Phương pháp phát huy sự quán thấy sâu xa và loại bỏ tận gốc các uế tạp tâm thần
Ajahn Mun
Ajahn Mun
Hoang Phong chuyển ngữ
Lời giới thiệu của
người dịch
Bài chuyển ngữ dưới đây được trích từ một quyển
sách của nhà sư Thái Lan Ajahn Mun (1870-1949), mang tựa là Muttodaya (Un
Coeur Libéré/A Heart Released/Con Tim Giải Thoát). Quyển sách gồm tất cả 17
phần:
Phần 1: Tu tập là phải bảo toàn Đạo Pháp thật tinh khiết
Phần 2: Nếu muốn bước theo các vết chân của Đức Phật thì
trước hết phải tự mình luyện tập trước đã và sau đó thì mới có thể luyện tập cho
kẻ khác
Phần 3: Nguồn gốc mà mình được thừa hưởng sẽ là vốn liếng giúp
mình tự luyện tập
Phần / Phần 4: Nền tảng căn bản của việc luyện tập
Phần 5: Nguyên nhân cội rễ của tất cả mọi thứ trong vũ trụ
Phần 6: Căn nguyên khởi động chu kỳ xoay vần của cái chết và sự
tái sinh
Phần 7: Vị thế tối thượng: căn bản giúp mình bước vào con đường,
thực hiện kết quả và niết-bàn
Phần 8: Thành trì bảo vệ sự tu tập của chính mình.
Phần 9: Phương pháp phát huy sự quán thấy sâu xa và loại bỏ tận
gốc các uế tạp tâm thần
Phần 10: Từ bản chất tâm thức nguyên sinh trong sáng và rạng
ngời thế nhưng đã bị các thứ ô nhiễm tâm thần biến thành u mê.
Phần 11: Phương cách luyện tập của một người hành thiền phải
thích nghi với tính khí của người ấy.
Phần 12: Bài giảng về Mulatika
Phần 13: Chỉ có các vị visuddhi deva mới thật sự đạt được sự an
bình
Phần 14: Sự bất động là điểm tột cùng của thế giới, vượt lên
trên mọi sự giả định và tạo dựng tâm thần.
Phần 15: Năm cõi chúng sinh
Phần 16: Ý nghĩa trong bài thuyết giảng thứ nhất, trong bài
thuyết giảng ở giữa và trong bài thuyết giảng cuối cùng.
Phần 17: Bất cứ một vị A-la-hán nào nếu muốn đạt được sự Giải
Thoát bằng sự tập trung và bằng trí tuệ thì đều phải luyện tập đến chỗ tột cùng
của phép tu về ba điểm.
Bài chuyển ngữ dưới đây là phần 9 của quyển sách. Phần 10 đã được chuyển ngữ và
người đọc có thể xem trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen. Ngoài ra độc giả cũng có
thể tham khảo toàn bộ quyển sách này qua bản dịch tiếng Anh của Thanissaro
Bikkhu và tiếng Pháp của bà Jeanne Schut trên các trang mạng sau đây:
- tiếng Anh: http://www.accesstoinsight.org/lib/thai/mun/released.html
-
tiếng Pháp: http://www.dhammadelaforet.org/sommaire/mun/coeur_libere.pdf
Phương pháp phát huy sự quán
thấy sâu xa
và loại bỏ
tận gốc các uế tạp tâm thần
Ajahn Mun
Trên nguyên tắc
những gì tốt đẹp sinh ra từ những gì không tốt đẹp. Quý vị hãy
nhìn vào những cánh hoa sen thì sẽ rõ: chẳng phải là xinh đẹp và tươi mát hay
sao! Những cánh hoa ấy mọc trong bùn đất dơ bẩn và hôi tanh, thế nhưng một khi
đã vươn lên khỏi bùn thì hoa lại trở nên sạch sẽ và tinh khiết. Người ta có thể
kết các cánh hoa ấy lại để làm vương miện cho một vị vua, bởi vì các cánh hoa ấy
sẽ không còn quay lại với lớp bùn nhơ trước đây nữa
(một người tu tập đạt được giải thoát sẽ không còn
quay lại với thế giới luân hồi). Cánh hoa sen cũng là hình ảnh của
một người hành thiền nghiêm chỉnh cố gắng và luyện tập kiên trì. Người hành
thiền ấy phải tìm hiểu thật sâu xa về một thứ gì đó thật dơ bẩn và kinh tởm mới
có thể nhờ đó mà giúp mình loại bỏ được tất cả những gì dơ bẩn và kinh tởm trong
tâm thức mình. Cái thứ thật dơ bẩn và kinh tởm ấy chính là thân xác mình. Cái
thân xác đó là kết quả của một sự kết hợp gồm các thứ dơ bẩn, nước tiểu và phẩn.
Những gì tiết ra từ tóc trên đầu, lông trên người, các lỗ hổng, móng chân, móng
tay, răng, da, v.v. tất cả cũng chẳng khác gì như phẩn
(những thứ bài tiết). Nếu các thứ ấy lỡ mà
rơi vào đĩa thức ăn thì người ta sẽ trút bỏ đi ngay, bởi vì không ai muốn ăn
những thứ ấy cả. Hơn nữa thân thể cũng phải được thường xuyên tắm gội, kỳ cọ hầu
giúp nó có vẻ dễ nhìn hơn. Nếu không tắm thì nó sẽ toát ra mùi hôi đến độ có thể
khiến người khác phải tránh ra xa. Quần áo và các thứ phụ kiện khác
(quần áo lót chẳng hạn, một nhà sư không muốn nói đến
các thứ ấy) khi không dính vào thân xác thì sạch và có vẻ hấp dẫn,
thế nhưng cứ hễ dính vào thân xác rồi thì sẽ trở nên dơ bẩn ngay, nếu lâu ngày
không giặt thì sẽ có mùi hôi không ai dám đến gần.
Những gì trên đây cho thấy rằng thân xác cũng chỉ là một cái bọc chứa nước tiểu
và phẩn, và cũng chỉ là asubha (tiếng Pa-li là xấu xí) và
patikkula (tiếng Pa-li là kinh tởm). Ngay khi thân xác còn mang sự
sống thì nó cũng đã là như thế, đến khi sự sống rời bỏ nó thì nó sẽ còn trở nên
kinh tởm hơn nữa, kinh tởm hơn bất cứ một thứ gì khác. Vì thế một người hành
thiền nghiêm chỉnh ngay từ lúc mới bắt đầu đã phải luyện tập thật đúng phương
pháp nhằm giúp mình tìm hiểu thân xác mình, và phải thật kiên trì cho đến khi
nào có thể hiểu được tường tận bản chất đích thật của nó. Nếu muốn đạt được sự
trong sáng ấy thì người hành thiền phải phân tích và tìm hiểu bất cứ một thành
phần nào của thân thể tỏ ra thích nghi với mình hơn cả
(phù hợp với các mối quan tâm và tính khí của mình)
cho đến khi nào một thể dạng của thân xác hiện ra với mình dưới hình thức
uggaha nimitta (chữ uggata có nghĩa là một sự
quán thấy hay hiển lộ/arise, ascend; chữ nimitta có nghĩa là lý do, nguyên nhân
hay động cơ thúc đẩy/reason, motive, và chữ này trong tiếng Pa-li cũng đồng
nghĩa với chữ hetu, một thuật ngữ quen thuộc hơn trong kinh sách và có nghĩa là
nguồn gốc hay nguyên nhân. Do đó có thể hiểu ý nghĩa của các chữ này là một "sự
hiển lộ nguyên nhân" hay "quán thấy sự khơi động"). Sau đó người hành
thiền phải hướng sự chú tâm vào đấy và thường xuyên luyện tập hầu giúp mình phát
huy một sự hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn.
Vậy câu phát biểu "phải thường xuyên luyện tập và phát huy một sự hiểu biết ngày
càng sâu sắc hơn" có nghĩa là gì? Nếu muốn hiểu được câu này thì phải dựa vào
hình ảnh sau đây: nếu muốn trồng lúa thì người nông dân phải cày bừa thửa ruộng
của mình, sau đó mới trồng lúa vào đất. Năm sau cũng lại phải trồng lúa vào đất.
Người nông dân không thể nào trồng lúa trong không khí hay ở lưng từng trời được
mà chỉ có thể trồng lúa vào đất mà thôi, sau đó thì các cọng lúa cứ thế mà đơm
hạt một cách tự nhiên. Nếu biết chăm lo mảnh đất của mình ngày càng tích cực hơn
thì người nông dân nào phải cầu khẩn: "Thóc lúa ơi, cầu mong sao cho thóc lúa sẽ
kéo đến chứa ngập các vựa lúa của tôi". Thóc lúa chỉ kéo đến một cách tự nhiên
mà thôi (các cọng lúa chỉ đơm hạt một cách tự nhiên
khi các điều kiện hội đủ, không nhờ vào sự cầu khẩn mà đơm hạt). Ngay
cả trong trường hợp nếu người nông dân không muốn thóc lúa kéo đến chất chứa
trong kho của mình thì dù có cầu khẩn: "Thóc lúa ơi, mong sao thóc lúa đừng kéo
đến chất đầy các kho lúa của tôi nhé", thì thóc lúa cũng cứ kéo đến chứa đầy các
vựa lúa khi mà mình đã chăm sóc mảnh đất thật đúng cách
(làm việc phải và dù không hề cầu mong một sự hồi đáp
nào thế nhưng phúc hạnh cũng sẽ đến với mình một cách tự nhiên).
Cũng thế, với tư cách là những người hành thiền nghiêm chỉnh chúng ta phải luôn
tìm hiểu thân xác mình qua một thành phần thân thể nào đó mà mình thường quan
tâm nhiều nhất, hoặc hiện ra với mình trước nhất mỗi khi nghĩ đến
(tức là những thành phần thân xác ám ảnh mình nhiều
nhất, chẳng hạn như vóc dáng, khuyết tật, cơ quan sinh dục... chẳng hạn là những
gì liên hệ đến tính dục và bản năng truyền giống, hoặc các cơ quan dinh dưỡng,
sức khỏe và các dấu hiệu già nua liên hệ đến bản năng sinh tồn). Sau
đó và dù đấy là thành phần nào mà mình đã chọn thì cũng không được lơ là hoặc
quên đi và không nghĩ đến nữa, Thường xuyên luyện tập không có nghĩa là chỉ
luyện tập trong lúc hành thiền, dù bằng cách ngồi hay đi, mà phải chú tâm và vận
động mọi việc tìm hiểu của mình trong bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi nào. Dù
đang ngồi, đang đứng hay đang đi, dù đang ăn, đang uống hay đang làm việc, đang
suy nghĩ hay nói năng, thì chúng ta cũng phải phát huy một sự tỉnh giác bao quát
hướng vào thực tại. Đấy có nghĩa là "cách luyện tập không ngưng nghỉ"
(nói cách khác thì đấy là sự "chú tâm": một người tu
tập chân chính không nên đánh mất một giây phút nào trong cuộc sống của mình,
không để cho tâm thức mình bi xao lãng bởi bất cứ một sự sinh hoạt nào, sự chú
tâm đó trước hết sẽ giúp mình tìm thấy một sự thăng bằng trong nội tâm và giúp
mình tìm hiểu ngày càng sâu sắc hơn về Đạo Pháp, về bản chất của chính mình, về
thế giới hiện tượng đang biến động chung quanh mình. Đấy là cách giúp mình trông
thấy ngày càng minh bạch hơn con đường mà mình đang bước đi).
Nếu muốn tìm hiểu thân xác mình hầu giúp mình thấu triệt sâu xa về bản chất của
nó thì quý vị phải phân chia nó ra thành nhiều thành phần tùy theo ý mình. Chẳng
hạn như quý vị hình dung thân xác mình qua các thành phần cấu tạo ra nó - chẳng
hạn như đất, nước, lửa và khí - và cứ theo đó mà quán xét không ngừng cho đến
khi nào hiểu được ý nghĩa của các thuật ngữ chỉ định ấy. Ở cấp bậc này, quý vị
có thể sử dụng bất cứ phương pháp nào thích hợp với mình, thế nhưng tuyệt nhiên
không được lơ là và bỏ ngang không chú tâm vào điểm khởi đầu đã hiện ra với mình
trước đây (điểm khởi đầu trong trường hợp này là
bốn thành phần đất, nước, lửa và khí tạo ra thân xác). Không nên
luyện tập một lần rồi sau đó bỏ qua và không nghĩ đến nữa trong suốt mười lăm
ngày hay một tháng. Hãy quán xét điều ấy qua mọi khía cạnh: bên trong, bên
ngoài, bên trên, bên dưới, lập đi lập lại không ngừng. Nói cách khác là hãy quán
nhìn vào nội tâm nhằm mang lại sự an bình và sau đó lại tiếp tục tìm hiểu thân
xác - không nên chỉ biết suy tư về thân xác hoặc duy nhất chỉ phát huy sự thăng
bằng nội tâm (đây chính là một cách nói dễ hiểu và
đơn giản về hai thể dạng khác nhau trong phép thiền định là sự chú tâm và sự
quán thấy. Nếu không chú tâm giúp cho tâm thức được thăng bằng tức là "định" thì
không thể nào có thể phát động được sự hiểu biết sâu xa tức là "quán". Nếu
"định" được tâm mà không lợi dụng thể dạng thăng bằng và yên lặng đó của nó để
"quán" thấy thì cũng chỉ là vô ích mà thôi).
Khi nào đã thuần thục và quán thấy thân xác mình một cách thật sâu
sắc đúng với bản chất là như thế của nó, thì khi đó kết quả sẽ hiện ra với mình
một cách thật tự nhiên: tâm thức sẽ nhận biết được một sự hội tụ thật sâu xa -
tất cả dường như đều tập trung lại và trở thánh một thể dạng đồng nhất: toàn thể
thế giới chỉ là một sự kết hợp giữa các thành phần
(trong trường hợp quán tưởng về bốn thể dạng đất, nước, lửa và khí thì sẽ quán
thấy toàn thế giới cũng chỉ là một thể dạng cấu hợp của bốn thành phần ấy).
Và cũng đúng vào lúc ấy một hình ảnh hiện sẽ ra với mình, cho thấy thế giới
phẳng lì tương tự như mặt một chiếc trống, bởi vì toàn thể thế giới cũng chỉ
mang cùng một bản chất tự tại (inherent/nội tại)
và thuần nhất. Rừng rậm, núi non, con người, súc vật và cả chính mình, tất cả
cũng sẽ được quán thấy ở một cấp bậc đồng nhất như nhau
(không còn một sự phân biệt hay diễn đạt nào trong tâm
thức). Từ sự quán thấy ấy sẽ hiện ra một sự hiểu biết giúp mình loại
bỏ vĩnh viễn tất cả những thứ nghi ngờ trong con tim cũng như trong tâm trí của
mình (khi nào quán thấy con người và thế giới tất
cả hiện ra dưới một thể dạng đồng nhất thì mọi sự diễn đạt, thắc mắc cũng như
các xúc cảm - ghét bỏ, hận thù, yêu thích, si mê... cũng sẽ tan biến hết).
Người ta gọi đấy là yatha-bhuta-nana-dassana-vipassana: tức là sự hiểu
biết sâu xa giúp mình trông thấy và hiểu được mọi sự vật cũng chỉ là như thế
(tức là một sự buông xả toàn diện và tuyệt đối).
Những gì nêu lên trên đây chưa thật sự là giai đoạn cuối cùng của con đường mà
chỉ là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới tiếp theo sau đó. Với tư cách một
người hành thiền nghiêm chỉnh chúng ta phải tiếp tục luyện tập thật kiên trì
không hề mệt mỏi, hầu giúp mình chủ động một cách toàn diện và tuyệt đối sự hiểu
biết trong sáng ấy về mọi sự vật. Nhờ đó chúng ta sẽ nhận thấy rằng các thứ tạo
tác tâm thần khiến mình tưởng tượng ra: "Tôi là thế này" hoặc "Cái này là của
tôi" không phải là những thực thể vững bền, và nếu nhìn chúng dưới một khía cạnh
khác là sự bám víu thì chúng cũng sẽ chỉ là nguốn gốc mang lại khổ đau mà thôi.
Chúng ta sẽ nhận thấy rằng các thành phần luôn luôn trung thực với [bản chất
của] chúng: tức hiện ra, già nua, bệnh tật và chết; chúng bắt đầu thoái hóa ngay
từ trước khi được sinh ra đời (từ trong tử cung các
thành phần cũng đã bắt đầu "thoái hóa" có nghĩa là hiện tượng già nua đã bắt đầu
khởi sự với một bào thai, kể cả trong quá khứ các thành phần thân xác của các
kiếp sống trước cũng đã từng thoái hóa để trở thành đất, nước, lửa và khí),
chúng vận hành như thế từ những thời gian vô tận. Vì nguyên nhân trói buộc giữa
các điều kiện (tức là sự tạo tác do điều kiện mà
có/condionned co-production/interdependence/lý duyên khởi) tạo ra
thân xác và tâm thức mình - tức là năm thứ cấu hợp
(ngũ uẩn) gồm rupa (sắc/hình
tướng), vedana (thụ/giác cảm),
sanna (tưởng/các cảm nhận tâm thần, sự tưởng tượng),
sankhara (hành/tác ý hay sự tạo nghiệp)
và vinnana (tri thức) - nên tư duy và các thứ nhãn hiệu
(có nghĩa là các tên gọi: chẳng hạn như cái tôi, cá
thể, con người, giới tính, chủng tộc, v.v...) đã được tạo ra và buộc
chặt vào các kiếp sống trước và cả kiếp sống này
(Đức Đạt-lai Lạt-ma gọi chung những thứ ấy là "vô minh tiên khởi").
Xuyên qua vô số các kiếp sống ấy tâm thức cứ tiếp tục tin một cách sai lầm vào
những thứ ấy do chính nó tạo ra. Các thứ tạo tác tâm thần ấy không phải là những
gì tự chúng gắn chặt vào nội tâm mình (mà chỉ là
kết quả mang lại từ hiện tượng tạo tác tương liên mà thôi). Khi tìm
hiểu đến chỗ tột cùng của mọi sự vật thì người ta tất sẽ phải nhận thấy thật
minh bạch, không một chút nghi ngờ nào cả, rằng tất cả mọi hiện tượng trong thế
giới dù có hàm chứa một tri thức hay không, thì lúc nào cũng chỉ là như thế,
luôn trung thực với bản chất của chúng: hiện ra, tự thoái hóa, và cũng chỉ là
như thế.
Đấy cũng là cách mà chúng ta quán nhận được pubbe ananussu tesu dhammesu,
có nghĩa là cách thức vận hành [tự
nhiên] của mọi hiện tượng (schéma de
fonctionnements des phénomènes/regularities of behavior of all elements/sơ đồ,
mô hình, quy luật vận hành tự nhiên của
mọi hiện tượng, chữ "hiện tượng" trong kinh sách gọi là dhamma, các kinh sách
gốc Hán ngữ dịch chữ này là "pháp") thì lúc nào cũng chỉ là như thế.
Dù không có ai bảo cho mình biết điều ấy, thế nhưng chúng ta cũng đều biết chắc
chắn tất cả cũng chỉ là như thế. Và vì thế mà Đức Phật cũng đã xác nhận rằng
chưa hề có ai nói với Ngài về điều này cả, bởi vì tất cả mọi sự cũng chỉ là như
thế từ trước khi Ngài được sinh ra đời. Do đó chúng ta có thể kết luận rằng mô
hình vận hành ấy của tất cả mọi hiện tượng nhất thiết cũng chỉ là như thế. Thế
nhưng chỉ vì các điều kiện [trói buộc tạo ra] tâm thức
(tức là cấu hợp thứ tư của ngũ uẩn, còn gọi là "hành",
mang chức năng diễn đạt và tưởng tượng nhằm tạo dựng ra đủ mọi thứ trong tâm
thức) đã bám víu vào những thứ ấy qua không biết bao nhiêu tiền kiếp,
cho nên chúng cứ tiếp tục vận hành tùy thuộc vào những sự giả định
(suy diễn) sai lầm ấy của chúng. Tâm thức
bị tràn ngập bởi các xu hướng tiềm ẩn (anusaya) đến độ đã khiến nó nhìn
vào thực thể của các thứ ấy (các sự tạo tác tâm
thần) một cách sai lầm (bằng cách cho
rằng các thứ ấy là của mình, là chính mình), và chính vì thế nên sự
bám víu vào các điều kiện [trói buộc tạo ra] tâm thức sẽ [là nguyên nhân] đưa
đến các thể dạng hình thành và sự tái sinh (bám víu
vào thế giới hiện tượng qua các sự diễn đạt và các sự tạo tác tâm thần của mình
sẽ khiến mình tiếp tục gắn liền với thế giới hiện tượng, tái sinh trong thế giới
hiện tượng và tiếp tục luân hồi bất tận với thế giới ấy).
Khi nào một người hành thiền nghiêm chỉnh phân tích mọi sự vật đến chỗ tột cùng
của chúng và nhận thấy được bản chất tự tại (đích
thật, nội tại) của chúng thì cũng sẽ nhận thấy rằng:
sable
sankhara anicca, sable sankhara dukkha
(nguyên nghĩa tiếng Pa-li là: tất cả các sự
tạo tác tâm thần là vô thường, tất cả các sự tạo tác tâm thần đều là khổ đau.
Chữ sankhara có nghĩa là những sự tạo tác tâm thần, tức là nhũng sự diễn đạt,
hình dung hay tưởng tượng của tâm thức và là thầnh phần cấu hợp thứ tư của ngũ
uẩn, đưa đến sự hình thành của "tri thức" là thành phần cấu hợp thứ năm trong số
năm thứ cấu hợp tạo ra một cá thể. Mạn phép nhắc đi nhắc lại về thành phần này
là vì chức năng của nó rất quan trọng, tức là giữ vai trò tạo nghiệp cho một cá
thể. Cấu hợp thứ tư này sẽ đưa đến sự hình thành của tri thức và đấy là cấu hợp
thứ năm của ngũ uẩn)
[Câu trên đây có nghĩa là] "các hành động tạo tác tâm thần
(cấu hợp thứ tư của ngũ uẩn còn gọi là "hành")
- [tức là] các điều kiện [trói buộc tạo ra] tâm thức (conditions de
l'esprit/conditions of the mind) đều là những gì mang tính cách vô thường, trong
khi đó thế giới của chúng sinh thì lại không biến đổi (constant)
(các tạo tác tâm thần - kể cả thân xác và tâm thức của
một cá thể - luôn biến động và vô thường, nhưng sự sống nói chung vẫn tiếp tục
tồn tại và luân hồi), từ muôn thuở cái thế giới đó cũng chỉ đơn giản
là như thế. Quý vị hãy phân tích các điều trên đây dựa vào ý nghĩa của Bốn Sự
Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) hầu giúp mình điều chỉnh lại
(biến cải) các điều kiện [trói buộc tạo ra]
tâm thức mình (tức là các tạo tác tâm thần, các sự
tưởng tượng và diễn đạt của tâm thức) thì tất quý vị sẽ tự mình nhận
thấy được chúng đều là vô thường và cũng chỉ là nguồn gốc của khổ đau. Chỉ vì
nguyên nhân quý vị không tự mình nhận thấy được chúng
(tức là các điều kiện trói buộc tạo ra tâm thức)
chỉ là vô thường và là nguồn gốc của khổ đau cho nên quý vị tự để cho mình rơi
vào chiếc bẫy giăng ra bởi các thứ tạo tác tâm thần
(formations mentales/mental fahioning, còn gọi là sự
tạo nghiệp, tức là vai trò của cấu hợp thứ tư của ngũ uẩn gọi là "hành").
Khi nào quý vị thật sự ý thức được điều ấy thì nó sẽ giúp quý vị biến cải và sửa
đổi được các điều kiện [trói buộc tạo ra] tâm thức của quý vị. Và đấy cũng là
cách mà quý vị thực hiện được:
sankhara
sassata natthi
(sankhara: các sự tạo tác tâm thần; sassata:
vô tận; natthi: không bao giờ. Nguyên nghĩa của câu này là: "các tạo tác tâm
thần không bao giờ là vô tận", nếu nói cách khác thì chúng chỉ là vô thường. Và
nếu mở rộng ý nghĩa của câu này thì sẽ hiểu thật dễ dàng rằng "linh hồn " là kết
quả của một sự tạo dựng tâm thần, hoặc trực tiếp hơn là một sự tạo tác tâm thần,
cho nên nó sẽ không bao giờ là vô tận được. Đối với một người Phật Giáo thì phải
hiểu rằng cực lạc, địa ngục, ta bà, chư Phật theo các cách diễn đạt và tưởng của
mình qua hình thức của những sự tạo tác tâm thần bên trong tâm thức mình cũng
đều là vô thường mà thôi)
[Câu trên đây] có nghĩa là: không có một sự tạo tác tâm thần nào có thể trường
tồn mãi mãi được. Các sự tạo tác tâm thần (mental fashionings) cũng chỉ đơn giản
là các điều kiện [trói buộc tạo ra] tâm thức (conditions of the mind), và cũng
tương tự như ảo giác mà thôi. Do đó khi nào người ta nhận thấy được thật minh
bạch từ cả hai phía - một bên là các chúng sinh cũng chỉ đơn giản là như thế, và
một bên là các thứ tạo tác tâm thần cũng chỉ đơn giản là các điều kiện [trói
buộc và cần thiết tạo ra] tâm thức do chính tâm thức đã tưởng tượng ra - thì
thitibhutam tức tâm thức nguyên sinh sẽ không còn lệ thuộc vào điều kiện nào
nữa cả, và nhờ đó nó sẽ được giải thoát (một mặt
tâm thức nguyên sinh đứng ra bên ngoài thế giới của sự sống hiện ra qua các hình
thức luân hồi bằng cách nhận thấy nó cũng chỉ là như thế, và một mặt khác thì
đứng ra ngoài những sự tạo tác tâm thần bằng cách quán nhận được chúng cũng chỉ
là những sự tưởng tượng do "cái tôi" tạo dựng ra. Khi nào tâm thức ý thức được
vị thế đó của mình thì nó cũng sẽ nhận thấy được thể dạng nguyên sinh của chính
nó, và đấy chính là sự Giải Thoát khỏi các điều kiện trói buộc tạo ra nó -
conditions of the mind. Một nhà sư sống trong rừng trên miền bắc Thái giữa những
người nông dân chất phác thuộc tiền bán thế kỷ XX, đã lưu lại cho chúng ta hôm
nay những câu giảng thật trong sáng, đơn giản nhưng vô cùng chính xác, sâu sắc
và siêu việt, có thể giúp người tu tập đạt được một cấp bậc giác ngộ nào đó. Ông
quả xứng đáng là vị thầy của nhà sư Ajahn Chah. Người chuyển ngữ khiêm tốn và
thiển cận này dường như cũng được thừa hưởng lây một chút dư vị nào đó trong
những lời giảng huấn thật cao siêu này. Xin chắp tay cảm tạ và cúi đầu bái phục).
Một khi đã thấu triệt được những lời giáo huấn cho biết rằng tất cả các hiện
tượng và các phương cách vận hành chi phối cung cách hành xử [của một cá thể]
(schemas de comportement/regularities of behavior/sơ
đồ, mô hình hay cấu trúc chi phối sự suy nghĩ và diễn đạt của tâm thức đưa đến
các sự tạo tác tâm thần) không hề hàm chứa cái "ngã"
(cái tôi), thi làm thế nào những thứ ấy tự
chúng lại có thể chính là cái "ngã" được? Vai trò duy nhất của chúng
(tức là của các hiện tượng và các phương cách hay mô
hình vận hành của tâm thức) cũng chỉ đơn giản là làm hiện lên những
gì mà chúng phải đảm trách thế thôi. Vì thế nên Đức Phật đã dạy rằng:
sabbe
dhamma anatta
Có
nghĩa là: "Tất cả mọi hiện tượng đều vô ngã".
Với tư cách những người hành thiền nghiêm chỉnh
(như chúng ta đã nhận thấy trên đây là mỗi khi nói đến người hành thiền thì nhà
sư Ajahn Mun đều nhấn mạnh đến tính cách nghiêm chỉnh của người này. Sở dĩ nêu
lên sự lưu ý này là để nhấn mạnh đến một khía cạnh khá lệch lạc của phép thiền
định được áp dụng trong thế giới Tây ¨Phương. Một số người Tây Phương hiện nay
có xu hướng đồng hóa phép thiền định của Phật Giáo với một phương pháp luyện tập
nhằm mục đích cải tạo sức khoẻ, tương tư như một môn thể dục. Đây là một hình
thức thoái hóa hay biến dạng vô cùng đáng tiếc đối với giáo lý của Đức Phật.
Người tu tập chân chính và nghiêm chỉnh phải ý thức được sự kiện này: thiền định
phải là một kỹ thuật luyện tập giúp người hành thiền quán thấy được bản chất của
hiện thực và của chính mình hầu mang lại cho mình sự Giác Ngộ và Giải Thoát)
phải tìm hiểu thật sâu xa mọi sự vật hầu nhận thấy thật minh bạch rằng chúng
cũng chỉ là như thế, sự nhận thấy ấy sâu xa đến độ giúp cho tâm thức mình thực
hiện được một thể dạng hội tụ (một thể dạng tập
trung cao độ không còn bị phân tán bởi sự đa dạng và phức tạp của các hiện
tượng) khả dĩ giúp mình có thể quán thấy sự kiện ấy thật chính xác và
sinh động, và cũng đúng vào thời diểm ấy và kèm theo với sự quán thấy ấy một sự
hiểu biết hiện ra. Sự kiện đó có gọi là vutthana-gamini vipassana: sự
quán thấy sâu sắc và minh bạch mang lại sự hiển lộ (emergence). Khi nào đạt được
cấp bậc này thì người hành thiền phải tiếp tục luyện tập thêm cho đến khi nào
hoàn toàn chủ động được nó (tức hiểu được mọi sự
vật chỉ là như thế một cách thật đơn giản, trực tiếp và tự nhiên),
nhưng đồng thời cũng vẫn tiếp tục nhận biết được sự hội tụ giữa tâm thức mình và
các sự hiểu biết đi kèm với nó (có nghĩa là quán
thấy được bản chất của tất cả mọi hiện tượng chỉ là như thế và đồng thời cũng ý
thức được sự vận hành của tâm thức mình giúp mình ý thức được sự kiện ấy).
Sự hội tụ đó vận hành ngược chiều (đối nghịch lại)
với các xu hướng tiềm ẩn hầu hóa giải chúng, và đồng thời cũng sẽ biến cải mọi
sự giả định (các sự tưởng tượng, các khái niệm và
các sự diễn đạt máy móc, mang tính cách công thức và sai lầm của tâm thức)
trở thành sự Giác Ngộ (nhìn thấy Sự Thật).
Tuy nhiên sự hội tụ đó cũng có thể trực tiếp xảy ra ở cấp bậc tâm thức nguyên
sinh mà bản chất của nó cũng chỉ đơn giản là như thế, sự hội tụ đó có thể rất
mạnh đến độ có thể tạo ra một thể dạng sáng suốt tuyệt đối kèm theo sự hiểu
biết:
khina jati
nanam hoti
Có
nghĩa là "Sự hiểu biết sẽ không còn có một sự tái sinh nào nữa cả"
(nguyên nghĩa tiếng Pa-li là "nhận biết được sự chiến
thắng về mọi sự hình thành")
Đấy không
phải là một sự giả định cũng không phải là một hình thức tạo tác tâm thần nào cả,
và cũng không phải là một thứ gì đó mà người ta có thể đạt được bằng sự mong
muốn của mình, mà là một thứ gì đó hiện ra chỉ là như thế, và cũng tự chính nó
hoàn toàn ý thức được sự kiện ấy (trong thể dạng
sáng suốt đó không còn cái tôi nào để mà ý thức về sự chấm dứt của sự tái sinh
nữa: sự kiện không còn tái sinh nữa là một sự cảm nhận tự nhiên và đột khởi, tự
nó cùng lúc vừa là chủ thể vừa là đối tượng. Nói cách khác là Tánh Không của
Tánh Không, có nghĩa là Tánh Không tự ý thức về thể dạng Tánh Không hay là sự
trống không của chính nó. Cái tôi tự xóa mất trong cái Tánh Không tuyệt đối đó,
và đấy chính là sự Giải Thoát).
Những gì trên đây có thể so sánh với các cây lúa. Khi nào biết nuôi dưỡng
đúng cách các cây lúa và chăm sóc chúng cẩn thận, thì kết quả - các hạt lúa - sẽ
không do bất cứ một sự mong cầu nào mang lại cả: các cọng lúa tự nó đơm hạt. Nếu
một người nào đó muốn có gạo ăn nhưng lại lười biếng và không lo chăm sóc ruộng
lúa của mình thì người ấy dù hết lòng mong cầu cho đến chết thì cũng sẽ chẳng có
được một hạt thóc nào. Điều ấy cũng có thể áp dụng vào việc thực hiện sự Giải
Thoát. Thật vậy sự Giải Thoát là một thứ gì đó mà người ta không thể đạt được
bằng sự mong muốn. Nếu một người nào đó mong cầu đạt được sự Giải Thoát thế
nhưng lại không tu tập đúng đắn, hoặc không tu tập gì cả, mà cứ để cho ngày
tháng trôi đi trong sự lười biếng cho đến khi chết, thì nhất định người ấy sẽ
chẳng bao giờ thực hiện được sự Giải Thoát.
Bures-Sur-Yvette, 29.11.14
Hoang Phong chuyển ngữ