Tháp Boudhanath (hay Bodnath Stupa) tọa lạc
tại thị trấn Boudha, mạn Đông thủ đô
Kathmandu và cách thành phố này 7 km. Đây là
ngôi tháp Phật giáo lớn nhất Nepal, và nó từ
lâu đã trở thành một địa điểm hành hương nỗi
tiếng của người Tây Tạng và Nepal. Tháp
Boudhanath nằm trên tuyến đường thương mại
nối Tây Tạng với
thung lũng Kathmandu,
và nhiều thương nhân đi lại trên tuyến đường
này đã từng lấy nơi này làm chỗ dừng chân
cầu nguyện cũng như
nghỉ ngơi trong những chuyến hành trình buôn
bán của họ.
Có những truyền thuyết xoay quanh việc
hình thành nên ngôi tháp này. Theo một
truyền thuyết, ngôi tháp này được cho là
hình thành vào thế kỷ thứ V TL. Câu
chuyện kể rằng, có một bà lão đã xin nhà
vua cho bà một miếng đất để xây một điện
thờ Phật. Nhà vua đồng ý và nói rằng sẽ
cho bà một miếng đất lớn bằng tấm da bì
của một con trâu phủ kín. Bà lão đã làm
theo lời của nhà vua. Tuy nhiên, sau khi
có tấm da bì, bà đã cắt tấm da bì ấy
thành những dãi mỏng và rồi phủ chúng
lên mặt đất, nhờ đó đã có được một mảnh
đất lớn. Nhà vua thấy mình bị bà lão lừa,
nhưng biết mình thua lý nên đành chấp
nhận cho bà lão xây dựng một ngôi tháp
trên khu đất đó. Đó là câu chuyện truyền
thuyết, còn về phương diện lịch sử thì
ngôi tháp này được xây dựng vào thế kỷ
XIV TL.
Kiến trúc của ngôi tháp mang những yếu
tố triết học và Phật giáo. Mỗi một phần
của tổng thể kiến trúc đều tượng trưng
cho những khái niệm triết học và Phật
giáo. Nhìn ở trên xuống, tháp Boudhanath
trong như một Mandala khổng lồ, với ở
giữa là Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairocana),
và bốn vị Thiền Phật (Dhyani Buddha) tọa
lạc ở những điểm chính. Năm vị Thiền
Phật, nơi kiến trúc của ngôi tháp này,
cũng tượng trưng cho năm yếu tố đất,
nước, không khí, lửa và không gian. Chín
cấp của ngôi tháp tượng trưng cho núi Tu
Di (Meru), trung tâm của vũ trụ. Và 13
vòng tròn từ bệ cho đến đỉnh tượng trưng
cho con đường đi đến giác ngộ. Trên đỉnh
của ngôi tháp là một chiếc lộng vàng,
biểu tượng của không gian, với ở trên là
một cái chóp nhọn bằng vàng, tượng trưng
cho không khí. Ở trên đó người ta giăng
những lá cờ được ghi những câu mật chú
lên trên, với niềm tin rằng những ngọn
gió sẽ mang những lời cầu nguyện đến
khắp mọi nơi.
Bên cạnh Ngũ Thiền Phật, ngôi tháp này
cũng liên quan mật thiết với tín ngưỡng
thờ phụng Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokiteshvara/
Padmapani). 108 hình thù của Bồ-tát Quán
Thế Âm được mô tả qua khắc chạm xung
quanh bệ tháp. Câu mật chú Om Mani
Padme Hum được khắc trên những chiếc
chuông xoay bên cạnh hình ảnh của Bồ-tát
Quán Thế Âm, được đặt xung quan bệ tháp.
Bệ tháp gồm ba bậc, với kích thước giảm
dần. Và những bậc này tượng trưng cho
trái đất. Kế tiếp là 2 bệ đỡ tròn, tượng
trưng cho nước.
Ở trên đỉnh Boudhanath là một ngôi tháp
hình vuông, với bốn mặt là bốn đôi mắt,
tượng trưng cho Phật nhãn nhìn khắp bốn
phương. Giữa đôi mắt, thay vì là mũi thì
được vẻ hình một dấu hỏi, là một ký tự
Nepal chỉ cho con số 1, tượng trưng cho
sự hợp nhất và con đường duy nhất đạt
đến giác ngộ là giáo pháp của Đức Phật.
Lối chính dẫn lên bệ cao bên trên của
tháp là nằm ở phía Đông. Ở đó, tượng
Phật Amoghasiddhi (Bất Không Thành Tựu
Phật) được an trí. Bên dưới tượng Phật
Amoghasiddhi là tượng Phật Di Lặc (Maitreya).
Tháp Boudhanath là một ngôi tháp do
người Nepal xây dựng, nhưng nó cũng đã
trở thành một thánh địa của người Tây
Tạng
qua nhiều thế kỷ.
Khi người Tây Tạng lưu vong đến Nepal
vào năm 1959, nhiều người đã lựa chọn
sống quanh ngôi tháp này; và hiện cộng
đồng người Tây Tạng ở đây khá đông đảo.
Người Tây Tạng có mặt ở đây mỗi ngày,
thường là vào buổi sáng và chiều. Họ đến
đây không chỉ để chiêm bái, mà cũng thực
hành những nghi lễ và tu tập.
Và ngay ở nơi đây, ta cũng phần nào thấy
được
những nét
văn hóa
Tây Tạng.
Bao quanh ngôi tháp này là những đường
phố nhỏ với những ngôi nhà đầy màu sắc
và nhiều ngôi chùa Phật giáo Tây tạng (ước
chừng khoảng 50 ngôi).Và chính vì vậy
nên khu vực này cũng được xem là trung
tâm văn hóa Tây Tạng ở Nepal. Vào lễ hội
Losar, ngày Tết đón năm mới của người
Tây Tạng (vào tháng Hai hoặc tháng Ba),
tháp Boudhanath là nơi tổ chức lễ hội
chính của cộng đồng này. Thánh tích này
cũng thu hút rất nhiều du khách viếng
thăm khi họ đến Nepal. Năm 1979, tháp
Boudhanath được UNESCO công nhận là Di
sản thế giới.
Tháp Boudhanath
là địa danh ta cần tham quan và chiêm
bái khi đến thủ đô Kathmandu. Nó
cách không xa thủ đô
này,
và việc đến thánh tích này thật dễ dàng
khi ta đã đến Kathmandu.
Ngoài việc chiêm bái tháp Boudhanath, ở
đây, ta cũng có thể tìm mua những món
hàng truyền thống Tây Tạng, đặc biệt là
các pháp khí, cũng như của Nepal. Và nếu
muốn thưởng thức văn hóa ẩm thực Tây
Tạng, thì đây cũng là một địa điểm lý
tưởng. Có khá nhiều nhà hàng và cửa hiệu
xung quanh ngôi tháp này. Vé vào cửa là
200 rupees.
Nguyễn Đăng (Nguyên Hiệp