Minh Đức Triều Tâm
Ảnh
Theo tích truyện
Suvaṇṇakārattheravatthu ở trong bộ chú giải
Dhammapadaṭṭhakathā có kể đại lược
là:
“Tôn giả Sāriputta có
một tỳ-khưu đệ tử còn trẻ
đến xin đề mục thiền định;
thấy sức vóc trai tráng, khí huyết phương
cương, ngài liền bảo, hãy niệm thân bất
tịnh (asubha), cốt ý là để đối trị
với dục vọng và tham ái. Vị tỳ-khưu
trẻ vào rừng, suốt bốn tháng ròng rã chăm chuyên
niệm 32 thể trược, thỉnh thoảng
đến nghĩa địa để nhìn ngắm tử
thi nhưng “tướng bất tịnh” vẫn không
hiện ra. Chán nản, vị tỳ-khưu trẻ muốn
hoàn tục.
Tôn giả Sāriputta bèn
dẫn vị tỳ-khưu đến đức Phật
rồi kể lại chuyện lại cho ngài nghe.
Hướng tâm một lát, đức Phật bảo:
- Vị tỳ-khưu này
đã từng có 500 kiếp làm thợ vàng, thợ bạc;
do tập-quán-nghiệp nhiều đời nên bây giờ ông
ta nhìn cái gì nó cũng tịnh cả (subha), có bất
tịnh (asubha) được đâu!
Sau đó đức Phật
hóa ra một đoá sen hồng tươi thắm to bằng
bàn tay, trao cho vị tỳ-khưu rồi nói:
- Ông đem đoá hoa này
cắm vào một gò đất nơi chỗ vắng, và
ngày nào cũng ngồi nhìn, chú tâm chuyên nhất vào
đấy, đọc thầm trong tâm rằng
“lohitakaṃ...lohitakaṃ- màu đỏ”, thế thôi.
Đoá hoa đẹp, tức
là đề mục tịnh chứ không phải bất
tịnh, nó tương hợp với dòng tâm nhiều
đời của vị tỳ-khưu. Sau đó, từ
đoá hoa đỏ thắm tươi đẹp đến
khi nó héo tàn, úa rã; vị tỳ-khưu nắm bắt
được tướng vô thường, đi vào
thiền quán và đắc quả A-la-hán”.
Qua câu chuyện trên, những
hành giả học Phật và tu Phật, muốn thành
tựu công hạnh thì ít ra cũng phải tương
đối biết rõ căn cơ, tâm tánh hay cá tánh của
mình. Nếu không thấy, không biết, ai dạy sao cũng
tu, cũng thực hành, đôi khi đi ngược với
tâm tánh mình, lợi không thấy đâu, chỉ có hại cho
mình mà thôi.
Tâm tánh hoặc cá tính là bản
chất cố hữu của một con người. Tâm
tánh, cá tính mỗi người mỗi khác là do hành nghiệp
trong quá khứ khác nhau... Chính những hành động, thói
quen, tập nghiệp, tập khí của mỗi
người tạo ra tâm tính hoặc cá tính đặc thù,
riêng biệt.
Trong Abhidhamma và cả trong
Visuddhimagga có nêu ra 6 loại tâm tính, cá tính khác nhau của con
người; ấy là tính tham, tính sân, tính si, tính tín, tính trí,
tính tầm. Tạm phân chia như vậy, nhưng thật
ra các tính trên có thể xen lẫn trong nhau, ở đây ta
chỉ cần hiểu theo nghĩa tương đối.
1- Tính tham
(rāgacarita)
Người có cá tính gốc
tham thường thiên nặng về tham ái, ham thích, mê
đắm, tầm cầu các khóai lạc giác quan mà không
chịu từ bỏ chúng mặc dầu nó rất có
hại cho mình, như tổn giảm sức khỏe, hao
tốn tiền tài, đôi khi hư mục cả
đạo đức và thiện pháp nữa.
Theo tinh thần nhân quả
nghiệp báo, người có gốc tham do hưởng
được thiện quả còn lại từ kiếp
trước nên quen sống cảnh xa hoa, “ngũ dục
công đức” sung mãn hoặc họ tái sanh xuống cõi
đời này sau khi mệnh chung ở thiên giới.
Người có tánh tham thì
biểu lộ ra bên ngoài:
- Lúc đi: Rất tự nhiên,
có bước đi cẩn thận, đặt chân
xuống từ từ, khoan thai, bước đi nhịp
nhàng, uyển chuyển.
- Lúc trải giường và
ngủ: Họ trải giường một cách chậm rãi,
cẩn trọng, không vội vàng. Lúc nằm xuống
cũng từ từ đặt thân xuống, sắp
đặt gối mền, chân tay đều thẳng
thớm, ngay ngắn; sau đó mới nằm ngủ,
ngủ một cách an ổn.
- Qua hành động: Lúc quét sân
thì cầm cái chổi vững vàng, quét sạch, đều
đặn, không vội vàng, không tung lá rác đất
bụi lên. Mọi việc làm khác cũng làm một cách khéo
léo, từ tốn, cẩn thận. Lúc mặc y áo,
người tính tham không mặc chật quá, lỏng quá, lúc
nào cũng ngay ngắn, tươm tất.
- Qua cách ăn: Thích ăn
vật thực ngọt ngào, béo bổ. Khi ăn, không ăn
từng miếng quá lớn hay quá nhỏ. Ăn chừng
mực, vừa phải, biết thưởng thức vị
ngon.
- Qua cách nhìn: Khi thấy
một cái gì thích ý, người gốc tham nhìn ngắm lâu,
tỉ mỉ, như ngạc nhiên, như thú vị. Khi
đi thì tiếc nuối, không muốn rời.
- Qua tâm lý: Người tham
căn thường có những tính xấu như: Lừa
dối, gian lận, kiêu mạn, ác dục, đa dục, làm
đỏm, khoe khoang...
Người có tính tham
thường thích những đối tượng khả
ái, khả hỷ, khả lạc, dễ bị mê
đắm nhục dục ngũ trần.
Đối với căn tánh
tham này, tham-hành-giả khi tu tập:
- Không nên ở chỗ quá xinh,
quá đẹp; không nên dùng vật thực quá ngon, không nên
mặc y áo, dày dép, đồ dùng quá cầu kỳ, sang
trọng. Chỗ ngủ nghỉ, ngồi nằm
thường nên đơn sơ, giản dị. Cốt là đừng
để cho tâm tham dễ phát sanh, dễ dính mắc. Tham-hành-giả
phải biết lựa chọn trú xứ, ngoại cảnh
xấu xí, không được vừa ý, không
được thích khoái cho lắm thì càng tốt.
- Nên thường xuyên đi
bách bộ, đi kinh hành nhiều hơn là ngồi một
chỗ lâu.
- Đề mục
tương hợp, lợi ích nhất cho tham-hành-giả
là quán 10 tướng của tử thi và niệm về 32
thể trược của thân.
2- Tính sân (dosacarita)
Người có cá tính gốc
sân thì ít tình cảm, thiếu vắng tình cảm, đôi khi
khô nhạt tình cảm. Họ thường ít bám víu, dính
mắc đối tượng lâu, thường tìm lỗi
của người khác “ở lỗi không thật có”
hoặc không được rõ ràng để buộc
tội họ.
Người tính sân nhiều có
lẽ kiếp trước từng làm những việc
như đâm chém, tra tấn tàn bạo hoặc cũng có
thể tái sanh xuống cõi này sau khi mệnh chung ở cõi địa
ngục, a-tu-la hay rắn rít, rồng, cọp, beo...
Người nặng tính sân thì
biểu hiện bên ngoài:
- Lúc đi: Như thể
đào đất bằng những đầu ngón chân,
đặt chân xuống nhanh, dở lên nhanh, có vẻ
hấp tấp, vội vã.
- Lúc trải giường,
nằm ngủ: Họ trải giường vội vàng,
cẩu thả, thế nào cũng xong, gieo mình xuống
ngủ với khuôn mặt không được an lành. Lúc
thức dậy rất mau lẹ. Trả lời ai thì có
vẻ bực mình, khó chịu.
- Qua hành động: Lúc quét
tước, người tính sân cầm chổi rất
chặt nhưng quét không sạch, không đều, gây
tiếng động, hất tung lá rác đất cát lên.
Họ luôn luôn làm việc có vẻ căng thẳng. Mặc
y áo thì hơi bất cẩn, cẩu thả, sao cũng
được, không tươm tất, chẳng chịu
sửa sai, điều chỉnh.
- Qua cách ăn: Thích ăn
đồ dai và chua. Khi ăn, họ ăn từng miếng
lớn đầy cả miệng, ăn hấp tấp,
vội vàng, không biết thưởng thức vị ngon.
Ăn cái gì không khóai khẩu là nó bực.
- Qua cách nhìn: Có cái gì khó ưa,
không nhìn lâu, thường xoi mói những khuyết
điểm nhỏ, bỏ qua những đức tính
thực. Khi từ giã, họ đi ngay, đi nhanh, có vẻ
không tiếc nuối, không lưu luyến gì cả.
- Qua tâm lý: Có nhiều tính
xấu như giận dữ, thù hận, thích phỉ báng
người khác, ưa thống trị, nhiều ganh tỵ
và dễ hiềm hại người khác.
Người có tính sân dễ
căng thẳng, nóng nảy, bực bội, nhiều
bất mãn, dễ trái ý, nghịch lòng trước mọi
hoàn cảnh.
Đối với căn tính
sân này, sân-hành-giả khi tu tập:
- Nên ở chỗ đẹp,
tiện nghi, tinh tươm, sạch sẽ, ngăn
nắp... nghĩa là hoàn toàn ngược lại với tính
tham. Đồ dùng, y áo, thức ăn, vật uống luôn
được vừa lòng, thích ý.
- Oai nghi thích hợp là năm
hoặc ngồi.
- Sau khi có ngoại cảnh
hỗ trợ tạo duyên để đối trị
với sân căn rồi, sân-hành-giả phải còn
lựa chọn đề mục thiền định
tương hợp: Đó là tứ vô lượng tâm
hoặc 4 kasiṇa về màu sắc (trong 4 màu xanh,
đỏ, trắng, vàng - lựa chon màu mình thích, êm
dịu... như màu xanh).
- Các đối tượng
của sân-hành-giả phải lớn rộng, sâu;
đừng nhỏ quá, chật hẹp quá... tâm sân dễ
phát khởi.
3- Tính si (mohacarita)
Người có tính si có lẽ
trước kia uống nhiều rượu, ít chú ý
đến học vấn hoặc được tái sanh
xuống cõi này sau khi chết ở loài súc sinh.
Họ có những biểu
lộ ra bên ngoài:
- Lúc đi: Có dáng đi bối
rối, nhấc chân lên, đặt chân xuống
thường do dự, lưỡng lự, đôi khi
nhấn mạnh đột ngột.
- Lúc trải giường:
Lệch lạc, cẩu thả, không bao giờ ngay ngắn,
phần nhiều ngủ úp mặt, khi thức dậy thì
lừ đừ, từ từ, chậm chạp.
- Qua hành động: Lúc quét
sân, tâm tánh si cầm chổi lỏng lẻo, quét không
sạch, không đều, đất cát cỏ rác vung
vải tứ tung. Làm việc gì cũng vụng về.
Ăn mặc thường lỏng và không bao giờ
được tươm tất, ngay ngắn.
- Qua cách ăn: Ăn uống
không có lựa chọn nhất định, ăn uống
rơi rớt lung tung, tâm trí phiêu lưu chỗ này chỗ
khác.
- Qua cách nhìn: Không có chủ
đích với các đối tượng ngoại giới.
Nghe người ta khen, chê cũng khen chê theo, nó luôn bình
thản, luôn vô tâm, vô tư của một người không
có trí.
- Qua tâm trạng: Thường
lờ đờ, đờ đẫn, dao động,
bất an, bất định, âu lo; bám víu vào cái gì thì không
chịu rời bỏ.
Người có tính si
thường thiếu sáng suốt, tỉnh táo, hay thụ
động, dao động, dễ mê tín, mê muội.
Đối với căn tính
si này, si-hành-giả khi tu tập:
- Trú xứ phải rộng
rãi, khoáng đạt không bị ngăn bít, có thể nhìn
thấy ngoại cảnh bên ngoài.
- Về tứ sự,
đồ dùng, y áo, vật thực thì tương tợ sân-hành-giả.
- Oai nghi thích hợp là đi,
là kinh hành.
- Đề mục thích
hợp với si-hành-giả là niệm hơi thở
hoặc kasiṇa với đối tượng lớn
cỡ bằng cái soong, cái rỗ...
4- Tính tín
(saddhācarita)
Đặc tính của tín
gần giống với tham, nghĩa là nó cũng thiên
nặng về tình cảm. Trong lúc tham tâm tầm cầu các
khóai lạc giác quan thì tín tâm cầu công đức như
bố thí, trì giới...
Ngoài ra giữa tham và tín:
- Tham không từ bỏ
những gì có hại, tín không từ bỏ những gì có
lợi.
- Cái gì tham có thì tín có, tuy nhiên,
nơi một người có tín thường có tâm trạng
rộng rãi, mong muốn gặp những bậc thánh,
thiện hữu trí thức để tầm cầu
học hỏi, nghe pháp. Họ hồn nhiên, vui vẻ, thành
thực, tin tưởng những gì đẹp, hay, chân
chánh; thích những gì nhằm tăng trưởng
đức tin.
Người có tính tín rất
dễ thân cận với thiện pháp, tâm lý ổn
định, xử sự mọi việc luôn đàng hoàng,
đúng đắn, thường được mọi
người tin tưởng, tin cậy.
Đối với căn tính
tín này, tín-hành-giả khi tu tập:
- Tánh tín là tốt, là thiện
nhưng có gốc tham nên cách đối trị tương
tợ như tham-hành-giả.
- Đề mục
tương hợp với tín-hành-giả là lục
niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng,
niệm giới, niệm thí, niệm thiên.
5- Tính trí (bodhicarita)
Đặc tính của trí giác
gần giống với sân vì trí mạnh, nhanh thường
do thiện nghiệp phát sanh nơi người nhiều
sân.
- Sân ít tình cảm hoặc
lạnh lùng về tình cảm thì trí cũng vậy, tình
nhẹ hơn trí.
- Sân hay tìm lỗi của
người khác - đôi khi lỗi không thực có - còn trí
cũng hay tìm lỗi, nhưng là lỗi có thật. Sân
buộc tội người này người kia, nhưng trí
chỉ buộc tội các hành nghiệp.
- Qua cách nhìn, đi
đứng, ăn nói, sinh hoạt tính trí tương tợ
tính sân nhưng bình tĩnh, ổn định và tỉnh giác
nhiều hơn. Ngoài ra, tính trí dễ nói, dễ dạy, có
nhiều bạn tốt, biết tri túc trong tứ sự,
ưa sự thức tỉnh, vắng lặng, nỗ
lực đúng đắn và mục đích hướng
thượng tốt đẹp.
Tính trí hay tính giác này có
nhiều sáng suốt, tỉnh thức nên tâm ít vọng
động, mơ mộng hão huyền - thường sáng
trong và rất bén nhạy lúc giáo tiếp, ứng xử và
cả sự tu tập.
Đối với căn tính
trí này, trí-hành-giả khi tu tập:
- Ngoại cảnh đối
trị tương tợ sân-hành-giả. Tuy nhiên,
người có tánh trí nghĩa là do có tánh giác nhiều nên
dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh. Đề
mục thích hợp của trí-hành-giả là niệm
sự chết (maraṇānussati), niệm sự vắng
lặng của Niết-bàn (niệm tịch
tịnh-upasamānussati), hay yểm ly tưởng
đối với thức ăn (āhāre
paṭikkūlasaññā).
6- Tính tầm
(vitakkacarita)
Người có tánh tầm
tương tợ với tánh si. Khi si giải đãi, phóng
dật thì tầm tìm kiếm, suy nghĩ lung tung; và cả
ngay lúc làm việc thiện nó cũng bối rối, bất
an. Si dễ nông cạn nhưng tầm thì dễ đoán mò,
thích suy luận, phê phán, đánh giá...
Tánh tầm thích nói nhiều,
dễ hòa mình nhưng thường không tích cực hoặc
nỗ lực hết lòng cho điều thiện; nó ít khi
hoàn tất được một công việc gì cho chu
đáo, toàn vẹn.
Đối với căn tính
tầm này, tầm-hành-giả khi tu tập:
- Không nên ở chỗ rộng
rãi có non xanh nước biếc, vườn, ruộng, ao
hồ, đô thị xinh tươi và thôn làng thạnh
mậu. Ngoại cảnh cũng như trú xứ của tầm-hành-giả
phải là hang động sâu kín hoặc rừng sâu che
khuất, không thế thì phải vách tường ngăn
cách với ngoại giới.
- Đối tượng
của tầm hành giả thì kasiṇa cũng phải
nhỏ, hẹp
- Pháp môn niệm hơi thở
rất thích hợp với tầm-hành-giả.
Nói tóm lại, các bậc trí nói
rằng, tính chất, cá tính dị biệt của con
người là do nguồn gốc tập khí từ nhiều
đời kiếp về trước. Chính hành nghiệp
đã làm việc ấy. Tuy nhiên, chẳng bao giờ có
người thuần là một tánh mà tánh ấy
thường được trộn lẫn hoặc có liên
hệ với các tính khác. Ta có thể biết trong 6 tánh
ấy, tánh nào nhiều hơn, mạnh hơn thì
được xem như ta thuộc về tánh ấy. Và còn
nữa, tham không thể khởi nếu không có si, sân không
thể khởi nếu không có si; riêng si thì có thể tự
khởi một mình. Biết được tánh của mình
thì công phu tu tập sẽ không bị uổng phí vô ích và vì
sự chết nó không chờ ngày giờ!
MINH
ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH