Từ cảm ứng Viên Lâm trong thơ thiền Trần Nhân Tông nghĩ về một vế đối khó
tu cam
VÕ PHƯỚC LỘC
1. Viên lâm nguyên nghĩa là
vườn rừng. Nó cũng để chỉ hình thức tạo vườn cảnh theo quy luật sinh trưởng của tự nhiên
và văn hóa tâm linh. Với các nước phương Đông, viên lâm được hiểu như hoàn cảnh sinh hoạt được xanh
hóa. Hoàn cảnh ấy do con người nghiệm ra mà sắp đặt cụ thể, trong một phạm vi nhất
định. Nó khác vời phong cảnh thiên nhiên, loại vườn nuôi trồng theo mục đích sử dụng
(vườn rau, thú, săn bắn...). Cội nguồn của nghệ thuật viên lâm là sự mô phỏng tự
nhiên. Về sau, trong cách nhìn của giới trí thức văn nhân, nó bao gồm: thông qua tự
nhiên, họ muốn đạt đạo
Lão-Trang, trở về với tính chất phác của con người. Mặt khác, các nhà Nho vốn
có tư tưởng: “Cùng đức vời trời đất, cùng sáng với mặt trời
mặt trăng, cùng theo thứ tự bốn mùa”(Dịch: Càn quái). Các nhà theo đạo Phật, có
tư tưởng siêu nhiên thế ngoại, cầu giải thoát… Các sĩ đại phu tri thức kết hợp hai tư tưởng
ấy lại, tiếp thu cả hai một cách phổ biến”[1,721]. Do vậy,
khi bàn về cảm hứng viên lâm trong thơ cổ, các nhà nghiên cứu thường nhấn mạnh
khía cạnh yêu thích tự nhiên hoặc phản ánh một thái độ sống (chán công danh, đô hội, thích ở
ẩn). Thật ra với
nhà Thiền, cảm nghiệm về nhịp sống viên lâm qua thơ không đơn thuần như vậy. Nó
là sự nắm bắt, thụ cảm nhịp sống vĩnh cửu (phổ quát) của con người và vạn vật
(hoàn cảnh sống xung quanh); ở đó, con người và vạn vật là một thực thể luôn lặng
lẽ hành cuộc chuyển sinh. Và như vậy là thể nhập toàn bộ nhịp sống thực tại vận
hành, toàn bộ bầu trí quyển sinh thái của chúng ta (vạn vật đồng nhất thể, tịnh
hành tinh tấn).
Phái Lão-Trang và Đạo gia vốn chủ trương theo tự nhiên mà
hành đạo, cảm hứng viên lâm của họ hướng đến cái đẹp hồn nhiên nhập cảnh. Chuộng
vô vi họ ẩn nơi rừng sâu, núi cao, hình tích thoắt ẩn hiện; nhà là hang động, lều
cỏ tạm bợ không cố định. Nhà Nho lúc phải thời xem thường lao động chân tay;
lúc về vườn, việc chính vẫn là vui để dạy học. Từ đó họ làm thơ truy tìm cái đẹp
hài hòa của tình thú thưởng cảnh thiên nhiên, tìm yên trong cái nhàn. Nhà Thiền
khởi từ Bách Trượng (720-814), Hoàng
Bá (?-850)
hình thành giới luật, quy định phải lao động, nuôi trồng để sống và thể nghiệm
ngộ đạo. Thi ca và Thiền sử còn ghi lại nhiều câu chuyện các Thiền sư hái trà,
trồng tùng, giã gạo, đẵn tre, nghe trúc khua, thấy gà nhảy lên lan can mà đại
ngộ. Từ đó hình thành kinh
nghiệm thẩm mỹ, đúc kết lý luận, xác lập một nguyên tắc thẩm mĩ trong
sáng tác thi ca. Qua ngôn
ngữ, hình tượng mà thể hiện cái đẹp của toàn bộ tinh thần thực tại (nhịp sống
sinh linh, tình cảm chúng sinh), trong một trường nhìn nhất định (tính trực cảm
thị phạm). Như vậy, cảm hứng
viên lâm trong thơ ca Thiền có được là do tình yêu thiên nhiên của nhà Thiền và
tầm ảnh hưởng của lý luận nghệ thuật vườn cảnh.
2. Cảm nhận về
thiên nhiên, thơ Trần Nhân Tông thể hiện cách nhìn của nghệ thuật vườn cảnh rất
lớn.
Trong số 20 bài thơ (kể cả thơ trong ngữ lục) nhà vua viết
về đề tài thiên nhiên, có đủ các loại hình vườn cảnh: vườn quê: Thiên Trường vãn vọng, Lạng châu vãn cảnh; vườn
ngự: Xuân hiểu, Xuân cảnh, Xuân vãn;
vườn chùa: Cổ châu hương thôn tự, Đại lãm
Thần Quang tự; vườn thủy tạ: Phổ
Minh tự thủy tạ; viên lâm toàn cảnh: Thiên
Trường Phủ, Sơn phòng mạn hứng, Vũ lâm thu vãn... Có đến 10 bài thơ Trần Nhân Tông tả cảnh theo nguyên
tắc nghệ thuật vườn cảnh: 3 lần nhìn ra khung cửa sổ, 2 lần tựa lan can ngắm
sân vườn, 5 lần trong nhà quan sát cảnh vật bên ngoài (giới hạn khung cảnh miêu
tả từ hiên nhà đến cổng vườn 2 lần). Nó đủ để minh chứng nhà vua bị ám ảnh bởi
cảm hứng không gian vườn cảnh. Trong bài Chùa
Thần Quang trên núi Đại Lãm ông nêu rõ:
Thập nhị lâu đài
khai họa trục,
Tam thiên thế giới
nhập thi mâu.
(Lâu đài
chín cõi bày tranh vẽ,
Thế giới ba ngàn lọt mắt thơ).
Chỉ một chữ “ khai-mở ra”, cho
thấy nó là cái nhìn theo nguyên tắc “Viên
lâm toàn đồ-toàn bản
vẽ vườn cảnh” (Viên lâm họa trục).
Lý luận nghệ thuật vườn cảnh và các họa gia thời Đường-Tống xác lập nguyên tắc ấy, qua các họa phẩm
kinh điển. Không gian vườn được thu gọn trong một khung cảnh bày trí cụ thể, để thiên nhiên
tự thể hiện với ý nghĩa làm đẹp hơn cho người và tạo vật. Khác với các họa phẩm
của nhà Nho thuộc phái Sơn Thủy Điền Viên: cắt xén một mảng ý cảnh phù hợp với
lòng mình, không có dấu hiệu chỉ sự giới hạn không gian cụ thể. Nó để lại dấu ấn
đậm nét trong thơ viết về đề tài thiên nhiên. Thường thơ các nhà Nho chỉ tả đơn
sơ một vài khóm trúc, luống hoa... Ngôn từ và hình ảnh theo quy cách của không
gian ước lệ-tượng trưng. Nó phát huy tư duy quan hệ với ý nghĩa thiên nhiên hữu
tình, cộng sinh liên đới với người. Theo thiển ý, thi ca và họa phẩm Thiền vận
dụng ưu thế của cái nhìn trực cảm thấy biết (trực cảm thị phạm) của nghệ thuật
vườn cảnh và cái nhìn cộng sinh liên đới của phái thơ Sơn Thủy để xây dựng
nguyên tắc sáng tạo
cảnh trí thấy biết bởi trí tuệ trực giác (tuệ tri thẩm mỹ). Trước tiên, mượn giới
hạn của cái đơn nhất để gợi ý nắm bắt cái muôn màu muôn vẻ (vô cùng).
Tục đa biến thái
vân thương cẩu,
Tùng bất tri
niên tăng bạc đầu. (Đại Lãm Thần Quang tự)
(Biển hóa
thành dâu luôn thói tục,
Tùng không biết tuổi bạc đầu sư).
Thơ gợi tả thời gian, không gian vô thủy vô chung cùng ý
tứ với Mãn Giác (Lý) “Trước mắt
việc đi mãi; trên đầu
già đến rồi” (Cáo tật thị chúng).
Khác với cách mượn cảnh ngụ tình của thơ Nho:
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông. (Vịnh cây thông)
Nguyễn Công Trứ tách hẳn thông ra khỏi cảnh trí, ở chỗ
“chịu rét” vừa ý hợp lòng người quân tử.
Thứ hai, từ ý nghĩa tượng trưng, điểm xuyết toàn
cảnh gợi tả nhằm chỉ cho ta nhịp sống luôn chuyển động là một thực tại vĩnh viễn
(hóa sinh liên diễn).
Tịch tịch thiên
sơn hồng diệp lạc,
Thấp vân như mộng viễn chung thanh. (Vũ Lâm thu vãn)
Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ,
Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa.
Cảnh trí tàn thu được tả bởi các hình ảnh tượng trưng như
“điểm nhấn”: nghìn non, lá hồng rụng, mây giăng, chuông ngân... Một ngày mùa
thu dần xa vắng, chỉ lặng lẽ giao mùa chuyển sinh là đọng lại cùng người.
Dẫn dắt thể nhập đồng nhịp sống thực tại, thơ Thiền gần với
nghệ thuật vườn cảnh hơn hội họa ở chỗ ít qua trung gian trí tưởng tượng, suy
luận liên tưởng để nắm bắt ý nghĩa hình tượng.
3. Nhân bàn về cảm
hứng viên lâm trong thơ Thiền cùng nguyên tắc nghệ thuật của nó, người viết xin
mạo muội đề xuất một lời giải cho vế đối của ông Đặng Công Nhân (Đà Nẵng), in
trên Kiến Thức Ngày Nay khá lâu:
六木森森:桃梅竹松柏柳
Lục mộc sâm sâm:
đào, mai, trúc, tùng, bá, liễu.
Sáu cây um tùm: đào, mai, trúc, tùng, bách, liễu.
Chỗ khó của xuất đối (gần như nan giải) là ở phần sau rất
hóc hiểm; vừa chơi chữ vừa buộc đối lại phải liệt kê đủ sáu sự vật. Trong chừng
mực nhất định, dựa vào phép đăng đối bày trí cây cảnh hóa thú (cây cảnh sửa gốc
theo hình thú), ta có thể đề xuất:
四靈好好:龍麟龜鳳鸞蛟
Tứ linh hiếu hảo
(hảo hảo): long, lân, quy, phụng, loan, giao.
Bốn linh hiếu hảo: rồng, lân, rùa, phượng, loan, giao.
Trộm nghĩ, xuất đối chơi chữ: hai chữ sâm (森) hình thể ghép bộ mộc (木), do vậy mỗi loài phía sau đều là thảo mộc. Tổng
quan, sáu loại cây nhưng chỉ thuộc bốn “họ”: đào, trúc, tùng, liễu. Bởi lẽ
trong văn chương đào mai, tùng bách cùng trường nghĩa tượng trưng cho cốt cách
con người. Vế đề xuất của người viết nêu bốn linh vật giao hòa cho nên “hiếu hảo”
(好), hình thể giống
nhau (bộ nữ và tử, nam nữ, trống mái). Theo truyền thuyết loan là chim trống giống
phượng. Giao là giống rồng biến hóa ở
biển (con thuồng luồng). Do đầu câu dùng “hiếu hảo” nên cuối câu chữ giao cũng hàm
ý chơi chữ với nghĩa giao tiếp. Nó cũng có ý đối liên châu, hai từ cuối “bá liễu” ở vế xuất
là hai loại cây tượng trưng cho nam nữ tình vừa ý đẹp. Các linh vật
cùng trường nghĩa tượng trưng cho tâm hồn hòa hợp, hiếu thuận, linh ứng. Cho
nên, bài viết cố gắng tạo dựng một đáp án trong thế có thể.
Mỹ Tho, 20.9.2015
Tài liệu tham khảo
1.Đàm Gia Kiện
(1983), Lịch sử văn hóa Trung Quốc, NXB. Khoa học Xã hội,
Hà Nội.
2.Kiến Thức Ngày
Nay (số 179,183), mục Chuyện Đông chuyện
Tây của An Chi.
3.Viện Văn học
(1989), Thơ văn Lý-Trần, tập 2, quyển
thượng, NXB. Khoa học
Xã hội, Hà Nội.