Người học Phật có thể hiểu sai và tu sai Tứ Diệu Đế

nguoi hoc phatLời thưa: Pháp thoại này tôi đã giảng tại Trung Tâm Sangha (Hội Phật Học Đuốc Tuệ) Huntington Beach, California, ngày 8 tháng 5 năm 2016, sau này, bà Ngọc Liên ở Pháp nghe và bỏ nhiều thì giờ để chép lại. Tâm đắc với thời pháp, bà đã tìm đến HKST để tu học.. Trong những ngày ở đây, bà đưa tôi xem bản chép tay và nhờ tôi chỉnh sửa lại, vì bà bảo khi nghe thì tiếng được tiếng mất nên sợ sai lạc về giáo pháp.

Cảm kích và trân trọng việc làm của một bà cụ đã gần 80 tuổi với mái đầu bạc trắng, tôi không thể chối từ - mặc dù tôi đã bỏ bút.

Tuy nhiên, dù đã cố gắng giữ lại tinh thần của “văn nói” nhưng cũng không tránh được hơi hám của “văn viết”; lại còn chỉnh sửa nơi này nơi khác nữa, xin chư độc giả lượng thứ.

 

Hôm nay gặp được chư đạo hữu, thiện hữu tri thức ở hội Phật học Đuốc Tuệ; và vì có lẽ đây là thời Pháp cuối cùng ở đất Mỹ, nên tôi muốn nói đến cái tinh hoa, cái cốt lõi của giáo pháp, cũng là cái nền tảng tu tập của mọi tông, mọi hệ phái Phật giáo; đó là đề tài: Người học Phật có thể hiểu sai và tu sai Tứ Diệu Đế”.

Kính thưa chư vị,

Nếu sự học hiểu về Tứ Diệu Đế không được chân xác, không được toàn diện về ngữ nghĩa thì sự tu tập của chúng ta có thể bị lệch hướng nếu không muốn nói là sai lầm. Vậy thì hôm nay, theo sự thấy biết của mình, hầu như cả một đời người, nhất là tu tập minh sát (vipassanā) tôi sẽ đem ra trình bày ở đây để cùng chia sẻ với chư thiện hữu trí thức.

Về đề tài Tứ Diệu Đế này, tôi sẽ khái lược trình tự qua ba điểm:

Thứ nhất, tôi sẽ thuật lại một cách tóm tắt, khái quát nhưng đầy đủ bài kinh Tứ Diệu Đế, mà bất cứ tông hệ phái nào cũng phải y cứ để học hiểu, để thực hành mong thấy được Sự Thật Khổ và Giải Thoát Khổ ra sao?

Thứ hai, tôi sẽ nêu ra một số thuật ngữ Pāḷi, nói về Tứ Diệu Đế nằm trong kinh Chuyển Pháp Luân mà từ trước đến nay có thể là không được hiểu chính xác, hoặc là không được hiểu một cách toàn diện, trọn vẹn mà sinh ra hiểu lầm.

Và thứ ba, cuối cùng, là chúng ta phải trang bị cho mình cái thấy biết, cái “tuệ tri” như thế nào để có thể tu tập Tứ Diệu Đế một cách đúng đắn, một cách như thực… nơi từng bước đi, đứng; khi ăn, nói, ngủ nghỉ và với tất cả mọi sinh hoạt, xử lí, giao tiếp trong đời sống thường nhật để giải thoát tất thảy khổ đau, tham sân, phiền não.

Là bài giảng rất quan trọng, nền tảng của giáo pháp nên chúng ta phải xem đây là vấn đề nghiêm túc cần những kiến giải chân xác. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, một phần dựa vào kinh điển, một phần dựa vào trải nghiệm riêng tư nên “kiến giải” của tôi không tránh khỏi chủ quan. Và chắc hẳn nó cũng không để dành cho đại chúng, và tôi cũng không bắt “đại chúng” tin và thực hành theo. Nó chỉ duyên với kẻ trí và với những ai cần cầu tu tập, mong thấy rõ “mặt mày của khổ đế một cách như thực”; và, giải thoát trần lao, phiền não cũng như thực.

Về Tứ Diệu Đế.

Thoát thai từ kinh Chuyển Pháp Luân.

Tôi xin kể lại là đức Phật sau khi giác ngộ, giải thoát, đắc quả Tam Minh nơi khu rừng Uruvelā; ngài để 49 ngày, tức là 7 tuần, bước tới bước lui, bước qua bước lại xung quanh cội bồ-đề. Trong 7 tuần này, ví như đức Phật đứng chiêm quan cội bồ-đề để tri ân nó đã từng che sương đỡ gió cho ngài. Cũng trong 7 tuần này, ngài đi sâu vào nội quán, xem xét lại vòng duyên khởi về chiều xuôi và chiều thuận như thế nào. Cũng trong 7 tuần này, ngài sử dụng tuệ quán thâm sâu để quan sát sự vận hành vi tế của tâm và tâm sở, của sắc pháp và của Niết-bàn. Sau này, cũng từ sự minh sát tế vi ấy nên đã hình thành tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma)…

Khi kiểm soát, xem xét lại toàn bộ giáo pháp vừa chớm nở trong tâm, đức Phật ngần ngại và do dự không đi chuyển pháp vì nó quá thâm sâu và vi tế không dễ gì thế gian với đôi mắt quá nhiều bụi cát có thể lãnh hội được. Sau đó có một cuộc đối thoại với vị Phạm Thiên tên là Sahampati, đức Phật mới quyết định rời cội bồ-đề vì lợi ích cho chư thiên và nhân loại.

Bài pháp đầu tiên đức Phật thuyết để độ cho 5 thầy Kiều Trần Như tại vườn Lộc Giả là bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta). Sau bài giảng, ngài Kiều Trần Như là người đầu tiên đắc quả. Rồi bài thứ hai là kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhana sutta), đức Phật thuyết tiếp thì tất cả lần lượt năm vị đều đắc quả A-la-hán, trở thành những vị tỳ-khưu A-la-hán đầu tiên trong giáo hội của đức Tôn Sư.

Về Những “Sự Thật” Trong Tứ Diệu Đế.

Bài kinh Chuyển Pháp Luân, trong đó nói rất rõ ràng, rất rộng rãi về Tứ Diệu Đế. Ariyasacca được dịch là Diệu Đế. Trong cụm từ này, Ariya có nghĩa là cao thượng, là vi diệu; Sacca là đế là chân lý, là Sự Thật. Và Sự Thật đầu tiên là Sự Thật về Dukkha (Dukkha Sacca); Sự Thật thứ hai là Sự Thật về Nguyên Nhân (Samudaya Sacca); Sự Thật thứ ba là Sự Thật về Tịch Diệt, vắng lặng (Nirodha Sacca); Sự Thật thứ tư là Sự Thật về Con Đường (Magga Sacca), nghĩa là con đường đi đến nơi chấm dứt tất thảy Dukkha.

Tại sao tôi lại “để nguyên” từ Dukkha mà không dịch nó ra tiếng Việt? Tôi để nguyên từ Dukkha, thay vì từ lâu tất cả mọi kinh sách đều dịch Dukkha là khổ. Tôi không dịch Dukkha là Khổ - Khổ Đế - như từ xưa đến nay là có lý do chánh đáng.

Và vì từ trước đến nay, mọi người hiểu về Khổ Đế như thế này:

Khổ Đế (Dukkha Sacca) hay chân lý, sự thật khổ là bát khổ: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, ái biệt ly khổ, oán tăng hội là khổ, bất toại nguyện là khổ và thủ ngũ uẩn là khổ. Đó là bát khổ mà bất cứ kinh sách nào cũng đem ra giảng nói và giải thích rất chi li. Tại sao lại có tất cả 8 cái khổ đó? Cái khổ là cái quả, cái quả hiển nhiên mà tất cả chúng sanh có mặt trên thế gian này phải gánh chịu, phải gánh nhận. Đó là khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ vì người mình thương mà phải xa lìa, người mình ghét, không thích thì phải ở gần. Khổ là vì tất cả mọi cái ước mơ của đời người đều là không thành; không có cái gì làm cho mình toại nguyện được, đúng với ý  thích của mình được, gọi là bất toại nguyện khổ. Và cuối cùng là do chấp thủ thân tâm này là khổ. Thân tâm mình đây gồm có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức và nếu chấp thủ vào năm uẩn đó gọi là thủ ngũ uẩn khổ. Đấy là toàn bộ Sự Khổ. Vậy thì chắc chư vị cũng đã nắm rõ tất cả 8 cái khổ này rồi.

Tập Đế ( Samudaya Sacca) hay nguyên nhân khổ thì tất cả kinh sách đều giảng dạy rằng, do Vô Minh và Ái Dục là nguyên nhân sinh ra Bát Khổ. Nói Vô Minh và Ái Dục nhưng thật ra, nó diễn tiến theo lộ trình, theo tiến trình của thập nhị duyên khởi, điều này ai cũng đã rõ rồi: Vô Minh sinh hành, hành sinh thức rồi danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh lão, tử, sầu bi khổ ưu não. Đó là cái tiến trình, là cái duyên khởi. Khi Vô Minh và Ái Dục khởi động thì kéo theo tất cả các trạng thái tâm và cả cuộc sinh tử triền miên từ đời này sang đời khác.

Thứ ba là Diệt Đế (Nirodha Sacca) tên gọi khác của Niết-bàn, nơi lặng tắt, nơi lặng yên, nơi không còn sự diễn tiến của tất cả những tham, sân, si phiền não trên cuộc đời; nơi vắng lặng các dục, các hành, nới vắng lặng tất cả các tiến trình nhân quả, chấm dứt tất cả mọi hiện tượng thành và trở thành.

Đạo Đế (Magga Sacca) là con đường đi đến nơi Diệt Khổ, diệt tắt tất cả cái khổ của trần gian, dập tắt tất cả Bát Khổ. Đó là con đường Bát Chánh Đạo gồm có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đó là cái tóm tắt, tóm tắt Tứ Diệu Đế. Tất cả chúng ta, chư vị, chư đạo hữu, quí vị thiện tri thức đều nắm rõ rồi, kinh văn là vậy, đức Phật giảng nói là vậy. Nhưng sau khi đi sâu tìm hiểu ngữ nguyên và từ nguyên của những cụm từ Pāḷi liên hệ, tôi thấy rằng, những cụm từ và ngữ nghĩa đó có thể sinh ra hiểu lầm; mà hiểu lầm thì có thể sinh ra sai lầm, sai lầm trong nhận thức, đồng thời có thể sai lầm trên phương pháp tu tập.

Về một vài thuật ngữ cần hiểu cho chính xác, đầy đủ, trọn vẹn, toàn diện.

 - Ariya: Đầu tiên xin nói đến từ Ariya được dịch là cao diệu, vi diệu. Ariya đôi khi mang nghĩa tính từ, đôi khi mang nghĩa danh từ. Ariya là tối thượng, là cao diệu, là vi diệu, đó là theo nghĩa tính từ; còn theo nghĩa danh từ thì Ariya có nghĩa là thánh nhân, bậc thánh triết, bậc Vô Sanh. Ariyasacca là sự thật cao diệu, minh triết, như chơn. Vậy cụm từ Ariyasacca hàm chỉ bốn sự thật cao diệu; bốn sự thật cao diệu có nghĩa là từ xưa đến nay không thể thay đổi được. Ngàn xưa nó cũng là sự thật, ngàn sau nó cũng là sự thật; không vì biến động thời cuộc, không vì tri kiến, không vì kiến giải, không vì nhận thức của thời đại này hoặc thời đại kia mà thay đổi cái Ariyasacca này được.

- Sacca: Thứ đến là từ Sacca được dịch là đế, là sự thật, là chân lý. Nhưng quý vị nên hiểu cho là có hai sự thật: Sự Thật Tục Đế và Sự Thật Chân Đế.

Sự Thật thứ nhất là Sự Thật Tục Đế (Sammuti Sacca) là sự thật ở trong thế giới khái niệm ngôn ngữ, hình tượng; là sự thật thế tình trong đời sống này, thế giới này.

Sự Thật thứ hai là Sự Thật Chân Đế (Paramattha Sacca), Sự Thật Đệ Nhất Nghĩa.

Khi học về Tứ Diệu Đế chúng ta để ý có 2 Sự Thật như trên.  

Khi nói về thế tình, về ngôn ngữ thông thường, cái thấy, cái biết, cái hiểu của thế gian ở trong đời sống này thì chúng ta phải nói về Sự Thật Tục Đế.

Nhưng nếu về phạm trù cao hơn, vượt ngôn ngữ, vượt khái niệm thì đức Phật chế định để nói về Sự Thật Chân Đế, đệ nhất nghĩa. Còn nếu không, không phân biệt được 2 phạm trù, 2 Sự Thật ấy thì khi giảng nói sẽ sai lẫn lung tung. Tại sao lại như vậy? Quý vị hãy lắng nghe.

Nếu nói là già là khổ, già là khổ nói theo ngôn ngữ thông thường, thế tình, Tục Đế, nhưng mà Sự Thật Chân Đế thì không phải vậy! Già là định luật tự nhiên của trời đất, của sum la vạn hữu, của sinh mệnh muôn loài… Già, đó là sự thật hiển nhiên không thay đổi được, thì làm sao già mà mình than là khổ? Như vậy chúng ta tu tập để hết khổ, có nghĩa là mong sao cho mình đừng già để hết khổ? Than ôi! Nó trật lất!  

Quý vị thấy không, mới nói sơ như vậy, chúng ta đã thấy rằng, có cái gì đó chưa được chân xác, có cái gì đó khi chúng ta chưa hiểu đầy đủ và trọn vẹn Tứ Diệu Đế.

Bình diện tục đế, thế tình như thế nào?

Bình diện chân đế hay đệ nhất nghĩa như thế nào?

Đa phần là vì mọi người chỉ nói về Sự Thật Tục Đế mà không nói về Sự Thật Chân Đế nên hiểu sai, tu sai! Ví như họ hiểu sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ nên cố gắng tu để đừng sanh, đừng già, đừng bệnh, đừng chết!!!  để chấm dứt tất cả khổ!

Nếu nói là tu để diệt khổ thì có 8 khổ chúng ta diệt hết à? Khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ ái biệt ly, khổ oán tăng hội, khổ bất toại nguyện, khổ thủ ngũ uẩn. Vậy làm sao để diệt hết 8 cái khổ đó. Có người đã từng tu tập như vậy đó! Ôi! thật là sai lầm! Nếu 8 khổ là sự thật thì vì sự thật làm sao chúng ta diệt được, làm sao diệt được cái già, làm sao diệt được cái chết, làm sao diệt được cái bệnh khi chúng ta đang mang cái thân xác hữu vi này, tâm sinh lý này. Trong tương quan vạn hữu, chúng ta bị những định luật của trời đất chi phối, như thời tiết nắng mưa, ngày đêm, định luật hấp dẫn, định luật li tâm, định luật bảo toàn năng lượng, định luật tương tác…, rồi chúng ta phải ăn uống, cơm nước, hít thở nữa! Sống với cái thế gian, thế giới này làm sao chúng ta không bệnh được, không đau được? Nếu nói diệt tất cả các cái khổ đó dường như có một cái gì sai lầm ở đây, quý vị có thấy không?

Nếu là sự thật, là chân lý thì không ai có thẩm quyền bằng các nhà khoa học. Các nhà khoa học tìm kiếm những định luật trong trời đất như quả táo rơi, sức đẩy của nước, ly tâm, trọng lực… Người ta quan sát từng tế bào, từng giọt máu, từng vi sinh vật; và họ đã đi vào tận cùng thế giới vi mô, nhỏ nhiệm và tế vi nhất. Họ quan sát cụ thể, bằng mắt, bằng dụng cụ thiết bị tinh xảo. Họ đã nắm bắt được, xử lý được, giải quyết được, những tương quan tương hệ giữa thế giới vi mô đó. Khoa học, họ quan sát rất cụ thể, logic; nếu đếsaccasự thật thì họ có thể tìm ra sự thật của vật chất chứ không phải là sự thật của thấy khổ để diệt khổ như đức Phật dạy. Vậy thì chúng ta cần phải phân biệt cho rõ, bên tâm, bên vật; các nhà khoa học có thể nắm bắt sự thật, nắm bắt chân lý trong tay mà không bao giờ diệt được nổi khổ của nhân loại. Vậy khi học Tứ Diệu Đế, chúng ta cũng phải nắm trọn tất cả mọi ngữ nghĩa của nó, nếu không, sẽ lầm ở bên này, lầm ở bên kia, cuối cùng sinh ra bối rối trên lộ trình tu tập.

 - Dukkha: Đâu cũng dịch là khổ, ai cũng dịch là khổ.

Diệt khổ thì đúng rồi, nhưng nếu hiểu sai về Dukkha thì có thể tu tập sai. Có một đạo hữu (trong giấy ghi tên là Phổ Đăng) đưa một câu hỏi: Có một vị hòa thượng khi giải thích Tứ Diệu Đế, về khổ, vị ấy nói như thế này: “Nếu thế gian này là khổ như đức Phật nói - thì mới đúng một nửa sự thật - vì cuộc đời này không những khổ mà còn có cái vui, còn có cái thanh thản, còn có cái an lành, cái mát mẻ…” Vậy thì ý thầy nghĩ sao về sự giải thích này?

Đấy quí vị đã thấy chưa? Vì Dukkha với nghĩa là khổ nên người này mới ngạc nhiên: “Ồ, có khổ nhiều lắm đâu, biết bao nhiêu người vẫn vui vẻ, thoải mái, an lành này, hạnh phúc này hoặc thoả mãn này…!” Vì hiểu sai Dukkha chỉ có nghĩa duy nhất  là khổ nên hiểu lầm và tu lầm. Có thể vị này tu để tìm được an lạc, để tìm sự thoải mái… có phải vậy không? Vì không hiểu rõ trọn vẹn, đầy đủ, toàn diện từ Dukkha này cho nên một số chư vị pháp sư, giảng sư giải thích, giảng nói cũng sai lầm luôn!

Tôi vô cùng xin lỗi! Có thể có một số vị, một số Tăng, Ni đã dựa theo kinh văn để giảng nói, Dukkha là khổ này - nó cũng có một giá trị thế nào đó, ví như thấy “cuộc đời là bể khổ” để thức tỉnh chúng sanh. Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện chân đế, như thực thì cách giải thích ấy là chưa hiểu đầy đủ, trọn vẹn về từ Dukkha. Ví dụ cái câu mọi người hay đọc tụng trong các thời khoá, mà dường như bên Bắc tông ai cũng thuộc là: “Chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc”! Hay quá đấy chứ?! Ôi! Nghe rất hay thì đúng rồi! Vì mình mê nên phải chuyển cái mê ấy ra cái ngộ! Ly khổ là rời cái khổ để mà được cái lạc! Sai trật vào đâu được, có phải thế không?  Quý vị để ý cho, xét trên bình diện thế tình, tục đế thì được nhưng trên phạm trù chân đế thì sai, sai “hung”! Hãy nghe đây! Mê là bóng tối, ngộ là ánh sáng. Ánh sáng đến thì bóng tối tự lui. Ngộ đến thì mê tự lui chứ có “chuyển” cái gì đâu? Làm sao mà chuyển cái bóng tối sang cái ánh sáng được? Rồi còn “ly khổ đắc lạc” nữa! Cái này mới thật sự là nguy hiểm, là thậm nguy, chí nguy! Rời cái khổ để được cái lạc, giống như vị hòa thượng kia nói đời này không khổ nhiều lắm vì thế gian còn vui, còn an lạc, còn thoải mái… nữa. Nên người nào khổ thì hãy tìm cách tu để rời cái khổ này để được cái an, cái lạc – ly khổ đắc lạc! Chỗ này là chết đứng, chết khô cả giáo pháp của đức Phật rồi!

Xin thưa, kinh văn Nikāya nói rõ rằng: “Khổ lạc là căn bản của phiền não”. Khổ và lạc đều là Dukkha! Nói rộng hơn, Dukkha nó bao trùm tất cả, bao trùm thế giới tâm lý và thế giới sinh lý, nó tác động lên thân, lên tâm và lên trí của chúng ta. Nói cụ thể và rõ ràng hơn chút nữa, tất cả các biến đổi do thời tiết nắng mưa, bệnh tật tác động lên thân mà sinh ra đau, nhức, nóng, mỏi hoặc tê, ngứa… gì gì đó đều là Dukkha. Những tác động làm cho thân êm ái, mát mẻ, dịu dàng, thỏa thích cũng là Dukkha. Những cái biến đổi về tâm lý như thương, ghét, buồn, vui, hỉ, nộ, ái, ố cho đến những cái lạc cao nhất trong thiền định cũng đều là Dukkha. Những ước mơ không được, những cái không được toại nguyện, sở thích, sở cầu… đều rơi vào trống rỗng hư vô không nắm bắt được cũng là Dukkha. Vậy thì tại sao gọi Dukkha chỉ có một nghĩa chung chung duy nhất là khổ? Cho nên nhiều người cố gắng tu tập để rời cái khổ, xa cái khổ đi, diệt cái khổ đi để tìm cái lạc, được cái lạc như “cực lạc”, như “thường, lạc, ngã, tịnh” đó!  Xin thưa tất cả mọi cái loay hoay tu tập cái kiểu đó là lộ trình của Ma Vương. Tất cả các lối đi đó đều đi đến Māyā không bao giờ đi đến Nibbāna!

Tôi sực nhớ câu “ Y kinh giải nghĩa”, y kinh giải nghĩa như vậy đúng là “Tam thế Phật oan!” Kinh điển chỉ là khái niệm, khái niệm để chỉ Cái Thực, nhưng người ta cứ mơ màng lý luận, kiến giải nơi khái niệm rồi tranh luận, bàn cãi sôi nổi cũng nơi khái niệm! Mà khái niệm thì đều diễn đạt khác nhau, lại còn kinh văn khác nhau, chú giải khác nhau, phụ chú giải khác nhau nữa. Than ôi! Vậy là khái niệm trùng trùng khái niệm, chúng che lấp Cái Thực còn đâu! Như Thiền tông nói: “đầu thượng trước đầu” (trên cái đầu chồng thêm cái đầu) đó!

Trở lại với từ Dukkha.

Dukkha Sacca - Sự Thật về Dukkha! Ta hãy tạm thời để nguyên như vậy bởi vì định nghĩa giới hạn trong một vài từ hoặc trong một cụm từ thì không nói hết toàn bộ ngữ nghĩa của Dukkha. Nhưng mà làm sao bây giờ? Dịch Dukkha là khổ thì quá đúng. Đạo Phật là đạo diệt khổ, không thể nói sai được! Nhưng Sacca là sự thật, nếu Dukkha được dịch là khổ đi nữa thì mình cũng phải làm sao thấy rõ “sự thật mặt mũi” của nó như thế nào chứ không phải là diệt nó? Khổ sanh làm sao mà diệt; rồi già, bệnh, chết nữa… diệt làm sao? Sự thật về sầu bi ưu não cũng phải như vậy.

Tiếp theo là Tập Đế (Samudaya Sacca). Samudaya là nguyên nhân, Tàu dịch là tập. Sacca là sự thật, đế, chân lý. Vậy chân lý thứ hai là Sự Thật Về Nguyên Nhân; nguyên nhân tạo nên các Dukkha mà ai cũng hiểu là do Vô minh và Ái Dục.  

Minh (Vijja) là sáng suốt không bị che phủ bởi tham sân si phiền não, và ngược lại là Vô Minh (Avijja).

Thứ hai là Ái Dục, để ý ái dục là taṇhā mà cái taṇhā này dịch là ái thì cũng không rõ nghĩa. Dịch Ái là đúng rồi nhưng không trọn nghĩa, chỉ giải thích được một vài tính chất, một vài tác dụng thôi. Taṇhā dịch là ái thì nó không nắm bắt toàn diện, toàn vẹn ngữ nghĩa của nó.

-  Taṇhā: Tại sao dịch là Ái thì không ổn?

Đầu tiên, nói Ái nhưng là ái gì? Không xác định được!

Taṇhā mà dịch là ái thôi thì chưa đủ.

Thuở còn nhỏ, học Tam tự kinh, tôi còn nhớ: “… ái là yêu, tăng là ghét, thức là biết, tri là hay, mộc là cây, căn là rễ, dị là dễ, nan là khôn (khó)…” Vậy dịch taṇhā là ái, là yêu thì không trọn nghĩa được. Nó không đơn giản như vậy. Ái gì mới được chứ? Trong toàn bộ kinh điển của đức Phật, nhất là kinh Pháp Cú (Dhammapada) có nhiều loại ái khác nhau. Ví dụ, tham ái, hỷ ái, dục ái, hữu ái, vô sắc ái, luyến ái, khát ái… Mỗi ái đều có cùng một tính chất, nhưng mức độ, cường độ, cấp độ nó khác nhau. Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái… thường được giải nghĩa rằng tất cả chúng ta là vì tham ái, khao khát những đối tượng yêu thích, chúng ta khao khát, chúng ta tham ái, chúng ta dính mắc nên chúng ta khổ. Chúng ta khổ vì chúng ta chấp thủ; khi mà chấp thủ vào những cái thích thú, những cái mà mình mong muốn đó thì bắt đầu mình muốn chiếm hữu nó, rồi mình muốn xử lý nó bằng sở thích của mình, bằng cái khát ái của mình; vậy là mình tạo nên hạt giống hữu (ái, thủ, hữu). Hữu có nghĩa là tồn tại. Cái hạt giống để mà tồn tại trong cõi dục gọi là dục hữu, hạt giống để tồn tại trong cõi sắc gọi là sắc hữu, hạt giống để tồn tại trong cõi vô sắc gọi là vô sắc hữu. Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu tồn tại trong 3 cõi, tạo tác tất thảy các nghiệp cũng từ các cái Taṇhā ấy mà ra cả. Và quả là đúng vậy, không sai!

Tuy nhiên, quý vị hãy nghe đây:

Taṇhā ấy không chỉ có nghĩa yêu mà cả ghét nữa.

 Ví dụ: Đây là một bông hoa.  

Theo tiến trình duyên khởi thì khi thấy bông hoa (xúc), tiếp nhận bông hoa (thọ); và do thích nó, tham nó, muốn nó là của mình (tahā) nên đam mê, đắm trước, chấp thủ (thủ) khởi sanh rồi tìm cách tạo tác, xử lý bông hoa ấy bằng cách này hay bằng cách khác, như bẻ trộm, cướp giật, mua lại (hữu)… Đấy, tiến trình duyên khởi xúc, thọ, tahā, thủ, hữu. Trường hợp này Taṇhā nó gồm các nghĩa thích, tham, ái, dục…

Còn nếu mình không thích bông hoa?

Nếu không thích bông hoa thì khi xúc, thọ… rồi khó chịu, có thể chán bỏ, muốn xua đi, quay lưng đi, chối từ nó, phủ nhận nó, quăng bỏ nó… thế là do sân, sân này cũng là Tahā. Cũng là tiến trình duyên khởi xúc, thọ, tahā, th, hu. Trường hợp này Taṇhā nó gồm các nghĩa không thích, chán, bực, khó chịu, sân…

Vậy, trường hợp thứ nhất, Taṇhā gồm các nghĩa thích, tham, ái, dục…, trường hợp hai gồm các nghĩa không thích, chán, bực, khó chịu, sân… Như thế, Taṇhā này nó có hai lực, lực hút và lực đẩy. Cái gì thích thì hút vào là tham, ái, dục…; cái gì không thích thì đẩy ra, xua đi, chối từ, phủ nhận, chán, bực, khó chịu, sân… Thế mà từ lâu người ta dịch tóm gọm Taṇhā là ái, là yêu! Quý vị thấy có thiếu sót đáng phàn nàn lắm không?

Ngoài ra, khi dịch kinh Pháp Cú từ bổn Pāḷi sang Việt bằng thể lục bát mà trước đây chưa ai làm, tôi mới thấy rõ nó còn có những từ có từ gốc Ái, thường sử dụng trong các ngữ cảnh khác nhau, cường độ tình cảm hay cảm xúc khác nhau. Ví như thân ái, thương mến, thương yêu, luyến ái, hỷ ái, tham ái, dục ái, khát ái… chứ không như anh Tàu cứ dịch là Ái là Dục! Và ngay cả Dục, người ta cũng không phân biệt được tất cả các dục, dục nào là nguy hiểm, dục nào là không nguy hiểm. Ví dụ chanda được dịch là dục, nhưng chanda này chỉ là ước muốn thuần tuý chưa có tội lệ gì cả. Như muốn đưa cái tay lên, như muốn thay đổi oai nghi, như muốn xây cái nhà, như khát nước thì muốn uống. Vậy, chanda này hoàn toàn “vô tội” mà nghe là dục thì rõ ràng là có vấn đề!

Trong Pháp Cú kinh, ta tìm thấy những từ như piya, pema, rati, rāgī, rāga, kāma, tahā...  chúng ta cần phân biệt cho rõ.

Piya, pema thường dùng trong nghĩa thương yêu, trìu mến, thân yêu, thương mến, yêu quý, yêu mến... là những tình cảm tốt đẹp trong đời thường như cha mẹ, vợ con, bằng hữu, xóm làng, quê hương...

Rati, rāgī, rāga được dùng khi tình cảm đã sâu nặng, như quyến luyến, luyến thương, ái luyến đưa đến dục tình, tình dục...

Kāma thì thuộc về tất cả dục ngũ trần, thuộc dục giới.

Taṅhā đâu cũng dịch là ái (như đã phân tích ở trên) nằm trong 12 duyên khởi; khi nó thích thì yêu, thương, tham - khi không thích thì sinh ra ghét, chán, sân.

Tuy nhiên, dù thương, dù ái kiểu gì thì cũng đem đến buộc ràng, đau khổ... như tham, thương nhiều thì khổ nhiều; tham, thương ít thì khổ ít vậy.

Thứ ba là Sự Thật về Diệt (Nirodha-Sacca):

Sự Thật về Diệt là Diệt Đế.

Diệt Đế là Niết-bàn.

Dịch là Diệt là quá tuyệt vời nhưng mà có thể hiểu lầm: “Nếu Diệt tất cả thì còn gì?”. Nó có thể rơi vào vô nhân kiến, vô hành kiến, có thể rơi vào đoạn kiến cũng nguy hiểm lắm!

Cái Diệt này phải hiểu là: Nó vắng lặng tất cả các hành. Hành là Saṅkhāra - cái gốc của tất cả mọi lăng xăng tạo tác của chúng ta trên đời này, cõi này, cõi kia. Chấm dứt tất cả mọi diễn tiến của Saṅkhāra để trả về cho sự thanh tịnh muôn đời của tâm bản giác, nhưng nếu dịch là Diệt Đế thì có thể hiểu lầm! “Ồ, mình tu tập để Diệt hết à ?” Như Diệt Khổ cũng là sai lầm, vì sự thật, là chân lý thì làm sao mà diệt, giống như chúng ta đã biết ở phần thứ nhất. Bây giờ Diệt Đế dường như cũng có vấn đề!

Ta có thể nghe một số định nghĩa Sự Thật về Diệt (Nirodha-Sacca):

- Niết bàn chấm dứt tham, sân, si, phiền não

- Niết bàn chấm dứt sự diễn tiến của năm uẩn

- Niết bàn thoát khỏi sanh tử luân hồi

- Niết bàn là hạnh phúc tuyệt đối

- Niết bàn là hạnh phúc không có điều kiện

- Niết bàn là không còn tái sanh hoặc vô sanh

- Niết bàn là chấm dứt tất cả nhân, quả, tạo tác, làm và không làm

- Niết bàn là trạng thái vượt ngoài ngôn ngữ.

Bất cứ sự diễn đạt, mô tả nào về Niết-bàn cũng dễ bị rơi vào “cái bẫy” của ngôn ngữ, có thể sai lầm vì nó ở ngoài tất thảy mọi khái niệm. Bên Thiền tông nói Niết-bàn là “Ly tứ cú, tuyệt bách phi”, nghe có vẻ được lắm!

Lìa tất cả danh ngôn khái niệm. Chấm dứt, yên lặng tất cả sự lăng xăng tạo tác do saṅkhāra điều động, do saṅkhāra tác hành. Vô minh, Hành… Trong cái vô minh và hành đó đầy đủ tất cả những chủng nghiệp quá khứ, rồi lưu giữ tất cả các việc làm của chúng sanh từ vô lượng kiếp cho đến bây giờ.

Saṅkhāra còn có nghĩa là hữu vi, là kết hợp, là những cấu hợp, những giả hợp, là những liên kết để trở thành. Saṅkhāra là những tổ hợp, những cấu trúc, là các trạng thái luôn biến chuyển, vận động.

Tuy rất nhiều nghĩa nhưng nghĩa gần gũi nhất đó là tất cả những hành động nào do tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si khởi động, chúng đều là Saṅkhāra. Điều này lập lại chắc quý vị hiểu rồi, chúng ta tạo tác các nghiệp trên đời này đều do 6 nhân tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si. Nếu vô tham, vô sân, vô si thì làm việc lành tốt; nếu tham, sân, si thì làm việc xấu ác. Vậy tất cả những tạo tác thiện này, ác này, chúng đều là Saṅkhāra, cho nên Diệt Đế, Niết-bàn chính là yên lặng tất cả các Saṅkhāra, các Hành; tịch diệt tất cả các hành, chứ không phải là Diệt Khổ.

Không “diệt” được với nghĩa chân đế đâu!

Thấy rõ sự thật khổ thì không còn khổ, nghĩa là thấy bằng tuệ giác! Người nào cố gắng mà Diệt, cứ thử đi, ngày này ngồi diệt tham, ngày kia ngồi diệt sân, ngày nọ ngồi diệt phiền não – không biết lấy cái gì mà diệt? Khởi lên một ý nghĩ, khởi lên một tư tác mà tu tức nhiên là chủ quan, là bản ngã rồi. Dùng cái bản ngã để mà diệt, dùng bản ngã diệt cái này thì bản ngã được cái kia. Cái bản ngã diệt tham thì cái bản ngã được cái vô tham. Cái tham và vô tham cũng là sinh tử luân hồi, cho nên cái thấy rốt ráo bằng tuệ giác rất quan trọng, do đó đức Phật mới đưa ra những sự thật về Khổ, thấy rõ Sự Thật Dukkha.

Bây giờ qua Đạo Đế (Magga Sacca): Sự Thật Về Con Đường, Con Đường có 8 nhánh, là Bát Chánh Đạo.

Bát Chánh Đạo là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Cái đó thì ai cũng biết. Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta phải hiểu cho rõ ràng, tường tận, đầy đủ, toàn diện; nghĩa là phải hiểu nghĩa ở bình diện tục đế và cả nghĩa ở bình diện chân đế, nếu không sẽ rơi vào giới hạn. Rồi chúng ta sẽ hiểu.    

- Sammā-diṭṭhi, ai cũng dịch là Chánh kiến. Chánh kiến thì đúng rồi! Chánh kiến là thấy chân chánh, thấy đúng! Nhưng xin thưa ở đây, nghĩa của từ Sammā không đơn giản như vậy.

Sammā có rất nhiều nghĩa: Chánh, chơn, đúng, như thật, đầy đủ, trọn vẹn, toàn diện… Nhưng mình chỉ dịch là chánh, nhưng xin thưa, cái gì là chánh? Những tôn giáo khác họ nói bên đạo Phật nói thấy chơn chánh nhưng bên chúng tôi cũng thấy chơn chánh! Còn nếu dịch là đúng – thì họ sẽ nói - cái thấy của anh không đúng, cái thấy của tôi mới đúng! 

Tất cả 62 tà kiến Ấn Độ có thể đưa ra 62 “chánh kiến” của họ và đạo Phật là “chánh kiến thứ 63”. Ai cũng thấy đúng hết mà bên này chánh thì bên kia tà. Bên này đúng thì bên kia sai. Chẳng lẽ đạo Phật lại đi một biên à, vậy là biên kiến à? Cho nên đó cũng là vấn đề chúng ta phải khảo sát.

Khi nhìn cái bình hoa này mình nói là chánh kiến, là thấy biết như thật và nghĩ như vậy, thấy biết như thật, thấy như chơn, thấy như chánh thì cái người bên kia nhìn cái bình hoa này cũng thấy bình hoa như thật, như chánh như chơn. Vậy bên này chánh chân hay bên kia chánh chân? Thấy đúng có bao giờ mình nói mình thấy sai đâu. Vậy thì như thế này nè, chữ Sammā ngoài nghĩa chánh, chơn, đúng, tốt (tục đế)… nó còn có nghĩa là đầy đủ, như chơn, như thực, toàn vẹn, toàn diện (chân đế) nữa.

Đưa ví dụ là quý vị hiểu ngay. Quý vị nghĩ lại 5 người mù sờ voi. Anh nào cũng chánh kiến hết, sờ cái chân voi bảo là giống cái cột nhà, đúng. Rờ cái tai tưởng là cái quạt, đúng… 5 người mù sờ voi đều thấy đúng cả, nhưng mà “không đúng với thực tại toàn bộ con voi”. Cuộc đời này cũng y như vậy. Cái Sammā-diṭṭhi là cái thấy như thực, đầy đủ, toàn bộ, toàn vẹn, toàn diện.

Ai có tu tập minh sát sẽ thấy rõ ngay. Nhìn một đối tương, nắm bắt đầy đủ, như thực, toàn bộ, toàn diện, toàn vẹn đối tượng ấy chính là Sammā-diṭṭhi! Nghe một âm thanh, lắng nghe đầy đủ, như thực, toàn bộ, toàn diện, toàn vẹn âm thanh chính là Sammā-diṭṭhi. Mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp đều như vậy cả. Thấy cụm hoa này, thấy toàn bộ toàn vẹn cụm hoa này và không nói năng chi cả mới là Sammā-diṭṭhi.

Mọi sự, mọi vật, mọi đối tượng nó xuất hiện, xuất sinh từ cái thấy biết qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của ta; cái gì, đối tượng nào để cho nó vận hành đúng như cái bản chất của nó như tánh tướng thể dụng của nó thì mới là Sammā-diṭṭhi. Cho nên, người nào tu tập Bát Chánh Đạo đã đi vào đạo lộ rồi thì gọi là Bát Thánh Đạo với nghĩa như thực, gọi là chân đế, còn Bát Chánh Đạo nằm trên bình diện tục đế là như mọi người thường hiểu; và nếu tu tập theo kiểu chánh, chơn, đúng, tốt chỉ gặt hái quả báo nhân, thiên.

Khi tu tập Bát Chánh Đạo, rất đơn giản, chánh kiến là thấy rõ, là quan sát cho rõ ràng, cho minh bạch một sự vật, một hiện tượng, chứ không phải là thấy biết chơn chánh. Một người từ dưới kia đi lên, mình nhìn người ấy, ghi nhận trọn vẹn hình ảnh của người ấy là chánh niệm. Mình quan sát rõ ràng người ấy thì đó là chánh kiến; và biết rõ người ấy là đàn ông hay là đàn bà thì đó là chánh tư duy. Khi chúng ta ngồi như thế này, bất cứ đối tượng nào đi qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thì chánh niệm làm việc trước tiên. Chức năng chánh niệm là phải ghi nhận tức khắc đối tượng nào đi vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Chức năng đầu tiên là chánh niệm, tiếp theo là chánh kiến. Chánh kiến là để mà quan sát rõ ràng đối tượng ấy và chánh tư duy là xác định đối tượng ấy là tốt, xấu, thiện, ác, đen hay trắng. Vậy thì cái từ Sammā có thể sinh ra hiểu lầm khi chúng ta chỉ hiểu có một nghĩa!

Diṭṭhi nghĩa là Kiến, kiến này cũng có nhiều nghĩa, là quan điểm, là chủ trương, là quan niệm, học thuyết… Và chữ Kiến được các nhà Phật học chọn để dịch từ Diṭṭhi.  Và bây giờ ai cũng hiểu Diṭṭhi là thấy biết (tri kiến).

Chúng ta phải hiểu nó có rất nhiều ngữ nghĩa khác nhau như trên, mà cái nghĩa chúng ta thường dùng là kiến (thấy). Nhưng mà thấy là thấy bằng cả toàn bộ lục căn chứ không phải chỉ thấy bằng mắt đâu. Thấy bằng mắt, thấy bằng tai, thấy bằng mũi, thấy bằng lưỡi, thấy bằng thân, thấy bằng ý; tất nhiên là toàn bộ, toàn diện của con người mình, thân tâm mình; toàn bộ tâm sinh vật lý nó tụ lại trên cái thấy đó.

Tuy nhiên, Đạo Đế, Con Đường tu tập Bát Chánh này cũng có thể bị hiểu lầm. Thường thường mình nói tu tập Bát Chánh Đạo là nhânDiệt Đế, Sự Thật Niết-bàn là quả. Hãy xem, chúng ta tu tập cái này để được cái kia? Không có sự hiểu lầm nào nguy hiểm như thế. Chẳng lẽ Niết-bàn nằm trên tiến trình nhân quả hay là tiến trình trở thành? Nhân quả và trở thành đều là tiến trình của luân hồi sanh tử. Cố gắng tu Chánh Kiến như thế này nè, cố gắng tu Chánh Tư Duy như thế này nè, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Niệm, Chánh Tinh Tấn, Chánh Định như thế này để mong tạo nên cái nhân rất tốt, nhân toàn diện, nhân đầy đủ để đạt quả Diệt Đế, Niết-bàn!

Dường như ai cũng tu tập như vậy cả. Và chư Tăng, Ni khắp năm châu bốn biển cũng giảng dạy như vậy!

Chư vị ở đây đều biết rõ Niết-bàn ở ngoài chuyện gieo nhân và gặt quả trong Tam giới. Rơi vào tiến trình nhân quả thì sinh rồi thì tử mãi trong luân hồi lục đạo. Sinh trở lại để mà hưởng cái quả chơn, chánh, đúng, tốt này! Không những thế, có người còn hiểu lầm rằng, cứ tích lũy cho thật nhiều, tu tập cho thật nhiều, để hoàn thiện Bát Chánh Đạo! Và hầu như ai cũng nghĩ như thế và thực hành như thế.

Cái gì mình cũng thấy chánh, thấy đúng, coi chừng trật. Vì ở trong tục đế, cái gì cũng tương đối. Cái Sammā-diṭṭhi mà đức Phật định nghĩa rốt ráo nhất, ta có thể tìm thấy trong các kinh văn Nikāya: “Thấy rõ Dukkha, thấy rõ nguyên nhân Dukkha, thấy rõ Diệt Đế, thấy rõ Con Đường Diệt Đế”. Nghĩa của Sammā-diṭṭhi rốt ráo là thấy rõ Tứ Diệu Đế, chứ không phải là thấy chánh, thấy đúng!

Phải rời bỏ ngay tức khắc cái cách hiểu của kinh điển ước lệ, của tục đế, của từ chương, của đại chúng để bước lên cái thấy biết như thực như chơn, đúng với thế giới Paramattha Saccca (chân đế).  

Quý vị nghiên cứu, tu tập nhiều năm rồi, nên phải trang bị một cái thấy biết rốt ráo hơn, để lợi lạc cho mình, để yên lặng tất cả tham sân si phiền não trên đời này. Phải biết rõ, Sammā-diṭṭhi ngoài cái nghĩa thấy chánh, chơn, đúng, tốt… nó còn có nghĩa là thấy như thực, như thị, đầy đủ, toàn bộ, trọn vẹn, toàn diện nữa.

Nhưng mà khi sống ở đời không dễ dàng đâu, thật không dễ dàng có được cái Sammā-diṭṭhi ấy. Đây là cái chuông. Làm thế nào mà mình có thể nhìn ngắm chơn, chánh, như thực, đầy đủ, trọn vẹn, toàn diện cái chuông ấy mà không đưa ra bất cứ một quan niệm nào, quan điểm nào, kinh nghiệm nào, kiến thức nào, một cái thấy biết riêng tư nào. Mà được như vậy mới thật sự là Sammā-diṭṭhi, vừa là Chánh Kiến, vừa là Thánh Kiến!  

Tại sao vậy? Ngay giây phút này, cái thấy của mình là hoàn toàn trong sáng, chân xác, như thật, không có tham sân phiền não xen vào đấy; không có ý riêng tư chủ quan, bản ngã nào xen vào cái thấy biết toàn vẹn, toàn diện ấy cả.

Và nếu như vậy thì cái thấy ấy - vừa chánh kiến vừa thánh kiến – thì tự khắc, tự nhiên, tự động Minh hiện, Vô Minh diệt và Đạo Đế chính là Diệt Đế trong sát-na ấy.

Câu viết của ôn Nhất Hạnh: “Không có con đường đưa đến hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là con đường”. Cũng có một câu tương tự: “Niết-bàn không có con đường, tất cả mọi con đường đều đưa đến Māyā”. Cả hai câu đều nằm trong ngữ nghĩa ẩn mật nêu trên.

Trở lại với câu thứ nhất: “Không có con đường đưa đến hạnh phúc mà hạnh phúc chính là con đường”. Tại sao vậy?

Từ lâu chúng ta tầm cầu hạnh phúc? Chư vị tầm cầu hạnh phúc bằng gì? Quý vị tầm cầu hạnh phúc bằng tưởng tri (sañjānāti) hay bằng thức tri (vijānāti)? Nếu bằng tưởng tri thì coi chừng, quý vị sẽ bị vọng tưởng, mộng tưởng, tưởng tượng, hoang tưởng, ảo tưởng chi phối! Nếu bằng thức tri thì coi chừng, quý vị sẽ bị hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm… do vọng thức chi phối; mà vọng thức thì phát sanh ảo kiến, biên kiến, tà kiến, kiến hoang vu, kiến sa mạc, kiến rừng rậm đoanh vây không lối thoát. Nó chính là cái kiến của bản ngã chủ quan, cô lập thực tại và đóng băng thực tại. Mọi quan điểm, quan niệm, tư duy triết học, tư duy đạo học, tư duy khoa học… đều thuộc bình diện của thức tri, và nó nằm chết ở hố thẳm này đây!

Có người thấy được cái giới hạn tà lộ của tưởng tri và thức tri nên họ tu tập thiền định đạt các trạng thái hỷ, lạc, xả; và họ bảo tâm tôi rất hạnh phúc. Nghe có vẻ đúng, nhưng xin thưa, tất thảy mọi cảm giác, mọi trạng thái, dù tối thượng, chúng cũng phải chịu định luật sinh diệt.

Cao hơn chút nữa, có kẻ ỷ y vào trí của mình, do học hỏi nghiên cứu, tu tập nên “hiểu biết” rất rõ về Tứ Diệu Đế, về Bát Chánh Đạo, về Tam Pháp Ấn,  về Minh Sát. Ai hỏi đâu trả lời đấy, ngôn ngữ chữ nghĩa lưu loát, đa văn, thông bác. Nhưng xin thưa, đấy chỉ là cái máy nói, cái xác chữ.

Nói tóm lại, là tầm cầu hạnh phúc bằng tưởng tri, bằng thức tri, bằng tâm hay bằng trí đều sai lầm, cục bộ. Vì tưởng, thức, tâm, trí đều nằm trong thế gian pháp, chúng vận hành bởi thế gian pháp, dù lý tưởng có cao siêu, dù trí ta có cao cả thì con đường cuối cùng thành tựu đó là Con Đường của Bản Ngã. Cho nên tất cả mọi con đường đều đi đến Māyā, mà Niết-bàn thì Không Có Con Đường! Hóa ra không có con đường đưa đến hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là con đường khi chúng ta đang đi đây. Nói cách khác, không có Con Đường đi đến Diệt Đế, mà Con Đường chính là Diệt Đế!

Nói thì có vẻ cao siêu, có vẻ lý luận, nhưng chúng ta có thể cùng nhau giải minh được tức khắc bây giờ đây! Nói giải minh chỉ là cách nói, chính xác hơn là thực nghiệm minh sát.

Khi nghe một tiếng chửi thì tiếng chửi là đối tượng của lỗ tai nghe. Người hành minh sát ghi nhận tiếng chửi “tiếng chửi à, tiếng chửi à” rứa thôi, và không làm gì cả! Nói cách khác, khi hành giả ghi nhận “như thực tiếng chửi” thì bực bội, khó chịu, tức giận – nghĩa là sân không nổi lên. Sân không nổi lên là Dukkha và Nguyên Nhân Dukkha đều yên lặng. Nói theo thông thường thì Khổ, Tập yên lặng, các Hành không sanh khởi được nên gọi là Diệt. Và do nhờ ghi nhận và lắng nghe như thực của Đạo, Bát Chánh Đạo (chánh niệm, tỉnh giác hay chánh niệm, chánh kiến) nên trong giây khắc ấy đã là Diệt rồi. Như vậy, Đạo và Diệt là một, Con Đường và Niết-bàn là một!

Vậy, khi nào có Định Tuệ chiếu soi hoặc Niệm, Kiến như thực thì Hành không sanh khởi; và ngay giây khắc ấy tất thảy mọi đối tượng, dù tham hay sân đều yên lặng, đều là Diệt Đế.

Diệt Đế, Niết-bàn là cái hiện kiến, chứng nghiệm tức khắc, tự tại – còn bất cứ định nghĩa nào, giải thích nào cũng không được đầy đủ, trọn vẹn, toàn diện. Ví dụ như kinh sách định nghĩa Niết-bàn là vắng lặng tham sân si phiền não! Đúng vậy, không sai! Nhưng mà xem nào! Quý vị đang ngồi đây nè, hoàn toàn vắng lặng tham sân si phiền não, quý vị có Niết-bàn không? Đấy, quý vị thấy không có tham sân si phiền não nào khởi sanh thì quý vị đã Niết-bàn chưa? Rất là rõ ràng.

Đôi khi rất thanh tịnh, người ta cũng tưởng là Niết-bàn nữa.

 Có người Phật tử cư sĩ hôm tại Houston, trình pháp: “Bạch thầy, có một tuần lễ, con chọn một ngôi nhà ngoài bãi biển và ngồi lắng nghe tâm mình liên tục, soi chiếu tâm mình liên tục trong 4 oai nghi, nhất là khi đi kinh hành. Con đi kinh hành theo suốt bãi biển như vậy, con soi chiếu tâm mình liên tục như vậy. Thì bất ngờ, một trạng thái khởi lên, tâm con rất là yên lặng, thanh tịnh rất lạ lùng; mà lại thấy rõ toàn bộ các lượng sóng, từng cái nhấp nhô của bãi cát như thế nào, gió thổi lao xao qua hàng cây như thế nào… Con thấy rất rõ, nghe rất rõ. Bạch thầy, đó là hiện tượng gì?”. Tôi không nhớ rõ lý do tại sao hôm ấy tôi không trả lời, mà hôm sau, tôi lại kể cho cư sĩ đó nghe về một trạng thái tâm chứng của Krishnamurti. Krishnamurti có nói đến một trạng thái lạ lùng; ông nói rằng “nó đến”, nó đến, tức là cái khoảnh khắc yên lặng thanh tịnh đó tự động trình hiện, và ông thấy rõ nó!  

Sau đó tôi giải thích tiếp rằng, cái trạng thái mà cư sĩ nói đó thì cũng tương tự như trạng thái của Krishnamurti: Nó đến, cái thanh tịnh nó chợt đến, khi ta soi chiếu liên tục, cái thanh tịnh rốt ráo gần như là tuyệt đối đó nó xuất hiện!  

Chư vị nghe rõ không? Thanh tịnh chính là Định. Định này không phải định bất động của tứ thiền, bát định - mà là Định có Tuệ chiếu soi. Còn bước thêm một bước nữa là Tuệ có Định. Vì Tuệ có Định cũng nhìn thấy mọi sự vật, khi mình đi, đứng, ăn, nói, ngủ, nghỉ, làm việc, tất cả đều xuyên suốt, trong sáng, chân xác; nhìn ngắm, lắng nghe như thực mọi sự mọi vật - nhưng bên trong cũng thanh tịnh, yên lặng một cách rất lạ lùng. Đó là Tuệ trong Định hay Tuệ có Định. Còn trạng thái chứng nghiệm của Krishnamurti và của cư sĩ là Định trong Tuệ hay là Định có Tuệ! Niết-bàn của Phật là bây giờ đây, nhìn mọi sự mọi vật, quan sát mọi sự, mọi vật, ôm bát đi khất thực, đi giảng kinh, đi thuyết pháp giữa nắng, giữa mưa, giữa tuyết, giữa bụi đường mà vẫn Niết-bàn như thường! Chứ không phải “Thiên thu (tên gọi khác của Niết-bàn) là khoảng kỳ gian yên lặng giữa 2 sát-na, hai tư tưởng” như kiểu Krishnamurti nói.

Như vậy, Sự Thật về Con Đường (Magga Sacca) là Diệt Đế rồi! Trong bài kinh Nhất Dạ Hiền Giả nói rằng: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, chỉ có phút hiện tại, Tuệ quán chính là đây …”. Chỉ có phút hiện tại - thì người tu Bát Chánh Đạo là luôn tu tập ở đây và bây giờ, chính ngay trên từng bước đi, trên từng hơi thở. Nói cách khác, lấy Bát Chánh Đạo mà tu tập ở đây và bây giờ. Bát Chánh Đạo gồm có Giới, Định, và Tuệ. Nhóm Giới là Ngữ, Nghiệp, Mạng. Nhóm Định là Tấn, Niệm và Định. Nhóm Tuệ là Kiến và Tư Duy. Tóm tắt Bát Chánh Đạo như những hành giả minh sát thì chỉ còn Niệm và Giác. Do đó người nào tu tập Tứ Diệu Đế cuối cùng chỉ cô đọng nơi lại Niệm và Giác. Lấy Niệm và Giác mà lên đường giác ngộ.

Đạo Phật là đạo Như Thật, Sự Thật thì tu Tứ Diệu Đế cũng phải y cứ nơi Như Thật, Sự Thật.

Trở lại với đời sống cụ thể của chúng ta, trở lại Sự Thật về Dukkha. Đầu tiên là Sự Thật về Sanh.

Sanh là khổ?

Chúng ta bị cái sanh chi phối, từ khi đầu thai. Bất cứ chúng sanh nào có mặt trên đời này cũng rơi vào một trong bốn trường hợp: Thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh. Sanh là cái định luật tất yếu, tự nhiên. Nếu một hữu tình có mặt, hoặc là một con kiến, hoặc là một con giun, hoặc là người, hoặc là phi nhân, chư thiên hoặc là phạm thiên – chúng đều bị sanh chi phối bởi một trong bốn trường hợp trên. Có một số người tu tập mà nói mình “bị sanh”, bây giờ làm sao tu để “đừng sanh” nữa. “Đừng sanh” nữa thì sẽ không có chi hết à? Đây là cả một sự hiểu lầm. Không những bên Đại Thừa mà cả bên Nguyên Thủy vẫn có nhiều người tu tập để ngộ Vô Sanh! Họ nói rằng, “Hãy tu để cho cái thân này đừng có sanh nữa!” Có lần tôi hỏi không sanh nữa thì nó đi về đâu? Vô Sanh theo nghĩa của người hành minh sát – thì không phải là cái thân này không sanh nữa, mà là những sanh niệm đây nè, chúng cứ sanh mãi suốt ngày suốt đêm nè, chính cái sanh niệm đó cư lăng xăng tạo tác sanh tử luân hồi nè. Nghĩ chuyện này, nghĩ chuyện kia, lúc mình làm Ngạ Quỷ, lúc mình làm Chư Thiên, lúc mình làm A-tu-la. Cái tâm mình sanh diệt liên tục, lăng xăng suốt ngày đêm, tạo tác ba cõi, bốn đường trong cái sanh niệm này nè, chứ không phải là chấm dứt cái thân này. Nếu chấm dứt cái thân này là coi chừng rơi vào hư vô, rơi vào đoạn kiến đấy. Hãy để ý quay lại cái tâm của chúng ta, những cái sanh niệm, phiền não, lăng xăng, lao xao suốt ngày suốt đêm, năm này, năm nọ, đời này kiếp kia, sanh miết như thế - từ Hành tạo tác - mới là loại chúng sanh cần phải làm cho yên lặng, cần phải loại trừ, cần làm cho Tịch Diệt chứ không phải cái thân chúng sanh hữu tình này. Nói “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” cũng như thế, cũng là chúng sanh này nè, chúng sanh này mà độ xong thì khi đó mới Niết-bàn được. Chúng ta chỉ hiểu ngữ nghĩa cạn cợt phía bên ngoài mà không thấy ngữ nghĩa thâm sâu ở phía bên trong. Quý vị đang ngồi như vậy, đang “vô sanh” bởi vì không lăng xăng tạo tác. Như không ra ngoài chợ làm việc này, không vào công sở làm việc kia hoặc là bây giờ không nghĩ ngợi rằng, mình bỏ tiền mua chứng khoán chắc trúng to! Không nghĩ rằng, bây giờ làm sao cho công ty mình mua may bán đắt…

Thỉnh thoảng ngồi tĩnh lặng, rỗng không, chẳng khởi tư tác gì cả để quan sát cái “vô sanh niệm!” Các vị thiền sư cũng hay dạy Vô Tâm hoặc Vô Niệm là như vậy đó! Tuy nhiên, cái tĩnh lặng, rỗng không, cái vô sanh niệm, cái vô tâm, vô niệm ấy cũng là chỗ để nghỉ ngơi, chỗ chưa dấy khởi tham sân, phiền não - chứ chưa là cái gì ghê gớm đâu! Tại sao vậy? Người hành minh sát tuệ thâm sâu và miên mật, họ không ngồi nơi tĩnh lặng rỗng không, mà họ đối mặt trực tiếp với ngoại trần, vẫn thấy sắc, vẫn nghe thanh, vẫn ngửi hương, vẫn nếm vị, vẫn xúc chạm… nhưng đều được ghi nhận như thực nên tâm và trí vẫn tĩnh lặng và rỗng không… mới thiệt là “cao thủ!” Từ chỗ này, ta biết tại sao, người tu tập Bát Chánh Đạo, phải thường trực có Niệm và Giác để ghi nhận, nhìn ngắm, lắng nghe, quan sát mọi sự, mọi vật một cách Như Thị, Như Thực!

Nói Sanh rồi, bây giờ sang Già!

Già là khổ?

Ồ, già là cái tự nhiên. Già thì đẹp chứ sao! Hãy nhìn ngắm thân tùng, thân bách ngàn năm tuổi! Hãy nhìn một cỗi mai giữa tuyết sương! Hãy nhìn một cụ ông với mái tóc tuyết trăng! Đấy, đừng nói già là khổ! Có mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông chứ. Cứ muốn giữ mãi thiếu niên, thanh niên hay sao? Muốn ở ngoài định luật của đất trời sao? Làm thế nào khi mình già, thì mình biết mình già, già như thật, rụng răng như thật, tóc bạc như thật… không tốt hơn sao! Có rất nhiều người tu để luyện cái thân này được sức khỏe, trẻ trung mãi, mong cái thân này đừng già thì nguy hiểm lắm lắm vậy. Phải theo định luật tự nhiên của đất trời. Đó là cái thấy của người tu Phật theo lộ trình của Đạo Đế.

Bệnh là khổ?

Vì sợ Bệnh là khổ, cho nên có người tìm cách luyện khí mở các cái luân xa để thân vô bệnh. Vô bệnh cũng là trật. Tu tập mà mong vô bệnh thì dục vọng dễ sanh.

Bệnh cũng tốt chứ không phải khổ đâu. Cái bệnh nó báo hiệu là chúng ta đang đi quá đà. Cái bệnh báo hiệu chúng ta phải điều trị lại thân khẩu ý như thế nào, điều chỉnh ăn uống, điều chỉnh cách làm việc, điều chỉnh đi đứng, điều chỉnh nói năng. Đừng ngồi lâu quá, đừng đứng lâu quá, đừng ăn nhiều quá, đừng ăn ít quá; đừng suy nghĩ lung tung thái quá! Như vậy, bệnh chính là sứ giả báo hiệu cho chúng ta để chúng ta điều chỉnh lại đời sống sinh hoạt của mình. Như vậy bệnh là tốt chứ đâu phải bệnh là khổ.

Chết là khổ?

Chết là định luật tự nhiên mà! Quý vị sống 100 tuổi rồi, cái thân xác đã già cỗi rồi, thì mình sẽ chết đi, vì khi mình chết đi là mình thay đổi thân xác mới, có vấn đề gì đâu?

Ai cũng nói đạo Phật quan niệm “Đời là bể khổ! ” Mà đúng như vậy chăng? Ôi! cuộc đời khổ quá, sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ… sao mà nhiều khổ vậy? Tuy nhiên, đạo Phật Như Thật giúp ta thấy rõ sự thật, chân lý, sự thật chân đế kia mà!

Cầu bất đắc khổ?

“Muốn (cầu) không được, khổ!”

Ồ, nó là Sự Thật mà! Dường như tất cả chúng ta sống trên đời này muốn thành tựu, mãn nguyện cái gì đó cho mình, cho con cái, có ai như ý không? Quả thật không có ai như ý cả! Luôn luôn không vừa lòng mình, đó là sự thật! Cái gì mình cũng muốn được, muốn như ý là đi ngược lại chân lý!  

Cho nên làm thế nào kinh qua trải nghiệm, mình thấy được là đức Phật dạy đúng: “Quả là cầu bất đắc khổ” nhỉ? Nếu quý vị mỉm cười hoàn toàn rỗng rang khi cầu cái gì đó mà không được, quý vị nói: Ô, đúng là cầu bắt đắc? Rồi quý vị chấp nhận nó, coi nó như sự thật hiển nhiên thì quý vị sẽ không khổ, không có phiền não. Ngược lại có người cầu bất đắc thì phát sanh bực bội, tức giận: Cái này tôi không như ý được, cái này tôi không thành tựu được và sinh ra khổ một cách vô lối! 

Ái biệt ly khổ?

Thật ra, phải nói là “Xa người mình thương, khổ”

Còn theo cái cụm từ “Ái biệt ly khổ” thì nó khái quát quá. Sẽ có chỗ đúng, chỗ không đúng. Ái biệt ly khổ thì đúng rồi. Nhưng nếu mà đúng thì sẽ có nhiều người nói: Vậy thôi, đừng “ái” nữa, để cho khỏi khổ. Chữ Ái (Taṇhā) này, xin thưa, nó cũng có vấn đề!

Trong tình thân mến, thương yêu, thân thuộc, quyến thuộc với những tình cảm tốt đẹp như cha mẹ, vợ chồng con cái thì đức Phật không sử dụng từ Taṇhā là Ái! Trong Pháp cú kinh, khi chỉ tình cảm quyến thuộc, tình nương tựa nơi cha mẹ, vợ chồng, con cái, tình thầy trò huynh đệ, bạn hữu với tình cảm tốt đẹp, đức Phật dùng từ Piya hoặc Pema! Bây giờ mình cứ nói “Ái biệt ly khổ”, để rồi cố gắng mà diệt Ái! Diệt Ái là đúng nhưng “thật sự diệt” thì phải thấy rõ sự thật, thấy rõ sự thật mới hết khổ, mới diệt Ái được. Chắc trong chúng ta, ai cũng có nghe qua câu chuyện của nàng Kisā-Gotamī, người mẹ mất con nên vật vã khóc than thảm thiết. Sau gặp đức Phật, ngài bảo là ngài cứu con bà được. Đức Phật dạy, bà Kisā-Gotamī đến ngôi nhà nào đó, xin một dúm hạt cải, đặc biệt là phải dúm hạt cải nhà nào không có người chết, mang về đây rồi ngài sẽ cứu con bà. Hạt cải thì nhà nào cũng có, nhưng hạt cải trong nhà không có người chết thì không thể, vì nhà nào cũng có năm, bảy người chết, một chục hai chục người chết, đời này, đời kia, đời hiện tại! Suy ngẫm, hoá ra đâu cũng có người chết, chết là cái gì rất tự nhiên; Kisā-Gotamī do nhờ “thấy rõ sự thật như vậy” nên bà không còn khổ nữa, xin Phật cho xuất gia, sau bà đắc quả A-la-hán, được đức Phật tuyên dương là “Tỳ-khưu-ni đệ nhất mặc y thô tháo”.

Cho nên, ví dụ cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, những người mà mình thương mến đó mà xa lìa, thì mình nghĩ, mình thấy, vậy là đúng rồi, thế gian là vậy rồi, không ra khỏi sự thật ấy được. Khi thấy rõ sự thật như vậy thì mình không còn khổ và mình ngồi; ngồi để cảm nghiệm, để chiêm nghiệm. Người hành minh sát còn bước lên một bước, khi “Ái biệt ly phát sanh”, họ lắng nghe trái tim mình thế nào, tâm hồn mình xao xuyến ra sao… một cách rất trung thực, rất khách quan! Suy bụng ta ra bụng người, nhờ lắng nghe, nhờ chiêm nghiêm, nhờ trải nghiệm nên chúng ta sinh ra thông cảm cho mọi người, thương yêu chúng sanh hơn nữa; bởi vì trên cuộc đời này, ai cũng bị định luật ấy chi phối, không từ một ai! Nhờ thấy rõ sự thật, tự nhiên mình thanh tịnh tâm hồn – mà không phải diệt, không diệt cái gì được hết!

Oán tăng hội khổ

“Oán tăng hội khổ”, cụm từ này Hán dịch chữ Oán thì hơi quá. Oán là giận, tức, hận! Không đúng, phải nói đúng, phải là “Gần người mình ghét, khổ!” để đi liền với vế trên: “Xa người mình thương, khổ!”

 “Gần người mình ghét, khổ!” thì quá đúng! Người mình ghét mà phải ở cùng, ăn cùng, sống cùng… thì quả là địa ngục! Người mình ghét mà cứ bảnh mắt ra là gặp, phải nói chuyện, phải trao đổi việc này, việc kia thì quả là chịu không nổi.

Ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tăng hội sinh ra khổ, ai cũng dịch như vậy, thì đúng như vậy, người mình yêu thương thì luôn rời xa, còn người mình không thích thì lại ở bên cạnh, không khổ sao được. Nhưng đó là định luật, cái định luật bắt ta phải làm là hầu như phải chấp nhận tất cả cái gì đang đến với ta, đang duyên khởi trên cuộc đời này, để mình trải nghiệm cuộc đời. Thường thường trải nghiệm cuộc đời có hai mặt, mặt vui và mặt khổ, mặt thương mặt ghét, mặt thích mặt không thích, mặt được mặt thua, mặt phải mặt trái, mặt đúng mặt sai, mặt thăng mặt trầm, mặt vinh mặt nhục. Cuộc đời có hai mặt, mình khôn ngoan mình chọn bên này, chọn cái tốt! Tất cả chúng ta đều chọn một bên thôi, còn bên kia chịu không được, mình nói: “Tôi không thích cái đó, tôi không chơi cái đó”. Nói vậy hoá ra mình khôn quá, đâu có được!

Rõ ràng là mình chưa thấy được thực tại toàn diện của cuộc đời. Giác ngộ thấy rõ cuộc đời luôn có hai mặt, bên này thương, bên kia ghét. Ái thì thương, oán tăng hội thì ghét, cho nên bị chi phối thương ghét, rồi vui khổ, rồi phải trái, rồi đúng sai. Chúng ta quay lộn suốt cuộc đời, từ kiếp này sang kiếp khác như vậy mà không bao giờ nói “À, cuộc đời là thực tại toàn diện”. Phải trải nghiệm và chứng rõ điều đó, cái tâm mình khi đó mới thanh tịnh được để yên lặng tất cả tám ngọn gió chướng của thế gian. Phải thấy rõ sự thật, khi mà thấy rõ sự thật, quý vị cứ chiêm nghiệm đi, người mình thương thì phải chia lìa, mình thấy rõ sự thật rồi, thì bắt đầu mình định tĩnh tâm hồn, mình trở lại với đời sống công việc được. Còn oán tăng hội khổ, khi mình ghét, mình để ý ái biệt ly khổ là do tâm tham luyến, tham ái, dính mắc, thì người tu tập biết mình còn dính mắc bởi tham ái, luyến ái, bởi cái luyến ái này, mình thấy mình dính mắc. Người tu tập tuệ quán phải thấy rõ như vậy. Đó là thuộc thương, còn bên oán tăng hội khổ là thuộc về ghét. Thương, luyến thì nổi lên tham ái; ghen, ghét thì nổi lên giận, sân. Hóa ra bên này tham bên kia sân. Người tu tập minh sát thấy rõ như vậy tự nhiên là mỉm cười. Thương mình cũng cười mà ghét mình cũng cười. Mình thấy rõ sự thật thì mình an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh, thương ghét, được mất, hơn thua, đúng sai, phải trái, thăng trầm, vinh nhục. Cho nên thấy rõ sự thật thì mình đạt được an nhiên tự tại.

Thủ ngũ uẩn khổ.

Chính là “Chấp chặt sắc, thọ, tưởng, hành, thức - khổ!”

Ngũ uẩn đây có hai cấp độ hiểu biết khác nhau.

Từ lâu, trong chúng ta, ai cũng nghĩ rằng Ngũ uẩn ấy là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi. Không thế thì sắc ấy là tôi, là của tôi; thọ ấy là tôi, là của tôi, tưởng ấy là tôi là của tôi; hành ấy là tôi là của tôi; thức ấy là tôi là của tôi.

Nhưng nếu quý vị nào mà phát triển được cái thấy biết bằng tuệ giác như thật, thì quý vị thấy rõ cái tôi ấy, cái của tôi ấy như thế nào. Mình sẽ thấy cái vận hành của thân tâm mình, cái tạm gọi là cái ta, cái ngã, cái tôi là cái không có thật, chỉ là ảo giác.

Thân tâm mình chỉ là sự diễn tiến của sắc thọ tưởng hành thức. Sắc là dòng sông, thọ tưởng hành thức cũng là dòng sông. Dòng sông trôi chảy liên tục và bất tận nữa, chẳng có cái gì là tôi, là của tôi ở đó cả.

Đấy là nghĩa ở cấp độ thứ nhất để phá bỏ cái chấp ngã, cái tôi và của tôi.

Cấp độ thứ hai, là có “sắc như thật, thọ như thật, hành như thật, thức như thật”; và có “sắc uẩn, có thọ uẩn, có tưởng uẩn, có hành uẩn, có thức uẩn”. Cái vấn đề chúng ta khổ là do uẩn, do chấp thủ uẩn, còn người tu có tuệ giác họ bỏ các uẩn ngay tức khắc; làm yên lặng các uẩn ngay tức khắc, không cho các uẩn chồng chất ngay tức khắc.

Ví dụ, sắc thì có sắc uẩn, có sắc như thật. Như cái mặt của tôi đây là sắc như thật, nhưng chút nữa tôi qua ngồi kia, tôi đang giận dữ, mặt tôi đỏ lên! Hãy quan sát, tôi ở đây, là sắc như thật; tôi qua bên kia, do tôi giận, mặt đỏ lên; mặt đỏ lên này nó chồng lên cái mặt như thật nên gọi là uẩn. Uẩn là chồng lên, là chất lên! Mọi người nhìn cái mặt đỏ này, rồi nghĩ, tôi đang nóng, giận. Như vậy là họ thấy qua cái uẩn, cái nóng, cái giận nó phủ lên cái sắc như thật của tôi, và họ sẽ không thấy được “cái sắc như thật của tôi”, mà chỉ thấy được “cái uẩn chồng lên mặt tôi”.

Cái chồng, cái chất ấy là uẩn. Thấy rõ như thật, tự động cái uẩn nó mất. Người mình thương, ví như vợ của mình, tự nhiên mình thương yêu quá, cái mặt vợ mình sao đẹp quá, hiền dịu quá. Nhưng khi vợ chồng cãi nhau rồi, cái bản mặt của mụ sao dễ ghét! Cái mặt như thật thế này nè, mình không thấy, mà chỉ thấy cái uẩn khi mình thương, mình thấy cái uẩn khi mình ghét. Cái uẩn đó thật ra không có, do mình tạo ra, do thương ghét của mình tạo ra. Thật ra cái uẩn đó nó không có trong thế giới vật lý, thế giới sinh lý cũng không có cái uẩn đó. Mà do cái tưởng, hoặc là tâm thương ghét của chúng ta mà biến ra uẩn rồi khổ bởi cái uẩn ấy. Chúng ta không bao giờ quan sát cụ thể cái uẩn là gì mà cứ nói ngũ uẩn khổ. Khổ chỗ mô? Tại sao? Tưởng hành thức đều như vậy. Bản chất của nó tự nhiên như nhiên như bản chất của nó! Các uẩn đều do ta tự tạo ra cả thôi.

Ngồi thế này, chuyện quá khứ, xa lắc, xa lơ, hình sương bóng khói mình thương người này, mình ghét người kia, rồi mình lôi về hiện tại. Cái người mình thương thì bắt đầu mình bi lụy “cha nhớ quá” rồi sinh ra đau khổ tương tư! Mình lôi một cái uẩn về chứ hiện tại đây không có. Người ghét cũng vậy “thằng cha này, cái mặt này”, hình ảnh quá khứ hiện ra, còn hiện tại đâu có cái mặt đó nữa! Cho nên khi thấy rõ chân lý, mình thốt lên: “A, té ra nó là vậy”, rồi khỏe re!

Như vậy, quý vị để ý có sắc như thật, thọ tưởng hành thức như thật. Chúng ta sống bởi các uẩn, đau khổ hay thương ghét phiền não bởi các uẩn mà không thấy rằng cái uẩn đó vốn không có mà do chính mình tự tạo ra rồi tự khổ, đeo cái khổ cho mình. Đó là điều mà chúng ta cần phải hiểu ra, vì nói thật rằng, phải tu minh sát tuệ để thấy như thật tất cả mọi sự mọi vật.

Thấy rõ Sự Thật thì tất cả phiền não chấm dứt.

Do vậy, khi giảng Bát Khổ, tôi không nói khổ, tôi để nguyên cụm từ Dukkha. Tôi nói sanh là Dukkha, già là Dukkha, bệnh là Dukkha, chết là Dukkha, Ái biệt ly là Dukkha, Oán tăng hội là Dukkha, cầu bất đắc là Dukkha và thủ ngũ uẩn là Dukkha.

Quý vị hãy dùng cái nghĩa này áp dụng vào sự tu tập của mình để xem nó như thế nào, trải nghiệm xem nó có đúng không, có đúng chân lý sự thật không? Mà khi đúng chân lý sự thật đó thì mình thấy rõ là không có phiền não. Phiền não bao giờ cũng là cái đuôi do mình nghĩ ra, cái đuôi tâm mình đẻ ra, cái đuôi ảo giác do mình đẻ ra. Chứ sự thật không phải vậy.

Nói về Sự Thật, Như Thật thì quý vị nên xem lại bài kinh Bāhiya. Bài kinh Bāhiya nói về Diệt đế thôi, chứ không nói đến Khổ, Tập, Đạo. Nếu dùng Đạo để mà tu thì xin tóm tắt trong một cụm từ, có chánh niệm, có chánh kiến hoặc có chánh niệm tỉnh giác để mà nhìn ngắm mọi sự, mọi vật để xử lý mọi sự mọi vật trong ngoài là mình lấy Bát Chánh Đạo mà tu tập rồi. Còn trong trường hợp thấy rõ được bản chất như thật của các pháp, của tâm và pháp thì chỉ có pháp minh sát. Cụm từ minh sát nguyên văn là Vipassanā Bhavana. Bhavana là thể hiện, là thực hiện, thực hành. Nghĩa là thể hiện thực hành, quan sát cho rõ ràng; nó đơn giản như vậy thôi. Quan sát thân thọ tâm pháp. Quan sát cái gì cũng thấy rõ như thật hết. Đau nhức thấy như thực, hỷ, lạc, tham, sân đều thấy như thực cả. Mà khi thấy như thực thì bắt đầu chấm dứt mọi ảo tưởng, và tự nhiên mình thoát ly tất cả tham sân si phiền não, ngay giây phút đó, ngay sát na đó.

Bài kinh Bāhiya như thế này: Có một người Bà-la-môn tưởng mình đắc A-la-hán rồi, hôm nọ có một vị chư thiên mách bảo là không phải đâu, ông chưa đắc quả A la hán đâu; cái ông Gotama mới đắc quả A-la-hán kìa. Đi tới ngài để mà học hỏi đi.

Ổng tìm tới đức Phật khi ngài đang đi trì bình khất thực: Bạch đức Thế Tôn, làm sao ngài tóm tắt giáo pháp tinh yếu trên lộ trình tu tập của ngài cho con hiểu; con già rồi, không biết chết lúc nào. Đại khái đức Phật từ chối 3 lần, sau đó ngài mới nói: “Này Bāhiya, mắt thấy sắc như thật, tai nghe âm thanh như thật”… À, không phải vậy, không đúng nguyên văn, phải thế này: “Này Bāhiya, trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng chỉ là thọ tưởng, trong cái thức tri chỉ là thức tri. Hỡi này Bāhiya, vì trong cái thấy chỉ là cái thấy nên không có ông trong đó. Trong cái nghe chỉ là cái nghe nên không có ông trong đó. Trong cái thọ tưởng chỉ là thọ tưởng nên không có ông trong đó. Trong cái thức tri chỉ có thức tri nên không có ông trong đó. Nên này hỡi Bāhiya, vậy là không có đời này, không có đời sau, không có đời chặng giữa, thế là chấm dứt đoạn tận mọi khổ ưu”.

Tôi không nhớ đúng nguyên văn nhưng nội dung cốt lõi là vậy.

Đức Phật chỉ nói Như Thật vậy thôi mà Bāhiya đắc quả A-la-hán! “Trong cái thấy chỉ là cái thấy”. Nhưng thường thì chúng ta hay nói: Tôi thấy – nghĩa là có cái tôi đang có mặt, là sự vận hành của bản ngã. Vận hành của bản ngã kéo theo bao nhiêu cái trải nghiệm, bao nhiêu sở thích, bao nhiêu riêng tư, bao nhiêu thói quen... Vậy thì làm sao thấy biết trong sáng được, như “trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe”. Đó là tuệ giác rốt ráo cuối cùng đức Phật nói về Diệt đế. Diệt đế đồng nghĩa với Niết-bàn. Đoạn tận khổ đau là phải thấy như thật, trong đó không có cái tôi, bản ngã của tôi!

Vậy muốn thấy như thật, nghe như thật thì phải hành minh sát tuệ. Minh sát tuệ thì nhìn ngắm cái gì cũng như thật cả, cả sắc thọ tưởng, hành, thức… cả tâm và pháp! Nhìn ngắm, lắng nghe tất cả… tại hiện tiền đang trôi chảy này cùng với tất thảy những duyên khởi của nó, một cách như thực.

Không chỉ bên Nguyên Thuỷ, nói về sự lắng nghe trong tỉnh thức, hiện tiền mà Đại Thừa cũng vậy. Cụ thể là phẩm Phổ Môn. Hoá ra, bồ-tát Quán Thế Âm cũng lắng nghe, cũng tu tập mịnh sát!

Khi đức Phật hỏi bồ-tát Quán Thế Âm tu tập như thế nào, ngài mới trình bày cái thấy biết của mình qua cách tu tập “lắng nghe”. Đây, nguyên văn như sau:

“Sơ y văn trung. Nhập lưu vong sở. Sở nhập ký tịch. Động tịnh nhị tướng, liễu nhiên bất sanh. Như thị tiệm tăng. Văn, sở văn tận. Tận văn bất trụ. Giác, sở giác không. Không giác cực viên. Không, sở không diệt. Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền”.

Quý vị bên Đại Thừa đọc phẩm Phổ Môn chắc hiểu cả rồi. Đấy là cách “lắng nghe” của bồ-tát Quán Thế Âm. Đầu tiên, ngài y trong cái nghe, nghe riết cho đến chỗ cuối cùng (tận văn) cũng không trụ, không dính! Chỉ còn tánh giác, nhưng “giác và đối tượng của giác” cũng không. Rồi cái “không giác” ấy đi đến chỗ tròn đầy. Đến đây, “không và đối tượng của không” cũng diệt. Khi sanh, diệt đã diệt rồi thì chỉ còn sự trôi chảy vắng lặng của thế giới hiện tiền, của cái đang là…

Đấy, đấy là cái nghe của bậc giác ngộ, nghe bằng trí tuệ quán chiếu (vipassanā ñāṇa), soi chiếu tự thân cho đến chỗ thông suốt trong ngoài, “nhĩ căn viên thông” luôn. Nhĩ căn viên thông không phải là thiên nhĩ thông, mà nghe toàn bộ thân tâm, mắt tai mũi lưỡi thân ý đều nghe hết, nghe bằng tuệ giác như thực.

Người nào nghi ngờ cách “liễu giải” của tôi thì hãy xem lại cụm từ “Quán Thế Âm” thì thấy. Quán là lắng nghe, soi chiếu. Thế là thế gian (loka), thế gian nội giới, thế gian ngoại giới; là toàn bộ thân tâm, lục căn, lục trần, lục thức. Âm là âm thanh: Âm thanh bên trong, âm thanh bên ngoài. Ngài thông suốt, minh nhiên.

Kính thưa chư thiện hữu trí thức,

Buổi pháp thoại này chấm dứt ngang đây, và có lẽ tôi sẽ không còn bất kỳ bài pháp nào nữa. Tuổi đời cổ lai hy, không rõ là bao nhiêu năm, tôi chỉ làm một việc cuối cùng còn lại: Là “lắng nghe như thực” chính mình thôi.

Chúc chư vị thấy pháp và vô lượng an lành.

 

Tỳ-khưu Giới Đức

(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle