Tâm Bao La Như Đại Dương
tam bao la
Thiền sư MORIYAMA
Hoang Phong chuyển ngữ
Sanshin: là ba thể dạng tâm hiện lên với một người khi bước vào Con Đường [Đạo Pháp]
Đó là:
DAISHIN : Tâm tỏa rộng
KISHIN : Tâm vui sướng
ROSHIN : Tâm thương yêu
Thiền sư Moriyama Roshi
(1938-2011)
Bài giảng của Thiền sư Moriyama dựa theo
"Những lời giáo huấn Tenzo" của Đạo Nguyên (Dogen)
Lời giới thiệu của người dịch:
Các thuật ngữ Shanshin, Daishin, Kishin, Roshin, Tenzo... trên
đây là tiếng Nhật gốc Hán ngữ và đã được giữ nguyên trong bản gốc tiếng
Pháp. Chữ Tenzo (nơi tựa bài giảng của Đạo Nguyên) là danh hiệu dùng để
gọi người đầu bếp trong một ngôi chùa. Nói chung chữ "Tâm" (Shin) là
một thuật ngữ chủ yếu và vô cùng quan trọng đối với Thiền Học nói riêng
và Phật Giáo Đại Thừa nói chung, đặc biệt là ở các nước Á Châu như Trung
Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, thế nhưng lại là một thuật ngữ
khá "mơ hồ" vì rất khó xác định.
Chữ tâm nguyên nghĩa của nó là con tim, quả tim hay trái tim, đấy
chẳng qua là vì người Phương Đông - ít ra là trên phương diện từ nguyên
và thuộc nền văn hóa của một số quốc gia kể trên - "nghĩ" rằng sự suy
nghĩ phát sinh từ quả tim trong lồng ngực, trong khi đó thì người Tây
Phương lại cho rằng sự suy nghĩ phát sinh từ não bộ. Chính vì thế mà các
chữ như "tâm thức" (esprit/spirit) và "tri thức"
(conscience/consciousness) của người Tây Phương có vẻ chính xác hơn trên
phương diện khoa học, tuy nhiên không phải vì thế mà chữ "tâm" của
người Á Đông thiếu "chính xác" hơn nếu nhìn dưới một khía cạnh nào đó.
Một thiếu nữ e thẹn thì đôi má đỏ hồng, hai mắt chớp chớp, một người
giận dữ thì gương mặt nhăn nhíu và đỏ gay hay tím ngắt và tay chân thì
run rẩy, một người buồn khổ thì đôi mắt ngơ ngác, tay chân bủn rủn, v.v.
Trong tất cả các trường hợp đó thật hết sức rõ ràng là quả tim giữ một
vai trò chủ yếu vì nó sẽ đập nhanh hay chậm hơn so với bình thường, sự
tuần hoàn của máu huyết do đó sẽ không được bình thường và cơ thể sẽ
tiết ra các chất kính thích tố (hormone) "thuận lợi" hay "bất lợi" tương
ứng với các thể dạng xúc cảm ấy.
Chữ "tâm" của Đông Phương nói lên một sự kết hợp giữa sự
vận hành của tri thức trong não bộ và nhịp đập của quả tim trong lồng
ngực cũng như các kích thích tố trong cơ thể, do đó chữ tâm trong trường
hợp này phản ảnh toàn bộ sự sống của một cá thể. Các tôn giáo độc thần
chia cắt sự sống ra thành hai thành phần khác biệt nhau gọi là "phần
hồn" và "phần xác", trong khi đó Phật Giáo quan niệm sự sống là một tổng
thể phức tạp do nhiều điều kiện mà có, cái tổng thể ấy vận hành liên
kết và tùy thuộc vào các điều kiện làm phát sinh ra nó và đồng thời
tương kết và liên đới với vô số các điều kiện khác nữa thuộc môi trường
bên ngoài. Tâm thức và thân xác chỉ là hai khía cạnh của một sự vận hành
chung gọi là sự sống. Đối với Phật Giáo không có cái tôi nào gọi là
"phần hồn" được xác định một cách cá thể, trường tồn và bất biến, và
"thân xác" - cũng như "phần hồn" - cũng chỉ là một thể dạng cấu hợp liên
kết chặt chẽ với tâm tức qua các phản ứng xúc cảm. Cũng xin nhắc thêm
là đối với Phật Giáo Theravada cũng như Phật Giáo Tây Tạng - chẳng hạn
như qua các bài giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma - thì chữ "tâm" mang ý
nghĩa rất gần với các chữ "tâm thức" và "tri thức" của người Tây Phương,
tức là gần hơn với Tâm Lý Học và Khoa Học nói chung, trong khi đó thì ý
nghĩa của chữ "tâm" trong Phật Giáo Đại Thừa và đặc biệt là Thiền Học
thì gần với sự vận hành của xúc cảm hơn, tức là liên đới trực tiếp hơn
với sự sống qua tổng thể của nó như đã được nói đến trên đây.
Ngoài ra với mục đích mở rộng vấn đề, cũng xin nhắc lại câu đầu tiên
trong kinh Pháp Cú - là Manopubbangama dhamma - thường được dịch sang tiếng Hán và tiếng Việt là: "Tâm dẫn đầu các Pháp",
cách dịch này có thể bị hiểu sai lạc. Trước hết chữ Pháp
(dhamma/dharma) trong trường hợp này chỉ có nghĩa là hiện tượng
(phenomenon), không có nghĩa là Đạo Pháp (Dhamma/Dharma), và đối với chữ
tâm (mana/mano) thì nên hiểu và nên dịch là "tâm thức" hay "tri thức"
thì chính xác hơn (cũng xin ghí chú thêm là chữ mana trong tiếng Phạn có nghĩa là tâm thức/mind, thế nhưng trong tiếng Pa-li thì có đến hai nghĩa: quả tim và tâm thức).
Sở dĩ mạn phép dài dòng như trên đây là với mục đích mong
rằng có thể giúp người đọc theo dõi bài giảng của Thiền sư Moriyama
được dễ dàng hơn chăng? Thật vậy các bài giảng của Thiền Học nói chung
thường ngắn gọn, xúc tích và rất trực tiếp, tức là thường dựa vào các
cảm nhận bằng "trực giác" của con tim hơn là sự "lý luận" của khối óc.
Dưới đây là bài giảng của Thiền sư Moriyama trong một tu viện nhỏ của
hội thiền "Nơi An Trú Vô Biên" (Demeure sans Limites) tại Ardèche, một
vùng cao nguyên khô cằn và thưa dân thuộc miền cận nam nước Pháp.
Bài giảng của Thiền sư Moriyama
Daishin (Đại Tâm): là một Tâm Thức mênh mông như
đại dương: tâm thức ấy tiếp nhận nước đổ ra từ tất cả sông ngòi, không
loại trừ một dòng nước nào cả. Đấy là tâm thức của những người biết tiếp
xúc với các cảnh huống qua một tầm nhìn mở rộng, và không hề xem mình
là một điểm chuẩn. Mỗi khi nhìn vào chính mình thì chúng ta thường phản
ứng bằng cách: tôi thích cái này, tôi không thích cái kia. Chính vì thế
nên chúng ta luôn nhận thấy thế giới thuộc bên ngoài chính mình nhằm để
xác định nó là tốt hay không tốt, tùy theo thế giới ấy [hiện ra] có phù
hợp hay không đối với với sự mong muốn (desires/dục vọng, sự thèm khát, đam mê...) của chính mình.
Chúng ta luôn có cảm tưởng mình là trung tâm [của tất
cả], mọi sự vật và con người đều quay chung quanh, và mình thì tìm đủ
mọi cách để hoặc xô bỏ các thứ ấy ra, hoặc lôi chúng vào với mình. Đấy
là một thái độ vô cùng mỏi mệt, làm tiêu hao không biết bao nhiêu sinh
lực.
Đại sư Đạo Nguyên có nói rằng: "Dù ở đâu và trong bất
cứ hoàn cảnh nào, chúng ta phải luôn phát lộ được sự sống của chính
mình. Người đần độn nhìn cuộc sống của mình cứ như là cuộc sống của một
người khác vậy (tức là qua các hình thức bám víu và níu kéo nào đó),
chỉ có kẻ hiền nhân mới hiểu được là dù phải liên hệ với kẻ khác thì
mình vẫn có thể phát lộ được sự sống của chính mình xuyên qua các mối
dây liên hệ ấy (ý nghĩa của câu
"phải luôn phát lộ được sự sống của chính mình" nói lên một sự "trở về
với chính mình" và nhất thiết không có nghĩa là "biểu lộ cái tôi" của
mình. Sự trở về ấy là sự quán thấy sự sống đích thật của chính mình, dù
là mình đang tương kết với bối cảnh bên ngoài và các sự sinh hoạt trong
xã hội. Sống bằng cách phóng nhìn vào kẻ khác và nhận thấy mình xuyên
qua các mối tương giao với kẻ khác trong xã hội - để cảm thấy mình là
đang sống - thật ra chỉ là một sự xao lãng và mất định hướng, và đấy là
cách đánh mất chính mình và phung phí sự sống của chính mình).
"Tâm tỏa rộng là tâm không còn cái tôi và không còn
bám víu, và mình sẽ không còn tự nhận diện mình qua một Cái Tôi chính
xác nào nữa cả, tức là một cái tôi yêu thích cái này này hay ghét bỏ cái
kia, và cũng nhờ đó mà mình biết sống hài hòa với tất cả những gì hiện
ra với mình. Mình sẽ không còn đánh giá mọi sự vật (là tốt hay xấu) nữa, hầu giúp mình sống thật hài hòa với bất cứ cảnh huống nào xảy ra (xin
lưu ý là cách hành xử đó không phải là một thái độ nhu nhược, ba phải
hay bỏ qua mà là một sự hòa nhập với hiện thực, một sự buông xả từ bên
trong nội tâm mình). Tất cả đều trở thành cội nguồn mang lại an vui và các kinh nghiệm sống cho chính mình".
Hãy hình dung trường hợp một người chỉ thích toàn của
ngọt..., sau một thời gian người ấy sẽ không sao tránh khỏi sự chán
ngấy! Tại sao lại phải gạt bỏ tất cả các hương vị [khác] của sự sống,
[dù là] cay đắng hay dịu dàng, thô bạo hay ngọt ngào.
Tâm tỏa rộng không hề bị các hoàn cảnh quấy nhiễu. Đai sư Đạo Nguyên
còn nói thêm rằng: "Không nên để mình bị mê hoặc bởi âm thanh của mùa xuân, cũng không để cho con tim mình phải trĩu nặng vì màu sắc của mùa thu!".
Nếu không thì cuộc sống của mình cũng sẽ trở nên khi thì
thế này khi thì thế khác, lúc thì bị khích động lúc thì rơi vào sự trầm
cảm, cứ như là con yô-yô! Tâm tỏa rộng vững vàng như một trái núi, tương
tự như tư thế ngồi thiền, đó là sự rộng lớn, lòng khoan dung.
Khi nào tâm không còn bị "cái tôi" gây ra các thứ chướng
ngại cũng như mọi sự phân biệt và các định kiến, và nhất là khi nào
chúng ta không còn tìm cách bám víu vào thế giới để tìm kiếm lợi lộc
nữa, thì khi đó Kishin (Tâm vui sướng) mới có thể hiện lên với
mình được. Sự vui sướng ấy rất sâu xa, phát sinh từ thể dạng Nhất Thể
(Unity) bên trong nội tâm mình, [với thể dạng Nhất Thể ấy] sẽ không còn
[xảy ra] một sự giằng co hay một cuộc chiến nào nữa cả, đó là thể dạng
Nhất Thể đối với bên ngoài (thế giới) và cả bên trong (nội tâm).
Sự vui sướng đó không phải là một sự vui sướng cuồng nhiệt, chẳng hạn
như đạt được một cái gì đó đúng với sự thèm muốn của mình, mà đúng hơn
là một thể dạng hiện hữu thật tròn đầy, một sự hài hòa sinh động, ăn
nhịp với từng giây phút trong cuộc sống của mình (tương tự như lên dây
đàn cho đúng với từng nốt nhạc).
Niềm vui sướng đó hiển lộ từ bản chất sâu kín của mình,
từc là bản thể của Phật (tức là Phật Tính), một bản thể trống không về
tất cả mọi ảo giác.
Đấy là tiếng hát của sông suối, tiếng reo của gió trên
các ngọn thông, tiếng nhạc của chim trời. Niềm vui sướng ấy thật linh
động, tỏa rộng và thấm sâu vào từng sự vật. Khi nào hiểu biết được một
cách sâu xa thế nào là sự sống và cái chết, hạnh phúc và khổ đau - và
chấp nhận chúng - thì sự vui sướng ấy mới có thể hiện ra, tỏa rộng chung
quanh mình hầu mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Thật vậy, nếu không thực hiện được tâm tỏa rộng và tâm vui sướng, thì Koshin (Tâm yêu thương)
- tức là sự phát lộ của lòng từ bi - sẽ không sao có thể hiển hiện
được. [Tu tập] không phải là cách biến mình trở thành vô cảm, tương tự
như một khối đá, cũng không phải như "một kẻ ngô nghê cảm thấy mình hạnh
phúc", mà là cách thực thi thật tròn đầy các mối dây tương liên và
tương tác (interdependence/lý duyên khởi) giữa mình và thế giới: sở dĩ
chúng ta hiện hữu ấy là nhờ vào tất cả các chúng sinh khác cũng như mọi
sự vật khác cùng hiện hữu với mình.
Không có bất cứ một hạt bụi nhỏ nhoi nào trong thế giới mà lại không
góp phần vào sự hiện hữu của chúng ta.
[Vậy thì] nếu muốn phân biệt giữa mình và kẻ khác thì phải làm thế nào?
Đại sư Đạo Nguyên có nói rằng: "Trên
dòng luân lưu của thời gian, [một lúc nào đó] chúng ta sẽ trở thành kẻ
khác, và kẻ khác sẽ trở thành chúng ta. Vậy tại sao lại [khước từ mà]
không chia sẻ với họ những niềm hân hoan cũng như những khổ đau của họ?
Chỉ có những kẻ ngu đần mới nghĩ rằng chăm lo cho kẻ khác là cách mang
lại mọi thứ thiệt thòi cho chính mình" .
Mỗi một cử chỉ thân thiện và thương yêu (dù thật nhỏ nhoi) đều sẽ tỏa rộng trong toàn thể vũ trụ này.
Tâm tỏa rộng, tâm vui sướng và tâm thương yêu là các thể
dạng tâm thần của một môn đệ của Đức Phật. Nếu muốn vượt thoát ra khỏi
thế giới của dục vọng và hình tướng, chúng ta phải biết tu tập bằng cách
buông bỏ chính mình. Xuyên qua sự tu tập ấy của mình chúng ta sẽ trông
thấy được sự hiện hữu của chư Phật, và đấy là Con Đường Rộng Lớn đưa
mình đến gần với họ.
Ngưỡng mong chính chúng ta và tất chúng sinh đều đạt được Giác Ngộ.
__________________________________________________________________________________________
Thiền sư Moriyama thuyết giảng những lời trên đây tại
thiền viện "Nơi An Trú Vô Biên" (La Demeure Sans Limites) ngày 20 tháng 6
năm 1993, nhân dịp kỷ niệm một năm ngày thành lập của tu viện này, và
sau đó còn nói thêm một vài lời với cử tọa như sau:
Cách nay một năm tại "Nơi An Trú Vô Biên" này, một hạt giống đã được
gieo trồng, đó là hạt giống Dharma (Đạo Pháp).
Phát sinh từ những ước vọng trong sáng và quyết tâm của
các Vị Thầy [tiền bối], hạt giống ấy đã bắt rễ [ở nơi này], và năm nay
chúng ta được trông thấy nhú lên những chồi đầu tiên. Vậy chúng ta hãy
cùng nhau vui hưởng sự hiển lộ đó của Giáo Huấn Đức Phật.
Đại sư Đạo Nguyên có viết một câu như sau: "Âm thanh của sông suối chính là những lời kinh và tiếng nói của Phật, vóc dáng của núi đồi là thân xác tuyệt vời của Phật..."
Từ Ấn Độ đến Trung Quốc, từ Nhật Bản đến Âu Châu, ở bất
cứ nơi nào đất cũng luôn là thân xác của Phật. Dù là ở Phương Đông hay
Phương Tây, Dharma (Đạo Pháp) luôn hiển hiện trong từng âm thanh, từng
màu sắc và từng khoảnh khắc của thực tại.
Dharma đang hiển hiện tại nơi này, trên đất Pháp này.
[Hãy cứ để cho] Thân và Tâm hòa mình trong niềm vui sướng và trí tuệ
của Phật.
Cầu mong Cội Bồ Đề luôn lớn mạnh hầu che chở cho tất cả chúng sinh!
Thiền sư Moriyama
La Demeure Sans Limites (Nơi An Trú Vô Biên)
Riou la Selle
07320 St Agrève - FRANCE
(Larbredeleveil.org)
Vài lời ghi chú của người dịch
Tâm tỏa rộng, tâm vui sướng và tâm thương yêu là ba thể dạng tâm
thức của một người bước theo vết chân của Đức Phật. Ba thể dạng ấy thật
hết sức cần thiết góp phần mang lại thể dạng Nhất Thể (Unity/One) trong
sự sống của mỗi cá thể hầu giúp cho cá thể ấy trở thành MỘT với thực
tại. Thực hiện thể dạng Nhất Thể không phải là cách chối bỏ sự sống cá
nhân của mình mà đúng hơn là cách hóa giải sức mạnh thúc đẩy của các bản
năng sinh tồn, truyền giống và sợ chết chi phối mình và tách mình ra
khỏi thiên nhiên và vũ trụ, hầu giúp mình tìm thấy một sự sống đích thật
và hài hòa, phù hợp với những gì sâu kín nhất trong nội tâm mình.
Vậy chúng ta hãy thử nhìn vào tâm của mình xem sao. Có phải là cái
tâm ấy hiện lên với mình lúc thì hớn hở, lúc thì khổ đau. Muôn nghìn thể
dạng xúc cảm tiếp nối nhau hiện ra với nó, nào là giận hờn, yêu thương,
ham muốn, ghét bỏ, oán hận, mưu mô, tính toán, hy vọng, lo sợ, buồn
bực, tiếc nuối, v.v. khiến nó lúc thì quay về quá khứ, lúc thì hướng vào
tương lai. Các ngọn gió ào ạt và lồng lộn đó của bản năng thúc đẩy
"tâm" mình quay tít như chong chóng, và mình thì cứ khư khư và quả quyết
cho đấy là sự sống của mình, và đồng thời nghĩ rằng mình phải bảo vệ nó
và mang lại hạnh phúc cho nó. Thế nhưng càng bảo vệ nó và tìm kiếm
hạnh phúc cho nó thì mình lại càng mang lại thêm khổ đau cho nó mà
thôi.
Dưới một góc nhìn cụ thể hơn thì tâm mình cũng chẳng khác gì như
một tấm gương ném xuống đất và bị vỡ tan, mỗi mảnh phản chiếu một vài
hình ảnh cắt xén và nát vụn của hiện thực. Tâm Nhất thể là một tấm gương
nguyên vẹn phản ảnh trung thực thể dạng tròn đầy của sự sống, nói lên
một sự hội nhập hài hòa giữa vũ trụ và Phật Tính trong nội tâm mình. Tâm
tỏa rộng, tâm vui sướng và tâm thương yêu là ba bước đầu mà người tu
tập phải thực hiện bằng được trên Con Đường hầu giúp mình giữ cho tấm
gương Nhất Thể của nội tâm được nguyên vẹn. Hình ảnh phản chiếu bên
trong tấm gương và vũ trụ bên ngoài đều giống như nhau và tất cả đều trở
thành MỘT.
Sau đây cũng xin mạn phép nêu lên vài dòng về tiểu
sử của Thiền sư Moriyama Rhoshi. Ông sinh năm 1938 trên đảo Sakhaline ở
miền cực bắc nước Nhật, hòn đảo này hiện vẫn còn bị nước Nga chiếm giữ
từ sau Thế Chiến thứ II. Năm 22 tuổi ông tốt nghiệp triết học tại một
đại học ở Tokyo, và trong dịp này ông gặp được một vị thầy nổi tiếng là
Hakusan Kojun Roshi (các vị thiền sư uyên bác thường được mang thêm danh
hiệu Roshi, có nghĩa là một vị Thầy lão luyện, đáng kính, tương tự như
trường hợp các vị lạt-ma Tây Tạng được mang thêm danh hiệu là Rinpoché)
và sau đó ông đã xin xuất gia. Ông tu học rất chuyên cần và được thụ
phong tỳ kheo năm 24 tuổi. Ngoài các vị thầy của mình ông còn được thụ
giáo với nhiều vị thiền sư uyên bác khác tại nhiều ngôi chùa danh tiếng ở
Nhật. Vào cuối thập niên 1960 ông được gửi đi Mỹ trụ trì một ngôi chùa ở
San Francisco thay cho nhà sư Shunryu Suzuki Roshi phải rời chùa để
thành lâp Trung Tâm Thiền Zen (Zen Center) với các sinh hoạt rông lớn
hơn.
Ba năm sau đó ông lại trở về Nhật để giảng dạy và có dịp
học hỏi thêm. Năm 1992 vị thầy mới của ông sau này là Niwa Roshi đề cử
ông đi Nam Mỹ trụ trì một ngôi chùa ở Sao Paulo, nơi có nhiều người Nhật
lánh nạn sau Thế Chiến thứ II. Trong dịp này ông thành lập thêm nhiều
hội thiền khác cho người bản xứ ở Sao Paulo và các thành phố khác ở
Brazil. Sau đó ông cử một nữ đệ tử gốc người Pháp là ni sư Joshin Sensei
tu tập với ông ở Brazil đến các nước khác như Argentina, Uruguay và
Chili để thành lập các hội thiền ở các nơi này. Sau khi ông qua đời năm
2011, thì ni sư Joshin Sensei trở về quê hương trụ trì tu viện Nơi An
Trú Vô Biên do chính ông thành lập. Mọi người đều có thể đến viếng nơi
này.
Bures-Sur-Yvette, 12.06.15
Hoang Phong chuyển ngữ
Độc giả có thể xem bản gốc tiếng Pháp của bài này trên trang mạng
của tu viện Nơi An Trú Vô Biên, hoặc trên một số các trang mạng khác
như: