Thọ dụng chân thật
tho dung chan that
KS. Minh Bình
Ngài Tịnh Không, như chúng ta
đã biết, hiện nay là vị Hòa thượng chú trọng tuyên dương Tịnh tông trên thế giới.
Hơn mấy chục năm nỗ lực hoằng pháp lợi sanh đền ơn chư Phật, ngài Tịnh Không đã
có nhiều thành tựu lớn ở Đài Loan và ở các nơi. Trong lúc giảng về Cực lạc, ngài
đã có một nhận xét như thế này: “Thiền định là thọ dụng chân thật nhất”. Bây giờ
chúng ta hãy thiền quán về thọ để từ đó liên hệ đến nhận xét trên của Hòa thượng.
Đề tài thọ, hay cảm thọ, là
một trong 4 đề tài thiền quán chính mà Đức Phật Thích Ca đã dạy cho các đệ tử tu
tập. Bốn đề tài thiền quán chính đó là Bốn chỗ niệm (Tứ niệm xứ): niệm
thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp. Bốn đề tài này, Phật giáo Nam truyền
triển khai ra là quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm và
quán pháp trên pháp; còn Phật giáo Bắc truyền triển khai xoáy sâu trọng tâm là
quán thân chẳng sạch, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường và quán pháp vô ngã.
Bốn chỗ niệm (Tứ niệm xứ)
đứng đầu trong 37 pháp trợ đạo. Bốn pháp này rất quan trọng, mà khi Đức Phật
Thích Ca sắp nhập diệt, tôn giả A-nan đã thưa Phật rằng: “Sau khi Đức Thế Tôn
nhập Niết-bàn rồi thì chúng con nên trụ ở đâu?”, Đức Phật đã không bảo là nên ở
trong tịnh xá hay ở dưới gốc cây, nên ở Ấn Độ, lên xứ Tuyết (Tây Tạng) hay qua
Chấn Đán (Trung Quốc)… mà một lần nữa Ngài dạy rõ rằng: “Sau khi Như Lai nhập
diệt rồi, các Tỳ-kheo hãy thường trụ nơi Tứ niệm xứ”. Trong 4 pháp căn bản này,
quán thọ là pháp thứ 2, được các bậc thầy triển khai ứng dụng tu tập quán tưởng
theo 2 cách: một là khách quan xem xét từng cảm thọ diễn ra trong thân tâm, hai
là hướng đến đạo lý cảm thọ nào cũng rơi vào khổ đế, hễ còn thọ một mảy trần là
còn rơi vào phạm vi của 3 cõi 6 đường luân hồi sanh tử…
Nhưng trong bài viết này,
chúng ta quán 6 căn đã thọ 6 trần như thế nào và với tính chất gì. Sáu căn: mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Sáu căn
thường nhai nuốt, chiếm hữu, thọ dụng, ôm ấp, giữ gìn, nhận lấy 6 trần: mắt thọ
nhận sắc, tai thọ nhận thanh, mũi thọ nhận hương, lưỡi thọ nhận vị, thân thọ
nhận xúc và ý thọ nhận pháp. Ví dụ: Ngày trước thời khổ, người ta chỉ cần cơm no
áo ấm; nhưng ngày nay kinh tế Việt Nam đã khá hơn, nhiều người khi đi ăn ở nhà
hàng có khuynh hướng “ăn” cả phòng ăn, “ăn” cả bát đĩa, “ăn” hết hình thức chưng
bày của món ăn, cho đến… “ăn” cả người phục vụ, ngoài những món ngon ngọt, béo
bùi, chua cay, đắng chát, mặn lạt, dai giòn, cứng bở… mà họ đã đưa tiễn qua khỏi
cổ họng! Như vậy, khi có tiền bạc thong thả, người ta không tiếc gì miễn sao
được thưởng thức hết mọi hương sắc của trần gian.
Thưởng thức một cái gì đó là
điều không thể thiếu trong mỗi ngày của mọi người, mà khi có nó thì được xem như
là đã sống, đang sống. Vậy đối với mọi người, sống là thọ nhận, ai ai cũng
thường thọ nhận sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp trong nhiều hình thức, ở mỗi
nơi, mỗi lúc... Thọ nhận nhiều và tự hào rằng mình là người sành điệu (biết xài
iphone, biết lướt web, biết nhảy đúng mốt như robot đã được lập trình tốt…),
hoặc thiếu thốn và có một ít mặc cảm thua thiệt… là tâm lý sống thường thấy ở
con người. Đây là những trạng thái sống được giới hạn trong sự hoạt động của 6
cơ quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Chúng ta đang quán 6 căn – 6
trần theo hướng này để làm gì? Chúng ta cần xét đến một điều: Sự thọ nhận hàng
ngày của mọi người có phải là Chánh thọ không? Nhưng tại sao lại nghi vấn như
vậy, trong khi đâu có đề cập đến sự ăn xài bằng tiền bạc phi pháp? Tuy rằng mọi
người hưởng thụ sắc thanh, hương vị của cuộc sống từ chính những đồng tiền lương
thiện của họ, nhưng cái tâm tham lam hưởng thụ thì có chánh bao giờ! À, thì ra
đang nhìn vấn đề theo hướng đó! Thế chánh thọ là gì? Theo quan điểm của Phật
pháp, chánh thọ là những thọ nhận chánh đáng mà có lẽ ai cũng biết, như con mắt
không để một vật quý giá hay tầm thường nào bít kín con ngươi, lỗ tai không bị
lời bàn tán của mấy bà hàng xóm làm điếc, lỗ mũi không vì hương Xmen làm cho xao
xuyến… cho đến thần kinh sẽ không gợn sóng (điện não đồ) vì bất cứ chuyện gì (pháp).
Chánh thọ chính là nghĩa của
Tam-muội (cựu dịch), cũng là chánh định (tân dịch). Thế thì “Thiền định là thọ
dụng chân thật nhất” không phải là kiến giải riêng của Hòa thượng Tịnh Không, mà
là điều đã được nhà Phật chỉ dạy từ xưa. Một cái tâm có thiền định là một cái
tâm tự chủ, như khi ăn cơm không bị “kẹt” một hạt cơm nào, khi tắm không bị
“dính” một giọt nước nào cả, nói chung là 6 căn thanh tịnh!
Người đời thọ hưởng vật chất,
tình cảm, tư tưởng không ngừng, để mãi quay cuồng theo ái – thủ – hữu bất tận.
Trong khi đa số nhân loại sống như thế, thì người có đạo sống an trú, thân tâm
nhẹ nhàng, không vướng mắc sự thọ nhận nào. Đó chính là chánh thọ, là giải thoát
từ phạm vi của thọ vậy. Cuối cùng, ta có thể nói ngược lại thế này vẫn đúng:
“Thọ dụng chân thật nhất là thiền định”. Điều này đã được Đại sư Huyền Giác phát
biểu qua một bài ca chứng đạo:
Đi cũng thiền, ngồi cũng
thiền
Nói năng, động tịnh thảy an
nhiên
Dẫu gặp gươm đao thường bình
thản
Ví nhằm thuốc độc vẫn nhẹ
tênh!
(Thi ca 18 trong Chứng Đạo Ca)
-------------------------------------------------