Angkor Wat

an

Angkor Wat

Nguyễn Đăng

Angkor từng là kinh đô của vương triều Khmer hùng mạnh, đế chế do vua Jayavarman II thành lập vào thế kỷ IX và kéo dài đến thế kỷ XV. Ở thời kỳ hoàng kim của mình vào cuối thế kỷ XII, Angkor là một kinh thành phồn thịnh với diện tích rộng đến 1.000 km vuông. Kinh thành Angkor được xây dựng dựa trên những tư tưởng tôn giáo và chính trị xuất phát từ Ấn Độ.

Angkor Wat là một trong những ngôi đền đồ sộ và nỗi tiếng nằm ở trong quần thể Angkor. Ngôi đền này được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XII (1113) để thờ các vị thần của Ấn giáo. Và qua việc thờ phụng này, nhà vua muốn bảo đảm sự bất tử của mình bằng việc đồng nhất bản thân với các vị thần của Ấn giáo. Dưới thời vua Suryavarman II, Angkor Wat không chỉ là một ngôi đền, mà cũng là trung tâm kinh đô của vương triều Khmer và giữ một vị trí chiến lược quan trọng. Tên ban đầu của quần thể này vẫn chưa được biết rõ. Các sử gia vẫn chưa tìm ra được văn bản hay bản khắc chữ nào đề cập đến tên gọi của quần thể này.

Kiến trúc và những đối tượng được phụng thờ tại Angkor Wat đã có những thay đổi qua sáu thể kỷ dưới triều đại Khmer. Từ ban đầu là một ngôi đền để thờ các vị thần Ấn giáo như Vishnu và Shiva, về sau Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara), vị Bồ-tát được thờ phụng phổ biến trong Phật giáo Đại thừa, đã được đưa vào thờ phụng ở đây, vào thời kỳ Ấn Độ giáo suy thoái ở Campuchia. Nhưng rồi sau đó, với sự hưng thịnh của Phật giáo Theravada ở vùng đất này, những tín niệm và tôn tượng Phật đã được đưa vào đây và Angkor Wat dần trở thành một địa điểm thờ phụng và chiêm bái quan trọng của Phật tử theo Phật giáo Theravada.

Sau đó, Angkor và đế chế Khmer bắt đầu suy yếu, bị đe dọa và tấn công bởi những đội quân xâm chiếm. Vào thế kỷ XV, những vị vua Khmer bắt đầu phá hủy kinh thành này để di chuyển về miền biển để lập kinh thành mới Phnom Penh. Lý do vì sao khiến những vị vua Khmer rời bỏ nơi này vẫn chưa được biết rõ. Một vài học giả đoán định rằng do sự hư hại của hệ thống nước ở đây đã dẫn đến những trận lụt tàn phá nghiêm trọng, khiến các vị vua Khmer quyết định chuyển kinh đô về Phnom Penh. Vào thế kỷ XVI, thời kỳ vàng son của Ankor suy tàn và những ngôi đền ở đây cũng bắt đầu bị đẩy lùi vào trong rừng vắng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, những nhà sư Phật giáo vẫn thường có mặt ở đây và chính họ một cách nào đó đã giữ gìn và chăm sóc những ngôi đền này. Vào năm 1858, một nhà thám hiểm trẻ người Pháp tên là Henri Mouhot, trong khi thám hiểm về các loại côn trùng trong rừng ở Campuchia, đã phát hiện Angkor Wat và ông đã giới thiệu cho thế giới biết về địa danh này trong một ký sự của mình. Henri Mouhot sau đó qua đời ở Lào vào năm 35 tuổi do bị sốt sét. Sau khi người Pháp thiết lập chế độ thuộc địa ở Campuchia vào năm 1863, quần thể này đã trở thành tâm điểm của khảo cổ và nghiên cứu.

Kiến trúc của Angkor chịu ảnh hưởng sâu sắc những quan niệm và tư tưởng của Ấn Độ. Angkor được xem như biểu tượng của vũ trụ được cấu trúc theo vũ trụ học của Ấn giáo. Kinh thành được xây dựng quanh một ngôi đền trung tâm ở trên một ngọn đồi mà nó tượng trưng cho núi Tu Di (Meru), nơi các vị thần trú ngụ. Những tường thành của ngôi đền tượng trưng cho những ngọn núi mà nó được tin là bao quanh vũ trụ. Nhiều kênh, lạch, hào của Angkor là tượng trưng cho nước của vũ trụ…

Angkor Wat bao gồm năm tháp thờ trung tâm, được bao quanh bằng một hào nước và ba dãy hành lang. Trên tường của những dãy hành lang này, người ta khắc chạm những hình ảnh Apsara, những vũ công, nhưng garuda, những cảnh trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ. Cách trang trí của người Khmer thể hiện một sự kết hợp dung hòa giữa thần linh, con người và muông thú, và được thể hiện trên một bề mặt phẳng, mà thường là bề mặt đá. Những nếp sinh hoạt thường ngày, những câu chuyện huyền thoại từ sử thi, hay những trận chiến cũng được khắc chạm. Bên cạnh đó còn có các tượng Bồ-tát và Naga. Naga được coi là vị bảo hộ đặc biệt đế chế Angkor. Cũng có rất nhiều hình ảnh phụ nữ được khắc chạm ở Angkor Wat, con số lên đến 1.850; và với con số quá lớn như vậy, đôi khi nó khiến người ta có cảm tưởng đó là chủ thể khắc chạm chính tại nơi đây.

Angkor Wat là viên ngọc của người Campuchia, là niềm vinh quang và tự hào của người Khmer. Angkor Wat không chỉ là một công trình tôn giáo hay là kinh thành hoàng cung, nó còn là một công trình kiến trúc quy mô với nghệ thuật điêu khắc đá độc đáo mà nó đã tồn tại hơn 900 năm. Angkor Wat từ lâu không còn là một trung tâm quyền lực chính trị của người Campuchia. Thủ đô của Campuchia ngày nay là Phnom Penh, nhưng Phnom Penh được cho là có gốc rễ tâm linh và huyền bí của nó từ Angkor. Có một câu chuyện kể rằng, có một lão bà tên là Penh, sau một trận lũ đã tìm thấy một khúc gỗ từ Angkor cuốn trôi về. Khi chẻ khúc gỗ ra, bà thấy bên trong có bốn tượng Phật bằng đá và một tượng thần Vishnu bằng đồng. Lão bà này quyết định đem năm bức tượng lên thờ trên một ngọn đồi (trong tiếng Khmer có nghĩa Phnom) vào khoảng năm 1372. Xung quanh ngọn đồi này sau đó mọc lên thành phố Phnom Penh, và cuối cùng trở thành trung tâm đầu não mới của vương quốc Khmer.

Những ngôi đền ở trong quần thể Angkor hiện vẫn là những địa điểm thờ bái và hành hương của nhiều người, và trong đó có không ít là các Phật tử. Dù khởi đầu là một ngôi đền Ấn giáo, về sau Angkor Wat đã trở thành một ngôi chùa Phật giáo và cũng trở thành như một thánh tích Phật giáo quan trọng ở Campuchia. Ngày nay hình ảnh của Angkor Wat được lấy làm biểu tượng ở trên lá cờ của Campuchia. Angkor được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1992.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác