Tại sao cần phải thiền định?
Tại sao cần phải thiền định
(Pourquoi méditer?)
Matthieu
Ricard
Biến
cải chính mình là cách giúp mình biến cải thế giới
Vun xới các phẩm tính nội tâm chính là cách hữu hiệu hơn cả để giúp mình giúp đỡ
kẻ khác. Tuy ban đầu thì các kinh nghiệm mà mình thu thập được cũng chỉ liên
quan đến cá nhân mình, thế nhưng sau cùng thì chúng cũng sẽ mang lại cho mình
một sự cảm thông sâu rộng hơn đối với vạn loài chúng sinh. Tất cả con người
chúng ta sống trên cõi đời này đều lệ thuộc vào nhau và không ai lại muốn mình
phải gánh chịu khổ đau cả. Sự kiện được hưởng "sung sướng" giữa muôn ngàn người
khác đang khổ đau, dù có thực hiện được đi nữa, thì cũng sẽ không mang một ý
nghĩa nào cả. Nếu chỉ biết mong cầu hạnh phúc riêng cho cá nhân mình thì nhất
định là mình sẽ không sao thực hiện được, bởi vì sự ích kỷ tự xem mình là trung
tâm, tự nó đã là cội nguồn mang lại mọi sự bất an. Văn hào Romain Roland
(1866-1944, đoạt giải Nobel văn chương năm 1915)
có nói rằng: "Khi niềm hạnh phúc ích kỷ vẫn còn là chủ đích duy nhất trong đời
mình, thì khi ấy cuộc sống tự nó cũng sẽ chẳng mang một mục đích nào cả". Dù các
điều kiện bên ngoài mà mình tạo ra được có thể mang lại hạnh phúc cho mình đi
nữa, nhất định chúng ta sẽ không bao giờ cảm nhận được hạnh phúc thật sự khi
mình vẫn còn bất cần đến kẻ khác. Chỉ có tình nhân ái và lòng từ bi mới có thể
mang lại một niềm hạnh phúc đích thật mà thôi.
Những điều trên đây không hề mang chủ đích thuyết giảng về luân lý cho ai cả, mà
chỉ cốt nêu lên một sự thật mà thôi. Nếu duy nhất chỉ biết mong cầu hạnh phúc cá
nhân thì nhất định là mình sẽ không bao giờ có thể mang lại hạnh phúc cho mình
cũng như cho người khác. Người ta thường nghĩ rằng nếu tự mình tách rời tất cả
mọi người chung quanh thì sẽ dễ bảo toàn sự an vui của mình hơn (có nghĩa là nếu
mỗi người đều tự tách xa những người khác thì đấy sẽ là cách mang lại hạnh phúc
cho tất cả mọi người!), tiếc thay trên thực tế thì kết quả sẽ hoàn toàn trái
ngược. Một khi mình vẫn còn bị giằng co giữa hy vọng và sợ hãi
(mong cầu hạnh phúc là một sự hy vọng, tìm cách tách
rời ra khỏi người khác chính là sự sợ hãi của mình đối với họ) thì
chẳng những chỉ là cách tạo ra cho mình một cuộc sống nghèo nàn mà còn mang lại
mọi thứ thiệt thòi cho cuộc sống của những người chung quanh. Kết cuộc là tất cả
mọi người đều bị thua thiệt.
Một trong các nguyên nhân chính yếu nhất đưa đến sự thua thiệt đó là thế giới
không hề được cấu tạo bởi bất cứ một thực thể tự chủ, hàm chứa bất cứ một bản
chất tự tại nào có thể khiến cho thực thể ấy tự chúng xinh đẹp hay xấu xí, thân
thiện hay thù nghịch (tất cả mọi hiện tượng trong
thế giới không đẹp cũng không xấu, không đáng yêu cũng không đáng ghét, tất cả
đều phát sinh từ các sự diễn đạt của tâm thức mình): mọi sự vật và
con người luôn tương tác và lệ thuộc vào nhau trên dòng tiến hóa bất tận. Hơn
nữa ngay cả đối với các thành phần tạo ra mọi sự vật và con người thì nhất thiết
chúng cũng chỉ có thể hiện hữu bằng cách tương liên với nhau
(interdépendence/conditionned co-production/nguyên lý
tương liên hay lý duyên khởi, có nghĩa là không có một sự vật nào mang tính cách
độc lập cả, tất cả mọi hiện tượng đều phải liên kết và lệ thuộc vào nhau để mà
hiện hữu). Thái độ tự xem mình là trung tâm
(egocentric/tự kỷ, có nghĩa là tự tách rời mình ra
khỏi nguyên lý tương liên - interdependence) sẽ khiến mình rơi vào
một tình trạng phải thường xuyên đương đầu với hiện thực đó
(tức là nguyên lý tương liên) và đấy cũng
chỉ là cách mang lại thất bại cho mình mà thôi (nguyên
lý tương liên/interdependence chi phối mọi hiện tượng là một nguyên lý thật chặt
chẽ và không có một ngoại lệ nào cả. Nếu cố gắng tách rời mình ra khỏi sự vận
hành của nguyên lý ấy thì cũng chỉ là cách mang lại những sự khổ đau vô ích cho
mình mà thôi).
Đối với Phật Giáo thì lòng vị tha (altruism/tình
nhân ái) là một cảm tính mong sao kẻ khác tìm được hạnh phúc, và cảm
tính ấy cũng tương tự như lòng từ bi - tức lòng ước mong làm tan biến mọi khổ
đau và cả các nguyên nhân mang lại khổ đau mà người khác đang phải gánh chịu.
Lòng vị tha ấy không giản đơn chỉ là các cảm tính cao quý, mà từ căn bản còn là
những cảm tính thích nghi mang cùng một bản chất hài hòa với bản thể tự nhiên
của mọi sự vật. Nếu tất cả chúng ta đều mong muốn tránh khỏi khổ đau thì nào có
khác gì so với vô lượng chúng sinh, tất cả đều ước mong tránh khỏi khổ đau tương
tự như chính mình. Bởi vì tất cả chúng ta đều tương kết và lệ thuộc vào nhau,
nên hạnh phúc và khổ đau của mình cũng sẽ không tránh khỏi lệ thuộc vào hạnh
phúc và khổ đau của kẻ khác. Vun xới tình thương và lòng từ bi là cả một sự
thách đố đối với chính mình, sự thách đố đó sẽ mang lại hai điều tốt đẹp: trước
hết là các cảm tính an vui sẽ nẩy nở trong nội tâm mình, rồi sau đó chúng sẽ
mang lại cho mình một thái độ hành xử mà tất cả mọi người khi nhìn vào đều nhận
thấy hiện lên lòng từ tâm của chính mình.
Chỉ khi nào cảm thấy mình liên quan thật sâu xa với những nỗi khổ đau của kẻ
khác thì khi đó mình mới ý thức được là phải suy nghĩ và hành động sao cho thật
đúng đắn và sáng suốt. Nếu muốn thực hiện được các nghĩa cử mang lại hiệu quả
thật sự, thì nhất thiết chúng phải được hướng dẫn bởi trí tuệ, và trí tuệ thì
cũng chỉ có thể thực hiện được bằng phép thiền định mà thôi. Chủ đích cao quý
nhất của thiền định là biến cải chính mình hầu giúp mình biến cải thế giới, nói
cách khác là giúp mình trở thành một con người hoàn hảo hơn, hầu có thể phục vụ
kẻ khác hữu hiệu hơn. Phép thiền định sẽ giúp mang đến cho sự sống ý nghĩa cao
quý nhất của nó.
Thiền định mang lại nhiều kết quả thật sâu rộng
Tuy rằng chủ đích trước nhất của thiền định là biến cải các kinh nghiệm cảm nhận
của mình đối với thế giới, thế nhưng các kinh nghiệm cảm nhận ấy còn cải thiện
được cả sức khỏe của mình nữa. Từ hơn mười năm nay các trường đại học lớn trên
đất Mỹ, chẳng hạn như đại học Madison ở tiểu bang Wisconsin, và các đại học khác
như Princeton, Harvard và Berkeley, cùng các đại học Âu Châu như ở Zurich (Thụy
Sĩ) và Maastrich (Hòa Lan) đều thực hiện các công cuộc khảo cứu thật sâu rộng về
các kết quả ngắn cũng như dài hạn do phép thiền định mang lại trong việc cải
biến não bộ. Những người hành thiền lão luyện từng luyện tập từ 10.000 đến
60.000 giờ cho thấy là họ đạt được một sự chú tâm thật tinh khiết mà những người
mới tập không sao thực hiện được. Chẳng hạn như họ có thể giữ được sự tập trung
tâm thần suốt 45 phút hướng vào một sự việc duy nhất nào đó, trong khi những
người khác không thể kéo dài sự chú tâm quá 5 hay 10 phút
(một người bình dị suy nghĩ hết chuyện này sang chuyện
khác, các sự suy nghĩ ấy sẽ làm dấy lên các xúc cảm đủ loại, do đó họ không sao
tập trung vào một chủ đề suy tư duy nhất được. Sự xao lãng và các xúc cảm bấn
loạn ấy sẽ làm mất đi các khả năng tâm thần, khiến mình không sao tạo ra được
thể dạng thăng bằng, tĩnh lặng và trong sáng cho tâm thức, thật cần thiết trong
việc phát huy trí tuệ hầu giúp mình quán thấy được hiện thực đúng với bản chất
của nó) và cũng chính vì thế nên các sự lầm lẫn ngày càng gia tăng
thêm. Những người hành thiền lão luyện có thể tạo ra cho mình các thể dạng tâm
thần minh mẫn, tập trung, vững chắc và cực mạnh. Các công trình nghiên cứu khoa
học đã chứng minh cho thấy là vùng não bộ tạo ra các xúc cảm - chẳng hạn như
lòng từ bi - của những người hành thiền lão luyện và nhiều kinh nghiệm, luôn hàm
chứa một khả năng hoạt động cao hơn nhiều so với những người mới tập. Các khám
phá này cho thấy rằng các phẩm tính của con người hoàn toàn có thể cải tiến được
nhờ vào sự luyện tập tâm thức.
Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, tuy không trình bày hết được những chi
tiết liên quan đến các khám phá trên đây, nhưng cũng phải công nhận là ngày càng
có nhiều công trình khảo cứu chứng minh là phép thiền định dù chỉ luyện tập
trong một thời gian ngắn cũng có thể làm giảm bớt một cách đáng kể tình trạng
căng thẳng tâm thần (stress) (hậu quả gây tác hại đến sức khỏe nói chung của căn
bệnh này đã được y khoa chứng minh một cách rõ ràng) cũng như các xúc cảm lo âu
và các xu hướng đưa đến sự giận dữ (giận dữ sẽ làm giảm khả năng phục hồi và dễ
gây ra cái chết cho các bệnh nhân bị mổ tim), ngoài ra đối với những người từng
bị bệnh trầm cảm ít nhất hai lần thật nặng, thì các xúc cảm này cũng sẽ dễ khiến
cho căn bệnh này tái phát. Nếu luyện tập thiền định mỗi ngày được khoảng 30 phút
trong vòng tám tuần lễ liên tiếp (theo phép thiền định MBSR/Mindfulness
Meditation Stress Reduction/Thiền định nhằm tạo ra một thể dạng tâm linh tỉnh
thức làm giảm chứng căng thẳng thần kinh) sẽ giúp làm gia tăng các khả năng miễn
nhiễm của cơ thể, đồng thời cũng làm phát sinh các xúc cảm tích cực, cũng như
tăng cường khả năng chú tâm và làm hạ thấp chứng tăng huyết áp của những người
thường xuyên bị căng thẳng cực độ, và nhất là sẽ chữa lành được căn bệnh vẩy nến
(psoriasis/bệnh tróc da) thật nhanh chóng. Các khảo cứu về ảnh hưởng mang lại từ
các thể dạng tâm thần khác nhau đối với tình trạng sức khỏe, trước đây vẫn được
xem như là những chuyện không tưởng, thế nhưng nay thì ngày càng được quan tâm
đến và được đưa lên hàng đầu trong các chương trình khảo cứu khoa học.
Dù
không muốn rầm rộ nêu lên các khám phá ngoạn mục trên đây, thế nhưng không khỏi
phải công nhận việc thiền định và "luyện tập tâm thức" có thể cải biến được cuộc
sống của cả một con người. Chúng ta thường có khuynh hướng đánh giá quá thấp các
khả năng biến cải tâm thần cũng như các hiệu quả mà cuộc "cách mạng nội tâm"
thật êm thắm và sâu xa đó (tức là phép thiền định)
đã mang lại cho chúng ta, giúp chúng ta tạo ra cho mình một cuộc sống hàm chứa
nhiều phẩm tính hơn.
Một cuộc sống vẹn toàn không phải chỉ đơn giản là một chuỗi dài các giác cảm
thích thú tiếp nối nhau, mà thật ra là một sự biến cải cảm quan của chính mình
về các biến cố bất an của sự hiện hữu, hầu giúp mình vượt lên trên các biến cố
ấy. Việc luyện tập tâm thức không những có thể giúp hóa giải các thứ độc tố tâm
thần, chẳng hạn như các xúc cảm hận thù và bám víu luôn tìm cách đầu độc sự hiện
hữu của mình, mà còn giúp mình đạt được một sự hiểu biết minh bạch hơn về phương
cách vận hành của tâm thức, hầu mang lại cho mình một sự nhận thức chính xác
giúp mình đương đầu dễ dàng hơn với sự thăng trầm của cuộc sống, và nhất là giúp
mình rút tỉa được những bài học thật sâu sắc từ chính các thể dạng thăng trầm ấy.
(Người đọc có
thể tham khảo bản gốc bằng tiếng Pháp trên trang mạng Bouddhaline:
http://www.buddhaline.net/L-art-de-la-Meditation-Matthieu)
Bures-Sur-Yvette,
15.01.15
Hoang Phong
chuyển ngữ