Bên kia sự sống
ben kia su song
Đặng Công Hanh
“Trầm luân từ buổi ban sơ
Thâm sâu ta vẫn bơ vơ bụi đường”
(Tuệ Sỹ)
·
Sự bí ẩn của ý thức con người
Mỗi sinh vật
đều sẵn có sự nhận biết dù chỉ cơ bản nhất, được xác lập bởi ba yếu tố là thân,
khẩu và ý.
- Thân để chỉ
cho phần cơ thể vật lý đang hiện hữu, vốn không ngừng thay đổi, sinh ra, lớn
lên, già nua, bệnh tật và chết đi.
- Khái niệm
"khẩu" không chỉ hàm ý cho khả năng diễn đạt bằng lời nói, mà còn
liên quan đến những dấu hiệu khác dùng trong tương quan giao tiếp qua âm thanh,
cử chỉ biểu lộ, thậm chí kể cả sự sinh sản các hoạt chất tương tác (pheromoney)
là những hợp chất hóa học tiết ra bởi các loài động vật có vú trong cùng loại.
Ví dụ loài kiến dùng phương tiện này để làm dấu đường đi tha mồi, loài ong dùng
chất này để phân biệt giữa ong chúa và ong thợ. Khi thân này chết đi, thì khả
năng của khẩu cũng mất theo.
- Về khái niệm Ý và Thức
hoặc Ý thức, Tâm thức là một khía cạnh khó mô tả. Đó không phải là "sự
vật" mà ta có thể chỉ ra một cách dễ dàng như việc xác định "thân"
hay "khẩu". Có thể nói rằng đã có hàng vạn sách báo viết ra trong nỗ
lực nhằm mô tả khía cạnh khó nắm bắt này của con người.
Thế nhưng, bất
chấp bao công sức, bao nhiêu thời gian đã tiêu tốn nhằm xác định ý thức là gì;
đâu là bản chất của tinh thần; đâu là nguồn gốc của tư duy. Câu trả lời rằng:
tâm thức không nằm ở vị trí cụ thể nào, không có hình dáng, thể dạng, màu sắc
hay bất kỳ tính chất cụ thể nào để có thể liên kết với những khía cạnh cơ bản
khác của cơ thể như vị trí của tim hay phổi, những nguyên lý tuần hoàn và vùng
trong não bộ điều khiển những chức năng thiết yếu.
Nhưng về mặt
thực tiễn, không một ai có thể phủ nhận sự tồn tại của tâm thức. Chúng ta suy
nghĩ, cảm nhận; ta nhận biết mỗi khi đau đầu, chóng mặt; ta biết rõ là ta đang
buồn bã, đang vui vẻ. Việc không xác định vị trí hay tính cách về một hiện
tượng không có nghĩa là hiện tượng đó không tồn tại?
Triết gia Renés Descartes, cho rằng con
người có bản chất kép được ban tặng một tinh thần phi vật chất không trải rộng
trong không gian và không chia cắt được; một thể xác vật chất trải được trong
không gian và có thể chia cắt được. Tinh thần tư duy và vật chất tách rời nhau,
nhưng cùng tồn tại, nó tiếp xúc với vật chất qua trung gian "tuyến
tùng". Đây là quan điểm "nhị nguyên". Descartes cũng tin rằng
trí tuệ là siêu hữu hình nằm ngoài cơ thể của chúng ta. Trí não vật chất chắc
chắn không phải là phần suy nghĩ trong chúng ta vì làm sao một thứ tinh tế như
suy nghĩ và nhận thức lại bị tập trung vào các mô và các khe nứt bao bọc thô sơ
trong hộp sọ. Ông tin rằng có sự khác biệt rõ rệt giữa trí não và cơ thể.
Tuy nhiên, các
luận điểm của các nhà thần kinh sinh học đương thời không đồng tình với lý
thuyết nhị nguyên. Họ cho rằng ý thức chỉ là sự phản ảnh của quá trình vật lý,
kết quả của sự tổ chức phức tạp mạch thần kinh - và như vậy có nghĩa là ý thức
và thể xác chỉ là một. Ý thức không tách rời vật chất, nó chỉ là một sự đột
sinh, xuất hiện một cách tự nhiên từ vật chất do hoạt động của hệ thần kinh của
não bộ. Nói một cách khác, khi sự tổ chức của vật chất vượt qua một ngưỡng phức
tạp nào đó, thì các tính chất mới đột sinh ở cấp độ cao hơn của cơ thể, vốn
không hiện hữu ở cấp độ thấp hơn của các hạt cơ bản.
Từ quan điểm
này, ý thức đã xuất hiện từ vỏ não khi các nối kết thần kinh vượt qua một
ngưỡng phức tạp. Bác sĩ người Pháp Pierre Cabanis (1757-1808) đã tóm gọn quan
điểm đó như sau: "Não tiết ra tư duy,
giống như gan tiết ra mật". Rõ ràng đây là quan điểm nhất nguyên.
Cả hai quan
điểm nhị nguyên - nhất nguyên đều vấp phải những khó khăn nhất định và còn xa
mới giải quyết được các vướng mắc này.
· Đối với nhị nguyên luận:
1/ Làm thế nào
một thực thể phi vật chất (ý chí - tinh thần) lại tác động lên hình trạng của
một thể xác vật chất? Đó là điều mâu thuẫn với định luật Bảo toàn năng lượng,
một nguyên lý của vật lý có nội dung rằng: "Năng lượng của một hệ thống không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi".
2/ Giữa cái thế giới bên trong và bên ngoài đều dựa trên ảo tưởng cho
rằng thế giới bên ngoài có một thực tại khách quan độc lập đối với người quan
sát. Điều này chỉ gần đúng ở thang đời sống thông thường, còn ở cấp độ vi tế
thì không. Chẳng hạn, một hạt cơ bản khi không có sự quan sát, nó mặc áo sóng
và lúc có quan sát thì nó trở lại dạng hạt, có vị trí và có vận tốc. Chính sự
quan sát đã làm thay đổi thực tại bên ngoài.
· Còn nhất nguyên luận thì sao?
Quan kiến nhất
nguyên lấy nền tảng của khái niệm đột sinh và sự tự-tổ-chức. Chỗ dựa là mô hình
được xây dựng trên một số "hệ mở" của vật lý hay hóa học, nghĩa là
chúng tương tác với môi trường của chúng. Giáo sư Ilya Prigogine, giải Nobel
1977, làm việc tại Đại học Free ở Bỉ đã thành công khi thiết lập một hệ thống
mở, tức là một thống xa vị trí cân bằng (non equilibrium) nhưng tạm thời giữ
được trạng thái bền vững (stability) nhờ có sự trao đổi vật chất và năng lượng
với môi trường chung quanh. Nếu sự trao đổi vật chất và năng lượng tăng nhịp độ
thì sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ thống, gây ra sự chuyển biến về cấu
trúc của hệ thống, làm tính phức tạp tăng lên.
Đó chính là trường
hợp của mọi hệ thống sinh học của một sinh mệnh, lẽ dĩ nhiên cũng là đời sống
con người. Theo quan điểm này, não tồn tại trong một cơ thể luôn luôn tương tác
với thế giới chung quanh, chính sự tương tác liên tục này đã sinh ra ý thức và
như thế mà ý thức được giải thích bằng các hạt cơ bản, bằng các dòng điện hóa
và các mạch thần kinh.
Quan điểm này
đã qui giản con người xuất hiện như một "gói các nơron", ý thức chỉ
là kết quả của sự kiện thần kinh. Vậy tự
do ý chí là gì? Các ý thức mà chúng ta kiêu hãnh có tồn tại không? Các quan
niệm về giá trị, về trách nhiệm, về đạo lý, công lý và đạo đức vốn là nền tảng
xã hội loài người và văn minh liệu có chỗ dựa để tồn tại chăng? Rốt ráo hơn,
nếu ai đó, nhà khoa học thần kinh hay các triết gia không có tự do ý thức làm sao
họ lấy gì để phủ nhận chính sự tự do ý chí này.
Vào những thập
niên cuối thế kỷ 20, với sự tiến bộ rực rỡ của nền khoa học và công nghệ, các
kết quả nghiên cứu thông báo với chúng ta rằng phải vượt ra ngoài giới hạn của
5 giác quan tới mức độ lượng tử mới có thể tiếp cận được trí não và ý thức. Họ
khẳng định rằng ngoài các quá trình phân tử và tế bào vật chất diễn ra trong
não bộ và trong cơ thể, còn có sóng dao động, rung động và hoạt động hạ nguyên
tử mà chỉ có thể giải thích bằng vật lý lượng tử.
Trong vật lý cổ
điển hay vật lý Newton,
vật chất hiện ra ở các hạt, trong khi các lực thì được mô tả bằng các trường.
Trái lại, lý thuyết lượng tử chỉ nhìn thấy ở hiện thực gồm những tương tác,
những tương tác được chuyển tải bằng những "thực thể trung gian gọi là beson". Có thể nói là beson chuyển
tải các lực và bảo đảm liên hệ giữa các hạt vật chất gọi là "fermion" - các fermion này tạo
thành các "trường vật chất".
Từ đây, lý thuyết lượng tử đã xóa bỏ sự phân biệt giữa trường và hạt, đồng thời
giữa cái gì là vật chất - là phi vật chất hay khái quát "giữa vật chất và cái nằm bên kia nó".
Theo cách nhìn
này, một hạt không tồn tại bởi "tự
bản thân nó" mà chỉ là "những hệ quả do nó sinh ra". Tập
hợp ấy là một trường. Như vậy, những vật thể bao quanh ta chỉ là những tập hợp
trường phi vật chất (trường điện từ, trường hấp dẫn, trường proton, trường
electron). Hiện thực chủ yếu, căn bản là một tập hợp của các trường tác động
lẫn nhau thường xuyên.
Với ý nghĩa
chặt chẽ, trường không có một thực chất nào khác, ngoài thực chất dao động. Đó
là một tập hợp những dao động tiềm tàng mà các hạt cơ bản (các quanton) có bản
chất khác nhau gắn vào. Các hạt này, đó là những biểu hiện "vật chất"
của trường, có thể di chuyển trong không gian và đi vào sự tương tác. Hiện thực
nằm bên dưới đó, được đặc trưng cho những hiện tượng có thể quan sát và các
hiện tượng đó chỉ quan sát được qua môi giới của các hạt cơ bản.
Như vậy, "cái đáy" của vật chất không thể tìm thấy dưới hình
thức một vật, khuôn mẫu cuối cùng của hiện thực. Cái mà ta tưởng là bất động,
thật ra nó gồm vô số vận động, những chuyển hướng lộn xộn. Vật thể bao quanh ta
chỉ là chân không. Chân không là sân khấu của những sự kiện thường xuyên, những
thăng giáng không ngừng, những trận bão lượng tử dữ dội trong đó các thực thể
dưới nguyên tử được tạo ra trước khi bị hủy diệt tức khắc.
Các thực thể lượng
tử là do các trường cơ bản sinh ra nghĩa là nó đến từ chân không, thì hiện thực
cơ bản chỉ là thông tin thuần túy. Ngày nay, ngày càng có nhiều nhà vật lý cho rằng vũ trụ là một ma trận thông tin vĩ đại và
những hiện thực xuất hiện đối với chúng ta như một mạng lưới những quan hệ vô
tận, tương giao và kết hợp với nhau, vận hành theo một qui luật mà con người
chưa hiểu nổi.
Xét cho cùng, tất cả những gì chúng ta tin vào như
không gian thời gian, tất cả những gì chúng ta hình dung về vị trí vật thể và
về quan hệ nhân quả của các sự kiện, những gì ta có thể suy nghĩ về tính cách
có thể chia cắt của sự vật tồn tại trong vũ
trụ. Tất cả những điều đó chỉ là ảo giác vô tận và vĩnh hằng bao phủ lên
hiện thực một tấm màn bí ẩn, một hiện thực không phải được làm bằng vật chất mà
bằng tinh thần. Tinh thần được xem là một dòng các thời điểm của ý thức.
Trong khuôn khổ
nhận thức vừa mô hình cổ điển vừa hiện đại, thì ý thức là hiện tượng, vật chất
là hiện tượng phụ hay tác dụng phụ trong chức năng sinh lý của con người và
cũng có thể trong chức năng sinh lý của thế giới hữu cơ mà chúng ta sống trong
đó.
Cơ thể con
người không phải là một kết cấu cố định trong không gian và thời gian. Cơ thể
con người tựa như một dòng chảy, có năng lượng, có thông tin và cả sự thông
minh. Thông qua một quá trình sinh lý, con người có thể làm mới mình trong giây
phút họ tồn tại. Theo các nhà khoa học, trong đó có giáo sư Deepak Chopra cho
rằng mỗi nhịp thở chúng ta hít vào có từ 10 đến 21 nguyên tử từ vũ trụ và thở
ra cũng có chừng 10 đến 21 nguyên tử có nguồn gốc từ mỗi tế bào cơ thể chúng
ta.
Và cũng như
thế, trong vòng một tháng có hàng nghìn triệu nguyên tử luân chuyển qua các cơ
thể của bất kỳ sinh vật sống trong hành tinh này. Ngay cả nguyên liệu thô cấu
tạo nên ADN của cơ thể thì các ADN đã lưu giữ ký ức của hàng triệu năm tiến
hóa. Cơ thể vật lý của chúng ta chỉ là nơi các nguyên tố được tái sinh có ý
nghĩa trong tất cả các hình thức thể lỏng, thể rắn, thể khí.
Ngày nay, những trải nghiệm trong đời
sống đã dẫn dắt con người vào thế giới khoa học. Từ những chiếc máy vi tính,
chiếc ti vi, máy fax, chiếc điện thoại có
màn hình 3G... tất cả những công nghệ này đều dựa trên một cơ sở đơn giản: bản
chất thế giới vật chất không phải là vật chất. Những chất liệu cần thiết của vũ
trụ lại là phi vật chất. Nguyên tử, đơn vị cơ bản của vật chất không phải là
một thực thể rắn chắc mà là hệ thống phân tầng của các trạng thái thông tin và
năng lượng trong một khoảng không rộng lớn.
Đến lượt các nguyên tử lại được tạo ra bởi các hạt
hạ nguyên tử chuyển động với vận tốc ánh sáng. Các hạt này có bản chất là các
dao động năng lượng và thông tin. Cơ thể con người gồm 99,99% là khoảng trống,
còn 0,01% có lẽ là vật chất thì cũng là trống rỗng. Vậy cơ thể con người thực
sự chẳng làm bằng gì cả.
Vả chăng sự hư
không này có thể là trung tâm của sáng tạo, để tạo ra suy nghĩ, bởi vì suy nghĩ
là gì nếu không phải là sự dao động của năng lượng và thông tin, đó cũng là
hoạt động của bản thân của vũ trụ. Xét cho cùng, suy nghĩ của con người chỉ là
sự tập trung khu biệt năng lượng và thông tin của một vũ trụ sống động đầy ắp
thông tin và năng lượng. Suy nghĩ là các sự việc lượng tử biến đổi thành các sự
kiện không - thời gian.
Các nhà khoa
học về thần kinh ước tính rằng, trung bình một người suy nghĩ 60 nghìn lần
trong mỗi ngày và những suy nghĩ ngày hôm nay giống đến 90% những suy nghĩ ngày
hôm qua. Chúng ta là nạn nhân của sự lặp đi lặp lại của các ký ức hay còn gọi
là sự kiện không - thời gian, theo một ý nghĩa nào đó bởi vì suy nghĩ chiếm giữ
khoảng không gian trong cái nơi mà con con người gọi là ý thức.
Giáo sư Depak Chopra, Đại học Boston và Đại học Tufts, người đứng đầu Trung tâm Y tế
vùng Boston,
cho rằng ý thức là sự nhận thức gồm ít nhất ba thành phần: mục đích, chú ý và
ký ức. Ông cũng lưu tâm rằng: chú ý, mục đích, ký ức là thông tin và năng
lượng. Các trường thông tin và năng lượng
này có thể tương tự như thể của tự nhiên, nhưng nó tự bộc lộ trong chức năng
sinh lý của con người và thông qua hệ thần kinh con người như suy tư và ký ức,
mục đích và sự chú ý mà chúng ta trải qua thời khắc tồn tại của mình.
· Ý thức trong quan niệm Phật giáo
Phật giáo cho rằng ý thức, đôi khi còn gọi là thức, có thể xem tương
đương với các khái niệm như tri giác, hay tri thức, khác nghĩa với tàng thức.
Các danh từ đó nói lên một nội hàm là sự
nhận biết. Đối với tâm thức thì có nghĩa rộng và sâu hơn, gồm cả xúc cảm,
sự suy nghĩ, tình cảm và những xung năng tiềm ẩn... Ý thức chỉ là một chức năng
hữu hiệu, không có hiện thực nội tại. Ý thức có nhiều cấp độ khác nhau: thô sơ,
tinh tế và cực kỳ tinh tế.
- Cấp độ thô sơ
gồm tri giác phát sinh từ ngũ giác như tri giác của mắt (hay nhãn thức) tiếp
nhận màu sắc, hình dạng; tri giác của tai (thính giác) tiếp nhận âm thanh...
Cấp độ thô sơ này bị não gây thay đổi và ngược lại nó cũng có thể thay đổi não
bộ thông qua qui luật nhân quả tương tạo. Rõ ràng sự hoạt động nào cũng đều liên
thông với hoạt động của não bộ và như thế nó không thể hiện được nếu không có
thể xác. Đây chính là điểm gặp gỡ với khoa học thần kinh.
- Cấp độ tinh
tế, ý thức tương ứng với sự biết suy nghĩ, với trực quan ý thức hay tự suy xét
mình, thực hiện khả năng tự do ý chí và bao hàm sự thể hiện các khuynh hướng
khác nhau được tích tụ từ nhiều quá khứ.
- Cấp độ cực kỳ
tinh tế được gọi sự tỉnh thức nền tảng
của ý thức, tương ứng với sự hiểu biết thuần khiết, không hoạt động theo mô
thức nhị nguyên chủ - khách thể, vượt qua tư duy logic hay còn gọi nó là trực
giác.
Hai cấp độ thô
và tinh, có thể tri giác được, đều bắt nguồn từ cấp độ cực kỳ tinh tế này và ở
một nền tảng của tỉnh thức, tạm thời bị tấm màn độc hại của vô minh che khuất,
tựa như cái tảng mây che khuất mặt trời. Ba cấp độ này chỉ tương ứng với tiềm
năng thể hiện ngày càng sâu sắc và không tách rời nhau, tạo nên một dòng ý thức
không nhất thiết phụ thuộc vào một thân xác.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma có luận giải như
sau:
"Hoàn toàn
rõ ràng là ý thức thô sơ phụ thuộc
vào hoạt động của não bộ, như vậy là có mối quan hệ nhân quả giữa chức năng của
não và sự đột phá xuất hiện của ý thức
thô... Đó là mối quan hệ nhân quả nào đây? Phật giáo nói đến hai nguyên
nhân. Loại thứ nhất là nguyên nhân chủ yếu, trong đó vật liệu của nguyên nhân
trở thành vật liệu của kết quả. Loại thứ hai là nhân tố hỗ trợ, trong đó sự
kiện này sinh ra sự kiện khác mà không cần có sự chuyển hóa cái này sang cái
kia..."
Một hiện tượng
vật lý (đối tượng của khoa học trên bình diện tổng quát), có thể định xứ trong
không gian, có thể đo đạc qua thiết bị về lượng hay các tính chất khác, còn
hiện tượng tinh thần (phi vật chất) về bản chất của chúng chỉ là trải nghiệm
hiện tượng rất khác nhau. Dường như chúng là hai hiện tượng rất khác nhau một cách ước lệ bởi vì vật chất và ý thức không
tồn tại độc lập.
Các luận sư
Phật giáo còn cho rằng nguyên nhân và kết quả phải có sự cộng thông về bản chất
cho nên một khoảnh khắc của ý thức chỉ có thể sinh ra từ một khoảnh khắc trước
đó của ý thức. Khía cạnh nguyên thủy của ý thức không phải một thực thể tách
biệt mà được xem như một dòng liên tục cực kỳ tinh tế, mà bản thân của nó cũng
bắt nguồn từ một chuỗi liên tiếp các thời điểm của ý thức không có điểm khởi
thủy. Dòng ý thức này và thế giới hiện tượng bên ngoài gắn kết với nhau trong
quan hệ phụ thuộc tạo nên thế giới con người, một thế giới của kinh nghiệm từng
trải.
Cũng vì vậy, dòng
ý thức liên tục mang tính cách cá nhân chuyển từ một trạng thái tồn tại này
sang một trạng thái khác. Người ta mô tả ý thức bao hàm một lượng nhiều quan hệ
tương tự, chúng tạo nên một trường gọi là trường
ý thức cũng có thể thuộc về một continum
giống như trường lượng tử, cũng có nghĩa là sóng nhưng không phải sóng vật
lý, nó không mang theo thực thể riêng biệt nào và chỉ có chức năng là duy trì
vĩnh viễn. Có một cái gì đó trôi đi nhưng không có một thực thể di trú, không
có một hiện thực nội tại.
Có thể bằng một
ví dụ tương thích về tính nối tiếp của ý thức như truyền đạt nội dung một bài
giảng đạo pháp: đương nhiên có sự truyền thụ, nhưng không hề có mảy may nào về
"vật liệu" chuyển tải, mà
chỉ có sự liên tục nối tiếp các trạng thái ý thức trải qua sóng lan truyền chức
năng và thông tin. Sau sóng ý thức này có thể đã chuyển hóa được bản chất suy
nghĩ và hành vi gắn liền với ý thức của người tham dự. Đến lượt người tham dự,
những thay đổi của tự thân mà chúng ta mang đến cho sóng ý thức thông qua tư
duy và hành vi sẽ quyết định gắn kết với ý thức của mình.
Trong quan điểm
nền tảng Phật giáo thì sự chuyển hóa tâm linh đích thực là sự chuyển hóa dòng ý
thức, bằng cách xóa đi bức màn tinh thần được thêu dệt bởi hận thù, kiêu ngạo,
tham lam... làm cho nó trở nên trong sáng thấy được bản chất thực sự của sự vật
mà chúng ta tri giác.
· Suy tư ở bên ngoài bộ não
Phật giáo quan
niệm rằng, vũ trụ không phải là ý thức mà chính là nó tồn tại cùng với ý thức.
Có một dòng liên tục ý thức đồng hành cùng với dòng liên tục khối lượng - năng
lượng. Vì thế, việc vũ trụ chúng ta đang ở, đã không có sự sống trong nhiều tỷ
năm không có nghĩa là dòng liên tục ý thức bị gián đoạn. Dòng ý thức có thể
biểu hiện trên các bình diện khác và trong các vũ trụ khác.
Đức Phật đã rất
nhiều lần nhấn mạnh rằng không nên tin vào lời dạy của Ngài, mà phải tự kiểm
chứng. Và theo Ngài thì sự tồn tại dòng liên tục ý thức là một thực tế kinh nghiệm, kết quả của sự hiểu
biết sâu sắc chứ không phải là một kết cấu của trí tuệ tự do.
Theo kinh điển
Phật, ý thức có thể ghi dấu trên thể xác theo các cách thức khác nhau, không
chỉ ở dạng con người hay chỉ trên vũ trụ chúng ta. Có 3 loại thế giới.
- Dục giới hay
thế giới của ham muốn, trong đó có loài người, đặc trưng của nó là cuốn vào trò
chơi những cảm xúc mạnh.
- Sắc giới là
thế giới của hình dạng, gắn kết với ý thức tinh tế, ít chịu chi phối tác động
của xúc tình.
- Vô sắc giới
hay thế giới không có hình dạng thể xác nào, hoàn toàn thoát ly sự trói buộc
của vật chất, chỉ còn lại các đường thể thuần túy tinh thần độc lập, chính là
các nấc thang tu dưỡng tinh thần.
Quả thật là
điều khó hiểu và khó chấp nhận đối với chúng ta. Có lẽ đó chính là vấn đề xác tín và xác thực mà con người mang nặng trong kiếp sống trần gian. Đạo Phật
mà được giải thích trên lập trường khoa học có thể không sai nhưng chưa hẳn là
đúng - nhất là khi mà khoa học vẫn phải ràng buộc trong lĩnh vực thường nghiệm,
còn bị chiêu cảm của nghiệp lực và đang còn chập chững trong bước chân đặt vào
những chiều kích sâu thẳm của tâm linh và vũ trụ. Những chiều kích đã vượt qua
khỏi những khái niệm thông tục về vật chất, thời gian, không gian và tương quan
nhân quả một chiều.
Chúng ta ở thời
khắc mà nền vật lý hiện đại đã vượt qua và còn đe dọa phá hủy những định đề đã
ngự trị như những chân lý của vật lý Newton, của Descartes thì cũng không có gì
bảo đảm là những khám phá hôm nay lại không bị vượt qua ở mai sau. Chẳng hạn,
những vấn đề của lý thuyết lượng tử, của lý thuyết siêu dây... không còn ở
trong cái thế tách bạch chủ thể, khách thể, khả dĩ mở đường cho khoa học tìm
đến đạo Phật. Niềm xác tín của những
bậc tu Phật, học Phật từ xưa nay ở những gì mà Đức Phật giảng dạy đã đem đến
những sự thành đạt to lớn hơn nhiều, kỳ vĩ hơn nhiều đối với những gì mà ta gọi
là xác thực đem đến.
Niềm xác tín tu
trì qua kinh điển của Phật, của sự mầu nhiệm mãnh liệt giúp ta sống với những
chiều kích sâu thẳm của tâm linh và vũ trụ hơn là phải đòi hỏi sự xác thực mang
tính cách mong manh do tác động của làn sóng vô minh không ngừng tác động trên
tâm thức.
Cùng với sự
phát triển của khoa học và công nghệ, đời sống tiện ích đã không ngừng nâng
lên, giá trị tinh thần cuốn hút vào dòng xoáy "có - không". Đối với
những người duy vật, sự cuốn hút đó ở trạng thái cao độ và họ quan niệm con
người chết khi bộ não chết. Hơn thế nữa, chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa duy vật
máy móc có thể đã góp phần làm chướng ngại lớn đối với nhân loại trên con đường
tiến hóa về trí tuệ, về tâm linh cho hiện tại và mai sau. Tuy vậy, qua một vài
thập kỷ gần đây, có những bằng chứng khoa học đã vực dậy sự hy vọng tư duy mở
rộng ra ở ngoài bộ não, mang đến ánh sáng khởi nguyên nhìn về thế giới tâm
linh.
- Hai nhà khoa
học ngành y người Nga là K.H. Pribram
và E. Vesbleik đã phát lộ mô hình
toàn đồ công việc của não, mô tả sự ghi chép toàn bộ các quá trình sóng xuất
hiện trong tiến trình làm việc của tế bào thần kinh, cũng như các xung động,
thông tin mã hóa, trên nhiều nơron tương tác với nhau. Đây là bản chất toàn đồ
của cấu trúc hoạt động não bộ và bảo tồn thông tin trong trí nhớ.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh con người chết lâm sàng, cơ thể vật lý kể cả
não lẽ ra không còn làm việc và hiệu thế các tế bào là zêrô; thông tin bảo tồn
trong não bị xóa sạch. Nhưng thực tế cho thấy điều đó không xảy ra. Người bệnh
sống lại thì lập tức nhận ra các điều quen thuộc như bình thường.
- Theo nhà khoa học thần kinh nổi tiếng
Franciso Varela: "Não là cấu trúc đọc
thông tin, cho phép lấy thông tin từ hệ thống trường sinh học con người và
trường thông tin vũ trụ". Trường sinh học là biểu hiện của năng lượng sinh
học, biến thái từ năng lượng vũ trụ thâm nhập vào cơ thể qua các căn tai, mũi,
miệng...
- TS. Heraclit nói dứt khoát: "Sức
mạnh tư duy ở ngoài cơ thể, nghĩa là sự tư duy không dựa trên các tổ chức sinh
lý vật chất của cơ thể mặc dù quá trình thông tin trong cơ thể có liên quan đến
chức năng của não. Cơ chế sinh ra ý nghĩa là cấu tạo trường của hệ sinh
học"
- Nhà triết học Pháp Henry Bergson viết:
"Não không khác gì hơn là một trạm điện thoại trung ương mà vai trò của nó
là chuyển thông tin hoặc làm rõ nó. Nó không thêm gì vào cái nhận được. Ngay
cấu tạo của não đã chứng minh rằng nó là biến đổi sự kích thích ngoại lai thành
một phản ứng có chọn lựa".
- Viện sĩ Nga F. Voino Yasenetsky viết về não
thế này: "Trong vỏ não không phát
hiện ra trung tâm tư duy và trí nhớ, không có những cấu trúc đặc thù thực hiện
các chức năng ấy... Tư duy và trí nhớ dài hạn không thể thực hiện trên những
con đường dẫn truyền của các xung động thần kinh theo mạng lưới nơron của não
bộ, bởi lẽ tốc độ di chuyển tiềm năng hoạt động dọc theo sợi thần kinh và thời
gian chuyển qua xinap không thể nhanh như hiện có của các cơ chế tư duy và trí
nhớ. Hành xử nhanh như thế chỉ có thể thực hiện ở cấp độ trường (nơron và xinap
là các tế bào cấu tạo nên hệ thần kinh - có chức năng mang thông tin). Ông đưa
ra kết luận: "Não tiếp nhận thông tin từ dòng ý thức và tạo thành thông
tin theo trật tự của các tác động lên các trung tâm thần kinh. Và rồi, các
trung tâm thần kinh tác động lên các mô cơ hoặc các cơ quan nội tạng của thân
thể vật lý".
Nếu có thể hiểu được phổi lấy lượng ôxy cần thiết để cho cơ thể vật lý
thì não lấy từ dòng ý thức (thông tin và năng lượng) một lượng ý thức cần thiết
từng thời khắc bảo đảm cho hoạt động tinh thần và như thế tâm hồn con người
hiện thành cùng với cấu trúc ý thức đã tạo nên ý thức cá thể, tiếp tục tồn tại
trong môi trường quen thuộc của mình.
Chuyên ngành
Cận tâm lý học là một bộ phận nghiên cứu những hiện tượng nằm ngoài tầm với của
5 giác quan thông thường của con người, cũng như nằm ngoài tầm ảnh hưởng của
các nguyên lý khoa học thực nghiệm. Phương pháp luận của Cận tâm lý dựa vào
những nguyên tắc phổ biến của khoa học hiện đại mà cụ thể là vật lý lượng tử.
Cận tâm lý
nghiên cứu sâu về trạng thái não, tìm ra qui luật liên hệ giữa sóng não và
trạng thái não và hoạt động của Vô thức, có cơ cấu là hệ thần kinh thực vật nằm
ở đáy não. Con người khi hôn mê người ta sống bằng cơ cấu hệ thần kinh thực
vật.
Hoạt động thần
kinh gồm 2 phần: phần hữu thức (tức có ý thức, biết nhận thức) và phần vô thức
liên quan đến phần dưới vỏ não, ở cuốn não liên kết với tuyến tùng, tuyến yên,
hệ thần kinh thực vật.
Thật ra vô thức
hay ngoài ý thức, thuật ngữ thường dùng là "thẩm thấu", mô tả rõ ràng
trong các kiếp trước, chúng ta liên tục tích lũy các loại thói quen, nó tiềm ẩn
trong dòng ý thức và ảnh hưởng sâu đậm đến suy nghĩ và hành động của chúng ta,
trong đó nếp gấp thâm căn cố đế là tính qui ngã, tức là tin vào sự tồn tại của
một cái tôi. Từ đó sinh ra vô vàn các xung lực thúc đẩy đến tiềm năng ham muốn
của năm giác quan, gây bao nhiêu hệ lụy bất an cho đời sống.
Xem ra, phần
chính yếu của tâm lý con người thường ẩn giấu trong cõi vô thức. Chỉ thoáng
trong suy tư của chúng ta mới có tính ý thức. Những thể hiện vô thức trong đời
sống hàng ngày chiếm một tỷ lệ vượt trội so với những đòi hỏi có ý thức. Các
hiện tượng mộng mị, thần giao cách cảm, linh cảm báo hiện... đều là hoạt động
khác nhau của vô thức. Nếu hiểu được các thầm kín trong cõi vô thức thì mới
hiểu hết nội tâm của con người. Đó là một điều bất khả.
*
* *
Sự sống, cốt
lõi được hiểu là sự tích lũy liên tục các thông tin mà nguồn gốc tạo ra chính
là ý thức, và thông tin được chuyển tải bằng năng lượng. Trong một hệ thống
sống như cơ thể con người, theo Ilya Prigogine,
đoạt giải Nobel 1977, là một hệ thống mở, xa vị trí cân bằng (non -
equilibriment) nhưng tạm thời giữ được trạng thái bền vững (stability) do có sự
trao đổi vật chất và năng lượng với môi trường chung quanh. Thế cho nên có tính
giàu thông tin, nghèo năng lượng và cuối cùng phải chuyển sang giai đoạn tinh
thần của sự sống.
Các công trình
nghiên cứu của khoa học Cận tâm lý đã chứng minh qua thực chứng rằng sau khi
thể xác chết, phần ý thức (tinh thần) vẫn tồn tại ở dạng khác, ở một nơi khác, ở một thế giới khác.
Theo thiền sư người
Pháp là Matthieu Ricard, đồng thời là nhà
khoa học sinh học phân tử hiện sống và tu thiền trong dãy Himalaya cho
rằng, thế giới đó là thế giới vô hình dạng (vô sắc giới), tại đây ý thức không
bị gắn với một thể xác nào cả. Tuy vậy, điều này không ngăn cản trạng thái tồn
tại như thế, và vẫn bị qui định bởi vô minh.
Thay vì nói đến
sự tái sinh, ta nói đến trạng thái tồn tại liên tiếp biến đổi, khi ý thức ở
trạng thái vô dạng này một thời gian và rồi sau đó dưới tác động của xu hướng
tiềm ẩn, nó sẽ nhập lại vào thể xác mới. Xu hướng tiềm ẩn này chính là bản năng
ham muốn, bám chấp trong hiện tại sẽ tạo điều kiện cho sự tái sinh sắp tới.
Câu chuyện mồi
lửa mô tả thật sinh động cơ chế này: Đời sống được ví như ngọn lửa và hiện
tượng tái sinh được xem như sự mồi lửa từ cây đèn này sang cây đèn khác. Ngọn
lửa của đời sống liên tục tiếp diễn, mặc dù có sự gián đoạn bộc lộ ra bên ngoài
mà ta gọi là cái chết.
Chỉ có sự liên
tục của dòng ý thức, triền miên thay đổi, tiếp diễn trong thể xác mới, chứ
không phải là một linh hồn trường cửu, bất di bất dịch, chuyển sang từ cơ thể
này sang thân xác khác. Dầu tiến trình của đời sống chấm dứt ở một nơi và biểu
hiện ở một nơi khác, hay tiến trình xảy ra diễn tiếp trong một kiếp sống, yếu
tố chính vẫn là liên tục.
Giáo sư Francis Bowen của đại học Harvard
có viết như sau để kêu gọi tín đồ Cơ đốc giáo nên chấp nhận thuyết tái sinh.
"... Nhưng không ai có thể phản đối về cái thân phận mà chính mình
đã thừa hưởng của chính mình, của chính tự ngã của mình trong một trạng ở kiếp
sống quá khứ. Cái mà ta gọi là chết chỉ là biến trạng đưa đến một đời sống khác
trên quả địa cầu và nếu đời sống ấy không được cao quý tốt đẹp hơn kiếp sống
vừa chấm dứt, thì chính là tại ta".
Trong Phật giáo
có nói đến khái niệm Nghiệp theo đúng nghĩa của danh từ là hành động hay việc
làm. Tất cả những hành động có tác ý, bằng thân, bằng lời nói hay tư tưởng đều
được xem là tạo nghiệp. Yếu tố tạo nghiệp quan trọng nhất, làm động cơ thúc
đẩy. Đức Phật dạy trong Angutta Nikaya: "Này hỡi các Tỳ Khưu, Như Lai xác nhận rằng chính Tác ý là Nghiệp. Do có
ý muốn mới có hành động bằng thân, khẩu hay ý" .
Như vậy, Tác ý
hay ý muốn làm động cơ phát xuất hành động, là người tạo "người
Nghiệp" và Thọ, cảm giác là người gặt quả. Ta gọi hai tinh thần ấy
"tác ý" và "thọ" là "người", theo quan điểm giáo sư William James nhà tâm lý tài
năng chủ trương rằng "Chính tư tưởng là người tư tưởng".
Cũng như ta
không thể nói trái xoài đã được tích trữ một nơi nào đó trong cây xoài, nhưng
tùy thuộc cây xoài khi đầy đủ cơ duyên nó sẽ trổ ra đúng lúc, đúng mùa. Ta
không thể nói Nghiệp tích trữ một nơi nào đó trong tâm - ý luôn luôn biến đổi
không ngừng, nhưng nó tùy thuộc vào danh - sắc, Nghiệp hiện khởi lên trong lúc
thích ứng.
Rốt
lại, Nghiệp là một năng lực cá biệt được chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Nó
giữ một vai trò quan trọng trong việc cấu tạo nên tâm tính con người, giải
thích được những hiện tượng kỳ diệu mà ta hay nói là vĩ nhân, thiên tài, thần
đồng v.v.. Chúng ta là kiến trúc sư xây đắp nên số phận của mình. Chính ta tạo
thiên đường và địa ngục cho ta. Vậy từ đây ta hãy tích trữ cái tốt để đem đi
nơi khác trong tương lai.
***
Trên
tiến trình của khám phá vào thế giới hiện tượng, Khoa học góp phần không nhỏ
trong việc giải thích được một số khái niệm cơ bản của Phật giáo bằng các
phương tiện của Khoa học hiện đại, đồng thời Phật giáo cũng mở ra cho Khoa học
những chân trời khảo cứu mới bao quát hơn và sâu rộng hơn. Thế cho nên người ta
có thể từ "cái biết của Phật giáo"
để đánh giá khen ngợi Khoa học, chứ
không làm điều ngược lại. Xin mượn lời một Lạt-ma người Đan Mạch từng là một
nhà Vật lý lượng tử nổi danh Lama Ole
Nydhal phát biểu khi ông được hỏi về sự hợp tác giữa Khoa học và Phật giáo.
"Tôi
hình dung Phật giáo như cái đầu và quả tim con người. Khoa học là hai tay, hai
chân, hai mắt. Khoa học tìm cách đáp ứng câu hỏi "làm thế nào" để cải
thiện đời sống thực tế con người. Phật giáo giải thích "tại sao làm như
thế" để giúp cho con người hạnh phúc hơn; Phật giáo giúp cho họ sống, chết
và tái sinh trong những điều kiện tốt đẹp hơn (Theo Hoang Phong - soạn và
dịch).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/
Thomas E. Wood: Mind Only. 1991 University of Hawaii Press
2/
Karen Nesbitt Shanor: The Emerging Mind
Vũ Thị Hồng (dịch)
NXB Tri Thức 2007.
3/
Matthieu Ricard - Trịnh Xuân Thuận: Cái
vô hạn trong lòng bàn tay
Phạm Văn Thiều dịch - NXB trẻ 2004.
4/
Đoàn Xuân Mượu: Khoa học - Vấn đề tâm
linh
NXB Thanh niên 2010
4/
Brian Greene: Vũ trụ song song - Lê Tuyên - Lê Gia dịch
NXB Thời Đại 2003.