Sự sống quý giá của con người
su song
Hoang Phong
Tháng 10 năm 2014, Đức Đạt-lai
Lạt-ma có một buổi thuyết giảng tại thành phố Boston trong chuyến viếng thăm Hoa
kỳ. Một Phật tử Việt Nam tại đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology)
đã tham dự và trong dịp này có mua một tấm tranh treo tường ghi lại một lời
giảng của Ngài gửi sang Pháp tặng tôi. Cử chỉ ấy khiến tôi không khỏi cảm động
nhưng cũng không tránh khỏi một chút áy náy, bởi vì tôi chỉ quen biết người bạn
trẻ này qua mạng internet thế nhưng chưa bao giờ gặp mặt.
Thiết nghĩ tôi không nên ích kỷ
thừa hưởng lời dạy quý báu ấy của Đức Đạt-lai Lạt-ma bằng cách giữ tấm tranh
riêng cho mình, do đó tôi cũng xin mạn phép dịch lại lời dạy ấy của Ngài nơi đây,
trước hết như là để chuyển lời cảm tạ đến người tặng tấm tranh và sau đó là để
cùng chia sẻ với tất cả những người bạn chưa hề được gặp mặt khác khắp bốn
phương trời nhân dịp xuân về...
Sự sống
quý giá của con người
*
Mỗi ngày khi vừa thức giấc,
Hãy nghĩ rằng
May mắn thay hôm nay,
Tôi đã thức dậy,
Thấy mình vẫn còn sống,
Vẫn giữ được sự sống quý giá của con người.
Tôi nguyện sẽ không phung phí sự sống đó,
Mà sẽ tận dụng mọi sinh lực để biến cải chính tôi,
Và mở rộng tim tôi với tất cả mọi người,
Nhằm giúp tôi đạt được giác ngộ,
Hầu mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Tôi sẽ cố gắng phát động tâm từ hướng vào kẻ khác,
Sẽ không để cho bất cứ một sự giận dữ nào
có thể bùng lên trong tôi,
Cũng không nghĩ đến
những điều xấu về kẻ khác.
Với tất cả khả năng mình,
Tôi sẽ ra sức mang lại những điều tốt lành
cho tất cả.
Lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV
Tấm tranh treo
tường do những người Tây Tạng tị nạn ở miền bắc Ấn
làm ra để bán hầu
làm kế sinh nhai
Mỗi ngày khi thức giấc, nếu
biết nghĩ đến cái may mắn được làm thân con người thì đấy cũng sẽ là cách giúp
mình ý thức được là phải mang lại một chút ý nghĩa nào đó cho sự sống ấy. Cảm
thấy mình may mắn được làm người và còn sống đến ngày hôm nay, trước hết là cách
nói lên lòng biết ơn đối với cha mẹ mình, và sau đó là nghĩ đến món nợ mà mình
phải trả cho sự sống, cho xã hội và con người nói chung. Nhà sư Long thụ, thế kỷ
thứ II, có nói rằng được làm người là một việc cực kỳ hi hữu, tương tự như một
con rùa lặn ngụp dưới đáy biển sâu mà khi nổi lên mặt nước mỗi 100 năm lại chui
đầu vào một cái ách gỗ trôi dạt trên mặt đại dương. Kinh sách dạy rằng muốn được
làm thân con người là phải hội đủ một số nghiệp lành và những điều xứng đáng
trong quá khứ.
Trong cuộc sống của mình có
những ngày thật bình dị nhưng cũng có những ngày thật thiêng liêng có thể gợi
lên cho mình những cảm xúc sâu xa. Những ngày cuối năm đánh dấu một năm cũ sắp
tàn cũng là một dịp như vậy để ta có thể lắng lòng nhìn lại suốt quãng đời quá
khứ của mình mà tự hỏi xem mình đã làm được gì xứng đáng và lợi ích cho mình,
cho cha mẹ mình và cho những người khác hay chăng? Những ngày Tết đang mở ra
trước mặt mình một năm mới đầy hy vọng cũng là một dịp như vậy để mình nên tự
hỏi xem mình sẽ phải làm gì hầu mang lại một chút ý nghĩa nào cho kiếp nhân sinh
nhỏ bé này của mình.
Không bao giờ nên xem bất
cứ một ngày nào trong cuộc đời mình là một ngày bình dị cả, mà mỗi ngày đều là
một ngày may mắn - may mắn được làm thân con người. Sau hết cũng xin mạn
phép chia sẻ thêm cùng các bạn một lời khuyên của nhà sư Tây Tạng Dilgo Khyentzé
Rinpoché:
"Một khi đã hoàn toàn ý
thức được giá trị của sự hiện hữu dưới thể dạng con người, thì tất chúng ta cũng
sẽ hiểu rằng việc cố tình phung phí thì giờ trong các việc giải trí và chạy theo
những tham vọng tầm thường, chỉ là cách mang đến cho mình một sự hoang mang tột
độ mà thôi".
Dilgo Khyentzé
Rinpoché (1910-1991)
Bures-Sur-Yvette, 09.12.14
Hoang Phong