Đọc thơ BÍCH BỬU

doc thoĐặng Công Hanh

Trở lại Sài Gòn lần này, tôi có dịp đến thăm gia đình người bạn học cũ từ đầu thập niên 60, thế kỷ trước, anh Đoàn Ngọc Tri và hiền thê, chị Bích Bửu. Thời gian khá lâu, nên những ký ức thời học chung lớp gần như vùi lấp trong lớp bụi mù phố thị, nhạt nhòa bởi tiếng vọng từ hí trường giả dối, bập bềnh theo những giá trị phù hoa không thực chất. Tôi hơi bối rối trước gia sản “đồ sộ” của anh chị – cái gia sản trải rộng theo chiều ngang, một chiều kích mà theo tuyệt đa số mang ý nghĩa chinh phục: tình yêu và hạnh phúc là lẽ sống; hoặc tiền tài danh vọng, hoặc quyền lực là lẽ sống. Tất yếu là tự đày đọa tâm trí, làm khổ lụy hình hài để đuổi bắt những gì được xem là “vị ngọt” , là tinh hoa đời sống.

Tuy nhiên, mỗi người ẩn chứa trong tự thân một “kho báu”  vô tận, có thể tự mình vạch một lối đi riêng, không lần bước theo vết mờ của những người đi trước, bước ra khỏi bóng đêm của rừng rậm, để chính bằng đôi mắt của mình, nhìn thấy rõ con đường đang đi chạy theo phương vị nào.

Chập chờn giữa cuộc nhân sinh

Ngàn vạn ức triệu… như hình số không

                                                                            (Phép tính cuộc đời)

Nhà thơ Bích Bửu, thay lời hôn phu đã nói như thế trong hai câu thơ không màu sắc, không hoa mỹ, nhưng rất mạnh mẽ, rất khí phách trong triết lý sống thực. Bởi vì, tuyệt đa số con người đều hướng ngoài để tìm cầu, săn đuổi không ngừng nghĩ và dần dà bị tha hóa, bị vong thân, sống với “mặt nạ bản ngã“, mà tưởng lầm đó là mình thật. Và chung cuộc làm người khách phong trần, mỗi ngày mỗi xa cách quê hương. Quê hương là nói đến hoài vọng trẻ trung, nơi ngụ ẩn tình của lịch sử. Đây là cõi lưu đày miên viễn cho tất cả chúng ta, có phải?

Chị than thở thế thái nhân tình

Con chuồn chuồn biết báo mưa, báo bão

Sao con người lại nguội lạnh dững dưng?

(Có)

Trong một thoáng nghĩ tôi tự hỏi, bây giờ thực tế anh chị đang gặt hái những thành công và rất thành công trên đường đời. Nếu nghĩ lại những năm tháng tuổi trẻ, nhảy qua hố thẳm, tích tụ đầy bóng tối của thời gian, anh có cho rằng mình đuổi bắt ảo ảnh. Và giữa hai đoạn đời như thế, thật sự đâu là ảo ảnh?

Hiền thê của anh, nhà thơ Bích Bửu, rất bình dị trong đời sống. Hóa ra, sự bình dị ấy, cùng với tháng ngày trôi đi trong thầm lặng, mà từ trong sâu thẳm, tận cùng của sự bình dị ấy là một khoảng trời trầm mặc bao la của vĩnh cửu, bổng thấy rạo rực với những ảo ảnh chập chờn, nghe đâu đó có tiếng thì thầm:

Tình yêu huyền ảo, mong manh quá

Chiều sẽ tàn theo bóng tịch liêu!

(Bước thời gian)

Ý  thơ của chị đẹp kinh hồn. Nó ngâm vang từ một phương trời đồng vọng xa xăm, cơ hồ như chập chờn theo nỗi thăng trầm kiếp nhân sinh, bên lề cuộc  tồn sinh.

Một kiếp người lang thang

Qua bao nhiêu ngày tháng

Rồi đi đâu? Về đâu?

(Thiên nhiên và phận người)

Đó là một câu hỏi đặt ra từ thuở hồng hoang, mọi người đi tìm câu trả lời trong các tôn giáo, trong các triết học. Người làm thơ đi tìm giải đáp trong những mảnh vụn của đời sống thường nhật: ưu tư, khắc khoải, sầu muộn, những ngôn từ chất đầy bóng tối não nùng trong các vầng thơ.

Trong cả tập thơ, trong mỗi bài thơ, tôi nhặt từng hạt sương, mà chợt nghe lạnh giá, bởi vì đâu đó trong hoài niệm xa xôi, trong đôi mắt u hoài đó, một đoạn đời đã thành thiên cổ.

Cha mẹ phân thân vào con từng mảnh

Thương mẹ cha!

Con giữ các mảnh ghép không rời.

Lời mẹ ru, lời cha dạy thuở còn bé bỏng để nghe và nhớ, cơ hồ như những hoài niệm mông lung về một quá khứ huyền thoại hoang sơ, nó chập chờn thoáng hiện trong từng khoảnh khắc suốt cả một đời thăng trầm dâu bể.

Lớn lên theo năm tháng, như dòng suối trôi chảy qua bao nhiêu bến bờ hoang vu, tĩnh lặng, rồi bất chợt đổ xuống ghềnh thác, qua phố thị tràn ngập khói lửa. Phố thị với những khủng hoảng cơ giới. Rồi những đêm theo dõi bóng trăng mờ, tìm về “ngõ cũ, vườn xưa, nhà vắng lạnh / Đâu người ruột thịt đợi con về”.  Sự sống được nuôi dưỡng, được lớn lên trong những chuyển động hồn nhiên và dung dị như thế

Hơn hai vạn ngày con đã sống

Hai phần đời người

như giấc mộng thoáng qua.

…. ….  …..

Còn cả vạn ngày tiếp sau, con bổng sợ

Biết làm sao, khi đời là phiên chợ mãi đông

Còn gì nữa chăng?

Bám vào bụi bờ, rong rêu.

làm sao con trụ vững

Giữa mênh mông bão tố của cuộc đời

(Tâm sự cùng cha)

Vẫn còn ngân vang mãi. Ấy là vì trong dòng biến dịch, thời gian hóa thân thành lịch sử, mà lịch sử lại tiềm ẩn dậy sóng tình – thù. Nhà thơ bị ném vào cuộc nhân sinh, âm thầm ghi dấu phong ba của thời đại.

Chong đèn mong nối ngày dài thêm

Ta với đèn thao thức lặng im

(Bước thời gian)

Thăng hay trầm trong cuộc sống, cái đó không làm ra thơ, không tạo dựng nỗi cõi thơ trong tâm hồn tác giả. Thơ có thể mở rộng. Thơ là cánh nhạn lạc bầy, đi tìm kiếm quê hương, mà quê hương vẫn đồng vọng trong cách điệu không lời. Đứng bên này mà vọng đến bên kia, con mắt mõi mòn trông đợi, thế là lao tâm khổ trí, là quằn quại hình hài. Quê hương với ân tình thắm thiết, mới thực là đọa đày viễn mộng khách tha hương.

Có phải thế chăng?

Năm tháng bon chen nơi đất khách

Phút giây thầm lặng giữa quê hương

(Ngày trở về)

 Lời thơ quả là dung dị và chí thành. Nơi đây ta nghe được tận cùng những phấn đấu gian khổ của tồn sinh, những phẫn nộ thì không và những ngậm ngùi cay đắng của tồn sinh thì có. Cõi thơ của tác giả vì vậy mà mang mang heo hút. Sầu khổ thì có mà sầu hận thì chẳng bao giờ. Đó là một điểm nhỏ trong thơ, mà là điểm cốt tủy trong cái phong vận tao nhã bao la, điềm đạm, thấm đậm nồng nàn trong cõi nhân sinh của nhà thơ Bích Bửu.

– Nếu cha hỏi: nơi cõi trần ô trọc

  Con ngược xuôi vui buồn,

                                        khổ nhọc ra sao?

  Thưa cha! Con muốn thân tâm an lạc

                           thanh cao

– Nếu cha hỏi: trong tâm hồn, cuộc sống

  Con có hận thù, mơ vọng cao xa?

  Thưa cha! Con thích cuộc đời bình dị,

                                                 an hòa

 Được tươi thắm như cỏ hoa chào

                                                        nắng sớm?

                                                              (Nếu cha hỏi)

“Nhất thiết hữu vi pháp, như huyễn, mộng, bào, ảnh”. Hiện hữu của thế gian như hoa đốm giữa trời, không từng có sinh khởi, không hề có hủy diệt, chỉ đều do tương quan. Quả thật, chúng ta vốn chỉ quen với những giá trị được nhận thức bởi mắt, tai… Vượt qua giới hạn đó, là thế giới huyễn hoặc, không tưởng. Chúng ta tương tự như con cá, nghe những gì con rùa kể chuyện lại, sau chuyến du lịch trên mặt đất liền, cho rằng đó là chuyện bịa đặt. Đối với con người thì sao, khi những gì người khác tư duy và nhận thức khác ta? Chắc là trầm trọng lắm! Nhưng chúng ta mong đợi tấm lòng bao dung quảng đại của họ.

Vượt qua định kiến hình thành từ nhận thức thường nghiệm, giới hạn các quan năng, để tiến tới những giá trị tâm linh phổ quát, đó là thuận tự trong quá trình tu dưỡng để khai phóng tâm tư. Đây cũng là điều kiện cơ bản cho một thế giới có hòa bình.

Với tâm chí thành và những suy niệm khá nghiêm túc. Nếu đời người là một cuộc hành trình từ sinh đến tử, thì vọng ngã (tâm thức) hình thành trong quá trình này. Chị viết “Ta tham lam / Ta lo lắng / Ta cay đắng / Ta giận hờn / Ta biết được nhiều hơn / Ta cần luôn chiến thắng… Ta ơi! bạn ơi! Hãy thảnh thơi suy gẩm!”.

Cái “vọng” là cái “có thật” vì nó làm điên đảo cuộc đời này. Quả thật hàng ngày chúng ta sinh hoạt với vọng ngã này. Vì có tồn tại ý niệm về bản ngã thì mới duy trì sự sống được, nên thức ăn của nó chính là phiền não

Thơ chị viết rằng:

Nghe bao nỗi khổ, nỗi buồn

Ghé vai, tâm sớt, yêu thương cho đời

Tâm người đặt ở nhiều nơi

Óc, tim, tai, mắt, miệng, rồi hai vai…

Đây chỉ là một đoạn trích trong bài thơ gồm 16 câu, phân 4 đoạn: “Vị trí của tâm“. Qủa thật công phu – nhà thơ hình như “tự đốt đuốc lên đường mà đi”, thể hiện một bản lãnh người chống cây “gậy của Đạo” mà bước trong chốn hồng trần. Bài thơ có phân tích rành mạch, nhưng có thể khái quát theo  Phật học là có “7 thức tâm, y cứ trên 6 trú căn”. Năm căn đầu có điểm tựa rõ ràng, còn ý căn nằm ở đâu trong thể này?. Đây là vấn đề “bí hiểm, gay cấn” từ ngàn xưa. Trong tạng A-Tỳ-Đạt-Ma (Abhidhamma) có nói rằng Đức Phật không xác định ý căn nằm ở đâu (trong não, trong tim), mà Ngài chỉ nói “y cứ trên sắc pháp này“, mà tâm khởi sinh. Điều này hé lộ cho ta về giáo lý duyên khởi, một tư tưởng độc nhất vô nhị làm nền tảng cho giáo pháp.

Từ trăng sao, vũ trụ, cho đến một hạt vi trần, thảy thảy đều duyên sinh, kết hợp. Lý tương duyên, tương sinh cho ta biết cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Từ ý nghĩa này, sự thật này, thì tâm – thức hay cái biết cũng do kết hợp mà có, nghĩa do duyên sinh. Chẳng hạn khi nhìn một chiếc lá, ta nhận biết là chiếc lá: tâm nhận biết chiếc lá có mặt do có nhãn căn tiếp xúc với chiếc lá (sắc). Rõ hơn, do sự vận hành của căn, trần và thức. Căn là lục căn, trần là lục trần và thức là lục thức. Tổ hợp lại thành 18 giới, là toàn bộ vận hành của người và vũ trụ. Chẳng có cái nào trước, cái nào sau, cái nào trong, cái nào ngoài, cái nào chủ, cái nào khách.

Y cứ trên sắc pháp này” nghĩa là tâm ở đó, khi nào ý thức, nhận thức có mặt. Ngài Đạt Ma dạy Huệ Khả chỗ này: “Tâm tán loạn, tuệ tri tâm tán loạn; tâm không an, tuệ tri tâm không an“. Chỉ tuệ tri như vậy thôi, không đánh giá,  không phê phán thì lúc đó mới gọi là thấy biết  rõ thực tánh. Như vậy, nếu tất cả duyên khởi đều được “tuệ tri như thực”. như tham, tuệ tri như tham; như sân, tuệ tri  như sân. Vậy chúng là chân, tâm  (biết như thực), làm gì có vọng. Nhà Phật gọi tâm vọng là vọng ngã. Đã nói đến chân tâm thì phải xét vọng ngã. Cái này soi sáng cái kia. Chân thuộc về tiên thiên, mọi người sau khi sinh ra đã sẵn có. Vọng thuộc hậu thiên. Vọng ngã là thành quả của sự nuôi dưỡng, của giáo dục và kinh nghiệm bản thân trong quá trình sống.

Đức Phật dạy rằng, cội nguồn của điên đảo khổ đau là vọng ngã. Vọng ngã che lấp chân tâm. Ta mù vì tâm vọng. Vọng ngã là hậu thiên do ta xây dựng nên trong quá trình sống.

Kinh Phật chỉ ra rằng cái biết (cái tâm) do duyên sinh trong sự vận động trùng trùng của căn – trần – thức. Và nếu duyên khởi thì đều là vọng, nghĩa là có duyên thì nó khởi. và khi khởi thì trùng trùng. Hơn thế nữa, trong tâm chúng sinh đang tích tụ vô lượng hạt giống, tốt có, xấu có, ở trạng thái năng lực ngầm ẩn (tùy niên kiết sử). Vậy nếu có khởi thì khởi làm việc lành, việc tốt, thọ trì tam quy, ngũ giới…

Tài sản quý trên đời là đạo đức

Là nghĩa nhân lễ trí tín làm người

Dù giàu sang, hay thất vọng lỡ thời

Các con nhớ giữ tấm lòng trung thực

(Gia tài cho con)

Thế gian triết lý, khoa học vật lý, văn hóa, xã hội, nhân sinh, kinh tế thị trường, thảy thảy đều đã ôm vật mà quên cả tâm chăng? Nói cách khác, thiên hạ đã chạy theo vật lý “với cảnh ngựa xe như nước, áo quần như nêm” mà bỏ quên đạo lý chăng? Nhà thơ Bích Bửu thì không, không cả cho gia đình và con cái. Sống trong tỉnh thức, tỉnh thức để buông xả. Tỉnh thức cũng là trực nhận vọng ngã. Trực nhận là sống ý thức ở mỗi thời điểm. Một thời điểm thì không đo lường được nên không thể diễn tả đầy đủ cái xảy ra ở thời điểm bằng lời. Nó vô ngôn, nhưng thực sự hiện hữu ở thời điểm nó xảy ra. Bản chất nó là phù du, qua nhanh như chớp, không nắm bắt được. Tỉnh thức là đốt ngọn đuốc bên trong, ánh sáng đến đâu là thấy đến đó. Tỉnh thức là luôn luôn cật vấn về chân và vọng.

*

* *

Lời Phật, Tổ đã dạy: ‘tùng Tướng nhập Tánh”. Thế nên, khi nghĩ đến cái gia sản “đồ sộ” đó, nó không những trải rộng theo chiều ngang, mà còn trải sâu theo chiều dọc. Bởi vì, thế giới của thơ hay cõi thơ và thế giới sống của người làm thơ không là một, mà chẳng phải hai.

Buồn vui với chính mình, với tình người, với tình đời, người làm thơ trong khoảnh khắc tan biến vào một thế giới hoang liêu. Hãy đi vào hồn thơ:  Nó là tiếng lòng, là cảm nghiệm riêng tư, cô đơn, cô tịch. Đừng nói bội lý, đừng nói phi lý vì nói vậy là nương vào lập định phạm trù của lý trí phân tích, lạnh lùng xơ cứng và mệt mỏi. Mỗi mỗi tâm – cảnh tương quan trùng trùng duyên khởi. Những cảm xúc vi tế, mong manh dễ nức, dễ vỡ ấy… nó làm ra thơ. Nó chính là thơ. Hoa nở đâu cần công phu, đâu cần kỷ xảo. Và trăng sáng kia đâu có cần tuyên ngôn, vị nghệ thuật hay vị nhân sinh!

Ánh trăng trong như lòng nhân ái

Xua tăm tối, gieo niềm tin hy vọng

… … …

Dưới trăng mờ, được tắm gội trong lành

Lòng hoan vui, thanh thản, yên lành

(Trăng khuya)

Thở ra, gấp sách lại, tôi không biết nói gì. Chỉ đọc, lắng nghe và cảm nhận. Đưa mắt nhìn qua cửa sổ thấy trăng rằm treo lơ lửng trên khoảng không mênh mông xanh biếc vô tận

Trầm luân từ buổi ban sơ

Thân sau ta vẫn bơ vơ bụi đường

                                             (Tuệ Sỹ)

 

Đà Nẵng, ngày 20/5/2016

Chia sẻ: facebooktwittergoogle