Niệm Phật và hành thiền trong thực tiễn tu học
niem phat
Thích Đức Trí
1.
Cơ sở hình thành pháp hành Thiền Tịnh song tu
1.1
Bối cảnh lịch sử của Phật giáo trước sự ra đời của phương pháp
Thiền Tịnh song tu
Trên
phương diện Phật giáo sử, dễ dàng nhận thấy Thiền tông
và Tịnh độ tông xuất hiện trong khoảng thời gian
trước và sau đời Tùy-Đường, từ đó pháp niệm Phật
Thiền hình thành và liên quan đến sự phát triển pháp Thiền Tịnh song tu. Về vấn đề này, trước tiên ta cần tìm
hiểu ý nghĩa niệm Phật trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy,
cụ thể trong kinh A-hàm, kinh Tăng chi, và trong kinh điển Đại thừa.
Lúc tại thế, Đức Phật đã dạy đệ tử xuất gia, tại gia về phương pháp niệm Phật như
là phương thức quán niệm hỗ trợ cho pháp thiền định, bảo hộ đời sống an lành,
đối trị mọi phiền não. Kinh Trung A-hàm
có dạy: “Thế Tôn là Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, Minh hạnh thành tựu, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Đạo pháp ngự, Thiên nhân sư, Phật, Chúng hựu[13]. Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy,
ác tham nếu có liền bị tiêu diệt. Những pháp tạp uế, ác bất thiện, nếu có cũng
bị diệt”. Trong kinh Tăng chi, Đức Phật có
dạy cho các đệ tử xuất gia như sau: “Có
một pháp, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt
hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Một pháp ấy là gì? Chính là Niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỳ-kheo,
được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn
diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.” Trong một lần thuyết pháp cho các đệ tử cư sĩ, Đức Phật
dạy như sau: “Bấy giờ Thế Tôn bảo các
khách buôn: “Các ông sắp vào nơi hoang mạc, sẽ gặp nhiều khủng bố, tâm kinh
hoàng dựng đứng cả lông, lúc ấy nên niệm Như Lai sự: ‘Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác,... cho đến
Phật, Thế Tôn. Niệm như vậy thì mọi khủng bố đều tiêu trừ. Lại niệm pháp sự,
‘Chánh pháp luật của Phật, được thấy trong hiện tại, có thể xa lìa sự thiêu
đốt, không đợi thời tiết, được thấu suốt, được thân cận, duyên vào tự mình mà
giác tri’. Lại niệm Tăng sự, ‘Đệ tử của Thế Tôn thiện
hướng, chánh hướng... cho đến
là ruộng phước của thế gian’. Niệm như vậy,
thì mọi sự khủng bố đều được tiêu trừ”.
Điều
quan trọng ở đây là ý nghĩa của Pháp niệm Phật được Đức
Phật nhấn mạnh trong hệ kinh Nguyên thủy, tức là trong các
kinh Nikaya và A-hàm. Niệm ở đây tức quán niệm, nhớ nghĩ phẩm đức, oai lực, trí
tuệ của Phật. Niệm Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, giúp tâm an định
vượt qua mọi phiền não khủng bố và hướng đến sự giác ngộ, chứng đắc Niết-bàn. Phương thức tu niệm ở đây nhắm đến các hàng đệ tử Thanh
văn Tăng và chúng Phật tử nói chung.
Trong
kinh điển Đại thừa, Đức Phật dạy pháp
Niệm Phật và giới thiệu cảnh giới Tịnh độ một cách có hệ
thống. Dựa trên nền tảng đó, các Tổ sư thành lập nên Tịnh
độ tông. Vì pháp môn tu này phổ cập cho mọi
tầng lớp, cho nên đã phát triển rất nhanh và chiếm ưu thế
ngay từ khi vừa mới hình thành.
Khi
Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, ngài Huệ Viễn (334-416), vị
Tăng sĩ hành trì pháp niệm Phật, được tôn xưng là Sơ
tổ tông Tịnh độ. Đến đầu thời đại nhà Đường thì ngài Đàm Loan (476-542),
ra đời sau ngài Huệ Viễn viên tịch 60 năm, đã có công rất lớn trong việc phát
huy phương pháp trì danh niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Đệ tử ngài Đàm Loan là
ngài Đạo Xước đã nhiệt tâm tu Tịnh Độ, phát triển rộng rãi phương pháp trì danh
niệm Phật. Ngài Thiện Đạo thời cận đại được xem là Tổ
sư Tịnh độ lại là đệ tử của ngài Đạo Xước. Thiền tông và Tịnh tông lúc bấy giờ
đang phát triển song hành. Ngài Đàm Loan ảnh hưởng quan niệm “Nan hành đạo” và
“Dị hành đạo” của Long Thọ qua tác phẩm luận Tỳ-bà-sa: “Quốc độ Ta-bà không có Đức Phật ra đời, nên siêng năng tinh tấn tu đạo mới mong
đạt Thánh quả, đây mới là điều khó khăn cho nên mới gọi phương
pháp khó (nan hành). Giả sử lấy nhân duyên tin Phật mà nguyện sanh Tịnh độ, như
niệm Phật A Di Đà để vãng sanh cõi Cực lạc,
rồi chứng quả ở cõi Cực lạc, đó chính là phương pháp dễ hành (dị hành)”. Do vậy, ngài Đàm loan rất chú
trọng pháp niệm Phật, xem pháp niệm Phật là pháp môn thiết
thực và thích hợp với mọi căn cơ trong thời mạt pháp.
Đến ngài Thiên Thai Trí Di (538-597) thuộc Thiên
Thai tông, pháp môn niệm Phật cũng được nhấn mạnh. Bản thân Thiên Thai Trí Di
là người tinh thông Thiền giáo, một hành giả uyên thâm kinh luận Đại thừa, có
nhiều tác phẩm thiền học và luận giải, nhưng lại hết lòng hoằng dương Tịnh độ, đặc biệt phát huy tư tưởng Thiền Tịnh.
Điều này được nhận thấy qua tác phẩm “Ngũ phương tiện niệm Phật môn”.
Trong thời kỳ đầu của Thiền tông đến thời Tổ Đạo Tín (580-651), niệm Phật danh trong Thiền tông đã
xuất hiện. Nhưng từ Tổ Đạo Tín đến Tổ Hoằng Nhẫn đã khai mở “Đông Sơn pháp môn”, chủ trương “Niệm Phật danh, linh
tịnh tâm”, mục đích là nhiếp tâm, biện tâm, chứng ngộ thật tướng. Tư tưởng Đạo
Tín tiếp nhận tư tưởng pháp yếu từ dòng thiền Tổ Đạt Ma, nhưng đã từng áp dụng pháp
“Nhất hạnh tam muội” từ “Văn Thù thuyết Bát-nhã kinh” trong việc giáo hóa hậu học. Đạo
Tín chủ trương: “Tâm niệm Phật là Phật, vọng niệm là phàm phu”. Đó là quá
trình tu niệm tâm và Phật hợp nhất. Ngay thời Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, do nhu cầu tu học, ngài đã chủ trương quan niệm
đốn tiệm song hành. Huệ Năng tiếp nhận pháp đốn ngộ, Thần Tú tiếp nhận pháp
tiệm tu.
Nội dung của pháp Nhất hạnh tam muội được
Phật dạy trong kinh như sau: “Pháp giới một tướng, thể nhập vào pháp giới, gọi là Nhất hạnh tam
muội. Nếu có người nam, người nữ nào muốn nhập vào pháp Nhất hạnh tam muội, nên
khéo nghe pháp Bát-nhã ba-la-mật, như pháp mà tu hành, sẽ nhập vào pháp Nhất hạnh tam muội.
Như tâm duyên quán pháp giới, bất thối, bất hoại, không nghĩ bàn, không chướng
ngại, không tướng trạng. Người nam, người nữ đó, muốn nhập vào tam muội này, ở tại một nơi thanh nhàn, xả bỏ tâm ý ô nhiễm,
không giữ tướng trạng trong tâm, chuyên tâm một vị Phật mà xưng danh hiệu. Tùy
theo phương vị, ngồi ngay thẳng đoan nghiêm, nhất tâm xưng niệm tương tục danh
hiệu Phật, tức là trong nhất tâm niệm có thể thấy ba đời tất cả chư Phật. Vì
sao như vậy? Niệm công đức vô lượng vô biên của của một vị Phật cũng đồng với
niệm công đức biện tài vô lượng của vô lượng chư Phật. Nhập Nhất hạnh tam muội này thì thông suốt rõ ràng vô số các cõi nước
chư Phật vốn không có tướng sai biệt”.
Nhất hạnh tam muội cũng là cương lĩnh
niệm Phật chung cho hành giả pháp môn Tịnh độ, đó là niệm Phật chứng đắc tam muội (chánh định). Tư tưởng chứng đắc tam muội cũng được Đức Phật nhấn mạnh
trong kinh Lăng nghiêm, qua phẩm Đại Thế Chí niệm Phật viên thông chương. Điểm then chốt của chương này
là dạy tu niệm Phật. Kinh Văn Thù
thuyết Bát-nhã,
kinh Lăng nghiêm và kinh Quán vô lượng thọ cũng có sự liên hệ tư tưởng giữa
Thiền và Tịnh.
Vào thời Đường, phương pháp niệm Phật
Thiền khá được chú trọng. Bấy giờ Thiền Tăng từ tông chỉ quán tâm thủ
nhất pháp kiến tánh thành Phật có xu thế vận dụng tọa thiền chuyên niệm
danh hiệu Phật A Di Đà. Cho nên có phương pháp niệm Phật Thiền xuất hiện trong giới
Thiền Tăng. Phương pháp này y cứ vào kinh Quán vô lượng thọ. Các học giả nghiên cứu Trung Quốc Phật
giáo sử xác nhận rằng kinh Quán vô lượng thọ là kinh điển then chốt
kết nối pháp hành của Thiền tông và Tịnh độ tông. Vì tu niệm Phật hay tu thiền, khi hành pháp niệm Phật tam muội thành tựu thì đạt được mục đích
chứng ngộ.
Tam Tạng Từ Mẫn (702), một Pháp sư tinh
thông kinh luận, chẳng những chủ trương Thiền Tịnh song tu, mà còn cho rằng nên vận dụng cả
ba tông Thiền, Tịnh, Luật. Ông phê bình quan điểm cho rằng pháp tu Tịnh độ hướng
ngoại là sai lầm. Trong tác phẩm “Vạn thiện đồng quy” của Vĩnh Minh Diên Thọ, có trích lời dạy của Tam Tạng Pháp sư Từ Mẫn như sau: “Thánh giáo đã
dạy, chánh thiền định là chế tâm một chỗ, niệm niệm tương tục, xa rời hôn mê,
giữ tâm bình đẳng. Nếu bị hôn trầm thì chuyên tâm niệm Phật. Hành đạo tụng
kinh, nói pháp giáo hóa chúng sanh, vạn hạnh không bỏ, đem cả sự nghiệp tu hành
hồi hướng vãng sanh Tây phương Tịnh độ”.
Thiền Tịnh tuy là hai phương pháp khác nhau nhưng mục đích cứu cánh là một, có y cứ từ kinh Lăng
nghiêm,
kinh Văn Thù thuyết Bát-nhã, kinh Quán vô lượng thọ. Vĩnh Minh Thiền sư hình thành tư
tưởng Thiền Tịnh song tu, qua tác phẩm “Tông cảnh lục”. Trong đó tổng hợp tư tưởng Thiền
tông, Thiên thai tông, Hoa nghiêm tông, và Pháp tướng tông. Đây là bộ sách Phật học quan trọng
trong thời đại nhà Đường. Ngoài ra còn có bộ “Vạn thiện đồng quy”.
1.2 Thiền Tịnh song tu là
thành quả đặc thù của Phật giáo Phát triển
Thiền Tịnh song tu là kết quả đặc thù của Phật giáo. Đặc thù ở
đây mang hai phương diện, một là nhu cầu thích ứng căn cơ người tu tập, hai là
mục đích truyền giáo của các bậc Tổ sư. Quan điểm
tu học của Nguyên thủy Phật giáo là y cứ vào
hệ kinh Nikaya và hệ kinh A-hàm, thực hành thiền quán, chứng Tứ thiền và
bốn quả vị Thanh văn. Quả vị sau
cùng là A-la-hán,
thành tựu giải thoát. Khi Phật giáo truyền vào Trung Hoa, Bồ Đề Đạt
Ma được xem là vị Tổ đầu tiên của Thiền tông. Từ Tổ
Bồ Đề đến sau đời Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Phật giáo Thiền có sự chuyển hướng. Thiền tông chủ
trương bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, yêu cầu chứng ngộ thật tướng,
tức thấy tánh thành Phật. Lý tưởng rất cao nhưng vai trò tiếp dẫn quần chúng chắc
chắn có trở ngại, vì tu chứng thiền đa số cần bậc đại căn cơ.
Tịnh độ là phương tiện thù thắng, được trình bày trong các kinh điển Đại thừa như kinh A Di Đà, kinh Vô lượng thọ, kinh Quán vô lượng thọ và nhiều kinh khác. Pháp
tu niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ là con đường an toàn nhất trong hành trình vượt
sông sanh tử luân hồi. Ở đây cần phải hiểu rằng việc tu Tịnh độ là tin rằng đức từ
bi và bổn nguyện vĩ đại của Phật A Di Đà và mười phương chư Phật luôn hộ niệm
chúng sanh niệm Phật. Tây phương Cực lạc là thế
giới bổn nguyện của Phật A Di Đà, một hoàn cảnh thuận lợi cho sự chứng đắc quả
vị Phật. Nếu nói đó là cảnh giới phương tiện của người tu đạo cũng có thể đúng,
vì kinh dạy khi gặp Phật A Di Đà được nghe Pháp âm và
chứng ngộ sẽ được bổ xứ làm Phật.
Thực tiễn có người thích tu Thiền, có người thích Tịnh độ. Nếu tu
Thiền chưa chứng ngộ sợ mê lạc trong sáu đường và ba cõi thì phát nguyện niệm
Phật cầu sanh Tịnh độ, có nhiều duyên lành nên mau chóng giác ngộ. Kinh dạy
rằng, ngay cả chúng sanh trong mười phương thế giới biết hồi tâm niệm Phật cũng
được vãng sanh, huống gì người tu thiền. Được chứng ngộ sau khi vãng sanh là
kết quả của sự hỗ trợ giữa tự lực và tha lực, còn hơn khả năng hạn chế mà bỏ
quên đi nguyện lực của Phật.
Giáo nghĩa Tịnh độ rất thâm sâu, hàm chứa điểm cứu cánh của
Thiền và Tịnh. Trong đó trì danh niệm Phật được vãng sanh, quán tưởng niệm Phật
cũng được vãng sanh; cao hơn nữa thực hành thật tướng niệm Phật
chứng ngộ thật tướng ngay trong đời này và được vãng sanh tại phẩm vị cao. Thực
tướng niệm Phật, hay còn gọi là chứng ngộ bản tâm, minh tâm kiến tánh, đâu khác
gì cảnh giới chứng ngộ của Thiền tông. Tùy theo căn cơ mà phát huy năng lực niệm Phật có thành quả
sai biệt. Đây
là quan điểm niệm Phật là niệm tâm. Kinh Quán vô lượng thọ, kinh Văn Thù thuyết Bát-nhã, đều nhấn mạnh pháp niệm Phật tam muội. Từ
cơ sở đó, Thiền Tịnh song tu được hình thành, đó là một trong những thành quả
của Phật giáo phát triển.
Thiền Tịnh song tu là sự
vận dụng giáo lý trong quá trình tu tập có căn cứ và phù hợp các kinh luận Đại
thừa. Đó là từ kinh Văn Thù thuyết Bát-nhã với tư tưởng niệm Phật tam muội; kinh Quán vô lượng thọ với tư tưởng từ quán
Phật mà đạt tâm Phật. Kinh Quán vô lượng thọ viết: “Vì chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào
khắp trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh, nên lúc các ngươi tâm tưởng Phật,
tâm ấy tức là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo; tâm ấy làm Phật, tâm ấy
là Phật”. Từ pháp quán tưởng Phật, niệm Phật mà chứng tâm Phật và tâm ấy
là Phật. Đoạn kinh trên rất quan trọng cho pháp tọa thiền quán Phật, niệm Phật.
Nhưng muốn chứng tâm Phật, hay chứng thật tướng thì phải đắc
niệm Phật tam muội. Ngoài ra, Tịnh độ tông cũng chủ trương chuyên niệm danh hiệu A Di Đà Phật hướng tới vãng
sanh. Mục đích vãng sanh như là lựa chọn cảnh giới thù
thắng nhất trong mọi cảnh giới thuận lợi cho sự tu học giác ngộ trọn vẹn. Đó là
trên căn bản tự lực và nương nhờ tha lực của Phật A Di Đà.
1.3 Các
vị Tôn sư tiêu biểu cho xu hướng Thiền Tịnh song tu
Giáo nghĩa của Tịnh độ liên quan đến Thiền và giáo lý Thiền cũng
liên quan đến Tịnh. Thiền hay Tịnh cũng đặt nền tảng trên Giới-Định-Tuệ. Thiền
hay Tịnh cũng quy về tại tâm. Vì sao? Vì nếu Thiền chứng ngộ tại tâm, Tịnh độ
cũng có khả năng chứng ngộ thật tướng tại tâm. Nếu vãng sanh thì tâm này vãng
sanh, nhưng tùy theo cấp độ mà có phẩm vị cao thấp. Cho nên trên phương diện Thiền
Tịnh song tu từ tâm mà luận, từ nhu cầu tu học mà triển khai thì có khác nhau
do từ cách nhìn của mỗi người, chứ giáo lý Phật luôn quy về một điểm là giúp
chúng sanh giải thoát khổ đau sanh tử.
Thiên
Thai Trí Di (538-579) còn có biệt danh là Đại
sư Trí Giả, có nhiều tác phẩm liên quan đến giáo lý Thiền và
Tịnh. Cụ thể trong Ngũ phương tiện niệm Phật môn, đã luận giải về năm tiêu chí của pháp niệm Phật tam muội: “Hành giả niệm Nam-mô A Di Đà Phật, nguyện sanh cõi Cực lạc, còn gọi là pháp
môn xưng danh hiệu Phật nguyện vãng sanh. Quán tưởng thân Phật, chuyên chú
không tán loạn, thì sẽ thấy tướng Phật quang minh rực rỡ chiếu soi hành giả,
lúc bấy giờ tất cả tội chướng đều được tiêu trừ, gọi là pháp môn quán tướng
Phật diệt tội. Quán tướng Phật này là từ tâm khởi không ngoài cảnh khác, gọi là
pháp môn quán các cảnh do tâm sanh. Quán tâm này, không có thực tướng mạo nắm
bắt, gọi là pháp môn quán xa rời tâm và cảnh. Lúc bấy giờ, tâm hành giả hướng
đến trạng thái thiền định sâu lắng, buông xả tất cả tâm thức và ý thức, nhập
Niết-bàn,
nương vào năng lực mười phương chư Phật gia trì và hộ niệm hưng khởi trí tuệ.
Hành giả ở trong nhất niệm, tịnh Phật quốc độ và thành tựu chúng sanh. Công đức
tu học bốn giai đoạn trước trăm ngàn vạn phần không bằng một phần giai đoạn tánh
khởi viên thông này. Vì sao như vậy? Vi không còn luận ở công sức mà có diệu
dụng cùng khắp, nghĩa là từ một thân mà biến thành vô lượng thân. Hành giả tùy
duyên hành đạo, được Phật hộ niệm thấu rõ tận cùng nghĩa lý Phật pháp, thành
tựu mười hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát. Bổn nguyện như vậy, thể nghiệm pháp vốn như vậy, tức
gọi là Pháp
tánh khởi viên thông”. Tóm lại, năm phương pháp niệm Phật là để chứng đắc chánh định trọn vẹn, tâm vào thiền định sâu lắng, buông xả
tâm thức và ý thức, chứng nhập Niết-bàn.
Các Thiền sư đời Tống cũng tán dương Tịnh độ. Các Đại sư như Thiên Y Nghĩa Hoài, Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (960-1279) đều
chấp nhận quan niệm Thiền Tịnh song tu. Theo ngài Vĩnh Minh Diên Thọ thì Thiền Tịnh là sự phát triển hài
hòa và phổ biến. Nhưng trong thực tế phát triển của Phật giáo thì
vẫn có những người nhận thức khác nhau về ý nghĩa pháp môn, thậm chí có hiện
tượng đứng về Thiền chỉ trích Tịnh, đứng phía Tịnh chỉ trích Thiền. Mục đích
đem đến thái độ nhất quán của đạo Phật đối với mọi thành phần tu tập, Vĩnh Minh
Diên Thọ chủ trương Thiền Tịnh song tu. Thứ
nhất khẳng định Thiền hay Tịnh đều là pháp môn Phật dạy. Thứ hai
là khẳng định hai pháp môn đều là phương thức tu tập đưa đến sự chứng ngộ và
giải thoát. Thứ ba là luận bàn pháp môn Thiền Tịnh song tu thích
ứng với số đông người tu học. Bản thân Vĩnh Minh Diên Thọ là Thiền
sư nhưng phát tâm hoằng dương Tịnh độ, và lý do
của việc làm này được thể hiện trong lời khai
thị sau:
“Có Thiền không Tịnh
độ
Mười người, chín lạc lộ.
Ấm cảnh khi hiện ra
Chớp mắt đi theo nó.
Không Thiền có Tịnh độ
Muôn tu muôn thoát khổ
Vãng sanh thấy Di Đà
Lo gì chẳng khai ngộ?
Có Thiền có Tịnh độ
Như thêm sừng mãnh hổ.
Hiện đời làm thầy người
Về sau thành Phật, Tổ.
Không Thiền không Tịnh độ
Giường sắt, cột đồng lửa!
Muôn kiếp lại ngàn đời
Chẳng có nơi nương tựa”.
Theo Thiền
sư Vĩnh Minh Diên Thọ, người tu thiền là bậc thượng căn, có ý chí mạnh mẽ, nếu hướng về Tịnh tức đầy đủ hai yếu tố tự lực và tha
lực thì pháp tu mau thành tựu. Thiền Tịnh không
còn là sự phân biệt mà có tính bổ sung trong lĩnh vực tu đạo giải thoát.
Quan điểm Thiền Tịnh song tu của Trần Thái Tông (1218-1277). Trần Thái Tông là một Thiền sư lỗi lạc vào thời nhà Trần,
một giai đoạn mà tư tưởng
Thiền ảnh hưởng sâu sắc vào đời sống quần chúng, vào bình diện đạo đức, văn hóa xã hội. Mặc dù là một Thiền sư, Trần Thái
Tông vẫn chủ trương phương pháp niệm Phật. Bên cạnh niệm Phật vãng sanh, pháp niệm Phật của Trần Thái Tông còn là sự thanh lọc tâm. Niệm Phật đưa đến trạng thái tự thanh tịnh tâm: “Thiện niệm phát
khởi, ác niệm tiêu tan, duy còn thiện niệm”.
Đặc biệt, phương pháp bất nhị tướng niệm Phật là tương ưng với pháp trực chỉ
Thiền. Tức là niệm rời xa năng sở, không có quan niệm về chủ thể và đối tượng. Quan
điểm tâm tức là Phật, niệm Phật tức là niệm tâm: “Tâm tức là Phật, không muốn sự
thêm vào. Ý niệm là bụi, không dung một điểm nào ở trong tâm ấy, ở đấy vốn
trong sạch bụi nhơ, cho nên bao giờ cũng như thế không vang động gọi là như
như, tức là thể của Phật. Thực thể Phật thế nào thì thực thể ngã như thế, không
có hai hình tướng. Hình tướng và hình tướng không có hai, yên lặng còn luôn mà
không biết, thế là Phật sống”.
2.
Những điểm tương đồng, dị biệt và tính bổ trợ lẫn nhau giữa
Thiền và Tịnh
2.1
Những tương đồng:
Pháp môn Thiền tông hay Tịnh độ tông đều thuộc
giáo pháp của Phật dạy. Trong tu tập điều quan trọng
là hạnh giải tương ưng. Tức phải an trú trong đời sống với tiêu chí Giới -
Định- Tuệ để khởi tu. Vì bản chất tu tập là thanh tịnh hóa nếp sống con người. Thiền
sư Trần Thái Tông nhấn mạnh về giới như sau: “Kinh
nói rằng: Giới như mặt đất bằng, mọi điều thiện từ đó sinh ra. Giới như thầy
thuốc giỏi chữa được các bệnh. Giới như hạt minh châu, phá vỡ mọi tối tăm. Giới
như thuyền bè, vượt qua bể khổ. Giới như chuỗi ngọc làm pháp thân trang nghiêm.
Kẻ có tội cần sám hối. Nếu không sám hối, tội càng sâu thêm. Một lần bỏ mất
thân mình thì muôn kiếp không thể tìm lại. Ngày nay tuy yên, mai sau khó giữ.
Vậy nên giữ phép này, vượt mau qua đường sanh tử; thờ Phật làm thầy, trước hết
tuân theo giới luật. Bậc cổ đức có nói: qua sông nên dùng mảng, đến bến hết cần
thuyền. Như vậy người xưa coi giới là thuyền mảng. Ngày nay những người không
dùng phương tiện đó qua sông mà tới được bờ bên kia là thì thật hiếm vậy”.
Niệm Phật hay Thiền là phương tiện thâu nhiếp tâm, giúp tâm an
định. Tỉnh giác
chánh niệm, nhất tâm niệm Phật, từ tâm tán loạn an trú vào danh hiệu Phật, tức
nhiếp tâm vào định. Từ theo hơi thở mà niệm, đếm từ một đến mười niệm Phật mà
niệm, tâm chuyên chú một danh hiệu Phật mà niệm đến nhất tâm, lúc đó hành giả
thấy thân tâm rỗng rang, đạt đến thanh tịnh không còn năng sở.
Thiền hay Tịnh đều là phương pháp điều hòa thân tâm, đưa đến
trạng thái an lành, giải thoát mọi ràng buộc trong đời sống. Một người phát tâm
tu học tinh chuyên, chất liệu chánh niệm, thoát tục biểu hiện rõ trong đời sống.
Đó là tâm thiện thường sanh, tâm ác thường bị diệt, đời sống giàu lòng từ bi,
tự tại và an lạc.
Thiền tích cực là nhập thế vô ngại, không vướng mắc; Tịnh độ
nhập thế làm tất cả các hạnh lành trong đời sống nhân sanh, xã hội là năng lực
phước đức hồi hướng Tây phương. Đó là bản sắc
Phật giáo Đại thừa, cũng là vai trò của đạo Phật trong tinh thần tùy duyên
bất biến, bất biến mà tùy duyên.
2.2
Những dị biệt
Dựa trên thực tế, có vài nhận xét mang tính tương đối về vài điểm
khác nhau giữa Thiền và Tịnh.
Thiền tông tin vào tự lực, tu tập để chứng ngộ thực tướng thông
qua kiến tánh. Nghĩa là cầu Phật tại tâm. Tịnh độ tin vào tha lực bổn nguyện
Phật A Di Đà và mười phương chư Phật.
Tịnh độ tông chú trọng niệm Phật nhất tâm bất loạn vãng sanh
tịnh độ. Thiền tông áp dụng niệm Phật để biện tâm, kiến tánh, niệm Phật lịch
sử, tức Phật Thích Ca hay niệm danh hiệu một vị Phật.
Tịnh độ tông chuyên niệm Phật A Di Đà và nguyện sanh cõi Cực lạc. Thiền
tông quan niệm nếu chưa chứng ngộ thì sanh vào các cõi lành.
Tịnh độ quan niệm nếu chưa chứng ngộ nhưng có đầy đủ Tín, Nguyện,
Hạnh thì cũng được dự phần đới nghiệp vãng sanh.
Tịnh độ tông chú trọng đọc tụng kinh điển Đại thừa, làm
nhiều phước lành, thâm nhập kinh tạng hồi hướng Tây phương.
Thiền tông chủ trương bất lập văn tự, chuyên về thực hành thiền tập, hay tham
thoại đầu, nhân duyên đầy đủ thì liễu ngộ.
Tịnh độ mang tính tiệm tu, nhưng có thêm xu hướng cầu thành Phật
sau khi vãng sanh. Tịnh độ chuyên dạy phát bồ-đề tâm,
xem Tây phương là cảnh giới phương tiện thù thắng để sớm thành Phật, trở lại
Ta-bà cứu độ chúng sanh.
Pháp tu Tịnh độ là dùng nhiều phương pháp niệm Phật, như trì
danh, quán tưởng, quán tượng và thật tướng; trong khi Thiền tông chủ trương
nhất pháp quán tâm chứng ngộ chân lý.
2.3
Sự bổ sung cho nhau giữa Thiền và Tịnh
Mục đích của Phật pháp là đem lại chánh kiến giúp cho con người thoát khổ tìm
đến sự an vui. Biết bao nhiêu vị Tổ sư Thiền, hay Tổ sư Tịnh
độ đã hết mình vì lợi ích con người, vì nhân
loại chúng sanh mà hoằng truyền Chánh pháp. Tùy theo căn cơ
trình độ, nhu cầu con người mà mở bày phương tiện pháp môn. Vào thời Phật
Thích Ca tại thế có nhiều tông phái như thời nay hay không? Đúng là không. Nhưng quá
trình Phật giáo phát triển, phân chia bộ phái, triển khai tông môn là vì nhu
cầu tri thức học Phật và sự thích ứng tu tập của con người. Đức Phật đã nói ra
nhiều phương thức tu hành, nhiều cấp độ giáo lý, có lẽ với
trí tuệ siêu việt Ngài đã tiên liệu sẽ có nhiều điều luận bàn về sự vận dụng
giáo lý trong chúng đệ tử sau khi Ngài nhập diệt. Phật đã từng dạy: “Này các Tỳ-kheo, những gì Ta đã biết
rõ mà không giảng dạy cho quý vị thật là quá nhiều; còn những gì mà Ta đã giảng
dạy thật là quá ít. Tại sao Ta không giảng dạy tất cả những điều ấy? Bởi vì có
những điều không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho đời sống thanh
cao, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ,
Niết-bàn”.
Chúng ta hiểu, hệ thống kinh điển Đại thừa là do
Phật dạy, đặt nền tảng trên Giới-Định-Tuệ, và không
ngoài nguyên lý Tam pháp ấn. Lịch sử phát triển Phật giáo cho thấy, vai trò giáo lý ấy vẫn
đem đến sức sống giải thoát và tri thức cho nhân loại. Nếu không chấp nhận thế
giới quan Phật giáo đại thừa, không tin có Tây phương Cực lạc
thì cũng như không tin có thế giới chúng ta đang hiện hữu, không tin có địa
ngục hay các cõi trời! Tịnh độ là thế giới bổn nguyện Đức Phật, hoàn toàn phù
hợp nguyên lý y báo, chánh báo. Phát nguyện vãng sanh là từ bỏ thế giới thai sanh,
noãn sanh, thấp sanh khổ đau để được hóa sanh trong hoa sen cõi Tịnh Độ, mau
chứng quả vị Phật.
3.
Niệm Phật và hành Thiền trong đời sống xã hội hiện đại
3.1.Đặc điểm của đời sống và tính khả dụng Thiền Tịnh song tu
Thiền hay Tịnh đều là pháp tu thực tế đối với
con người trong mọi thời đại. Nếu tu Thiền mà có sự hướng dẫn của các bậc thầy
có tri thức và kinh nghiệm tâm linh thì rất mau thành tựu giải thoát. Nếu tu Tịnh
mà y theo pháp niệm Phật, đầy đủ Tín, Nguyện và Hành thì được vãng sanh. Vấn đề
ở đây là tùy theo cơ duyên mà thực hành tu tập. Theo kinh luận trình
bày, nếu người tu Thiền thấy chưa lãnh hội mà chân thành phát nguyện vãng sanh cũng
được thành tựu. Nếu người tu Tịnh niệm Phật đắc Tam muội cũng có khả năng chứng
ngộ thật tướng.
Nhưng trong thực tiễn, Thiền hay Tịnh trong quá trình tu tập đều
phải tuân thủ nguyên tắc riêng, như một bài toán có hai phương pháp giải để tìm
ra đáp số. Vấn đề không nên đứng trên lập trường lý luận của phương pháp này mà
so sánh và không chấp nhận lý luận của phương pháp kia, mà nên xem đáp số sau
cùng. Chọn lựa tông là nghĩa đó. Tông tức tông chỉ,
hướng đi. Lập trình thì đương nhiên mang tính riêng biệt, nếu không tuân
thủ nguyên tắc ấy thì các tông không thể thành lập.
Nay đặt vấn đề kết quả của sự tu tập. Theo
Nguyên thủy Phật giáo, Thiền phải trải qua
thiền quán, chứng đắc Tứ thiền, Bát định, sau cùng đắc quả A-la-hán. Nếu chưa chứng đạt kết quả đó, sẽ tùy theo cấp độ tu chứng các cấp
thiền mà được
sanh các cõi Thiên. Tu theo Thiền tông, nếu không chứng ngộ thật tướng thì cũng
được sanh vào các cõi lành để tu tập cho đến chứng ngộ. Theo giáo lý Tịnh độ, với tư
tưởng đới nghiệp vãng sanh đưa đến niềm tin cho mọi người phát tâm tu niệm
Phật.
3.2.Thiền
Tịnh song tu dưới cách nhìn của các bậc cao Tăng thời hiện đại
Trước khi đề cập đến quan niệm các bậc Cao tăng hiện
đại về pháp môn Thiền Tịnh song tu, xin đưa ra quan niệm
truyền thống của các bậc Cao tăng cận đại để xác
minh rõ vấn đề. Thiền sư Duy Tắc trả lời hành giả Tịnh
Độ như sau: “Hòa thượng Vĩnh Minh phơi
bày tâm can, chủ trương Tịnh độ, mong họ tự cứu bản thân mình. Ngài chuyên tâm
hành trì, giáo hóa kẻ khác, nên lúc lâm chung biết trước giờ mất, lại có muôn
ngàn điềm lành ứng hiện, toàn thân thành xá-lợi. Đâu chỉ có ngài Vĩnh Minh, mà
những Thiền sư như: Tử Tâm Ngộ Tân, Chơn Hiết Thanh Liễu, Thiên Y Nghĩa Hoài,
Viên Chiếu Tông Bản, Từ Thọ Hoài Thâm, Nam Nhạc Tuệ Tư, Tịnh Từ Đại Thông,
Thiên Thai Hoài Ngọc, Lương Đạo Trân, Đường Đạo Xước, Tỳ Lăng Pháp Chân, Cô Tô
Thủ Nột, Bắc Giản Giản, Thiên Mục Lễ… đều là bậc tông tượng trong Thiền môn,
mật tu hiển hóa, xiển dương yếu chỉ Tịnh độ, không hẹn mà gặp, nào đâu chỉ có
ngần ấy vị.”[16]
Hầu hết các Thiền sư nhập thế giáo hóa chúng sanh thường quan
niệm rằng Tịnh độ là pháp môn rất thực tiễn đối với mọi người trong xã hội.
Quan điểm Thiền Tịnh song tu khẳng định mục đích tối hậu sự tu tập trong Phật
giáo chỉ là một, đó là con đường thoát khỏi khổ đau sanh tử. Từ y cứ theo kinh luận,
các Bồ-tát luận sư như Thế Thân, Vô Trước, Mã Minh, Long Thọ cho đến
mười ba vị Tổ sư đều tán dương và truyền bá giáo lý Tịnh Độ. Tuy rằng các ngài đã
liễu đạt Thiền pháp nhưng xem giáo lý Thiền Tịnh là phương
thức truyền đạo mang tính phổ cập. Đặc biệt trong thiền môn quy củ của Phật giáo Việt
Nam và Trung Hoa trước đây, Thiền Tịnh mang tính hài hòa. Cụ thể là lấy việc thực tập niệm Phật tam muội làm
cầu nối hai pháp Thiền Tịnh song tu, trải nghiệm quá trình tu tập để đạt đến sự
chứng ngộ. Cho đến thời cận đại, Hư Vân Thiền sư cũng khai thị đặc điểm của
Thiền giáo và khuyến tu Tịnh độ. Hòa Thượng Tuyên Hóa, giảng giải giáo
lý Thiền tông Đại thừa nhưng vẫn nỗ lực hoằng dương Tịnh độ. Pháp sư Thánh Nghiêm, một Cao tăng
hiện đại, trước mọi quan niệm về Thiền Tịnh song tu đã phân tích và khẳng
định đây là do sự vận dụng khéo léo của chư Tổ sư, là phương
pháp tu tập phù hợp với tinh thần Phật giáo Đại Thừa.
Đại sư Tinh Vân, vị Danh tăng đương đại, chủ trương tu hành với lý
tưởng Nhân gian Phật giáo. Ông xem
Thiền là cũng nhân tâm mà tu. Thiền đi
vào trong mọi lĩnh vực đời sống sinh hoạt, nghệ thuật, điều phục nhân tâm,
hướng đến chứng ngộ. Đại sư quan niệm Thiền Tịnh song tu không có gì chướng
ngại, đều phù hợp với thực tiễn tu học của Phật giáo, phù hợp với tư tưởng
“Nhân gian Phật giáo”. Đại sư hoàn toàn phê bình quan niệm rằng người tu
Tịnh độ chủ trương yếm thế, lánh xa hiện thực, hay chủ trương tu tập mang
tính cực đoan. Điều đó phù hợp với điều trong kinh A Di Đà dạy: “Không thể có ít thiện căn phước đức mà được sanh Tây phương Cực lạc”. Hay trong kinh Quán vô lượng thọ dạy tu các phước lành để
sanh Tịnh độ như: hiếu thuận cha mẹ, với sư trưởng, phát bồ-đề tâm,
đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến hóa người tu hành v.v…
Điều cần lưu ý là, Tịnh hay Thiền cũng
đều hướng đến nhân tâm mà thiết lập phương tiện tu tập, mục đích là lợi
mình, lợi người, giải thoát sanh tử. Thiền Tịnh vốn
không hai, phù hợp với mục đích giác ngộ giải thoát, là tương ưng với đạo lý Trung đạo
Phật giáo. Vì lý do đó, Thiền Tịnh song tu là quan niệm tu tập thực tiễn, phát
huy tính nhất quán của giáo lý Phật giáo, dung hòa tư tưởng của
mọi người tu theo Phật giáo.
4.
Kết luận: Thiền Tịnh song tu rất phù hợp với căn cơ của chúng
sanh trong thời hiện đại
Hầu như các Tổ sư thiết lập tông chỉ
hành trì đều có phương pháp riêng. Ví dụ trong một tông môn không thể hôm nay
dạy niệm Phật, mai dạy tham thiền hay khán thoại đầu. Vì thực hành như thế khó đắc
thiền định hay nhất tâm, như một thân mà đi hai thuyền qua sông. Nhưng từ đời
Tống trở về sau, quan niệm Thiền Tịnh song tu được kết hợp qua ý nghĩa niệm Phật
căn bản, gồm có ba điểm chính: Một là ngồi thiền mà chuyên niệm Phật, giúp tâm
an định. Hai là dùng câu niệm Phật để khán thoại đầu. Ba là dung hợp Thiền
Tịnh, tức là tu thiền mà nguyện sanh cõi Tịnh độ. Ở đây
nhấn mạnh mục đích hồi quy Tịnh độ. Cho nên Thiền Tịnh song
tu là đứng về tâm mà luận, đứng về mục đích sự tu hành giải thoát sanh tử mà
luận. Trong thời đại ngày nay, Thiền Tịnh là hai pháp môn khá phổ biến trong
các quốc gia Phật giáo Đại thừa mang tinh thần nhập thế. Thiền Tịnh song tu không có gì
tương phản, ngược lại giúp cho vấn đề thực tiễn hóa tinh thần giải thoát của
đạo Phật đối với mọi căn cơ./.
Trí Giả Đại sư, Ngũ phương tiện niệm Phật tam muội môn, Tỳ-kheo Thích Đức Trí dịch.