MỐI ƯU TƯ VỀ ĐẠO HỌC CỦA TRẦN NGUYÊN ĐÁN - NGUYỄN PHI KHANH QUA SƠN TRUNG KHIỂN HỨNG VÀ CHÙM THƠ DU XUÂN GIANG
moi uu tu
MỐI ƯU TƯ VỀ ĐẠO HỌC CỦA TRẦN NGUYÊN ĐÁN
- NGUYỄN PHI KHANH
QUA SƠN TRUNG KHIỂN HỨNG VÀ CHÙM
THƠ DU XUÂN GIANG
* Võ Phước Lộc
Các nhà Nho Việt Nam thời Trung đại, làm thơ
ít dẫn chữ nghĩa của Vương An Thạch (1021-1086). Gần đây, khảo sát thơ văn
Lý-Trần nhận thấy trừ Lý Thường Kiệt phê Vương trong Phạt Tống lộ bố văn,
Trần Nguyên Đán (1325-1390) qua Sơn trung khiển hứng, Nguyễn Phi Khanh
(1355-1428) ở Trùng du xuân giang hữu cảm có dẫn chữ và nhắc tứ thơ xuân
của An Thạch với thái độ rất thú vị. Xét trong mối ưu tư về đạo học, qua chùm
thơ Du xuân giang, người viết bất giác thu hoạch được đôi điều.
1.
Sơn trung khiển hứng (cảm hứng trong núi) của Trần Nguyên Đán ra đời từ
việc: có thi tăng đến hỏi chữ. Không thấy Trần Tư Đồ nói rõ chữ gì, song nội
dung đã làm cảm hứng của ông đầy chất thơ và cũng lắm nỗi niềm lo nghĩ:
十年政省負秋燈 Thập niên chính tỉnh
phụ thu đăng,
松下行吟倚瘦藤 Tùng hạ hành ngâm ỷ sấu
đằng.
隨馬望塵無俗客 Tuỳ mã vọng trần vô tục
khách,
叩門問字有詩僧 Khấu môn vấn tự hữu thi
tăng.
退閒綠野知何及 Thoái nhàn Lục Dã tri
hà cập?
散給青苗謝不能 Tán cấp Thanh miêu tạ
bất năng.
坐待功成名遂後 Tọa đãi công thành danh
toại hậu,
一丘老骨已崚嶒 Nhất khâu lão cốt dĩ
lăng tằng.
Nguyễn Đức Vân dịch:
Mười năm chính tỉnh phụ đèn xưa,
Chống gậy bên thông đặng đọc thơ.
Theo ngựa trông vời không khách tục,
Hỏi thơ gõ cửa có nhà sư.
Lui về Lục Dã sao còn kịp!
Cấp phát Thanh miêu thẹn chẳng dư.
Ngồi đợi công thành danh đã toại,
Một gò xương trắng chất bao giờ.
Đọc xong bài thơ ta vỡ lẽ: thi tăng hỏi
thoái nhàn nhẹ thôi. Song, khiến Trần Nguyên Đán khó “quy khứ sơn trung” khi
nhìn lại mười năm làm chính sự. Ông cũng không thể đợi chờ công thành danh
toại vì lo cảnh nắm xương tàn. Có điều thú vị ngưỡng xuân thời của An
Thạch là gò cao xương trắng; ngưỡng tuổi già là mười năm lão khứ quy
Thiền. Ngưỡng xuân của quan Tư đồ là phụ và về già sợ một nắm
xương tàn…
Khác với thái độ của cha vợ, Nguyễn Phi
Khanh sau lần Hầu tướng công Băng Hồ đi chơi xuân trên sông, xuân kế một
mình dạo Nhị hà hoài cảm hạ bút thành Cảm xúc khi đi chơi sông xuân lần thứ
hai:
去年三月珥河津 Khứ niên tam nguyệt Nhị
hà tân,
麗服相隨五六人 Lệ phục tương tùy ngũ
lục nhân.
岸草無情春自綠 Ngạn thảo vô tình xuân
tự lục,
江流在眼客還新 Giang lưu tại nhãn
khách hoàn tân.
清吟雨後邀紅葉 Thanh ngâm vũ hậu yêu
hồng diệp,
緩棹風前過白蘋 Hoãn trạo phong tiền
quá bạch tần.
長恐寸心遙魏闕 Trường khủng thốn tâm
giao ngụy khuyết,
五湖偏載讀書身 Ngũ Hồ thiên tải độc
thư thân.
Đào Phương Bình dịch:
Tháng ba năm ngoái trên sông Nhị,
Sáu bảy người theo đẹp áo khăn.
Cỏ bãi hững hờ xuân tự biếc,
Dòng sông quen thuộc khách như tân.
Sau mưa ngâm nhẹ ca hồng diệp,
Trước gió chèo khoan lướt bạch tần.
Tấc dạ những lo, xa khuyết ngọc,
Ngũ Hồ riêng chở khách làng văn.
Trong bài Hầu tướng công Băng Hồ đi chơi
xuân trên sông, Nguyễn Phi Khanh viết:
-
Yên cảnh tam xuân thắng liễu
xuyên.
Khói sóng ba xuân hẳn hơn con sông rặng
liễu.
-
Thả đàm hồ hải Giang Nam sĩ,
Hựu phỏng phong lưu Thái
Thạch tiên.
Hãy bàn tới kẻ sĩ hồ hải đất
Giang Nam,
Đừng hỏi vị tiên phong lưu ở
Thái Thạch.
Theo chú giải của Thơ văn Lý-Trần tập
3, ta có thể hiểu nhà thơ khen cảnh sông Nhị trước mắt đẹp hơn xuân cảnh
trong thi ca Đường-Tống. Cũng có điều cần bàn thêm là nhà thơ dùng Giang Nam
sĩ, Thái Thạch tiên, không riêng là dẫn điển cố Trung Hoa mà có hàm ý hãy
nói chuyện kẻ sĩ ở Đại Việt bây giờ. Nó cũng gợi liên hệ đến Vương An Thạch khi
về già tu Thiền ở Giang Ninh, thôi dứt chuyện thị phi triều chính. Chúng ta
biết, đương độ xuân thời, được Tống Thần Tông triệu về kinh phong tể tướng, An
Thạch qua Kinh khẩu có danh tác Bạc thuyền Qua châu với tuyệt cú “Xuân
phong hựu lục Giang Nam ngạn-Gió xuân xanh dậy bờ nam cỏ”. Do vậy có thể
thấy hai câu thực trong Cảm xúc đi chơi sông xuân lần hai phảng phất tứ
thơ đã nêu của Vương. Nó được chuyển tải tình điệu mới theo dòng cảm xúc mới lạ
của Nguyễn Ứng Long. Đặt tứ thơ trong mối liên hệ với bài Cảm hứng trong núi
của Trần Nguyên Đán, dẫn chữ tam miêu của An Thạch thì nhận định vừa nêu
không phải là không có cơ sở. Vấn đề đặt ra là tại sao Nguyễn Phi Khanh có thái
độ như vậy. Và, so sánh hai câu kết: ai Hiếu liêm chung khách một thuyền (Bồi
Băng Hồ tướng công) với Ngũ hồ riêng chở khách làng văn (Trùng du xuân
giang) để làm rõ nghĩa hai chữ Hiếu liêm.
2.
Sơn trung khiển hứng và Trùng du xuân giang, ít ra, đã cung cấp
cho chúng ta một thông tin quan trọng: khoảng 1374-1386, giới thi tăng học sĩ ở
nước ta đã có thảo luận, đánh giá lại nghiêm túc đường hướng Tân pháp của Vương
An Thạch nhằm tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng chính sự và đạo học cuối thời
Trần. Mặt khác, là để đối phó với nạn lợi dụng cải chính, ngày càng tiếm quyền
của Hồ Quý Ly (1336-?).
Cảm hứng trong núi
đã cho thấy Trần Tư đồ nhận ra mình xa rời nguyên tắc đạo học đã có từ thời Lý
và đặc biệt là của Thiền phái Yên Tử: dùng Thiền điều tiết Tam giáo. Chắc chắn
rằng thi tăng hỏi chữ đã nhắc nhở điều đó. Cho nên Trần Nguyên Đán hối hận, tự
dằn xé lui về Lục Dã sao còn kịp! Cách đặt vấn đề của thi tăng đâu chỉ có
chỗ hành tàng, xuất xử.
Qua bài thơ, Trần Nguyên Đán bày tỏ thái độ
không tán thành Tân pháp của An Thạch về chính trị. Mặt đạo học ông thấy được
mười năm cuối đời theo Thiền, Vương An Thạch có cái nhìn khách quan, điềm đạm về
chỗ được và sai lầm trong Hy Ninh biến pháp của Vương(1). Song, trước sau Trần
Nguyên Đán không thể đứng ra thi hành Tân chính như Vương vì ngại nấm mồ
xương trắng tuổi già. Chính chỗ nhận ra như trên, so sánh với chủ trương
đạo học của phái Yên Tử (từ Giác Hoàng, Huyền Quang, Trần Anh Tông đến Minh
Tông), Trần Tư đồ cũng phải thừa nhận chính mình, có thời gian quá sa đà vào cái
học hình thức quan phương, thù tạc. Đấy là lý do càng về sau, Trần Nguyên Đán
càng lo lắng và luôn khuyến cáo giới học sĩ:
- Văn sau, trước hết phải lòng trung
Trình các
quan đang chấm thi
- Khoa kỳ đấu xảo, có như không
Tặng Mẫn Túc.
Do vậy, ông kỳ vọng vào Nguyễn Phi Khanh
cùng thế hệ đi sau.
Cảm xúc chơi sông xuân lần thứ hai
thể hiện rõ lối suy nghĩ độc lập và tâm hồn thanh khiết của Nguyễn Phi Khanh.
Nếu như cảm hứng xuân giang của An Thạch là niềm phấn khích lại được
trọng dụng nên để lại tình cho ngoại vật (di tình thế ngoại), đến nỗi xanh hóa
cả cỏ xuân. Tâm tình của Phi Khanh theo lẽ tự nhiên vận động nên cỏ xuân tự
biếc. Do vậy, nhà thơ ít băn khoăn trong việc chọn lựa ra giúp Hồ Quý Ly. Và
cũng không hẳn tư tưởng Nho học của Phi Khanh tương hợp với quan điểm chính sự
của triều Hồ. Cuối bài thơ bộc bạch niềm riêng, thông cảm với tâm sự lo cung
khuyết họ Trần của nhạc phụ.
3.
Theo chúng tôi, cảm hứng chủ đạo hai bài thơ du xuân giang của Phi Khanh,
không phải là chuyện nhàn tình mà là nỗi ưu tư về đạo học và vận nước. Dĩ nhiên
là đoái cảnh sinh tình; về tình tất riêng chung hòa vào một mối nghĩ ở câu kết.
Thơ văn Lý-Trần (tập 3) thận trọng chú thích “thuyền Hiếu liêm”, chưa tìm
được xuất xứ (Bồi Băng Hồ tướng công du xuân giang). Khảo đính các văn
bản chữ Hán đều viết liêm chỉ Liêm khê (nhưng không có bộ thủy), nơi đại
Nho Chu Đôn Di về ở ẩn (1017-1073). Đào Phương Bình dịch xuôi dùng bậc Hiếu
liêm cũng có ý liên hệ đến chế độ cử hiền khảo học chọn kẻ sĩ “hiếu để
trong sạch” (2). Cùng thái độ nhất quán, thơ Trùng du xuân giang hé
mở thêm cái nhìn đạo học Tam giáo rạn nứt. Dùng độc thư thân nhắc lại ý
“thời loạn đọc sách là cao khiết” (loạn thế độc thư cao) của Viên Mai
(1716-1797); và cũng vì nó mà Phi Khanh mới “tấc dạ những lo xa miếu đường”.
Nguyễn Phi Khanh để lại ba bài thơ “du
xuân giang” (3): hai bài Bồi Băng Hồ du xuân, một “độc du” mà nhớ
xuân cũ. Điều thú vị là cả ba bài thơ đều có dùng “mái chèo: trạo (棹)”. Bồi
Băng Hồ (thất ngôn) và Trùng du xuân giang dùng hoãn trạo: mái
chèo thư thả. Bồi Băng Hồ (ngũ ngôn) dùng nhất trạo: một chèo”. Cả hai
Bồi Băng Hồ đều dùng tam xuân yên cảnh: tháng ba hoa khói. Vậy có cơ
sở để chúng ta cùng xác định ý nghĩa tâm sự Hiếu liêm thuyền qua bài thơ
ngũ ngôn:
三春媚烟景
Tam xuân mị yên cảnh,
一棹擊滄粱
Nhất trạo kích thương lương.
習氣俱湖海
Tập khí câu hồ hải,
憂心只廟堂
Ưu tâm chỉ miếu đường.
清詩魚鳥共
Thanh thi ngư điểu cộng,
佳句芷蘭香
Giai cú chỉ lan hương.
興盡中流返
Hứng tận trung lưu phản,
山間日已黄
Sơn gian nhật dĩ hoàng.
Dịch thơ:
Mịn màng cảnh khói mây,
Một chèo khua làn biếc.
Quen rồi nơi hồ hải,
Dạ luôn chốn miếu đường.
Thơ nhã, cùng chim cá,
Câu hay, chỉ hương lan.
Giữa dòng quay thuyền lại,
Bóng ác non tây vàng.
Theo ước lệ tượng trưng trong thơ cổ mái
chèo chỉ riêng mình lèo lái, chịu trách nhiệm. Còn tam xuân yên cảnh,
chính điển là tháng ba hoa khói (4). Xét mối liên hệ với ba bài du xuân,
ta có thể hiểu ẩn ý của Nguyễn Phi Khanh đã quyết chuyện đắn đo riêng mối
cung khuyết miếu đường họ Trần. Tâm sự Hiếu liêm cũng đã rõ sự lý. Tứ thơ
xuất phát từ cảm quan thơ Nho (nhàn cảnh, ưu tâm); song kết thúc lại bộc lộ cảm
thức thơ Thiền. Nhà thơ xả bỏ mọi thói quen ưa nhàn cảnh, thơ nhã, câu hay, ngay
lập tức trở về với thực tại, ngày nhàn đã hết. Nói cách khác thi tứ xuất phát từ
hành, tàng, xuất, xử song khép lại mối ưu tư “than đạo”. Nó mở ra ý
khí như Tuệ Trung thượng sĩ nói: Ý khí này mất thì thêm ý khí khác (một ý
khí thời thiêm ý khí). Nhà Nho nhập thế hành đạo nhất trí như nhà Thiền là
hành nghiệp thuần nhất bởi sống đời vui đạo tùy duyên. Chỗ diệu của
bài thơ là ở khía cạnh đảo lộn mỹ học giữa thơ Nho và thơ Thiền. Cùng cảm hứng
hành đạo song mục tiêu và ý nghĩa cứu cánh giữa nhà Nho và Thiền vẫn khác. Đi
đến được sự nhất trí như Nguyễn Phi Khanh cũng không phải chuyện dễ. Bởi lẽ sống
với sự thực đạo đức vốn khác biệt và khó hơn việc nhanh chóng đứng về phía đại
diện đạo đức, nghĩa lợi để bảo vệ và thuần khiết hóa nó như ta tưởng. Mối ưu tư
cúa Nguyễn Phi Khanh cùng thái độ ứng xử hài hòa, tiếp nối được tinh thần đạo
học thời thịnh Trần, giải quyết được sự đối vị Nho-Phật vốn gay gắt ở thời đại
ông. Thái độ đó cũng từ nguyên tắc cốt lõi hòa và đồng của người quân tử theo
Nho. Căn cứ quan trọng, về sau, Nguyễn Ứng Long tổng kết thành quan niệm Đại và
Tiểu hiếu của Nho Việt. Xét trong bối cảnh thời đại, hoàn cảnh đất nước bị xâm
lược, Nguyễn Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi rất mực thận trọng, kỹ tính: “mới
là Đại hiếu”. Chỗ đặc biệt tế nhị và cao cả của lý tưởng đại đồng, vì sự tồn
vong đất nước, của thế giới yêu chuộng hòa bình, bình đẳng chúng sinh. Nối tiếp
truyền thống của Trần Hưng Đạo, nhạy cảm trước bài học khoan thứ sức dân, đoàn
kết dân tộc, tôn giáo, tránh đi thù hận “nghĩa lợi” cá nhân, dòng tộc; kể cả
quan niệm vũ trụ đại toàn chung chung trừu tượng, mang màu sắc hư vô tuyệt đối.
4.
Với đề tài tức cảnh, vịnh cảnh ngụ tình, liên hệ với chùm thơ Vịnh cúc
của Huyền Quang ta thấy từ sự đan xen thi hứng cùng Thiền lạc đã có bước chuyển
sang nhất trí vị Thiền trong Nho rất rõ. Lý tưởng đại đồng của Nguyễn Phi Khanh
ngát hương Nho, mặn mà Thiền vị nếm trải. Ấy là bước phát triển mới của thơ
Thiền Trần-Hồ. Mặt thẩm mỹ thơ, hạt nhân Thiền trong Nho đã trở thành nội điển.
Về thời điểm sáng tác, chùm thơ Du xuân
giang, theo chúng tôi có thể ba bài làm liền nhau trong ba xuân. Bởi lẽ hiểu
hai câu đề bài ngũ ngôn như vậy hợp lý hơn so với lối hiểu: “Cũng tháng ba hoa
khói mơn cảnh xuân; Một mái chèo khua làn biếc nhẹ lâng lâng”. Đối chiếu với tâm
sự Hiếu liêm thuyền (Bồi Băng Hồ tướng công du xuân giang, thất
ngôn), Độc thư thân (Trùng du xuân giang) và Sơn gian nhật dĩ
hoàng (Bồi Băng Hồ tướng công du xuân giang, ngũ ngôn) (5) lại càng
rõ hơn sự lý.
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1). Niên hiệu Tống Thần Tông (1068-1078),
lúc này Vương An Thạch được cử làm tể tướng thực hành tân pháp (biến pháp). Năm
thứ 9 bị cách chức. Sau lui về ở ẩn, chuyên tâm nghiên cứu, tu thiền.
(2). Thời Hán có chế độ cử tuyển, chọn người
có hiếu, trong sạch gọi là Hiếu liêm để cất nhắc phong quan. Về thực chất không
được như thế. Nguyễn Phi Khanh cũng có dụng ý nói khéo về hoàn cảnh trớ trêu của
mình: đỗ Thái học sinh, song người ngoài lấy vợ tôn thất nên không được bổ dụng.
Có thể do chỗ tế nhị ấy cùng án oan của Nguyễn Trãi sau này mà các nhà sưu tập
thơ Nguyễn Phi Khanh chép “Liêm khê” lược đi bộ thủy. Vấn đề củng cố thêm mối
hoài nghi nếu Nguyễn Trãi là con trưởng thì phải sinh trước 1380; vì năm 1374
Phi Khanh mới đỗ Thái học sinh. Mặt khác, căn cứ vào câu thực: dùng khách
hoàn tân: khách thì lại mới; luận: dùng yêu hồng diệp: đón lá hồng (Trùng
du xuân giang); trong mối liên hệ với ý “giang lưu tại nhãn: sông
trước mắt như xưa” thì không thể cho đó là cuộc đi chơi với người yêu, mẹ Nguyễn
Trãi. Đúng hơn mối duyên “hồng diệp” nay đã trở thành “chồng xướng vợ tùy, tương
kính như khách”. Chúng tôi cho rằng bài thơ này được làm sau khi tác giả trở lại
dinh Trần Nguyên Đán.
(3). (4). Thơ Lý Bạch, bài Hoàng Hạc lâu
tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng viết: Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu-Tháng
ba hoa khói ông đi về Dương Châu.
(5). Thơ văn Lý-Trần, tập 3, tr.386,
389, 469. NXB.KHXH, Hà Nội, 1978.