Tâm từ là thiện chí
tam tu
Thanissaro
Bhikkhu- Hằng Như dịch
Tâm từ
trong đạo Phật, một cách truyền thống, được hiểu là lòng thương yêu cao thượng,
vô lượng và vô hạn đối với tất cả chúng sanh không phân biệt chủng loại, biên
giới. Thế nhưng Tỳ-kheo Thanissaro có cách nhìn rộng hơn, đôi chỗ khác hơn cách
hiểu truyền thống qua bài viết “Tâm từ là thiện chí” này. So những gì được trình
bày trong bài viết với những lời dạy của Đức Phật cũng như soi vào trong thực tế
cuộc sống, tôi thấy những ý tưởng của ngài Thanissaro cũng khá chí lý và thú vị.
Do vậy, tôi dịch ra tiếng Việt để chia sẻ với người có duyên.
Ajaan Fuang,
thầy tôi, có lần thấy một con rắn chui vào và nằm im trong phòng ngài không biết
từ khi nào. Cứ mỗi lần bước vào phòng, ngài thấy nó giấu mình trong một khe nhỏ
dưới cái tủ trong phòng. Ngay cả khi thầy tôi mở toang cửa phòng suốt ngày, con
rắn ấy cũng không muốn đi. Thế là suốt ba ngày, thầy tôi sống chung với con rắn
ấy. Thầy rất cẩn thận trong đi đứng để không làm nó giật mình, hoặc cảm thấy sợ
với sự có mặt của thầy. Thế nhưng đến đêm ngày thứ ba, khi đang ngồi thiền,
trong tâm, ngài thầm nói với con rắn rằng “Con thấy đó, không phải ta không
thích con. Ta không phải không thương con. Nhưng ta và con có suy nghĩ không
trùng khớp nhau, nên giữa chúng ta dễ dàng có sự hiểu lầm. Bây giờ, ở ngoài rừng
kia có nhiều nơi con có thể sống mà không phải chịu đựng sự không thoải mái như
khi sống chung với ta”. Và khi ngài khởi tâm từ đến con rắn, thế là nó rời
phòng ra đi.
Lần đầu tiên
tôi nghe thầy Ajaan Fuang kể câu chuyện này, chính câu chuyện khiến tôi dừng lại
và xem xét lại cách hiểu của tôi về tâm từ. Tâm từ là lòng mong cầu hạnh phúc,
một thứ hạnh phúc chân thật, và Đức Phật dạy chúng ta cần phát triển tâm lành
này cho mình và mọi người:
Trải lòng
thương khắp gần xa,
Chúng sanh trên
dưới trong ngoài đều
thương (Kinh
Tập, 1.8).
Thế nhưng,
đặc tính cảm xúc đi theo tâm nguyện này là gì? Nhiều người định nghĩa tâm từ là
“lòng thương yêu, sự tử tế”, mang ý nghĩa mong muốn sự có mặt của mình vì lợi
ích của người khác: yêu thương họ, đem lại cho họ sự ấm áp, bảo trợ và che chở
họ. Ý tưởng thương yêu người khác nghe rất cao thượng và nó làm cho ta có cảm
giác thỏa mãn về phương diện tâm lý. Thế nhưng khi chúng ta dừng lại để nghĩ về
tất cả các chúng sanh trên thế gian, có nhiều trong số chúng sẽ phản ứng lại tâm
thương yêu của chúng ta bằng sự nghi ngờ và sợ sệt, giống như con rắn trong câu
chuyện trên. Nó sẽ chọn cách ra đi một mình chứ không ở lại để nhận tình thương
yêu ấy. Một số khác có thể cố gắng lạm dụng lòng thương của bạn, xem đó như là
một dấu hiệu của sự yếu đuối, hoặc đó là sự tán thành về những gì họ muốn làm.
Trong các cách trên, không có cách nào lòng yêu thương của bạn có thể đem lại
hạnh phúc thật sự cho họ. Khi gặp tình huống như vậy, bạn sẽ tự hỏi liệu những
lời dạy của Đức Phật về tâm từ vô lượng có thiết thực và sáng suốt không?
Thế nhưng, từ
việc thầy Ajaan Fuang với con rắn, tôi rút ra bài học rằng, tâm từ không nhất
thiết là một thái độ yêu thương. Đó là một thái độ thiện chí thì đúng hơn, mong
cho người khác bình yên, nhưng cần nhận ra rằng chân hạnh phúc là điều tuyệt
nhiên mỗi người chúng ta phải tự tìm kiếm lấy, thường thì rất dễ dàng khi ta có
con đường cho riêng mình.
Cách hiểu về
tâm từ như vậy được xác định trong nguồn kinh điển Pāli, trước hết là trong
chính từ metta. Ngôn ngữ Pāli có từ khác để diễn tả yêu thương, từ
pema, trong khi đó, từ metta có liên hệ đến từ mitta, là bạn,
là thân thiện. Tâm từ rộng lớn là có tâm thân thiện với tất cả. Thật ra, sự thân
thiện này có nghĩa là có thiện chí được thể hiện qua bốn đoạn kinh để từ đó Đức
Phật rút ra những cụm từ dạy chúng ta luôn tâm niệm mỗi khi trải tâm từ. Những
cụm từ này hướng dẫn rõ ràng nhất không chỉ đối với cảm xúc tâm lý khi thực hành
tâm từ, mà còn đưa ra sự hiểu biết về hạnh phúc để giải thích tại sao phát triển
tâm từ đối với tất cả là một cách hành trì thiết thực và sáng suốt.
Nhóm các cụm
từ đầu tiên được trích ra từ đoạn kinh Đức Phật dạy khi cần điều phục tâm sân
hận. Những cụm từ này được các cộng đồng Phật giáo Nguyên thủy trên khắp thế
giới tụng hằng ngày:
Mong tất
cả chúng sanh: không oán hận, không áp bức, không phiền nhiễu, biết chăm sóc
cuộc sống chính mình cho được an lạc (Tăng
chi bộ kinh, 10.176).
Hãy để ý cụm
từ cuối cùng “Mong tất cả chúng sanh biết chăm sóc cuộc sống chính mình cho được
an lạc”. Bạn không nói rằng bạn sẽ đến đó với họ trong mọi lúc. Và hầu hết chúng
sanh sẽ cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn khi biết rằng họ có thể nương tựa vào chính
mình hơn là nương tựa vào người khác. Có một lần tôi nghe một pháp sư nói rằng,
ông sẽ không muốn sống ở một thế giới không có khổ đau, vì như thế ông sẽ không
có cơ hội để thực hành tâm từ của mình. Khi nghĩ về điều này, bạn sẽ thấy đây là
một mong ước vô cùng ích kỷ. Ông ấy cần người khác chịu đựng khổ đau thì ông mới
cảm thấy hạnh phúc vì có thể thực hành được tâm từ? Một thái độ tích cực hơn là
“Mong sao tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc. Mong sao họ có thể tự chăm sóc
chính mình để được an lạc”. Cách ấy họ có thể được hạnh phúc một cách độc lập và
tự lực.
Một nhóm khác
gồm các cụm từ về tâm từ được trích ra từ bài kinh Tâm từ trong Kinh tập. Các
hành giả bắt đầu với sự mong cầu hạnh phúc một cách đơn giản:
Mong
rằng ở khắp nơi nơi,
Chúng sanh an
lạc thảnh thơi nhẹ nhàng,
Cầu
cho tất cả bình an,
Mọi loài mạnh
yếu, ngắn dài, gần xa,
Đã
sanh hoặc sắp sanh ra,
Nhỏ to, thô
tế, hằng hà chúng sanh,
Dù là
vô tướng hữu hình,
Thảy đều hạnh
phúc an lành dài lâu.
Thế nhưng,
các hành giả vẫn tiếp tục mong ước tất cả chúng sanh tránh tạo nhân đưa đến khổ
đau:
Mong rằng đừng dối gạt nhau,
Dẫu
lừa một tí cũng đau lòng người,
Đừng vì sân giận buông lời,
Mà đem
tâm xấu mong người khổ đau. (Kinh
tập 1.8).
Khi lặp lại
những cụm từ này, bạn cầu mong tất cả không chỉ sống hạnh phúc, mà còn mong rằng
họ tránh những hành động có thể đưa đến nghiệp quả xấu ác, để rồi phải chịu khổ
đau. Bạn nhận ra rằng hạnh phúc phụ thuộc vào hành động: với người nào tìm cầu
chân hạnh phúc, họ phải hiểu những nguyên nhân nào đưa đến hạnh phúc thì theo đó
mà hành động. Họ cũng phải hiểu rằng chân hạnh phúc thì không có làm hại đến ai.
Nếu hạnh phúc đặt trên cơ sở hại người khác, thì hạnh phúc ấy không thể kéo dài.
Những người bị hại nhất định sẽ làm tất cả những gì có thể để phá hủy hạnh phúc
ấy. Và khi đó, khởi lên một đặc tính chân thật của sự thương cảm: nếu thấy ai đó
đau khổ, bạn cũng cảm thấy đau đớn. Nếu là người nhạy một chút, bạn thật khó có
thể cảm thấy hạnh phúc khi biết rằng chính hạnh phúc của mình gây nên khổ đau
cho người khác.
Do vậy, một
lần nữa cần nhắc lại, khi bày tỏ thiện chí, bạn không phải nói rằng, bạn sẽ đến
đó vì lợi ích người ấy trong mọi lúc. Bạn mong ước rằng tất cả chúng sanh sẽ
khôn ngoan để tìm cách tạo hạnh phúc cho mình và chính họ thực sự có mặt ở đó.
Ở đoạn tiếp,
kinh Tâm từ ghi lại rằng, khi phát triển thái độ thiện chí ấy, bạn muốn
bảo hộ người khác theo cách một người mẹ chở che đứa con duy nhất của mình:
Ví như
lòng mẹ bao la,
Hy sinh thân
mạng bảo toàn con thơ.
Hộ trì
con trẻ thế nào,
Hộ trì vô
lượng tâm từ như nhau.
Trải
lòng thương khắp gần xa,
Chúng sanh
trên dưới trong ngoài đều thương.
Một số người
hiểu lầm đoạn này. Thật ra, nhiều người dịch đã chuyển tải không chính xác ý của
đức Phật muốn nói trong đoạn kinh này, nghĩ rằng đức Phật khuyến khích chúng ta
thương yêu tất cả chúng sanh bằng một tình cảm thương yêu của một người mẹ dành
cho đứa con duy nhất của mình. Thế nhưng, đây không phải là điều Ngài thật sự
muốn gởi gắm. Trước hết là Ngài không hề nói đến từ “thương yêu” ở đây. Ngài
cũng không có ý so sánh việc bảo hộ đứa con thơ với việc bảo hộ tất cả chúng
sanh khác, mà Ngài đưa ra sự so sánh giữa việc bảo hộ đứa con thơ với việc bảo
hộ thiện chí của mình. Điều này hoàn toàn phù hợp với những lời dạy của Ngài ở
các kinh khác trong Kinh tạng. Không tìm thấy ở đâu ghi lại rằng, Đức Phật bảo
người khác hy sinh thân mạng mình để ngăn chặn bạo lực hay bất công trên thế
gian này, mà Ngài tán thán chư đệ tử sẵn lòng hy sinh thân mạng để giữ giới
trong sạch.
“Ví như
biển cả là vững chắc và nước không vượt bờ, cũng theo cách như vậy, đệ tử của
Ta, cho dù phải hy sinh tính mạng, không vượt khỏi các giới điều Ta đã chế định
cho các vị ấy.” (Kinh
Phật tự thuyết 5.5)
Lời kinh này
chuyển tải một tình cảm tương tự: bạn nên dốc tâm để phát triển và bảo hộ thiện
chí của mình để đảm bảo rằng tâm nguyện lành này không dao động. Làm được điều
này vì bạn không muốn hại ai. Hại người khác dễ dàng xảy ra nhất trong trường
hợp thiện chí bị mất đi, do vậy, việc cần thiết là bạn có thể làm bất cứ điều gì
để bảo hộ thiện chí này trong mọi lúc. Đây là lý do tại sao khi Đức Phật nói ở
đoạn cuối của bài kinh này rằng, bạn nên kiên định trong việc thực hành chánh
niệm tỉnh giác: chánh niệm để giữ trong tâm sự mong ước tất cả chúng sanh đều
sống hạnh phúc, để đảm bảo rằng, thiện chí này luôn dẫn đường cho động cơ trong
mọi hành động mà bạn tác ý.
Đây là lý do
tại sao Đức Phật khuyến tấn một cách rõ ràng là phát triển tâm từ trong hai tình
huống sau đây là đặc biệt quan trọng và cũng đặc biệt khó khăn, để duy trì tâm
nguyện thiện lành, đó là khi người ta làm mình tổn thương và khi bạn nhận ra
mình đã làm tổn thương người khác.
Nếu có người
làm tổn thương bạn bằng lời nói hay hành động, “ngay cả nếu bọn cướp cưa mình
một cách dữ tợn, cắt rời tay chân bằng cái cưa hai lưỡi”, thì đức Phật dạy
chúng ta luyện tâm bằng cách sau:
“Tâm chúng
ta sẽ không bị tác động và chúng ta sẽ không nói những lời ác. Chúng ta vẫn giữ
tâm thông cảm, tâm từ bi đầy thiện chí, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ
trải lòng bao phủ những người này với sự chánh niệm tràn đầy từ bi. Và bắt đầu
từ những người này, chúng ta sẽ trải lòng từ bi cùng khắp thế giới với sự chánh
niệm tràn đầy từ bi, dồi dào, rộng lớn, vô biên, không hận, không sân.” (Trung
bộ kinh, số 21).
Khi thực hành
như vậy, Đức Phật dạy bạn mở rộng tâm mình, rộng lớn như sông Hằng hoặc rộng lớn
hơn nữa như quả đất, nói một cách khác, lớn hơn những nguy hại mà những người
này đang gây ra cho mình hoặc có nguy cơ đe dọa mình. Chính Đức Phật thể hiện
lời dạy này sau khi Ngài bị Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) cố tìm cách sát hại. Trong
lúc nghỉ ngơi vì vết thương gây đau đớn, Mara đến quấy nhiễu, Ngài bảo Mara
rằng “Ta nằm đây với lòng thương cảm (tâm bi) đối với tất cả chúng sanh” (Tương
ưng bộ kinh, 4.13). Khi bạn có thể duy trì trạng thái tâm rộng lớn này, dù đang
đau đớn, những tổn hại người khác đem lại cho bạn không đủ sức vượt qua tâm từ,
và bạn không có khuynh hướng phản ứng lại theo cách thiếu khôn ngoan. Bạn đem
lại sự bảo hộ – cho cả bạn và cho người khác – để hàng phục những vụng về, nếu
không, bạn sẽ bị chúng cám dỗ và xúi giục.
Khi nào nhận
ra bạn gây tổn hại cho người khác, Đức Phật khuyên bạn nên hiểu rằng, ân hận
cũng không thể đi ngược thời gian về quá khứ để xóa đi việc bạn đã làm rồi, do
vậy, nếu có thể xin lỗi, bạn nên xin lỗi người ấy. Trong bất cứ tình huống nào,
bạn quyết tâm không lặp lại hành động gây nên sự tổn hại nữa. Tiếp đến, bạn trải
tâm từ đến tất cả các phương hướng.
Điều này đưa
đến nhiều lợi ích. Nó nhắc bạn về phẩm chất tốt đẹp nơi mình để bạn không vì mục
đích bảo vệ tự ngã của mình mà chối tội, cho rằng bạn đã không làm điều tổn hại
người khác. Nó củng cố cho sự kiên định của bạn để bạn quyết tâm, kiên trì không
làm điều gì gây tổn hại nữa. Và nó cũng là động cơ để bạn quán xét hành động
của mình để rồi thấy kết quả tương ứng của hành động ấy: nếu những thói quen nào
của bạn đưa đến tổn hại, bạn sẽ từ bỏ chúng trước khi chúng gây ra hậu quả tệ
hại hơn. Nói cách khác, bạn không muốn thiện chí của mình chỉ là những ý tưởng
trôi dạt không có cơ sở. Bạn muốn ứng dụng thái độ này một cách cẩn trọng để nó
trở thành nền tảng căn bản tác động đến tất cả các mối quan hệ của bạn với người
khác. Với cách này, thiện chí của bạn trở nên chân thật. Và nó thật sự có ảnh
hưởng, đây là lý do tại sao để phát triển thái độ này, chúng ta khởi đầu với
việc đảm bảo rằng nó có thể nuôi dưỡng tâm ý, lời nói và hành động của chúng ta
hướng đến hạnh phúc không làm tổn hại cho tất cả.
Cuối cùng, có
một đoạn Đức Phật dạy chư Tăng tụng để trải rộng tâm từ đến tất cả các loài rắn
và các loài bò sát khác. Một câu chuyện trong kinh kể rằng có một thầy Tỳ-kheo
khi đang thực hành thiền định trong rừng thì bị rắn cắn chết. Chư Tăng đến trình
với Đức Phật và Ngài nói rằng, nếu vị Tăng ấy biết khởi tâm từ rộng khắp đến bốn
đại gia đình các loài rắn, rất có thể vị ấy không bị rắn cắn chết. Rồi Đức Phật
dạy chư Tăng tụng đoạn kinh thể hiện tâm từ không chỉ hướng đến các loài rắn, mà
con đến tất cả chúng sanh để tự bảo hộ mình.
Ta
hãy khởi từ tâm,
Đến
các loài không chân.
Ta
hãy khởi từ tâm,
Đến
các loài hai chân.
Ta
hãy khởi từ tâm,
Đến
các loài bốn chân.
Ta
hãy khởi từ tâm,
Đến
các loài nhiều chân.
Mong rằng loài không chân,
Không có làm hại ta.
Mong rằng loài hai chân,
Không có làm hại ta.
Mong rằng loài bốn chân,
Không có làm hại ta.
Mong rằng loài nhiều chân,
Không có làm hại ta.
Mọi
chúng sanh, hữu tình,
Tất
cả sinh vật sống,
Mong chúng
đều an lành,
Chớ đi đến
chỗ ác.
Đức Phật là
vô lượng,
Pháp Phật là
vô lượng,
Chúng Tăng là
vô lượng,
Loài bò sát
có lượng,
Rắn, bò cạp,
và trăn,
Nhện, thằn
lằn cùng chuột,
Ta hộ trì hết
thảy,
Mong các loài
hữu tình,
Rời xa, đi
nơi khác. (Tăng
chi bộ kinh, 4.67).
Câu cuối cùng
trong phần thể hiện tâm từ này nhấn mạnh một sự thật rằng, sống chung với nhau
là một vấn đề khó khăn, đặc biệt đối với các loài chúng sanh khác nhau có thể
hại nhau, và giải pháp bình an nhất cho tất cả là thường sống xa nhau nhưng
không làm hại nhau.
Nhiều cách
khác nhau để thể hiện tâm từ cho thấy rằng, từ bi không nhất thiết chỉ là lòng
thương yêu. Tâm từ cần được thể hiện là thiện chí thì hay hơn, với hai ý do:
Thứ nhất,
thiện chí là một thái độ bạn có thể dành cho tất cả mà không sợ phải rơi vào đạo
đức giả hay không thực tế. Điều này cho thấy rằng người ta sẽ trở nên thật sự
hạnh phúc không phải là do chúng ta phải có mặt tại đó để chăm sóc họ, mà đó là
kết quả của những hành động thiện, và rằng hạnh phúc do sự tự lực sẽ lớn hơn
nhiều so với hạnh phúc lệ thuộc vào người khác mà có.
Lý do thứ
hai, thiện chí là có một cảm giác thiện xảo hơn đối với những người phản ứng
vụng về khi mình dành tình thương yêu cho họ. Có thể có những người đã bị ta làm
tổn thương trong quá khứ, thì với họ, thà không gần gũi với chúng ta còn tốt
hơn, thì sự thể hiện tình thương yêu thân cận họ thật ra là nguồn khổ đau hơn là
an lạc. Cũng có người khi thấy bạn muốn thể hiện lòng yêu thương, liền nhanh
chóng lợi dụng lòng tốt ấy. Và rồi có rất nhiều loài động vật ngoài kia có thể
cảm thấy sợ hãi với cách thể hiện tình thương bộc lộ ra bên ngoài của con người.
Trong những trường hợp này, thiện chí được thể hiện từ một khoảng cách xa cần
thiết, rằng bạn tự hứa với lòng mình không bao giờ làm hại những con người và
những chúng sanh kia, có lẽ là cách tốt nhất để tâm từ của mình bao phủ họ.
Điều này
không có nghĩa là trải lòng thương yêu không phải là cách thể hiện phù hợp của
tâm từ. Đơn giản là bạn cần biết, khi nào thể hiện tình thương yêu là phù hợp,
khi nào thì không. Nếu thật sự bạn cảm thấy mình có tâm từ đối với chính bản
thân và các chúng sanh khác, bạn không thể cứ muốn có cảm giác ấm áp trong tình
thương yêu và cảm xúc gần gũi là được, điều cần thiết là tinh tế nhận ra đâu mới
thật sự là cách thiện xảo nhất để nuôi dưỡng hạnh phúc cho tất cả muôn loài.
Nguồn:http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/thanissaro/metta_means_goodwill.html#F_termsOfUse