Phật giáo và văn hóa Nhật Bản*
phat giao nhat ban
Phật giáo có một sự đóng góp to lớn không chỉ đối với sự phát
triển nghệ thuật ở Nhật Bản, mà còn đối với sự phát triển văn hóa ở hầu hết mọi
phương diện. Sự thực, nếu không có Phật giáo, Nhật Bản không bao giờ đạt được nền
văn minh như hiện nay. Từ trước đến nay, Phật giáo đã thể hiện trong lịch sử Nhật
Bản mọi thứ mà đất nước này cần. Chính thông qua sự trung gian của Phật giáo mà
đảo quốc biệt lập này của chúng ta đã tiếp nhận được nền văn minh phương Đông, Ấn
Độ và Trung Quốc, mà dựa trên đó tổ tiên của chúng ta xây dựng nền tảng của Nhật
Bản ngày nay.
Về nghệ thuật, như đã thấy rõ, nó không thể tách rời
khỏi Phật giáo. Viếng thăm chùa Horyuzi (法隆寺/Pháp Long tự) gần Nara bạn
sẽ thấy rằng đây là một kho tàng nghệ thuật. Riêng quần thể kiến trúc, không
nói đến các bích họa và những tác phẩm điêu khắc mà tất cả chúng là những công
trình nghệ thuật vĩ đại, là một di tích nổi bật nhất chịu ảnh hưởng Phật giáo.
Vào các thời Heian (平安/Bình An 784-1192), Kamakura (鎌倉/Liêm
Thương 1192-1333) và Asikaga (足利/Túc Lợi 1392-1573), hầu hết
những kiệt tác nghệ thuật đều được nối kết trực tiếp hoặc gián tiếp với Phật
giáo. Bất kỳ ngôi chùa lịch sử nào ở Kyoto và vùng lân cận đều là nơi lưu giữ
những tác phẩm nghệ thuật do những người Nhật Bản kỳ tài sáng tác nên, mà nguồn
cảm hứng và ý tưởng có thể truy nguyên từ Phật giáo.
Ở Ấn Độ, nơi Phật
giáo khởi xuất, tôn giáo và triết học thật sự gắn kết chặt chẽ với nhau đến độ
không thể phân biệt cái này với cái kia.
Trí tưởng tượng
tôn giáo đã giúp tạo nên nghệ thuật trong
khi trực giác tôn giáo đã chứng tỏ là một sự kích thích lớn lao cho sự suy luận.
Trong khi trực giác trong một vài cách đối nghịch với suy luận, sự suy luận thực
sự có gốc rễ ở nơi trực giác và dễ dàng thoát ra khỏi trực giác dưới những điều
kiện thuận lợi. Đây là một trong những lý do tại sao Phật giáo thì thiên về trí
thức hơn bất kỳ hệ thống tôn giáo nào khác trên thế giới, và Phật giáo nguyên
thủy thậm chí đã được đồng nhất với một trào lưu đạo đức được xây dựng một cách
khoa học.
Do vậy, tâm thức người Nhật
mà nó được nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường Phật giáo có thể nắm bắt những
tư tưởng triết học cao nhất mà những trí thức phương Tây đạt đến. Học thuyết của
Hoa Nghiêm tông về sự tương sinh ở trong vũ trụ là điểm cao nhất của trực
giác Phật giáo. Những triết gia có thể nói chi tiết về nó và trình bày nó một
cách có phân tích và phù hợp với những quy tắc của phép biện chứng, nhưng về cơ
bản tôi tin rằng không tâm thức con người nào có thể sâu hơn trực giác của Phật
giáo. Người Nhật đã được rèn luyện ở nơi đó hơn một ngàn năm, dù rằng chỉ một
ít người có thể thực sự hiểu tất cả những bí ẩn của giáo pháp Phật giáo.
Một vài nhà phê
bình nước ngoài nghĩ rằng tâm thức người Nhật không có triết học. Dù họ có muốn
nói thế nào đi nữa, người Nhật chắc chắn có cách của họ trong việc giải thích đời
sống và tự nhiên, và nếu cần thì biết cách để phân tích trực giác của họ có
logic.
Ít nhất có một
điều trong lịch sử của Phật giáo Nhật Bản mà bất kỳ người viết nào về chủ để
này không thể phớt lờ, đó là sự ảnh hưởng của Phật giáo vào Busido (Võ sĩ đạo:
con đường của người võ sĩ). Đúng hơn có thể nói đó là sự ảnh hưởng của Thiền, bởi
vì chính tầng lớp Samurai chuyên học Thiền. Lý do là rằng Samurai luôn nghĩ về
cái chết mà nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào với họ. Trong khi cái chết là vấn đề
lớn nhất đối với tất cả chúng ta và nó thật sự là điều đưa chúng ta đến với tôn
giáo, thì đối với Samurai, đây là một điều nghiêm trọng hơn vì công việc của họ
là chuốc lấy nó. Công việc của họ là chiến đấu và giao chiến, có nghĩa là giết
đối thủ hay bị đối thủ giết.
Do đó, vị Sumurai có bản lĩnh và khả năng nhất là
người có thể coi thường cái chết. Nhưng sự coi thường này không phải là việc từ
bỏ đời sống trong hình thức của một kẻ liều mạng. Ở đây nên có một vài hiểu biết
triết học về câu hỏi “sống là gì?”, hay “chết là gì?” Sự hiểu biết này được Thiền
đưa ra một cách đơn giản và trực tiếp, tức là, không qua phương tiện tri thức
và nghi lễ phức tạp, điều rất thích hợp với tâm lý Samurai.
Samurai có thể
là một chính khách quan trọng, hoặc một học giả uyên thâm, nhưng một điều cần
nhất đối với vị này là ở trên cái chết. Khi tâm của họ không bị cái chết chi phối,
thì đối với bất kỳ quyết định gì mà họ đưa ra trong công việc của mình họ có thể
thực hiện chúng bất chấp kết quả xảy ra với bản thân là gì.
Võ sĩ đạo đã
phát triển dưới triều Hozyo khi Thiền Phật giáo được giới thiệu vào Trung Quốc,
và lập tức được hoàng gia Hozyo đón nhận. Họ được ghi nhận vì đời sống giản dị,
dũng cảm và sự cai trị anh minh của mình. Cuộc xâm chiếm của người Mông Cổ, mà
nó thật sự là một sự kiện lớn nhất trong lịch sự Nhật Bản trước cuộc chiến
Nga-Nhật (1904-1905), bị đẩy lùi bởi họ, và hầu hết những sử gia nghĩ rằng sức
mạnh trọng tâm ở trong nhiệm vụ bắt nguồn từ việc rèn luyện của họ ở nơi Thiền.
Như vậy rõ ràng rằng Thiền là một lực đẩy tâm linh mạnh mẽ cho việc xây dựng Võ
sĩ đạo của người Nhật.
Trong số những đóng góp quan trọng nhất mà Phật
giáo đã đem đến cho văn hóa tâm linh và đạo đức của người Nhật, chúng ta có thể
đề cập đến tinh thần bao dung và tình yêu thiên nhiên. Tinh thần bao dung ở đây
cho thấy là một thứ tình yêu tâm linh đối với kẻ thù. Khi những người xâm chiếm
Mông Cổ bị đẩy lùi, vì điều này nhiều người đã hy sinh mạng sống ở cả hai phía,
một ngôi đền được xây dựng sau đó tại Kamakura để an ủi những vong hồn tử trận,
cả người Nhật và người Mông Cổ.
Vào lúc kết thúc chiến tranh Triều Tiên do
Taiko Hideyosi đảm trách vào năm 1591-1598, một đài tưởng niệm được dựng lên
ngay tại Triều Tiên và một đài khác ở tại núi Koya, cả hai dành cho những người
hy sinh ở cả hai phía, người Nhật và người Triều Tiên, cầu nguyện cho tất cả họ
đạt được Phật quả bất kể họ đại diện cho phía nào. Như vậy, cái chết xóa bỏ tất
cả những suy xét trần tục và hợp nhất tất cả mọi người chúng ta trong một thực
tại, đó là ở trong Phật quả.
Tình yêu thiên
nhiên mà nó là bẩm sinh trong tâm hồn người Nhật đã được Phật giáo nâng cao
thêm và trao cho một ý nghĩa sâu sắc hơn. Những gì ở đây là sự thể hiện tâm
linh; việc thể hiện tình cảm chân thành đối với thiên nhiên trong trường hợp
này là một tình cảm tôn giáo cao cả và toàn diện nhất đối với nó, hữu tình và
vô tình. Những gì được biết là kuyo (puja trong tiếng Sanskrit) là một trong những
sự thể hiện tình cảm ấy. Puja có nghĩa gốc là “kính trọng”, “tôn kính”, hay
“tôn thờ”. Điều này dành cho cả con người và những đối tượng không tri giác.
Khi nó được áp dụng cho một con người ngày nay ở Phật giáo Nhật Bản, đó là thực
hiện việc dâng tặng, trong hầu hết mọi trường hợp là vật chất. Khi nó được thực
hiện đối với những chúng sanh khác bao gồm những người chết và thậm chí những vật
dụng do con người tạo ra, nó là tình cảm của tình thương yêu được thể hiện trong
một hình thức Phật giáo đặc biệt.
Chư Tăng Phật giáo Nhật Bản
Chúng ta thường
nghe hay đọc về một nghi lễ Kuyo được tiến hành cho loài côn trùng ca hát ở những
cánh đồng mùa thu, hay cho những cây bút lông mà những họa sĩ và người viết thư
pháp vứt bỏ, hay những cây kim mà những người thợ may hay những bà nội trợ sử dụng,
hay những đồ chơi bị hỏng, hay những xác người hay xác thú được sử dụng cho những
nghiên cứu y khoa, hay những con cá bị mắc lưới của các ngư phủ, những con thú
bị những đồ tể giết, những kẻ thù bị thất bại trong cuộc chiến, những động vật
bị chết ở trong tình trạng bị giam cầm, ví dụ ở trong những sở thú, hay những
cây cỏ bị nhổ bỏ trên cánh đồng, và nhiều đối tượng khác, của thiên nhiên hay
do con người làm ra.
Để hiểu sự kỳ lạ của việc thực hành Phật giáo này, ta phải
làm quen với tình cảm của Phật giáo Đại thừa về việc cứu độ phổ quát và tình bằng
hữu khắp vũ trụ, mà nó là không gì hơn tình cảm thương yêu đối với tất cả vạn vật
có tri giác và không tri giác.
D.T.
Suzuki – Nghiệp Đức dịch
______________
* Phần trích dịch này thuộc chương IV trong cuốn Japanese Buddhism của Daisetz Teitaro Suzuki.