thẳng
xuống địa ngục thấp nhất.
Dị bản khác của câu chuyện này lại kể rằng: …Người thợ
săn quay trở lại tìm con voi và cầu xin một trong hai chiếc ngà hoàn hảo kia. Với
lòng trắc ẩn, con voi Bồ-tát đồng ý để người thợ săn cưa một chiếc ngà. Sau khi
người thợ săn có được tiền từ bán chiếc ngà đầu tiên, hắn quay trở lại lấy chiếc
ngà còn lại và con voi Bồ-tát cho phép tên thợ săn cưa chiếc ngà còn lại một lần
nữa. Cuối cùng, tên thợ săn tham lam quay trở lại lần thứ ba giết con voi Bồ-tát
để nhổ răng hàm. Và với kết thúc như trên.
2. Vessantara Jataka là Jataka phổ biến nhất trong
nghệ thuật khắc chạm và bích họa của cộng đồng Phật tử ở các quốc gia Phật giáo
Nam truyền. Nó tán dương cao độ hạnh rộng lượng, bố thí và xả bỏ. Và việc thái
tử Vessantara bố thí con voi trắng, vật đem đến những cơn mưa mang nước cho đồng
ruộng và sự an toàn, thịnh vượng cho vương quốc đã khiến vua cha buộc phải lưu
đày chàng.
3. Trong các câu chuyện về Cuộc đời Đức Phật thì con voi được đề cập trong Giấc mơ của hoàng hậu Maya chính là hóa
thân của Đức Phật. Chuyện kể như sau: Hoàng hậu Maya và vua Tịnh Phạn đã không có con
trong 20 năm đầu hôn nhân. Theo truyền thuyết, vào một đêm trăng tròn, khi đang ngủ trong hoàng cung, hoàng hậu đã có một
giấc mơ đẹp kỳ lạ. Bà cảm thấy được chở đi bởi 4 thiên thần đến hồ Anotatta bên
dãy Himalaya. Sau khi tắm trong hồ,
các thiên thần đã mặc cho bà bộ quần áo của cõi trời, xức dầu thơm, và trang điểm
cho bà bằng những bông hoa tuyệt đẹp. Ngay sau đó, một con voi trắng, giữ một bông hoa
sen trắng bằng vòi xuất hiện và đi vòng quanh bà 3 lần, đi
vào dạ con của bà từ phía bên phải. Cuối cùng, con voi biến mất và
hoàng hậu thức giấc. Bà biết rằng bà đã mang một thông điệp quan trọng, vì voi là biểu
tượng thiêng liêng ở Ấn Độ.
4.
Trong truyện Kỳ tích khu rừng Parilyyaka
thì voi là một con vật mộ đạo. Truyện kể: Khi Đức Phật đến ẩn dật ở rừng
Parilyyaka, gần Kosambi, ở đó, Ngài được chăm sóc bởi một con voi và một con khỉ.
Nhờ sự mộ đạo, giúp đỡ và tôn kính với Đức Phật, chúng lập tức gần như đạt được
sự tái sinh từ điều kiện bất hạnh của loài thú: không phân biệt cái tốt và cái
xấu. Sự kiện này thường được thể hiện trong cảnh trí một khu rừng: Đức Phật trầm
lặng ngồi trước một con khỉ đang dâng cúng mật ong và một con voi dâng tiến đường
thốt nốt trong một ống tre rỗng.
5.
Ngoài ra, trong câu chuyện Những tội ác của
Devadatta và sự khuất phục Nalagiri, voi biểu thị cho sức mạnh hung bạo. Truyện
kể: Devadatta là người anh em họ đối địch của Đức Phật. Đầu tiên, y thuê người
ám sát Đức Phật, nhưng kẻ ấy cuối cùng được Đức Phật giảng giải để cải đạo cho y.
Sau đó, Devadatta lăn một tảng đá từ trên núi nhằm đè nát Đức Phật, nhưng tảng
đá bị vỡ ra làm hai, chệch khỏi Đức Phật. Sau đấy, Devadatta chuốc say con voi
chiến Nalagiri bằng rượu và thả nó tự do chạy hoang dại trên những con đường của
thị trấn, gây kinh hoàng trong dân chúng. Đức Phật vẫn điềm tĩnh, ngăn con vật lại
với lòng nhân từ và khiến nó nhẹ nhàng quỳ gối trước chân Ngài vì Ngài có thể cứu
giúp nó khỏi sự thịnh nộ giết chóc(8).
Nhìn chung, trong các truyện dẫn trên, chúng ta thấy
voi tồn tại ở cả dạng linh vật thần kỳ lẫn dạng voi còn mang nhiên tính của nó,
được dùng để diễn đạt một sức mạnh hung bạo (voi điên Nalagiri) hoặc dùng để biểu
đạt sự chuyển hóa biểu thị đức hạnh của bậc Bồ-tát hay của chúng sanh hướng thiện.
HUỲNH THANH BÌNH
Chú thích:
(1)
Jean Chevalier, Alain Gheerbrant. Từ điển
biểu tượng văn hóa thế giới. NXB.Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, 1997,
tr.993-995.
(2)
Huỳnh Thanh Bình. Thần
Đất trong các điện thờ Phật giáo.
Nguyệt san Giác Ngộ số 200,
11-2012; tr.60-73.
(3)
Robert Beer. The handbook of Tibetan
buddhist symbols, Shambhala xb, 2003, tr.60 – 62.
(4) Xem: - Dowson,
John . A Classical Dictionary of Hindu
Mythology and Religion, Geography, History, and Literature. Trübner & Company xb, 1870, tr.180.
- Reynolds, Frank E. Three worlds
According To King Ruang: A Thai Buddhist Cosmology. Berkeley xb, 1982.
- Goswamy,
B.N. The
Spirit of Indian Painting: Close Encounters with 100 Great Works 1100-1900, Penguin Books xb, 2014.
(5)
Xem: - Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển
Phật học Huệ Quang, tập 1: A-B, 1994, tr.373.
- Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 8: T,
tr.7455.
(6)
Robert Beer. Sđd.
(7)
Carol Stratton. Buddhist sculpture of
northern Thailand. Silkworm books, 2004, tr.360-361.
(8)
Xem: - Tuệ Chân (sưu tầm & tuyển soạn). Truyện
của tiền thân đức Phật Thích Ca. NXB.Tôn Giáo.
- Tỳ-kheo Thích Minh Châu, Nguyên Tâm Trần
Phương Lan, Trần Tuấn Mẫn dịch. Chuyện tiền
thân Đức Phật. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 199, 1992.
- Vittorio
Roveda, Sothon Yem. Buddhist painting in
Cambodia. River book xb, 2009.
- Miranda Shaw. Buddhist Goddesses of India by Miranda
Shaw, 2016.
- Narada
Maha Thera, Phạm Kim Khánh dịch. Đức Phật và Phật pháp. NXB.Tôn Giáo,
2010.
Chú thích hình:
H1: Voi Airavata, hiện vật bảo tàng Lacma, vào khoảng
những năm 1670-1680, Ấn Độ
H2: Bích họa thể hiện câu chuyện Những tội ác của Devadatta và sự khuất phục Nalagiri, chùa Âng, Trà
Vinh
H3: Bích họa thể hiện câu chuyện Giấc mơ của hoàng hậu Maya, chùa Điệp Thạch, Trà Vinh
H4: Bích họa thể hiện câu chuyện Thái tử Vessantara bố thí bạch tượng, chùa Giồng Lức, Trà Vinh
H5: Bích họa thể hiện câu chuyện Kỳ tích khu rừng Parilyyaka, chùa Tà Dung dưới, An Giang
H6: Chạm khắc thể hiện câu chuyện Giấc mơ của hoàng hậu Maya, tháp Bharhut, thời kỳ Shunga, 100-80
trước TL, Ấn Độ
H7: Bạch tượng, cung điện hoàng gia Thái Lan
H8: Đức Phật tọa trên voi, Miến Điện.
H9: Bích họa thể hiện câu chuyện Sự khuất phục Nalagiri, chùa Chén kiểu, Sóc Trăng.