Tu viện Tawang

tu vien c

Tu viện Tawang

Nguyễn Đăng


Tu viện Tawang, hay cũng được gọi là Galden Namgyal Lhatse, được Merak Lama Lodre Gyatso thành lập vào năm 1680-1681. Tu viên này tọa lạc trên một ngọn đồi có độ cao khoảng 3500 mét so với mức nước biển, thuộc quận Tewang[1], bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ. Nhìn từ xa, tu viện trông như một pháo đài đang bảo vệ cư dân ở thung lũng Tawang-chu rộng mênh mong bên dưới. Tawang được cho là tu viện Phật giáo lớn nhất ở Ấn Độ hiện nay. Hiện tu viện này có khoảng 500 vị Lama đang tu học, và nó là địa điểm tâm linh quan trọng của dân chúng ở vùng đất này.

Tawang là nơi sinh của Dalai Lama thứ sáu, và vì thế nó cũng trở thành một địa điểm thiêng liêng đối với Phật tử Tây Tạng, và cũng là trung tâm quan yếu của phái Gelugpa (Gelug), một trường phái Phật giáo có uy thế ở Tây Tạng. Phật giáo được truyền đến Tawang vào thế kỷ thứ VIII, khi Guru Padmasambhava (Liên Hoa Sinh) lần đầu tiên đến đây.

Về tên gọi Tawang, có những huyền thoại liên quan đến nó. Trong đó có một huyền thoại rằng, tên gọi này liên quan đến con ngựa của Merak Lama Lodre Gyatso. “Ta” có nghĩa là con ngựa, và “wang” có nghĩa là được lựa chọn. Địa điểm mà ngày nay ngôi tu viện tọa lạc được tin là do con ngựa của ngài Merak Lama Lodre Gyatso chọn lựa. Gyatso bất lực trong việc tìm kiếm một nơi thích hợp để xây tu viện mặc dù ngài cố gắng rất nhiều. Vì vậy ngài quyết định ngồi xuống cầu nguyện trong im lặng với mong muốn có được sự hướng dẫn nào đó. Khi ngài mở mắt ra, ngài thấy con ngựa của mình bỏ đi mất. Sau đó ngài tìm thấy con ngựa của mình ở trên đỉnh ngọn đồi được gọi là Tana Mandekhang. Xem đây là một điềm lành, Gyatso quyết định khởi công xây dựng tu viện ở đó.

Quần thể tu viện Tawang bao gồm những điện thờ, tháp, hội đường, nơi ở của các vị Lama và những công trình khác. Dukhang là tòa điện chính ở tu viện này, tọa lạc ở mạn Bắc. Bên trong Dukhang là một công trình nghệ thuật thật sự ấn tượng. Những bức tường được họa vẻ công phu hình ảnh các vị Bồ-tát, hộ pháp, thần linh với màu sắc rực rỡ. Ở đây cũng có nhiều bức thangka, tranh vẻ trên lụa những vị Bồ-tát hay những vị thần của Phật giáo Tây Tạng. Ở đây có bức thangka vẻ vị nữ thần được tôn sùng ở đây là Shri Devi, hay cũng còn được gọi là Palden Lhamo. Bức thanka này được nói là vẻ bằng máu lấy từ mũi của vị Dalai Lama thứ năm.

Kiến trúc nổi bật khác tại tu viện là một hội đường, tọa lạc phía sau tu viện. Phía Tây của hội đường là một ngôi nhà ba tầng được gọi là Par Khang, và đây là một thư viện. Par Khang lưu trữ nhiều kinh sách và tư liệu quý giá của Phật giáo. Ngoài ra ở đây cũng có một Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Phật giáo. Đây là nơi giảng dạy cho các vị Lama trẻ về kinh-luật-luận Phật giáo và những ngoại ngữ như tiếng Anh, Hindi, cùng những bộ môn học khác.

Những lễ hội chính được tu viện Tawang tổ chức là Losar và Torgya. Losar thường được tổ chức vào tháng Giêng, là lễ đón mừng năm mới của người Tây Tạng. Lễ hội này kéo dài 15 ngày với nhiều hoạt động khác nhau, như thắp nến, tụng niệm cầu nguyện và giăng cờ phướng…  Còn lễ hội Torgya được tổ chức trong ba ngày, bắt đầu từ ngày thứ 28 vào tháng 11 theo lịch trăng. Vào dịp này, các vị Lama sẽ làm một Torgya bằng bột lúa mạch mà nó có hình thù giống như một kim tự tháp để dâng cúng. Họ sẽ trì tụng kinh chú cầu nguyện, đốt nến mọi góc của tu viện, và biểu diễn nhảy múa biểu thị cho chiến thắng của những vị thiện thần trước các ác thần.

Những lễ hội khác ở tu viện là Saka Dawa, được tổ chức vào tháng Tư theo lịch trăng để kỹ niệm ngày Đức Phật thành đạo; lễ Dukpa Tse-Shi-tổ chức vào tháng Sáu để kỹ niệm ngày Đức Phật chuyển Pháp luân; lễ Lhabab Duechen được tổ chức vào tháng Chín, kỹ niệm ngày Đức Phật đản sanh; và lễ Ganden Ngamchoe, tưởng niệm ngày mất của Tsongkha-Pa, người sáng lập phái Gelugpa.

Vẻ đẹp thiên nhiên của những rặng núi Gudpi và Chong-Chugmi, sông Tawang-chu và thung lũng Tawang là rất mê hoặc. Ngoài ra ở đây cũng có nhiều hồ tuyệt đẹp như Sela, P.T.Tso, Sangetser, và Banggachang. Những hồ này luôn bị đóng băng vào mùa đông, và vào mùa hè chúng trở thành thiên đường của những loài chim di trú.

Cư dân của vùng đất này hầu hết thuộc các bộ tộc Monpa, ngoại trừ ngôi làng Shyo mà dân cư ở đây có nguồn gốc từ Tây Tạng. Vùng đất này sống như tách biệt với thế giới bên ngoài nhưng dân chúng luôn trông rất hạnh phúc. Ở đây, ta bắt gặp hình ảnh các nhà sư với y đỏ hiện diện khắp mọi nơi, và tiếng trì tụng kinh chú trầm bỏng luôn vang vọng trong không gian.

Thời gian thích hợp để viếng thăm Tawang là từ tháng 3-9. Những tháng còn lại thường nhiệt độ xuống rất thấp. Nhiệt độ vào mùa đông có khi đến xuống -13 độ C (vào tháng Giêng) và nhiệt độ cao nhất trong năm chỉ vào khoảng 20 độ C (tháng Sáu). Tất cả mọi du khách cần có một ILP (Inner Line Permit) để vào bang Arunachal Pradesh. Giấy phép này được cấp từ văn phòng Arunachal ở Guwahati. Đường đi đến Tawang từ Guwahati là rất tệ, và vì vậy hành trình đến nơi này mất rất nhiều thời gian và sức lực. Về thức ăn, ta có thể thấy thức ăn bày bán ở đây cả chay lẫn mặn, nhưng thức ăn mặn thường phổ biến hơn. Và thực phẩm ở đây tương đối đắt đỏ, do phải được vận chuyển từ dưới đồng bằng lên. Những món ăn được bán phổ biến ở đây là momo (một dạng như bánh bao) và thukpas (một loại mì nước). Nhưng thức ăn truyền thống của người Monpa thường có nhiều ớt và rất cay.



[1] Quận Tewang có đường biên giới giáp với Tây Tạng ở phía Bắc, Bhutan ở phía Tây nam. Nguồn gốc của quận này vẫn chưa được biết rõ. Vào thời trung đại, nó được cho là một phần của Tây Tạng. Sau khi chiếm đóng Tawang, chính phủ thuộc địa Anh hy vọng nó sẽ là một trung tâm có ảnh hưởng của họ ở biên giới phía Đông bắc. Tawang bị Giải phóng quân Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1962 khi họ xâm lăng Ấn Độ. Sau đó nó trở về lại Ấn Độ khi quân đội Trung Quốc rút đi.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác